Sau khi Lý Thánh Tông băng, Ỷ Lan vẫn lo đảm đương việc nước như khi chồng còn sống. Như Nguyệt cũng là tên con sông, phòng tuyến chống quân Tống. Bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư của Lý Thường Kiệt đã được ông từ coi đền thờ Trương Hống, Trương Hát ngâm lên trong đêm để động viên quân sỹ. Thời đó, mọi người tin là thơ của thần linh, ý chí của thần linh! Từ đó tăng thêm lòng tin tưởng, dốc lòng dốc sức tiêu diệt quân thù.
4- HƯNG ĐẠO VƯƠNG VÀ NHỮNG TRUYỆN KHÁC
Quân Nguyên sang đánh nước ta lần thứ hai, thấy thế địch mạnh, Hưng Đạo Vương rút quân về Vạn Kiếp củng cố lực lượng. Giặc tiến đánh Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương lại đưa Thái Thượng hoàng và vua Trùng Hưng (tức Nhân Tông) rút về Thanh Hoa. Tại Thanh Hoa, Hưng Đạo Vương đứng hầu hai vua thường mang cây gậy đầu bịt mũi sắt nhọn để tiện leo núi. Thấy có người nghi ngờ là Hưng Đạo Vương có thể hại vua để trả mối thù của cha là Trần Liễu, giành lại ngôi vua về tay ngành trưởng, Hưng Đạo Vương đã rút mũi sắt nhọn để dẹp mối nghi ngờ. Việc làm đó cổ vũ mọi người, dồn tất cả ý chí và sức lực vào tiêu diệt quân giặc. Hưng Đạo Vương tổ chức phản công giải phóng kinh đô Thăng Long, đuổi sạch quân xâm lược, non sông vững tựa âu vàng.
Sau truyện Hưng Đạo Vương là các truyện khác, khắc họa sinh động những anh hùng dân tộc, danh nhân đất Việt: Phùng Hưng, Nguyễn Thuyên, Thái Thuận, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Hoàng Diệu, Cao Thắng, Quản Hớn, Đội Nhân (Hà Thành đầu độc)… Cuối cùng là truyện Phố Sử viết về 12 ngày đêm chiến thắng B 52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Hoài Anh tỏ ra rất lành nghề khi viết tiểu thuyết, sắc sảo khi làm truyện ngắn. Tác giả khắc họa tính cách của từng nhân vật tập trung vào những khoảnh khắc của lịch sử mà nhân vật phải lựa chọn cách suy nghĩ, hành động để trở thành người chính nghĩa, hữu ích cho dân tộc, có công với dân với nước. Ông khai triển chất liệu sử thi, chất thơ, chất triết lý. Hình ảnh dòng sông Lục Đầu đầy nghĩa biểu trưng. Sáu con sông gặp nhau tại Vạn Kiếp, thái ấp của Trần Hưng Đạo, là nơi đầu gió, đương đầu với sức mạnh của quân xâm lược từ phương Bắc tràn tới. Như câu tục ngữ: Có cứng mới đứng đầu gió. Trong tập truyện này còn những truyện về danh nhân khác là tấm gương phấn đấu, tìm tòi phát minh như Cao Thắng chế vũ khí chống Pháp, có công mài sắt có ngày nên kim.
