Trước đây, trong các tư liệu nghiên cứu về văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm, Từ Chi thường căn cứ trên tộc người chủ thể từ những bình diện bên ngoài mà suy, hoặc dựa vào địa lý, khảo cổ. Còn cách tiếp cận khác nữa là lấy mẫu người văn hoá để nghiên cứu mâu thuẫn cá nhân liên quan đến lịch sử, Văn hóa Việt Nam- Nhìn từ mẫu người văn hóa của Đỗ Lai Thuý là hướng tiếp cận như vậy.
Văn hóa không phải là tổng số của các thành tố văn hóa mà là một sự tổng hoà, không cụ thể nhưng lại có mặt trong tất cả mọi thứ. Văn hóa, nếu hình dung như một tam giác thì đỉnh trên là con người, hai đỉnh dưới là thiên nhiên và xã hội. Trong mối quan hệ tương hỗ nhiều chiều này, thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể và còn là kẻ mang vác những giá trị văn hoá. Bởi vậy Đỗ Lai Thuý đã chọn mẫu người văn hóa để làm một con đường đến với lịch sử văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam- Nhìn từ mẫu người văn hóa được chia làm hai phần: giao lưu văn hóa và mẫu người văn hóa. Giao lưu văn hóa là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một trong những cầu nối lục địa với hải đảo. Văn hóa hải đảo chuyển từ Đông sang Tây, và ngược lại văn hóa lục địa từ Tây sang Đông.
Việt Nam cũng là nơi trung chuyển văn hóa Bắc Nam. Vào thời cổ sơ luôn có những cuộc di dân lớn, di chuyển chậm chạp qua những vùng đất còn chưa có những biên giới quốc gia như bây giờ, bởi vậy các nền văn hóa tiếp xúc với nhau thường để lại dấu vết sâu đậm. Văn hóa Việt Nam có cả những yếu tố của văn hóa phương Nam lẫn yếu văn hóa phương Bắc.
Đến thời cận đại, khi chủ nghĩa tư bản châu Âu phát triển mạnh và cần đến thị trường châu Á, nhiều thương thuyền và các tu sĩ Thiên Chúa giáo đến Viễn Đông đều phải đi qua đầu cầu Việt Nam. Văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp đến với Việt Nam từ rất sớm so với các nước trong khu vực. Như vậy, Việt Nam là ngã tư, chỗ dừng chân, nơi giao dịch... của các dân tộc cũng như các nềm văn hóa. Cuốn sách đã trả lời thoả đáng bản sắc văn hoá Việt Nam, là cái riêng của văn hoá tộc người, là những khác biệt làm nên sự khác nhau với các dân tộc khác.
Tuy nhiên, cũng trong phần giao lưu văn hóa lại đặt ra cho người nghiên cứu hôm nay là văn hoá cởi mở từ trong bản chất và từ thuở sơ khai tại sao trong nhiều giai đoạn lịch sử lại "đánh rơi" đâu mất. Những giai đoạn này tỏ ra bảo thủ, bế quan toả cảng, khép kín như quay lưng với biển, với rừng thông qua văn học truyền khẩu: "ma thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, đi dễ khó về, đi khơi về lộng, ăn sóng nói gió... Cuốn sách sẽ là những nhận định, lời giải đáp, gợi mở hướng nghiên cứu mới.
Văn hóa nhìn từ mẫu người văn hóa là sự phát triển ý thức cá nhân qua các mẫu người. Đó là một diễn trình lịch sử từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Lịch sử xã hội của con người bắt đầu từ khi vươn lên khỏi sự hợp nhất mình với thiên nhiên và cái tôi, nhận thức mình như một thực thể gắn với thiên nhiên và xã hội. Con người là sự ràng buộc chặt chẽ với cộng đồng, đồng thời cũng muốn vượt thoát khỏi những qui ước khuôn sáo của cộng đồng bằng những hình tượng văn học.
Tiến trình vươn lên của cái tôi Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến những con người của thế kỷ XX: Trương Vĩnh Ký, Phan Khôi, Nhất Linh, Đinh Gia Trinh.
Văn hóa Việt Nam- Nhìn từ mẫu người văn hóa gợi mở cách tiếp cận nghiên cứu bản sắc, bản thể Việt Nam là cách đi sâu vào văn hóa phi vật thể mà tiêu biểu là nhân cách danh nhân văn hóa Việt. Mở đầu cho hướng tiếp cận mới, phương pháp mới là thông qua mẫu người văn hoá. Nếu văn hoá Việt Nam bốn nghìn năm, đến nay chúng ta có mô hình văn hóa Đông Sơn, mô hình văn hóa Đại Việt và mô hình văn hóa hiện đại. Mỗi lần chuyển đổi mô hình là chúng ta tiệm tiến dần với thế giới nhưng với chủ thể là ta. Thế giới với tư cách là một liên chủ thể. Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa là hấp lực mạnh mẽ trong cái liên chủ thể đó và bộc lộ tính sáng tạo của riêng mình.