I
Sang ngày thứ hai.
Cho đến lúc ấy, mọi việc vẫn tiến hành một cách suôn sẻ, tốt đẹp.Và với Lê Yên đó cũng là những giờ phút thư thái trong quãng đời cầm bút nhọc nhằn và buồn tẻ của mình.
Phải! Mọi việc đều sẽ tốt đẹp nếu như không có cái chuyện bầu bán chết tiệt kia.
Vẫn là bầu không khí đặc biệt từ lúc khai mạc đại hội ngày hôm qua. Cái không khí dường như chỉ có ở những cuộc hội nghị văn nghệ :trang trọng, uy nghiêm nhưng hoàn toàn thoải mái và có vẻ bao phủ một sắc màu trí tuệ, lãng mạn. Ít ra, đó là ý nghĩ của Lê Yên.
Vẻ trang trọng, lãng mạn chìm hoặc nổi trên gương mặt hơn ba trăm đại biểu về dự đại hội Văn học nghệ thuật. Ẩn hoặc hiện trong các báo cáo tham luận. Và ngày đầu, ngay cả lúc nghe truyền đạt nghị quyết 5 của Đảng về Văn hóa văn nghệ. Cái việc chừng như khô khan nghi thức ấy, cũng được một vị cán bộ trình bày nhanh gọn một cách lãng mạn, hóm hỉnh. Không khí càng lấp lánh bởi sự có mặt những nhà văn danh tiếng ở trung ương đại diện Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật tòan quốc và các nhà văn, nhà thơ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Lòng Lê Yên nhẹ tênh. Lâng lâng một cảm giác hưng phấn mơ hồ. Thật dễ chịu nếu anh biết cách buông thả cho sự nghỉ ngơi, thư giãn. Thật là hạnh phúc nếu người ta biết cách làm tâm trí tĩnh lặng. Nhưng với Lê Yên thì không. Thường thì trong trạng thái ấy, lại hay nẩy sinh những tư tưởng kỳ quái cuốn hút anh. Chẳng hạn xuất hiện một cái tứ hay ý tưởng cho một truyện ngắn nào đó. Hoặc sống dậy một hình ảnh chìm sâu trong tiềm thức. Một hành động kỳ cục thời trẻ con hay một kỷ niệm rất vụn vặt, xa xôi mà bình thường anh không tài nào nhớ nổi. Những điều đó đôi khi anh nghiền ngẫm, suy tư rồi hiện hình vào sáng tác của mình. Song dịp may ấy cũng hiếm. Bởi nó thường lướt qua rất nhanh. Khó lòng nắm bắt. Thậm chí không trông rõ hình tướng của nó. Ngoài cửa sổ, hai chú chim sẻ bay vụt qua. Chúng lách chách rượt đuổi nhau. Khi Lê Yên dõi theo thì chúng đã mất hút đằng sau vùng yên tĩnh, rợp mát trong những tán cây. Phía xa, một công trình cao tầng đang thi công. Giữa lô nhô đám thợ xây dựng. Một người đội nón lá thoăn thoắt trèo lên chỗ giàn giáo cao nhất. Anh lơ đãng nhìn và tự hỏi không hiểu đàn ông hay đàn bà.
Bên trong hội trường sự việc diễn tiến theo lịch trình. Bên ngoài đời sống cũng chảy theo cái trình tự vô cùng của nó. Bên trong người ta tranh luận chung quanh bản tổng kết. Một hội viên chất vấn phê bình. Một thành viên ban chấp hành đứng lên giải thích. Một người thứ ba phát biểu dung hòa. Trong khi hiếu kỳ theo dõi, Lê Yên lại miên man ý nghĩ về sự liên hệ giữa cuộc đời và những trang viết. Thì họ cứ tranh cãi nhau. Tốt thôi - Anh nghĩ - chuyện thường tình trong các cuộc hội nghị. Đây lại là hội nghị của những người làm công việc lý giải cuộc đời, nên càng phải tranh cãi. Ít ra cũng làm sáng tỏ hơn điều gì đó của dòng đời bí ẩn. Ví như biết người trên cao tít kia là đàn ông hay đàn bà, hay trời sinh ra chim chóc có thật sự cần thiết cho con người hay không? Một người thứ tư phản bác người thứ ba là ba phải, thiếu lập trường. Là văn nghệ sĩ phải dũng khí,sắc bén v.v… Rồi có lẽ hứng chí với tài hùng biện của mình, anh ta đứt phanh. Từ chuyện tổ chức nội bộ đã nói sang khuynh hướng, trường phái này nọ. Rồi chuyện hiện đại hóa văn nghệ. Nhưng đằng sau cái lý luận có cánh kia, có trời biết anh ta thật sự muốn nói điều gì. Vậy là người thứ năm, thứ sáu phản ứng. Họ đem chủ trương bản sắc dân tộc để bẻ lại. Hình như người ta bực thái độ ba hoa hơn là chính nội dung quan điểm của anh ta- Vấn đề đã đẩy đi hơi xa. Người ta tranh cãi về tính hiện đại và tính dân tộc.
