Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.871
 
Bộ ấm trà sáu chén
Trần hữu Lục

… Khi tôi vừa mới bước vô nhà của Chiêm thì bắt gặp mấy anh em đang ngồi quanh chiếc bàn kê thật thấp trên chiếc chiếu hoa. Lát sau Kinh mới bước vô phòng với nụ cười trông thật ngoạn mục, coi bộ hả hê thú vị lắm. Chén trà trên tay Cẩn hơi run:

- A, Kinh, bọn này đang nhắc tới cậu. Cẩn nói xong đứng lên đi lại phía Kinh, Hai tay Kinh vẫn còn dang rộng giữ chặt hai đầu khúc cây, hơi khom về phía trước. Tôi đứng dậy theo Cẩn, sảng khoái vô cùng lúc bất chợt nhìn thấy hình ảnh vừa khốn khổ, vừa cao cả của Kinh, tôi day lại nói với Chiêm.

- Trông Kinh chẳng khác người mang gông cùm. Chiêm cười.

- Giống quá chừng!

 

Tôi đỡ giúp khúc gỗ mục trên vai anh xuống. Chẳng có gì khác lạ ngoài nhánh cây khô cong có rêu phủ một lớp mỏng, trên đó bụi mộc lan vươn lên mấy lá nhọn và dài. Cả bọn đều chưng hửng, trông khúc gỗ mục chẳng ra cái hình thù gì cả. Trong lúc Kinh loay hoay tìm kiếm một chỗ ưng ý để đặt nhánh cây lên thì tôi loáng thoáng thấy ẩn hiện những hình ảnh chập chờn. Có lúc tưởng chừng như một nhành cây khô đứt lìa khỏi thân thể ở một nơi nào đó; có lúc như phất phới của đường bay thịnh trị thời Thăng Long trong sách sử… Ý nghĩ trong tôi như dừng lại với hình ảnh sau cùng. Tôi nghe chấp chới tưởng như được bay bổng trong vùng tưởng tượng đó.

 

Càng nhìn ngắm mải mê, tôi càng vui mừng vì gán được cho nhánh cây khô một biểu tượng. Đúng vào lúc tôi đang say sưa kỳ thú vì hình ảnh vừa gợi ra thì Kinh đã tìm được một chỗ vừa ý. Anh đưa nhánh cây lên ngập ngừng quay qua quay lại như muốn tìm kiếm gì đó. Một lát sau, anh dừng lại ở một vị thế chắc chắn. Anh đi lần tới bên cửa sổ, đặt nhánh cây lên rồi bước lùi lại mấy bước, xoa hai tay vào nhau, cười nói.

- Chừ mời quý vị đặt cho một tên gọi.

 

Tôi nghe Cẩn reo vui, mở miệng định nói gì đó nhưng rồi hắn ta im sửng ngó chăm chăm cái hình thù kỳ lạ treo lủng lẳng bên cửa sổ. Cặp lông mày của Chiêm như xích lại gần nhau trên vầng trán mở rộng, hắn đang tìm kiếm trong ký ức một tên gọi. Hùng gõ chiếc thìa vào tách trà trầm ngâm suy tưởng. Bầu không khí tự dưng như đọng quạnh lại. Mấy phút trôi qua, tôi vẫn chưa nghe một đứa nào trong bọn lên tiếng cả. Ấm nước reo vui ở một góc phòng. Trên khuôn mặt im vắng của Kinh, cả một chuỗi ngày qua rộn ràng loáng thoáng trở về rình rập đâu đó. Nó chực òa vỡ nếu một trong năm đứa bọn tôi lên tiếng. Tôi bước tới đứng sau lưng Kinh, nhìn lại hình thù đó thêm một lần nữa. Tôi bất chợt gây gây da thịt như đang được nhìn thấy rõ ràng quê hương xưa với giấc mơ có rồng bay chờn vờn. Cũng từ hình thù đó, tôi còn thấy quê hương ba miền nối vòng tay lớn.

