Tôi kể một kỷ niệm về đi câu. Một kỷ niệm đáng nhớ nhưng bạn đọc có chút văn chương xin chớ vội cười. Cái vụ cá mú này, Ơ. Hêminuê viết quá hay cần gì phải nói. Bố tôi có kinh nghiệm về nghề câu, tôi thì không. Tuy vậy, những bí mật về nghề câu tôi đều biết. Những bí mật ấy có dịp tôi sẽ kể. Bây giờ chỉ là chuyện đi câu. Bố tôi có bốn mươi năm làm nghề câu cá hanh, một loài cá có tiếng ngon, bổ dưỡng và “khôn ranh không bằng cá hanh nước lợ”. Vào những ngày nắng trong, đứng gió, câu được loài cá này không phải dễ. Nếu thả mồi tôm như thường lệ chúng sẽ cười cho. Dẫu là cá, cũng biết tìm món thích - Bố tôi rành chuyện ấy. Đôi khi cả tuần, thậm chí mười ngày nửa tháng, bố phải ăn cơm gạo lức, muối vừng. Tuyệt đối không dùng thêm bất kỳ loại rau hay hoa quả nào khác. Cho đến lúc “đi ngoài” vón như viên thuốc tể, một loại tể có màu vỏ nhãn, tròn đều. Ém lưỡi câu vào đấy rồi buông cước. “Mồi” cứ thế bập bềnh bập bềnh ra xa, thông thường cách năm mười sải tay đã nghe một tiếng “ bập”. Đấy là lúc cá hanh đã cắn mồi. Chưa vội kéo mà đòng cước theo chiều cá bơi, thấm mệt, chú hanh nổi bụng trên mặt nước.
Chuyện như thế thì tôi chẳng kể làm gì. Hôm ấy là một ngày thật lạ, trời trong leo lẻo, từng đụn mây xốp rộp bay là đà bên kia dãy Trường Sơn. Bố vấn thuốc, tôi buồn tay cũng vấn một điếu, điều này chẳng hay ho nhưng bố không nói gì. Mỗi lần tôi vấn thuốc, bố cứ nhìn khắp mình tôi như thể tìm kiếm điều gì, tôi chẳng vì thế mà nghĩ ngợi. Ở quãng sông vắng lặng này, hai bố con đôi lúc như bạn bè mà thôi, tôi biết nhiều chuyện của ông phần lớn trong hoàn cảnh như thế. Bỗng chiếc xuồng lắc mạnh, một tiếng “bập” khác thường, nước bắn tung tóe. Bố buông cước, sợi cước căng đều, nặng trịch nhưng không có dấu hiệu gì gấp gáp. Trời đã chuyển sang vần vũ, chim trốn rét từng bầy bay quang quác mặt sông, dự báo một trận mưa lớn. Bố đòng dây không căng thẳng cũng không vội vã gì. Con cá dù lớn cỡ nào phía mép miệng vẫn là nơi nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Nơi ấy đã dính lưỡi câu nên toàn thân nó phải ngoan ngoãn. Tôi phụ rê mũi xuồng cố tình “dìu vật thể” vào phía bờ. Tất cả phải kết thúc trước khi trời tối.
Ở cửa sông vài chiếc tàu đi biển đã về, bố tôi phát hiệu cần trợ giúp. Một chiếc trong số ấy đã tới cùng bốn ngư phủ mình trần trùng trục. Họ trao đổi với bố tôi và thống nhất dùng mũi nĩa đâm xuyên con cá sau đó dùng dây trục lên. Phương án thống nhất, mũi lao đầu tiên được phóng xuống, mặt sông cuồng cuộn bùn và máu. Cuộc vật lộn nhanh chóng kết thúc. Kết quả thật tồi tệ, mũi lao nhẹ hều, nĩa ba gãy mất hai, mũi còn lại cong hình chữ S.
Mấy hôm sau nơi cửa sông người ta thấy xác một con đuối bông khổng lồ, nhiều vết thương trên lưng còn rỉ máu. Loại cá này thịt độc, giá rẻ. Đặc biệt cái đuôi của nó rất lợi hại, không may bị quất vào xem như thúi thịt, giết chết cả một con trâu mộng như chơi. Năm nào đuối bông xuất hiện ở vùng nước lợ này là có điềm xui, hoặc mất mùa hoặc lụt bão lớn. Ngư dân chôn cất đuối bông theo nghi thức vùng biển như đã từng chôn cất các loài ngư lụy. Bố bỏ nghề sau đó không lâu, tôi xuôi Nam lập nghiệp thấm thoắt đã gần hai mươi năm.
Bình Chánh 4.2005