Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.136
 
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 3
Triệu Xuân

III- Từ khi loài người có văn tự, văn xuôi lịch sử sớm xuất hiện. Nhưng cả một thời gian dài, văn và sử là một, chưa tách rời nhau.

Từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, tại Hy Lạp đã xuất hiện những tác phẩm văn xuôi lịch sử. Trung Hoa xuất hiện văn xuôi lịch sử từ thời Xuân Thu, nhưng đỉnh cao là Sử ký của Tư Mã Thiên, tác phẩm vĩ đại viết về ba ngàn năm lịch sử từ thượng cổ đến đầu đời Hán, ảnh hưởng sâu rộng đến sử học, văn học nghệ thuật Trung Quốc và thế giới mãi cho đến ngày nay.

Thời Phục hưng ở châu Âu, lịch sử với văn học mới được phân biệt. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, xuất hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng của V. Huygô, A. Đuyma. Trong văn học Anh, Xcốt ( Walter Scott, 1771 – 1832), với tiểu thuyết Aivanhô (1820) viết về nước Anh thời vua Risa I, thực sự  là người sáng tạo ra tiểu thuyết lịch sử. Ở Mỹ có nhà văn Cupơ (James Fenimore Cooper, 1789 – 1851). H. Ban zắc viết trong Lời nói đầu cho bộ Tấn trò đời: Xcốt đã nâng tiểu thuyết lên cấp độ triết học của lịch sử. Còn Ăngghen đánh giá Tấn trò đời… cấp cho ta cái lịch sử hiện thực tuyệt vời của xã hội Pháp từ 1816 đến 1848. Thể loại tiểu thuyết lịch sử có tác động rất lớn với sự phát triển của văn học và được đánh giá rất cao. Thế nhưng phải chờ đến khi Chiến tranh và hòa bình của nhà văn Nga, bá tước L. Tônxtôi xuất hiện, người ta mới thấy giá trị vô cùng lớn lao của tiểu thuyết lịch sử. Tônxtôi là bậc thầy về tiểu thuyết lịch sử. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật lịch sử và nhân vật hư cấu đều thấm đậm tính lịch sử, tính lãng mạn và tính hiện thực. Tâm lý nhân vật được miêu tả, phân tích vô cùng tài hoa. 

Tại phương Đông, tiểu thuyết lịch sử phát triển mạnh tại Trung Quốc thời Minh, Thanh. Nổi nhất là Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử truyện của Thi Nại Am, hai pho này đã trở thành kinh điển của loại truyện chương hồi, là niềm say mê của cả nhân loại, ảnh hưởng rất sâu rộng đến các loại hình nghệ thuật khác cho đến tận ngày nay.  

 

Ở Việt Nam, văn xuôi lịch sử viết bằng chữ Hán có Đại Việt sử ký toàn thư, 1479, của Ngô Sỹ Liên là chính sử của nước Việt. Kế đó phải kể đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Đầu thế kỷ XX, Văn xuôi lịch sử viết bằng quốc ngữ có nhiều tác giả như Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên, Đinh Gia Thuyết, Nguyễn Tử Siêu… vẫn viết theo kết cấu chương hồi, chủ yếu là thuật truyện kiểu truyện Tàu, ít đi sâu phân tích tâm lý nhân vật. Cuối những năm Ba mươi, nhà văn không còn viết theo lối chương hồi nữa. Từ điển Văn học bộ mới liệt kê những tác giả và tác phẩm: Phan Trần Chúc với Vua Hàm Nghi 1935, Hồi chuông Thiên Mụ 1940, Dưới lũy Trường Dục 1942. Lan Khai với Chiếc ngai vàng 1935, Cái hột mận 1937, Ai lên phố Cát 1937, Gái thời loạn 1938, Đỉnh non thần 1940, Treo bức chiến bào 1942. Trong cơn binh lửa 1942… Nguyễn Triệu Luật với Hòm đựng người 1938, Bà Chúa chè 1938, Loạn kiêu binh 1939, Ngược đường trường thi 1939, Chúa Trịnh Khải 1940… Chu Thiên với Lê Thái Tổ 1941, Thoát cung vua Mạc 1941, Bà Quận Mỹ 1942, Cháy cung Chương võ 1942. Nguyễn Huy Tưởng với Đêm hội Long Trì 1942, An Tư 1944… Nguyễn Triệu Luật là nhà văn chắc tay hơn cả trong thể loại này.

