Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.158.294
 
Điểm nhìn
Lãng Hiển Xuân

...Một đôi bàn chân nữa loẹt xoẹt đi vào trong, tiếp theo một đôi, một đôi nữa. Rồi hai đôi khác sóng nhau bước qua và đi ra phía ngoài. Hai đôi này có bước đi như cùng một nhịp rất đều nhau. Đôi chân to hơn, thật ra là một đôi giày to sù sụ kiểu “model khủng bố”, đã dẫm lên cái điểm nhìn của tôi làm nó xẹp xuống hết cỡ không còn có thể xẹp hơn được nữa. Đôi bàn chân nhỏ có bước đi khá nhún nhảy nhưng vẫn thấy cái vẻ như rất quấn quýt với cái đôi bàn chân mang đôi giày “khủng bố” kia...

 

            Một đôi bàn chân khác nhão nhoẹt đi vào mang theo tiếng lẹp xẹp của một đôi dép mòn vẹt bởi sức lực mỏi mệt của khổ chủ. Thêm một đôi, một đôi nữa...

 

            ... Đến lúc này thì tôi cũng chẳng thể nào hiểu nổi mình nữa. Từ bao giờ tôi đã xuất hiện cái thói quen hay nhìn xuống. Không phải tôi là một thằng không mạnh mẽ và không được bản thân mình. Phải chăng vì cái hoàn cảnh xuất thân của tôi ở giữa chốn đô hội này đã dần làm cho tôi tự an phận như vậy chăng! Nhưng thực ra, tôi đâu có phải là một kẻ sống hời hợt, băm bổ, ham hố và cũng chưa bao giờ làm điều gì xấu để mà phải tự hổ thẹn... Và bây giờ, cái thói quen mới xuất hiện này đã bắt đầu có dấu hiệu làm khổ tôi bằng cái việc bắt tôi đứng lỳ ở đây như trời trồng...

 

            ... Một đôi bàn chân nữa chậm rãi đi qua, một đôi chân mốc meo xỏ trong một đôi dép nhựa ba quai màu đỏ. Có lẽ đã lâu ngày chúng không được cọ rửa nên cái màu đỏ hoe của nó đã chuyển thành màu đỏ bầm. Đôi bàn chân ấy dừng lại trước điểm nhìn của tôi một khắc rồi dẫm nhẹ lên nó và bước nhanh rất dứt khoát đi ra phía ngoài.

 

            Hai đôi chân nữa đi vào, một đôi có bước đi khá nặng nề, còn đôi kia thì dường như là lê theo đôi chân ấy. Cuốn theo chúng là những tiếng rên được kìm nén một cách khó nhọc. Hai đôi bàn chân này vừa dìu nhau đi vào thì lại có thêm hai đôi chân nữa đi ra riu ríu nhẹ nhàng và thanh thoát. Một đôi trông trắng xinh nhỏ nhắn được lồng trong một đôi “sandal” tám quai màu mận chín. Còn đôi kia được bịt kín hơn hai phần ba bằng một đôi dày cao gót mũi vuông màu nhũ bạc. Cả hai đôi này đều tạo cho chủ nhân của chúng một dáng vẻ rất trí thức mà đôi cao gót kia thì tỏ ra sành điệu hơn...

 

            Hôm trước đứa bạn học cùng lớp bị tai nạn, tôi muốn vào thăm nó ngay nhưng lúc đó (thú thật) trong túi chẳng còn đồng xu nào để mua cho nó chút gì đó làm quà. Mãi hôm nay tôi mới mượn được cái Hương hơn chục ngàn để mua cân cam và hộp sữa mang vào thăm nó. Vậy mà nó lại ra viện rồi, không biết phần quà này sẽ phải giải quyết như thế nào nữa...

 

            Vâng đúng, chỗ tôi đang đứng lỳ ở đây là phía trong một cái cổng bệnh viện Đa khoa. Một cái cổng như hàng trăm ngàn cái cổng khác vốn có ở trên đời, một cái cổng mà chẳng ai dại gì lại chui vào và dầu không muốn đôi lúc cũng phải vào cho dù chẳng dại. Thế mà giờ đây tôi lại đang đứng chết gí ở đây một cách thật vớ vẩn, không vào mà cũng chưa thể ra. Vào thì còn việc gì nữa khi thằng bạn tôi nó đã xuất viện, mà ra thì lại đang bị cái điểm kia nó hút lại...

