I- Lần đầu tiên, Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn để xuất bản một lúc mười sáu cuốn tiểu thuyết và truyện về đề tài lịch sử của một tác giả. Đó là mười sáu tác phẩm của nhà văn Hoài Anh.
Hoài Anh là nhà văn đa tài, tự học mà có nguồn tri thức uyên thâm, cả đời lặng lẽ sống và viết. Ông viết nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Ở thể loại nào ông cũng có những thành tựu. Tên khai sinh là Trần Trung Phương, ông sinh ngày 8-7-1938, tại Bình Lục, Hà Nam. Ông là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Lên tám tuổi, cha mẹ xích mích, cha đi làm Việt Minh, dắt ông theo. Bởi thế ông giúp việc cho cách mạng từ khi còn nhỏ, có lẽ là sớm nhất trong các nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam! Kháng chiến chống Pháp, ông làm việc tại Văn phòng huyện đội Bình Lục, rồi Ban Chính trị Tỉnh đội Hà Nam, Ban Địch vận trung đoàn 254 thuộc Bộ tư lệnh Liên khu 3. Hòa bình lập lại, ông về tiếp quản Hà Nội, mới mười sáu tuổi! Ông công tác tại Phòng Văn nghệ và Nhà sáng tác Sở Văn hóa Hà Nội, biên tập viên Hội Văn nghệ Hà Nội.
Hoài Anh được học chữ Hán và tiếng Pháp từ rất nhỏ. Tại Hà Nội, ông tiếp tục tự học để hoàn thiện Hán văn, nâng cao tiếng Pháp và tiếng Anh. Cũng trong thời gian này ông viết nhiều thơ, kịch, truyện. Ông có nhiều bài thơ hay được tuyển vào các tuyển tập. Ông viết nhiều vở kịch, nhưng phần lớn phải ký tên người khác mới được dựng (thời ấy mới có chuyện kỳ cục như thế!). Đất nước hòa bình thống nhất, ba mươi tám tuổi đời, ông bôn ba vào sống ở Sài Gòn với quyết tâm viết cho được những tiểu thuyết và truyện lịch sử về những danh nhân quê gốc Nam Bộ. Ông làm biên tập ở Xưởng phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Biên tập viên tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Cả đời lao động sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi, ông chỉ đi bộ, và đặc biệt là ông chưa bao giờ được nhận một chức sắc nào trong guồng máy Nhà nước!
Tập thơ đầu tay của ông được xuất bản in chung với hai người khác mang tên Gió vào trận bão (Nxb Văn học, 1967), Kế đó là Ngựa ông đã về (Truyện, Nxb. Kim Đồng, 1978); Đuốc lá dừa (truyện, Nxb Măng non - Nxb Trẻ, 1981, 1994, 1995; Nxb Kim Đồng, 2002); Đầu gió ( truyện, Nxb Trẻ, 1986); Rồng đá chuyển mình (truyện, Nxb Đồng Nai, 1987; Nxb Kim Đồng 2002); Từ hương đến mật (thơ, Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987); Dạ lan (thơ, Nxb Tác phẩm mới, 1989); Chim gọi nắng (truyện, Nxb Tiền Giang, 1989); Chuyện tình Dương Vân Nga (truyện, Nxb Thanh niên, 1990); Hương thơm và nọc độc (truyện, Nxb Long An, 1990); Chúa Chổm ba mươi sáu tàn vàng (tiểu thuyết, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1990); Sứ mệnh phù Lê (tiểu thuyết, Nxb Lao động, 1991); 99 ngọn (thơ, Nxb Văn học,1991); Trường ca Điện Biên, Tổ khúc Hà Nội (thơ, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1995); Bùi Hữu Nghĩa, mối duyên vàng đá (truyện, Nxb Văn học, 1998; Nxb Kim Đồng, 2003); Có công mài sắt (truyện, Nxb Trẻ, 1996, 1998); Ỷ Lan phu nhân (truyện, Nxb Văn học, 1996; Nxb Kim Đồng, 2002); Nguyễn Thông- Vọng Mai Đình (truyện, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 2000); Tầng ngày (thơ, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001); Thư - Thơ (thơ, Nxb Trẻ, 2001); Chân dung văn học (tiểu luận- phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2001); Chân dung thơ (tiểu luận – phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2001); Tìm hoa quá bước (tiểu luận- phê bình, Nxb Văn học, 2001); Một trăm bài thơ Đường (dịch, Nxb Đồng Nai, 2001); 7 thế kỷ thơ tình Pháp (dịch, Nxb Đồng Nai, 2001); Tác gia kịch nói và kịch thơ (nghiên cứu- phê bình, Nxb Sân khấu, 2003); Gia Định tam gia (biên dịch chú giải, Nxb Đồng Nai, 2003).