Sau cách mạng tháng Tám, có Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Bóng nước hồ Gươm của Chu Thiên, Người Thăng Long của Hà Ân, Núi rừng Yên Thế của Nguyên Hồng, Cờ nghĩa Ba Đình của Thái Vũ, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (California 1991. NXB Văn học,1998, 2005. Hoàng Lại Giang với Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông 1999, và Trương vĩnh Ký Bi kịch muôn đời, 2001. Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, 2000. Tại Pháp, nhờ cụ Hoàng Xuân Hãn tư vấn, nữ văn sĩ Pháp Éveline Féray viết Vạn Xuân (NXB Văn học, 2002). Vạn Xuân ca ngợi Nguyễn Trãi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Rất tiếc là về phong tục tập quán Việt Nam, bà E. Féray không hiểu kỹ, cho nên có nhiều điều nhầm lẫn đáng tiếc. Ví dụ khi vợ chết, Nguyễn Phi Khanh cho người ra Côn Sơn Kiếp Bạc báo tin cho bố vợ là Trần Nguyên Đán, thì tác giả cho vợ chồng Trần Nguyên Đán đội nón rơm, thắt khăn tang, mặc áo xô trắng, đi dép cỏ làm lễ tang, y như con cái làm lễ tang cho cha mẹ vậy!

Trong vòng một trăm năm qua, Việt Nam có khá nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Hoài Anh là một trong số ấy và ông đã gặt hái nhiều thành công. Cảm nhận rõ nhất trong các tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh là ông rất tôn trọng sự kiện lịch sử, rất kỹ tính khi xử lý các chi tiết lịch sử và chu toàn khi hư cấu, văn chương hóa, nghệ thuật hóa các danh nhân lịch sử. Vai trò của đám đông, của quần chúng nhân dân trong tiểu thuyết và truyện lịch sử của Hoài Anh được trân trọng. Quan điểm của tác giả là: Chỉ có hợp lòng dân, vì dân, các nhân vật mới làm nên lịch sử! Khoảng trời bao la của trí tưởng tượng trong Hoài Anh đôi khi như bị kìm nén lại bởi ông bao giờ cũng trân trọng sự thật lịch sử. Nhà văn có quyền hư cấu, nhưng không bao giờ được ngông nghênh phủ nhận lịch sử, thậm chí có kẻ còn chà đạp sự thật lịch sử, bóp méo lịch sử. Ông nói như thế khi chúng tôi trao đổi về một số truyện ngắn, tiểu thuyết viết về lịch sử mà một số người hè nhau bơm thổi lên quá mức. Theo Hoài Anh, khi đụng tới lịch sử, cái tâm của người viết phải trong sáng. Một pho sử chỉ có giá trị khi ghi đầy đủ công và tội của nhân vật lịch sử. Nhưng một tiểu thuyết hay truyện ngắn lịch sử, giá trị thẩm mỹ là mục tiêu cuối cùng, thì việc dùng chất liệu này, không xài chất liệu lịch sử kia là cả một vấn đề thể hiện tài và tâm tác giả.

