Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.265
123.156.180
 
Đọc Cõi mê của Triệu Xuân:Hiện thực sâu sắc ,tận cùng nỗi đau ,đầy lòng nhân ái .
Hoài Anh

Tiểu thuyết Cõi mê của nhà văn Triệu Xuân1 tái hiện thân phận con người thuộc năm thế hệ của một gia đình Việt Nam trong thời gian hơn một trăm năm đầy biến động lịch sử. Cõi mê là bước tiến mới của nhà văn Triệu Xuân về nội dung, tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật, khi anh trực diện với vấn đề tha hóa của con người. Thông qua gia đình cụ Nguyễn, Triệu Xuân dựng lại bức tranh toàn cảnh vô cùng sinh động về hiện thực của đất nước hơn một trăm năm, từ khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, nhất là trong hai cuộc kháng chiến từ năm 1945 cho đến khi hòa bình thống nhất, rồi khủng hoảng, tụt hậu, cuối cùng là thời kỳ đất nước Đổi mới. Đây là tác phẩm hiện thực sâu sắc, tận cùng nỗi đau thương, bi kịch cũng như niềm tự hào, vinh quang, là tác phẩm thấm đẫm lòng nhân ái.

 

Trên thế giới, loại tiểu thuyết viết về lịch sử của một gia đình, một dòng tộc trong khoảng một thế kỷ không hiếm. Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez viết về một trăm năm của Colombia, châu Mỹ La Tinh, là một trong những tác phẩm hay nhất của loại tiểu thuyết gia đình. Ở Pháp, bộ tiểu thuyết Gia đình Rougon Macquart của Émile Zola. Gia đình này bao gồm năm thế hệ. Thoạt tiên, tác giả nói về cuộc đời chị Ađelaich Phucơ, chị lấy một tay lưu manh, dòng họ Macca. Chị hóa điên - nguồn gốc của những bệnh tật, đau khổ, điên loạn của con cháu sau này, những người đầy bản năng thú tính, mắc bệnh thần kinh. Trong ngót một thế kỷ, gia đình Rugông và Mácca bị tàn phá, kẻ nghiện rượu và chết, kẻ điên rồ giết người, kẻ khác sa đọa, trụy lạc. Dòng Rugông dần dần leo lên những địa vị thống trị, còn dòng Macca ngày một suy vi. Ý định của Zola giải thích mọi hiện tượng xã hội bằng tính di truyền và huyết thống trong một gia đình. Quá trình thực tiễn sáng tác cho thấy ý định này ngày càng bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng. Cái khung gia đình có tính giả tạo. Sự thật trên 1200 nhân vật của bộ tiểu thuyết tiêu biểu cho mọi giai cấp và mọi tầng lớp xã hội lúc bấy giờ, chứ không chỉ là một gia đình. Tác giả miêu tả những cuộc xâu xé giữa các nhà ngân hàng, sự thống trị tàn bạo của bọn chính khách tư sản, những nơi ăn chơi đàng điếm, giai cấp công nhân đấu tranh chống chủ mỏ, đời sống tối tăm của thợ thủ công v.v… Bộ sách gồm 20 quyển, được Gorki đánh giá là “bản hùng ca của sự xâu xé”.

 

Nhà văn Đức Thomas Mann đã viết về gia đình Buddenbrook, phát triển và tàn tạ như thế nào qua bốn thế hệ. Dòng họ Buddenbrook thuộc thành phần thương gia ở Lubech. Độc giả được theo dõi số phận của họ từ thế kỷ thứ 18 tới một phần lớn thế kỷ 19, và được chứng kiến những đức tính cũng như những tật xấu của cái tập đoàn kết hợp chặt chẽ này. Họ có những nhược điểm làm truy lạc đạo đức, mà còn khiến họ mất cả năng khiếu thiên bẩm về thương nghiệp. Họ có một đức tin mạnh mẽ là gia đình chỉ được phồn thịnh khi mọi ham muốn cá nhân đều nằm trong quyền lợi của “bản hiệu gia đình”. Vị gia trưởng đã viết cho con gái như sau, khi cô này muốn lấy một sinh viên: “Con ạ, chúng ta không phải là những cá thể tách rời nữa mà là những vòng nối trong một dây chuỗi”. Thomas Mann đã cho độc giả thấy rằng dây chuỗi ấy không thể toàn vẹn khi một người trong gia đình chống đối lại áp bức của tập đoàn vì thấy rằng tâm tính mình không thích hợp với công việc buôn bán. Hoặc khi nghệ thuật, triết lý hay âm nhạc xâm nhập vào cái thế giới buôn bán này thì những sợi dây nối kết gia đình cũng không còn giữ vững được nữa.