Thời Trần là thời đại oanh liệt của lịch sử nước ta. Vì sao Hoài Anh không viết tiểu thuyết về đời Trần? Đời Trần, người trong họ lấy lẫn nhau, nay tái hiện thời ấy, ắt không thể né tránh vấn đề luân lý! Tác giả cho rằng rất khó thể hiện trong tiểu thuyết nhũng nhân vật như: Trần Thị Dung là chị con nhà bác lấy em là Trần Thủ Độ. Trần Hưng Đạo lấy Thiên Thành công chúa là cháu lấy cô ruột. Trinh quận chúa con gái Trần Hưng Đạo lấy Trần Nhân Tông là chị con nhà bác lấy em. Trần Thủ Độ bắt Trần Cảnh phải lấy Thuận Thiên công chúa khi đó đã có mang với Trần Liễu, đẻ ra con là Trần Quốc Khang, nhưng sau đó lại không được lập làm vua mà lập con ruột là Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông). Sau này con Trần Quốc Khang là Trần Kiện đã theo giặc Nguyên. Trần Ích Tắc, con thứ tư Trần Cảnh cũng đi theo giặc Nguyên (có lẽ vì tranh giành ngôi vua). Mẹ Trần Hưng Đạo là ai, chính sử cũng không chép! Trong khi đó nhà Trần không sử dụng Nguyễn Phi Khanh chỉ vì Phi Khanh lấy con gái hoàng tộc, con gái Trần Nguyên Đán. Hồ Quý Ly lập Hồ Hán Thương mà không lập Hồ Nguyên Trừng chỉ vì Hồ Hán Thương là cháu ngoại của vua Trần… Những chuyện thật của lịch sử như thế đều rất khó viết. Bởi khi viết tiểu thuyết lịch sử, dù có hư cấu thế nào chăng nữa thì cũng phải trung thành với sự thật lịch sử chứ không thể xuyên tạc lịch sử!
5- NGỰA ÔNG ĐÃ VỀ
Tác phẩm rất hấp dẫn, gồm những mẩu truyện về Lê Lợi từ khi khởi nghĩa ở Lam Sơn, tạm rút về Chí Linh, cho đến khi phát triển vào Nghệ An rồi đem quân ra Bắc, dựng trại ở bến Bồ Đề, đánh thành Đông Quan, được nhân dân hưởng ứng. “Nhong nhong ngựa Ông đã về. Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa Ông ăn”. Nhờ Nguyễn Trãi giúp mưu, đánh vào lòng người, và chặn đánh viện binh của giặc kéo sang, cuối cùng giải phóng Đông Quan (Thăng Long): “Non sông muôn dặm lấy lại, Chợ búa Đông Đô chẳng thay”, đuổi quân Minh về nước, “rửa sạch nỗi hổ thẹn nghìn thu. Mang lại nền thái bình muôn thuở”. Cũng giống như Hưng Đạo Vương, đưa Lê Lợi vào tiểu thuyết sẽ gặp rất nhiều vấn đề lịch sử rất khó xử lý! Còn nhớ sau khi tác phẩm Ngựa Ông đã về ra đời, năm 1979 có người chê Hoài Anh: Tại sao nhân vật Lê Lợi hay như vậy, thời Khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng như vậy mà không viết tiểu thuyết, lại đi viết mẩu chuyện ngắn? Chê như thế là chưa hiểu hết nghề viết tiểu thuyết, là chưa cận nhân tình! Lê Lợi là anh hùng dân tộc, là nhân vật lịch sử quá nổi tiếng, không thể tùy tiện hư cấu. Ông có những mối quan hệ phức tạp. Thí dụ như mối quan hệ của ông với ba bà vợ, với hai con Tư Tề và Nguyên Long, không chỉ phức tạp mà nhiều khi mang màu sắc huyền thoại: Việc bà Phạm Thị Trần bị ném xuống sông dâng cho Thần Sông. Mối quan hệ của Lê Lợi với những người khai quốc công thần như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, đầy bi kịch, cũng không dễ giải thích và tái hiện. Hoài Anh thật khôn ngoan chọn phương thức viết những mẩu chuyện xung quanh nhân vật Lê Lợi. Theo cách này, ông có dư đất dụng võ! Mỗi chuyện trong Ngựa Ông đã về giống như một truyện ngắn mini, có thể độc lập, nhưng đứng kế tiếp nhau thì thành một tập truyện liên hoàn. Xưa, M. Gorki viết Những mẩu chuyện nước Ý cũng theo phương cách này.
