Mẹ đợi con đến khi nào không thể
Có con mèo con chó sẽ đợi con…
Bây giờ thì bà không nhớ chính xác đó là ngày tháng nào, hình như vào đầu thu những năm sau giải phóng. Khi đó, bà đang ngồi vót lạt trước cửa bếp, chợt nghe có tiếng vù vù, vù vù. Như tiếng gió thổi qua hầm tối, thổi qua cánh đồng, ngàn ngạt, ngàn ngạt. Như tiếng một con rắn khổng lồ đang lè lưỡi phun phì phì, phì phì. Nó ngay ở bên cạnh, ngay ở trên đầu! Bà thảng thốt dừng tay lắng nghe. Bà lạnh sống lưng khi trông thấy từ trên mái tranh ló ra một luồng lửa đỏ rực. Bà định thần nhìn rõ một giây xem chính xác đó là cái gì.
- A a, bà cất tiếng, bớ các con ơi, cháy! Bớ làng nước ơi, cứu tôi với! Bà gào, bớ bà con ơi, cháy, cháy, cháy!
Chân nam đá chân chiêu, bà cuống cuồng chạy ra bờ giếng. Dây gầu đứt, bà bèn vớ một đoạn dây chuối buộc lại. Bà đổ ập vào trái bếp, nơi ngọn lửa đang lồng lên, một chậu con nước. Bà băn khoăn không rõ cái chậu nhôm to hai thằng con bà đã vứt đi đâu. Bà lại nhào ra bờ giếng. Bỗng bà giật mình, sực nhớ. Hai thằng con bà, một trẻ, một già, còn đang ôm nhau ngủ lăn lóc ở nhà trên. Lửa mà vào đến nơi thì không khéo chúng chết cháy mất! Một giây thôi, bà đã kịp nhảy bổ vào chỗ chúng nó! Chúng mở mắt, một thằng càu nhàu, giọng khê đặc cái gì thế, rồi kéo nhau nằm xuống, định ngủ tiếp. Bà vơ lấy cái đòn gánh bên cạnh đập vào mông một thằng và hét lớn:
- Điếc à? Cháy!
Bà lại lao vút ra như con thoi. Cái vòm lửa khổng lồ viền quanh mái tranh bất thình lình vút cao, nhảy múa, phẫn nộ, như muốn đổ chụp xuống bà! Người bà mụ đi, sao lửa lại có thể lan nhanh thế? Lúc này quanh giếng đã chật những người là người. Bà nhác thấy bóng cánh thợ hồi nào đi xây nhà trên phố. Dân làng xúm đen xúm đỏ để cứu ngôi nhà của bà. Chỉ còn cách ròng dây để kéo đổ cái bếp, ngăn không cho lửa bén vào nhà. Họ quyết định thế và đã chuẩn bị xong. Một, hai, ba, cả rừng người đổ nghiêng. Thân thể bà chao đảo, vì bà cứ mãi ngẩng cổ nhìn lên, canh chừng ngọn lửa quái ác. Bà hy vọng nó sẽ không bén mảng được vào nhà. Căn nhà cấp bốn, ba gian, xây bao, bà mới dựng được hai tháng, mái còn phải lợp tranh. Bà cuống cuồng, chân cứ muốn khuỵu xuống đám tàn tro hôi hổi. Một, hai, ba, dô-ta, nào! Ô ô, bà há miệng định kêu! Không kịp rồi. Lửa từ đầu hồi căn bếp đã bay sang ngôi nhà một cách rất ngoạn mục. Thân thể bà hộc lên. Bà điên cuồng múc nước, dội nước, miệng líu ríu cầu khẩn sao cho cảnh tượng này chỉ là một cơn ác mộng. Cái bếp đã bị kéo đổ, lửa quanh bếp đã chín đỏ, lụi tàn, trong khi căn nhà lại tiếp tục cháy. Có vài người lập tức trèo thoăn thoắt lên mái nhà. Họ hò hét, dập lửa, lấy chăn chiếu ướt, lá chuối tươi đập tứ tung vào nóc nhà để cứu vãn. Cảm tưởng như có vài người lọt thỏm trong biển lửa. Rất khó nhìn ra họ là ai, chỉ loáng thoáng. Bà cố gắng để ghi nhớ khuôn mặt họ, những người đã không quản ngại nguy hiểm, vì bà! Bà tự nhủ cả đời bà, bà sẽ không quên những gương mặt đó! Đồ đoàn trong nhà, những thứ nhỏ nhẹ như hòm quần áo, thùng gạo, chăn màn đã được kéo ra, để ngoài vườn khoai lang, ngoài bờ rào. Vậy mà lửa còn bò đến, gặm nhấm, nên đôi bao tải lúa bị cháy nham nhở, lòi cả ruột ra ngoài.
Trong ánh lửa, bất chợt bà trông thấy hai con của bà. Hai đứa đứng xa xa căn nhà một chút. Chúng ngẩng cao đầu nhìn ngọn lửa một cách khoái trá, say mê. Lửa càng cháy to, chúng càng hò hét, điên cuồng cỗ vũ! Dưới tay chúng, chân chúng là cái chậu nhôm to của bà cùng những cái xô chậu bị vỡ, bị bẹp. Chúng gom lại và đang ngồi gõ. Vũ khúc kỳ quặc của xoong nồi bát đĩa vang lên chói chang, hòa vào tiếng tre nứa nổ đôm đốp. Và chúng cười, chúng cười mới vui sao! Bà ứa nước mắt. Sau cùng, chúng vỗ tay và nhảy múa quanh ngọn lửa, không chán, không dứt! Một đứa thấp, một đứa cao, một đứa còn thanh niên, một đứa tóc đã hoa râm, tất thảy chúng đều là con của bà!