 

Cuốn Gia đình Forsyle của nhà văn Anh John Galsworthy là chuyện một thế gia vọng tộc Anh ở thế kỷ 19 và 20. Mọi người trong dòng họ Forsyle đều có chung ý thức sâu xa về quyền tư hữu. Chỉ có một thiểu số là chống đối lại cái ý thức đó thôi. Đó là chàng thanh niên John Forsyle thoát ly gia đình để trở thành một họa sĩ; cô Irence duyên dáng chẳng may phải nhập tịch vào cái thế giới đó, và chàng kiến trúc sư Bosinhey đã kiêu hãnh dám thách đố nó. Những sự chống đối này gây nên những cuộc xung đột bi thảm. Rồi về sau, phần lớn những tâm hồn chống đối phải đầu hàng ý thức tham lam tư hữu của bộ lạc Forsyle.

Nhà văn Pháp, George Duhamel viết Biên niên sử của dòng họ Pasquier, gồm nhiều cuốn, mô tả cuộc đời thăng trầm của một gia đình trung lưu xuất thân là nông dân. Dòng họ Pasquier quan niệm gia đình như một “hệ thống tôn ti hữu hạn” buộc người trong gia đình phải phục tùng. Nhưng rồi những nhân vật trẻ tuổi dùng nghị lực của họ vào hoạt động khoa học, tài chính, âm nhạc, kịch trường. Do đó, quan niệm gia đình dần dần yếu kém đi. Trong quá trình đó, lực lượng xã hội giúp sức cho cá nhân nhanh chóng tách rời gia đình.

 

Một nhà văn Pháp nữa là Roger Martin du Gard viết cuốn Dòng họ Thibault. Dòng họ này thuộc loại dân thành thị, sau khi gây dựng được một sản nghiệp đồ sộ, họ khéo léo gửi tiền vào một nơi chắc chắn để sinh lợi. Người cha bản tính độc tài, tự nguyện đứng ra cải cách xã hội và được các giới Gia Tô giáo khuyến khích. Chính đứa con trai nhỏ, Antoine, lại là nạn nhân của một việc cải cách của ông: Cải cách học đường. Sự cải cách đó đem lại kết quả là đứa trẻ chống đối và trốn khỏi trường học. Người con lớn Jacques làm bác sĩ và thành công trong việc tự tạo lấy cuộc đời. Tác giả theo dõi tỉ mỉ sự nghiệp của vị bác sĩ này, có nhiều vấn đề được nêu lên (kể cả vấn đề giết cha vì nhân đạo). Antoine sau này giao du thân thiết với một gia đình theo đạo Tin lành - gia đình Fortanin - và yêu con gái của họ. Qua lịch sử một gia đình, tác giả đã phản ảnh nhân tình thế thái trong đại chiến thứ nhất 1914-1918.

 

Tại Trung Quốc có tiểu thuyết Tứ đại đồng đường của nhà văn Lão Xá, viết về bốn thế hệ cùng sống trong một nhà. Cụ Kỳ đắng cay vất vả mấy chục năm kiếm tiền mua một cái nhà nhỏ ở hẻm Chuồng Dê thành phố Bắc Bình (nay là Bắc Kinh). Con trai Thiên Hựu mở sạp vải. Ba đứa cháu thì hai đứa đã có vợ, cháu thứ ba Thụy Toàn còn đang học cấp hai. Vợ chồng cháu trưởng Thụy Tuyên lại sinh cho cụ cháu trai và cháu gái gọi bằng cố. Khi phát xít Nhật xâm lược, con cả Thiên Hựu không chịu nổi sự làm nhục của kẻ thù, nhảy xuống sông tự vẫn. Thụy Toàn sống trong vùng tạm chiếm Bắc Bình không lâu liền trốn ra khỏi thành phố, sau lại lén về Bắc Bình triển khai cuộc chiến đấu bí mật, chính tay xử tử người yêu làm tay sai cho đặc vụ Nhật, rồi động viên anh cả tham gia chiến đấu bí mật. Chỉ có cháu thứ hai cụ Kỳ, Thụy Phong, không làm ăn chính đáng, chỉ lo ăn diện, tự tư tự lợi, sau trở thành Hán gian, cuối cùng bị giặc Nhật giết. Tác giả thông qua câu chuyện bốn thế hệ một gia đình, miêu tả quá trình biến hóa tư tưởng và từng trải trong đời sống trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Nhật của nhân dân trong vùng tạm chiếm Bắc Bình từ sợ hãi, cầu an đến giác ngộ, phản kháng.

 

Nếu tôi không lầm thì Cõi mê của nhà văn Triệu Xuân là cuốn tiểu thuyết gia đình đầu tiên của Việt Nam không chỉ viết về năm thế hệ của một gia đình sống chung một nhà, mà còn viết về bốn thế hệ của một gia đình khác - gia đình ông Hoàng- song song với gia đình này, từ đó khái quát được dòng tiến triển của cả dân tộc trong hơn một trăm năm, từ khi thực dân Pháp xâm lược đến ngày nay. Nếu như trong các tiểu thuyết gia đình nước ngoài câu chuyện diễn tiến trong cùng một chế độ xã hội, thì trong Cõi mê, các nhân vật đã trải qua sáu chế độ xã hội: Thời cụ Nguyễn Công là Triều Nguyễn, thời cụ Nguyễn Quang Minh, con trai độc nhất của Nguyễn Công, là chế độ thực dân Pháp, tiếp đó là chế độ Cộng hòa Dân Chủ Việt Nam, rồi chế độ Pháp - Bảo Đại, chế độ Mỹ - Ngụy, cuối cùng là chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Trong các tiểu thuyết gia đình nước ngoài, câu chuyện xảy ra chủ yếu trong nội bộ dân tộc, nhưng trong Cõi mê, nhân vật phải tiếp xúc với người Pháp, người Mỹ, người Nga, người Trung Quốc, người Nhật, đủ mọi thái độ chính trị.

