Chiếc xe máy đỗ xịch trước cổng bệnh viện Huế. Mười năm rồi Liên mới trở lại đây, lần này cô đi cùng Hùng, người bạn thân của cô. Nhìn hành lang bệnh viện dài hun hút mà lòng Liên đau xót... Cô không bao giờ quên, một ngày mùa xuân cách đây mười năm, khi đang học năm cuối Đại học khoa học Huế, cô đã tới đây với cái bụng lùm lùm. Người cô yêu tha thiết với mối tình đầu thơ mộng trên sông Hương, tác giả của bào thai cô đang mang trong bụng, chẳng hiểu sao đã vù mất khi nghe tin Liên có chửa. Ngày đó, Liên đã một mình lang thang trên sông Hương, bơ phờ, tuyệt vọng, những mong chôn vùi thân mình ở một quãng sông nào đó. Bao nhiêu nước mắt cô đã nhỏ xuống dòng Hương trôi về biển cả. Một tuần rồi cô không trở lại giảng đường đại học. Không ai tìm cô, không gì níu giữ nổi cô; mặc cho nắng gắt trên đầu, mưa rơi ướt mặt, cô cứ bước đi mà chẳng biết nơi nào mình sẽ tới. Cho đến một lần, cô quyết định bước xuống dòng sông… Quãng này rất vắng.
Cô không hiểu vì sao mình lại còn có thể sống!… Khi tỉnh dậy, cô hoảng hốt sờ xuống bụng mình. Đứa con đã mất. Cô muốn nhìn thấy nó, cô điên lên, cô gào khóc! Người ta đã chỉ cho cô một chiếc thùng gỗ sắp được đem đi. Trong đó, cô nhìn thấy bốn cái hũ sành nhỏ xíu được khắc bằng đá trắng, có những vân hoa rất tinh tế, khéo léo; trong cái hũ sành chưa đậy nắp cô nhìn thấy nước và máu tươi, một vật gì tròn trịa, long lanh, bóng bẩy, không hề vấy bẩn, không thể vấy bẩn. Đâu là đứa con đầu lòng của cô, nó đâu rồi, cô bật khóc nức nở, vồ lấy cánh tay của người đàn ông đang đứng cạnh chiếc thùng; chiếc thùng đã được giằng vào sau gác-ba-ga chiếc xe đạp cà tàng. Người đàn ông bối rối nhìn cô. Anh ta cao lớn, nước da đen bóng, cặp mắt rất hiền, thân hình to bè, mặc chiếc áo may ô đã ố vàng, toàn thân mình ướt đẫm mồ hôi. Người đàn ông dựng xe vào một gốc phượng, ôn tồn nắm lấy cánh tay Liên, hồi lâu không nói được điều gì. Sau cùng, anh khẽ bảo: “Con của chị đã không được làm người, đó là số phận. Mong chị đừng buồn!” Người đàn ông đạp xe đi khuất, mặc cho Liên ngơ ngác. Ông bác sĩ đã ra đến hành lang; thấy Liên còn yếu quá, ông đỡ cô vào giường. Hiểu được tâm sự của cô, ông nói:
- Người trong bệnh viện này không ai là không biết tới anh Tống Viết Hiếu ở huyện Hương Trà. Anh ấy chuyên đi chôn các hài nhi xấu số… Vừa rồi, trong lúc bơi qua sông Hương, anh ấy đã cứu được cô đang trôi theo dòng nước…
- Hả! Bác sĩ nói gì?…
Liên rời bệnh viện với một mảnh giấy nhỏ ghi tên và địa chỉ của người đàn ông kì lạ đã cứu sống cô và mai táng đứa con của cô. Sau khi cứu được cô dưới sông lên, anh đã gọi xe đưa cô vào bệnh viện, nhưng vì sức yếu, cô đã sẩy thai. Đứa con chưa được chào đời của cô đã được đem đi cùng những bào thai khác, chúng đã được lấy ra từ lòng mẹ theo yêu cầu của các bà mẹ. Liên nén đau đớn, trở về trường trong nỗi bẽ bàng, xấu hổ, trong ánh mắt hồ nghi, soi mói của người đời. Sức cô yếu hơn. Song cô phải tập trung vào học tập và thi tốt nghiệp, sau đó trở về thành Vinh làm ăn sinh sống cùng với gia đình.
