Paris có gì lạ không em?...*
Mùa thu năm ngoái, lần đầu tiên tôi đến Paris nhân chuyến công tác tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet.
Mặc dù nghề nghiệp của tôi luôn phải “xê dịch” khá nhiều nhưng tôi vẫn không sao quen được với không khí ngột ngạt “ toàn mùi máy lạnh ” trên máy bay, ngay cả trên xe hơi hay xe lửa cũng vậy. Vậy nên sau chuyến bay dài đến 12 giờ trên chiếc Boing của Vietnam Airline, khi bước xuống sân bay C. De Gauld tôi cứ lơ mơ như người “không trọng lượng” vì suốt chuyến bay tôi chẳng ăn uống được chút gì … Đang lo lắng không biết làm sao tìm được cửa ra của mình trong “mê hồn trận” ỡ cái sân bay khổng lồ này thì may quá, anh bạn đồng nghiệp làm việc ở bảo tàng Guimet đã đón tôi ngay khi tôi ra khỏi cửa máy bay và đưa tôi ra ngoài bằng cửa an ninh, không phải qua khu vực làm thủ tục. Lý do: vì tôi đi “áp tải” những cổ vật đưa sang Pháp trưng bày nên cần phải nhanh chóng đến khu vực hàng hóa để nhận những kiện hàng đặc biệt này.
Thủ tục nhận lô hàng quan trọng như vậy không ngờ rất đơn giản và nhanh chóng, nhanh chóng và đơn giản hơn khi chúng tôi làm thủ tục gửi hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất ( có lẽ vì đây là nhận chứ không phải xuất cổ vật chăng ?). Cùng với anh bạn đồng nghiệp người Pháp và một số công nhân của một hãng chuyên đóng gói và vận chuyển hàng hóa, chỉ trong khoảng 30 phút chúng tôi đã hoàn tất mọi giấy tờ, đưa 30 thùng hàng rất nặng lên 4 chiếc xe tải “chuyên dụng” rồi về thẳng Paris. Ngồi ở cabin tôi cứ ngủ gà ngủ gật vì mệt quá… cũng may đường khá dài nên khi về đến bảo tàng Guimet tôi đã đủ tỉnh táo để có thể bắt tay ngay vào công việc.
Sau mấy ngày làm việc tại bảo tàng Guimet, các bạn đồng nghiệp có nhã ý dành thời gian ngắn ngủi còn lại của chuyến đi để tôi tự mình khám phá Paris – một Paris tôi từng biết qua những cuốn tiểu thuyết của các văn hào Pháp mà tôi đã say mê đọc từ khi còn thơ ấu…
Paris hiện ra không khác lắm so với trí tưởng tượng của tôi.
Đó là buổi sớm mai trên những con đường vắng lặng rợp bóng cây xanh, khách bộ hành thong thả trên vỉa hè rộng rãi, vẳng đâu đó tiếng động từ các cửa hiệu bánh mì, cửa hàng thực phẩm nhỏ đang mở cửa đón người khách đầu tiên…Những tiệm cà phê bày bàn ghế ra một phần vỉa hè, và dưới mái hiên bằng vải người Paris lại bắt đầu một ngày mới của mình bên ly cà phê bốc khói và những trang báo mở rộng… Ngay phía trên những cửa hàng và tiệm cà phê vẫn là những ô cửa sổ vuông vắn của toà nhà được xây dựng từ thế kỷ XIX, hầu như không có sự thay đổi về cấu trúc và trang trí nhưng vẫn thể hiện rõ sự chăm chút và lưu tâm gìn giữ. Vợ chồng anh bạn trẻ đồng nghiệp của tôi sống trong một toà nhà như vậy. Qua một khung cửa sắt hẹp, theo các bậc cầu thang gỗ cũ mòn nhưng sạch sẽ, tôi leo lên căn hộ của họ ở tận lầu 5. Căn hộ có 3 phòng không rộng lắm nhưng nội thất rất tiện nghi và hiện đại. Anh bảo, không gian trong nhà là của mình, có thể trang thiết bị lại cho phù hợp nhu cầu và sở thích nhưng không được thay đổi sửa chữa cấu trúc như cơi nới, phá vách ngăn… vì sẽ làm giảm tuổi thọ của cả toà nhà. Cũng có thể nhận thấy, tuy đã “có tuổi” trên dưới trăm năm nhưng những tòa nhà như vậy ở Paris chất lượng còn khá tốt. Nếu có hư hỏng thì sẽ được cơ quan quản lý cho sửa chữa ngay. Từ ban công có mấy chậu hoa và mặt ngoài nhìn xuống phố thì thuộc về không gian chung – không gian của thành phố nên không được phép tùy tiện thay đổi để bảo tồn vẻ đẹp và sự thống nhất trong kiến trúc của những khu phố cổ. Tuy ở khu vực trung tâm gần nhiều công sở nhưng tiền thuê nhà ở những khu nhà như vậy khá đắt, vì thế người ta vẫn thuê nhà ở nơi khác, âu cũng là một cách làm cho “sức ép dân số” lên những toà nhà và khu phố cổ được giảm đi đáng kể.
