Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.466
 
Mục tiêu – Cuốn tiểu thuyết dạy quản trị doanh nghiệp
Vũ Ngọc Tiến

Không một tổ chức nào tồn tại và phát triển lại không có mục tiêu. Từ lâu, các lý thuyết về quản trị doanh nghiệp đều xác lập mục tiêu của tổ chức là tăng năng suất hoặc tiết kiệm chi phí sản xuất đã vô tình làm “ảo hóa” nhiều số đo trong hạch toán sổ sách, dẫn đến việc bỏ qua nhiều yếu tố ngẫu nhiên trong quá trình vận hành bộ máy quản trị doanh nghiệp. Thật ra, mục tiêu của tổ chức phải vừa mang tính phổ quát, lại vừa cụ thể hơn, đó là phải kiếm ra tiền. Từ đây, hàng loạt các khái niệm về quản lý và số đo trong hạch toán đã bị đảo lộn hoặc thay mới. Điều lý thú là một lý thuyết phức tạp như vậy lại được trình bày hút hồn người đọc dưới dạng tiểu thuyết sinh động và hấp dẫn.

 

Tiểu thuyết- Giáo trình, một hình thức xã hội hóa giáo dục

 

        Cuốn Mục tiêu (NXB Trẻ- Thời báo kinh tế Sài Gòn, 9/2004)  của tác giả Ellyahu.M.Goldratt và Jeff.Cox do Phạm Vũ Lửa Hạ dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Goal: A process of ongoing improvement” (Mục tiêu: Quá trình liên tục cải tiến). Cuốn sách dày 557 trang, trình bày khá ấn tượng, ngôn ngữ dịch thuật mạch lạc, trong sáng và dễ hiểu.

 

       Gọi là tiểu thuyết vì xuyên suốt 557 trang sách là cuộc tình lãng mạn của cặp vợ chồng đi từ bờ vực đổ vỡ hôn nhân đến hạnh phúc tuyệt vời. Gọi là cuốn sách giáo khoa hay một giáo trình vì nó trình bày hoàn chỉnh một lý thuyết mới về quản trị doanh nghiệp (QTDN). Người đọc bắt gặp ở nhiều trang sách những khái niệm khoa học, các số đo hạch toán, công thức, biểu bảng...

 

       Sự kết hợp Tiểu thuyết- Giáo trình khiến nội dung lý thuyết không còn bị khô cứng bởi nó được minh họa tinh tế thông qua diễn biến của quá trình sản xuất trong một nhà máy do nhân vật chính Alex Rogo làm giám đốc. Ta chợt nhớ câu nói nổi tiếng của thi hào Gớt: “Lý luận thì xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Và đó cũng là dụng ý sâu xa của tác giả, muốn xã hội hóa giáo dục bằng việc tìm ra giải pháp cụ thể hóa, sinh động hóa các giáo trình giảng dạy ở các trường đại học. Xu hướng này đang trở thành khá phổ biến ở phương Tây.

 

Năm 1987, NXB thuộc Viện Mác- Lê Nin- Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã từng dịch cuốn tiểu thuyết 2 tập Sài Gòn của một tác giả Mỹ (tài liệu tham khảo cho nghiên cứu viên), thực chất là giáo trình khoa học về lịch sử được viết theo cách này. Tác giả đã hư cấu nên một cuộc tình tay ba giữa cô con gái viên khâm sai đại thần triều đình nhà Nguyễn ở Sài Gòn với con trai thượng nghị sĩ Mỹ và con trai chánh mật thám Pháp ở Đông Dương vào khoảng năm 1890. Nhưng thông qua cuộc tình tay ba ấy, ông trình bày toàn bộ công trình nghiên cứu lịch sử cận – hiên đại Việt Nam từ khởi nghĩa Đề Thám, Khởi nghĩa Yên Bái, phong trào cộng sản 1930- 1945 đến 2 cuộc chiến tranh Đông Dương được kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).

 

Có lẽ lọai hình Tiểu thuyết- Giáo trình cũng là một gợi ý cho các nhà văn trẻ và ngành GD- ĐT Việt Nam.

 

Tóm tắt một giáo trình qua tiểu thuyết Mục Tiêu

 

          Mở đầu là cuộc kiểm tra đột xuất của Bill Peach, giám đốc chi nhánh (UniWarre), thuộc một tập đoàn (UniCo) lớn, tại nhà máy của Alex Rogo, vì một đơn hàng số 41427 bị chậm trễ. Đã có quá nhiều đơn hàng bị chậm như thế và nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp có 600 công nhân này đang trên bờ vực phá sản. Bill Peach cho Alex Rogo thời hạn 3 tháng để khắc phục. Vào lúc hoang mang bế tắc nhất, Alex chợt nhớ đến người thầy cũ, giáo sư Jonah. Cách đó không lâu, anh gặp thầy ở sân bay đã nêu thắc mắc: “Nhà máy của em có Robot tối tân, nhiều máy gia công cơ khí điều khiển theo hệ CAD/CAM rất đắt tiền, công nhân lành nghề, đội ngũ quản lý không tồi, nhưng vì sao các đơn hàng luôn bị trễ hạn?” Vị giáo sư già không trả lời anh, chỉ liên tiếp đặt ra những câu hỏi, khiến Alex như lâm vào ngõ cụt. Sâu chuỗi lại những câu hỏi- đáp hôm đó, anh chợt nhận ra thầy Jonah có hẳn một lý thuyết mới về QTDN,nằm trong 2 chữ Mục Tiêu. Nhưng để thực hiện được mục tiêu trong lý thuyết của thầy không hề đơn giản và anh quyết định liên lạc với Jonah để xin tư vấn. Mỗi lần nhận được tư vấn, thực chất là một bài giảng cho Alex và các cộng sự của anh trong nhà máy (kế tóan trưởng Lou, đốc công Bob Donovan, giám đốc thông tin- CIO Ralph, giám đốc vật liệu Stacey…) về lý thuyết Mục Tiêu của Jonah.