Cái không khí căng thẳng bỗng thành vui nhộn với sự xuất hiện của một thi sĩ. Một kẻ nổi tiếng về tài thơ cũng như nhiều hành động cổ quái đời thường. Một đàn anh đi trước mà Lê Yên từng yêu mến và ngưỡng mộ. Người ta bảo anh ta bị tâm thần. Song nhận định đó không làm Lê Yên thỏa mãn. Những diễn tiến bí ẩn trong tính cách, những thay đổi ở miền sâu tâm linh của anh ta luôn làm Lê Yên ưu tư và băn khoăn, thắc mắc. Đến nỗi có lần anh định nhào nặn thành nhân vật cho một truyện ngắn của mình. Dự định ấy đã lâu. Vậy mà đến giờ cái chuyện vẫn còn nằm yên trong đầu. Đúng ra anh cũng đã viết, nhưng chỉ được một trang. Còn lại là cái phần trắng. Trong việc thám hiểm con người, bao giờ anh cũng lúng túng. Nên những trang giấy thường cứ trắng chạch ra một cách rùng rợn.
Mọi người chú mục vào anh chàng thi sĩ đang tà tà bước lên bục, móc trong bị cói luôn đeo kè kè bên mình ra hai cuốn sách. Chẳng kính thưa, kính gửi gì, anh ta vào đề luôn. Anh ta bảo làm quái gì cãi cọ rách việc. Là nghệ sĩ thì cứ lo mà đẻ ra tác phẩm. Còn muốn đậm đà bản sắc dân tộc ư ? Dễ thôi! Cần gì nghiên cứu, tìm tòi đâu xa. Cứ theo gương anh ta học thuộc và ngụp lặn mãi trong truyện Kiều và Ngục Trung Nhật Ký ắt có ngay tắp lự cái bản sắc dân tộc. Anh ta nói đâu được 5 câu. Giơ cao hai cuốn sách đâu được 5 giây. Xong nhét lại vào bị cói. Cũng không chào ai, tà tà đi xuống. Cả hội trường cười ồ. Lần này người ta lại vui chỉ vì cái cung cách quái dị hơn là quan tâm sự đúng sai trong ý kiến anh ta.
Đại hội chuyển sang phần khác, hứa hẹn sôi nổi không kém. Nhưng đối với Lê Yên lại là một thời điểm vô cùng tệ hại. Đến nỗi mỗi khi nhớ lại, vẫn còn cảm giác bẽ bàng.
Đến chương trình bầu ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới.