 

Tiếng động thật dòn của chiếc muỗng trên tay Hùng khẻ vào tách trà làm đứt ngang dòng ý tưởng của tôi. Hắn nhíu mày làm mặt quan trọng.

- Nếu mình không lầm thì Kinh muốn thăm dò chí hướng của tụi này qua cách đặt tên cho khúc gỗ mục đó chứ gì?

Cẩn vuột miệng: Là cái chắc, cái chắc…

 

Sau cái chắc đó, tôi không còn nghe đứa nào nói thêm gì nữa. Dù không thấy rõ nét mặt Kinh lúc đó, tôi cũng lờ mờ phác họa được những ngày tháng lưu vong buồn bã và thiếu thốn. Tiếng nói rộn ràng dõng dạc trong buổi truyền thanh cuối cùng ở chùa Diệu Đế phút chốc âm vang hốt hoảng trong tôi. Kinh day lại ngỡ ngàng nhìn bọn tôi đang cố moi óc tìm một tên gọi ưng ý. Một tên gọi có thể êm đềm, có thể dịu dàng, hung hãn, hằn học hay có thể tục tằn, thanh tao… hay là gì đi nữa thì cũng chỉ phản ảnh một phần nào ước mơ thầm kín trong lòng mỗi đứa. Tôi nói nhỏ với Kinh lúc xoay người đi vào góc phòng:

- Pha thêm một ít trà, tụi mình ngồi quanh bàn cái đã…

 

Sau câu nói của tôi, Hùng ngồi ngay ngắn lại. Cẩn đã rời khỏi cái dáng thẫn thờ lúc đứng tựa vào kệ sách. Chiêm thì đưa tay vuốt tóc mấy lần rồi ngồi xếp bàn hẳn hoi. Kinh cũng tới ngồi xuống bên cạnh Chiêm. Tất cả lại ngồi quanh chiếc bàn kê thấp với những tách trà nhỏ bốc khói. Kỷ niệm cũ lờ mờ, lãng đãng như hơi trà ẩn hình trong đôi mắt lúc tôi cúi nhìn khuôn mặt động vỡ của mình sóng sánh…

 

Kinh ngồi trầm ngâm, nhồi thuốc vào “pipe”. Tôi nghe bầu khí chìm lắng lạ lùng. Chỉ còn vẳng theo gió tiếng động xe lam dưới chân đồi cùng tiếng gọi nhau bên kia rừng thông. Chừng như đã chiều lắm. Tôi nảy ra ý kiến là cần phải đốt trầm vào lúc này. Ý nghĩ đó thôi thúc làm tôi nhớ lại trong một thoáng của buổi đọc thơ. Tôi lấy trầm và đốt lên. Mùi hương thoảng dễ chịu. Trong vẻ yên tịnh và lãng đãng, một giọng nói trầm ấm bất chợt cất lên:

- Thiệt giống như rồng bay.

 

Kinh vỗ mạnh hai tay vào nhau rồi vùng đứng dậy cười khoái!

- Đúng, đúng là rồng bay.

Tôi mừng thầm vì có một lúc hình ảnh đó đã đến với tôi. Giá như Kinh nói câu đó vào lúc trên vai còn mang nhánh cây thì tuyệt. Kinh nhồi thêm thuốc vào “pipe”. Cái dáng ngậm “pipe” của anh trông hấp dẫn lại vừa có vẻ tiêu sái, vừa có vẻ đam mê. Tôi đã bắt gặp cái dáng dấp đó nhiều lần. Thường sau mỗi câu nói ưng ý hay sau mỗi việc làm căng thẳng nào đó thì Kinh lại có những cử chỉ soán sít vội vã với cái ống “pipe”. Tôi nghe vài hơi rít khói ngắn, đứt quãng. Sau đó anh cười thoải mái, ngồi xuống chiếc bàn kê thấp, đưa tay nắn nót mấy đóa hài tiên trên chậu phong lan. Cẩn rót thêm nước từ chiếc bình nhỏ ra mấy tách trà cũng nhỏ xíu. Chưa đứa nào tiếp tục nói gì thì đột nhiên Hùng đứng dậy định bắt tay anh em nói là về vì sắp tới giờ giới nghiêm rồi. Tôi coi đồng hồ thấy đã gần 9 giờ tối. Tôi ái ngại nhìn hắn ta.

