Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.164.546
 
Bến sông quê
Hoàng Minh Quang Khải

Tôi nhảy chân sáo vào nhà, vừa trông thấy con kiki tôi đã bế bổng lên và hôn lia lịa vào đôi mắt đen nhu hột nhãn của nó. Để vội vàng cặp sách lên bàn học, tôi chạy xuống cầu thang gọi toán lên:

- Mẹ ơi! Mẹ …

- Gì thế? mẹ tôi đang nhặt rau cho bữa trưa ngẩng lên hỏi.

Tôi hớn hở đưa mẹ xem bản tổng kết học kỳ Một , mẹ cười thật tươi. Tôi bảo mẹ: 

- Thế hè này, mẹ cho con về quê nội được chưa?

- Một tháng, đủ chưa, ông tướng con của mẹ?

Tôi sướng quá, chỉ muốn nhảy tung lên và hét cho thật to nhưng cố kìm lòng.

 

*

Đã hơn hai năm trời tôi chưa được về quê nội. Tôi mang máng nhớ lần về quê gần đây nhất là hồi khoảng chín tuổi. Hàng năm giỗ hay tết bố tôi thường về một mình. Thỉnh thoảng có cả mẹ tôi. Năm nay tôi được về với bố, không phải ngày giỗ tết, mà là những ngày hè…

 

Quê nội tôi là một làng nhỏ nằm ven một con sông. Quanh năm nước con sông này chảy êm đềm và lặng lẽ. Có khi đến ba bốn năm mới thấy nước sông dâng cao một lần vì mưa lớn nước trên nguồn dồn về. Cũng vì thế mà dọc con sông là con đê uốn lượn như con rắn khổng lồ. Với bố, làng này là đẹp nhất. Ngày xưa, ở đây có cả đình làng vừa rộng vừa mát dưới bóng những cây cổ thụ. Nhưng rồi vật đổi sao rời, đình làng biến mất, thay vào đó là đường bê tông và mấy cái miếu thờ. Những cây đa ngày xưa đã cụt ngọn và dấu tích đình làng chỉ  còn lại một khoảng đất bằng phẳng. Dọc theo hai sườn đê là những bờ tre mọc chen bên nhau chạy thành dãy dài xa tít tắp. Tới đường vào làng, tôi chợt thấy những cánh diều uốn lượn bay trên trời cao, phía dưới nhửng lọn mấy trắng xốp. Văng vẳng tiếng sáo diều. Trời ơi, sao nó hay đến thế! Mỗi con diều mang một chiếc sáo khác nhau, có một giọng sáo khác nhau. Tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng vi vút ngân nga.  Tiếng sáo như từ xa vọng lại, như từ gần lan ra, tất cả hợp thành một thứ âm thanh huyền ảo. Tôi mơ màng trong một thế giới có hoa lá, thế giới của tự do,  thế giới của chúng tôi, những đứa trẻ tinh nghịch, nhưng dại khờ.

 

Ong bà nội tôi đang sống với chú Tiến và thím Liên tôi. Ngày ngày, chú tôi lên phòng giáo dục huyện làm việc. Còn thím tôi thì ngày hai buổi đến trường day học. Tội cho chú tôi, muốn sinh con trai mà mãi không được. Cho đến giờ chú, thím đã có 3 cô con gái, đứa bé nhất đang học lớp ba. Vừa vào đến cổng, chúng nhận ra tôi ngay và chạy ùa đến:

- A, anh Minh! Anh Minh về! …

Chúng vây lấy tôi và bố tôi, líu ríu tiếng chào pha lẫn tiếng hỏi han.

 

Tôi cúi xuống dắt bé Lan đi vào sân. Ong nội đang tỉa hoa (bố tôi bảo sau khi về hưu, không có việc gì để làm nên ông trồng mấy luống hoa trước cửa rồi hàng ngày chăm sóc, vun xới cho đỡ buồn). Nghe tiếng tôi chào, ông lặng im nhìn, để kéo xuống đất rồi nhẹ nhàng nắm lấy đôi vai của tôi. Ong cười, nghèn nghẹn giọng bảo:

- Cha bố mày !sao không đợi ông chết rồi mới về ?