 

          Mục tiêu của tổ chức doanh nghiệp xét cho cùng là phải kiếm ra tiền. Số đo của việc kiếm ra tiền là lãi ròng, nói chính xác hơn là tỷ suất lãi ròng trên tổng vốn đầu tư. Để kiểm soát lãi ròng lại cần những số đo khác, nhưng lý thuyết cổ điển về năng suất và chi phí sản xuất không còn phù hợp với dây chuyền công nghiệp hiện đại. Lần tư vấn thứ nhất, Jonah chỉ ra 3 số đo cơ bản để kiểm soát lãi ròng là thông lượng- hàng tồn kho- chi phí họat động dưới góc nhìn hòan tòan mới: Thông lượng là tốc độ làm ra tiền qua doanh số. Hàng tồn kho phái kể đến cả những bán thành phẩm tồn kho trên dây chuyền sản xuất. Chi phí họat động bao gồm cả giá trị gia tăng của hàng tồn kho. Nhờ các số đo trong lý thuyết Jonah, Alex và các cộng sự dần phát hiện ra thủ phạm gây ra hàng tồn kho trên dây chuyền lại chính là sự mất cân đối giữa năng suất tuyệt vời của Robot với năng suất của vài khâu sản xuất khác. Đây cũng là nguyên nhân làm trễ hạn đơn hàng, tăng chi phí họat động. Nhưng thông lượng mới là số đo phản ánh việc làm ra tiền. Vậy cái gì quyết định cho sự tăng thông lượng? Giảm lượng hàng tồn kho trên dây chuyền bằng cách cắt giảm năng suất Robot đương nhiên là không ổn. Còn việc sa thải bớt nhân công để gảm chi phí họat động cũng không được vì nhà máy đã tinh giảm tối đa. Đến đây Alex và cộng sự hoàn toàn bế tắc.

 

           Lần tư vấn thứ hai, Jonah chỉ nhắc trò lưu tâm đến một khái niệm về chuỗi biến cố phụ thuộc xảy ra trong nhà máy. Biến cố sau phụ thuộc vào biến cố trước đó như phản ứng tự nhiên mà vật lý gọi là dao động thống kê. Người thông minh như Alex hiểu rằng, phải kiểm sóat được chuỗi biến cố phụ thuộc hay dao động thống kê đó mới có thể làm tăng thông lượng. Nhưng với nhà máy hiện đại của anh thì đó là nhiều tệp tin trong cơ sở dữ liệu, biến động không ngừng trên máy tính, làm sao kiểm sóat? Vô tình cùng con trai và lũ trẻ cùng lớp của nó đi pinic trong rừng, Alex phải chỉ huy lũ trẻ sao cho cự ly của chúng đủ nhỏ để không bị lạc và anh đã tìm ra lời giải đáp cho nhà máy. Những công thức, biểu đồ, biểu bảng do anh tự nghĩ ra rồi thử nghiệm cùng lũ trẻ đã giúp Alex phát hiện được nguyên nhân của mọi sự ách tắc, trì trệ trong đọan đầu cuộc lữ hành là do có một em trong đoàn phải mang hành lý quá nặng. Sau khi chia bớt hành lý đó ra cho cả đòan thì ở chặng sau cuộc lữ hành cự lý được giữ đều, tốc độ tăng 4 lần so với chặng trước. Anh đem điều này thảo luận với các cộng sự. Họ nghiêm túc thảo luận, kiểm nghiệm trên dây chuyền sản xuất, chợt nhận ra nơi ách tắc của dây chuyền mới quyết định thông lượng chứ không phải năng suất tăng 36% của Robot hoặc cái gì khác nữa. Họ đã lao vào thử nghiệm, đề ra những sáng kiến tuyệt vời nhằm giải quyết ách tắc ở khâu lò nung và máy NCX- 10. Từ đó, đơn hàng không bị chậm trễ, hiệu suất toàn nhà máy tăng 17%, dòng tiền mặt chảy đều…

 

