Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
758
123.366.370
 
Chiều Lên Hội Quán
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Mặt trời đã khuất sau hàng cây rậm lá, nắng chiều xô ngã bóng tàn trải lên mặt lộ đen láng, phẳng phiêu. Bên đường dành cho khách bộ hành, một dãi cỏ màu xanh, hoa vàng, đỏ, tím chen nhau khoe sắc. Ở ngã ba đường khi đèn giao thông bật màu xanh, xe ào ạt chạy tung cát bụi mịch mùng. Đoàn xe lướt qua, con lộ trở nên trống trải, tiếng động cơ hút xa rồi ngưng bặt. Sự yên lặng đến đổi nghe rỏ tiếng gió lướt qua đầu cây ngọn cỏ, tiếng chim chóc rút rích trên cành. Và tôi là khách bộ hành đương đi trên con đường vắng.

 

Ði hết một đoạn đường, quẹo phải tới cổng hội quán. Mùa hè nắng ấm, trên sân cỏ xanh mượt đám thủy thủ chia phe đá banh; đội áo xanh, đội áo đỏ rất hào hứng chen lấn nhau tranh banh la hét rân trời. Tôi không khoái đá banh nên bước thẳng vô hội quán. Trong phòng thể thao, nhóm thủy thủ Ba Lan chia phe chơi bóng rổ, họ đương hì hục dọng banh bình bịch, ngoài bàn bi da hai anh Phi luật tân đương so cơ lốp cốp. Trước hai phòng diện thoại, người ta đứng sắp hai hàng dài.  Giờ nầy mạnh ai nấy lo giải quyết chuyện riêng, hơn nữa còn sớm, ít người uống bia nên trong bar chỉ lèo tèo vài ba người đứng.  Hàng ghế cao cẳng trước quày rượu trống trơn. Tôi bèn leo lên chiếc ghế trong góc, mua một ly bia nhâm nhi, ngồi đây tôi nhìn được mọi sinh hoạt chung quanh.

 

Trước đây hơn mười năm. Những ngày cuối tuần, khi tàu còn lênh đênh trên biển, tối đến thủy thủ đoàn rút vô phòng cặm cụi viết thư. Chờ tàu gần vô cảng mỗi anh cầm một sắp thư giầy cộm, đem lên đưa thuyền trưởng nhờ chuyển đi. Khi tàu ghé bến, cả đám lóng ngóng chờ nhân viên mang thư xuống như chờ người tình. Từ ngày những công ty truyền thông phát hành thẻ điện thoại loại rẻ tiền dành cho thủy thủ, chuyện viết thư và nhận thư giảm bớt. Bù lại, mấy phòng điện thoại trên hội quán, lúc nào thủy thủ cũng sắp hàng dọc đứng chờ. Ở Việt nam tôi nghe nói ăn, ngủ, làm tình, đi cầu là bốn cái sướng nhứt trên đời. Nhìn cảnh nầy tôi mới nghiệm ra, nói chuyện cũng là cái sướng nữa. Nếu không thì tại sao người ta gắn điện thoại trong nhà, ty bưu điện đựng điện thoại công cộng khắp nơi vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, còn phải còn chế thêm điện thoại mobile và phát minh ra internet; lên lưới trò chuyện, đi rong ngoài phố điện thoại cầm tay áp lên má chuyện trò. Chưa đã, hễ có dịp bà con ta còn hẹn hò nhau để... nói chuyện.

 

Hồi sớm nầy tôi đâu có định lên hội quán. Tôi đương đứng ngoài boong, nhìn tàu bè xuôi ngược trên dòng sông Rijn và những chiếc tàu đã yên vị bên kè đá. Đương phân biệt màu cờ để biết quốc tịch gốc của những con tàu và đoán chừng nó đến từ đâu. Chợt Ebet, thủy thủ người In-đô, cháu của ông Johannes Besla, đi lại nói với tôi:

- Uncle Tấn, hồi trưa tôi gặp uncle Johannes, chú ấy hẹn nhắn chú chiều

nay lên hội quán nói chuyện chơi.

Không do dự, tôi nói:

- Được, chiều tao lên. Mày có theo tao không?

- Không được chú, chiều nay tôi trực.

Nhìn thằng nhỏ trong bộ đồ bảo hộ, đầu đội nón an toàn, lững thững đi ra boong. Tôi mĩm cười, những năm gần đây lớp thủy thủ trẻ thay cho lớp già về hưu cũng bộn. Mấy đứa nhỏ mới tập sự hải hành kêu tôi bằng uncle. Nhẩm tính lại tuổi đời vừa đúng bốn mươi,  lên chức chú cũng phải lắm rồi. Uncle Tấn, tên gọi nghe cũng hay hay.