- Ngủ lại cùng bọn này đi, con đường ấy thấy ngán lắm.

 

Cùng lúc tôi mường tượng con đường chạy qua nghĩa địa, tối đặc và vắng vẻ. Những mộ bia, những lùm cây, những lũng sâu… chập chờn ẩn hiện. Hắn ta đắn đo một lát rồi lặng lẽ ngồi xuống. Kinh nói nên tắt điện đi để cho căn phòng ấm cúng thêm chút nữa. Câu chuyện trở lại với những ngày tháng cũ của Huế. Về những rực rỡ phất cờ trong nắng, về tiếng nói trầm hùng cất lên cuối cùng ở chùa Diệu Dế, về những ngày lẩn lút trốn chạy đây đó, về anh em vô bưng, đi tù, nhập ngũ…

 

Nửa khuya, tôi nhức đầu nên đành bỏ cuộc họp mặt vui vẻ để đi nằm một lát. Trong cơn váng vất, tôi còn nghe lùng bùng trên đầu giọng Kinh cười sảng khoái.

*

Tôi đã không quên được những cái siết tay thật chặt, những ánh mắt hân hoan, những chân tình gần như phủ dụ của Kinh. Chính tôi cũng không ngờ đêm họp mặt đông đủ anh em đó lại lại buổi họp mặt cuối cùng. Cẩn phải đổi về Huế, Chiêm cũng sắp sửa đi giữ một chức vụ khác ở Tuy Hòa. Kinh và anh em còn lại đều buồn nản. Một vài dự định được phác họa để cố níu kéo lại những vòng tay thân tình. Đúng vào lúc tôi hân hoan vì những phác họa đó thì Hùng hớt hãi ghé lại nhà đưa tin Kinh đã trốn được trong một cuộc hành quân hỗn hợp đặc biệt. Trốn đi đâu thì không đứa nào trong bọn biết được, có điều những nghi ngờ về âm mưu tầm nã Kinh đã làm cho tôi hoang mang không ít. Nhiều giả thiết vây quanh vụ này làm tôi thấy rõ đó chỉ là một đường lối cố hữu.

 

Trong vòng một tuần lễ không được tin tức gì về Kinh, tôi nóng lòng chờ đợi. Tôi ghé qua hỏi Chiêm nhưng Chiêm lại vắng nhà liên miên. Chỉ còn lại những giò lan treo lủng lẳng trên cành mimosa, nhánh cây như rồng bay nằm chơ vơ bên cửa sổ. Qua khe hở của cánh cửa lớn, tôi chỉ thấy được chiếc ảnh bán thân của thánh Gandhi âm thầm phiền muộn. Tôi tần ngần một lát và thấy buồn nản. Hình như tôi nghe mất hẳn cái bầu khí vây quanh chiếc bàn kê thấp với vài ba tách trà nhỏ âm thầm bụi bám và chiếc bình hoa héo tàn.

 

Tôi đứng ngó lơ ngơ bãi cỏ xanh chạy thoai thoải xuống chân đồi thì Hùng chạy xe tới. Hai đứa cùng đưa mắt nhìn lên những chậu lan treo lủng lẳng. Hùng nói nhỏ là muốn đi thăm Kinh không? Tôi không tin nổi hắn ta. “Có đi cà phê thì nói phức cho rồi”. Hắn ta lắc đầu làm mặt nghiêm trọng.

- Đi thăm Kinh thật mà.

- Đi, nhưng có biết chắc chỗ không đã. Hắn phân vân một lát.

- Để hỏi lại cho chắc rồi cùng đi một lượt, chỗ của Kinh coi bộ khó có người chỉ cho tụi mình.

Đợi nán thêm một lát nữa vẫn chưa thấy Chiêm về. Đàn bò ăn cỏ trước bãi xanh đã lần xuống tận chân đồi. Tôi dặn vói Hùng lúc lấy xe ra về. “Để mai rồi đi thăm, nhớ rủ Bửu cùng đi với”.