 

Các tiểu thuyết gia đình nước ngoài, nhân vật chỉ thuộc vài giai cấp chủ yếu: tư sản, quý tộc, tiểu tư sản… nhưng trong Cõi mê có đủ loại người thuộc nhiều giai cấp xã hội: nho sĩ phong kiến, tiểu tư sản trung lưu, tư sản, công nhân, nông dân, tầng lớp lưu manh, mafia, bụi đời, đĩ điếm, những người cách mạng chân chính cũng như những cán bộ đảng viên bị tha hóa. Bao trùm và khái quát toàn bộ hiện tượng xã hội trong một thế kỷ không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi tác giả phải có tư duy lịch sử sáng suốt và cảm quan lịch sử nhạy bén để theo kịp dòng chảy mạnh như vũ bão của đời sống hiện thực, để vừa thể hiện dòng đời, vừa quan tâm đến số phận từng cá nhân trong tập đoàn, điều mà trong nhiều tiểu thuyết gia đình nước ngoài thường bỏ qua.

 

Tiểu thuyết gia đình của nước ngoài, sự xung đột về ý thức hệ thường chỉ là sự xung đột của ý thức tư hữu với với ý thức tự do dân chủ và vị tha, nhưng trong Cõi mê vừa có sự xung đột giữa ý thức cách mạng với ý thức phản cách mạng, mà ngay trong ý thức cách mạng cũng có sự xung đột: đổi mới, hành động phù hợp quy luật, phù hợp với yêu cầu tất yếu của lịch sử và một bên là nhân danh bảo vệ cách mạng nhưng thực chất là bảo thủ, trì trệ, cản đường lịch sử tiến lên.

 

Với thế hệ cụ Nguyễn Công, cha cụ Nguyễn Quang Minh, cách mạng là chiến đấu chống thực dân xâm lược Pháp và bè lũ Việt gian. Thế hệ cụ Nguyễn Quang Minh, cách mạng là giữ mình trong sạch, tin tưởng vào tiền đồ của cách mạng giải phóng dân tộc. Thế hệ các con cụ Nguyễn Quang Minh: Nguyễn Kỳ Dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Nguyễn Kỳ Hòa tham gia chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ và bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, về hưu với hàm Đại tá. Thế nhưng, trong giai đoạn cuối đời đã bị tha hóa. Nguyễn Kỳ Khoa sống tại Sài Gòn, trở thành một công chức, sau 1975 di cư ra nước ngoài, nhưng lòng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.

 

Thế hệ các con Nguyễn Kỳ Hòa: Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Anh Trung chiến đấu trên chiến trường miền Nam trở thành liệt sĩ. Con gái út Phương Nam có nhan sắc, tâm hồn lãng mạn, cao cả, thông minh. Phương Nam mang trong mình những đức hạnh ưu việt của cha và mẹ. Cô được học hành đến nơi đến chốn, từ nước ngoài về, biết nhìn xa trông rộng, tiếp thu văn minh thế giới, suy nghĩ tìm biện pháp đi tắt đón đầu đưa đất nước tiến liên văn minh hiện đại.

 

Nguyễn Ngọc Bắc là con riêng của Nguyễn Kỳ Hòa với một nữ trí thức Hà Nội. Bắc mồ côi, do nghèo khổ, đã từng sa ngã hư hỏng, nhưng sớm tỉnh ngộ. Bắc quyết tâm làm lại cuộc đời, ham học hỏi, phát huy óc sáng tạo, hội nhập với thế giới, nhiệt tâm làm giàu cho đất nước, là con người giàu tình nghĩa, hiếu thảo, có tình yêu mãnh liệt và trong sáng...

 

Con trai ông Nguyễn Kỳ Khoa là Nguyễn Hùng Tâm không di cư theo cha mẹ mà ở lại thành phố Sài Gòn, chỉ vì yêu thành phố quê hương. Tâm ham ăn chơi nhưng nhạy cảm với thương trường, giỏi tính toán, quyết chí làm giàu, góp phần xây dựng đất nước, làm đẹp quê hương. Ngọc Bắc, Phương Nam cùng với Hùng Tâm là niềm tự hào chính đáng của gia đình cụ Nguyễn. 

 

Chắt đích tôn của cụ Nguyễn tức là cháu đích tôn của ông Kỳ Hòa là Nguyễn Quốc Thăng, con của Nguyễn Anh Trung (đứa con được Nguyễn Kỳ Hòa đưa ra Bắc khi tập kết, sau hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam). Quốc Thăng được gia đình quá chiều chuộng đâm ra hư hỏng, trượt xuống đáy xã hội, trở thành lưu manh, bụi đời, làm tay chân cho trùm mafia. Thằng Thăng gây án, bị bắt, bọn mafia đầu độc giết chết thằng Thăng trong trại giam để bịt đầu mối.

