Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có tài. Điều này không có gì phải bàn cãi. Sự nghiệp của nhà văn này “chói sáng” bằng những truyện ngắn đặc sắc từng có thời làm xôn xao văn đàn. Nhưng, mươi năm lại đây, một điều ai cũng thấy là bút lực của Nguyễn Huy Thiệp đã đi xuống.Trong một niềm kỳ vọng thì độc giả nhiều lúc đã ngóng chờ sự “bùng nổ” của Nguyễn Huy Thiệp ở thể loại tiểu thuyết, khi mà cách dây vài năm ông hùng hồn tuyên bố với thiên hạ rằng, cuốn tiểu thuyết (đầu tay) “Tuổi hai mươi yêu dấu” “sẽ là một cuộc tranh luận văn học lớn”, “sẽ là một sự kiện của tiểu thuyết Việt Nam” ( trả lời phỏng vấn báo “An ninh thế giới cuối tháng”, 4/2003). Dù cuốn sách này chỉ đăng tải trên Internet, nhưng nhiều người tìm đọc nó và cảm thấy vô cùng thất vọng. Dường như Nguyễn Huy Thiệp sinh ra chỉ là để viết truyện ngắn. Bao nhiêu tinh lực, bao nhiêu “hương”, “nhuỵ”, ông đã dụng công, dành sức “mài rũa” ở truyện ngắn rồi. Với tiểu thuyết, các “chiêu” của Nguyễn Huy Thiệp trở nên yếu ớt, rời rạc, không còn thâm hậu và “cao cường” như khi viết truyện ngắn. Hình như đấy không phải là Nguyễn Huy Thiệp nữa rồi…
Và, một lần nữa, có thể bắt gặp điều này ở cuốn tiểu thuyết “Tiểu long nữ”( do NXB Công an nhân dân ấn hành) vừa ra mắt công chúng. Đọc“Tiểu long nữ” thấy na ná như một vụ án từng có lúc được báo chí đề cập nhan nhản. Nhưng theo tác giả ở lời tựa “chuyện thời sự chỉ là gợi ý cảm hứng để nhà văn viết”. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Nguyễn Quốc Lương, sếp cấp Vụ của một Bộ, từng là Tổng giám đốc một công ty xây dựng. Lương đã bị những đồng tiền tha hóa, trở thành quan tham, đắm chìm trong dục vọng. Tiền bạc và quan chức đã khiến Lương trở nên ích kỷ, cộc cằn, xa cách vợ và con trai .Trong khi Lương rơi vào “tầm ngắm” của công an, thì vợ Lương ngày đêm cầu mong lương không rơi vào hạn “Tiểu long nữ” như lời thầy phán…Qua sự giới thiệu của Vinh “chọi”- chủ một tiệm cắt tóc gội đầu, và cũng là “bồ” của Lương- y đã vào khách sạn với một cô bé 13 tuổi để “giải hạn”. Thế rồi, Lương đã bị kiện hiếp dâm trẻ em. Lương định tự tử nhưng công an đã “rờ” gáy kịp thời vì hành vi tham nhũng hàng chục tỷ đồng. gia đình Lương bỏ ra 1 tỷ đồng để đền bù cho vụ kiện hiếp dâm…
Dày 179 trang, “Tiểu long nữ” được chia nhỏ thành 45 phần, như một kịch bản phim hơn là cuốn tiểu thuyết, có thể đọc hết một lèo mau chóng. Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ được giọng văn sắc lạnh, không “vòng vo tam quốc”, với lối viết dồn nén dung lượng nhưng với cảm nhận chung của tôi đây không phải là cuốn tiểu thuyết thành công của ông. Với một cốt truyện “ăn theo” thời sự báo chí thì phần nào đã không còn hấp dẫn bạn đọc nữa rồi. Vấn đề còn lại là nhà văn khai thác, xây dựng nhân vật như thế nào. Nếu như truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường không có một chủ đề rõ ràng hoặc nhiều tầng lớp chủ đề, đa nghĩa, đa ngôn thì với một cuốn “tiểu thuyết thời sự” như “Tiểu long nữ”, Nguyễn Huy Thiệp trực tiếp bày tỏ chủ đề rõ ràng về đạo đức con người trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay. Nhân cách bị tha hoá bởi đồng tiền. Gia đình bị tan vỡ vì đồng tiền. “Thức ăn người này thuốc độc người kia, bi kịch người này, hài kịch người kia” (trang 174). ở cuốn sách này, với một thủ pháp không có gì mới mẻ thì cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp xem ra hời hợt. Có cảm giác như vì muốn cô đọng câu chữ, tình tiết nên Nguyễn Huy Thiệp đã “quay lướt” qua nhiều cảnh. Phải thế chăng mà chân dung Lương chưa được đặc tả kỹ lưỡng. “Cáo già” trong tham nhũng, công an vất vả trong việc phát hiện ra hành vi của Lương. Cứ như trong tiểu thuyết thì Lương tham nhũng 60 tỷ trong 4 năm, thế nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không đi