*
Khi đó bà chưa đến sáu mươi tuổi, còn bây giờ bà đã ngót tám mươi. Vậy mà bà không thể nào quên cái ngày tai họa đó. Căn nhà mới làm xong đã bị cháy trụi. Trên nền đất lọ lem và ẩm ướt của tro than, một mùi ngai ngái bốc lên xộc vào mũi bà. Mắt mũi bà lúc nào cũng đỏ hoe. Nhặt nhạnh, thu dọn xong đống đổ nát đó, bà cũng kiệt sức. Nhưng bà không có ý định bắn tin cho các con ở xa. May mà có bà con chòm xóm xúm lại, người cho lạt, người cho ít tranh, người thì giúp công giúp sức. Một cái lều được dựng lên tạm thời ở góc vườn. Ba mẹ con trải chiếu trên nền đất để trú. Lại trở về những ngày tranh tre nứa lá. Lại trở về với ước mơ sẽ làm được một ngôi nhà bằng gỗ khang trang. Lứa xoan mười năm đã đốn hết cho lần làm nhà trước đó. Tre và luồng cũng vậy. Lại tay trắng từ đây. Hai đứa con trai bà lại hứng khởi vật nhau trên nền đất, và chúng lại song ca những liên khúc cuồng say nào đó. Rằng: ngày xưa anh sống không thành người, kiếp ngựa thân trâu chỉ được bữa cháo bữa rau, sớm trưa anh đi vay lúa nhà giàu, nợ gấp trăm bắt đền non hoa màu, khi đi qua ruộng nhà lòng anh quặn đau... Hoài mi ơi sao mi lại xẩy tai ương, sao mi chết thình lình oan uổng quá!…(1) Đôi lúc, hai đứa làm cho bà cười sằng sặc, chảy cả nước mắt! Chúng hát câu gì, chơi trò gì mà bà chả nhớ? Nuôi hai đứa chỉ có ngô khoai bà trồng được ngoài cánh đồng và cây trái ở vườn nhà. Rất nhiều năm trước đây, bà thường xuyên trốn hai con, đi bộ xuống bệnh viện huyện để bán máu. Bà bán máu theo định kỳ, cứ một tháng một lần. Xóm làng không ai biết, mà các con của bà lại càng không. Nhưng bây giờ, bà đã già, nên người ta không ai mua máu của bà nữa!
Giờ đây, bà đang cúi lom khom trên cánh đồng khoai sọ của mẹ con bà. Hai thằng lùng sục đào bới tứ tung, còn bà thì vun đất lại và đặt mầm xuống. Chỉ là một sào, nhưng trong ký ức của bà đó là cả một cánh đồng. Lá khoai to, xanh mướt, chen nhau đan kín cả mặt ruộng. Bà thấy phấn khởi lạ. Thế là trồng cây đã đến ngày ăn củ! Mà củ khoai sọ ở ruộng nhà bà mới to làm sao. Củ nào củ nấy hình bầu dục, nở nang, chắc lẳn. Chúng cứ cả chùm, lúc nhúc dưới đất, và trĩu nặng khi bà đào lên. Bà đào rất dè dặt, như sợ chúng đau, chúng bất bình chui hết xuống lớp đất sâu hơn để trốn bà! Chỉ có một sào ruộng mà bà trồng được bao nhiêu loài cây: khoai sọ, bí ngô, lạc, đậu đen, sắn dây và cả rau thơm, rau muống nữa. Chúng lớn lên, sinh trưởng có trật tự trước mắt bà, dưới bàn tay chăm sóc của bà. Chúng bò leo và tỏa nhánh rất từ tốn, thảng hoặc mới lấn sang nhau.
Mảnh đất này là mảnh đất tổ tiên để lại cho bà. Khi chồng bà mất, cũng đã vài chục năm rồi, bà để lại ngôi nhà ở thành phố cho đứa con trai áp út, đưa hai đứa con bị bệnh về trông nom ngôi nhà của mẹ bà ở Triệu Phong, khi cụ vừa qua đời. Thời gian đã trôi qua bao lâu, bà không thể nhớ. Chỉ áng chừng đã rất lâu, rất lâu… Bà dừng tay, vuốt vội mồ hôi trên trán. Một làn gió chạy từ sông lên, tươi tắn, mát rượi, làm lay động những lá cây, trông vui mắt. Bà cúi xuống nhặt những củ khoai bỏ vào giỏ. Rồi bà lại tém đất vào những gốc khoai chưa kịp đào trong hôm nay. Mặt trời đã xuống núi, ánh nắng xiên khoai xót cay trong mắt bà. Bà ngắt thêm mớ rau để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
- Mẹ ơi, mẹ! – Có tiếng gọi trong trẻo từ trên đầu dốc.
Ai như con Thảo, mà đúng con Thảo rồi! Bà sửng sốt, chân tay líu ríu. Con gái bà đã về! Từ Huế ra đây có phải gần gụi gì đâu. Mấy tháng nay bà nhớ các con héo hon cả ruột gan. Bà lại ứa nước mắt! Chẳng có chuyện gì, mà lúc nào bà cũng chỉ chực ứa nước mắt. Chả lẽ đó là triệu chứng của tuổi già sao?
Thảo đã bốn mươi, nhưng còn đương xuân lắm. Chân tay nõn nà, đẹp đẽ như người mẫu. Những móng được phết bằng nhũ trắng lóng lánh. Mái tóc mềm mịn như nhung. Bà băn khoăn, con Thảo trước đây tóc quăn tít và vàng hoe cơ mà? Các con bà, trừ hai thằng ở với bà, còn thì đứa nào cũng làm bà kinh ngạc. Phúc Đức Hiếu Thảo Vinh Mạnh Hùng Dũng, đó là mơ ước của bà. Máu thịt của bà! Có những đứa còn sống, có những đứa đã chết. Không lúc nào bà không nghĩ đến chúng. Nhưng, trong bà có một cái gì đó cứ trôi xa đi, không trở lại bao giờ. Bà lấy làm lo lắm! Bà nắm lấy tay cô con gái mà rưng rưng nước mắt.
- Mẹ à! – Mắt Thảo lim dim – Mẹ là nguồn thơ rất dào dạt của con. Mỗi khi bí đề tài, con thường nghĩ đến mẹ. Con nghĩ rằng, văn chương, nghệ thuật là những món ăn tinh thần thanh sạch và cao thượng, nên con tự hào về cái nghiệp mà mình đã chọn. Mẹ là huyền thoại, cổ tích giữa đời thường cổ vũ cho con. Nhà thơ thì nghèo lắm, chỉ sống bằng nước, bằng thơ, bằng thần khí, chứ không sống bằng cơm bánh! Con thường nhớ về mẹ với nỗi mặc cảm lớn lao… Biết bao giờ con mới đền đáp được ơn trời bể của mẹ!
Chuyện chồng con mày tính sao rồi?