Năm 1961, Hoài Anh được nhận Giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho tác phẩm kịch Xe pháo mã. Giải thưởng Văn học Thiếu nhi 1981-1983 của Hội nhà văn Việt Nam cho truyện lịch sử Đuốc lá dừa. Tặng thưởng lý luận phê bình 2002-2003 của Hội nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Chân dung văn học (hơn 1000 trang). Giải A về nghiên cứu phê bình 2003 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tác phẩm Tác gia kịch nói và kịch thơ.
*
Tôi đọc thơ Hoài Anh in trong tập Gió vào trận bão thấy tứ thơ của ông lạ, ngôn từ giàu hình ảnh nhưng bình dị, cách diễn đạt - cho dù về những vấn đề hiện đại- vẫn mang âm hưởng dân gian. Ông viết về những người trai Hà Nội bỏ lại tất cả để đi kháng chiến, lao vào đạn bom khói lửa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mà nhẹ tựa lông hồng:
Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà
…
Ta mang ba mươi sáu phố phường đi chiến đấu
Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô
Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến
Hoài Anh yêu Hà nội, suốt đời hướng về Hà Nội. Ông nói hộ khát vọng của biết bao nhiêu người muốn vươn tới những tầm cao, vươn tới hạnh phúc:
Làn mây trắng nhắc cánh buồm lồng lộng
Một con tem cũng gợi cả chân trời
Ôi bóng dừa và tiếng sóng
Lòng như tàu muốn vượt cạn ra khơi
Thơ tình của Hoài Anh có nét riêng, khá đặc sắc. Ông cảm xúc trước cảnh hai người yêu nhau tâm sự ở đâu đó trong vườn hoa, người không thấy, chỉ thấy hai chiếc xe đạp dựa vào nhau:
Tiếng gì sột soạt trong khe lá
Ước mơ vỗ cánh bay trên đầu…
…
Nắng ôm lưng cây nhảy giữa vườn hoa
Gió khóac tay lá dạo trên mặt đất
Không biết người ngồi đâu khuất…
Tình ca
Càng lớn tuổi, thơ tình của Hoài Anh càng đằm thắm, da diết:
Hồn xin làm đóa dạ lan
Lặng thầm dấu mặt trong làn hương bay
Dạ lan
Bài Cầu thang, Hoài Anh viết:
Cầu thang nhà em
Lên rất khó, xuống rất dễ
Nhưng với anh
Lên rất dễ, xuống rất khó
Lên: Lồng ngực lao về phía trước
Xuống: Trái tim rớt lại đằng sau.
Viết về tình yêu, sự si mê, về nỗi đau mất mát như thế thì thật ngộ nghĩnh, độc đáo và sâu sắc! Cầu thang của Hoài Anh viết từ những năm đất nước còn chìm đắm trong nỗi khốn khó tứ bề của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp. Giữa Sài Gòn hòn ngọc Viễn đông mà thiếu gạo ăn, nhà văn viết trong ánh đèn dầu! Các chung cư cao tầng bị cúp điện, thang máy ngưng hoạt động, người ta phải leo thang bộ mà lên, khi gặp người yêu, trái tim đập gấp như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực! Đọc Cầu thang, hình ảnh lồng ngực lao lên phía trước, trái tim rớt lại đằng sau… tôi chợt nhớ đến bài thơ thất tình, mà tôi nghĩ là hay nhất trong các bài thơ thất tình, của Chế Lan Viên:
Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa
Nhưng hương em còn quấn mỗi câu thơ
Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ
Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa!
Những mảnh trời xanh (Toàn tập Chế Lan Viên, NXB Văn học, 2004).