 

Như vậy, vấn đề không chỉ là có giữ vững được truyền thống cách mạng hay không, mà là phải biết suy nghĩ để tiến bước vững vàng trong những thời kỳ cách mạng chuyển sang bước ngoặt. Do đó, diễn biến câu chuyện của Cõi mê không đơn tuyến như trong những tiểu thuyết gia đình nước ngoài (có trung thành với nếp sống tư hữu hay không) mà là phức tuyến, những tuyến này đan xen với nhau hết sức chằng chịt, phức tạp, xung đột gay gắt, đầy kịch tính, tạo thành cấu trúc mở.

 

Song song với gia đình cụ Nguyễn, bốn thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Hoàng - sống ở miền Bắc, vô Sài Gòn sau năm 1975 - cũng có những diễn biến tương ứng. Bố của ông Hoàng là một nhà tư sản giàu có, nổi tiếng ăn chơi đàn hát. Hoàng đi theo cách mạng, trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách quân sự. Sau ngày giải phóng miền Bắc, Hoàng làm Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp một thành phố lớn, rồi lên Thứ trưởng, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Biển, cuối cùng về hưu. Các con ông: Nguyễn Thành Đạt, giám đốc Công ty Dịch vụ biển, đầy tài năng, hợp tác làm ăn kinh tế với nước ngoài, do sơ hở trong quản lý, bị bọn xấu hãm hại, đi tù hai lần, cuối cùng được ân xá nhưng mắc bệnh tâm thần. Nguyễn Ánh Dương, giám đốc Công ty vật tư, cũng bị bọn xấu đánh, phải đi tù, sau được minh oan. Con gái Nguyễn Thành Đạt là Nguyễn Minh Thảo, sau khi du học nước ngoài, đỗ Thạc sĩ, trở thành Giám đốc điều hành khu Du lịch Công viên Văn hóa Dân tộc và Thể thao giải trí Ngọc Viễn Đông.

 

Hai gia đình này lại có những quan hệ chồng chéo với nhau: Do xin việc cho thằng Thăng không được, ông Hòa đã tìm cách trả thù ông Hoàng. Khi Hòa làm thanh tra chống tham nhũng, đã về hùa với bọn xấu, hãm hại Đạt và Dương. Thằng Thăng là người tình của Ngọc Tiên, bồ của ông Hoàng. Đạt con trai Hoàng là người yêu  của Phương Nam, cô ruột thằng Thăng. Phương Nam từng yêu say mê Đạt, con ông Hoàng. Hai gia đình Kỳ Hòa và Ngọc Hoàng tưởng chừng là tử thù truyền kiếp của nhau, nếu không có mối tình tuyệt vời của hai đứa cháu nội ông Hòa và ông Hoàng là Ngọc Bắc và Minh Thảo. Ông Hòa cứ trượt dốc hoài trong cõi mê, phạm những sai lầm kinh khủng, kể cả tội lỗi, đến khi ngộ ra thì quỹ thời gian đã hết mất rồi! May phước cho ông còn có con trai là Ngọc Bắc. Ông Hòa chủ động làm hòa với ông Hoàng. Ông Hoàng độ lượng bao dung. Nguyễn Ngọc Bắc kết hôn với Minh Thảo... Đám cưới của họ tổ chức tại khu du lịch Văn hóa dân tộc Ngọc Viễn Đông như là biểu tượng tuyệt vời của tình yêu, lòng nhân ái, khát vọng tự do… đã chiến thắng sự vị kỷ, độc ác, độc tài, phi nhân… 

 