 

            ...Thêm một đôi bàn chân nữa lộp cộp đi vào và đạp lên cái điểm nhìn của tôi thật vô tình rồi lướt đi nhanh làm cho nó xê đi một đoạn ngắn. Tôi chỉ kịp nhìn thấy một đôi giày đen bóng loáng, có lẽ chủ nhân của nó là một người khả kính...

            ...Tôi con nhà nghèo làm nghề nông từ bao đời nay. Bố mẹ tôi quanh năm suốt tháng quần quật vật lộn với trời đất để nuôi lũ chúng tôi ăn học. Mỗi một đồng của ông bà gửi ra cho anh em chúng tôi là mồ hôi nước mắt của những tháng ngày lam lũ ấy. Thời gian này ông bà phải nuôi hai đứa trong anh em tôi đang theo học Đại học, tôi học Mỹ thuật và một đứa em kế tôi học Nông nghiệp.

 

            Ngày tôi làm hồ sơ để thi vào trường Mỹ thuật,bố tôi cứ dằn dỗi không muốn tôi thi vào trường này. Bởi lẽ ông nghĩ, nghề vẽ vốn là nghề của mấy người nhà giàu ở trên thành phố. Còn ở nông thôn đi học vẽ thì về làm gì được để kiếm ra miếng cơm mà ăn. Ông bảo theo nghề vẽ là không thực tế.

 

            Từ bé tôi rất mê và hay vẽ lung tung nên luôn bị ông ngăn trở, thỉnh thoảng còn bị ông nện cho vì cái tội vẽ không đúng chỗ. Chỉ lúc đến trường để học chữ hay đi chăn trâu ngoài bãi thì tôi mới được tự do làm theo ý thích của mình. Nhưng rồi trước sự cương quyết bướng bỉnh của tôi, một phần tôi cũng không chịu thi vào trường nào khác nên bố tôi đành chấp nhận cho tôi thi vào trường Mỹ thuật.

 

            Ra đến Thành phố để nhập học, qua sự tiếp xúc với thực tế và với trường lớp, tôi mới thấy hết được nỗi khó khăn cực nhọc và sự phức tạp của nghề này. Nhưng điều đáng lo thường xuyên của tôi vẫn là tiền học, tiền ăn, tiền học thêm, tiền vật tư màu vẽ... và cả tiền thuê nhà trọ nữa. Đối với sinh viên Mỹ thuật bọn tôi, tám đứa mà nhốt chung vào một phòng mười lăm, hai chục mét vuông của cư xá sinh viên thì quả là không ổn. Tám đứa là tám vị trí xuất thân, tám cái nhìn, tám quan niệm, tám thế giới riêng và chỉ có một cái chung đó là: tên nào cũng có máu “Nghệ sĩ lớn” cả. Đụng một chút là chạm tự ái nhau ngay, đôi khi chỉ cần một câu nói cũng đã đủ sinh chuyện, chưa kể đến những va chạm khác trong khu vực làm việc, sịnh hoạt và học tập. Với những thằng ở quê lên học như tôi thì còn nhiều vấn đề khác dễ bị tự ti tự ái hơn mấy đứa khác.

 

            Mấy hôm nay tôi đang rỗng túi lại còn gặp biết bao nhiêu chuyện xảy đến cần phải xử lý. Sắp tới sinh nhật cái Hương chưa biết mua quà gì để tặng nó thì hôm nay lại đi mượn tiền nó để mua quà vào thăm thằng Thái. Quà mua rồi thì không thể trả lại được mà thằng Thái cũng đã ra viện chưa biết hôm nào mới trở lại lớp...

 

            ...Thêm một đôi bàn chân nữa  đi qua. Một đôi, một đôi rồi hai đôi nữa...

