Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.163.242
 
Nhịp nối thời gian
Lương Minh Vũ

Lão nhận ra người đàn ông ấy, khi ông ta vào làng Rồng với bộ dạng xơ xác, tiều tụy như kẻ ăn mày. Đó là một buổi sáng u ám của tháng bảy âm lịch. Ngày xá tội vong nhân và cúng thí cô hồn. Thời buổi này, có nhiều người giàu mà cũng lắm kẻ ăn mày. Có lẽ vì vậy nên người ta cũng nghĩ người đàn ông ấy là một trong vô số hành khất thường lai vãng đến làng.

 

Nhưng lão thì nhận ra ông ta. Chính là lão Vượng. Dù ông ta đã hơn bảy mươi và biệt tăm hơn hai mươi năm. Một nải chuối héo cùng một thẻ nhang thò ra từ cái túi vải bẩn thỉu: hẳn là ông ta về làng tảo mộ.

 

Nhưng buổi chiều lão Vượng rời làng. Khi ngang qua lão ông ta dừng lại nghỉ. Tựa vào lão, quay lưng lại với xe cộ đang xuôi ngược trên đường. Suốt cả buổi chiều, ông ta cứ đứng lặng lẽ như thế. Thờ ơ, vô cảm. Cho đến khi những đám mây xám xịt từ núi xa kéo về mang theo cơn mưa lất phất cùng bóng hoàng hôn.

 

Đến lúc đó, Lão chợt hiểu mục đích của lão Vượng. Cùng với màn đêm, một linh cảm ập đến vồ chụp Lão. Cái linh cảm âm u như đám mây đen bay trên đầu và ngầu đục như dòng nước đang cuồn cuộn dưới chân.

 

1

Lão đứng đó. Trên đầu mây bay và dưới chân nước chảy.

Tay phải là làng Ngọc, nhưng “hộ khẩu” Lão lại thuộc làng Rồng, tay trái. Xưa nay, người ta vẫn gọi Lão là cầu Rồng . Lão nhìn về biển, sau lưng là núi, nơi tận cùng của dãy Trường Sơn. Có lẽ nơi đó đã sinh ra mụ Lưu Thủy. Lão lặng lẽ, trầm mặc nhưng không vô tư như con người vẫn tưởng. Lão biết nghe, thấy và cảm. Lão cũng biết nói. Dĩ nhiên con người không thể nghe bởi nó không cùng ngôn ngữ với họ. Đó là tiếng nói của cây cỏ, gió mây, của mụ Lưu Thủy, của hồn ma, bóng quế. Đó là tiếng- nói- vô- ngôn. Lão biết nhiều. Một phần nhờ mụ Lưu Thủy, người tình già của Lão ( mụ còn già gấp mấy Lão ). Tinh quái, lỏi đời lang chạ nhiều nơi, nhiều xứ truyền cho. Dù tính khí mụ thất thường. Có lúc rì rào âu yếm, nhưng thường khi lại cáu gắt với Lão bằng giọng ầm ào, lấn lướt. Phần nữa, do Lão sống quá lâu. Đã già hơn bất cứ người già nào còn đang sống. Lão nhìn thấy bao kiếp người sinh ra cho đến lúc chết đi. Đã quen thuộc cảnh đời dâu bể. Con người cũng nhiều lần gây cho Lão thương tích, chết đi sống lại. Số phận Lão cũng hòa nhịp trầm luân trong số phận con người.

 

Lão sinh ra vào cái thời xa xưa, khi con đường quốc lộ nam bắc còn là con đường cái quan. Thời hồng hoang của làng. Hình thành từ bước chân những người phiêu bạt nam tiến.