Trong các tiểu thuyết gia đình nước ngoài, câu chuyện thường xảy ra ở một ngôi nhà, một thành phố hay một vùng quê nào đó. Trong Cõi mê, do hoàn cảnh chiến tranh, gia đình ly tán. Các nhân vật phải di chuyển đến những địa điểm khác nhau, không thông tin liên lạc được với nhau. Người ở lại đô thị miền Nam, người thì tập kết ra Bắc. Người ở hậu phương miền Bắc, người thì vô chiến trường miền Nam… Do đó đã xảy ra biết bao chuyện éo le. Ngọc Bắc con riêng ông Hòa, đi tìm cha, không biết Phương Nam là con gái út của ông Hòa. Nếu hai người yêu nhau, lấy nhau thì đã xảy ra chuyện loạn luân rồi! Đời sống đô thị sau năm 1975, nhất là thời mở cửa, kinh tế thị trường, làm cho người ta xa nhau, vô tình với nhau. Nhà ông Hòa và ông Hoàng rất gần nhau, đấu lưng với nhau mà họ không hề biết nhau, “đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ”. Phương Nam yêu Đạt, bị ông Hòa cấm đoán, trong khi Đạt lại bị chính ông Hòa đánh đến phải đi tù. Ai ngờ sau này, người anh cùng cha khác mẹ của Phương Nam lại yêu và kết duyên với con gái Đạt. Cụ Nguyễn Quang Minh làm thầy giáo nghèo, nhưng đến thời các con cháu cụ lại là những doanh nhân, tỷ phú. Cuối đời, cụ Nguyễn được sống trong ngôi nhà sang trọng, hiện đại mà trước thời đổi mới, trong mơ cụ cũng không tưởng tượng ra được. Ông Hòa ham tình dục đã đành, đến ông Hoàng suốt một đời đấu tranh gian khổ, tậm tâm với sự nghiệp, cuối đời cũng đâm ra “háo ngọt”. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được! Freud từng khám phá ra: con người càng cố gắng ẩn giấu dục tình trong đáy sâu vô thức bao nhiêu thì dục tình càng phá phách nhân cách bấy nhiêu. Xuân Tóc Đỏ từ chỗ nhặt banh sân quần vợt, thoắt một cái thành ông đốc tờ, thành nhà thể thao có hạng, thành bậc vĩ nhân cứu quốc, thì thằng Thăng nghịch tử nghịch tôn, nhặt banh quần vợt, chỉ cần làm tay chân cho bọn mafia đã tiền bạc rủng rỉnh, đến nỗi cụ nó, ông bà nó cũng phải lác mắt. Ở một đất nước đói nghèo, lạc hậu, trải qua trăm năm nô lệ và ba mươi năm chiến tranh ác liệt như  Việt Nam, chuyện gì cũng có thể xảy ra được! 

 

Xử lý những mâu thuẫn chằng chịt như lần sợi chỉ Ariance và gỡ dần từng nút thắt một cách hợp lôgic, hợp nhân tình rồi cuộn lại hoàn chỉnh là một kỳ công! Chúng ta vui mừng thấy Triệu Xuân khá cao tay trong việc gỡ nút câu chuyện, cũng như giải bài toán thời đại trong giai đoạn đất nước đổi mới, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Nhà văn Triệu Xuân nói về tác phẩm của mình: “Thông điệp tôi muốn gửi tới bạn đọc qua Cõi mê là: Thời Đổi mới, con người Việt Nam thật sự đối diện với, sống với Tự do, Dân chủ, những khái niệm xưa nay đã có, nhưng mỗi người hiểu và hưởng theo cấp độ khác nhau! Ngày nay, mỗi người chúng ta phải quý giá, nâng niu, phải đầy lòng tự trọng khi hưởng quyền tự do và dân chủ! Cõi mê là tiểu thuyết viết về sự tha hóa, thông qua việc phê phán con người tha hóa mà tôi ca ngợi con người nhân bản, nhân văn. Tha hóa từ xa xưa là thuộc tính của con người. Có tiến hóa thì tất phải có tha hóa và có tha hóa mới có tiến hóa! Tha hóa cùng với tình yêu là đề tài muôn thuở của văn học. Tôi phanh phui sự tha hóa với tất cả tấm lòng tha thiết với cái đẹp, tôi nâng niu trân trọng những ai vì dân vì nước, vì cuộc sống thanh bình của dân tộc, của nhân loại. Trong Cõi mê, tôi phê phán thẳng thừng và quyết liệt những kẻ quyền cao chức trọng mà tha hóa, những kẻ mang danh trí thức mà tha hóa, những nhà doanh nghiệp mượn gió bẻ măng, nhân thời Đổi mới - pháp luật đang còn nhập nhoạng - để chụp giựt, làm giàu bất chính, bằng mọi giá… Đồng thời tôi ca ngợi hết lời những cán bộ đảng viên, những trí thức, doanh nghiệp, những người dân bình thường, những người dưới đáy xã hội đã sống, làm việc lương thiện, nhân bản… Trong Cõi mê, tôi cũng thẳng thắn cảnh báo rằng trong guồng máy quản lý Nhà nước, trong Đảng, có một bộ phận, một số cán bộ đảng viên tha hóa ghê gớm, nhưng tinh vi, có vỏ bọc chắc chắn, chưa bị lộ.

 

Như thế, muốn chống tham nhũng, muốn sự nghiệp Đổi mới thành công, muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì phải kích hoạt ý thức dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, phải trọng dụng người hiền tài, phải kiên quyết loại thải, cắt bỏ những kẻ đớn hèn, phi nhân cách như cắt bỏ khối ung thư, phải kích hoạt sức sáng tạo và trách nhiệm công dân. Trên hết, phải dùng hệ thống pháp luật để hạn chế, ngăn chặn sự tha hóa về nhân cách, nhất là trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên quản lý đất nước!