6- ĐẤT THANG MỘC I: CHÚA CHỔM
Công cuộc trung hưng nhà Lê được thể hiện qua hình ảnh tượng trưng: Đất thang mộc. Nghĩa đen là đất tắm gội của vua khi tế trời đất, thần linh, xã tắc và tổ tiên. Nghĩa bóng là nơi phát tích của một triều đại. Đất phát tích của nhà Lê là Lam Sơn, của Chúa Trịnh: Sóc Sơn, của Chúa Nguyễn: Gia Miêu, đều thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa được coi là đất Thang mộc, cũng là hậu bị chiến lược của quân đội ta. Tiểu thuyết Đất Thang Mộc chia làm hai phần:
Phần I, viết về Chúa Chổm, tức vua Lê Trang Tông. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Trung thần nhà Lê là Hữu điện tiền đô chỉ huy sứ An Thành hầu Nguyễn Kim lánh sang Ai Lao dấy binh khôi phục nhà Lê. Ông tìm con cháu nhà Lê là Lê Ninh, tức Chúa Chổm, con vua Chiêu Tông, về lập làm vua, tức vua Nguyên Hòa, sau là Lê Trang Tông. Nguyễn Kim tiến hành công cuộc diệt Mạc phù Lê, nêu rõ chính thống. Được Trịnh Kiểm, Vũ Sư Thước và các tướng giúp đỡ, Nguyễn Kim đem quân về đóng ở Thanh Hoa, đánh nhau với quân Mạc. Khi tiến quân ra Yên Mô (nay thuộc Ninh Bình), Nguyễn Kim bị hàng tướng Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Dù bị Trịnh Kiểm nghi ngờ, chèn ép, Vũ Sư Thước vẫn ủng hộ Trịnh Kiểm lên làm người đứng đầu quân đội, đồng lòng phù Lê diệt Mạc.
7- ĐẤT THANG MỘC II: SỨ MỆNH PHÙ LÊ
Phần II của Đất thang mộc mang tên: Sứ mệnh phù Lê. Sau khi Nguyễn Kim, Lê Trang Tông qua đời, những người còn lại vẫn kiên trì sự nghiệp diệt Mạc phù Lê, trung hưng nhà Lê. Vua Nguyên Hòa mất, con lên nối ngôi là vua Thuận Bình, sau là Lê Trung Tông. Thuận Bình mất sớm, Trịnh Kiểm lập Duy Bang, dòng dõi Lê Trừ, anh Lê Thái Tổ lên làm vua, tức là vua Chính Trị, sau là Lê Anh Tông. Trịnh Kiểm mất, con là Trịnh Tùng lên thay, lại giết vua Chính Trị, lập vua Gia Thái lên ngôi, sau là Lê Thế Tông. Trịnh Tùng mang quân về Thăng Long diệt được nhà Mạc. Vũ Sư Thước hy sinh nhưng con là Vũ Trần Phúc vẫn đi tiếp con đường của cha hoàn thành sự nghiệp phù Lê. Mẹ Vũ Trần Phúc là công chúa Ngọc Lan, con gái Mạc Đăng Doanh, vì cứu Vũ Sư Thước nên bị vua Mạc khoét mắt, phải đi làm nghề hát rong nuôi thân, cuối cùng vào núi Yên Tử trút xác. Vũ Trần Phúc có ý định theo Nguyễn Hoàng vào mở mang vùng đất mới phía Nam…
Những tác phẩm viết theo đề tài phế lập trong văn học ta đã xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ trước. Thế nhưng những tác phẩm thời đó theo kết cấu chương hồi, thuật chuyện là chính, tâm trạng nhân vật thường rất sơ lược, tác giả tùy tiện khi hư cấu, khi sử dụng sử liệu. Đọc tiểu thuyết Đất Thang mộc mới thấy Hoài Anh rất tài hoa trong việc miêu tả và xử lý những tình huống, sự kiện lịch sử.