            ...Chưa hết, cách đây mấy hôm, tôi còn bị rắc rối với môn Anh Văn và môn Kinh tế chính trị học nữa. Không khéo kỳ này mất luôn cả cái học bổng còm cõi nữa là xong. Mấy đứa ở ngoại trú thì cứ xúi tôi đến nhà thầy và cô để xin điểm, mà xin là như thế nào và xin làm sao thì chúng không chịu nói, còn tôi thì chịu bó tay, không biết cách xin. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao học Mỹ thuật lại phải học cả mấy cái môn Đại cương phải gió ấy không biết. Hôm thi chuyển giai đoạn, trông mọi người rối tít mù cứ như là chuẩn bị “Vượt Vũ Môn” để hoá rồng làm tôi cũng đâm lo và ngán cho cái sự học. Như môn Anh Văn, thì còn có thể chấp nhận được chứ còn cái môn Kinh tế gì gì kia thì có dính dáng gì tới hội hoạ đâu mà phải học, phải thi sát hạch mất hết cả thời gian và trí lực. Nhưng thực ra những nổi bực mình ấy cũng chẳng lý giải được tại sao tôi lại ở đây trong lúc này...

 

            Đã mấy lần tôi định bỏ đi dứt khoát, nhưng hấp lực của cái điểm kia nó cứ níu giữ tôi lại một cách thậm vô lý. Lúc mới đầu tôi cũng định cứ tự nhiên ra nhặt lấy nó thật gọn là xong. Nhưng khi tôi dợm bước tới thì tính sĩ diện trong con người tôi nó khẽ khàng nhắc khéo: Mày là thằng sinh viên, thằng trí thức...! Nhưng mà tôi cũng không thể làm ngơ mà bỏ đi được. Mọi người qua lại nơi đây dường như chẳng ai nhìn thấy cái điểm ấy và còn chà đạp lên nó một cách vô tình. Còn cái thằng sĩ diện trong tôi lại quên đi một điều rằng: Đây là một cái cổng bệnh viện, mấy khi ngớt người qua lại, hoạ may phải chờ đến nửa đêm mới vắng hết!...

 

            ... Một đôi bàn chân nữa đi vào, một đôi bàn chân trần như bàn chân của bố tôi ở nhà. Những vết nứt nẻ ở nơi gót chân đập vào mắt làm tôi nghĩ chắc đây là một con người sống khá lam lũ cực nhọc. Nhìn đôi bàn chân cứ như cố bám chặt lấy mặt đất để mà tồn tại ấy tôi bỗng thấy chạnh lòng và thương bố mẹ tôi ở nhà vô cùng.

 

            ...Tiếp theo một đôi bàn chân nữa nhìn thấy quen quen. À phải rồi, đôi bàn chân mốc meo xỏ trong đôi dép nhựa ba quay màu đỏ bẩn thỉu khi nãy. Lần này nó cũng dẫm nhẹ lên cái điểm nhìn của tôi, dừng lại một khắc rồi lại lướt đi vào phía trong.

 

            Chợt tôi nghe những tiếng lộc cộc lạch cạch tiến đến gần. Đó là tiếng dịch chuyển của một chiếc xe inox sáng choang có bốn cái bánh bằng cao su đặc đã cũ. Nó lăm lăm đi vào và phát ra những tiếng lộc cộc lạch cạch như có vẻ đang nhại theo một điệu nhạc hiện đại nào đó đầy rẫy ở ngoài các quán cà phê của thành phố. Sát theo bên hông nó là một đôi bàn chân bèn bẹt để trần bước đi vội vã. Sau gót đôi chân ấy cũng có những vết nứt nẻ màu đen, nhưng ở phía trước hai ngón chân cái của chúng lại cong vòng vào với nhau. Hình như tôi đã nghe được đâu đó nói về những bàn chân có những ngón cái như vậy là bàn chân của người Giao chỉ xưa và nay chỉ còn sót lại một cách hiếm hoi.

 

            Đi sau xe là một đôi bàn chân khác khá trắng trẻo được xỏ trong một đôi dép lê bằng nhựa trắng. Đôi chân này có bước đi tất bật một cách hơi quá so với bình thường. Lẫn trong tiếng lộc cộc lạch cạch của bốn cái bánh xe là tiếng nỉ non của một giọng khàn đục: “Con ơi là con, sao khổ thế này hả con! Con ơi.... ời.... ì....!” ....