- Mẹ thì lúc nào cũng chồng với con! Cuộc đời mẹ là tấm gương tày liếp về cái sự khổ, thế chưa đủ sao? Con cứ rong chơi cho chán chê, cho bõ một cuộc đời! Con căm thù những cái thanh nam châm hút sắt ấy, những bọn đểu! Con cần quái gì chúng? Con chỉ đi tìm cảm hứng thôi!…
Thảo lấy ra một tập thơ. Bìa vẽ một nửa mặt người và cây đàn treo lơ lửng. Sao thú vị vậy. Bà ngắm nghía mãi và bỗng bật cười. Nhưng bà không biết nói gì. Đời bà có biết chữ đâu… Thảo nhìn chăm chú vào đôi môi mẹ. Đây là tập thơ chứa đựng bao chân lý và sự tài hoa. Có những hình ảnh đau đớn, đa nghĩa từ trong vô thức không thể cắt nghĩa hết. Cô chờ mẹ cô nhận xét một điều gì. ít ra mẹ cũng nói rằng mẹ tự hào về con. Nhưng mẹ chỉ im lặng. Mà cô cần gì điều đó? Cô phẫn nộ nghĩ: ngôn sứ thì bị ruồng bỏ ngay tại gia đình! Rồi cô cũng quên ngay chi tiết khó chịu ấy. Hai ngày sau, cô mải miết đi thăm bạn bè, người quen và đi dạo danh lam thắng cảnh. Khi con gái đi vắng, bà mẹ lại tranh thủ đào khoai sọ dưới cánh đồng, kẻo chúng mọc mầm. Sẩm tối bà mới về nhà nấu cơm. Đợi mãi cũng chẳng thấy con gái đâu. Nó mang cái nghiệp vào thân rồi, không chạy tung tăng không được!
Lần này, Thảo có ý định đón bà vào Huế chơi. Đột nhiên, bà lại có dự kiến đi xa hơn nữa; bà muốn thăm tất cả các con, nhìn lại tất cả các con. Những ngày tháng vắng bà, các con của bà đã ra sao? Tám đứa, con của bà, còn năm đứa nữa, bà phải đi! Thế là bà mua tất cả gạo cơm, cá mắm, đèn dầu, củi đuốc về cho hai thằng, thằng cả và thằng út. Bà nhắn nhe xóm làng để ý hai con cho bà, kẻo chúng làm sao thì nguy lắm! Cùng lắm là hai tuần, chỉ hai tuần thôi, bà sẽ lại có mặt ở nhà!
Bà còn dặn hai con là nhớ cho hai con chó và đàn gà ăn cơm. Hai con lợn thì bà đã bắt sang gửi nhờ vào chuồng lợn của chị hàng xóm. Phải trông chừng con tắc kè hoa. Nó đến ở trong nhà đã đã nhiều năm rồi, phải coi sóc nó như người bạn. Hai con bà gật gù ríu rít. Còn nửa ruộng khoai sọ, bao giờ đi về bà sẽ đào nốt. Không sao đâu?…
*
Chỉ mới dạm đi Huế, mà nổi hứng lên đòi đi tất cả các nơi, có điên rồ không chứ! Chao ôi, cái bà già lẩm cẩm này! Lại lê cái thân già mù lòa điếc lác đi làm trò cười cho thiên hạ à? Thôi, bà già thích đi thì cứ việc. Cứ việc! Chúng nó giàu có, chúng nó chả vác mặt về thì thôi lại còn bày chuyện đi thăm chúng nó! Rồi chúng nó xem chẳng khác chi vỏ quả chanh. Mặc kệ, mặc kệ, không thèm nghĩ nữa! Vậy là mình mất đứt khoản nhuận bút của cái kịch bản rồi. Để bù lại, phải tiếp tục nặn bóp thằng già này mới được. Cho thằng già chết đứ đừ! Mà sao tự dưng bà già này lại làm khó cho mình. Nào, để xem mẹ dành dụm dược bao nhiêu nào? Bàn tay nhăn nheo, xanh xao, vàng vọt. Run run. Túi bóng nhớt nhèo, sột soạt, mắt kèm nhèm, lần sờ mãi không ra. Mày khóc à, hay bị làm sao hở con? Tám mươi rồi, gần sát đất, xa tít trời rồi. Liệu mình có thọ được như mẹ mình không nhỉ? Chắc chắn là không, vì nhiều lúc mình muốn tự sát làm sao! Tôi là tội nợ của bà đấy, tại bà sinh tôi làm người nên tôi phải sống! Báu gì? Bà biết bây giờ tôi thích gì? Thích làm thơ và làm tình! Làm tình vừa sướng vừa có tiền! Tài hoa và bẩn thỉu, ô hô hô! Tôi chả thèm, tôi trả lại cuộc đời bẩn thỉu, nhảm nhí cho bà đấy? Cả cuộc đời tôi, tôi sẽ không tha thứ cho các người! Không tha thứ, hiểu chưa?… Thôi mẹ cất đi nào. Cất đi nào! Tiền chả có nghĩa lý gì, tiền chỉ là rơm rác! Mẹ cất đi, con biết rồi, con hiểu rồi, con xin mẹ!
*
Giã biệt thành phố Huế, bà đi tuốt vào Cần Thơ. Thủ phủ miền Tây cơm trong gạo trắng. Trời thấp mà đất cao, nước cứ dềnh lên theo những lốt chân người. Nước dâng lên ngập cả ý nghĩa của thằng con. Một lần, nó ra tắm ở dòng kênh ven nhà, bà nhìn thấy nó nhỏ xíu tô hô trong dòng nước. Bà hốt hoảng: mày cẩn thận đấy! Được thể, nó càng khoái chí lặn ngụp rồi nó ngoi lên, cũng trước mắt bà. Rất lạ là bà không thể quên gì hết, chúng đeo đẳng bám riết, cả những điều tưởng như vô nghĩa. Rồi thằng con bà hùng hục vớt bèo, nuôi lợn, buôn bán thuốc bắc, thuốc tây và thuốc nam, may vá, buôn nón, buôn dừa. Sao mà nó làm nhiều thế! Làm đến chóng mặt. Từ sáng đến tối, lúc nào nó cũng bán bán mua mua, giá cả hơn thiệt, và văng ra những lời tục tĩu. Bà lựa lời bảo con:
- Lần này, con bớt chút thời gian đi với mẹ lên Sài Gòn thăm chị Vinh. Nếu cố được, con ra Quảng Trị thăm mồ mả tổ tiên, xây lại mộ cho ông bà nội của con. Tiền mẹ có đủ rồi! Mẹ chỉ cần sự có mặt của các con?