8- LỜI THỀ LỬA
Thời kỳ vua Lê chúa Trịnh có lẽ là thời bi hài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam buổi thoái trào. Họ Trịnh chuyên quyền ngày càng hiếp bức vua Lê. Vua Lê chỉ còn là bù nhìn. Đến đời Trịnh Giang, lại càng lộng hành, bỏ vua này lập vua khác. Trịnh Giang già tay bóc lột nhân dân, ăn chơi xa xỉ, xây cất nhiều cung quán chùa chiền phủ đệ khắp nơi, bắt dân chúng phục dịch vất vả. Hoàng tử Lê Duy Mật, con vua Dụ Tông đứng lên phát động cuộc khởi nghĩa nông dân ở Sơn Tây, sau đó rút về Thanh Hoa, lập căn cứ ở Trấn Ninh chống nhau với Trịnh ròng rã suốt ba mươi năm. Cuối cùng, bị con rể là Lại Thế Thiều phản bội, mở cửa cho quân Trịnh lọt vào thành, nghĩa quân tan vỡ. Lê Duy Mật nhảy vào lửa tự thiêu để vẹn lời thề với dân với nước.
Trấn Ninh cũng là căn cứ đầu tiên của Nguyễn Kim khi khởi nghĩa diệt Mạc phù Lê. Trấn Ninh giáp Lào. Những nghĩa sỹ Việt Nam đã được nhân dân Lào ủng hộ. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Lào Việt có từ lâu đời. Hoài Anh đã nhấn mạnh tính nhân dân trong cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật. Duy Mật không chỉ vì quyền lợi hoàng tộc mà còn cứu vớt nhân dân khỏi sự áp bức bóc lột tàn bạo của chính quyền Trịnh Giang.
9- MƯU SĨ CỦA QUANG TRUNG: TRẦN VĂN KỶ
Tiểu thuyết có nhân vật chính là Trần Văn Kỷ, nhưng tác phẩm đã làm sống lại cả một thời đại lẫy lừng trong lịch sử dân tộc: Thời đại Quang Trung. Kỷ là nho sĩ ở Thuận Hóa, từ chối không ra thi với chúa Nguyễn. Khi chúa Trịnh mang quân vào đánh Thuận Hóa, Kỷ cho rằng chúa Trịnh khá hơn chúa Nguyễn nên ra thi với chúa Trịnh, đỗ Giải nguyên. Khi ra Thăng Long chuẩn bị dự kỳ thi Hội, Kỷ mới hiểu ra chúa Trịnh cũng áp bức bóc lột dân chẳng khác gì chúa Nguyễn nên đã hưởng ứng phong trào nghĩa quân Tây Sơn diệt cả Nguyễn và Trịnh. Nguyễn Huệ phong Kỷ làm Trung thư phụng chính Kỷ thiện hầu. Kỷ đã tiến cử cho Nguyễn Huệ những nhân tài Bắc Hà như: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp… Sau đó lại giúp mưu cho Quang Trung đánh quân Thanh xâm lược. Sau ngày đại thắng, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm… đã giúp Quang Trung trong việc xây dựng lại đất nước như lời chiếu: “Nay Trẫm cùng dân đổi mới, đưa trăm họ lên đài xuân”…
Cũng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, nhân vật Nguyễn Huệ rất khó đưa vào tiểu thuyết lịch sử bởi nhiều mối quan hệ phức tạp: Quan hệ của Nguyễn Huệ với Nguyễn Nhạc khi vợ Nguyễn Huệ bị Nhạc thông dâm, để rồi anh em ruột mang quân đánh giết nhau! Mối quan hệ của Nguyễn Huệ với Bùi Đắc Tuyên là em trai bà vợ cả họ Phạm, mẹ của Nguyễn Quang Toản. Mối quan hệ của ông với Nguyễn Quang Thùy, con bà vợ lẽ, không được lập làm Thái tử mặc dù lớn tuổi hơn Toản và có tài hơn. Mối quan hệ với Ngọc Hân và các con bà; Hay là việc ông cầu hôn công chúa con vua Càn Long… Có phải tác giả né tránh những chuyện phức tạp, uẩn khúc trong cuộc đời thật của các danh nhân để giữ vẻ đẹp muôn đời cho các anh hùng dân tộc đã trở thành thần tượng chăng?
