Gia đình chế Quỳnh sống trên ghe và là một thành viên trong xóm từ lâu lắm. Mỗi khi trong xóm có việc hoan hôn tang tế hay cất nhà… thì ghe hàng nhà chế Quỳnh hôm đó cũng không đi bán xa. Ba chế Quỳnh hoặc có khi là chế Quỳnh ở lại để giúp hoặc dự đám. Khi lớn lên tôi đã biết gia đình chế Quỳnh sống trên chiếc ghe hàng bán tạp hóa ấy, chiều chiều vẫn về ghé bến sông, dưới tàn cây gừa nằm de ra mặt nước. Người trong xóm biết giác ghe tạp hóa về nên đến mua ít dồ lặt vặt, bởi xóm xa chợ và đường đi bộ lúc ấy còn khó khăn. Khách mua hàng, khi là gói bột ngọt, gói tiêu, mì gói, đường, muối… cả dầu lửa đốt đèn, thuốc hút, nhang muỗi…
Chế Quỳnh tuổi lớn hơn tôi và không biết, có phải vì thường ghé bến trước nhà tôi không mà chế Quỳnh mến tôi nhiều hơn mấy đứa cùng trang lứa trong xóm. Thi thoảng chế Quỳnh cho tôi mấy cục kẹo mà chế nói là loại kẹo mới ra, ngon lắm! Khi chế lại cho củ khoai mà chế luộc hồi trưa. Ý nói chế đã để dành cho tôi. Nhiều buổi trưa tôi cũng tha thẩn trong vườn bẻ cho chế những thứ trái cây quê mùa trong vườn như trái cóc, trái ổi, vài trái me, trái chuối, có khi cả trái mít đèo chín trên cây.
Tôi và chế Quỳnh ngày càng thân hơn. Nhưng với bác Tư – ba của chế Quỳnh thì tôi rất ớn, dù bác cũng thường tìm cách hỏi chuyện tôi. Điều tôi ớn nhất là con mắt mù bên trái của bác Tư với một vết sẹo vắt chéo từ chân mài bên trái xuống sóng mũi. Mà không hiểu sao, bên con mắt mù của bác Tư lại thường hay co giật, càng gây thêm sự chú ý cho người đối diện. Hàm râu quai nón của bác Tư trên khuôn mặt ấy càng làm tôi càng thêm ngán mỗi khi bác Tư gọi tôi để hỏi chuyện.
Nghe nói, hồi Pháp, hồi Tây nào đó xa xưa lắm, bác Tư một thời từng là tay anh chị đứng bến. Một trận thư hùng giành mối làm ăn đã để lại vết sẹo, làm mù mắt bên trái và trận thập tử nhất sinh đó khiến bác lặng lẽ từ giã chốn giang hồ, lui về xứ này làm thuê làm mướn nuôi thân.
Trước, bác Tư cũng có một túp lều nho nhỏ trên bờ kinh. Thuở mới gặp bác gái đang lúc tứ cố vô thân, cùng cảnh nhà nghèo, mẹ cha một đời làm thuê làm mướn. Nhưng túp lều của bác Tư cũng phải nay dời mai đổi bởi đất cũng là đất của người dưng. Lúc trống trải người ta cho mượn ở, khi cần dùng thì người ta lấy lại. Và, cứu cánh sau cùng là chiếc ghe đã qua nhiều lần đắp vá, sửa chữa này. Ban đầu, ghe không nhiều hàng hóa như bây giờ, bác vừa bán hàng rong vừa làm thuê, làm mướn. Làm mướn theo mùa ruộng, từ việc làm cỏ đám mạ, phát - cào - chế – cấy và rồi là gặt, cộ lúa… ai mướn gì làm nấy miễn đủ cơm ăn, qua ngày.