 

Tôi quen với Johannes Besla từ khi tóc ông còn đen và tuổi tôi còn trẻ, chúng tôi thường sống chung nhau cả năm trên một chuyến tàu. Ông có nhà lầu ở Jakata, nhà có kẻ ăn người ở hẳn hoi, nói chung cuộc sống gia đình rất sung túc. Bổng dưng vợ ông bị chứng ung thư, cơn bịnh kéo dài gần hai năm bà qua đời. Tài sản gom góp hơn hai mươi năm trời, vợ bịnh một trận, tiền ra như nước chảy. Khi chôn cất bà xong, ông cũng phủi tay.              

    Cách đây hơn hai năm, tôi đi chung với ông trên chiếc Tina. Tinh thần ông dạo đó xuống thê thảm. Có bửa ngồi sau lái lai rai uống bia, ông tâm sự:

- Tao đương lo thủ tục xin định cư Hòa Lan.

Tôi hỏi:

- Chừng nào xong ?

- Một vài năm.

- Sao ông không cưới vợ?

- Đâu dễ dàng như mầy nói.

- Sao lại không, tôi thấy nhiều ngưới In-đô bỏ vợ già,  cướì vợ trẻ hoặc hai ba vợ là thường. Tuổi ông chưa đầy năm mươi, về bển cưới gái mười bảy cũng còn được mà.

     Ông nín lặng nhìn tôi như thể đánh giá trong câu nói của tôi có sự dễu cợt nào không. Lát sau ông từ tốn, nói:

- Đó là những người theo đạo Hồi. Hơn nữa cưới vợ để ăn đời ở kiếp

với nhau cần có sự thương yêu và lòng chung thủy. Còn kiếm bàn bà, con gái để làm tình cho sướng thì ở nước tao bỏ tiền ra mua gái vừa trẻ vừa đẹp bao nhiêu cũng có.

    

Tôi nhìn mái tóc trắng phơ của ông mà ái ngại. Phải chi ông còn trẻ, tôi khuyến khích, nếu có cơ hội tôi sẽ giúp đở ông. Đàng nầy, tuổi của ông đã ngót nghét năm mươi. Sống chung với nhau đã lâu, tình tự quê hương của ông ít nhiều tôi cũng biết. Muốn hợp khẩu vị cho bửa ăn, ông bỏ cả buổi đi tắc xi tốn cả trăm đồng, tìm mua cho được một vài món rau cải và gia vị In-đô đem về. Lịch cuối năm người ta tặng đủ cảnh, đủ màu, nhưng ông không treo,  đi mua lịch Tàu chụp cảnh hải đão, núi non về treo trong phòng. Ông nói vì nó giống cảnh quê hương ông. Có lần ông nói, ngày trước con gái ở nước ông lấy chồng ngoại quốc là điều sĩ nhục cho gia đình, dòng họ. Còn ngày nay con gái lấy chồng bất cứ nước nào, không kể thành phần, miễn làm sao ra khỏi cái đất nước nghèo đói là điều hảnh diện cho gia đình rồi.

- Việt nam tôi cũng vậy thôi ông à.

 

Tôi định kể cho ông nghe, ở nước tôi ngày xưa có một cô Kiều, trước đêm bán mình, cả gia đình viên ngoại khóc lóc như một đám ma. Ngày nay con gái lớn lên cha mẹ đem bán ra nước ngoài để kiếm chút đô la mua xe, sắm sửa nhà, ăn nhậu phè phởn, ra đường cũng hảnh diện quá trời. Nhưng nhớ tới câu đèn nhà ai nấy sáng, quán nhà ai nấy biết, dại gì vạch áo cho người xem lưng. Tôi ngắn gọn:

 -  Lở sanh ra trên đất nước ghèo và chậm tiến mình phải đành chịu chớ biết làm sao. Nhưng ông qua Hà lan làm sao ông tìm được người vợ thủy chung như ông mong muốn.

     Ông dứt khoát:

- Tao không cưới vợ nữa.

- Tuổi già ở Hà lan buồn lắm ông ơi.

- Nhưng không lo đói, bịnh hoạn có thuốc men, già vô trại dưỡng lão

có y tá săn sóc.

       

Tôi uống hết mấy ly bia, mà ông Johannes vẫn chưa tới. Hai đội banh ngoài sân đã phân thắng bại, các cầu thủ tục tục kéo vô phòng thay quần áo. Một lát sau trở ra họ xúm nhau khiêng hai chiếc bàn đâu lại mới đủ chỗ ngồi cho hai nhóm. Hai đội bóng rổ cũng kéo ra ngồi dãi bàn cạnh bên. Ba người đàn bà đứng trước ba cái vòi bôm bia không ngớt tay. Một ông lăng săn khui nước ngọt, đổi tiền không kịp thở. Hội quán trở nên ồn ào, mùi khói thuốc bốc lên nực nồng, khét lẹt. Họ nói chuyện vài ba thứ tiếng khác nhau. Trong đám rộng ràng nhứt là mấy anh Phi luật tân, uống bia, rượu, ăn to nói lớn. Còn đám Ấn Ðộ, đầu vấn khăn cổ truyền, uống cô-ca-cô-la, ăn nói nhỏ nhẹ, nghiêm trang, tôi đoán họ là những người theo đạo nhưng không biết họ đạo gì. Ngoài nhóm thủy thủ Ba Lan ngồi riêng một bàn, những người da trắng khác ngồi trên hàng ghế cao cẳng trước quày ba, hoặc ngồi xen kẽ trong đám da màu.