 

Ký ức Lão còn hình ảnh những thôn xóm rải rác, đìu hiu. Còn cái âm thanh buồn lách cách quay tơ dệt vải ở xóm Lụa. Đêm leo lét ánh đèn dầu từ những ngôi nhà tranh vách đất. Khắc khoải tiếng vạc ngoài xóm Bà Gía, hòa với tiếng nai mễnh lạc bầy trên xóm Cát. Khi vọng lên tiếng chuông chùa điểm vào canh khuya thì từ đất Cúng, xóm Miễu, những hồn ma rong chơi cũng vội trở về âm cung, mồ mả mình, nhường nhịp sống cho cõi dương, để lại bắt đầu một ngày, với lao xao bước chân đất của người làng, ngang qua Lão với quang gánh, thúng mủng để kịp về phiên chợ phía nam. Lão còi cộc ốm yếu. Nhưng như thế cũng đủ. Người ta chỉ dùng xe trâu bò hay đi bộ. Chậm rãi và bình thản. Lâu lâu Lão cũng giật mình bởi tiếng vó ngựa phi nước đại phóng ào ngang qua rồi mất hút chổ khúc cong làng Ngọc, của người phu trạm mang công văn từ ngoài Huế.

 

Lão đem lợi ích cho người và nhận ra đời không có sự công bằng tuyệt đối. Lão có mặt khiến Lão Đú chèo đò thất nghiệp. Dân làng gọi tên Đú bởi lão ngớ ngẩn. Cùng đinh, đơn độc với chiếc đò. Một hôm, lão Đú nhận chìm chiếc xuồng cũ mục. Bỏ làng đi… E hèm ! Đã lâu lắm rồi. Hơn trăm năm trôi qua, vậy mà tiếng gọi đò trong những chiều mưa nguồn, chớp bể sao vẫn còn đồng vọng.

 

Cho đến một ngày, nhịp sống yên ả đã chấm dứt.

Tây đã đến làng Rồng.

Cùng số phận làng Rồng, số phận Lão cũng đổi thay. Để phục vụ chúng, Lão trở thành quá cũ kỷ và yếu ớt. Thế là phải phá đi.

 

2

Nhưng Lão vẫn đứng đó. Trên đầu mây vẫn bay và dưới chân nước vẫn chảy.

Như một người qua thời niên thiếu,Lão vững chãi trong vóc dáng thanh niên. Tây đã thay hình đổi dạng Lão. Cùng lúc họ xây dựng các đồn bót trong làng. Cạnh Lão cũng có lô cốt canh giữ. Mụ Lưu Thủy vẫn rì rào “Chúng ta là phương tiện của con người. Nhưng ta mạnh hơn họ. Lòng tham khiến họ không hiểu sức mạnh của quy luật tự nhiên. Nhưng Lão vẫn bất an với cảnh ruồng bố, đốt nhà, hãm hiếp, giết chóc. Lão chứng kiến Tây bắt người chống đối trong làng hay các làng bên dẫn về xử bắn ngay trước mắt Lão. Máu họ thấm ướt cánh tay Lão, nhỏ xuống chân Lão, hòa vào dòng sông để mụ Lưu Thủy mang về làm mặn thêm cho biển.

 

Trai làng vắng dần. Họ bỏ nhà theo kháng chiến. Đa số là học trò cụ Tú Sâm. Tú Sâm gốc đàng ngoài. Cha là thuộc hạ của Phan Đình Phùng. Khi phong trào Cần Vương thất bại. Chạy vào làng Rồng dắt theo Sâm lúc còn nhỏ.

 

Hết thanh niên, Tú Sâm dạy cho đám học trò con nít. Rồi con nít cũng lần lượt bỏ học. Người làng sợ. Họ đồn cụ Tú làm “quốc sự”. Cuối cùng chỉ còn ba đứa: Hai anh em thằng Bình, thằng Minh và một đứa giúp việc nhà Tú Sâm là thằng Vượng.

 

Vượng là con người vợ thứ hai của tay lý trưởng. Cha nó bị những người kháng chiến phục kích giết chết cùng với tên quan hai Pháp trong lúc dẫn bọn Tây vào làng thị sát. Mẹ nó đem nó cho ông từ coi đình rồi bỏ vào nam theo một gã lái buôn người Tàu, khi nó mới ba tuổi. Lên bảy, ông từ chết. Vượng lại bơ vơ. Cụ Tú Sâm đem về nuôi và dạy nó học. Tên Vượng cũng do cụ đặt cho. Mười ba, mười bốn nó học cùng anh em Bình, Minh và có tiếng thông minh, lanh lợi.