Tác giả thông minh khi chọn một sỹ phu Nam hà là Trần Văn Kỷ làm nhân vật chính. Trần Văn Kỷ có quan hệ với các sỹ phu Bắc hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Nguyễn Thiếp… Qua đó Hoài Anh khéo thể hiện sự anh minh, biết dùng nhân tài của Nguyễn Huệ, cũng như kế hoạch hành binh thần tốc của ông. Tác phẩm khắc họa thành công nhiều gương mặt không phải ai cũng đã biết là những tướng lĩnh quê Đàng trong, đặc biệt là đất võ Bình Định.
10- VUA MINH MẠNG
Có một thời kỳ, khi viết sử và giảng sử, chúng ta đánh giá về Nhà Nguyễn chưa công bằng, chưa khách quan, khoa học. Hoài Anh trong tác phẩm này đề cao vua Minh Mạng là người tư chất thông minh, hiếu học, ham hiểu biết. Nhà vua rất quan tâm học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Trong việc dùng người, Minh Mạng đặc biệt chú ý đến học thức. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý đất nước. Năm Tân Mão, 1831, Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trên quy mô lớn, chia cả nước làm ba mươi mốt tỉnh. Từ đây, tỉnh là đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, có cương vực và địa hình khá hợp lý.
Minh Mạng thiết lập được chế độ trung ương tập quyền ở Việt Nam, hạn chế quyền hành các thế lực địa phương. Thời Minh Mạng, đất nước ta rộng nhất. Các nước Ai Lao, Chân Lạp đều quy phục. Người Xiêm cũng không dám gây hấn. Các thể chế luật pháp, được xây dựng quy mô. Có thể gọi Minh Mạng là kiến trúc sư của nước Đại Nam, tượng trưng cho chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ. Hoài Anh dùng hình tượng Cửu đỉnh để nói lên thế vững mạnh của nước ta thời đó. Tác phẩm thể hiện xung khắc giữa tư tưởng pháp trị và tư tưởng nhân đạo; ca ngợi những nhân vật ủng hộ đường lối chính sách của Minh Mạng như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương; phê phán những nhân vật chống lại chính sách đó như Lê Chất… Riêng với Lê Văn Duyệt, tác giả có sự đánh giá đúng mức, sức thuyết phục cao.
Tiểu thuyết Vua Minh Mạng vạch rõ âm mưu của vua Louis XVIII, De Richelieu… sử dụng Chaigneau và các thừa sai, linh mục Gia tô giáo làm tay trong để xâm lược nước ta. Tác giả khai thác những tài liệu của Pháp để làm chất liệu tiểu thuyết. Có không ít người xưa nay đổ lỗi cho Minh Mạng vì chủ trương bế quan tỏa cảng và cấm đạo, cho nên Pháp đánh Việt Nam! Không thể đổ lỗi như vậy. Minh Mạng vâng theo lời vua Gia Long, cảnh giác với âm mưu xâm lược của Pháp, cảnh giác với những kẻ đội lốt tôn giáo, chứ không chống tất cả các nước ngoài muốn giao thương, giao hảo. Bằng chứng là Minh Mạng đã từng đồng ý tiếp sứ thần Hoa Kỳ. Thế nhưng do sứ thần Mỹ chưa theo đúng thể thức ngoại giao của ta nên cuộc đàm phán giao thương không thành. Lần thứ hai, sứ thần Hoa Kỳ vừa cập bến, chưa kịp mở hội nghị giao thương thì sứ thần đột ngột lâm bệnh rồi chết. Vì thế hiệp ước thông thương với Mỹ đã không được ký kết. Đó là một trớ trêu của lịch sử!