Bà nội cùng thím tôi bước từ bếp ra, thấy tôi bà nói:

- A, thằng Minh của bà đây à? Lớn quá rồi con ạ! Mới ngày nào còn bé tí tẹo chạy sau lưng bà.

Bà tôi đã già đi nhiều và lưng đã hơi còng xuống.

Tôi ngợp đi trong những tiếng nói, tiếng cười, tiếng hỏi han của ông nội, bà nội. Ông bà nhắc thím Liên bắc thêm nồi cơm. Lựa bắt con gà làm thịt. Thím Liên cười:

- Cháu đích tôn về có khác, ông bà vui hẳn lên!

Bố tôi ở đến hôm sau thì về để đi làm, còn tôi được ở lại chơi với ông bà cùng chú thím. Khỏi phải nói, ông nội chiều tôi hết mức. Mấy hôm sau ông bảo chú Tiến tìm mua cho tôi một con sáo, còn ông thì cặm cụi ngồi đan cho tôi một chiếc lồng tuyệt đẹp. Từ hôm ấy, trưa nào tôi cũng ra đồng bắt châu chấu về cho sáo ăn. Nhờ đó mà tôi làm quen được với lũ trẻ ở đây. Chúng tầm tuổi tôi nhưng khỏe và nhanh nhẹn hơn tôi nhiều, da đứa nào cũng đen xạm vì nắng. Chúng vui vẻ nhập tôi vào hội và bày cho tôi chơi đủ thứ trò chơi của đám con nít nhà quê. Lúc đầu tôi còn e ngại, nhưng vốn cũng là một “quỷ sứ” nên làm quen với chúng chẳng khó khăn gì. Khi đã quen rồi tôi còn bày những trò chơi trò chơi bọn con nít ngoài phố xá thường chơi cho chúng nó. Bọn chúng thích mê.

 

Giữa trưa nắng bọn trẻ thường rủ nhau đi tắm sông. Lúc này trời đang nóng nực mà nước sông lại mát nên bọn tôi tha hồ mà đùa nghịch. Có một trò có vẻ cuốn hút bọn trẻ ở đây nhất là trêu cô Sửu điên. Theo lời kể của tụi nó thì cô Sửu là người ở đâu đó xa lắm, không có ai là người thân thích cả. Tài sản lớn nhất và cũng là nhà của cô là một chiếc thuyền nhỏ đã cũrách, có cái mui chắp bằng những mảnh nylông, lá cọ. Ngày ngày, cô lên bờ xem nhà nào có việc thì giúp để đổi lấy một ít gạo, mắm. Cô có khuôn mặt ai nhìn một lần cũng nhớ mãi: đầy những vết đen xam xám. Mũi cô ngắn nhưng lại to bè ra rất hợp với cái trán ngắn củn, thêm vào đó là một đôi môi thâm xì trên cái miệng méo xệch. Mỗi khi nói chuyện lại càng tôn thêm vẻ kỳ dị của cô.

 

Giữa trưa, cô Sửu về thuyền để nấu ăn. Đó là lúc để cho lũ trẻ có dịp trêu đùa cô. Bọn chúng nào là đứng trên bờ ném đá vào mui thuyền của cô, hay bơi xuống té nước vào thuyền của cô rồi gào lên: “Sửu điên! Sửu điên! …” cho đến khi nào cô tức tối ra đứng trước mũi thuyền, tay cầm khúc củi dứ dứ về hướng tụi nó, lúc đó, chúng vừa chạy đi vừa cười ầm ĩ, bỏ mặc sau lưng những lời chửi rủa của cô Sửu. Cô la, cô nói, tiếng nọ đã ríu vào tiếng kia, khi tức giận những tiếng của cô cứ dính vào nhau nên chả đứa nào biết cô có chửi mắng mình hay không nữa. Lúc đó trông mặt cô lại càng buồn cười hơn. Có lẽ từ “điên” mà bọn trẻ gọi cô cũng bắt đầu từ đó.