Từ lúc bác gái mất sau một đêm bệnh dữ, ít khi thấy bác Tư nhận làm thuê cho ai, tối ngày thui thủi trên ghe. Có lẽ, một phần bác nhận bến sông này làm quê hương, nơi bác Tư dừng bước giang hồ, làm lại cuộc đời gặp được nửa phần đời còn lại của mình và cũng là nơi người bạn đời ấy gởi lại hình hài trên mảnh đất này, vĩnh viễn.
Điều sau cùng, ấn tượng khó phai trong lòng tôi cho đến bây giờ không vì cuộc đời riêng đầy sóng gió, không vì khuôn mặt ngầu của bác Tư mà vì một lời nói làm tôi khó hiểu, đến bây giờ. Một chiều mẹ tôi biểu xuống ghe hàng mua tiêu, tỏi gì đó, đã quên. Ghe lúc đó chỉ có bác Tư thôi, chế Quỳnh đi đâu vắng. Hôm đó chắc vui bác Tư hỏi, bộ mặt bác thấy ghê lắm hả? Tôi không dám trả lời, bởi câu trả lời nào cũng khó đối với tôi lúc này. Bác Tư nói luôn, tấm lòng con người ta nằm bên trong, chớ không phải bên ngoài - vừa nói, bác Tư vừa lấy cái nắm đấm tay vỗ vỗ lên ngực bên trái, chỗ trái tim - Bên ngoài chỉ là cái hình thức tạm bợ, cái nhất thời. Bác thương mày cũng như con Quỳnh vậy thôi, có gì mà ngán! Ạ! Sao? Con mắt này hả? Có gì đâu! Con mắt hư thì mình khỏi mắc công ngó, mà chỉ còn một con mắt nên bác nhìn đời rõ hơn đó chớ! Thiệt tình, tôi chẳng hiểu được một lai, nhưng bác Tư không ngừng lại. Cuộc đời có hai bề, bề đen - bề trắng. Bác nhắm con mắt này thì thấy cuộc đời màu đen, bởi con mắt kia hư rồi. Nhưng nhìn con mắt bên đây thì cuộc đời vẫn còn sáng sủa, tự nhiên. Thấy hôn, nhờ hư con mắt nên bác nhìn cuộc đời rõ hơn. Người khác làm như bác, sao được!
Lời bác Tư chẳng biết thật hay đùa. Mà dù thật hay đùa tôi cũng đều không hiểu. Bác lại nói, lúc rảnh, mày xuống ghe chơi với chế Quỳnh cho có bạn, nó long rong theo ghe tối ngày không có bạn, cũng buồn! Bác Tư kêu tôi xuống ghe chơi là điều làm tôi hăm hở nhất. Kỳ thật, tôi muốn biết sống trên ghe cảm giác ra làm sao.
Ghe nhà chế Quỳnh gọn gàng hơn tôi nghĩ. Những vật dụng cũng như hàng hóa trữ để bán để bên dưới sạp ghe. Chế Quỳnh đã quen miếng ván nào thì bên dưới là vật dụng hay hàng hóa gì. Cho nên ghe chứa rất nhiều hàng mà nhìn vẫn trống trải. Hai bên vách của mui ghe lợp bằng lá buông, treo lủng lẳng những món hàng bên cửa sổ để trưng hàng. Phía trước mũi ghe là những hàng tươi như khoai, bí, bầu, dưa leo và thường thì trước mũi ghe cặm một cây sào treo lủng lẳng món hàng đang có dưới ghe như khoai lang, bắp, hoặc bí, bầu… Sau ghe là khoảng trống của nhà bếp gọn gàng với một khạp chứa nước ngọt và chiếc bếp dầu. Bữa cơm thường đơn sơ với rau cải sẵn trên ghe và cá từ những tai lưới chế Quỳnh giăng mỗi khi ghé ở bến nào quen trong ngày.