 

            Tự nhiên lúc này tôi phát hiện ra một cái mùi gì đấy thật khó chịu. Nó không hắn là mùi ête, cũng không phải là mùi thuốc tây. Một cái mùi thật khó tả, nó cứ luẩn quẩn nơi đầu chóp mũi, vì không gọi được tên nên tôi đành cho nó là mùi bệnh viện. Và cũng lúc này tôi bỗng thấy thực sự khó chịu về mình. Nhưng làm sao có thể thờ ơ được cơ chứ! Con người ta trong lúc đau ốm bệnh tật có thể thờ ơ được với tất cả mọi thứ thậm chí thờ ơ với cả những vấn đề về cái sống và sự chết, chỉ biết duy một nỗi đau đang hành hạ mình. Nếu như có chăng chỉ là sự sợ hãi, mà cũng chưa hẳn đã là sợ hãi cái chết, chẳng qua đó là sợ hãi những vấn đề mình không thể kiểm soát được mà thôi.

 

            Lúc này tôi đang hoàn toàn khoẻ mạnh và sáng suốt. Còn cái điểm kia thì nó đang hiện diện một cách thách thức dưới những đôi bàn chân qua lại như rất vô tình. Và cũng đến lúc phải thú thật, cái điểm đang níu tôi lại chỗ này chính là một tờ Năm chục ngàn vo tròn nằm giữa lối đi phía trong cổng ra vào của bệnh viện – Vì với tôi, nó bằng mười ngày của sự sống tồn tại để học tập. Và bây giờ tính sĩ diện của một thằng sinh viên Mỹ thuật đang tạm thắng cái thằng tôi với bản năng sống nên tôi chưa thể bước tới để làm một cái việc dể ợt đó là cúi xuống, nhặt lên và bỏ vào túi.

 

             Thực ra có gì đáng hổ đâu khi mà tôi đang còn là người duy nhất phát hiện ra nó nằm dưới đôi bàn chân của những con người đang hối hả qua lại kia. Nhưng nếu như tôi bước đến và cúi xuống thì cùng một lúc có ai đó cùng phát hiện thì sẽ xảy ra chuyện gì?! Năm chục nghìn, gần một phần hai xuất học bổng, một phần sáu tháng lương công chức, một nửa tạ thóc và mười ngày ăn của thằng sinh viên bọn chúng tôi. Thời buổi này thiếu gì những kẻ thấy người khác nhặt được tiền lại chẳng vơ quàng lấy là của mình vừa đánh rơi. Tôi cũng đã từng chứng kiến cái cảnh ông hàng xóm gần chổ tôi ở trọ tự nhiên trúng số độc đắc. Nghe ông trúng số, người lạ ở đâu cứ ùn ùn tới xin ông bố thí. Nhà ông cũng chẳng khá gì cho lắm, tấm vé số chỉ vừa đủ cho ông thay lại cái mái nhà cũ đã dột nát. Hôm khánh thành, có mấy tay giả thương binh đến xin “đểu” ông, ông không cho, thực ra cũng chẳng có tiền để cho. Thế là bọn chúng quay ra chửi ông, tức quá ông chửi lại, một thằng vác cái nạng gỗ nện vào đầu ông rồi bỏ chạy...

 

            ... Một đôi bàn chân nữa lại long dong đi vào, đôi “sanldal” bốn quai màu nâu sậm có bước đi thật tự tin nhẹ nhõm. Tiếp theo một đoạn là môt đôi giày “ model Italia” da lật màu cà phê sữa, đôi giày này có bước đi khoẻ khoắn nhưng cũng không kém vẻ thong dong. Có lẽ chủ nhân của chúng là những ông bà bác sĩ, một giới chức đang rất được trọng vọng trong xã hội. Những bước chân của cả hai đôi này khi đi qua đều dẫm lên cái điểm nhìn của tôi - tờ năm chục - một cách vô tình...

 

            Lúc này đã giữa trưa, cái dạ dày teo tóp của tôi cũng đã nhiều lần cố sức báo động cho tôi biết từ đêm qua đến giờ vẫn chưa có cái gì ở trong nó. Vỗ túi, còn được điếu Đà lạt quăn queo tôi thắp nốt sự chờ đợi của mình. Lần nữa, tôi định tiến đến tờ năm chục (lúc này tôi nói rõ như thế), thế nhưng sự cả nghĩ lại thêm một lần nữa cản trở tôi. Dường như đến trưa, những bàn chân qua lại càng nhiều hơn và có phần vội vã hơn; những đôi bàn chân dù có lê đi cũng lê đi nhanh hơn. Sự vội vã tất bật ấy làm tôi phải vò đầu bứt tai trong chờ đợi, một sự chờ đợi tôi cho là nghiệt ngã vì bất đắc dĩ.

