Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.051
123.197.787
 
Thời Của Ngựa
Võ Ðắc Danh

Đức Hòa như một góc của hình tam giác đều nếu ta hình dung hai góc còn lại là Sài Gòn với Long An. Cũng ồn ào phố chợ, cũng đường xá thông thương, cũng tiếng còi xe inh ỏi. Nhưng tách khỏi phố chợ vài trăm mét, đi về phía Hòa Khánh, Đức Hòa Thượng, Dức Lập Thượng, Mỹ Hạnh . . . ta bắt gặp sự bình yên của một làng quê giống như là cổ tích: Những ngôi nhà ngói ba gian, nhà chữ đinh ẩn trong những khu vườn cây ăn trái, những đồng lúa, những bờ tre, những hàng cau bên những con đường đất đỏ. Từ phía lộ nhìn vô, bên trái của những ngôi nhà ngói đỏ ấy là một dãy chuồng ngựa nối dài ra tận phía sau vườn. Trong nhà, hai gian bên kê hai bộ ván ngựa đen bóng, gian giữa là chiếc bàn chữ H xa xưa đặt trước bàn thờ tổ tiên, trên bàn là bộ đồ trà gồm mấy cái tách nhỏ, một cái bình tích đặt trong trái dừa khô để giữ nhiệt.

 

Chủ của những ngôi nhà ấy, phần lớn là những chủ ngựa lừng danh, trong đó có những danh nài một thời hiên ngang trên trường đua Phú Thọ.

 

Chúng tôi gặp ông Chín Xèn trong một quán cà phê ngựa – tức là nơi gặp gỡ của những chủ ngựa vào buổi sáng, nhìn vóc dáng thô mộc, chân quê của ông, tôi cứ ngỡ ông là một người chăn ngựa mướn. Nhưng hỏi ra mới biết, Chín Xèn là một ông trùm trong làng ngựa Đức Hòa. Hỏi về chuyện nuôi ngựa, ông cứ ngập ngừng không muốn nói. Nhưng anh Trần Công Lập – cán bộ phòng kinh tế huyện Đức Hòa, đồng thời cũng là một người có bốn đời nuôi ngựa – cho biết: Chín Xèn hiện có trên 20 con ngựa, trong đó có những con ngựa đua nổi tiếng như  Trường Sơn,Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Yến Linh, Pacific. Hỏi ông đã từng thắng bao nhiêu trận ở trường đua Phú Thọ, Chín Xèn lắc đầu bảo rằng làm sao mà nhớ nổi. Cứ bình quân mỗi năm một con thắng ba bốn trận, mỗi trận được bảy tám triệu đồng. Tính ra, mỗi năm Chín Xèn hốt của trường đua cả trăm triệu đồng. Nhưng theo anh Lập thì đối với Chín Xèn đó chỉ là những chuyện vui chơi. Cái chính là những trận thắng ấy nó tạo nên thương hiệu cho đàn ngựa của Chín Xèn. Ơ Đức Hòa nầy, một chủ ngựa nuôi được năm bảy con là cùng, và hầu như mỗi người chỉ o bế được một con ngựa đua, trong khi đàn ngựa của Chín Xèn có trên 20 con mà trong đó có đến 5 con ngựa đua nổi tiếng. Hơn thế nữa, ngựa của Chín Xèn được giá nhất trong làng, một con ngựa tơ vài ba tháng tuổi đã có người dám mua tới giá bảy tám chục triệu đồng, thậm chí một con ngựa vừa chuẩn bị đi đo để vào cuộc đua, đã có người đến ngã giá 150 triệu đồng. Có nhiều tay Việt Kiều mê ngựa của Chín Xèn đến nỗi mua ngựa của ông rồi gởi lại cho ông nuôi, chịu toàn bộ chi phí bao gồm tiền công chăm sóc, tiền huấn luyện, tiền thuốc, tiền lúa, tiền cỏ và cả tiền thưởng của những cuộc đua. Họ chỉ cần được sở hữu con ngựa trên giấy tờ để công bố tên ngựa và tên chủ trước trường đua. Tất nhiên, họ sẽ có đủ tự tin để cá độ chính con ngựa của mình.