 

Khi Nhật vào làng, những đồn bót lại thay đổi chủ. Làng bị tròng vào cái ách khác chẳng nhẹ nhàng hơn. Điệp khúc máu lập lại. Chỉ khác bọn Nhật thích dùng gươm hơn súng đạn để xử tử. Thêm những thây người rơi xuống chân Lão để mụ Lưu Thủy cuốn đi về biển. Mụ cười thê lương : “Ăn nhằm gì cái làng này, chúng còn làm chết đói hàng triệu người ngoài Bắc”.

 

Thằng Bình làm quen với bọn Nhật. Nó làm trò vui và giúp lính Nhật những việc vặt. Riết rồi chúng thích và tin nó. Thỉnh thoảng, nó được vào đồn Nhật. Nhờ biết chữ nho, nó trao đổi với chúng bằng giấy bút.

 

Bỗng một hôm, lính Nhật đi tìm nhà Bình ngoài xóm Bà Gía. Dẫn đường và chỉ nhà cho chúng lại là thằng Vượng, bạn đồng môn với Bình. Gia đình thằng Bình đã trốn biệt. Bọn Nhật trút sự điên cuồng và lửa xuống căn nhà trống tuếch. Xóm làng một phen nháo nhác. Thì ra, nhờ hiểu quy luật, Bình đã mang rượu thịt phục hai tên lính gác say mèm. Nữa đêm bò vào lấy cắp một số súng đạn, chuyền cho em là thằng Minh núp bên ngoài. Rồi mang lên rừng theo luôn Việt Minh.

 

Cũng là Bình sau đó, trong số người đột nhập về làng phá cầu. Một đêm mùa đông lạnh lẽo. Họ lặn ngụp dưới dòng nước, tiến đến gài bộc lôi vào những trụ chân khẳng khiu của Lão.

Lão lại đổ sụm.

 

3

Nhưng Lão vẫn đứng đó. Trên đầu mây vẫn bay và dưới chân nước vẫn chảy.

Lão lại hồi sinh, vạm vỡ, bề thế. Lần này Lão mang vóc dáng đẹp nhất. Đó là bộ cánh do Nhật bồi thường cho Pháp để phục sinh Lão.

Đó là thời kỳ đất nước mới chia cắt. Chế độ Quốc Gia kiểm soát làng.

 

Trước đó Nhật rút đi. Tây trở lại và cái trò chơi lòng vòng của bạo lực khiến Lão chóng mặt.

Trong làng hình thành hai chiến tuyến đối địch từ những anh em, họ hàng, bạn bè nhau. Bình trong một lần công tác bị Phòng Nhì Pháp phục kích bắn gãy chân và bị bắt cầm tù. Khi hiệp định đình chiến, Bình được trao trả tù binh, về làng bị tàn tật. Lại tiếp tục hoạt động bí mật. Đến thời Quốc Gia, với chính sách “tố Cộng” lại bị bắt. Những lần Bình lâm nạn dường như có sự theo dõi, chỉ điểm, tố cáo của Vượng, người bạn đồng môn từng theo Tây, theo Nhật rồi trở thành đắc lực cho chế độ Quốc Gia. Người ta cũng biết cụ Tú Sâm bị bắt đày biệt xứ khi Tây tái chiếm làng Rồng cũng chính do Vượng chỉ chổ trốn để lĩnh thưởng. “Để có một chút địa vị và lợi lộc, người ta phải tạo nhiều oan nghiệt thế sao”. Mụ Lưu Thủy cười : “con người vốn điên khùng, dù sao những thập loại chúng sinh đó cũng thêm vào những cung bậc, làm hay thêm cho bài ca đời vô tận”. Còn với Lão, giữa bài ca cuồng nộ đó đôi khi cũng có những dấu lặng.