Tôi nằm lăn quay trên sàn ghe nhẵn bóng đã lên nước đen ngòm. Chiếc ghe lúc lắc, chao nghiêng. Thế giới gọn gàng, nhỏ nhắn này của chế Quỳnh có lẽ cũng chẳng lúc nào yên ắng. Chế Quỳnh luộc khoai lang đãi tôi và khi khoai chín ngoài trời cũng lắc rắc mưa. Tấm cao su hai bên vuông cửa sổ buông xuống, khoang ghe ấm hơn bên nồi khoai lang bốc khói. Vừa ăn chế Quỳnh vừa nói chuyện, trong nhiều mơ ước của chế Quỳnh, là một khoảnh đất để có nơi đi về.
Chế nói, nữa bác Tư có trăm tuổi già, ghe chế chắc sẽ neo đậu lại ở bến nào, xa lắm! Nơi đó, nếu có đi bán trên ghe như thế này, thì chiều về, trên bến sông, cũng có một mái nhà nho nhỏ của riêng mình. Cuối cùng, ai cũng mong có một nơi dừng, gởi tấm thân…
Mãi mê nói chuyện, trời giông mưa lớn, ghe vuột dây lúc nào không biết, trôi tận ngã ba sông. Tôi cuống cuồng bởi lần đầu trên ghe chao đảo giữa bốn bề sóng to gió lớn. Chế Quỳnh nhanh nhẹn bò ra mũi ghe, dùng sào cố giữ ghe cặp bờ, dừng lại. Thật khó khăn và lâu lắm chế Quỳnh mới kềm được chiếc ghe vào sát bờ. Chế Quỳnh bò vô ghe mình mẩy ướt đầm, bộ đồ mỏng dánh dán dính da và những giọt nước còn chảy lòng ròng trên má, trên môi. Chế đến gần nhìn sát mặt tôi cười rồi hỏi, sợ không? Ngập ngừng một chút rồi tôi cũng chỉ gật đầu, không nói. Chế Quỳnh cười, nói có chế đây mà sợ nỗi gì, ghe có chìm thì cũng chết chung! Nói chơi vậy thôi, biết lội, biết bơi chết làm sao được. Ê! Mà đừng nhìn chế vậy, nhỏ ơi!
Một lần này thôi trong đời, tôi hiểu thế nào cảnh trôi sông, lạc chợ…
*
Nhân công cưa bỏ cây gừa ngã ngọn ven sông lúc làm giao thông nông thôn, nối liền xóm tôi ra chợ. Bến sông quê không còn và con sông nhỏ trước nhà bỗng thẳng thóm, quang đãng, có thể nhìn thật xa từ hai bên bờ sông trống trải. Tuyệt nhiên, không còn nhìn thấy bóng dáng chiếc ghe hàng tạp hóa của chế Quỳnh. Nghe kể, bác Tư đã mất. Bác mang theo cuộc đời nửa trắng - nửa đen từ đôi mắt không còn nguyên vẹn của mình nằm lại khoảnh đất sau lưng chùa Phật tổ. Người trong xóm nhìn thấy chiếc ghe hàng tạp hóa của chế Quỳnh đậu sau lưng chùa Phật tổ lần đó là lần sau chót.
Chắc chỉ mình ên tôi biết chế Quỳnh sẽ neo đậu đời mình ở một bến nước nào, xa lắm như có lần chế đã nói với tôi. Tôi không rõ, nhưng ở đó, có phần đất nho nhỏ cho một mái lều ven sông và cái tiệm tạp hóa của chế cũng có dịp dừng chân, ghé bến. Không biết, với chế Quỳnh nên gọi là mơ ước nhỏ nhoi hay to lớn của một đời người?
Cuộc đời có bên trắng – bên đen và ước mơ một khoảnh đất nho nhỏ để dừng chân, gởi gấm cuộc đời khiến tôi không thể quên hình ảnh chiếc ghe hàng lênh đênh của chế Quỳnh chiều nào trên ngã ba sông…
Bạc Liêu, tháng tám, hai nghìn linh sáu