Cuộc sống ngày càng hiện đại thì sự giả dối và đểu cáng của con người càng tinh vi hơn ! Cứ tưởng nhà thơ Trần Nhương “ tơ lơ mơ “ trước cuộc đời. Nhưng không, anh hiểu cuộc đời hơn ai hết, hiểu một cách tường tận đến mức người ta phải ngạc nhiên ! Tôi không ngờ Trần Nhương lại viết được những câu thơ sâu sắc và độc đáo nhơ thế này :
“ Người bán rau bỏ sâu vào cho thành rau sạch/ Người nấu rượu bỏ đạm vào cho thành rượu ngon/ Người bán hoa quả bỏ đioxin vào cho hoa quả tươi/ người quá lứa bỏ silicôn vào để thành người trẻ…”
Sự từng trải và am hiểu cuộc đời sâu rộng như vậy đã làm ta nể phục. Nhưng còn kinh hoàng hơn khi anh viết tiếp : Người đểu cáng bỏ nụ cười vào để thành người thánh thiện/ Người trọng bệnh bỏ tư tưởng vào mong trở thành tráng kiện…” Thì ra dưới con mắt của Trần Nhương mọi việc giả dối khoác áo cà sa đều hiện nguyên hình ma quỷ ! Không gì có thể qua được mắt anh. Hay nói một cách khác lừa được Trần Nhương là rất khó !
Bài thơ “ Bỏ em vào câu hát “ được viết theo một bút pháp đòn bẩy, cảm xúc trong thơ luôn vận động từ thấp đến cao, để rồi dẫn đến một kết luận bất ngờ đầy lý thú : “ Anh bỏ em vào câu hát/ Chúng mình cùng ngân nga…”. Câu thơ nấp dưới vẻ khôi hài nhưng ta cứ thấy hiện lên một cái gì đó rất ngạo mạn, khinh khi- một Trần Nhương phớt đời- đang ngạo mạn cười những trò giả dối và đểu cáng. Hình như đối với Trần Nhương khi đã có tình yêu trong tay rồi ( tình yêu được hiểu theo nghĩa rộng của từ này ) thì mọi thứ đều trở thành nhỏ bé, ngoài sự quan tâm của anh…Tôi càng hiểu vì sao Trần Nhương lại có một bí danh là V.L.C ( vui là chính ). Cứ nói đến V.L.C là ai cũng biết đó là Trần Nhương.
Trong làng thơ Việt Nam, Trần Nhương là người có nét riêng ( chưa kể đến tài hội hoạ của anh ). Nhưng có lẽ vì lấy vui là chính, lấy vui làm phương châm sống của mình, nên Trần Nhương tránh xa vòng danh lợi quyền chức, anh luôn mở rộng cánh cửa tâm hồn với bạn bè bốn phương. Chơi với Trần Nhương thấy rất thoải mái, không sợ nguy hiểm, không phải cảnh giác đề phòng, chơi dễ như chơi với trẻ chăn trâu vậy…!
Thơ Trần Nhương là thơ của con người bộc trực, thẳng thắn, đầy tâm huyết với cuộc đời, luôn pha trộn một chút khôi hài, hóm hỉnh… Nhưng phía sau tiếng cười sảng khoái như tiếng rít điếu cày ấy, không phải là khói mà là cơn say rất nặng, có khi bật ra một khối lớn làm cho người đọc choáng váng, đau đớn trước những cảnh đời, những kiếp người… Bài thơ “ Trò chơi trong siêu thị “ là một bài thơ đầy ấn tượng, đọc xong tôi thấy nổi da gà, dựng tóc gáy. Trần Nhương viết bài thơ này với một thái độ rất lạnh lùng và khách quan, chính vì thế mà bài thơ đã đập vào tâm trí người đọc, gây hiệu quả và ấn tượng rất mạnh :
“ Cháu tôi thích trò chơi đập đầu con thú
Con nào đòi nhô lên miệng lỗ
Đập một nhát
Nó vội vàng thụt xuống…”
Cứ thế, những đầu thú nhô lên liên tục, và lại đập liên tục- Một trò chơi dã man còn hơn cả đấm bốc trên sàn đấu…
Từ việc đập đầu thú, bài thơ bất ngờ chuyển sang đập đầu người, từ lời lẽ chơi chơi bất ngờ trở thành triết lý :
“ Thì ra sự nhoi lên để hơn người cũng là điều khao khát
Thì ra không muốn để ai hơn người cũng là điều thích thú…”
Người đập vào đầu người, không cho người có cơ hội để ngoi lên mà cũng thích thú như một trò chơi ư ? Thật khủng khiếp và lạ lùng cho con người quá ! Bài thơ đóng lại và bất ngờ lắng xuống những cung bậc trầm buồn của lòng nhân ái : “ Rời siêu thị lòng tôi héo rũ…” Nhưng chính lúc héo rũ ấy, phẩm chất nhân văn của nhà thơ lại toả sáng, ánh lên của lương tri làm thức tỉnh con người.