 

Đó là những lúc, Lão ngóng về biển. Nơi có ngôi tháp cổ già nua đang đứng hoài niệm thời gian. Bạn với một lâu đài của một gã qúy tộc Pháp, nay đã thành điêu tàn, hoang phế. Nơi đó, có lần một chàng thi sĩ tài hoa ghé đến chơi trong những đêm trăng. Sau, chàng chết vì phong cùi bệnh tật, chết cô đơn khi còn rất trẻ. Một hình ảnh tiêu biểu của kiếp người bèo bọt.

 

Đó là những chiều, những cậu học sinh đạp xe từ thị xã về, chờ những đứa con gái gánh nước từ làng Ngọc dừng nghỉ trên cầu để xáp vào trêu ghẹo. Có đôi thành vợ chồng từ những buổi chiều ấy. Cũng có những hình hài tựu thành từ nơi Lão. Trong đêm chúng hẹn hò, tình tự rồi làm cái việc ái ân của giống người ngay nơi Lão. Đôi khi, gặp nghịch cảnh đời, người ta cũng tìm đến Lão, gieo xuống dòng sông. Nhờ mụ Lưu Thủy ra tay cứu độ.

 

Đó là những chiều, đám thanh niên hai bên làng Rồng, làng Ngọc kéo đến thi tài. Chúng trèo lên những thanh sườn của Lão, trên cao nhất. Xem ai đủ gan phóng đầu xuống nước. Cả hai làng chỉ vài đứa dám làm. Những đứa ấy đã chết vài năm sau. Đứa đi lính Quốc Gia, đứa lên rừng theo Giải Phóng. Chúng lại đọ sức bằng cuộc tử sinh, trong cái lúc chiến tranh trở nên ác liệt nhất.

Cũng lúc đó, một lần nữa, Lão lại bị con người khai tử.

 

4

Nhưng Lão vẫn đứng đó. Trên đầu mây vẫn bay và dưới chân nước vẫn chảy.

Làng xóm thành những ấp chiến lược. Ruộng vườn bỏ hoang. Xóm Cát, xóm Bà Gía, xóm Miễu bị dồn vào giữa làng. Chung quanh, người ta đào hào giao thông, chằng chịt rào chắn cùng vô số chông mìn. Nhưng hậu qủa phần nhiều rơi vào dân làng là những nông dân hiền lành, lũ trâu bò ngu ngốc cùng những trẻ thơ chăn dắt chúng. Họ thành đui, qùe, cụt, sứt hay chết tại những cạm bay mà người ta bắt họ thực hiện.

 

Ngày, Lão chứng kiến những đoàn công- voa Mỹ dài bất tận, những đoàn xe chở vũ khí, phương tiện chiến tranh, những đoàn xe chở lính, chở người bị bắt quân dịch, đào ngũ, đào binh, ầm ầm xuôi ngược ngang qua.

 

Đêm, dân làng thắc thỏm bên giấc ngủ chập chờn dưới căn hầm đào trong nhà mình thì Lão cũng trằn trọc nghe tiếng đại bác ì ùng cùng tiếng rốc két ồm oằn như tiếng bò rống phía ngoài vành đai vọng về, át tiếng chửi rủa tục tĩu của bọn lính gác cầu say rượu. Nhìn những trái pháo sáng vẽ ngoằn nghèo lên bầu trời vàng ệch.

 

Một đêm mùa xuân, quân Giải Phóng tấn công vào làng. Họ lại phá sụp cầu. Một tiếng nổ chấn động cả làng. Dù rất vững chắc, một lóng nhịp như một đốt xương sống trên mình Lão đã gẫy tiện.

 

Trận chiến ấy, Vượng đã là đại úy quân đội Quốc Gia, dẫn đại đội về tiếp viện làng Rồng. Y gọi máy bay và pháo nã cấp tập vào làng. Cũng may, dân làng sơ tán gần hết sang làng Ngọc. Qua trận chiến, người làng trở về lặng lẽ thu dọn cái đống vỡ vụn, hoang tàn.