sâu “mổ xẻ” thủ đoạn của Lương. Có chăng, ông chỉ phác họa chi tiết “Lương cầm phong bì”, để nhân vật Đức (cán bộ công an) thốt lên “Tay Nguyễn Quốc Lương này thực là một tay cáo già”... Chính điều này đã giảm đi sức thuyết phục cũng như không gia tăng được sức hấp dẫn của tác phẩm. Có thể thấy, Nguyễn Huy Thiệp phần nào đạt được hiệu quả nghệ thuật trong việc để Lương bộc lộ tính cách của mình trong các tình tiết, chi tiết liên quan đến hai người tình là Thuý Nga (nhà báo), Thuý Vinh (chủ một tiệm cắt tóc gội đầu). Thế nhưng khi xây dựng mối quan hệ tình cảm giữa Lương với vợ (bà Quỳnh) thì vẻ như Nguyễn Huy Thiệp lại viết qua loa. Nguyễn Huy Thiệp muốn xây dựng một nhân vật Lương đa diện, bị tha hóa nhưng cũng có lúc thức tỉnh, ân hận về sự ích kỷ với vợ. Đọc truyện, chi tiết Lương quay về nhà khóc nức nở trước cảnh bà Quỳnh ngã ngất dưới bàn thờ làm người đọc hơi hẫng vì trước đó, “ sợi dây tâm lý” giữa Lương và vợ, không được tác giả khai thác sâu, như diễn biến họ đã lạnh lẽo như thế nào, bà Quỳnh nhẫn chịu ra làm sao ( trong truyện chỉ leo tèo vài trang) ….Thêm nữa, tính cách của Lương có nhiều mặt phức tạp khác, nhưng thay vì miêu tả, tác giả đã “mượn” nhân vật sĩ quan công an Đức nhận định về Lương như thế này: “Tìm hiểu Lương, Đức công nhận Lương có những phẩm chất hơn người: tính quyết đoán trong công việc, đầu óc tổ chức giỏi, trong quan hệ với mọi người không phải không có tình có lý…”(trang 150). Có cảm giác khi dồn nén dung lượng thì Nguyễn Huy Thiệp đã quá “tham” ôm đồm nhiều chi tiết, tình tiết mà không nhấn nhá những điểm chính thành ra cuốn sách mỏng mảnh, thiếu chiều sâu. Một số chi tiết non và vụng về (như chi tiết ông bố của Nguyễn Quốc Lương đưa cho cháu quả cam ở cuối sách…). Nhân vật sĩ quan công an Đức đáng lẽ cũng phải được khai thác sâu nhưng trong sách lại khá mờ nhạt.
Lẽ thường, ở đầu sách các nhà văn (nếu có) thường bộc bạch với độc giả về nội dung, hoàn cảnh, cảm hứng…sáng tác. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, trong lời tựa ngay ở đầu “Tiểu long nữ”, ông lại quan niệm về thể loại tiểu thuyết (mà ông đã nhiều lần viết trên sách báo). Ông coi “truyện ngắn là một thể loại viết khó hơn tiểu thuyết nhiều. Nó là một thứ “luyện công” cho nghệ thuật viết văn, là một thứ mỹ nghệ kim hoàn đòi hỏi tinh vi, khéo léo và “bác học”. Tiểu thuyết tạp hơn, có thể viết “tất tay” và không phải tốn sức nhiều như truyện ngắn.” Nguyễn huy Thiệp cũng quan niệm “Tiểu thuyết- sách mua vui” cần phải được các nhà văn ở ta nhận thức ra và quan niệm lại (ít nhất cũng giống như những người “cổ xưa”) như thế thì “chữ nghĩa mới tuôn ra trên đầu ngọn bút như nước chảy” được.” Ông cũng nói thẳng “Tiểu long nữ” “được viết ra từ một chuyện nhảm nhí và tôi nghĩ cũng không phải khó khăn gì mấy (nó không bõ để tốn sức). Thực ra, ý nghĩa của nó cũng chỉ để mua vui và kiếm tiền”.
Tôi ngờ là Nguyễn Huy Thiệp “nói dzậy mà không phải dzậy”! Xin không tranh luận với ông Thiệp về thể loại, chỉ xin nói một điều rằng, phàm là viết văn thì dù là gì (truyện ngắn hay tiểu thuyết…) đi chăng nữa, vấn đề cuối cùng, mục đích cuối cùng mà nhà văn nhắm tới là tác phẩm phải lay động được độc giả, có sức ám ảnh lâu bền. một số truyện ngắn thành công của Nguyễn Huy Thiệp còn hơn khối người viết hết tập này tập khác nhưng không găm lại cho người đọc điều gì. “Sông có lúc, người có khúc”. Nhà văn cũng vậy, có cuốn hay, cuốn dở. Công chúng không thể đòi hỏi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc nào và viết cái gì cũng hay được. Vì thế, chả cần phải rào trước đón sau kiểu “Sách tôi viết mua vui thôi” đâu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ơi! Hay, dở bạn đọc tự đánh giá được mà. Còn nếu cảm thấy tự ti quá những gì mình viết thì đổi béng cái bút danh đi cũng không sao !