Khách sạn tôi ở nằm trong một con ngõ nhỏ, lòng đường vẫn còn nguyên những viên đá chẻ khập khiễng. Mỗi chiều muộn trở về, tôi như nghe thấy tiếng bánh xe ngựa lăn trên đường, rồi chiếc xe song mã hiện ra trong sương thu với một người phụ nữ kiều diễm trong bộ váy phồng và chiếc áo choàng cổ cao…Nhưng đấy chỉ là giấc mơ thoáng qua, khoảng từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, cái ngõ nhỏ này đã đầy xe hơi đậu kín hết chiều dài của ngõ (người Paris thật tài tình vô cùng khi có thể đậu xe sát cạnh nhau đến từng …cm như vậy!). Ngôi nhà nhỏ nên các phòng cũng rất nhỏ, đồ đạc trong phòng làm tôi nhớ đến một câu truyện cổ Grim (“ ai đã ngồi lên ghế của tôi, ai nằm lên giường của tôi? - các chú lùn kêu lên…” ). Chỉ có chiếc TV treo trên tường là khá lớn! Nhìn góc nhà tắm, chợt thấy “thương” cho cô bạn Tây ở phòng bên, với thân hình của cô, chắc cô phải bước giật lùi vào nhà tắm thì mới có thể bước ra được! Thật ra cũng có sao đâu, khách sạn cho du lịch mà, khách đi suốt ngày, tối về vệ sinh qua loa rồi lăn ra ngủ, TV thì vẫn mở suốt đêm, để rồi sáng hôm sau lại khách lại miệt mài đi tiếp…
Mấy ngày ở Paris, một mình với ba lô, bản đồ, một tập vé có thể đi tất cả các tuyến metro và xe bus (mua liền 10 vé rẻ được 20%!), chân giày Adidas, quần jean áo khoác ngoài (trời thu nóng lạnh thất thường), với vốn tiếng Pháp đủ để …xem bản đồ và chào hỏi xã giao, cứ thế tôi đi đến những địa danh đã in sâu trong tâm tưởng. Đến tháp Ep phen vào buổi chiều nắng vàng rực rỡ, nhìn thấy dòng người xếp hàng dưới chân tháp, tôi thấy tiếc – không phải tiếc mấy chục EUR mà tiếc vì thời gian của mình eo hẹp quá, không thể chờ đợi để “rồng rắn lên mây”. Đành tự nhủ, thôi thì để dành lần sau (mà lòng vẫn biết chắc sẽ chẳng có lần sau!). Lên chuyến tàu du lịch dọc sông Xen, qua mỗi địa điểm đều có lời giới thiệu tỉ mỉ phát qua hệ thống loa trên tàu. Toà Thị chính Thành phố nằm bên dòng sông Xen đang mở cửa đón du khách. Hàng năm vào cuối hè, Toà Thị chính trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong 10 ngày, khách du lịch và người dân Paris có thể vào tham quan tòa lâu đài cổ, rất lớn và đẹp này, cũng là nơi làm việc của những người đứng đầu thành phố. Tàu đi qua Cầu Vàng, bảo tàng Orsay, Nhà thờ Đức bà…Nhìn từ sông Xen, toà nhà thờ nổi tiếng này không quá đồ sộ, lạnh lùng và ám ảnh như khi nhìn chính diện…Ngày khác tôi đi xe bus đến khu La tinh, đồi Mông mac, rồi quay về khu vực có nhiều quán hàng của người Việt. Chiều tối đứng từ Khải Hoàn Môn nhìn ra Đại lộ Săng Elide, dòng xe hơi nối nhau không dứt …Ừ nhỉ, đại lộ này có từ thế kỷ XIX, còn nguyên những viên đá chẻ lát đường và bọc vỉa hè, vậy mà đến nay vẫn đủ rộng cho 8 làn xe hơi, vỉa hè vẫn đủ thoáng cho hàng chục ngàn du khách tản bộ ngắm những cửa hàng, khách sạn sang trọng hai bên đường. Chợt nhớ đến khu vực Nhà thờ Đức bà và Bưu điện Sài Gòn – rộng hơn là những công sở ở khu vực Trung tâm thành phố – do người Pháp xây dựng từ những năm 1880 - 1890, khi mà dân số Sài gòn chỉ mới vài trăm ngàn người, đến nay đã hơn 7 triệu nhưng các công trình ở đây vẫn thực hiện tốt các chức năng của mình. “Quy hoạch đô thị” phải là như thế?