 

Trong Cõi mê, có hai nhân vật ám ảnh tôi suốt đời nếu tôi không thể hiện được trong tác phẩm. Thứ nhất là ông Hoàng. Đó là tiêu biểu cho những con người trải qua hai cuộc kháng chiến, tài năng, sung sức, vô cùng nhiệt tâm với sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Thế nhưng, Hoàng suốt đời không bao giờ được phát huy tối đa thế mạnh tài năng và tâm huyết của mình! Hoàng khổ vì có trí tuệ và tình cảm. Hoàng là típ người mà nếu không được làm việc, không được cống hiến cho nhân dân thì thà chết cho rồi! Trong xã hội ta hiện nay có biết bao nhiêu người như Hoàng. Giá gì những người ấy được trọng dụng, được chắp cánh, thì chắc chắn dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh! Nhân vật thứ hai mà tôi rất cưng là Ngọc Bắc. Ngọc Bắc là con của một bác sỹ giỏi tại chiến trường, đã hy sinh sau ngày giải phóng khi cứu dân ở vùng A Sầu A Lưới. Cha dượng của Bắc là một trí thức từ thành Huế lên chiến khu, bị nhiễm chất độc hóa học, sau giải phóng sống khổ sở rồi chết thảm hại. Bắc côi cút phải tìm về Hà Nội sống với ông bà ngoại. Rồi, vì sỹ diện, Bắc lao vào kiếm sống bằng mọi giá, từng bị tù tội vì tội ăn cắp. Thế mà… Do thời thế thay đổi, Bắc ý thức được chí làm trai, đã tự học tiếng Anh, tự học lái xe, học đại học… Nhờ kiếm được chân chạy Taxi tại khách sạn Metropol mà quen biết với một doanh nhân nước ngoài… Cơ duyên đến với anh, Bắc trở thành người môi giới mua và thuê máy bay cho hãng hàng không quốc gia thời Việt Nam còn bị cấm vận… Rồi Bắc trở thành một doanh nhân cỡ bự, giỏi tiếp thu khoa học quản lý, biết hòa nhập với thế giới, làm được những chuyện mà thời bao cấp có mơ cũng chẳng dám! Ngọc Bắc là hiện thân của giới doanh nhân, trí thức trẻ của Việt Nam tận dụng được thời cơ mà phất lên một cách chân chính. Đó là nhờ công cuộc Đổi mới do Đảng lãnh đạo. Khi Ngọc Bắc gặp Minh Thảo, cặp trai tài gái sắc này trở thành điển hình của tuổi trẻ Việt Nam ham sáng tạo, ham học hỏi, sống lành mạnh. Họ là điển hình của lớp doanh nhân mới, cũng là điển hình của tình yêu đôi lứa Việt Nam, thời kinh tế thị trường mà vẫn giữ được vẻ đẹp trong sáng, thủy chung; niềm khát khao tình dục vô cùng mãnh liệt nhưng rất đẹp và vô cùng lành mạnh”.

 

Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez là một mẫu mực thành công về việc mượn lịch sử một gia tộc để phản ảnh lịch sử, thành tấm gương chiết xạ hình ảnh rút gọn của châu Mỹ La Tinh. Một trong những nhân vật chính là đại tá Buendia đã tham gia cuộc nội chiến, phát động 36 cuộc khởi nghĩa vũ trang, cùng 17 tình nhân sinh 17 đứa con, trong một đêm bị thảm sát, diệt vong. Đại tá Hòa ở Cõi mê, đã tham gia đánh Pháp, đánh Mỹ, có hai bà vợ, một người tình, có bốn con đẻ và một con riêng, trong đó có bốn người con và cháu hy sinh trong chiến tranh. Khi được hỏi nguyên nhân sự cô đơn của gia đình Buenđia trong Trăm năm cô đơn là do đâu, Marquez trả lời: “Tôi nghĩ rằng do thiếu tình yêu. Buenđia không có khả năng để yêu - chính ở đây chứa đựng sự cô đơn và bất hạnh của ông. Đối với tôi tình cảm cô đơn hoàn toàn đối lập với tình đoàn kết”. Gia đình Nguyễn Kỳ Hòa cũng ham mê nhục dục như gia đình Buenđia, nhưng không đến nỗi diệt vong, chính vì tình yêu của Kỳ Hòa với hai người vợ, một người tình là Thanh Lịch, Hải Yến và Việt; tình yêu của Trung với Thiên Trang, tình yêu của Phương Nam với Đạt rồi sau là Nghĩa. Tình yêu của Ngọc Bắc với Minh Thảo đã cứu cả gia đình này. Trong hơn một trăm năm qua, dân tộc ta đã bao lần đoàn kết với nhau để đánh giặc và xây dựng đất nước. Ngay sau ngày giải phóng, ông Khoa là em trai ông Hòa đã ra nước ngoài định cư nhưng vẫn giữ vẹn tình yêu quê hương, dân tộc. Con ông Khoa là Hùng Tâm kiên quyết ở lại Sài Gòn, đoàn kết với toàn dân để xây dựng đất nước. Gia đình không tan vỡ, gia đình là tế bào của xã hội. Trong Cõi mê, hơn một trăm năm qua, dù có lúc mất nước, đau thương, nhưng dân tộc ta không cô đơn là nhờ sống trong tình đoàn kết đồng bào đồng chí. Người Việt Nam còn được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ, đạt được thành công chưa từng có trong lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc.