II- Hoài Anh nói: “Thể loại mà tôi thích nhất là thơ… Thể loại tôi thích thứ hai là tiểu thuyết và truyện Lịch sử”. Từ năm 2004 trở về trước, Hoài Anh sống cô độc trong căn phòng ở tít lầu 6, chung cư 190 Nam Kỳ Khởi nghĩa. Ông ăn uống kham khổ, được chăng hay chớ. Ông quá say mê viết lách cho nên nơi ở khá luộm thuộm, sách vở, tài liệu chồng chất… Một lần đến chơi, tôi hỏi ông về cuốn Đuốc lá dừa. Đây là tác phẩm ông viết tại nhà tôi. Lúc đó tôi có một mình, được cấp hai phòng gần sáu chục mét vuông ở lầu 8, chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Quận 5 (trước 1975 gọi là President). Năm 1980, khi vợ chồng ông cơm không lành canh không ngọt, ông phải ôm máy đánh chữ (Hoài Anh chỉ viết bằng máy chữ, đến nay vẫn không biết dùng computer) chạy lên President tá túc tại nhà bạn bè. Ông lên đó được vài ngày thì chuyển sang trụ lại ở nhà tôi gần một tháng. Ban ngày tôi đi làm, ông ở nhà gõ máy chữ. Chiều, tôi về, ông bắt đầu nói. Ông không có nhu cầu gì ngoài việc được nói và lắng nghe ông nói! Ông cứ nói trong khi tôi vừa nấu cơm, giặt giũ, lau nhà… Lúc ăn, ông nói hăng hơn. Thậm chí, khi tôi vào toilet, ông đứng ngoài nói chõ vào qua cánh cửa. Với Hoài Anh, nói tức là đang sáng tác. Ông nói từ chương đầu tiên đến chương cuối cùng là gần một tháng. Kém một ngày là một tháng. Hôm ông đánh vô máy xong trang bản thảo cuối cùng của Đuốc lá dừa, đưa cho tôi đọc, giọng rưng rưng: Tôi vừa làm xong cái việc ghi lại những điều đã thôi thúc trong tim, cũng là những điều đã nói cho ông nghe suốt bốn tuần qua!
Về Đuốc lá dừa, Hoài Anh kể rằng năm 1981, sau khi viết xong ở President, ông đưa cho người của một nhà xuất bản. Mấy tháng sau, anh ta trả lời là không may bị kẻ cắp lấy mất túi xách, trong đó có bản thảo Đuốc lá dừa! Hoài Anh chết lặng, vì không còn bản lưu. Thời đó giấy hiếm lắm. Đánh máy mà Hoài Anh không có tiền mua giấy, chỉ đánh có một bản. Thế là đành phải viết lại. May mà ông có trí nhớ hơi bị siêu phàm, cho nên chỉ trong hai tuần lễ, ông đánh máy xong tiểu thuyết Đuốc lá dừa, để rồi được Nxb Măng Non và sau là Nxb Trẻ in nhiều lần: 1981, 1994, 1995; Nxb Kim Đồng in năm 2002. Đuốc lá dừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học viết cho thiếu nhi 1981-1983. Tác phẩm cũng long đong y hệt như tác giả, nhưng may mà… tiền hung hậu cát!
Tôi hỏi ông đã viết bao nhiêu tác phẩm về đề tài lịch sử? Hoài Anh chỉ vào đống bản thảo đầy bụi ở gầm giường. Tôi moi ra hơn hai chục bản thảo, có cái in nhiều lần, và nhiều bản thảo viết lâu rồi, giấy đánh máy đã ố vàng nhưng chưa hề xuất bản. Tôi ngỏ ý tuyển chọn để xuất bản Truyển tập truyện lịch sử. Ông vui vẻ nói: Thế là Châu về Hợp phố rồi!
Ngoại trừ nhu cầu được nói trước khi đánh máy chữ, Hoài Anh là người sống khiêm nhường và lặng thầm! Trong cuộc đời lao động đầy gian truân, khổ ải, ông luôn có ý thức không bao giờ lặp lại, luôn tự làm mới mình, một cách lặng lẽ, y hệt như ông đã và đang lặng lẽ đi bộ mỗi khi cần di chuyển. Đời sống hàng ngày thì thế, nhưng văn chương của ông, số phận những nhân vật trong tiểu thuyết và truyện lịch sử của ông thì không lặng lẽ chút nào! Nó năng động, hiển hiện cứ y như là cuộc đời thực trong lịch sử đầy bão táp, lửa đạn máu và nước mắt của dân tộc!