Mọi việc có vẻ trót lọt, Liên đã tốt nghiệp êm xuôi; cô trở về trong sự chờ đợi, bảo bọc của gia đình.Tuy vậy, trong lòng cô có một vết thương không bao giờ kín miệng. Cô luôn giữ bên mình mảnh giấy nhỏ, có ghi một cái tên mỏng manh, nhưng sáng bừng trong cõi lòng sâu thẳm của cô. Ban đầu là tình cảm tôn thờ sau đó là một cảm xúc lạ lẫm của những người yêu nhau xuất hiện trong cô, dành cho con người xa lạ ấy. Nhiều năm ròng cô đã đem lòng yêu anh, mà anh có biết! Bạn bè, gia đình cũng không ai biết. Liên đã trở thành một cô giáo mẫu mực ở thành Vinh. Bao nhiêu chàng trai mến yêu, dạm hỏi, nhưng cô nhất mực lạnh lùng. Hằng đêm, sau giờ soạn bài, cô đem mảnh giấy nhỏ ra, hôn lên dòng chữ ấy, rồi viết lồng tên hai người vào nhau. Cô đã có một tình yêu thực sự, mặc dù cô chưa hiểu gì nhiều về cuộc đời người con trai ấy. Do mặc cảm với quá khứ tủi nhục, mà cô chưa một lần tìm gặp lại anh.
Trong số những người bạn thân của Liên có Hùng. Anh hơn Liên năm tuổi, công tác ở thành phố Vinh, thường xuyên đến nhà Liên chơi. Hùng rất yêu Liên và thật sự mong muốn tiến tới cuộc sống gia đình với cô. Chẳng hiểu sao, Liên không giấu Hùng chuyện quá khứ của mình, nhưng riêng chuyện cô có tình cảm với một chàng trai Huế thì Liên không hề nói cho ai, kể cả Hùng. Nhân dịp hè, Liên nhờ Hùng đưa cô vào Huế. Hùng đã để Liên lại bệnh viện Huế, và hẹn một tuần sau quay lại đón cô. Anh không muốn xen vào chuyện tế nhị của Liên, mặc dù anh rất muốn được đưa Liên đi thăm bạn đồng môn của cô ngày xưa ở Đại học Khoa học Huế.
Liên khóc dàn dụa trước mặt ông bác sĩ già, ông bác sĩ mà Liên đã gặp khi xưa cách đây ngần ấy năm. Ông sốt sắng đưa Liên về thăm nhà Hiếu. Lần này, Liên quyết đi tìm lại khúc ruột đã vùi chôn, đi tìm lại người đàn ông đã cứu sống mình, người đàn ông cao thượng mà cô đã thầm yêu trộm nhớ. Chiếc xe Hon-đa của ông bác sĩ chở Liên đi mười bốn cây số lên thượng nguồn sông Hương, qua con đường Kim Long đầy hoa phượng đỏ đến thôn Ngọc Hồ. Trông thấy ông bác sĩ già, người già con trẻ trong thôn đều vui mừng, thì ra ai cũng biết rõ về thầy Hiếu. Vài em nhỏ còn chạy theo xe về nhà thầy Hiếu.