 

Khi được hỏi về vấn đề thể hiện tình dục trong Cõi mê, Triệu Xuân trả lời: “Tình dục muôn đời vẫn là niềm khát khao mãnh liệt và vô cùng chính đáng của con người. Nếu ai phản bác điều đó thì một là đồ mộc thạch (gỗ đá, nói như các cụ) và hai là… đạo đức giả. Phàm là những cái gì chân chính mà con người khao khát thì không xa lạ đối với tôi. Tôi chỉ viết về sinh hoạt tình dục theo đúng tính cách nhân vật, nhân vật tha hóa thì sinh hoạt tình dục trụy lạc, nhân vật tiến hóa thì sinh hoạt tình dục mãnh liệt mà cao đẹp, lành mạnh. Nhân vật mà tôi cho là biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam thời nay thì yêu đương theo cách tuyệt vời như Ngọc Bắc và Minh Thảo. Tôi không kích dục! Với người bình thường, lành mạnh, đã dục thì việc gì phải kích! Chỉ có những kẻ bệnh hoạn mới phải coi phim con heo! Cần phải hiểu tình dục theo con mắt nhà khoa học. Có nhiều bạn đọc Cõi mê viết thư hoặc trực tiếp khen tôi là: Viết bạo lắm, bạo hơn cả Mạc Ngôn và Máckét, nhưng rất hợp logic và tính cách nhân vật. Tôi không bao giờ dám so sánh mình với ai. Tôi là tôi, tôi viết với tất cả dũng khí và với tất cả tấm lòng.

 

Đã là con người thì phải sống cho đáng con người. Đam mê nhục dục mà không trụy lạc, không phạm thuần phong mỹ tục, không phạm pháp, không phương hại đến bầy đàn, không phương hại đến xã hội, không phá vỡ hạnh phúc của người khác thì… đâu có chết thằng Tây nào!”.

 

Trăm năm cô đơn của Marquez đã phân biệt tình dục tiến hóathoái hóa: Tính ham mê nhục dục của cha con nhà Buenđia làm cho dòng họ thêm đông đúc, nhân khẩu trấn Macondo tăng vọt, con đẻ, con riêng, con nuôi tiếp nối sinh sôi nẩy nở không ngừng, ngay cả đàn gia súc họ nuôi cũng dồi dào hưng vượng. Chỉ có loạn luân mới sinh con quái thai, làm cho dòng họ tuyệt diệt, thị trấn biến mất. Theo tôi, nhu cầu sinh lý thuộc về bản năng sinh tồn của loài người, cần phải đối đãi với  nó một cách khoa học, thực sự cầu thị. Nhà văn Anh D. H. Lawrence trong Người tình của bà Chatterley nhấn mạnh mối liên hệ nội tại giữa tính dục và văn minh công nghiệp, nhân tính lành mạnh, tiến hành sự thăm dò táo bạo và miêu tả triệt để. Trong tiểu thuyết, hai thế giới đối lập: Chatterley đại biểu cho chế độ gia tộc, cứng đơ, thối nát và công nghiệp cơ khí lạnh như băng, bệnh liệt của ông ta tượng trưng cho sự tê liệt của thế giới đó, tượng trưng cho sự tê liệt về tâm lý và tình cảm của thành viên sống trong thế giới đó. Mellors lại tượng trưng cho sức sống và sinh mệnh, tượng trưng cho sự phục nguyên của khí dương cương, anh ta vừa có thể nói tiếng Anh đúng tiêu chuẩn mà trong xã hội văn minh tất không thể thiếu vừa có thể nắm vững một ngôn ngữ thô tục mà người “dã man” sử dụng. Từ trên hai ý nghĩa đó mà nói, anh ta là tượng trưng cho cho con người “văn minh” trong xã hội công nghiệp. Trong hai thế giới đối lập đó, bà Chatterley quyết tâm chọn cái sau. Lawrence thông qua Người tình của bà Chatterley nói với mọi người: tính dục hoàn mỹ vừa là nguồn suối của sinh mệnh, vừa là sự vật duy nhất đáng tôn sùng trên “đồng hoang” hiện đại, nó tượng trưng cho sự sống lại của sinh mệnh và sự trở về của nhân tính. Ông đạt tới cao độ nghệ thuật khi diễn tả xung đột giữa lương tâm có ý thức và những sức thúc đẩy thầm kín, áp bức luôn luôn hoạt động trong tiềm thức con người. Ông cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề tình dục trong đời sống tâm lý và mối quan hệ giữa con người. Ông viết: “Tôn giáo của tôi là niềm tin vào máu, vào thịt, vì máu và thịt khôn ngoan hơn trí não. Tất cả cái tôi đang cần là trả lời trực tiếp cho máu của tôi, không hề có sự can thiệp vớ vẩn của trí não hay cái gì khác nữa. Tôi quan niệm thân xác đàn ông như một loại lửa, giống một cây nến, luôn luôn đứng thẳng và chảy giọt, còn trí não thì đúng như ngọn lửa đang tỏa ánh sáng vào những vật chung quanh”. Bóng tối mà ông bí ẩn nói đến là bóng tối nội tâm của vô thức, giếng sâu của đời sống bản năng. Năm 1928, chính phủ Anh cho Người tình của bà Chatterleydâm thư bị cấm phát hành. Năm 1960, chính phủ Anh đã thu hồi lệnh cấm này! 