11- ĐUỐC LÁ DỪA
Tiểu thuyết Đuốc lá dừa viết về Nguyễn Đình Chiểu. Qua tiểu thuyết này Hoài Anh ca ngợi tâm hồn, nghĩa khí của người dân Nam Bộ đối diện với bọn xâm lược Pháp. Tiểu thuyết rất thành công với những trang miêu tả về thiên nhiên và con người miệt vườn. Nguyễn Đình Chiểu sinh ở làng Tân Thới huyện Bình Dương phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Năm 1843, đỗ tú tài ở Gia Định. 25 tuổi, ông ra Huế học tập chờ khoa thi Hội. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì khóc thương và vì thời tiết nóng bức, ông bị mù. Năm 1859, Gia Định bị giặc Pháp chiếm, nhà thơ phải về Cần Giuộc. Năm 1861, Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông phải tị địa sang Ba Tri tỉnh Bến Tre. Ông mở trường dạy học và làm thuốc, làm thơ văn kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Các tác phẩm hừng hực tinh thần chống Pháp của ông như: Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, văn tế và thơ điếu Trương Định, thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh… Thực dân Pháp và tay sai tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ nhưng ông dứt khoát từ chối. Năm 1888, đau buồn vì cảnh Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bị bắt, ông lâm bệnh trầm trọng, qua đời ở Ba Tri. Thông qua hình tượng Nguyễn Đình Chiểu, Hoài Anh khái quát phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Cây dừa và hình ảnh ngọn đuốc lá dừa từ Trương Định được truyền sang tay Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều… tượng trưng cho tinh thần xả thân chống Pháp vì độc lập Tổ quốc.
12- CHIẾN LŨY THÁP MƯỜI
Ngọn đuốc lá dừa truyền từ tay Trương Định qua Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều, rồi đến Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Ngọc Tòng, Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Lê Tấn Kế rồi Phan Văn Hớn… Triều đình Huế đầu hàng giặc nhưng nhân dân Nam Kỳ đồng lòng bất khuất. Thiên Hộ Dương lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười, đánh cho giặc Pháp nhiều trận thất điên bát đảo. Sau khi tên phản bội Phạm Công Khanh dẫn dường cho Pháp đánh đồn Tiền, nghĩa quân phải tạm rút lui. Thiên hộ Dương giao binh quyền cho đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, tung tin là ông ra Huế xin quân cứu viện, nhưng kỳ thực là ông đi liên lạc với các đám nghĩa quân ở khắp nơi, huấn luyện những hàng binh Âu Phi, trong đó có người Pháp Linguet và những người lính Tagals gồm người Angiêri, Marốc, Tuynidi… Cuối cùng ông mang đội quân chí nguyện đó phối hợp cùng đại quân thình lình xuất hiện, đánh đồn giặc ở Cần Lố, tiêu diệt quân Pháp và bọn tay sai phản bội, mở thông con đường tiếp tế lương thực vũ khí cho căn cứ trung tâm Đồng Tháp. Hoài Anh là người rất yêu thiên nhiên và con người Nam Bộ. Tiểu thuyết Chiến lũy Tháp Mười chứng tỏ điều đó.
13- RỒNG ĐÁ CHUYỂN MÌNH
Tiểu thuyết Rồng đá chuyển mình là thiên hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Hà Nội kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương. Đề tài Hà Nội, như Hoài Anh tâm sự là đề tài ông thích nhất. Viết tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội, Hoài Anh như muốn lấy cái hào hùng của quá khứ để tiếp thêm lửa cho người đọc. Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương là người đi đầu đánh Pháp khi tàu giặc vào đánh cửa Đà Nẵng. Pháp đánh chiếm Gia Định, ông đã lập phòng tuyến Chí Hòa chống Pháp. Sau ông được điều ra Hà Nội làm kinh lược Bắc Kỳ. Quân Pháp đánh thành Hà Nội, ông chỉ huy cuộc phản công mãnh liệt gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Ông bị thương, bị giặc bắt, ông xé bông băng, tuyệt thực, rồi moi ruột tự tử mà chết. Cái chết anh hùng của ông kích thích lòng căm thù giặc tột độ của quân dân ta, trong trận Cầu Giấy, đã giết chết tên đại úy Pháp Francis Garnier. Thông qua hình tượng nhân vật Nguyễn Tri Phương, tác giả tái hiện khí thế chống Pháp của nhân dân Hà Nội và Bắc Kỳ. Hình tượng con rồng đá ở điện Kính Thiên tượng trưng truyền thống vẻ vang của dân tộc. Rồng đá đã bay lên trong khí thế chống Pháp của nhân dân Hà Nội.