Căn nhà tranh cheo leo bên sông Hương thật là vắng vẻ. Liên run lên như người bị lạnh. Cô cố ghìm nén để khỏi bật khóc… Con đường lên khu nghĩa trang ghập ghềnh đá sỏi, bạt ngàn hoa cỏ và sim mua. Quả đồi an táng các hài nhi nằm ở giữa, bốn bề là núi, rắn rỏi, nóng bỏng, lặng im. Bóng thầy Hiếu hiện ra, lừng lững, âm thầm, thầy đang hối hả phát cây bằng con dao rựa rất dài. Lưng áo phông đẫm mồ hôi và màu đất đỏ, chiếc quần cộc để lộ đôi chân to bè, thô ráp; và khi thầy quay lại thì một khuôn mặt sạm đen, chan chứa mồ hôi hiện ra. Liên sững sờ giây lát, rồi đột nhiên cô chạy như lao về phía người đàn ông, kêu thất thanh:
Anh Hiếu phải không? Anh Hiếu ơi!…
Thầy Hiếu đã nhìn thấy ông bác sĩ và các học trò theo sau cô gái, nhưng trong giây lát, anh không hiểu vì sao cô gái lại làm thế. Anh buông lỏng cây rựa, lúng túng:
Xin lỗi, chị là ai?
Ông bác sĩ chen vào:
- Thôi, trời đang nắng, tất cả thầy trò chúng ta cùng làm cho xong việc đã! Lát sau về nhà sẽ rõ… - Ông nheo mắt với Hiếu - Người thân trong nhà cả thôi mà…
Tuy vậy, ông đi nhanh lại phía thầy Hiếu, và chỉ trong chốc lát Hiếu nhớ ra ngay người phụ nữ đứng trước mặt mình là ai. Anh bần thần cả người, như chợt chìm đắm trong suy nghĩ gì đó, mồ hôi chảy ướt đầm khuôn mặt, đôi tay phát vào lau sậy mải miết hơn. Liên vừa nhặt cỏ vừa nức nở khóc. Bọn trẻ cũng tíu tít nhổ cỏ, thắp hương cho các ngôi mộ. Mấy trăm ngôi mộ nằm kề bên nhau trắng xóa. Hiếu khẽ khàng dắt Liên đến bên mộ con mình. Ngôi mộ nhỏ xinh nằm phía trong các ngôi mộ tí xíu khác, được xây bằng xi, quét vôi trắng, được trang điểm bằng một cây thánh giá nhỏ xíu. Trên đó ghi: “Ngày sinh 14 tháng 2 năm…; ngày mất 14 tháng 2 năm…” Liên òa khóc, gục vào vai người đàn ông mà cô yêu quý. Trên các ngôi mộ khác cũng khắc ngày sinh và ngày mất của các anh hài. Tại sao lại là cây thánh giá hở anh, Liên hỏi. Hiếu cười buồn: “Chị biết rồi, một nhà thơ lớn đã nói: Dẫu là Chúa cũng sinh từ giọt máu, ta sinh ra đời sao tránh khỏi những cơn đau?” Liên nhìn xuống dòng sông Hương. Bên kia sông là chân đồi Vọng Cảnh. Nơi đó cách thành phố bảy cây số. Chiều thứ bảy, nam thanh nữ tú thường tập trung về đó hóng mát và làm tình. Gần hơn chút nữa, dưới chân núi, nơi các anh hài an nghỉ là dòng sông Hương trong xanh, hiền hòa chảy về xuôi, ra biển ở cửa Thuận An. Nếu bơi qua dòng sông Hương, chỉ cần bảy cây số là tôi có thể về nhà, Hiếu bảo.