 

Trong mùa xuân ấy, Lão đã chứng kiến những cái chết kinh khủng. Những thi thể nát bấy, xương văng thịt vãi. Những hình thù không nguyên vẹn ấy bị vùi dập vào những hầm hố đào vội vã bên bờ sông. Họ còn rất trẻ, chắc cũng ra đi từ một làng quê nào đó. Rồi chỉ một hai mùa mưa, nước lũ hung hãn tràn về cào xé hai bờ. Mụ Lưu Thủy đã đưa cốt nhục họ về nơi mịt mùng biển cả, mà hồn hoang còn vương lại bến sông, đêm đêm vẫn gào gọi thê lương chập chờn bên Lão.

 

Bọn Mỹ rút đi mà chiến tranh vẫn khốc liệt và cái chết đã được nội địa hóa. Nhiều hơn nữa những tin báo tử và những xe chở quan tài về làng. Nhiều hơn những đoàn công- voa, những xe quân sự ngang qua Lão mang cái không khí ngột ngạt, bức bối, hầm hập. Cái mùi rát bỏng, khét lẹt của súng đạn, bụi bậm, cùng cái cảm giác hoảng hốt, rã rời của chết chóc và hủy hoại từ các vùng rừng núi, cao nguyên, từ các chiến trường xa.

 

Trong cái sự thái quá ấy, bản chất độc ác của con người cũng bộc lộ tận cùng. Lão quen với cảnh con người tìm thú vui bằng cách moi gan, cắt mật, xẻo tai, móc mắt đồng loại. Có lần lão thấy bọn lính thuộc hạ Lão Vượng nhét qủa đạn M79 vào chổ kín xác chết một nữ du kích đã bị lột trần truồng để đổi lấy một trận cười sằng sặc. Người ta có thể độc ác vì tự vệ để sinh tồn, nhưng thực hiện cái ác một cách man rợ chỉ đơn thuần mua vui, thì qủa thật Lão không thể hiểu. Còn mụ Lưu Thủy thì cười lạnh lẽo: “Con người xoay theo cái vòng nhân qủa. Mọi sự kết thúc khi đã thành cực điểm. Có điều họ u minh không biết mà thôi ”.

 

Rồi nó cũng kết thúc thật. Nó đến như một cơn bão lốc. Nhưng khi qua làng Rồng nó chùng lại chút ít bởi sự mê muội, điên cuồng của một con người: cũng là lão Vượng. Đó là những ngày mùa xuân, những người của “Phía bên kia”, “cái bọn Cộng Sản chỉ chui rúc ở núi rừng”, bí ẩn và huyền thoại, bỗng hiện ra với sức mạnh của dòng thác lũ.

 

Vượng lúc này là trung tá chi khu trưởng. Lòng hận thù cộng sản cùng viễn ảnh trở thành người hùng quân đội Quốc Gia khiến Lão mù quáng. Mặc quan thầy bỏ chạy, Vượng gom góp đám lính ô hợp đang kinh hoàng, nháo nhác, về chốt chặn, tử thủ ở làng Rồng. Với phương tiện chiến tranh còn lại, dù ít ỏi, cũng đủ cho Vượng một lần nữa, san bằng làng Rồng. Nhưng cơn bão vẫn không ngăn được. Nó chỉ chựng lại năm ngày. Đập tan trở ngại ở làng Rồng, nó băng qua Lão, qua làng Ngọc, rồi ào ào đi về phía nam để làm nốt cái sứ mạng cuối cùng của nó.

Còn Lão thì đứng lại bên cái đổ nát, hoang tàn của làng Rồng.

 

5

Và Lão còn đứng đó. Trên đầu mây vẫn bay và dưới chân nước vẫn chảy.