Tuyển tập truyện lịch sử của Hoài Anh gồm mười sáu tựa sách, trong đó có ba tập truyện, còn lại là tiểu thuyết1:
1- MÊ LINH TỤ NGHĨA
Tác giả miêu tả cuộc đời đầy ngang trái éo le của những phụ nữ tài sắc, không chịu khuất phục trước quân xâm lược nhà Hán, đã tụ nghĩa ở Mê Linh, rửa thù nhà đền nợ nước. Hoài Anh tái hiện hiện thực và thế thái nhân tình những năm đầu thế kỷ thứ Nhất của nước ta. Tác giả khắc họa thân phận những người phụ nữ như Phương Dung, Thiều Hoa, Thiên Thanh (sau là Thánh Thiên), Thục Nương (sau là Bát Nàn), Lê Chân, Đào Kỳ, Đông Bảng… cùng các nghĩa sỹ khác, dưới ách đô hộ nhà Hán trước khi đến Mê Linh tụ nghĩa với nàng Chắc. Nàng Chắc và em là nàng Nhì, có cha là Hùng Định, lạc tướng Mê Linh. Hùng Định bị tên thái thú Tích Quang ép buộc phải bắt dân Lạc Việt tuân theo phong tục, thể chế nhà Hán. Hùng Định không chịu, cuối cùng sinh bệnh, qua đời. Chồng nàng Chắc là Thi Sách, lạc tướng Chu Diên, khuyên thái thú Tô Định không nên áp bức bóc lột nặng nề dân Lạc Việt. Thi Sách bị Tô Định giết. Thù nhà, nợ nước, nàng Chắc, nàng Nhì phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, được nghĩa sỹ và dân chúng bốn phương hưởng ứng đã lật đổ chế độ đô hộ của nhà Hán, giành lại nền tự chủ cho đất nước.
Viết về Hai Bà Trưng, Hoài Anh không tùy tiện hư cấu mà dựa vào thần tích các làng thờ Hai Bà Trưng, các nữ tướng của Hai Bà. Trên cơ sở đó tái hiện bộ mặt lịch sử thời kỳ đầu Công nguyên. Tác giả nghiên cứu, đối chiếu lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc v những thành tựu khảo cổ học về thời kỳ Hùng Vương. Ơng cịn tham khảo cơng trình nghin cứu sử học VN của học giả Mỹ: Stephen O’ Harrow. Hoài Anh tung ra những chi tiết sinh động về sinh hoạt, phong tục, tập quán tín ngưỡng tinh thần thời Hai Bà Trưng, nêu bật sự đối tỷ giữa văn minh Lạc Việt và văn minh Hán. Tc giả lên án mưu đồ đồng hóa dân tộc Lạc Việt để mở đường bành trướng xuống các nước phương Nam của đế chế nhà Hán, tiêu biểu là là nhân vật Hán Quang Vũ.
Núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ và mộ Vua Hùng. Theo truyền thuyết, 99 con voi quay đầu về phương Nam, chỉ có một con quay về phương Bắc. Vua Hùng rút gươm chém đầu con voi bất nghĩa đó. Di tích là ngọn Bất Nghĩa Sơn bị sạt mất một gĩc. Nhân dân ta đời đời trung thành với đất nước, kẻ nào phản bội Tổ quốc sẽ bị trừng trị đích đáng. Về nghệ thuật, tc giả học tập lối viết truyện của Walter Scott (Anh), Alexandre Dumas cha (Pháp) và Kim Dung (Trung Quốc) để tăng thêm tính hấp dẫn cho tiểu thuyết lịch sử. Tác giả tránh dùng những chi tiết huyền hoặc, phi lý. Ông luôn tôn trọng cứ liệu lịch sử.
2- TẤM LONG BÀO
Dương Vân Nga là cháu, gọi Dương Như Ngọc - vợ Ngô Quyền bằng cô ruột, được Ngô Quyền nuôi ở trong cung. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu là Xương Ngập. Ngô Xương Văn trừ được Dương Tam Kha, lên ngôi vua là Nam Tấn Vương. Nam Tấn Vương đem quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bộ Lĩnh là người có chính nghĩa, vì dân vì nước, DươngVân Nga ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh nên bị Nam Tấn Vương giam vào lãnh cung. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên làm vua, lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Nhà Tống chỉ phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận vương. Dương Vân Nga đã vận động dân chúng may tấm long bào cho Đinh Bộ Lĩnh bằng tơ lụa dệt trong nước. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, con nhỏ là Đinh Tuệ lên nối ngôi. Quân Tống sang xâm lược nước ta. Biết Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có đủ tài lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược, Dương Vân Nga đã khoác tấm long bào lên mình Lê Hoàn để ông ra chiến trường đánh giặc cứu nước.