Con bà nổi giận đùng đùng:
- Mẹ đừng nhắc đến mụ Vinh trước mặt con nữa. Con xem như mụ ấy đã chết. Hồi trước giải phóng, mụ ấy lừa con, lấy hết tiền, vàng và Đô-la con dành dụm được. Mụ ta bảo để gửi vào ngân hàng, nhưng rút cục mụ quỵt luôn! Sau này, khi con hỏi thì mụ ấy tỉnh bơ, bảo rằng con có bao giờ gửi mụ ta cái gì đâu! Chị em mà thế à? Mẹ có tưởng tượng nổi không? Mụ ta tưởng chiến tranh sẽ xí xoá hết mọi sự, sẽ xoá sạch trí nhớ của mọi người. Lầm to rồi đấy! Bây giờ mụ góa chồng, chỉ còn mỗi cái xác khô, bám lấy vàng và của nả mà sống. Sắp chết rồi! Mặt chuột tai dơi, tham lam, bẩn thỉu! Mẹ lên đó mà thủ thỉ với mụ. Nếu con bợm già đó còn là con người, chắc nó không để mẹ phải khổ đâu!
- Mày im đi! – Bà quát – Con vật cũng không cạn tàu ráo máng như thế. Tao còn sống đây, mà chúng mày nỡ…
Bà gục gặc cái đầu, nước mắt rơm rớm. Rồi không ghìm nổi mình, bà òa lên khóc. Con trai bà thấy thế hơi ngại. Nó chạy lại, lựa lời nói cho bà bớt giận:
- Mẹ tha lỗi cho con! Cái tính con vẫn nóng nẩy thế mà! Con của mẹ, ai thế nào mẹ phải biết chứ? Chuyện con vừa nói là có thực đấy! Chả lẽ con bịa chuyện cho mẹ đau lòng? Thôi để mai con đưa mẹ đi!
- Còn chuyện xây mộ cho ông bà nội?
- Mẹ thấy đấy, con bận tối mắt tối mũi, cáng đáng cả gia đình. Con gửi cho mẹ một chút đóng góp, còn trăm sự con nhờ cậy vào mọi người… Chứ quê cha đất tổ, đã làm người ai chả nhớ?…
- Thôi đành vậy! - Mẹ già thở dài đứng dậy.
Các con bà đã ra sao từ khi không có bà? Giàu có hơn, lịch lãm hơn, hay ti tiện hơn, hèn nhát hơn?… Bà đứng trước cửa nhà cô con gái thứ năm. Một biệt thự bề thế ngay bên đường quốc lộ. Trong sân có trồng một cây ổi quả đã chín vàng. Bà cứ đứng ngoài gọi với lên. Bà gọi mãi, gọi mãi mà không ai mở cửa. Một người đi bộ bảo bà:
Chuông đâu! Sao không bấm?…
Con gái bà ra mở cửa. Nó đã già, đầu đã hoa râm. Cao lêu đêu, tóc dài, một mắt bị chột. Tay chân gầy khẳng khiu, xanh xám. Đột nhiên bà mẹ nhớ lại: mặt chuột tai dơi… Bà phì cười, cha bố cái thằng độc miệng! Con gái bà ở với con trai cả đang làm ở sở tài chính… Chồng nó mất vì bệnh tai biến mạch máu não đã mấy năm. Trong mắt người đàn bà đó, niềm vui đã cạn. Tuy nhiên, thấy mẹ đến thăm, bà ta rất vui. Hai mẹ con bà ngồi trên chiếc võng dưới gốc ổi. Hai mẹ con trò chuyện không dứt. Đủ thứ chuyện trên đời. Ngọn gió thổi đến, vài quả ổi chín mọng rơi xuống đất, cạnh hàng rào sắt, trước mặt bà. Khi cô bé giúp việc ra quét sân, cô len lén nhặt mấy quả ổi bỏ vào túi áo. Câu chuyện gia đình đang sôi nổi, say sưa, thì bà Vinh bất chợt quay lại, cất tiếng rin rít làm mẹ già lạnh cả sống lưng:
- Những quả ổi đó là của tao!…
Bà già thất kinh nhìn con gái. Nó vẫn tươi cười, con mắt còn lại ánh lên giảo hoạt. Nó vừa nói gì thế nhỉ, hay mình nghe lầm? Hay đó là ngôn ngữ, cử chỉ của người giàu có mà bà không hiểu được?… Tối hôm đó, con gái thết bà một bữa ăn thịnh soạn. Có món mướp đắng nhồi thịt, đùi gà tần sâm, lẩu dê và chim cu nấu cháo. Bà phải cố gắng lắm mới nhớ được những món ấy! “Hôm nào con cũng phải giữ cái nếp ăn uống thế này. Con sợ ốm đau lắm! Mẹ cố ăn vài miếng đi cho khỏe!” Bà già rùng mình! Bà chưa quen nhìn những thứ như vậy, nói gì đến ăn! Khi cơm nước xong, hai mẹ con bà lại nằm trên giường hàn huyên. Bà mẹ không muốn nhắc đến món nợ nào đó của hai đứa con. Nhưng chi tiết ấy nó cứa mãi vào ruột gan bà. Bà bảo con gái:
- Ngày mai con đưa mẹ ra xe. Mẹ lên Đà Lạt thăm thằng Mạnh.
Bà cụ rất mãn nguyện vì đêm nay bà được nằm bên con gái, ôm nó, vuốt tóc nó, như hồi nó còn son trẻ, chưa theo chồng. Ôi đứa con gái bé nhỏ của bà! Cả hai mẹ con ta đều đã già rồi, đúng không? Nhưng vẫn được sống để nhìn thấy nhau như thế này, còn gì vui bằng? Hai cái gối trắng tinh, thơm phức để cạnh nhau. Bà nghĩ, đêm nay bà sẽ không ngủ được vì vui sướng và cảm động. Con gái bà nói:
- Mẹ ngủ đi!
Đèn điện bị tắt phụt. Bà già ngẩn ngơ kéo cái chăn mỏng đắp lên bụng. Rồi bà quờ tay sang phía con gái. Sờ thấy hai bàn chân nhão nhoẹt, sù sì đang ở rất gần má mình, bà giật thót nhỏm lên hỏi:
- Mày nằm thế nào đấy hả con?