Mười năm đi qua từ ngày giải phóng. Dấu vết chiến tranh xóa dần theo thời gian. Có người chết đi và những người khác sinh ra. Có những số phận vượt lên sáng sủa và cũng còn những mãnh đời cơ nhỡ, bần hàn. Người ta bảo không ai khó ba đời, nhưng ở làng này Lão biết có nhà đã ba đời làm nghề gánh nước mướn. Xưa, người ta ước chỉ cần có hòa bình, độc lập, tự do cạp đất ăn cũng sướng. Nhưng hết chiến tranh, con người lại đeo vào bao gánh nặng khác. Họ lặt lè và tất bật đến cái đích gọi là hạnh phúc, cái hay hơn, tốt đẹp hơn. Nó có thật không ? Họ đến có được không? Bao giờ đến? Lão không biết. Mụ Lưu Thủy cũng không biết. Nhưng Lão tin họ, thương họ. Thương nỗi nhọc nhằn bất tận của kiếp người.

 

Người làng quen thuộc Lão đến độ không còn ai để ý. Sinh ra họ đã thấy Lão rồi. Hiển nhiên như nhìn thấy nước, lửa, cây cỏ chung quanh. Dòng chảy mụ Lưu Thủy cũng âm thầm biến đổi. Sông làng quanh co hơn xưa. Bên lở bên bồi. Ven bờ cạnh Lão, những lô cốt thời Pháp vẫn còn đó. Cái lô cốt ấy, giờ thằng Thăng, con lão Bình đang ở. Là lão Bình thuở thiếu niên đột nhập nơi ấy lấy cắp súng Nhật. Sau giải phóng, Thăng được đôi mươi, đi bộ đội. Được bảy năm, trở về làng làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Những năm khó khăn, cơ chế cũ, mùa màng thất bát. Nó lại hục hặc bấc đồng với cấp trên. Không vực được đời sống xã viên, nó từ chức về chăn vịt và bươi móc miếng đất ông bà để lại ở ven sông. Chiếm cứ mấy cái lô cốt kế bên làm nơi trú ngụ. Ban ngày nó làm quần quật. Tối hú bạn bè lại nhậu quắc cần câu, quên đời.

 

Bạn thằng Thăng là thằng Thà con lão Vượng. Đời cha chúng thù nhau, đến chúng lại thành bạn bè chí cốt. Thà là con hoang của lão Vượng với mụ Thiệt trong làng. Mụ cũng như vài người đàn bà khác, bị lão Vượng chiếm đoạt rồi bỏ rơi. Mẹ thằng Thà gánh nước mướn, xay bột thuê nuôi nó ăn học. Ngày làng giải phóng, nó từ Sài Gòn bỏ học về làng chôn mẹ. Mẹ nó không kịp sơ tán, đã chết vì đạn bom do chính cha nó gọi trút xuống làng trong cái ngày lẽ ra đã hết chiến tranh. Nó về, lặng lẽ với cái chết của mẹ, với quê hương đổ nát và sự ghẻ lạnh của mọi người. Chỉ còn thằng Thăng và con Thoa thương nó. Ba chúng nó cùng học trường làng, thân nhau từ nhỏ.

 

Khi thằng Thăng đi nghĩa vụ quân sự, Thà cũng xung phong đi nhưng bị từ chối. Thế là nó đi Thanh Niên Xung Phong, lao động ở một nông trường xa. Được ba năm, phấn đấu tốt, nó được chuyển qua bộ đội, sang K chiến đấu. Gần mười năm mới trở về. Thân thể nguyên vẹn. Đạn bom chiến trường tha nó. Vậy mà về quê hương nó vẫn lao đao. Cái bóng đen lý lịch hắc ám của lão Vượng, cha nó vẫn còn đè nặng lên số phận nó. Không việc làm, không nhà cửa, không tất đất cắm dùi. Nó đi làm thuê, cuốc đất, đóng gạch hay lên rừng đốn củi. Nó đóng một chiếc xuồng nhỏ. Lúc rãnh việc, nó bơi xuồng lẩn quẩn dưới chân Lão, bắt tôm cá. Nhiều thì nhờ con Thoa đem bán, ít thì mang đến lô cốt Thăng làm mồi nhậu.