*
Đại hội lại bất đồng danh sách ứng cử viên. Có ý kiến cho rằng chưa hợp lý. Rằng thiếu dân chủ vì chưa được thông qua toàn thể hội viên v.v… Người ta đề nghị thay đổi, bổ sung nhân sự vào danh sách, sau một hồi tranh cãi gay gắt. Văn nghệ sĩ thường cá tính. Và có lẽ lần đầu Lê Yên được chứng kiến những cá tính mạnh cọ xát nhau. Thật ra những ứng cử viên trong danh sách đều xứng đáng. Việc gì phải thay đổi, bổ sung cho rắc rối. Vâng! Lúc ấy, thật lòng Lê Yên đã nghĩ như thế. Vậy mà anh đã bị dẫn đến chỗ sụp hố một cách thảm hại. Bỗng dưng một tay ở Phân hội Mỹ thuật đứng lên giới thiệu Lê Yên. Anh ta nói một cách say sưa, hùng hồn rằng anh là một cây bút đầy triển vọng. Một khuôn mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh. Rằng anh đã đoạt những giải thưởng văn học trung ương đem vinh dự cho Hội nhà. Rằng anh cũng có hy vọng được xét kết nạp vào Hội Nhà Văn. Sở dĩ anh không được chú ý bởi anh vốn lặng lẽ, không khoa trương vì khiêm tốn v.v… tóm lại anh là người có tài lẫn đức. Cuối cùng anh ta cho rằng với tài năng và nhân cách đó, Lê Yên xứng đáng vào ban chấp hành, thậm chí xứng đáng cả chức vụ chủ tịch Hội.
Thoạt đầu, Lê Yên ngạc nhiên và hơi khó chịu. Công nhận thằng cha có khiếu nói dù có chỗ cũng hơi quá. Nhưng rồi trong anh bỗng xuất hiện một cảm giác kỳ lạ. Vừa ngượng ngập, vừa ngây ngất. Chắc hắn đã đọc kỹ những tác phẩm của mình. Lê Yên nghĩ - lòng bỗng xôn xao cảm động. Sự cảm động của kẻ cô đơn tưởng như gặp được tri âm. Tất cả những điều đó làm anh chìm đắm trong bao ý tưởng lao lung. Trong phút giây anh nghĩ mình có tài thật. Thời gian cứ trôi, một vài người nữa được đề cử. Song Lê Yên không để ý. “Nhưng tại sao mình vẫn luôn khó khăn và thất bại ”. Ý nghĩ ấy như một nhát búa làm Lê Yên tỉnh dần cơn mê đắm…
Khi bản chất người cầm bút trở về làm anh tỉnh táo để có phản ứng thích hợp, thì mọi sự đã quá muộn. Đại hội đã phát phiếu và tiến hành bầu. Tên Lê Yên đã ghi trong danh sách. Lê Yên nghiến răng chửi thề, khiến một người ghế trên quay xuống nhìn anh một cách tò mò. Anh giận mình quá đỗi. Vấn đề không ở chỗ anh có được đắc cử hay không. Mà là anh đã để những ảo tưởng phù du xỏ mũi dắt đi như một con cừu. Chẳng phải anh đã tự nhủ xa lánh những hệ lụy kiểu ấy, từ khi đeo đuổi nghiệp văn chương đó sao ? Chẳng phải anh đã từng hy sinh những thứ lớn hơn, đã tiêu tốn nhiều thời gian khổ đau để đổi lấy cái hạnh phúc lạ lùng, bí ẩn khi tác phẩm được hoàn thành sau sự hoài thai trăn trở. Chẳng phải lúc mọi người tranh cãi, anh đã ngầm khinh thường họ là vô bổ. Đã quên đi cái mục đích chính là tác phẩm, bởi suy cho cùng người ta tổ chức đại hội cũng chỉ vì mục đích ấy : Làm sao để có nhiều tác phẩm tốt. Đã thế, anh lại còn ái ngại giùm kẻ khác : chẳng phải tay phó chủ tịch Hội đang ngồi ghế chủ tịch đoàn kia cũng là một nhà văn có tài. Sao bỗng ít thấy sáng tác. Trong nhiều nguyên nhân, Lê Yên tin rằng có một nguyên nhân là anh ta không có thời gian vì ba cái chuyện linh tinh: quản lý, hội họp, tổ chức… nghĩa là chức vụ nhiều khi cũng là lực cản tài năng.
Thế đó! Lê Yên đã từng nghĩ thế, để rồi chính anh cũng bị vướng vào. Lẽ ra anh phải hiểu giữa khả năng viết lách và khả năng lãnh đạo, quản lý là hai việc hoàn toàn khác nhau. Lẽ ra anh nên đứng lên nói lời cảm ơn và rút tên khỏi danh sách vì biết mình không đủ tài cho loại công việc ấy. Vậy mà anh đã thụ động vì bị ru ngủ. Ai cũng có thể ngây ngô, phù phiếm nhưng người viết thì không thể. Điều đó chỉ chứng tỏ anh thiếu tài năng và bản lĩnh. Phát hiện đó làm Lê Yên hoang mang và day dứt đến nỗi anh không còn quan tâm lắm khi người ta công bố kết quả bầu cử. Rõ ràng anh thật lố bịch hệt con quạ xấu xí, đã đánh rơi miếng phó mát trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine.