Tiếng con gái bà mơ hồ, xa tít, ngái ngủ:
- Mẹ ngủ ngon nhé! Con sợ chấy rận lắm!…
Bà nằm im thin thít, cảm thấy lạnh từ xương sống lạnh lên. Nước mắt hờn tủi rỉ ra như máu. Mắt bà mở to, nhìn trừng trừng lên trần nhà. Bà không thở được, nước mắt tắc trong ống mũi. Bà phải thở bằng miệng, cứ phì phò, phì phò. Bà nhớ đến ngọn lửa khi xưa, nó thở phì phò, ngàn ngạt như con rắn hổ mang, nó lè lưỡi liếm vào ngôi nhà của bà, đẩy ba mẹ con bà dạt ra phía góc vườn. Xa hơn nữa, bà nhớ đến những quả bom Na-pan nở xoè trên đụn cát, làm cát rung chuyển tung bay trong chiều lộng gió, cây cối héo hon, từng đàn chim rụng ruống chân trời. Chồng bà bị mất tích trong trận càn tháng ba năm bảy hai, hoặc trước đó nữa. Không biết ông ấy chết ở đâu, nắm xương còn hay mất? Ông ấy mà còn, các con bà chắc chắn sẽ không hư đốn thế này. Có lẽ là tại bà đã xa chúng quá lâu, không bảo ban, bù đắp, răn đe chúng. Tội lỗi này bà xin nhận hết! Bà lại ứa nước mắt. Mà chặng đường thì còn xa. Bà chưa được nhìn hết chúng nó, bà chưa yên lòng. Vậy, bà hãy cố gắng nhắm mắt lại, ngủ đi. Ngày mai sẽ khác!
*
Đà Lạt như bàn tay nở đầy hoa để đón bà. Bà đi vào thành phố như đi vào một sứ sở kỳ lạ. Đà Lạt lạnh giá, hào hoa, huyền ảo. Bà thấy người đi trong buổi chiều tà sao mờ mờ nhân ảnh. Hoàng hôn buông xuống, bóng tối vút qua. Những con đường chưa được khai mở hết. Bóng núi, dáng hoa nghiêng nghiêng nơi triền dốc, mặt hồ phẳng lặng và thanh tịnh. Ông con ngồi trong ghế bành trên ban công, nom bình an, thanh sạch, điềm tĩnh. Ông thả những tiếng rành rọt:
- Con đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng rồi con đã trụ lại nơi thành phố này. Dường như nơi đây được miễn dịch khỏi bụi bặm, uế tạp và sự phiền não. Chỉ ở nơi đây, con mới tìm thấy cái bản thể của mình. Con yêu một cuộc sống tu hành, mẹ ạ! Tâm hồn con được gột rửa, bình lặng và thảnh thơi. Nơi đây con có biệt thự cao nhất thành phố, có đất trồng hoa và rau xanh dọc sườn núi. Mẹ cứ ở lại cùng con. Nơi đây cũng tốt cho tuổi già của mẹ.
Bà đã nói với con về những việc đang đợi chờ bà phía ngoài kia, dưới đồng bằng. Nơi đó bà có cánh đồng khoai sọ của mẹ con bà, có sự đùm bọc nhỏ nhoi mà quý giá của dân làng. Bà nói với hơi thở lắng đọng, nhẹ nhàng. Chưa bao giờ lời nói của bà thấu suốt và đau đớn như vậy. Làn hơi sương lướt nhẹ qua mặt bà, để lại một vết buốt rát. Bà bất giác đưa những ngón tay lên má, xoa xoa. Chẳng có gì thay đổi, bà nghĩ, chỉ lạnh hơn một tý. Chiếc áo len trắng của con trai vừa mua cho bà chiều nay sao mà vừa khít, sao mà ấm nóng, sao mà sành điệu. Con đã năm mươi ba tuổi rồi đấy, bà nói, hãy bảo trọng lấy mình. Sau này, con nhớ hãy về cùng với trên mẹ một cánh đồng. Mẹ vẫn để dành cho con một chỗ, bao giờ cũng được nghe con! Mẹ khóc. Con cảm ơn mẹ, con không sao đâu. Lúc nào con cũng giữ cho mình ấm áp và vui vẻ. Thảng hoặc, con thấy nhức nhối ruột gan khi nghĩ tới quê nhà… Mẹ cầm tiền đi, chỗ này đủ để mẹ sống những năm còn lại. Đứa con trai đút tiền vào túi áo len trắng của bà… Ông chậm rãi nói tiếp, vợ con rất thánh thiện, mẹ ạ, nhưng nàng đã chết. Khi đời con không còn nàng thì con cũng không vướng bận gì nữa! Bà sửng sốt, thật vậy sao? Mẹ không còn đủ thời giờ để nhớ rõ những chi tiết về chuyện này nữa, hãy tha thứ cho mẹ! Bà nói mà nước mắt lưng tròng. Mẹ tin con! ít ra con cũng là đứa con có linh hồn trong sạch nhất! Mẹ cảm ơn thành phố này đã thu nhận và che chở con. Nếu có khi nào mỏi mệt và cần đến mẹ, con hãy trở về. Lúc nào mẹ cũng đợi con!…
Hôm sau, con trai bà đưa bà ra bến xe ở giữa thành phố. Khi bà ngồi lên xe rồi mà nó vẫn chưa chịu ra về. Nó đứng xa xa, nhìn bà đăm đắm và cầu nguyện. Khi xe rục rịch chuyển bánh, bà thảng thốt gọi giật giọng:
Mạnh!
Bà chỉ kịp choàng tấm áo len trắng vào vai con trai. Con lạnh hơn mẹ, con cần áo. Mẹ ở dưới ấy chẳng cần gì đâu! Xe băng xuống dốc và bà lại khóc.