 

Từ khi có tôi tham gia, cả bọn có thêm một cộng sự đắc lực. Không những tôi tham gia trò này rất tích cực, mà nhiều lúc còn bày mưu cho bọn chúng nghịch nữa. Có hôm, tôi cùng mấy đứa nữa lặng lẽ bơi ra, rút thanh ngang để giữ tấm ván trước mũi thuyền ném đi, rồi gá tạm lại tấm gỗ đó như cũ. Sau đó, cả bọn đứng trong bờ gọi réo lên điệp khúc “Sửu điên!” và gạch đá lại tới tấp bay vào thuyền. cũng như những lần trước, cô lại ra đứng chửi bọn tôi, nhưng lần này cả bọn không bỏ chạy mà cứ đứng đó trố mắt nhìn cô như đang chờ đón một cái gì đó. Càng điên tiết cô Sửu bước lên mũi thuyền. “Oi!...”tiếng gỗ đập lên nhau nghe lục cục và cả tiếng cái thân hình sồ sề của cô ngã ngồi lên sàn thuyền, pha lẫn vào trong đó là tiếng nồi xoong, bát, đĩa vỡ loảng xoảng. Cả lũ con nít chúng tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo, có đứa cười chảy cả nước mắt, nước mũi. Cô Sửu đứng dậy nhìn trừng trừng vào lũ chúng tôi, đôi mắt vốn đã dại lúc này trông càng kinh sợ hơn

- Đồ … đồ … mất dạy! Con cái nhà ai mà …

lần ấy là lần đầu tiên chúng tôi nghe được những tiếng nói rõ ràng của cô. Cô. Chúng tôi lại kéo nhau chạy, reo hò ầm ĩ vì “thắng lợi” vừa rồi.

 

Hôm ấy, hình như nước sông có dâng lên một chút. Tôi  nảy ra ý định và bảo bọn nhóc trong làng:

- E! Bọn mình chọn chỗ nước sâu rồi từ trên bờ nhảy xuống xem ai lặn lâu và ra xa hơn nhé !

- Chơi, sợ gì !

- Hay lắm ! …- cả bọn reo lên tán thưởng ý định của tôi.

Cả hội xúm vào mỗi đứa một câu cứ rối cả lên. Mấy đứa kéo lên phía bờ sống trên. Chợt tôi nhìn thấy cô Sửu điên đang giặt đồ ở phía dưới, chỗ thuyền của cô. Tôi thì thầm vào tai mấy đứa đứng gần:

- Bọn mình nhảy rồi quẫy đạp thật mạnh cho nước đục lên nhé! Mà trước khi nhảy phải hét thật to lên “Sửu điên” nhé!

Bọn chúng hý hửng ra mặt, đứa nào cũng cố sức vẫy vùng và hét to điệp khúc do tôi bày ra. Lát sau, tôi thấy chán vì mặc chúng tôi đùa nghịch, chọc ghẹo cô Sửu cứ bỏ đi như không nghe thấy gì. Tôi leo lên một cành sung to mọc nhoài ra sông và nói với lũ bạn:

- Tụi bây xem tao biểu diễn này!

- Mày nhảy cao thế sặc nước chết đấy! Có đứa nào đó nói vọng lên.

Chà, từ cành sung này xuống tới mặt nước cũng phải bốn mét chứ không ít. Tôi hơi e ngại nhưng … chợt tôi cong cổ gào lên “Sửu điên! …” rồi thả người rơi xuống. Tùm. Bỗng tim tôi nhói lên, bụng và chân tay rát kinh khủng. Tôi thấy ngột ngạt, khó thở, xung quanh toàn một màu nước vàng đục, lờ lờ. Tôi chơi vơi rồi cố cùng vẫy nhưng chân tay cứng lại không thể cử động được. Rồi tôi thấy người nhẹ lâng lâng và không còn biết gì nữa …

 

Tỉnh dậy, mở mắt ra tôi thấy bà ngồi ở đầu giường, còn thím Liên đang lấy dầu xoa bóp cho tôi. Mùi hương khói pha lẫn mùi thuốc, mùi dầu khiến tôi thấy ghê ghê ở cổ.