Danh sách trúng cử không có tên Lê Yên. Vì dĩ nhiên anh đã rớt. Rớt một cách thê thảm.
II
Thật ra những phũ phàng, thất bại của đời sống không xa lạ với anh. Đời anh cũng nếm trải kha khá. Anh cũng biết cảm ơn bởi đôi khi nó cũng trở thành vốn sống và chất liệu cho sáng tác.
Công bằng mà nói, anh cũng được đánh giá có nhiều hứa hẹn. Dù tác phẩm anh không nhiều: Một tập thơ, một tập truyện và một số truyện ngắn được đăng báo. Anh cũng có một giải thưởng ở một tờ báo lớn. Nhưng chỉ là một giải khuyến khích. Có một truyện ngắn được bình chọn là truyện hay trong tháng ở một tờ báo khác. Đó là những gì mà thằng cha họa sĩ bốc thơm gọi là “nhiều giải thưởng văn học có giá trị” trong kỳ đại hội văn nghệ năm nào. Tuy vậy, nó đã cho anh những niềm vui, sự động viên trong công việc lắm gian truân ngiệt ngã này. Nhưng cũng thường khi chẳng giúp anh thoát khỏi sự chán ngắt hay nỗi bất lực, trơ lỳ trước trang giấy trắng. Anh viết ít. Số lượng không quyết định một sự nghiệp văn chương. Anh ý thức điều đó. Còn với anh, chỉ đơn giản là không thể viết nhiều. Đó là công việc khổ sở và khó khăn. Dù vậy, vẫn không phai nhạt niềm đam mê. Tuy rằng kết quả thường tỷ lệ nghịch với niềm đam mê đó. Anh nỗ lực cố gắng tạo tỷ lệ thuận. Thật không dễ. Nên những trang giấy thường cứ trắng ra.
Phải chăng cái sự đam mê ấy góp phần thay đổi số phận anh. Rẽ hướng cuộc đời anh Anh đã bỏ qua nhiều cơ hội sáng sủa cho tương lai, lợi ích cho bản thân và gia đình một cách cụ thể và thiết thực. Có phải đó là sự khí khái của kẻ sáng tạo, mang cái quan niệm ngược chiều với mọi người. Là khí chất nghệ sĩ muốn thoát ra mọi nô lệ trói buộc. Từ nhỏ, anh không bao giờ thuộc bài môn Công dân giáo dục vì cho là chẳng lợi ích gì. Anh cũng luôn bị điểm kém về luận văn vì không làm theo dàn bài mẫu thầy cho sẵn và luôn bị lạc đề. Thuở đó, anh chưa biết đến một Rimbaud ngang tàng, phủ nhận quyết liệt nền giáo dục áp đặt. Bỏ học lang thang hoặc vào sa mạc tịch liêu để chiêm nghiệm khả năng sáng tạo. Viết mãnh liệt và bỏ bút cũng dứt khoát. Thuở đó anh cũng chưa đọc Hemingway để biết rằng sống và viết chỉ là một. Rằng để đổi những trang viết bất hủ, người viết đã dấn thân trọn vẹn vào tất cả trạng thái cuộc đời, kể cả nguy hiểm, khốc liệt nhất để làm phong phú tâm hồn mình. Đem sự sống thể nghiệm và cả cái chết minh chứng tác phẩm mình.