*
Khi đến được Hà Nội, thì bà đã mệt lắm rồi. Bà cứ có cảm tưởng bà đã làm cuộc hành trình lâu lắm, có lẽ một năm, mà không, có lẽ đã vài năm. Trông bà đăm chiêu, gầy yếu hơn nhiều so với ngày bà bước chân ra khỏi nhà. Thằng con lùn nhất của bà đang đứng dạng tè he trước khung cửa. Thấy bà, cậu ta bất giác bật cười hê hê rung cả rốn, như một con khỉ. Hai bàn tay ngắn tũn của cậu xòe ra về phía bà, hươ hươ, đón chào. Bà không nghĩ nó lại lùn đến vậy. Mắt toét đỏ lòm nhìn bà. Mặt thì tròn, đầy những vết nhăn chán tởm. Nó cười, nhe hàm răng ngắn cũn đến lạ lùng. Bà còn chưa hết ngạc nhiên, nó đã cất giọng lèm bèm:
- Mẹ đấy, phải không? Chúng nó đâu hết rồi mà để mẹ đi một mình? à hôm trước thằng Mạnh gọi điện ra đây, bảo rằng nội nhật hôm nay mẹ sẽ tới. Con và nhà con đêm qua có chợp mắt chút nào đâu?…
Vẫn thế, vẫn chẳng có gì khác, bà mẹ lẩm bẩm. Thậm chí, mọi sự đã đổi thay một cách tồi tệ hơn rồi đấy! Bà cầm quả hồng của con đưa mời, quả hồng liền nhão nhoét trên tay bà. Bà ấn nhẹ ngón tay trỏ vào quả cam trước mặt, tay bà lập tức ngập sâu vào nó! Bà có cảm tưởng một cái gì ẩm mốc, ôi thiu, cũ càng, trì độn, chúng đang bốc lên, bành trướng, chen lấn với bà! Trần nhà sít sịt trên đầu bà, và thật sự nó bám nhiều bụi hơn bà tưởng… Có lúc, con trai bà bám vào tường vôi đỏ, đôi chân to bè nện thình thịch, thình thịch xuống nền lát đá hoa. Lưng cong, đít chổng. Bà không hiểu nó đang định làm gì. Bà nghĩ mãi mà không cắt nghĩa nổi, sau cùng bà mới cất tiếng. Con cứ loay hoay chạy nhảy làm gì quanh cái ghế ấy? Con tập thể dục mẹ ạ! Bây giờ cả thành phố tập thể dục, mà ra đường thì sẽ có ngày xe tô nghiến nát. Con nghĩ mãi, mới tìm ra cách chạy bộ tại chỗ trong góc nhà. Mẹ xem đây, góc nhà nhẵn thín! Ban đêm con nằm ngủ trên ghế bành, để đến khi thức giấc là có thể tập thể dục được ngay tắp lự! Nhiều khi con khởi động ngay trong bóng tối, để khỏi ảnh hưởng đến vợ con. Mẹ thấy đấy, con thì nhũn nhặn, chịu đựng thế, trong khi bọn chúng chỉ là lũ ăn tàn phá hại!…
Thằng lùn cứ lèm bèm, lèm bèm một cách miệt mài, chân thật. Đôi mắt toét mở to, hếch lên nhìn bà, ngơ ngác! Và nó lại bất giác bật lên tiếng cười ngắn, khùng khục, như tiếng nấc cụt, chẳng ra vui mà cũng chẳng buồn. Chuông điện thoại chợt reo to. Thằng con bà cun cút quay đi, toàn thân như ngã sấp. Bà kinh ngạc, sững sờ! Sao nó di chuyển trên mặt đất giống một con sâu vậy? Nó đã biến thành như thế từ bao giờ vậy? Bà kinh hãi. Hay là mắt bà đã lòa, không còn nhận ra sự thật? Bớ con ơi, thằng lùn thân yêu của mẹ. Lại đây cho mẹ sờ nắn nào! Ôi sao da lại nóng hôi hổi như da cóc tía, mà mắt lại ti hí như lỗ nẻ thế kia? Trước kia mẹ có bao giờ thấy con như vậy đâu? Thời gian đã làm các con trở nên như vậy ư? Hình hài cha mẹ cho các con, các con để ở đâu rồi! Các con vẫn biết rằng mẹ không hề muốn điều đó!…
Mà này! Cái mụ già quái đản này đang làm gì vậy? Nhìn kìa, mụ sờ nắn ta, mụ săm soi ta, hoài nghi ta. Cứ như ta là một tên cướp khả nghi, chứ không phải là con của mụ. Chẳng lẽ mụ đã mù lòa bất lực đến mức ấy rồi sao? Tại sao một người như mụ mà vẫn còn sống nhỉ? Mụ đã chứng kiến quá nhiều chuyện, đã nhìn thấu suốt mọi sự ô uế, thì mụ không nên sống dai thế mới phải! Vậy ai dẫn lối đưa đường, ai tiếp sức cho mụ đến tận đây! Già như thế này rồi thì còn có tích sự gì? Lỡ mụ chết trong nhà này thì gay go quá! Thật chán khi ta phải nhìn thấy mụ đàn bà này, nhìn thấy tuổi già và cái chết! Hà cớ gì chính là ta, chỉ mỗi một mình ta phải nhìn thấy điều đó? Các con của mụ đã ra sao, đã thế nào, đã ở đâu? Ôi, một dòng máu quá ư tanh tưởi!… Ô mẹ ơi, nhột quá, buồn cười quá! Con không sao đâu. Con có cảm thấy dòng máu mẹ đang chảy không, tinh thần mẹ đang xúc động dữ dội vì con không? Lại lẩn thẩn rồi, tai họa đến nơi rồi. Có chứ, có chứ, con cảm thấy, không có gì ấm áp hơn! Thế là tốt! Thôi xong rồi, bây giờ con đứng dậy!
- Mẹ và thằng Hùng đã xây được phần mộ ông bà nội cách đây mấy ngày. Sau này, chúng mày về mà thắp hương cho ông bà. Vì chúng mày xa xôi cách trở, tao không chờ chúng mày được!
- ồ mẹ! Đáng lẽ mẹ nên nói với chúng con một câu. Con cháu của ông bà thì cả đống, mà mẹ là phận dâu con… Mà mẹ lại già yếu, xây cất cái gì thế nào được? Nhưng dù sao giờ đây công trình đã hoàn tất, thế là mừng rồi mẹ ạ!
Đột nhiên, ông con trai nói:
- Con đã bàn với mẹ bao nhiêu lần, để con giúp mẹ mà mẹ không chịu. Con nuôi anh cả cho! Đưa anh ấy ra ngoài này, con sẽ chạy chọt làm chế độ cho anh ấy. Anh ấy đánh giặc bị thương, giờ còn sống được mấy nỗi nữa mà mẹ cứ giữ rịt lấy? Sau này mẹ đi rồi, lấy ai chăm ẵm? Lại còn cái thằng dở người nữa, nó là đứa mồ côi không cha không mẹ, có phải dòng máu của nhà ta đâu mà mẹ cứ cưu mang, khổ sở vì nó? Hò hới! Già rồi mà chưa chót, lại cứ muốn làm tội cái thân! Bây giờ thì để hai thằng ăn nằm với nhau trên đống rác rến, đống phân tro, trông mà tởm lợm! Rồi sau này cũng tới tay bọn này hết!