- Oi! Tỉnh rồi ! Cháu tỉnh rồi bà ạ ! Thím Liên reo lên và tát tát vào má tôi.

Ong tôi, chú Tiến cùng mấy người nữa đang ngồi ở bàn nhỏm cả dậy. Chạy lại, ông sờ lên ngực tôi.

- Cháu còn thấy mệt lắm không? Rõ khổ, ông đã dặn đi dặn lại là đi đâu cũng phải cẩn thận mà!

- Cháu bị làm sao hả ông? Tôi thều thào hỏi ông.

- Còn làm sao nữa ! Bà tôi rầu rĩ. Cháu đi tắm sông nghịch thế nào mà suýt nữa chế đuối. May nhờ có cô Sửu vớt lên kịp rồi gọi ông ra.

Nhìn khuôn mặt hốc hác như già đi mấy tuổi của bà, tôi ân hận “phải chi cháu đừng bày trò đùa nghịch tai quái !”. Bỗng bà tôi nhớ ra:

- Quên mất ! Lúc ấy vội quá không cảm ơn cô ấy được một câu. Chặc, con người hiền lành mà bất hạnh quá !

- Thôi, để trưa mai cháu khoẻ con sẽ đưa cháu ra tạ ơn chị ấy – thím Liên nói- rồi mình biếu chị ấy món quà gì đó gọi là để cảm ơn chị ấy bà ạ !

Suốt cả sáng nay tôi bồn chồn, day dứt. Tôi cố đi lại nhiều cho khỏe để đến trưa ra gặp cô Sửu. Tôi ngồi chuẩn bị trong đầu những điều sẽ nói với cô. Phải rồi! Tôi sẽ nói thật nhiều, sẽ xin lỗi cô vì những điều dại dột mình đã làm trong thời gian qua, sẽ nói về sự hối hận của tôi để cô hiểu và tha thứ. Rồi tôi sẽ khuyên lũ bạn thôi những trò nghịch ngơm tai quái với cô …

Bữa trưa dọn ra, tôi ăn quấy quả vài miếng rồi giục bà tôi gói quà cho tôi. Tôi cứ chạy đi chạy lại từ cổng vào nhà. An cơm xong thím tôi lại phải quét dọn, rửa bát. Lâu quá!

- Cháu ra gặp cô ấy phải ăn nói cho lễ phép và cảm ơn cô ấy nhé! Bà tôi cẩn thận dặn dò tôi.

- Vâng! Vâng!

Tôi vâng dạ liên hồi và sửa sang lại áo quần cho ngay ngắn.

- Thím cầm cái này cho cháu nó! Bà tôi đưa cho thím Liên gói quà.

Tôi hồi hộp bước trên con đường dẫn ra sông. Ra đến bờ sông, tôi hăm hở chạy xuống nơi chiếc thuyền cô Sửu hay đỗ lại. Nhưng, sao thế kia? Chiếc thuyền không còn ở đó nữa. Trước mắt tôi cảnh vật như nhòa đi, chỉ còn lại hình ảnh cái mui thuyền rách của cô Sửu đang bồng bềng, bồng bềnh … Cô Sửu ơi, cháu xin lỗi cô. Có phải cô giận chúng cháu lúc nào cũng chọc ghẹo mà bỏ bến sông này mà đi. Bao giờ cô mới quay lại đây. Cô Sửu ơi, rồi cả đời cháu nợ cô một lần cứu vớt, nợ luôn cả câu xin lỗi không nói được với cô.
Hoàng Minh Quang Khải
Số lần đọc: 2224
Ngày đăng: 28.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Pháp trường trắng - Lương Minh Vũ
Thời đại đồ đá - Nguyễn Thiện Cân
Điểm nhìn - Lãng Hiển Xuân
Trang sách cuộc đời - Trần hữu Lục
Những chiếc lá thu - Bích Ngân
Bài học vỡ lòng - Trần Lệ Thường
Giấc mộng Diva - Lưu Thành Tựu
Xóm Người Mù - Mường Mán
Một chuyến săn thú - Trần hữu Lục
Nhịp nối thời gian - Lương Minh Vũ
Cùng một tác giả
Bến sông quê (truyện ngắn)