Sông Côn mùa lũ (SCML) là một ví dụ. Khi viết về cuộc đời Nguyễn Huệ, một nhân vật có nhiều mối quan hệ vô cùng phức tạp, Nguyễn Mộng Giác không chú tâm miêu tả những trận đánh, những cuộc hành binh, những mối quan hệ rắc rối, đầy bi kịch trong đại gia đình ba anh em Tây Sơn, mà chỉ xoáy vào những chi tiết đời thường, nhằm cắt nghĩa cội nguồn tạo nên danh nhân. Tác phẩm nhờ thế mà thành công. Trong chuyến du khảo Hoa Kỳ từ đầu tháng Ba đến cuối tháng Tư năm 2000, tôi được nhà văn Nguyễn Mộng Giác mời đến nhà chơi. Ông Giác cho tôi coi tập bản thảo SCML viết tay sạch sẽ, chữ rất đẹp, đúng là chữ của một nhà giáo. Tập bản thảo này do vợ ông mang từ Thị Nghè Sài Gòn sang Mỹ khi bà cùng con đi định cư chính thức, còn tác giả của nó thì ra đi bằng thuyền ngay sau khi viết xong SCML! Sông Côn mùa lũ được ông Giác viết vào ban đêm vì ban ngày phải đi làm mướn cho một tổ hợp mì sợi ở Chợ Lớn. Ông viết từ năm 1978 đến đầu năm 1981 thì hoàn thành, in lần đầu ở California 1991. NXB Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản ở Việt Nam năm 1998, tái bản 2005. Nay, ông Giác đã ủy quyền cho nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ ba (2006). Đồng thời, hãng TFS đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vừa mua bản quyền của ông để chuyển SCML thành phim truyền hình. Một người làm viên chức cho chế độ Sài Gòn cũ, sau năm 1975 đi học tập cải tạo, học về rồi, lại phải đi tiếp một đợt nữa chỉ vì ông đã viết tác phẩm khảo cứu văn chương chưởng của Kim Dung. Lúc đó Sài Gòn đang “đấu tranh chống nọc độc của văn hóa đồi trụy và tàn dư của văn hóa thực dân mới” mà! Cuộc đời phút chốc rớt xuống dưới đáy, vậy mà Nguyễn Mộng Giác vẫn tỉnh táo phân biệt được cái gì là vĩnh hằng, cái gì chỉ là nhất thời, cái gì là trọng, cái gì chỉ là nhỏ nhặt. Ông giữ được sự thanh thản, tâm hồn trong trẻo khi viết SCML. Lòng yêu nước, tình cảm thiết tha với dân tộc luôn bừng cháy trong lòng nhà giáo, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cho nên không khó khăn, oan khổ nào có thể khiến ngòi bút của ông phủ nhận lịch sử. Ông viết về Nguyễn Huệ mà như có hơi thở, như có nhịp đập của chính trái tim mình, như là ông đã gửi vào đó biết bao niềm tin yêu và khát vọng của ông, của cả nhân dân, đất nước ông!

Nhà văn Hoài Anh nói rằng những anh em từng bị treo bút” nhiều năm như Nguyễn Xuân Khánh (tác giả tiểu thuyết Hồ Quý Ly), những người vì hoàn cảnh, phải sống xa Tổ quốc như Nguyễn Mộng Giác, mà cái tâm sáng như thế, cớ gì có những người sống ngay trên Tổ quốc mình lại không trân trọng lịch sử? Đáng trách hay đáng thương? Sáu mươi chín tuổi rồi, Hoài Anh vẫn còn đang viết không ngưng nghỉ. Ngọn lửa sáng tạo trong ông hầu như còn mãnh liệt lắm, bởi vì ông sống lặng lẽ, chỉ ham sáng tạo, không màng danh lợi. Ông chân thật với bạn bè, ưu ái người viết trẻ, và rất chịu đọc văn của những người khác. Văn chương ông trong sáng, giàu hình ảnh, giàu vốn sống; ngôn ngữ trong tác phẩm của ông chứng tỏ ông rất chịu đi, chịu học ngôn ngữ từng địa phương. Có nhiều người hỏi tôi: Cái ông Hoài Anh lủ khủ lù khù thế mà sao viết khỏe, viết dữ dội vậy? Tôi đáp: Ông viết được như thế là nhờ tình yêu! Ông yêu đời, yêu nghề như yêu chính cuộc đời mình. Ông có trí nhớ tuyệt vời, do bẩm sinh, tất nhiên, nhưng tôi cho rằng chủ yếu cũng là nhờ tình yêu nghề. Ông chưa bao giờ ăn xổi ở thì trong nghề viết! Những ai đã thấy ông ghi chép, làm việc, dịch thuật, sáng tác, đọc ở thư viện, đọc ở nhà và những ai đã từng nghe ông nói trước khi ngồi vào bàn đánh máy chữ, thì mới hiểu được Hoài Anh. Ông xứng đáng được tặng Huân chương lao động hạng nhất, và những giải thưởng cao quý khác! 