 

            Điếu thuốc Đà lạt qủa là hiệu nghiệm,những vòng khói cuối cùng vừa tan vào trong không khí thì tôi cũng quyết định bỏ đi bởi sực nhớ đến một câu: “Không nên tham những cái không phải của mình...” Tôi vừa bước ra khỏi cổng thì dường như có một giọng nói nào đó từ trên cao vọng xuống: “Mày có phải ăn cắp, ăn trộm gì đâu mà mày phải sợ, sao mà hèn nhát thế!” Và thế là tôi quay lại, bước tới trước tờ năm chục rồi cuối xuống một cách dứt khoát. Mặt tôi nóng ran, không biết có phải khi mình cúi xuống máu nó dồn lên mặt hay là vì một cái gì khác!

 

            Vừa lúc những ngón tay của tôi chạm vào tờ năm chục thì một bàn chân tiến tới và dừng lại cách tờ năm chục khoảng một gang tay. Vẫn là đôi bàn chân mốc meo xỏ trong đôi dép ba quai màu đỏ bẩn thỉu khi nãy. Khi tờ bạc năm chục đã nằm trong lòng bàn tay, tôi vội ngẩng phắt đầu lên. Đối diện với tôi lúc này là một gương mặt gầy gò xương xẩu của một người phụ nữ rất khó đoán tuổi có đôi mắt trũng sâu trông rất tinh quái. Thị nhìn xoáy vào tôi và nở một nụ cười rất cầu tài ngô nghê, nhưng tôi chỉ thấy được hai hàm răng trắng xỉn của thị. Mặc kệ thái độ của thị, tôi quay ngoắt người và bước vội ra cổng.Tờ năm chục vo tròn lúc này cộm lên trong lòng tay tôi nhoi nhói, hình như không hẳn chỉ là một tờ năm chục....

            - Anh gì ơi! Tiếng gọi giật từ phía sau như níu tôi lại. Tôi từ từ quay về phía có tiếng gọi. Vẫn khuôn mặt xương xẩuvà đôi mắt nhìn tinh quái, chỉ có nụ cười là không còn nữa.

            - Anh vừa nhặt được tiền hả?

            - À.... à không, nhưng mà... mà sao?

            Tôi nói không giấu được vẻ lúng túng của mình.

            - Khi nãy tôi nhìn thấy hết rồi, anh cứ giở ra, tôi chỉ xin anh mấy đồng mua ít cơm bới cho người nhà nằm viện thôi!

 

            Nói rồi, mụ ta ném về phía tôi cái nhìn soi mói dò xét. Đến nước này thì tôi đành phải giở ra mà không thể chối được nữa. Khi mở ra, như tôi vừa linh cảm, trong tờ năm chục vo tròn còn có thêm một khâu vàng ước khoảng hai chỉ nữa mà bây giờ tôi mới thấy.

            - Nói thiệt với anh nhé, tôi đưa con đi viện, nhưng hoàn cảnh rất khó khăn, thấy anh được lộc trời nên chỉ dám xin anh một nửa – Vì của đó cũng không phải của anh mà!

            Nói xong, mụ ta nhìn tôi như xuyên qua cả quần áo từ đầu cho tới chân, nét mặt của mụ càng lúc càng đanh lại. Lưỡng lự một lúc, tôi mở tờ năm chục ra, giữ lại khâu vàng và đưa  cho mụ tờ năm chục. Mụ ta nhìn tờ năm chục một cách hờ hững rồi buông một câu nhấm nhẳn:

            - “Được bạc thì sang, được vàng tổn mạng...” chắc anh biết chứ. Mà kể ra anh cũng khéo chia thế nhỉ! – Nói đoạn mụ ta vênh mặt lên rồi ra giá – Hai chỉ vàng với thêm năm chục ngàn thì ít nhất anh phải cho tôi được vài trăm chứ, ăn một mình không sợ mắc họng à!