 

Nó sống vật vờ và lầm lì. Đến khi con Thoa bị gia đình bắt ép lấy chồng thì thằng Thà suy sụp hẳn. Phẫn chí, một hôm nó lại bỏ làng ra đi.

 

Có lẽ, thằng Thà là người duy nhất nhớ đến sự hiện hữu của Lão. Bởi đối với nó, khi đi xa, nhớ về Lão là đồng nghĩa với niềm thương nhớ quê hương.

 

Ngày thằng Thà đi, thằng Thăng cùng bạn bè tổ chức đêm nhậu trên nóc lô cốt. Thằng Thà tạt ba ly rượu về phía sông mời những người chết. Nó nhìn về phía Lão đang in bóng lờ mờ lên bầu trời đêm, rồi cảm khái ngâm thơ. Ngâm rằng:

Quê hương ta

Bao lận đận buồn vui

Có dòng sông nhọc nhằn

Trườn đi bên nhịp nối thời gian

Có chiếc cầu già nua

Mỏi mòn giữa hai bờ năm tháng…

Rồi nó đi biền biệt. Có người nói nó đi buôn bán qua biên giới. Cho đến một hôm, Lão nghe tin nó bị tù vì dính vào một vụ thanh toán giữa các băng nhóm buôn lậu.

 

Bỗng năm ngoái nó về sau hơn mười năm đi xa. Nó về ban đêm. Ra thắp hương mộ mẹ rồi đến người bạn xưa. Cái lô cốt vẫn còn đó. Thêm ngôi nhà mới của thằng Thăng kế bên. Chúng nó đã vào tuổi bốn mươi. Mỗi đứa một số phận. Thăng đã yên bề vợ con, trở lại một cán bộ địa phương. Con Thoa thì hẩm hiu. Chồng làm nhà nước tham ô, đã bỏ trốn biệt. Nó một mình bươn chãi nuôi đứa con và mẹ chồng. Còn Thà thì mang thân tù tội.

 

Chuyện đời đổi thay nhưng tình bạn vẫn ấm áp như xưa. Lão nghe chúng trò chuyện trên nóc lô cốt. Thì ra nó chỉ còn hai năm sẽ mãn hạn tù, vì nhớ quê hương, bạn bè, nó trốn về dù chỉ một đêm. Trong đêm thằng Thăng đi gọi con Thoa đến gặp nó.

 

Mờ sáng hôm sau, nó trở về trại chấp nhận kỷ luật. Nó đứng tần ngần bên Lão. Nhìn đăm đắm về phía làng Rồng. Rồi đón chuyến xe sớm đi về phía nam.

Thế đó, một người dứt áo ra đi mười năm, lại không chịu đựng nổi hai năm vì nỗi nhớ dày vò. E hèm! Cái giống người thật lạ. Chẳng hạn sự trở về của lão Vượng.

Thằng Thà đi gần năm thì nay, đến lượt lão Vượng trở về.

Và đang đứng bên Lão.

 

6

Còn Lão vẫn đứng đó. Trên đầu mây vẫn bay và dưới chân nước vẫn chảy.

Phải! chính là lão Vượng. Lão đã trốn biệt từ năm bảy lăm, sau vụ thất thủ ở làng Rồng. Người ta nói lão cùng vợ con đã chết ngoài biển trong một chuyến vượt biên. Sau, có người lại bảo đã gặp lão ở Sài Gòn, dở tỉnh dở khùng. Lẩn quẩn ở các chợ. Ăn cả cá sống, thịt sống người ta bố thí. Bẵng đi một thời gian, người ta ngỡ lão đã chết.

 

Vậy mà lão Vượng vẫn còn sống trở về làng. Có lẽ ngoài Lão không còn ai nhận ra ông ta. Cùng thời lão Vượng ở làng chẳng còn mấy ai. Mà dù có nhận ra, chắc người ta cũng ái ngại trước một hình hài thê thảm, hom hem, tiều tụy, gần đất xa trời.