          Lần tư vấn thứ ba, Jonah giúp Alex giải quyết những ách tắc mới nảy sinh trong quá trình cải tiến quản lý để giải quyết những ách tắc trước đó. Đây chính là quy luật tất yếu, phù hợp với nguyên lý về dao động thống kê như đã nói ở trên. Cứ theo đà ấy, nhà máy của Alex liên tục phải cải tiến quản lý, nhờ đó thông lượng tăng, dòng tiền mặt chảy đều, kéo theo sự thăng tiến của anh và các cộng sự. Ngay cả khi Alex được đề bạt giám đốc của chi nhánh thay Bill Peach, Jonah cũng không tư vấn gì nhiều. Ông chỉ lưu ý, lý thuyết của Jonah nói về tổ chức như một tổng thể chứ không phải về một bộ phận sản xuất hay một nhà máy cụ thể. Chúng ta không quan tâm đến những tối ưu cục bộ, hãy quan tâm nhiều đến ách tắc của hệ thống như là một chuỗi các biến cố phụ thuộc, tất yếu xảy ra theo quy luật dao động thống kê của vật lý học.

 

Triết lý từ tiểu thuyết

 

       Đọc hết 557 trang sách, gấp cuốn “Mục tiêu” lại, nguời đọc như vừa học xong một giáo trình quản trị doanh nghiệp. Những điểm mấu chốt trong lý thuyết sẽ hằn sâu trong tâm thức người đọc bởi những ấn tượng khó phai mờ về cuộc vật lộn đầy gian khổ của các nhân vật thực thi lý thuyết ấy, để cứu nhà máy thoát khỏi sự phá sản. Cuốn sách cho ta nhiều triết lý bổ ích trong kinh doanh và cả triết lý nhân văn trong hôn nhân gia đình.

 

         Nhà quản trị doanh nghiệp phải luôn luôn động não tìm giải pháp tối ưu cho riêng mình. Có lẽ vì vậy nên Jonah tư vấn cho trò thường chỉ là những câu hỏi theo phương pháp tư duy của nhà triết học cổ đại Socrates. Alex cũng sẽ không thể thành công nếu anh không có một đội ngũ cộng sự tài năng và tâm huyết như Lou, Bob Donovan, Stacey, Ralph. Thầy Jonah không phải là chuyên gia kinh tế, ông chỉ là giáo sư vật lý. Ông xây dựng lý thuyết quản trị doanh nghiệp dựa trên quy luật của tự nhiên trong vật lý học. Để đạt được mục tiêu kiếm ra tiền, nhà quản lý không sợ mọi ách tắc trong hệ thống, phải kiểm soát được nó và liên tục cải tiến. Đó chính là toàn bộ triết lý kinh doanh trong nền kinh tế tri thức.

 

         Đan xen vào triết lý kinh doanh, cuốn sách còn cho ta một triết lý nhân văn trong hôn nhân và gia đình. Cuộc tình lãng mạn giữa vợ chồng Alex và Julie giống như chiếu nghỉ giữa cầu thang suốt quá trình Alex leo lên tìm kiếm tri thức quản lý. Hôn nhân cũng như kinh doanh đều phải có mục tiêu. Mục tiêu của hôn nhân không phải là con cái, tiện nghi vật chất hay sự thăng tiến của vợ hoặc chồng. Mục tiêu của hôn nhân mang tính phổ quát phải là không đẩy xa nhau ra, khi đã được sống cùng nhau. Muốn vậy, đôi bên phải thực sự cảm thông và chia sẻ với nhau mọi ách tắc trong đời sống và cả trong công việc. Nhờ kịp nhận thức được điều này Alex đã cưú vãn được cuộc hôn nhân khỏi nguy cơ đổ vỡ.

       

Lời kết

 

Cuốn Mục tiêu ra mắt bạn đọc đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp ở Mỹ và phương Tây. Nhiều chủ tịch công ty bắt buộc nhân viên phải đọc nó. Thậm chí có người coi cuốn sách giá 10 USD có giá trị ngang với một phần mềm quản trị (ERP) mua tốn hàng trăm ngàn USD. Thiết nghĩ, cuốn Mục tiêu rất bổ ích không chỉ cho các nhà quản lý ở Việt Nam mà ngay cả những lập trình viên ở các công ty phần mềm cũng rất cần đến nó. Thật vậy, vai trò của Ralph, một CIO trong nhà máy của Alex đã đủ chứng minh điều này./.

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 6245
Ngày đăng: 26.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc trò chuyện văn chương trong đêm thu - Vũ Ngọc Tiến
Đối Thoại Với Người Viết Văn Làm Thơ Trẻ - Bùi Công Thuấn
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 2 - Triệu Xuân
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 3 - Triệu Xuân
“Mẫu Thượng ngàn” - một tác phẩm vừa có danh, vừa có... giá - Phạm Lưu Vũ
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 1 - Triệu Xuân
Đọc NGỌN ĐÈN VÂN TỎ : Nguyễn Nguyên An- NXB Công an Nhân dân – 2006 : Một tâm hồn rực sáng. - Đào Phạm Thùy Trang
Đọc Cõi mê của Triệu Xuân:Hiện thực sâu sắc ,tận cùng nỗi đau ,đầy lòng nhân ái . - Hoài Anh
Văn chương là cả cuộc đời - Trần Nhã Thụy
Từ một áng thơ Đường đến với một tập thơ đương đại - Thái Anh
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)