Chúng mày cứ yên trí mà sống, tao không cần đâu! Đôi mắt bà ánh lên cái nhìn tinh tường. Ông con trai cũng ném trả lại bà cái nhìn cảnh giác. Dù vô tình, bà đã ăn ốc còn đổ vỏ thì để cho người. Sau này, bà già chết mới đau đầu đây! Ước gì hai thằng điên sẽ khước từ mọi sự trước cả bà! ước gì điều đó xảy ra. Hoặc, nếu bà có lòng tốt vĩ đại hơn người thì bà nên giải quyết dứt điểm chuyện đó đi? Ai cũng chỉ được sống có một lần. Sống khổ sở không ra con người thì nên chết cho rảnh chuyện. Mẹ ơi, lạy mẹ, xin hãy tha tội cho chúng con! Chúng con không thể nhân từ, hiền lành, cam chịu như mẹ! Cứ thấy ai yêu thương nhau là chúng con lại căm ghét. Chúng con căm ghét tất cả những kẻ có khả năng yêu thương nhau. Con cũng không thể hiểu tại sao như vậy. Mẹ cứ sinh ra cả đàn con, nhưng giá như trong số đó đừng có con, thế có phải tốt hơn không? Thú thật với mẹ, thân con cũng chỉ là thân phận một thằng lùn. Muôn đời nhìn thấy mặt đất. Hiếm khi nhìn thấy bầu trời. Vì hình hài xấu xí mà con phải mang vác, mẹ sẽ tha thứ tất cả cho con, thằng lùn của mẹ, chứ? Nhưng giá như, khi con vừa mới lọt lòng, thấy con dị dạng thì mẹ bóp mũi con đi có phải hơn không? Con không thích một cuộc sống bị đày ải, theo cách nào cũng vậy!…
Sáng hôm sau, theo thiển ý của mẹ, ông con trai lôi chiếc xe ra. Bà mẹ ngồi lên. Ông con trai gò lưng lái. Chân không tới đất mà cật cũng không tới trời. Con tha lỗi cho mẹ, mẹ muốn đi chơi, mẹ muốn thế! Những chùa chiền, đền đài lăng tẩm đẹp lắm, làm sao mẹ lại có thể không được nhìn thấy chúng? Cố gắng lên con, cố gắng lên. Đời là một cuộc bươn tẩu không ngừng về phía trước! Hai mẹ con, một già, một trẻ, mà không, cả hai đều đã già, đang cố sức bơi trong không khí, bơi bơi trong biển người. Mẹ ôm chặt lấy con và nhắm mắt lại. Không có gì đáng sợ, đúng không? Cố gắng đừng ngã xuống, bớ con ơi, đừng ngã xuống! Vẫn biết rằng linh hồn sẽ sống dai hơn thân xác, nhưng khi bị đứt một ngón tay sao mà đau vậy? Khi mất cả bàn tay hoặc cái chân thì còn trông đợi ở gì? Cả ngày hôm đó, bà chỉ có cảm tưởng là bà đang bơi một cách ngoạn mục. Cứ chòng chành, chòng chành, như ngập lụt trong dòng nước, bồng bềnh trên trên sóng đại dương. Và, khi vị ngọt lạnh giá của cây kem bên hồ chui vào cổ họng bà, bà mới giật mình sực tỉnh, như sau một giấc mơ. Lấy lại thăng bằng trên mặt đất, bà bất giác sờ nắn sang con, để xem con trai bà có thực là đang còn ở đấy không? Con ạ, những thành phố rất xinh đẹp, mẹ vừa đi qua những thành phố đẹp. Những ngón tay đeo nhẫn lóng lánh. Nhưng đã đến lúc phải về rồi. Đã đến lúc!
Đêm ấy, nằm bên cô chắt nội sáu tuổi của bà, bà kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Bà kể rất nhiều chuyện. Bà thấy vui vì mình còn khả năng nhớ những điều ấy, và cô chắt cũng chú ý lắng nghe. Bà ơi, stop here! Đến lượt cháu kể cho bà nghe một câu chuyện kinh dị nhé. Bà thử giải thích cho cháu xem nó có ý nghĩa gì? Đó là chuyện ông nội chữa bệnh cho cháu. Ông nói: để ông chữa bệnh cho cháu nào! Hôm ấy cả nhà đi vắng, ông bế cháu vào phòng của ông, rồi ông tiêm thuốc cho cháu, rồi ông ôm cháu nằm ngủ. Đến tối cháu mới tỉnh dậy, cháu rất mệt và thấy máu rơm rớm dưới chân. Cháu hỏi: ông đã chữa bệnh cho cháu chưa? Ông nói: từ nay cháu được miễn dịch. Ông đưa cháu đi chơi, làm cháu quên hết câu chuyện đó. Cháu không biết đến khi nào ông lại chữa bệnh cho cháu nữa. Chắc chẳng bao giờ, bà nhỉ!
*
Hai đứa con bà đang ngồi ngả ngớn ở góc sân, cất lên bài ca muôn thưở của chúng. Đối với chúng, chẳng hề có chuyện già trẻ, chuyện xấu tốt, chuyện thưởng phạt… Nhưng, có lẽ chúng vẫn biết đói, nên chúng đã ra sức lục lọi tìm kiếm cái ăn ở quanh nhà. ít lâu nay, hai đứa bất chợt cảm thấy trong nhà vừa thiếu đi một con người, con người hom hem, luôn kề cận bên chúng, điềm nhiên đưa cho chúng một cái gì hoặc giật phắt của chúng một cái gì mà không cần xin phép chúng. Chắc bà ấy có quyền năng gì đấy… Nhưng bà ấy làm sao đủ sức ngăn cản những ý thích của chúng? Chúng đã kịp bắt con tắc kè trên bờ tường bỏ vào lọ rượu. Chúng đang ngửa cổ đổ thứ nước nhơn nhớt, hăng hắc ấy vào cổ họng. Chúng ho sặc sụa, cười lục khục, cảm thấy có gì quặn lên, bùng cháy trong ruột, trong thân thể. Chúng nhớ món cơm thơm thơm mà từ khi con người ấy đi vắng thì chúng không được ăn nữa. Bà ấy đi đâu thế nhỉ? Chẳng lẽ bà ấy đã bỏ chúng mà đi? Bà ấy là người duy nhất tốt với mình, thằng cả lơ mơ nghĩ. Thật không thể tưởng tượng nổi là bà ấy không còn trong căn nhà này nữa. Không còn bà già này thì thật chán biết bao. Chán chết! Không được, đáng lẽ mình không để bà già bước chân ra khỏi nhà thì hơn. Còn cái thằng chó chết này, sao nó cứ nhũng nhẵng bám theo mình mãi? Đôi lúc mình muốn đập cho nó một gậy cho nó thẳng cán cân. Nếu bà ấy không về, thì nhất định mình sẽ cho nó một gậy và cho luôn mình một gậy.