 

Thiết tưởng nay là năm 2006, chúng ta không thể ấu trĩ như năm 1936, khi nhiều báo lên án tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là dâm thư. Từ sau 1954, tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại không được nhắc đến một thời gian dài, mãi đến thời kỳ Đổi mới mới được in lại. Những năm 60 của thế kỷ 20, người ta lên án những cuốn tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu, Sương tan của Hoàng Tiến vì có miêu tả những cảnh làm tình, nhưng lập lờ gán cho nó cái tội là “tự nhiên chủ nghĩa”- trong khi chủ nghĩa tự nhiên lại miêu tả chi tiết hiện thực với tinh thần khoa học thực nghiệm! Cõi mê không hề nhằm mục đích kích dục mà là thông qua sinh hoạt tình dục lành mạnh cũng như nhục dục thấp hèn để khắc họa sinh động tính cách, tâm lý nhân vật và thể hiện những băn khoăn đích thực về vấn đề bản tính con người. 

 

Bây giờ bàn về việc tổ chức chi tiết trong Cõi mê. Trong xã hội ta hơn một trăm năm qua đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện thần kỳ, nhiều tình tiết éo le ly kỳ mà thông thường không sao tưởng tượng nổi. Triệu Xuân không cần dùng đến phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hay thủ pháp đảo ngược thời gian mà vẫn viết theo phương pháp hiện thực và tuân theo trình tự thời gian.

 

Gabriel Garcia Marquez viết: “Các nước Caribes không thuần túy là một khái niệm địa lý và là một vùng đất thuận dạng về văn hóa. Ở đây những yếu tố tín ngưỡng nguyên thủy địa phương và tục thờ cúng các thế lực huyền bí - có từ thời châu Mỹ chưa được người Âu phát hiện - hòa lẫn với các yếu tố của nhiều nền văn hóa khác nhau, kết quả là tạo nên một thể hỗn dung huyền ảo mà sức mạnh và hiệu năng sáng tạo là vô tận. Ở ngã tư này của thế giới, cảm giác tự do vô hạn được rèn đúc, cái thực được bén rễ sâu, không thần thánh, luật lệ nào cai quản nổi. Ở đây mọi người dân đều cảm thấy mình có thể làm được tất cả nếu muốn, không có bất cứ sự hạn chế nào. Một người có thể tối đi ngủ còn là kẻ cướp, sáng ngủ dậy đã là vua, những tay khổ sai vượt ngục biến thành đô đốc, những ả gái điếm - thành tỉnh trưởng và ngược lại”.

 

Nếu theo Marquez: “Bản thân thực tại đã huyền ảo” thì trong một trăm năm qua theo Graham Greenne: “thế giới đã biến đổi sâu sắc, hoàn toàn khác hẳn”. Nếu Tản Đà từng viết: “Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê”, thì Tisngghiz Aimatov cũng viết: “ Một ngày dài hơn thế kỷ”. Trong Cõi mê đúng là có khi một ngày dài hơn thế kỷ, khi cụ Nguyễn Quang Minh nhìn lại cuối cuộc đời hơn trăm năm của mình, đứa chắt nội phản bội lại truyền thống gia đình. Ông Hòa, ông Hoàng, từng đắm chìm trong cõi mê, chạy theo ham hố bản năng, trải qua biết bao lần một ngày dài hơn thế kỷ, cuối đời mới ngộ ra thì quá trễ rồi! Quỹ thời gian cạn rồi! Đạt, Dương, Hùng Tâm, Phương Nam, Ngọc Bắc, Minh Thảo đều đã phải trải qua một ngày dài hơn một thế kỷ để chọn con đường đi quyết định số phận cả đời mình. Trên tinh thần đó, Cõi mê là tiếng chào mừng, tôn vinh Con Người qua suy nghĩ, đấu tranh nhằm thoát khỏi cõi mê trong hơn trăm năm qua để trở về cõi thực -  nơi tình yêu, lòng nhân ái nở hoa và bừng sáng!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9-2006.


1 NXB Hội Nhà văn, in lần đầu năm 2005. Tái bản tháng 3-2006.

Hoài Anh
Số lần đọc: 4329
Ngày đăng: 19.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương là cả cuộc đời - Trần Nhã Thụy
Từ một áng thơ Đường đến với một tập thơ đương đại - Thái Anh
Có một Quỳnh Giao “Tiền chiến” - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ tác giả ‘Cánh chim Phù Đổng’ với điếu văn tạ lỗi muộn màng - Nguyễn Tý
Nam Trân với Huế - Nguyễn Khắc Phê
Người không ai thay thế được . - Nguyễn Khắc Phê
Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ “CẢNH & TÌNH” của tác giả Lâm Văn Lan - Nắng Xuân
Nghe “Tiếng chim báo nước” của Lê Tân - Nắng Xuân
Một “ Chỗ đứng ” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam . - Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn Chu Hồng Hải - Từng là công nhân gang thép - Nguyễn Đức Thiện