Phần lớn thời gian của tôi là dành để tham quan một số bảo tàng lớn ở Paris. Có trong tay tấm thẻ của “Hiệp hội các bảo tàng Quốc gia Pháp”, tôi “lang thang” ở Bảo tàng Louvre một ngày nhưng cũng chỉ xem được phần về các nền văn minh phương Đông, còn những phần khác thì đúng là “cưỡi tên lửa …xem hoa”! Nhất là khu trưng bày các tác phẩm thời văn hóa Phục Hưng, khách du lịch đông quá, không sao đến gần những bức vẽ, bức tượng nổi tiếng được, tôi phải đứng từ xa zoom máy chụp hình. Mỏi chân quá bèn ngồi nghỉ trên những bậc đá cẩm thạch trắng tinh với chiếc ba lô bên cạnh, lúc đứng lên chưa kịp cầm thì một người bảo vệ hiện ngay ra nhắc nhở – Paris vẫn cảnh giác với nạn khủng bố mà!
Khác với bảo tàng Louvre vốn là một cung điện, bảo tàng Orsay – trưng bày mỹ thuật hiện đại – được “cải tạo” và xây dựng lại từ một ga xe lửa. Cấu trúc bên ngoài hoàn toàn không thay đổi nhưng bên trong là những phòng trưng bày với phong cách và nhiều trang thiết bị hiện đại. Một vài bảo tàng lớn của nhà nước cũng vậy, thường sử dụng những toà nhà cổ, ở vào vị trí thuận lợi trên các tuyến đường, nhưng phần nội thất được làm mới hoàn toàn để đáp ứng các chức năng hoạt động của bảo tàng hiện đại. Có thể nhận thấy Paris đang luôn cố gắng giữ cho được những gì làm cho Paris đã trở nên quen thuộc với thế giới và làm cho nhiều người yêu quý Paris. Đồng thời cũng làm cho nó ngày càng mới mẻ và hấp dẫn hơn.
Ngày cuối cùng tôi đi xuống Vec xay, cách Paris khoảng 40 km. Xe lửa cứ 20 phút có một chuyến, mua vé khứ hồi (tất nhiên, rẻ hơn mua 1 lượt!) và chỉ khoảng 30 phút sau thì đến nơi. Từ ga xe lửa đến khu lâu đài Vec xây đi bộ chừng 15 phút, qua 1 khu chợ trời, vài con phố nhỏ và một công viên rợp mát bóng cây, trông thật bình yên với thảm cỏ xanh và những hàng ghế gỗ dọc hai bên đường. Cũng như ở Louvre, một ngày cũng chẳng kịp xem hết những căn phòng chứa đầy bí ẩn trong lâu đài Vec xây, nhưng tôi đã được đi dạo trong khu vườn nổi tiếng… Những bồn hoa rực rỡ, hồ nước trong xanh có khối tượng những nàng tiên làm đài phun nước, thảm cỏ xanh ngút ngát giữa hàng tượng cẩm thạch trắng tinh, nép mình vào lối đi nhỏ bên hàng rào cây xén bằng phẳng… tưởng như chỉ một chút thôi, sau khúc quanh kia sẽ hiện ra những chàng ngự lâm quân can đảm…
Vài ngày ở Paris vụt qua rất nhanh.Tiễn tôi ra phi trường là bầu trời xanh trong vắt của một sáng cuối thu, hàng cây cổ thụ dọc theo các đại lộ những tán lá đã ngả vàng rực rỡ… Nhưng niú giữ trái tim tôi ở lại Paris là làn sương tím những buổi chiều nhạt nhòa, sắc tím nao nao của thảm Violet bên cạnh Viện bảo tàng Tự nhiên, và màu phớt tím dịu dàng của chiếc khăn choàng người bạn Paris gửi tặng…Chợt ước mong một ngày, nếu ai đó lần đầu đến với Hà Nội của tôi thì cũng sẽ có được cảm xúc như khi tôi đến Paris: lạ lẫm nhưng vô cùng quen thuộc, mới mẻ mà vẫn luôn cổ kính…
Suốt chuyến bay về, vẳng bên tai tôi một giai điệu như một lời trách cứ... Ngày rời Paris, em đã bỏ quên cuộc tình…*
* Lời trong một bài hát.