Qua tập thơ “ Gió đang xoan “ ta thấy Trần Nhương là người yêu ghét rõ ràng. Anh ghét những kẻ quyền chức tham lam độc ác, anh luôn yêu thương và đứng về phía những người lao động nghèo khổ. Bài thơ “ Ghi trước cửa đình “ đã minh chứng điều đó :
“ Thành hoàng bao kẻ ăn theo
Thương dân đóng góp bao nhiêu cho vừa …”
Trong hai chữ thương dân có cả hình ảnh của mẹ anh :
“ Mẹ của ta giờ đang buổi ra đồng
Rảnh mạ cóng và bàn tay cũng cóng
Chỉ sợ rét làm mẹ ta đông cứng
Một dáng còng đau đáu giữa đồng quê…”
( Mùa rét năm nay )
Trần Nhương luôn sống hết mình, làm việc hết mình và yêu cũng hết mình. Anh hồn nhiên bộc bạch như sau : “ Gió có cơn/ Mưa có cơn/ Sốt có cơn/ Đói có cơn/ Nghiện có cơn/ Anh yêu em/ dằng dặc tháng ngày/ chẳng cất cơn…” ( Yêu )
Và đây nữa :
“ Đã yêu thì chết không hề sợ
Chỉ sợ người ta dễ đổi lòng…”
( Bâng khuâng quán núi )
Thật may mắn và hạnh phúc cho người đàn bà nào được anh yêu bằng tình yêu “ chẳng cất cơn “ như thế.
Tôi đặc biệt yêu thích thơ lục bát của Trần Nhương, vừa tài hoa vừa sành điệu, vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế. Nhưng câu thơ như gió thoảng nhưng nghệ thuật lại rất điêu luyện, cao siêu. Bài thơ “ Một “ là một bài thơ chơi chữ rất tao nhã, có tới 24 chữ một nhưng không có chữ nào thừa cả :
“ Một cốc bia, một buổi chiều
Một mình anh với một điều vẩn vơ
Một trời mây trăng phơ phơ
Một thương, một nhớ, một chờ, một mong
Một người ở phía bên sông
Một bờ đang lở đò không cập bờ
Một gì như thể tương tư
Một mai người ấy hình như cũng buồn
Một lời nói dại nói khôn
Một mây, một gió bồn chồn bấy nay
Một lòng chỉ một anh đây
Một em ở một chân mây góc trời
Một này sao chẳng thành đôi
Một đời đau đáu một người…một xa…
Xưa Nguyễn Du nói “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài “. Còn bây giờ Trân Nhương được cả hai. Ngày hội Thơ rằm tháng giêng năm Ất Dậu tại Văn miếu Quốc tử giám tôi được chứng kiến mọi người xếp hàng mua thơ của Trần Nhương, và vui sướng được anh vẽ tặng một bức chân dung chỉ trong vòng vài phút. Xếp hàng mua thơ anh không chỉ người Việt Nam ta mà còn có cả người nước ngoài. Mấy trăm cuốn thơ “ Gió đang xoan “ của Trần Nhương phút chốc bán hết veo. Đây là một hiện tượng lạ, rất đáng mừng vì trong mấy chục năm qua công chúng ghẻ lạnh với thơ. Nhưng người làm thơ như chúng tôi thầm cảm ơn Trần Nhương đã mang lại cho thơ cái vị trí vốn có của nó.
Trước khi trở thành một thi sỹ, hoạ sỹ Trần Nhương là một người lính. Cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng chất lính vẫn còn in đậm trong thơ Trần Nhương. Nhiều khi trên mỗi trang thơ thấy anh xông xáo và dũng cảm như một người lính trên trận mạc. Thơ anh không phải là thứ thơ chửi đỏng cho sướng miệng, thơ anh phá để xây. Chỉ có những ngòi bút chân chính, chỉ có những người thực sự yêu đất nước này mới dũng cảm phá và xây như thế : “ Cái cũ tất nhiên phải đổi / Cuộc sống cần phủ định để đi lên…” ( Euro ngẫu hứng ). Trách nhiệm công dân của nhà thơ Trần Nhương thường được bộc lộ sau tiếng cười rơi nước mắt- những giọt nước mắt không phải từ một cái cơi trầu nông nổi mà từ gan ruột sâu lắng của nhà thơ. Anh luôn đau đáu với cuộc đời, với những nỗi đau mang tầm vóc của cả thế giới : “ Người ta nhân bản vô tính/ Người ta bán đất mặt trăng/ người ta rút ruột địa cầu/ Người ta đánh nhau vì lòng ích kỷ…( Những con vi rút ). Và trước những con virut nguy hiểm như vậy , Trần Nhương đã đặt cho chúng ta một câu hỏi lớn : “Ai giải thoát bây giờ/ Ai trừng trị bây giờ / Trời xa quá / Người xa quá / tiếng kêu dân có thấu lòng ai ? “ ( Tin cập nhật ).
Trần Nhương luôn đứng về phía có tiếng kêu ấy ! Và anh cũng nhiều lần kêu lên bằng thơ qua tập thơ “ Gió đang xoan “ của mình. Hy vọng một ngày không xa nữa mặt đất đáng thương này sẽ không còn những con virut, không còn giả dối và đểu cáng, “ người ta “ không còn “ đánh nhau vì lòng ích kỷ “. Chỉ còn lại tình yêu thương, chỉ còn lại như Trần Nhương viết “ Bỏ em vào câu hát / Chúng mình cùng ngân nga…”
Hương Tích, 12-2005