            Câu sau mụ ta nói oang oang gay gắt. Đến lúc này thì tôi cũng chẳng biết xử trí ra sao, mặt tôi nóng bừng. Sự việc làm tôi từ bất ngờ ban đầu đến bây giờ thì chuyển thành rắc rối khó chịu. Như lời mụ ta nói thìcũng có vẻ có lý nhưng vẫn còn có điều gì đó khuất tất mà các giác quan thông thường của tôi không thể nhận ra được. Cái đói khi nãy đã biến đi đâu mất và nhường chỗ cho một cảm giác bất an rất đỗi phiền toái khó ở. Sau một lúc phân vân, tôi nói với mụ dứt khoát:

            - Tôi có đi móc túi của ai đâu mà chị đòi chia với chác – Đã vậy chị cầm lấy cái này, tôi chẳng có trăm nào để mà chia với chị - Chào chị!      

          

            Tôi vội vã dúi khâu vàng cho mụ ta rồi quay gót bỏ đi như trốn chạy một điều gì đó thật ghê tởm. Bỗng nhiên mụ ta la toáng lên:

            -Thằng móc túi, thằng móc túi!

            Đến cơ sự này thì tôi thực sự hoảng hốt và bực tức vô cùng. Tôi nuốt một cục nghẹn xuống cổ, may mà đã ra khỏi cổng bệnh viện một quãng nên sự xấu hổ cũng đã giảm đi được phần nào. Tôi cố sức kiềm chế quay lại nói:

             - Ai móc túi chị mà chị ngoa ngoắt thế!

             - Chính mày là thằng móc túi! Bắt lấy nó, thằng mọc túi!Mụ ta tiếp tục làm ầm ĩ!

            

            Một người đàn ông chạy xe thồ gần đó lao đến túm lấy tôi. Đôi bàn tay của ông ta như một gọng kìm bấu chặt lấy cánh tay tôi một cách đau điếng. Đúng là tai bay vạ gió, chưa bao giờ trong đời tôi lại rơi vào một tình cảnh như thế này. Tôi đang còn quýnh quáng chưa biết xử trí ra sao thì đã bị ông ta lôi đi xềnh xệch tới đầu ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Chưa kịp định thần thì đã nghe ông ta nói với anh công an đứng ở đó một cách hồ hởi và tự hào:

             - Báo cáo đồng chí công an, tôi vừa bắt được một thằng móc túi ở đằng kia – Nó móc túi của chị này đây nầy!

            

            Đến lúc này thì tôi không thể còn kiềm chế được nữa, tôi vùng mạnh tay mình ra khỏi bàn tay hộ pháp của ông xe thồ và vung sang định cho mụ kia một cái tát. Anh công an kịp thời giữ tay tôi lại và bắt tôi trình giấy tờ. Lục mãi các túi tôi mới lôi ra được một cái thẻ mượn sách của thư viện có dán ảnh và trình bày lại sự việc cho anh công an rõ. Tôi vừa dứt lời thì mụ ta liền liến thoắng:

             - Thằng này rõ ràng là sinh viên “dổm” nó vừa móc túi tôi xong chứ có nhặt được đâu. Không tin thì tôi đọc số “xơ di” của tờ năm chục nó đang cầm cho đồng chí rõ! Và mụ đọc rành rọt số sơ ri một cách rất chính xác cả ký hiệu “A H” của tờ năm chục

            

            Một lần nữa tôi lại sững sờ trước người đàn bà tinh quái này, tôi cảm tưởng mụ ta như là một con “ma xó”, lẽ nào mụ ta có con mắt thần thánh mới có thể đọc được những con số đó một cách rõ ràng như thế. Anh công an quay sang nhìn mụ ta một lúc rồi hỏi chậm rãi:

              - Chị bảo cậu thanh niên kia móc túi chị ở đâu, khi nào?

              -Khi nãy ở ngay cổng bệnh viện đầu kia!

              -Thế chị để ở túi nào mà anh thanh niên móc được của chị?

              Bỗng  nhiên mụ ta nhìn xuống sờ quanh khắp người và ú ớ:

              -Ở .. ở ... ở, tôi lận ở lưng quần!