Tác giả khéo tay khi viết về Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, đã thông qua nhân vật xuyên suốt lịch sử thời đại này là Thái hậu Dương Vân Nga. Bà Thái hậu hiểu được tình thế mất còn của dân tộc, nguyện vọng dân chúng cần một người tài năng, trí tuệ hơn người để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vì thế bà đã chủ động khoác áo long bào (áo rồng), biểu tượng của nhà vua, lên mình Lê Hoàn. Bào rồng cũng là áo trận. Dương Vân Nga đã thay mặt toàn dân trao sứ mệnh chống giặc cứu nước cho người hiền tài.
Tác phẩm góp phần minh định về nhân vật Nguyễn Bặc không hề dính líu gì đến quân xâm lược Tống. Nguyễn Bặc chỉ vì trung nghĩa với triều Đinh nên chống lại Lê Hoàn. Đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ, không phải là mâu thuẫn ta-địch. Lê Hoàn đánh dẹp Nguyễn Bặc nhưng vẫn dùng con trai Bặc là Nguyễn Đê làm tướng. Sau, Nguyễn Đê trở thành một vị tướng quan trọng ngang với Lý Công Uẩn.
3- NHƯ NGUYỆT
Ỷ Lan là một thôn nữ hái dâu, được vua Thần Vũ, tức Lý Thánh Tông đưa về cung, phong làm Nguyên Phi. Nàng đã dốc lòng trị nước an dân. Vua Thần Vũ mất, con là Càn Đức lên nối ngôi còn nhỏ dại. Hoàng hậu Thượng Dương được Thái sư Lý Đạo Thành ủng hộ, tôn làm Nhiếp chính. Thượng Dương nghe lời xúi giục của bọn tay sai gián điệp nhà Tống, sai người dâng biểu xin thần phục nhà Tống. Phò mã Thân Cảnh Phúc, chồng của công chúa Động Thiên, trấn ở biên giới, bắt được người mang biểu sang nhà Tống, đem nộp cho Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt cùng các đại thần tâu vua. Vua bắt Thượng Dương giam lại, giáng chức Lý Đạo Thành, đầy đi Nghệ An; tôn Ỷ Lan lên làm Nhiếp chính, tức Linh Nhân Hoàng thái hậu. Lý Thường Kiệt dẹp bỏ hiềm riêng, đã xin Linh Nhân cho đón Lý Đạo Thành về kinh lo việc nội trị cho ông yên lòng đi đánh quân Tống xâm lược. Sau khi chiến thắng ngoại xâm, âm mưu của Thượng Dương vu cáo hãm hại Ỷ Lan được công chúa Động Thiên tố giác. Mọi chuyện mờ ám xung quanh cái chết của vua Thần Vũ được sáng tỏ.
Hoài Anh xây dựng thành công nhân vật Lý Thường Kiệt, anh hùng dân tộc. Xuất phát từ tư tưởng Tam giáo đồng tôn, Lý Thường Kiệt chủ trương đoàn kết toàn dân để tạo sức mạnh chống ngoại xâm. Lý Thường Kiệt sử dụng những người có chính kiến khác như Lý Đạo Thành và trọng dụng con trai Lý Đạo Thành là Lý Kế Nguyên. Hình ảnh Ỷ Lan thật đẹp. Như Nguyệt tượng trưng cho tấm lòng của Ỷ Lan với Lý Thánh Tông. Đây là sự sắt son chung thủy, nhưng không tiêu cực như chuyện cũ trong thơ Đường xưa:
Tự quân chi xuất hỹ
Bất phục lí tàn ki
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm thanh huy
Thơ của Trương Cửu Linh, đời Đường
Từ chàng cất bước ra đi
Việc canh cửi chẳng thiết gì mó tay
Nhớ chàng như mặt trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
Ngơ Tất Tố dịch