Thế mà cả đời, ít nhất là cho đến nay, sáu mươi chín tuổi rồi, ngoài cái Huân chương chống Mỹ, ông vẫn chưa hề được tặng Huân chương dành cho người lao động chân chính! Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt này cũng không có tên ông! Tại quán nhậu cực bình dân 81 Trần Quốc Thảo (Quận 3, Tp Hồ Chí Minh), nhân lúc mọi người bàn chuyện năm tới, ông Hoài Anh bảy mươi tuổi, tôi đã tổng kết về ông với bảy cái không: Không thích nói về mình, không xe cộ (suốt đời cuốc bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không danh hiệu, chức vị, không xu nịnh, cơ hội, không chung chiếu với những kẻ phi nhân cách! Tôi từng nghe Thu Bồn thốt lên: “Ông Hoài Anh ơi! Ông tài, nhưng kín đáo quá xá! Về tôi, thơ phú thế nào, tiểu thuyết ra sao, bạn bè, bồ bịch nhiều ít, cái gì ông cũng biết. Vậy mà, về đời tư của ông, tôi mù tịt, cạy răng ông cũng không nói”! Hoài Anh không thích nói về mình, nhưng ông đã nói về, viết về ít nhất hơn một ngàn nhà văn, và viết khá kỹ khoảng hai trăm nhà văn! Làm được điều đó, ông đã đọc rất nhiều tác phẩm của đồng nghiệp. Không phải nhà văn nào cũng đọc nhiều như thế!   

Nhà văn bảy không nặng tai đã hai năm nay. Độ rày ông bị điếc hẳn, không nghe được điện thoại nữa. Người cao tuổi, điếc cũng có cái hay! Nghe nhiều chuyện không đẹp, không vui, những chuyện nhố nhăng… chả để làm gì, chỉ thêm buồn. Bảy không nhưng ông lại có rất nhiều thứ: Sự trân trọng, quý mến của bạn bè, những tác phẩm văn học nhiều người nhắc đến… Đó phải chăng mới thực là gia tài vô giá của một nhà văn?

 

                    Sài Gòn - Tp Hồ Chí Minh, tháng Tám, 2006

Triệu Xuân
Số lần đọc: 4216
Ngày đăng: 23.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Mẫu Thượng ngàn” - một tác phẩm vừa có danh, vừa có... giá - Phạm Lưu Vũ
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 1 - Triệu Xuân
Đọc NGỌN ĐÈN VÂN TỎ : Nguyễn Nguyên An- NXB Công an Nhân dân – 2006 : Một tâm hồn rực sáng. - Đào Phạm Thùy Trang
Đọc Cõi mê của Triệu Xuân:Hiện thực sâu sắc ,tận cùng nỗi đau ,đầy lòng nhân ái . - Hoài Anh
Văn chương là cả cuộc đời - Trần Nhã Thụy
Từ một áng thơ Đường đến với một tập thơ đương đại - Thái Anh
Có một Quỳnh Giao “Tiền chiến” - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ tác giả ‘Cánh chim Phù Đổng’ với điếu văn tạ lỗi muộn màng - Nguyễn Tý
Nam Trân với Huế - Nguyễn Khắc Phê
Người không ai thay thế được . - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)