14- BÙI HỮU NGHĨA MỐI DUYÊN VÀNG ĐÁ
Tiểu thuyết Bùi Hữu Nghĩa mối duyên vàng đá là tấm lòng của nhà văn Hoài Anh với đất và người Nam Bộ. Bùi Hữu Nghĩa con nhà dân chài ở Cần Thơ, sau lên Biên Hòa trọ học trong nhà ông Nguyễn Văn Lý. Cô Nguyễn Thị Tồn, con gái ông Lý yêu Nghĩa. Nghĩa bị bệnh phong, cô hết lòng thuốc thang chăm sóc cho Nghĩa khỏi bệnh... Nghĩa làm tri huyện Trà Vang, bảo vệ dân người Việt gốc Miên ở vùng rạch Láng Thé, bị bọn quan lại tỉnh Vĩnh Long bắt giam vào ngục, lại đút lót cho Thượng thư bộ Hình ở Kinh để khép Nghĩa vào tội tử hình. Bà Tồn đã lên Kinh tỏ nỗi oan cho chồng. Nghĩa được tha tội chết nhưng được cử đi làm Thủ ngữ đồn Vĩnh Thông để chống dân Miên nổi loạn. Nghĩa chủ trương không tàn sát dân Miên nên khi đồn Vĩnh Thông vỡ, Nghĩa bị dân Miên bắt, họ tha cho Nghĩa trở về quê hương.
Khi Nghĩa ở Bình Thủy thì quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nghĩa đã cùng Phan Văn Trị dùng thơ văn kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Nghĩa bị Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau đó chúng cho Đỗ Hữu Phương lãnh về giam lỏng ở nhà y. Thấy không thuyết phục, mua chuộc nổi Nghĩa, chúng buộc phải trả tự do cho ông. Nghĩa lại đi khắp nơi cổ vũ mọi người đứng lên chống Pháp, giúp mưu cho nghĩa quân rút về vùng Bảy Núi làm căn cứ chống giặc lâu dài. Tái hiện nhân vật Bùi Hữu Nghĩa, Hoài Anh ca ngợi tầng lớp sỹ phu Nam Kỳ đã đi đầu chống Pháp, khẳng định rằng những ai mang danh sỹ phu mà theo giặc thì nhân dân đời đời căm ghét, nguyền rủa. Những sỹ phu yêu nước thì sống mãi trong lòng dân. Trong tác phẩm này, nhân vật Trương Vĩnh Ký được tác giả nhìn nhận, đánh giá đúng mức.
15- NGUYỄN THÔNG VỌNG MAI ĐÌNH
Nguyễn Thông quê Vàm Cỏ, Tân An, đậu cử nhân năm 1849 và làm Huấn đạo huyện Phú Phong An Giang. Khi Pháp đánh chiếm Gia Định, ông đang làm việc tại Huế, xin tòng quân và trở lại Nam Kỳ làm việc dưới quyền của thống đốc Tôn Thất Hiệp. Ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị mất, ông ra khỏi quân đội triều đình và tị địa ở miền Tây. Tại đây, ông được cử giữ chức Đốc học Vĩnh Long. Ba tỉnh này bị mất, ông ra Bình Thuận tị địa, lập Đồng Châu Xã, giúp những người Nam Kỳ ở Bình Thuận và các tỉnh cực Nam Trung Kỳ làm ăn sinh sống. Năm 1870, Nguyễn Thông làm Biện lý bộ Hình rồi Bố chánh Quảng Ngãi. Ở đây, ông vận động nhân dân làm thủy lợi, trồng cây… Thấy ông làm được nhiều việc có ích cho dân, bọn quan lại địa phương dèm pha, có kẻ vu cáo ông nên ông bị cách chức, bị giam và xử đòn. Nhân dân địa phương thương mến, đứng ra kêu oan cho ông nên ông được tha. Năm 1873, Nguyễn Thông bị bệnh, xin về nghỉ ở một trại núi Bình Thuận, lập Thi xã cùng bạn bè ngâm vịnh. Năm 1876, ông trở lại Huế làm Tu nghiệp Quốc tử giám. Sau đó ông đổi về Bình Thuận giữ chức Phó sứ điển nông, kiêm Đốc học. Nguyễn Thông dựng một ngôi nhà nhỏ trên bờ sông Phan Thiết đặt tên là Ngọa Du sào. Ông tiếp tục con đường canh tân đất nước do Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện đề xướng. Ông lập