 

Sáng hôm sau, bọn tôi đến địa điểm gặp Kinh thì sương mù còn âm u che khuất ngôi chùa. Mấy bực tam cấp ẩm ướt đưa bọn tôi vô sân chùa. Chiêm bước đến một gác chuông, gõ nhẹ cánh cửa và đứng đợi. Tôi nhìn quanh. Sau mấy bức tường nghiêng ngửa, tượng Phật còn in đầy dấu đạn ngồi chơ vơ giữa đống gạch vụn. Mái ngói đổ trong cơn mưa bom hồi tết năm ngoái vun thành một cái mộ thật cao. Cả một khung trời sương mù làm chiếc lọng lớn che kim thân của ngài. Hình ảnh đó thật lớn lao và kiên nhẫn vô cùng. Tôi day lại thì bắt gặp bọn Chiêm, Bửu đang vẫy tay gọi tôi lại. Lúc bước đến gần một tháp chuông tương đối còn lành lặn, tôi nghe giọng Kinh vọng ra.

- Quí hóa quá, mời vô.

 

Tôi lách cửa vào. Điều làm cho tôi sững sờ thực sự không phải vì cái gác chuông độc nhất còn lại của ngôi chùa nay trở thành chỗ tạm trú của Kinh, cũng không phải vì nó bị thủng nhiều lỗ lớn để gió lọt vào lạnh buốt mà chính Kinh đã thay đổi chút ít. Bộ râu mép đen rậm ngày nào nay đã được cạo sạch nhẵn. Trông anh trẻ ra ít tuổi, anh cười vui vẻ, chỉ chiếc ghế bỏ trống.

- Ngồi xuống đây nói chuyện cho vui, mấy bữa nay tôi có ý trông bạn lắm.

 

Kinh liếm môi rồi chỉ những lỗ hổng trên vách.

- Đêm nằm nghe gió hú buồn chi lạ, tôi có viết cho bạn một lá thư khá dài nhưng rồi cuối cùng lại đốt đi… Kinh ngừng một lát nhìn tôi cười. Nhưng tôi thấy sáng nay nụ cười của Kinh coi bề cũng hiu hắt thảm đạm.

- Thì chỉ có một việc là mong có người làm chứng cho những ngày như thế này.

 

Tôi xúc động, đưa mắt nhìn những lỗ hổng bừa bộn khó coi, to có nhỏ có như một thân thể bị lở loét và mụt nhọt. Gió lùa vào kêu buồn buồn, làm rung đám màng nhện, lay động mấy tờ báo dán trên tường. Tôi co ro, đưa mắt ái ngại nhìn chiếc chăn mỏng. Kinh đoán biết ý nghĩ thầm kín của tôi:

- Hồi đêm lạnh quá chịu không nổi, nhớ lại những đêm cùng đâu lưng nhau ngủ mà thèm.

Bửu nãy giờ im lặng, day qua nói với Chiêm.

- Chiều nay ông mang thêm cho Kinh chiếc mền bông, đông người còn thấy lạnh huống chi nằm một mình.

 

Kinh vuốt tóc để dấu một thoáng xúc động.

- Ở mãi như thế này thấy cũng hèn người, đó là chưa nói tới những phiền phức khác, mấy bạn hỏi dò tin tức thử. Kinh ngừng lại bỏ lửng câu nói, cúi mặt xuống. Trong bước đường cùng, Kinh vẫn còn sáng suốt. Một phần có lẽ anh vốn quá quen với những ngày tháng như thế này, phần khác Kinh thường giữ được bình tĩnh lúc bùi ngùi nhớ lại cuộc sống lẩn lút đây đó của mình, cuộc sống vô cùng gian nan gắn liền với các mùa pháp nạn. Kinh sống giữa quê nhà mà gần như sống nơi đất trích. Kẻ thù vây quanh chực chờ ám hại. Nhiều lần anh im lặng hẳn trước những biến động, tu thiền và chăm sóc mấy cụm lan, tưởng như đã đoạn tuyệt hẳn với chuyện cũ. Nhưng đằng sau cuộc sống đó, Kinh thường tỏ sự phẫn nộ, nóng chờ một cái gì đó mỗi lúc tiếp chuyện với bạn thân.