    

Hội quán ở Hòa Lan sinh hoạt có vẻ hơi lành mạnh, không có các cô gái làm tiền vãng lai bắt khách. Tuy nhiên thủy thủ nào cua được gái thì cứ dẩn vô hội quán ngồi chơi không ai phàn nàn gì hết. Thỉnh thoảng cũng có mấy em tiếp thị tới từ mấy hộp đêm khác, đưa giấy quảng cáo mời qua đó chơi có xe đưa, rước miễn phí.

 

Một cái vỗ vai hơi mạnh, tôi giựt mình day lại. Ông Johannes vẫn để tay lên vai tôi, nhìn thẳng mặt, thân mật nói:

- Bạn hiền, khỏe không?    

Tôi câu vai ông, vừa mừng vừa đáp:  

- Khỏe, khỏe. Còn ông?

- Khỏe luôn.

- Lâu quá mình mới gặp lại.

- Từ lúc chung nhau trên chiếc Tina tính tới nay đã hơn hai năm rồi.

 

Tôi giơ tay lên gọi thêm hai ly bia. Trong quày không còn ghế trống, tôi với ông bưng bia ra ngoài sân ngồi nơi chiếc bàn dưới bóng đèn điện sáng chưng. Ông đưa tôi chiếc bọc nylon.

- Hôm thằng Ebet điện thoại, nói đi chung với mầy, tao kêu vợ tao tìm mua tặng mầy cái nầy, quà kỹ niệm Java đó.

    

Vừa đở lấy chiếc bọc, vừa ngạc nhiên, tôi hỏi:

Ông cưới vợ rồi sao?

- Hơn một năm rồi.

   

Tôi giơ ly bia ngang mày:

- Chúc mừng ông.

   

Để ly xuống, tôi mở bọc xem quà, một chiếc xà rong, sọc màu nâu mới toan. Tôi ngước lên:

- Đẹp quá, có điện thoại về thăm nhà, cho tôi nhắn lời cám ơn bà.

   

Tuy tóc trắng đầu nhưng nhờ vui vẻ, yêu đời nên thấy ông trẻ ra. Tôi hỏi:

- Hạnh phúc nhiều chớ ?

    

Ông gật gật cái đầu, giơ tay lên lắc lắc, trề cái môi, nghiêng cái mặt như định giá cái hạnh phúc hơn một năm qua.

- Tốt, tốt lắm.

    

Đoạn ông móc bóp, moi ra tấm hình gia đình mới của ông giơ tôi coi. Ông chụp chung với người đàn bà tròn trịa, da ngâm và một đứa con trai đứng bên cạnh ú na ú nầng. Ông kể, chồng bà chết hơn ba năm rồi, con trai bà được mười một tuổi, đã dời về sống vời ông ở Jakarta.

    

Tôi hỏi:

- Chuyện di cư qua Hà lan thì sao ?

    

Ông cười:

- Cách đây hơn hai năm, sau chuyến đi chung với mầy lần đó,  tao ở lại Hà Lan trọ nhà ông bạn gần thành phố Rotterdam. Ðịnh tìm một việc nào đó trên đất liền làm nhưng kiếm hoài không có việc. Tao với ông bạn ban ngày nếu không cà nhông ngoài đường thì ngồi nhà ôm cái truyền hình hoặc bày đồ chơi con nít ra chơi, tối lại rủ nhau ra bar ngồi uống bia. Những lúc đó, tao nhớ tới câu mầy nói, ở bên nầy tuổi già buồn chết sớm.  Mày nói đúng, sống cảnh đó một năm cũng đủ chết nói chi tới già.  Tao ở được một tháng, cháng quá tao bay về In-đô và bỏ ý định làm thủ tục di cư.

 

Tôi tiếp một câu:

- Và quyết định lấy vợ?

Chúng tôi cười ha hả, và bưng bia lên uống:

- Mừng cho ông tìm được hạnh phúc.

Để chia vui cùng ông, tôi đứng lên đi vô mua thêm bia và một gói đậu phộng. Trở ra bày mọi thứ lên bàn. Sau đó chúng tôi đổi sang câu chuyện.