Khi còn rất trẻ anh đã từng là người lính cầm súng với cuộc sống hào hùng và bi tráng. Những năm tháng đó đã đóng một dấu đậm nét lên cuộc đời anh thành những kỷ niệm khó phai. Bây giờ, trong nỗi da diết anh luôn có nhu cầu tái hiện, hồi sinh lên trang giấy và anh cũng luôn bất lực. Những điều anh viết không được một phần trăm cái anh nghĩ, không được một phần nghìn thực tại cuộc đời. Những gian nan, sống chết, bi hùng, lãng mạn như thế. Những đồng đội, kỷ niệm, năm tháng đẹp là thế. Tất cả đều tuyệt diệu, thấm đẫm tình người, tình đời vậy mà nó trở nên khô cằn, cạn cợt khi thành những con chữ vô hồn trên trang giấy. Có lẽ có một điều quan trọng và duy nhất để nối cuộc đời với tác phẩm là sự tài năng, và phải chăng đó chính là cái điều anh đang thiếu ? Anh hoang mang, buồn rầu và xé bỏ những gì đã viết ra. Cảm giác bất lực lại đến, khi anh chạm vào những tác phẩm “kiểu” Dostoievski. Những gì thuộc về con người đã được đào xới, phát lộ một cách sâu thẳm và triệt để. Đọc họ anh ngây ngất, sung sướng và bối rối rụng rời. Vậy thì cần gì phải viết. Những gì cần “nói” họ đã nói cả rồi. Lại nói một cách tuyệt vời nữa chứ. Thế là đêm, những trang giấy trước mặt vẫn cứ trắng.
Không! Không bao giờ anh dám mơ như họ. Đó là những người ngoại hạng mà thế giới này hình như ngày càng vắng bóng. Kinh nghiệm cho anh loại dần bao ảo tưởng. Anh cũng không mang tham vọng nào. Anh hiểu giới hạn của mình. Là một kẻ tầm thường trong một cái xã hội đầy tầm thường. Anh cô đơn. Trời cho anh chút năng khiếu, ít nhiều nhạy cảm và anh muốn bày tỏ suy tư, tình cảm theo cách riêng của mình với cuộc sống, vì nó là niềm vui, là nhu cầu xoa dịu cô đơn. Đêm, anh cày trong cô đơn. Moi móc, thu nhặt những hạt giống tốt của tâm hồn rải xuống trang giấy. Sao cho điều anh bày tỏ có hiệu quả nhất, có nghệ thuật nhất. Rồi gọi là tác phẩm và gởi đăng báo. Song, thu hoạch không đáng công sức. Thành công chẳng bù thất bại. Anh lại trở về khởi điểm. Lại bắt đầu một sự trăn trở mới.
*
Lê Yên tìm cách xoay sở mà “ tiến độ” công việc chẳng là bao. Ly cà phê lúc chiều đã hết tác dụng. Anh bắt đầu mệt mỏi và cáu. Những con chữ lằng nhằng bị gạch xóa lung tung. Phần giấy trắng thành vàng khè dưới ánh đèn dầu. Mới 8 giờ mà như đã khuya. Đêm cúp điện thế này chắc phải nghỉ sớm. Vả lại, sáng mai nhiều việc phải làm. Cúp điện là cúp nước. Anh phải dậy sớm xách nước ở giếng nhà bên. Đưa đứa bé đi khám bệnh, chở đứa lớn đi học. Xong đâu đấy mới đến cơ quan với công việc một viên chức bình thường. Vợ anh buôn bán ở chợ hàng ngày cũng phải đi sớm. Dặn dò công việc với anh trước khi ngủ.
Anh lưỡng lự. Kiểu này chắc không còn kịp. Anh đang viết một truyện ngắn tham gia cuộc thi ở một tạp chí văn học uy tín. Thời gian sắp kết thúc mà anh chưa gởi được truyện nào. Cuộc thi quan trọng không cho phép anh cẩu thả, tắc trách. Anh đã đầu tư nhiều suy nghĩ và thời gian cho cái truyện đang viết. Nó đã được một nửa, nhưng sao đọc lại thấy dường như không ổn. Có vẻ như khiên cưỡng và nhàn nhạt, nguội lạnh như cái xác không hồn. Cảm nhận đó làm Lê Yên mất hứng để viết tiếp. Bỏ thì tiếc, tiếp tục lại thiếu can đảm. Thế là anh loay hoay trong thế tiến thoái lưỡng nan. “ Lo ngủ sớm đi anh. Thức cho cố vào mai dậy trễ bỏ công chuyện ”. Tiếng vợ trong buồng gọi ra. Anh ậm ừ rồi tiếp tục công việc. Được một lúc vợ lại vọng ra thúc giục. “Mặc anh, em cứ lo mà ngủ”- đang bực mình, Lê Yên gắt giọng và xếp giấy bút. Nhưng anh biết khó mà ngủ được. Cái truyện viết dở sẽ còn quấy rầy tâm trí anh. Anh mở cửa ra ngoài. Đêm mấy mà trăng sáng vằng vặc. Lòng anh dịu lại. Hãy còn sớm. Lê Yên bỗng nẩy ý định đến nhà thằng bạn thi sĩ cùng ở Hội Văn nghệ. Nhà hắn cũng gần nhưng ban ngày ít khi gặp. Hắn thường vắng nhà với bao chuyện sinh kế. “ Mình đến uống vài ly trà tán dóc, sẵn dịp mượn hắn cuốn sách tra cứu tài liệu ”. Lê Yên bách bộ dưới trăng.
