Nhà tôi, nhà em trai tôi dựng trong thẻo đất từ đường, chung vườn dậu. Tôi ở xa chuyển về sống gần mẹ để hương khói tổ tông. Mới đầu chị em dâu hoà thuận, thím cháu thủ thỉ. Mẹ tôi khen :
- Tụi bây đùm bọc nhau, thương nhau như rứa, tau ưng bụng.
Tôi lại nhìn mẹ nhếu nhoá nụ cười tươi, giãn nở cả những vết nhăn, tôi vui lây, lòng dặn lòng : "Cố sống tròn nghĩa huynh đệ, mẹ được vui khoẻ, sống thọ" Nhưng sự đời không xuôi êm mát mãi mà khúc mắc nhiêu khê từ những chuyện vặt. Các con tôi xa bà nội từ tấm bé, nên quấn quýt bên bà. Mẹ tôi thương các con tôi, thiệt tình cũng có phần hơn con của chú. Bà lại hay binh con tôi trước mặt chú thím. Càng làm chú thím bực mình hơn. Mẹ tôi thành trung tâm dựng bao lời chao chát, xoi xỉa từ hai cửa miệng con dâu. Mẹ tôi buồn lắm.
Biết mẹ không vui, tôi thường phân tích sự việc, nguyên nhân xảy ra mâu thuẩn cho vợ nghe và cố nhịn, động viên vợ nhịn cho yên nhà. Vợ tôi ấm ức :
- Anh nhu nhược ! Hừ, muốn mạ thương thì ăn ở cho mạ thương, mắc chi ganh ghét ! Mặt thím khi mô cũng vằm vằm, ăn ở ti tiện, ai thương cho được.
Tôi thuyết phục :
- Chú thím ít trải đời nên suy nghĩ cạn, ta làm anh làm ả ngả mặt lên. Em chấp làm chi, coi như không nghe.
- Hừ, nhà chú nuôi cả đàn gà, gà vô nhà mình vãi phân ra, anh có lau nhà hàng ngày mô mà biết cực. Sân trước, hè sau toàn phân gà, gà bươi, nắng xông lên, vì trùng bốc theo bụi, ủ biết bao mầm bệnh. Nhiều lần em quét dọn, thím chỉ trừng mắt ngó, chứ đừng nói có một lời an ủi cho mát ruột. Em tức em phải càm ràm chứ, vậy mà thím mỉa : "Người không giữ được, huống chi gà", chuyên lý sự cùn, còn mắng anh không biết dạy con.
- Đóng cửa lại. Mở cửa ra lo mà coi - Tự dưng tôi nặng lời với vợ.
Vợ tôi phân bua :
- Đóng cửa, gà bay vô cửa sổ anh à. Em mô rảnh rỗi chỉ việc đuổi gà.
Từ lâu tôi cũng bực bụng ! Muốn vừa lòng mẹ tôi nhịn. Chú thím được nước, lờn hơn, thiệt là "Mền nắn rắn buông". Lần gà chú nhảy ổ bậy, đổ cả xong cá vợ tôi mơi kho, vợ tôi tức, đôi cục đá què chân gà. Thằng Mão con trai đầu của chú mới chín tuổi đầu mà dám gan ỉa, đái vào bọc ni lông, lén dụt tung toé trong buồng vợ tôi, trả thù. Vợ tôi một phen chửi khàn cổ. Nghĩ vậy, tôi bực bội nói :
- Chưa biết ai không biết dạy con. Hôm chủ nhật anh ở nhà, chú ngồi chôm hổm trước hiên nặn mụn. Bà ăn xin lếch thếch bị gậy đến. Chú nói : "Nhà hết gạo". Bà ăn xin nặng tai không nghe, cứ đứng rầu rĩ trước mặt chú, xin dai. Chú nổi cáu, đứng lên hét : "Cút ! Đã nói hết gạo rồi, đồ lì!". Cu Mão nghe, từ trong bếp nhà chú chạy ra cửa chính : "Ba, thùng gạo còn đầy mà !". Chú quay lại, quắc mắt nạt con : "Đồ ngu ! Đi vô cả tau đập bể mặt chừ". Em thấy chú dạy con chú như vậy đó, vừa thiếu tình người vừa nói dối con, cha mẹ là gương soi của các con, không nên nói dối con dù chuyện nhỏ. Dạy con chưa hẳn lo cho con ăn học, trang bị, đầu tư, mà còn dạy con biết thương người già yếu, nghèo nàn, cơ nhỡ. Con gái mình thấy bà lão tội nghiệp, không cần ai sai bảo, tự ý vào bếp xúc một lon gạo vun, đi ra hí hửng đổ vào bì lát của bà đi xin kêu cái "xạt". Chú thấy vậy nguýt cháu gái một cái, rồi cặm cặm mặt vào nhà đóng cửa lại.
Vợ tôi lắng nghe hồi lâu, rồi nói :
- Hay là anh bàn với mẹ xây bức tường chắn ngang, ai mô ở đó, không quan hệ, anh nhỉ ? Kiểu này có ngày không nhịn được sinh ẩu đả, thiên hạ cười cho, chi bằng đề phòng trước tránh hoạ sau.
Tôi bàn với mẹ tôi. Mẹ không bằng lòng. Cuối cùng tôi bực tức, nói:
- Cái gì nén quá sẽ nổ to mẹ ạ !
Vợ chồng tôi chắt bóp tiền tiêu pha hàng ngày dành tiền xây tường.
Bức tường sừng sững trong lòng mẹ tôi một nỗi đau ! Loáng thoáng tôi thấy trên da mặt xanh lướt của mẹ một nỗi buồn khó tả. Vợ tôi lập ló hân hoan. Ngày ngày mẹ tôi đi vòng qua hai nhà. Mẹ làm một gạch nối mỏng manh không đủ sức hoà giải lòng tức bực và ích kỷ của các con. Từ khi có bức tường, anh em tôi đối đãi với nhau nhạt thếch thua người dưng. Phần già yếu, phần buồn bạn mẹ tôi ốm nặng rồi qua đời. Trên giường bệnh mẹ tôi trăn trối :
- Con biết nhịn là tốt, biết đấu tranh khéo léo chỉ bảo nhau, thương nhau, còn tốt hơn con ạ. Con hứa với mẹ đập bức tường đi, anh em phải th… ươ…ng… nh… au…
Tôi đập bức tường
Mẹ tôi không còn nữa !