 

Chín Xèn năm nay 60 tuổi, gia đình ông có bốn đời nuôi ngựa, ông là đời thứ ba. Ngay từ năm 1959, ông đã là một danh nài ở trường đua Phú Thọ, từng góp công làm rạng rỡ làng ngựa Đức Hòa. Cuộc đời ông gắn liền với những thăng trầm của đời ngựa suốt hơn nửa thế kỷ qua. Người ta nói sự thành bại, cay đắng hay vinh quang của con ngựa nó gắn liền với cuộc đời của chủ. Vì thế, Đức Hòa đang là thời của ngựa thì cũng chính là thời của Chín Xèn. Bên ngôi nhà ngói ba gian của ông bây giờ chuồng ngựa đã vây hai phía, ông đang xây dựng một trang trại ngựa giữa đồng. Chưa biết ông đang toan tính những kế hoạch gì cho ngựa, hỏi ông cũng không nói, nhưng nhìn đàn ngựa của ông, ai cũng biết ông đã là tỷ phú. Anh Trần Công Lập cho biết, nếu tính cả đàn ngựa của sáu anh em nhà Chín Xèn như Ba Hở, Tư Hực, Năm Thài, Ut Đực và những người con của họ đã ra riêng thì đàn ngựa trong thân tộc Chín Xèn có đến 200 con, có lẽ đây là đỉnh cao của một dòng họ nuôi ngựa ở Đức Hòa.

 

Chúng tôi đến nhà chú Ba Cường, cũng ngôi nhà ngói ba gian cổ kính nằm phía sau con đường đất đỏ, bên một bờ tre. Sau nhà là một vườn xoài, trước nhà là khoảng sân rộng tráng xi măng tiếp giáp với mấy hàng cau và cánh đồng mênh mông lúa. Một buổi trưa thật bình yên, người con trai của chú Ba mắc võng nằm ngủ dưới gốc xoài. Bên hông nhà, bốn chú ngựa trong chuồng đang nhơi cỏ. Trong nhà, chú Ba nằm trên ván ngựa nghe radio. Giữa phòng khách treo hai bức ảnh con Minh Hương với hai lần về nhất tại trường đua Phú Thọ. Chú Ba Cường cho biết, ông là bí thư huyện ủy Đức Hòa về hưu năm 1991. Hồi ấy ông có thể tìm một ngôi nhà ở thị xã Tân An nhưng ông lại về đây, thờ cúng ông bà trong ngôi nhà của mẹ cha để lại.

 

Ong mua con Triệu Minh với giá 2,5 triệu đồng để nuôi cho vui. Thật ra – ông nói – sau khi trường đua Phú Thọ ngưng hoạt động, dân nuôi ngựa Đức Hòa đua nhau bán đổ bán tháo, nhiều người thương ngựa bán không đành thì cố giữ lại. Nhìn thấy cái cảnh cả chủ lẩn ngựa buồn chán như kẻ thất thời, chú Ba Cường lúc bấy giờ đang là bí thư huyện ủy – một người đã từng nuôi ngựa thời niên thiếu – bèn vận động thành lập trường đua Đức Hòa với mục đích tạo cho dân nuôi ngựa một sân chơi, cũng là để giữ gìn truyền thống của làng ngựa Đức Hòa. Cũng chính nhờ vậy mà ngay sau khi trường đua Phú Thọ phục hồi thì Đức Hòa đã có sẵn đàn ngựa oai hùng để vừa vào cuộc vừa cung cấp cho dân chơi ngựa ở Sài Gòn và các vùng lân cận vốn đã giải tán nhiều năm. Con Triệu Minh của chú Ba Cường cũng từ đó mà đẻ ra tiền, cứ mỗi con ngựa con vừa đẻ được vài tháng thì đã có người mua với giá ba bốn chục triệu đồng. Đến nay Triệu Minh đã đẻ được 9 con, ông đã bán 6 con, giữ lại 3 con để đua và phát triển đàn ngựa, trong đó, con Minh Hương đã về nhất hai trận, giờ ông cho phối giống, nó đã có chửa được 10 tháng. Ong nói, ngựa mẹ  chỉ cần thắng hai trận thì ngựa con trở nên vô giá, nếu nó là ngựa đực thì bán ngay cũng được 50 triệu đồng, còn nếu là ngựa cái thì có khi lên đến cả trăm triệu.

 

Ơ Đức Hòa, hầu như ai cũng biết đến con Mã Thành lừng danh một thời của ông Sáu Thực, nó có một lai lịch bách chiến bách thắng mấy đời. Bà cố của nó là con Mã Long Phi từng đua với con Trúc Mai, Anh Tuấn, Minh Hiệp nổi danh thời Pháp thuộc đã đi vào lịch sử trường đua Phú Thọ. Bà ngọai của Mã Thành là Mã Lợi, Mã Lợi đẻ ra Mã Thành mẹ, Mã Thành mẹ lại làm rạng rỡ dòng họ Mã của nó ở Phú Thọ vào những năm 90, lúc ấy có một Việt Kiều trả giá 20 ngàn USD nhưng ông Sáu Thực kiên quyết không bán. Sau đó Mã Thành mẹ đẻ ra Mã Thành con rồi chết. Cái chết của Mã Thành mẹ làm chấn động làng ngựa Đức Hòa và gây một cú sốc trong lịch sử ba đời nuôi ngựa của gia đình ông Sáu Thực. Nhưng may thay,chính con Mã Thành con bây giờ đã bù đắp sự mất mác của ông Sáu Thực bằng 30 trận thắng liên tục trong 10 năm qua. Bây giờ dù có ai mua Mã Thành con với giá bao nhiêu ông Sáu Thực cũng không bán. Nhiều tay đua ngựa đang trông chờ nó đẻ con để mua, và ai cũng biết rằng con của nó sẽ được tính bằng đơn vị tiền trăm triệu.