 

Lão Vượng đứng bất động như thế suốt buổi chiều. Có trời mới biết những gì đang diễn ra trong lòng ông ta. Nhưng Lão thì biết đó là lần cuối cùng còn thấy ông. Lão thực lòng không muốn cái điều sẽ xảy ra. Nhưng biết làm sao được.

 

Đêm đã khuya. Bên Lão, lão Vượng vẫn lặng lẽ như tượng. Cả hai đang chờ.

Và nó đã đến. Có tiếng ô tô đang tiến lên cầu. Lão Vượng như choàng tỉnh cơn mê. Nhớ ra cái việc phải làm, ông ta nhoài người qua Lão, buông rơi xuống dòng sông đen ngòm đang cuồn cuộn chảy. Một tiếng “ùm” nhỏ nhoi, tức nghẹn bị nuốt chửng vào cái âm thanh giận dữ của dòng sông đang mùa nước lớn. Vài ngày nữa, người ta sẽ bắt gặp một cái xác trương phềnh, biến dạng như một người ăn mày nào đó, tấp vào đâu đó. Không ai biết đó là lão Vượng ở làng Rồng, một thời quyền uy.

 

Chiếc ô tô đã lên đến cầu. Đến giữa Lão bỗng dừng lại tắt máy. Có người xuống xe. Tiếng đàn bà rên rỉ. Bỗng có tiếng khóc trẻ sơ sinh. Thì ra người ta đưa một sản phụ sinh khó về bệnh viện thị xã. Nhưng trên đường đứa trẻ được sinh ra. Người sản phụ là Thoa.

 

Phải chi Lão có thể cho lão Vượng biết điều bí mật này trước khi ông ta chết: Đứa bé chào đời là cháu nội ông ta. Nó là kết quả cái đêm thằng Thà trốn trại về gặp con Thoa trong lô cốt bỏ hoang. Liệu điều ấy có cho ông ta chút an ủi nào để mang vào cõi hư vô. “Ta không bao giờ hiểu hết được con người. Họ là giống vật kỳ lạ. Họ hiện diện một lần ngắn ngủi trên đời để hệ lụy, đau khổ rồi chết đi. Nhưng có lẽ con người là bất diệt vì có niềm tin, biết hy sinh, có lòng yêu thương và trái tim trắc ẩn”. Mụ Lưu Thủy có lần bảo, khi Lão đa đoan cho số phận làng Rồng trong những tháng ngày đen tối.

 

Còn Lão, thời gian cùng sự già nua để biết rằng vẫn tin yêu con người trong tất cả sự hạn chế của họ. Rằng đời vẫn đẹp trong dòng chảy bất toàn của nó. Phải chi Lão nói được điều ấy với con người.

Nhưng Lão buồn rầu biết mình không thể. Cùng với sự trường tồn của con người, Lão cũng còn mãi đó, khi trên đầu mây còn bay và dưới chân còn nước chảy. Nhưng Lão chỉ là chiếc cầu. Một chứng nhân im lặng.

Lương Minh Vũ
Số lần đọc: 2256
Ngày đăng: 21.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tóc xanh mấy mùa - Nguyễn Vĩnh Long
Đuối Bông thóat xác. - Phan Trung Thành
Bộ ấm trà sáu chén - Trần hữu Lục
Trần Quang Diệu - Trần Thị Huyền Trang
Khoảnh khắc tình yêu - Bích Ngân
Sơn Nữ - Lương Minh Vũ
Đêm trắng của Nam Việt Vương - Đặng Thân
Đối thọai với người nằm nghiêng hay Chào em , anh yêu em. - Nie Thanh Mai
Nghi án Yên Tử - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những miếng tồi tàn - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Sơn Nữ (truyện ngắn)
Nhịp nối thời gian (truyện ngắn)
Pháp trường trắng (truyện ngắn)
Tri kỷ (truyện ngắn)
Người xa lạ (truyện ngắn)
Hạt cát (truyện ngắn)