Mình đã làm khổ bà ấy biết bao! Mình đấm, mình đạp, mình thụi, mình xua bà ấy chuồng bò của hàng xóm mà ở. Đôi lúc mình lấy gậy mà đánh cả vào đầu bà ta. Có lần bà ta chảy rất nhiều máu, bà đưa ống tay áo lên lau máu, nhưng bà ta không nói gì mới kỳ cục chứ. Rồi có lần mắt bà ấy cứ đỏ hoe và giàn dụa nước, mình không hiểu nổi là bà ấy bị làm sao? Đôi lúc mình muốn sán lại cầm tay bà, vuốt ve bà, nhưng chẳng hiểu sao rút cục bao giờ cũng là đánh đạp, gây sự. Bà ta vừa nhóm lửa xong, đang lui cui trong bếp thì mình xuống, mình đập tan nát bếp lửa của bà ấy ra. Mình đập hết nồi niêu, bát đũa, kho lẫm của bà. Mình đập cả bát cơm của bà cho vỡ vụn, cơm canh tung tóe. Mình chỉ thích cái gì nổ đôm đốp, đì đoành và rực cháy. Nhưng bà ấy thì sợ hãi những cảnh tượng ấy. Tại sao mình lại làm thế chứ? Vậy mà, cái thằng ngu si này, cái thằng cục súc, ăn hại đái nát này, nó còn bắt chước mình, lấy cả cái bát tô ném vào bà ấy, lúc bà ấy đang ngồi ăn cơm! Quái lạ, dạo này bà ấy đi đâu ấy nhỉ? Hôm ấy bà có dặn mình điều gì, viết cả mảnh giấy để trên đầu giường nữa, sao mình không thể nhớ ra? Nếu bà ấy về, mình sẽ xin lỗi bà ấy. Mình sẽ gọi bà ta là bu, bu, đúng rồi, mình thích từ đó. Bu! Bà ta chỉ gọi mình là mày và xưng tao với mình. Thôi nhất định mình sẽ dành cho bà ta một câu gì thân ái, chứ không gọi bà ta là con mụ già như xưa nữa!
Bà cụ đã về tới đầu ngõ. Khi nhìn thấy hai đứa con đang say sưa, khua múa, bà vui sướng đến khóc òa. Thằng cả đột nhiên đứng vụt dậy, nhảy lơn tơn quanh bà. Thằng út thì lao vút vào nhà, xúc một bơ gạo đầy. Nó vừa đi vừa lắc lư, gạo rơi vãi trắng xóa trước mắt bà. Nó cất tiếng vội vã cu cu cu cu cúc cu cúc cù cu. Bà hiểu rồi. Chả là nó muốn bà nhìn thấy đàn gà. Hai con chó quấn quýt lấy chân bà, kêu ăng ẳng, ngằn ngặt! Chao ơi, chúng mà cũng biết nhớ bà ư. Rõ ràng chúng còn sống cả đây, không thiếu một con nào, sống để đón đợi bà, đồng hành cùng bà. Bà vui quá mà quên mất mình định làm gì. Bà cứ đứng ngẩn người giữa sân nhìn hai con. Trong chốc lát đàn gà đã ập tới, bất thần nhảy múa quanh bà, nhảy tứ tung loạn xạ. Chúng mổ nhau, kêu chiêm chiếp, oang oác, rộn rã, điên cuồng. Con mái con trống gà mẹ gà con con đen con đỏ con nhỏ con to. Chúng làm thành một vũ hội kỳ quặc trước mắt bà. Đàn gà này, đàn gà của mẹ con bà, bà hiểu tính nết, tập tính của từng con. Bà biết con nào hay kiếm ăn ở đâu, thích đậu cao hay thích đậu thấp, con nào hay đi kiếm ăn với con nào, và chúng thích nằm ngủ như thế nào. Đôi lúc hai thằng con bà còn thích ngủ với gà vịt, với chó mèo. Chúng kẹp chó mèo vào chân để ngủ. Chúng thích lắm. Chỉ có điều con tắc kè của bà thì không thể nào ngóc đầu lên được nữa, dù có muốn. Nó chỉ còn biết chĩa đôi mắt thô lố để nhìn bà.
Bà lục hết những thứ bà đã kiếm được trong cuộc hành trình ra để chia. Cái áo này, cái quần đùi này, cái mũ này, nếu thằng này không mặc vừa thì dể thằng kia mặc. Chúng không mặc được thì cho hàng xóm. Bà đã trù rồi, không cái gì vô dụng cả. Chúng mặc luôn quần áo mới vào, rồi cứ rục rịch chân tay, rục rịch mồm miệng. Chúng lại gõ vào vỏ quả bom, vào xô chậu, bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo. Và chúng lại cất giọng ồm ồm để hát những hát mà hai đứa rất ưa thích. Lần này thì: “Con đi trăm núi ngàn khe – Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm” (2) Nhưng lần này thì bà không buồn nữa! Không phải tại bà, cũng không tại ai. Hai con chó, hai con lợn và những con gà, chúng vẫn đó, vẫn còn nguyên vẹn đó. Bà và hai thằng khùng vẫn còn đây. Bà hiểu tình thương của hai thằng khùng dành cho bà nó tinh khiết thế nào. Bà muốn ôm lấy chúng, mà vuốt ve, an ủi, rằng tất cả sẽ qua, đừng lo âu, ôi các con của mẹ! Bà còn muốn được nằm cạnh hai đứa, cho đỡ tủi đỡ buồn. Chỉ tiếc rằng các con bà đã lớn và chúng không thích ai đụng vào người chúng. Hơn ai hết, bà hoàn toàn nhất trí với chúng điều đó.
Cánh đồng tươi xanh đang trải rộng trước mắt bà. Cây lá đung đưa như chào đón sự trở về của bà. Nửa ruộng khoai sọ đã được hai con bà moi lên hết, chẳng biết tự bao giờ. Chúng tấp lại bên bờ đất khô và bứt cỏ phủ lên. Những ngọn cỏ đã se lại, úa vàng. Bà mỉm cười. Chưa bao giờ bà vui như vậy. Buổi chiều sao trong trẻo quá. Gió lại hây hẩy thổi. Hoàng hôn buông xuống nửa cánh đồng tím ngát. Bà khẽ khàng nằm xuống bãi cỏ chợp mắt một lát đỡ mệt. Không hiểu tại sao hôm nay bà thích nằm xuống cỏ. Có bao giờ bà thích thế đâu. Từ nhà ra ruộng chỉ có vài bước chân. Bà sẽ trỗi dậy và đi về nhà ngay lập tức.
Bà biết, các con vẫn thức để đợi bà./.
Chú thích:
(1): Một số câu hát, câu thơ trong thời kỳ kháng chiến.
(2) Thơ Tố Hữu.