Nhà hắn đã đóng cửa nhưng còn sáng đèn. Lê Yên nhìn vào chỗ hở khe vách. Môt hình ảnh đập vào mắt làm anh suýt bật cười. Bên chiếc bàn cũng ngọn đèn dầu. Hắn đang cởi trần, quần đùi, ngồi bất động như đang nhập thiền. Khác ở chỗ, không xếp bằng mà thu hai chân ngồi chồm hổm trên ghế. Chắc vì muỗi đốt. Tay cầm bút, tay kẹp điếu thuốc. Tàn cháy đến sát ngón mà hắn chẳng buồn gạt. Tay bút để yên trên giấy còn mắt cứ nhìn trừng trừng, soi mói cái vật nào đó trên vách như thể vật đó lạ lùng lắm. Nhưng anh biết hắn chẳng nhìn thấy gì cả. Bởi hắn đang đắm chìm trong cái vũ trụ thơ của hắn. “ Thằng cha còn quá tổ mình. Bộ định viết trường ca chắc ”. Lê Yên do dự rồi bỏ ý định gọi cửa. Lững thững quay về. Anh hiểu giá trị những giờ phút này đối với hắn. Hắn cũng là thi sĩ có tài. Nhiều đọc giả nữ mến mộ và thuộc thơ hắn, dù họ chẳng hiểu bao nhiêu. Các em xinh đẹp và mơ mộng ấy mà thấy cảnh thần tượng mình lúc làm thơ sẽ nghĩ sao nhỉ? Lê Yên nghĩ và cười một mình với những ý tưởng hài hước về cái nghiệp viết lách của mình. Có lần một người bạn lúc đùa đã bảo rằng viết văn kiểu anh giống thằng đi buôn mực khô. Một nghề phổ biến thời bao cấp ở vùng biển quê anh. Mực khô là hàng cấm chỉ nhà nước độc quyền kinh doanh. Nhiều người đi buôn sạt nghiệp vì luôn bị kiểm soát tịch thu. “ Giống nhau chỗ nào ” Lê Yên bực dọc hỏi. Hắn cười : Thứ nhất giống nhau cái nghèo. Thứ hai giống nhau ở sự hành xác. Thằng buôn mực giấu lén đủ kiểu kể cả bó mực quanh thân thể. Mặc quần áo rộng ngụy trang. Tâm trạng luôn thắc thỏm. Lời lãi không đáng công sức. Thằng viết văn cũng chẳng hơn gì. Thứ ba giống nhau chỗ hy vọng. Thất bại keo này cứ hy vọng gỡ keo khác. Nếu biết trước cuối cùng trắng tay thì chắc người ta bỏ quách để làm nghề khác. Rồi hắn cười ha hả. Lối châm chọc khôi hài và chua chát đó như chạm vào nỗi đau khiến Lê Yên muốn nổi khùng. Bây giờ, nhớ lại anh thấy cũng không đến nỗi vô lý. Bởi giá biết được tương lai cái nghiệp của mình, sự lựa chọn sẽ dễ dàng biết bao. Anh sẽ vứt bút nếu biết trước nó chẳng mang đến một kết quả đáng kể nào.