lò vôi sò, làm đồ gốm, tổ chức đánh cá bằng lưới rùng, buôn bán với đồng bào dân tộc ít người, xây dựng một ngôi nhà gọi là nhà Ngư chứa dụng cụ đánh cá và làm kho chứa cá làm mắm. Ông đang tính mở công ty buôn Liên Thành1 và mở trường Dục Thanh để mở mang dân trí thì lâm bệnh, qua đời. Chí nguyện của ông đã được các con và đồng chí của ông thực hiện. Viết về Nguyễn Thông, Hoài Anh khẳng định tinh thần yêu nước và xu hướng đổi mới của sỹ phu ba miền Bắc Trung Nam ngay từ thời đó. Nhờ sáng kiến của Nguyễn Thông mà Hội buôn Liên Thành và trường Dục Thanh ra đời. Cũng trong tiểu thuyết này, nhân vật Phan Thanh Giản được tái hiện rất có tình có lý.
16- CHIM GỌI NẮNG
Tập này gồm nhiều truyện. Chim gọi nắng viết về bà Nguyễn Thị Minh Khai. Minh Khai quê gốc Từ Liêm, Hà Nội, theo gia đình vào sống ở thành Vinh, Nghệ An. (Do vậy bà đã từng mang tên là Vịnh; Vịnh là tên cũ của thành Vinh). Năm 1930, Minh Khai trở thành đảng viên Cộng sản Đông Dương, được cử ra nước ngoài hoạt động. Bà công tác ở văn phòng Chi nhánh Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Hương Cảng. Nguyễn Thị Minh Khai được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt, giáo dục, bồi dưỡng. Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia đoàn đại biểu của đảng ta do Lê Hồng Phong làm trưởng đoàn đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ Bảy tại Moscow. Trong dịp này hai anh chị đã thành hôn. Năm 1935 về nước, được chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn. Nguyễn Thị Minh Khai ra sức hoạt động đẩy nhanh phong trào cách mạng cùng với cả nước đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, giải phóng phụ nữ, chống phản động thuộc địa và các loại tay sai, chống phát xít và chiến tranh; chống bọn Trôtxkít xuyên tạc đường lối của Đảng.
Khi đang họat động thành lập Mặt trận phản đế và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 7-1940, vì bị một tên phản bội chỉ điểm, Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt. Pháp dùng mọi thủ đoạn dã man tra tấn để khai thác tài liệu, tin tức bí mật của Đảng, nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn trung kiên bất khuất. Địch thất bại, chúng tuyên án tử hình người nữ đảng viên cộng sản. Ngày 28-8-1941, Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh ở Hóc Môn cùng một số đồng chí khác. Hoài Anh tái dựng hai nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và yêu thương các bậc cách mạng tiền bối. Tác giả kể lại phong trào đấu tranh chống Pháp do Đảng cộng sản lãnh đạo. Trên cái nền ấy, tác giả tái hiện hình ảnh của các chiến sỹ cộng sản như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Quang Thái (là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hy sinh)… Một số nhân vật chính diện như Nguyễn Thị Ngọc Tốt (tức Nguyễn Thị Thập), Nguyễn Văn Tiến (người vẽ lá cờ Tổ quốc), bà Hai Sóc… Tác giả viết về những nhân vật có chính kiến khác như: Tạ Thu Thâu, Đinh Nho Hàng… nhưng biết phân tích sâu hoàn cảnh lịch sử nên mức độ phê phán có lý có tình.