 

Tôi gợi ý trước:

- Anh thích mặc áo đen dòng tu hay áo cà sa vàng. Kinh vui vẻ rờ đầu tóc của mình.

- Áo chi cũng được miễn là thoát. Bạn đợi người ở Sài Gòn lên hỏi thử.

Bửu châm một điếu thuốc, góp ý:

- Đợi chắc thấy còn lâu, phải tính chuyện gấp rút, người ta đồn ầm lên là ông Kinh đã được trực thăng đến đón đi rồi, thành thử ở quanh quẩn đâu đây cũng được. Kinh cười thích chí: Nghiễm nhiên mình trở thành một nhân vật cỡ lớn.

 

Cả bọn cùng cười, làm sống lại cái bầu khí thân mật của những ngày anh chưa bị ruồng bố. Kinh nói tới thứ cảm giác kỳ lạ vào mỗi khuya lúc một mình nhìn ngôi chùa điêu tàn vàng lạnh dưới trăng, đám lá vả óng ánh sương đêm làm gợi nhớ bồi hồi một ngôi chùa ở Huế. Kinh nói tới có một đêm anh lần ra khỏi gác chuông đến quỳ lạy dưới tượng Phật và có cảm giác ngài đang đưa tay buồn bã. Tôi xúc động mạnh bởi những hình ảnh vừa gợi ra. Có điều anh không hề nhắc tới nỗi cô đơn của mình vào lúc đó. Tôi đứng dậy nhìn quanh gác chuông.

- Ở đây không ổn một chút nào, nhất là lúc đêm về. Ai cũng có thể đến bắt anh.

 

Kinh đứng dậy bước tới áp người vào cánh cửa nhìn qua khe hở cái không gian bát ngát ở bên ngoài. Vẫn đám lá vả rúng rẩy, bầy chim sẻ đậu trên vai tượng loang lở, mấy dãy tường đen xám, mộ bia xếp thành hàng ở bên kia thung lũng. Tôi nghe tiếng xe lam dưới chân đồi vẳng lại cùng tiếng động máy bay lên xuống từ phi trường phía sau những ngọn đồi. Kinh xoay người lại, nhìn lần lượt từng đứa:

- Làm chi rồi cũng phải thoát, một lối thoát đẹp mắt, chẳng hạn như tìm một việc làm để ngồi tù, lẩn trốn hay đương đầu, đằng nào cũng ngồi tù cả nhưng thà chọn một con đường vinh quang…

 

Lúc bọn tôi ra về, Kinh bối rối muốn giữ lại ít phút nữa. Trong đôi mắt bừng sáng của anh, tôi như thấy lại dòng sông Hương thắp nến trong đêm rằm tháng bảy, hàng phượng vĩ rực rỡ trong thành nội.

Bọn tôi đã ra đến dãy tam cấp rêu xanh phủ từng lớp, tôi biết là Kinh đang nhìn theo.

*

Kinh đã đi khỏi thành phố sương mù. Lần này lại không có đứa nào trong bọn biết cả. Một chuyến trực thăng đáp xuống bãi cỏ vào lúc sáng sớm như Bửu nói, bằng chiếc áo dòng tu như tôi muốn hay bằng một chuyến công xa có sự vụ lệnh hẳn hoi?…

Đấy là lần cuối cùng, tôi gặp Kinh, cũng đã trên 30 năm rồi.

Buổi sáng ấy, tới thăm hụt Kinh, tôi lang thang một mình quanh bờ hồ trong một thứ cảm xúc thoải mái, buồn bã lẫn lộn. Như tôi vừa làm vuột ra khỏi tầm tay chiếc bong bóng của ngày tuổi nhỏ, như sáng nay có nhiều sương mù và lạnh giá hơn. Tôi loanh quanh một hồi vẫn chưa thấy lòng thư thả trở lại. Lúc đi qua nhà Chiêm, tôi dừng lại nhìn vào một lát. Mấy giò lan vẫn còn treo lủng lẳng nô đùa với gió. Khóm mộc lan trên khúc gỗ mục ngày trước đã đâm chồi. Tôi nói với mình trước khi đi, rằng “Tiếc là Kinh không còn ở nán thêm một buổi sáng nữa?”