 

               Nói xong gương mặt mụ ta tái hẳn đi, cặp mắt láo liêng gian xảo. Thì ra bộ quần áo nhàu nhò mụ ta mặc trên người không có cái túi nào cả.

              

            Anh công an lập biên bản giữ tang vật, mụ ta và cả tôi đưa về trụ sở để làm rõ. Về tới trụ sở, qua đấu tranh bằng nghiệp vụ, công an làm rõ ra mụ ta là một tên lừa đảo. Khâu vàng kia chỉ là một khâu vàng giả - Hành vi của mụ là giả vờ làm rơi tiền vàng,nếu ai lỡ nhặt được có chút tư trang tiền bạc trong người thì đem ra chia với mụ,sau đó ôm khâu vàng giả để mà làm “kỷ niệm”. Tôi hôm nay tuy hơi đói bụng nhưng chẳng có tư trang gì đáng giá nên mụ không bẫy được tôi và còn suýt bị mất tờ năm chục ngàn để làm mồi nên mụ ta định la toáng lên để lấy lại. Nhưng cuối cùng thì mụ ta cũng phải bị trả giá.

*

Tôi viết lại chuyện này trong một tâm trạng rất vui,vì tôi vừa bán được một bức tranh đầu tiên trong dịp triển lãm tranh của sinh viên nhân ngày 9 tháng 1vừa qua .Bức tranh tĩnh vật tôi vẽ trong cái ngày gặp rắc rối ấy.                   

            

            Hôm đó ,sau khi từ trụ sở công an về phòng trọ với một sự rã rượi toàn thân ,tôi nằm vật ra chiếc giường ọp ẹp của mình và để cho cái đói cứ dày vò một cách thoải mái .Bởi nỗi bực mình về chuyện vừa xảy ra mới làm cho tôi bải hoải .Chợt những tia nắng chiều chiếu qua khung cửa phòng tôi một thứ ánh sáng rất lạ .Nó cứ lung linh lung linh,lúc thì như muốn chập vào phần khuất phía trong phòng,lúc thì lại bừng lên như để nuối tiếc một ngày trong những khoảnh khắc đưa chiều vào tối. Tôi vội vã bật dậy lấy hộp sữa và cân cam bày ra nền nhà nơi gần khung cửa, ngay khoảng giữa của ánh nắng và phần khuất trong phòng. Sau khi sắp sếp, tôi lấy màu ra và vẽ liền một mạch cho đến khi tia nắng cuối cùng vừa tan hết thì xong. Và tôi quyết định tự thưởng cho mình hộp sữa.

             

            Khi đang uống sữa, nhìn bức tranh vừa vẽ trên giá, tôi bỗng cảm thấy trong bố cục của nó đang còn thiếu một cái gì đó làm cho nó chưa hoàn chỉnh được. Đêm đó, tôi đã thức suốt đêm để vẽ thêm cho nó vào góc trên bên trái một tờ nănm chục ngàn y như thật. Phải nói rằng, nhìn tờ năm chục găm một cách hờ hững trong bức tranh, tôi thấy nó rất sống động và cảm giác như nó chỉ chực rơi ra khỏi bức tranh khi có một cơn gió vô tình nào đó thoảng qua hay là có ai đó vô ý lỡ chạm vào. Tất nhiên tôi cũng không quên vẽ vào cả ký hiệu và số sơ ri của tờ tiền ấy!

                       

Viết xong 8/2000

Lãng Hiển Xuân
Số lần đọc: 2683
Ngày đăng: 26.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trang sách cuộc đời - Trần hữu Lục
Những chiếc lá thu - Bích Ngân
Bài học vỡ lòng - Trần Lệ Thường
Giấc mộng Diva - Lưu Thành Tựu
Xóm Người Mù - Mường Mán
Một chuyến săn thú - Trần hữu Lục
Nhịp nối thời gian - Lương Minh Vũ
Cỏ quê - Đào Phạm Thùy Trang
Bên hồ sen trắng - Hồ Tĩnh Tâm
Tóc xanh mấy mùa - Nguyễn Vĩnh Long
Cùng một tác giả
Điểm nhìn (truyện ngắn)
Nó và 9 m2 (truyện ngắn)
Tôi, Em và Lão (truyện ngắn)