 

Ong Bảy Chói, em ruột ông Sáu Thực, một nài ngựa kỳ cựu của Đức Hòa hiện đang nuôi bảy con ngựa giống, trong đó có con Mã Hiệp mới lên ba tuổi đã xếp vào nhóm bảy. Ong Bảy Chói tự hào nói: “Nó đã nổi tiếng từ lúc hai tuổi, tham gia 9 trận đua, về nhất 3 trận, về nhì 3 trận. Mới đây có một tay đua ngựa ở Sài Gòn xuống ngã giá 130 triệu đồng, tôi định bán nhưng nó nghe được nó buồn không ăn lúa, thằng con tôi khóc sướt mướt nên thôi, giờ để nái bán ngựa con”. Ong Sáu Nàm, một người mới nuôi ngựa sau nầy nhưng cũng nổi máu mê, ông dám vay 80 triệu đồng để phát triển đàn ngựa đến bảy con, trong đó có con Thái Phi đang trở thành “sao” của Đức Hòa. Ong nói, hồi năm kia tới lúc đáo nợ ngân hàng, ông đang nơm nớp lo thì con Thái Phi thắng cúp Tuổi trẻ được 15 triệu đồng, tiếp theo nó giành hai giải nhất được 16 triệu đồng và 9 giải nhì được 27 triệu đồng, tổng cộng nó đã trả nợ cho ông bằng những trận thắng là 58 triệu đồng. Một Việt Kiều vừa gạ ông với giá 120 triệu đồng nhưng ông không bán.Mới đây con Mai Hương đẻ ra con Nữ Hương, vừa được 7 tháng ông đã bán được 50 triệu đồng. Con Thái Phụng của ông vừa giành một giải nhất và hai giải nhì, thu được 15 triệu đồng.

 

Chưa có con số thống kê mỗi năm ngựa Đức Hòa giành lấy bao nhiêu giải nhất tại trường đua Phú Thọ. Nhưng người ta gọi Đức Hòa là xứ sở của “thần mã” từ thời Pháp thuộc đến bây giờ. Không thể nhớ hết những tên ngựa lừng danh gắn liền với tên chủ như: con Phước Vân của ông Bảy Môn, con Trường Sơn Đông của ông Bảy Nhạc, con Lữ Phụng của ông Hai Nguyện, con Kim Long của ông Hai Lô, con Atila của ông Tư Tạm, con Thoại Lan của ông Sáu Lực, con Xuân Lộc Hương của ông Ba Ngay, con Hiệp Hòa của ông Năm Hung . . .  Theo anh Trần Công Lập thì Đức Hòa có trên 400 chủ ngượa đua, tổng số đàn ngựa trên 2000 con bao gồm ngựa con, ngựa đua và ngựa giống.

 

Cứ vào lúc hừng đông, từ bốn năm giờ sáng, hàng trăm người đạp xe dẫn ngựa đi quần khắp các nẽo đường thôn, tiếng chân ngựa lộp cộp tạo thành một âm thanh quen thuộc của Đức Hòa. Khi mặt trời lên, từng nhóm chủ ngựa kéo vào các quán cà phê dưới những vườn cây rợp bóng ở ven đường. Mỗi người một tờ báo trên tay – tờ tin của trường đua Phú Thọ – họ xem kết quả đua, xem lịch đua rồi râm rang bình phẩm. Những chú ngựa vây quanh bên ngoài như chú ý lắng nghe.

 

Có sự phong lưu nào hơn thế nữa ! Đúng là thời của ngựa Đức Hòa !

 

Ảnh:

Con Thoại Lan, niềm tự hào của ông Sáu Lực

 

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3498
Ngày đăng: 10.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài - Huỳnh Kim
Mẹ - Mặt Đất Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Làm gì…. cho những người vô gia cư - Nguyễn Nguyên An
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư - Lê Phú Khải
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi - Huỳnh Kim
Tỏ tình với cuộc sống - Trần hữu Lục
Nơi Nguồn Sông Chim Hót - Nguyễn Nguyên An
Nẩu lòng đất đai - Võ Ðắc Danh
Thư Sài Gòn - Trần hữu Lục
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)