*

Ông Trần bỗng ngừng câu chuyện và đưa mắt nhìn ông John Smith – người bạn của ông Chiêm đang sống tại Texas (Mỹ). Chiếc bàn đá kê thấp dưới hiên nhà ông. Nơi ấy có thể nhìn thấy tàu bè qua lại trên sông Sài Gòn. Ông Trần vẫn đối ẩm một mình với chiếc ấm trà cũ càng như thế. Nhưng chiều nay là ngoại lệ, ông uống trà cùng với một người lạ – một người từ bên kia bờ đại dương đến. Kỷ niệm cũ lờ mờ, lãng đãng. Ông Trần thấy lại đôi mắt lúc ông cúi xuống nhìn gương mặt của mình trong chén trà động vỡ, sóng sánh. Lúc sau, ông Trần mới cầm gói quà tặng của ông Chiêm do ông John Smith trao lại, giọng nói của ông có reo vui một chút.

- Quí hóa quá, “của tin còn lại chút này…” Tôi vẫn còn giữ được cái ấm trà cũ này. Chỉ tiếc sáu tách trà, cái thì… mất, cái bị vỡ, cái thì sứt mẻ… y như đám bạn tôi vậy.

- Thưa ông, vậy những người bạn ông bây giờ ở đâu? Ông Chiêm rất mong được biết tin tức về họ. Riêng tôi, tôi quan tâm đến “cái ông bị săn đuổi”, ông ấy còn sống không ông?

Ông Trần vân vê cái chén trà bốc khói, trầm ngâm. Ông nhớ lại, nhớ rất rõ cái cách nhồi thuốc vào “pipe” và cái cách uống trà của ông Kinh. Ông còn nhớ cả mùi hương trầm của buổi uống trà cuối cùng hôm ấy. Lát sau, ông Trần vuột miệng: “Sáu anh em tôi như một bộ ấm trà sáu chén vậy”. Rồi ông nói tiếp chậm rãi, trầm buồn:

- Ông Cẩn thì bặt tin, ông Hùng thì nghỉ dạy học đang ở trên Cao Nguyên, ông Bửu đã mất cách đây 2 năm vì bạo bệnh, ông Chiêm như ông biết là đang ở Mỹ. Còn “cái ông bị săn đuổi”, đang tu đâu đó trong một ngôi chùa ở ngoài Trung, và tôi thì đang sống tại Thủ Thiêm.

 

Ông John Smith lấy máy ảnh ra chụp cái ấm trà cũ, nói là sẽ tặng lại tấm ảnh này cho ông Chiêm, rồi ngước mắt nhìn người đối diện:

- Tôi không biết phải nói với ông Trần như thế nào? Nhưng tôi thật ngưỡng mộ bộ ấm trà sáu chén của các ông.

 

Khi ông Trần tiễn người xa lạ ra đến ngoài cổng, ông chợt nghĩ giá như có một ngày nào đó những người bạn ông còn sống sẽ tìm về với nhau và cùng ngồi lại bên nhau trong một buổi uống trà… cuối cùng./.

Trần hữu Lục
Số lần đọc: 2540
Ngày đăng: 17.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Quang Diệu - Trần Thị Huyền Trang
Khoảnh khắc tình yêu - Bích Ngân
Sơn Nữ - Lương Minh Vũ
Đêm trắng của Nam Việt Vương - Đặng Thân
Đối thọai với người nằm nghiêng hay Chào em , anh yêu em. - Nie Thanh Mai
Nghi án Yên Tử - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những miếng tồi tàn - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Ông Bảy - Phan Tấn Lược
Trăng bạc - Bích Ngân
Đêm liêu trai Thượng Hải - Xuân Sách