Nhưng bỗng nhiên anh lại nghĩ: Liệu có dập tắt niềm đam mê không khi biết trước cái chung cuộc đáng buồn ấy ? Anh có đủ dũng khí để bỏ không ? Hay nó vẫn như con đỉa đói bám theo anh suốt đời Những ý nghĩ lẩn thẩn ấy theo anh về đến nhà.
Lê Yên đã qua tuổi bốn mươi. Ở người cầm bút người ta cũng cho là trẻ. Anh nhớ đến nhà văn X, nhà văn Y đã vào tuổi cổ lai hy vẫn viết khỏe, viết hay. So với họ, anh còn đến hai, ba mươi năm nữa để nỗ lực, để rèn luyện vượt lên. Sẽ được như họ không ? Anh không biết, nhưng cứ nghĩ đến hai, ba chục năm với bao ngày tháng mộng du suy tưởng, mê cung mệt mỏi. Những đêm cày cục vật vã, tự hành hình mình bên trang giấy trắng. Anh chợt gai gai một cảm giác kinh hãi.
VĨ THANH
Có lần, tôi đọc một bài báo viết về nhà văn Nguyễn Tuân, với những suy nghĩ, kinh nghiệm của ông về đời văn, nghề văn. Để diễn tả nỗi đớn đau của nhà văn, cụ Nguyễn đã dùng một hình ảnh rất đắt : PHÁP TRƯỜNG TRẮNG. Chỉ ba chữ mà đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Hóa ra một bậc thầy như Nguyễn Tuân mà còn có lúc bị lâm vào, huống hồ những cây viết non trẻ. Tôi lại liên tưởng đến anh bạn của tôi…
Anh có thực tài hay không, chỉ có thời gian và độc giả trả lời. Nhưng sự trăn trở của anh về nghề viết thì khiến tôi ngạc nhiên. Anh thuộc loại người mang quan niệm “ Văn dĩ tải đạo ” xem văn học là một sự bí ẩn và kỳ diệu. Anh khát vọng và thường nói đến một loại “Nghệ- sĩ–Bồ-tát ” dùng nghệ thuật như phương tiện giải thoát mình và người khác.
Chính anh đã “ phát hiện ” và động viên tôi. Bảo tôi có khả năng viết được. Tôi nghe theo anh, viết thử và cũng được vài ba truyện ngắn đăng báo ( Dĩ nhiên có sự góp ý sửa chữa của anh). Và anh cũng là người giới thiệu tôi vào Hội Văn nghệ tỉnh. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn luôn nghi ngờ khả năng mình. Bởi tôi tự biết mình thiếu kiên trì. Sớm nắng chiều mưa. Việc gì cũng thích. Nhưng chẳng việc gì làm ra hồn, đến đầu đến đũa. Đã vậy, còn thêm tính ưa bông phèng, đùa cợt.
Có lần, tôi cay cú vì viết được một truyện ngắn ngỡ hay. Vậy mà gửi mãi chẳng báo nào đăng. Tôi đem bản thảo đến nhờ anh đọc và ý kiến. Anh bảo không đăng là phải, vì cái truyện dở quá. Nguyên nhân là vì tôi còn cường điệu giả tạo và khoe mẽ, làm dáng… Anh còn nói nghề văn không phải để trang điểm. Đem văn chương ra chưng bày lòe loẹt thì nó sẽ thành thứ vàng dỏm. Chỉ đáng giá ba xu. Anh có lý. Nhưng vì bực nên tôi càng tự ái. Bèn đem cái sự bạc bẽo văn chương ra chửi đổng, bôi bác. Rồi giận cá chém thớt, cộng thêm tính thích đùa cố hữu, tôi quay sang mai mỉa châm chọc cả anh. Tôi còn bảo rằng cái cách viết văn của anh cũng chẳng khác gì thằng buôn mực khô lậu. Sự so sánh thô thiển và cay độc đó đã làm anh mếch lòng.
Nghĩ lại, thấy hối. Nên viết truyện này để bày tỏ niềm cảm thông với anh, chia xẻ cùng anh. Coi như một cách xin lỗi anh. Dù tôi biết anh không giận ai lâu. Hơn nữa, với một cuộc sống mang vẻ khắc kỷ, trầm mặc tôi cũng biết anh không thiếu tính hài hước.