- Nghe nói ông đổi xuống chiếc Elsa phải không?

- Phải.

- Cảng nào?

- Houston. Chừng nào bay?

- Sáng mai.

 

Hồi chưa lập gia đình, tôi thường đi những tuyến đường xa. Tôi thích vùng Nam Mỹ nắng ấm, nhiều hải đão, núi non và cảnhh đẹp tuyệt vời. Nhứt là đàn bà, con gái ở đó rất hấp dẫn và rất chịu chơi. Từ ngày cưới vợ tới nay tính ra hơn mười năm, để được gần vợ gần con, tôi hải hành vùng Âu châu và đi ngắn hạng. Mỗi khi gặp đồng nghiệp đi tuyến đường xa thì lòng tôi nôn nao pha chút ganh tị.

- Kỳ nầy ông sướng rồi nhé.

- Sướng gì?

- Thì chiếc Elsa chạy Nam Mỹ, sướng chớ sao.

Ông chỉ tay lên đầu, cười nói:

- Tao đã già, tóc bạc hết rồi còn bướm hoa gì nữa.

 

Ông bưng ly mời tôi cụng một cái. Lúc đó trong ba lắc chuông báo, chỉ còn rót bán rượu, bia thêm một vòng cuối. Johannes đứng dậy đi vô trong mua thêm bia. Ngồi một mình, nhìn món quà Java, tôi không biết bao giờ mới bận tới chiếc xà rong nầy, tuy nhiên nó gợi trong tôi hình ảnh người đàn bà ở bên kia địa cầu, chồng lên đường làm ăn vợ khuyến khích, sửa soạn đồ đạc, sắp xếp quần áo vô vali ngăn nắp, quyến luyến dặn dò, tiễn chồng ra đi, tuy có buồn nhưng trong lòng chứa chan hy vọng. Vợ thương chồng chung thủy đợi chờ, chồng tin tưởng vợ an tâm cất bước.

 

Johannes khệ nệ bưng hai ly bia ra để lên bàn. Ông ngồi xuống, nâng ly lên, nói:

- Bạn hiền, uống hết ly nầy mình chia tay.

 Tôi đưa tay lên nhìn đồng hồ, hơn mười giờ đêm, cũng gần tới giờ hội quán đóng cửa. Chúng tôi cụng ly, bưng lên nốc cạn. Đứng dậy rời hội quán, đi thẳng ra bến xe bus.    

 

 Tiễn ông bạn già lên xe chợt nghe lòng buâng khuâng, nghĩ ngợi. Nếu ông sống bên Châu Âu thì tuổi nầy đã lo chuyện nghỉ ngơi và tranh thủ từng ngày để hưởng thụ cái  hạnh phúc gia đình mà ông mới vừa tạo dựng. Có đâu phải làm lại từ đầu, khoát lên mình một trách nhiệm mới, tiếp tục lên đường lo chuyện tương lai, chưa có dấu hiệu nào dừng bước.

 

Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại. Tôi mới vừa bốn mươi tuổi, sống một nơi yên ổn, khỏi phải lo chuyện áo cơm, bịnh hoạn không lo tiền thầy, tiền thuốc, nhưng trong lòng lúc nào cũng bất an. Nhứt là mỗi khi sửa soạn lên đường, con cái đứa câu tay, đứa ôm cổ, mặt mày vợ buồn xo, nước mắt lưng tròng, tiễn chồng đi làm ăn mà giống y như đưa người sang sông không trở lại. Nhưng dù sao đêm cũng đã khuya rồi. Tôi quay gót thả tà tà trở về bến cảng. Đêm nay trăng tròn, sao thưa, trời không mây nên bầu trời rực sáng. Dưới bến cảng, cần trục mốc những containers vuông vức chất khẳm con tàu. Giữa đêm nay chiếc Gera sẽ khởi hành sang Ái Nhĩ Lan, tuần sau sẽ trở lại. Mang tiếng là thủy thủ tàu viễn dương, vậy mà bao năm qua tôi cứ lẩn quẩn trên một tuyến đường, không xa được thành phố Rotterdam nhiều khói máy và sông Rijn tàu bè ra vào nườm nượp trên dòng nước ô nhiễm đục ngầu. 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3488
Ngày đăng: 08.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ vật - Nguyễn Thuỵ Nhã
Tiếng chim sẻ trong thánh đường - Nguyễn Một *
Quê hương ! - Lê Xuân Quang
Hàng xóm - Trọng Huân
Thanh âm đại ngàn - Đổ Thanh Vân
Thăm chồng - Nguyễn Nguyên An
Đêm yên tĩnh - Lê Thu Hiền
Bến sông quê - Hoàng Minh Quang Khải
Pháp trường trắng - Lương Minh Vũ
Thời đại đồ đá - Nguyễn Thiện Cân
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)