Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.258
123.155.779
 
Thử nhìn về những người làm văn nghệ tỉnh lẻ.
Hồ Chí Bửu

Có người nhận xét và phê bình rằng : Khoảng hai mươi năm trở lại đây, sinh hoạt văn nghệ ở miền nam có ồn ào nhưng kém sôi động. Ồn ào vì tính cách dàn trải ở bề mặt của nó tức là số lượng người viết, số lượng sách báo, số lượng sáng tác. Nào văn, thơ, biên khảo, dịch thuật, ca kịch, nhạc bản v.v….Kém sôi động vì không có chiều sâu, chưa có một hào quang nào để làm khởi sắc cho một tư trào. Và kém sôi động vì văn nghệ lúc bấy giờ cho ta thấy chưa có một cuộc cải vã nào cho ra hồn. Tóm lại, chúng ta chỉ có một thứ văn nghệ mà kích thước sít soát ở mức trung bình.

                                   

Nếu quả lời nhận xét trên đây là đúng thì cũng còn diễm phúc cho chúng ta. Một dân tộc đã trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh. Tưởng chừng như mọi thứ đều sụp đỗ hà huống gì bộ môn văn nghệ. Đáng trách chăng là trách những kẻ núp sau tấm bình phong văn nghệ để buôn bán món hàng phi văn nghệ. Chúng tôi muốn nói đến những kẻ hô hào một thứ văn nghệ phiêu lưu, lai căng. Nhằm khai thác thị hiếu thấp hèn của con người. Bộ mặt văn nghệ tránh sao khỏi hoen ố bởi những kẻ khoát áo văn nghệ, những cai thầu văn nghệ. Tận dụng dịp may, có thể là đứng trong ban biên tập của một tờ báo nào đó, cúc cung tận tuỵ với bề trên, đạp lên xác đồng nghiệp để đi lên. Có bao nhiêu văn nghệ sỹ chân chính lại phải chịu hẩm hiu. Bài vở gởi về được nằm ở sọt rác. Bài vở của ê kíp mình thì trang trọng, ưu tiên một. Thiếu gì những chàng văn nghệ sĩ  Amateur chỉ cần có tên trên báo thôi, còn tiền nhuận bút thì đàn anh cứ dùng, thậm chí còn ‘boa’ thêm nữa. Thỉnh thoảng Sở nầy, Huyện kia làm Tập San cho có phong trào, thì đàn anh nhận luôn từ A đến Z, miễn sao đúng với tinh thần của Tập San. Nói ra, muốn ói tới mật xanh.                                       

Giờ chúng ta lại thử nhìn về những người làm văn nghệ tỉnh lẻ. Dạo nầy, tưởng chừng như xã hội đã giàu lên. Nên các quán cà phê, quán nhậu mọc lên như nấm. Tuổi trẻ dễ tìm gặp trong đó, chân tướng lộ liễu một cách đáng thương. Mỗi một gương mặt thể hiện một tiếng nói. Tiếng nói của phá phách ngang tàng. Tiếng nói của cô đơn da diết. Tiếng nói của bất mãn và tiếng nói của văn nghệ bị bôi lọ, bè phái. Đó là hậu quả của tuổi trẻ vô ý thức, quan niệm văn nghệ lệch lạc, bừa bải. Cố sơn phết cái tâm hồn rỉ sét, trống rổng của mình. Chỉ biết mượn văn nghệ để vá víu cái tôi. Cái tôi lớn. Vĩ đại. Vênh váo, khoe khoang, bị chỉ trích thì : Ta nè, những người làm văn  nghệ cây đa cây đề. Các người là quái quỷ gì mà nói đến ta. Tuổi trẻ bị thuốc độc bởi trào lưu,  đeo mặt nạ văn nghệ. Bắt chước, tập làm thiên tài, phô trương lập dị, cô lập, khác thường.

                   

Có kẻ học thuộc lòng vài ba câu triết, cố gắng làm dăm bài thơ con cóc. Tự đặt cho mình một bút hiệu thật kiêu, chạy ra đường ngất ngưởng, lầm lỳ như bảo : Ta là văn nghệ sỹ. Ta ở Hội nầy, Hội kia v.v.. Có kẻ chỉ trích thằng nầy thằng kia không ra gì. Còn ta, số một la mã. Có kẻ chui vào quán cà phê từ sáng đến chiều, kênh kiệu với cô bé ngồi caise, chứng tỏ ta trí thức. Văn nghệ sỹ, ngon lắm. Lâu lâu bước vào quán cũng thấy từng ấy gương mặt, nhâm nhi cà phê thuốc lá. Trông ra phết, gặp nhau thằng nào cũng nói : Tao sắp in thơ, khoảng 100 bài thơ. In chứ sao, vì có người, hoặc đơn vị tài trợ. Cầm tập thơ ngửi không vô mà đi loè bạn bè. Văn nghệ bị lợi dụng tội nghiệp. Đau đớn.                                                       

                  

Nên chăng có một cái nhìn lại cho văn nghệ tỉnh lẻ. Những cây đa, cây đề tàn lá sum sê, mà cằn cỗi hãy tự rụng lá đi để cho lá cỏ vươn lên. Những lá cỏ, nhưng cứng cát mà sáng tạo. Và những người bạn trẻ của tôi ơi, hãy đến với văn nghệ bằng trái tim hừng hực lữa nhưng không mù quáng. Phải dấn thân tìm cho mình một chổ đứng. Quê hương ta luôn rực sáng trong hồn ta, trong tình người, trong trái tim nhân hậu. Đừng vào quán làm văn nghệ cà phê rẻ tiền.. Mà hãy làm một cuộc dấn thân, nhưng dấn thân có lý tưởng. Và những ‘cai thầu văn nghệ’ thôi độc diễn trên sân khấu tỉnh lẻ nữa, để chúng con còn chút dung thân. Xin đa tạ…
Hồ Chí Bửu
Số lần đọc: 2879
Ngày đăng: 28.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Panduranga và bài hát cây xương rồng - Đinh Thị Như Thuý
Tản mạn chuyện nhà văn. - Nguyễn Đức Thiện
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Câu thơ-yên ngựa - Lê Xuân Quang
Món nợ không thể đòi - Nguyễn Ngọc Tư
Thành phố tuổi thơ tôi... - Lê Vĩnh Tài
Văn hóa không phải bột nêm . - Trần Nhương