Liên khẽ khàng đặt lên mộ con những bông hoa huệ trắng muốt thoang thoảng hương thơm. Hạt máu thì làm gì có lỗi. Nỗi đau tưởng như đã chìm đắm, yên ngủ trong thời gian mãi mãi, tâm hồn đã lành sau mỗi tháng năm, nay lại ập về nhức nhối. Nước mắt chảy không cầm trên mộ đứa con đầu lòng. Bó hoa đã héo rũ trước cái nắng gay gắt của trưa mùa hạ. Người phụ nữ cứ ôm riết lấy mộ con mà khóc. Thầy Hiếu cuống quýt phát cây. Các em lại thắp thêm tuần hương mới. Có em nhỏ còn chạy đi hái những chùm sim chín mọng, đen lánh đặt lên mộ các anh hài. Mùi hương thơm lan tỏa ngào ngạt. Hai tiếng đồng hồ trôi qua. Cái nắng tàn khốc của miền đồi núi cằn khô dồn xuống đôi vai mỏng mảnh của người phụ nữ. Cô khóc mãi, tưởng như nước mắt của mười năm đọng lại. Thầy Hiếu lay vai Liên, Liên xúc động ôm chầm lấy thầy nói trong tiếng nấc: “Em có lỗi quá! Em không khi nào mà thanh thản được!…” Hiếu gỡ tay Liên ra, trấn an: “Chị trở lại thế này, tôi mừng lắm! Tôi mong chị tìm được hạnh phúc và bình an trong phần đời còn lại. Phải sống tới cùng chứ, sự sống là quý lắm!” Anh dìu Liên xuống dưới sườn núi. Ông bác sĩ tốt bụng và những học trò của Hiếu cũng lần lượt xuống núi. Liên nhỏ bé đi bên người đàn ông với một niềm trân trọng, biết ơn sâu sắc. Có tới đây, cô mới thấy, trong cô có một cái gì cao hơn cả tình yêu nam nữ khi hướng tới anh. Họ về tới nhà khi đã hơn mười hai giờ trưa. Người mẹ già ngồi đợi bên mâm cơm đã nguội. Mình mẹ nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc đứa con trai duy nhất cũng như vun xới mảnh vườn nhỏ nhoi của mẹ.
Người mẹ tuổi đã cao, với mái đầu bạc phơ và hàm răng móm mém, nhưng đôi mắt mẹ ngời sáng và nụ cười còn ghi dấu nét đẹp đài các, thông minh của người con gái Huế. Bằng đôi tay run run với những ngón tay thon dài, mảnh khảnh, mẹ bóc bưởi mời mọi người. Cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc. ăn cơm xong thì đã một giờ chiều. Nắng như đổ lửa xuống vùng Ngọc Hồ. Tàu lá chuối héo rũ, nước sông Hương trước mặt nhà xanh quằn xanh quại. Liên tuy rất xúc động cũng cố giấu đi tình cảm thiêng liêng, sâu kín của mình. Cô cảm thấy yêu người đàn ông này một cách đặc biệt. Nhưng hình như Hiếu không để ý đến điều đó. Chưa kịp nghỉ ngơi Hiếu đã vội vã đạp xe về Huế. Anh đi theo ông bác sĩ già về bệnh viện của ông và tiện thể thu gom các anh hài xấu số vừa qua đời trong hôm nay, đưa về Ngọc Hồ cho kịp để tối nay mai táng. Liên ở nhà với mẹ, cô tranh thủ “điều tra” về thầy Hiếu. Mẹ già rất hiền hậu, ân cần và điều đáng kể là mẹ còn minh mẫn.
- Thằng Hiếu khi sinh ra đã bị coi là không có cha, - Mẹ nói thản nhiên khiến Liên giật mình - Mệ có tất cả hai người có thể gọi là chồng. Người thứ nhất bị bạo bệnh mất sớm, để lại cho mệ một đứa con gái, đến nay nó đã lấy chồng dưới Huế. Chỉ có điều chẳng hiểu sao từ đó nó rất ít về nhà. Người đàn ông thứ hai thì quả thật mệ cũng không nhớ rõ là ai, chỉ nhớ ông ấy là một lính ngụy. Sở dĩ mệ biết ơn ông ta, cố quên nỗi oán hận, mà gọi ông ta là chồng, chính là vì ông ta đã để lại cho mệ thằng Hiếu đó. Mệ mồ côi từ nhỏ, đi làm thuê làm mướn, phải ở đợ cho nhà giàu từ thuở mới lên mười. Chính cô con gái đầu lòng là con của ông chủ thuê mệ. Chuyện bị phát giác, bà chủ đuổi mệ đi khi mệ đang mang thai bốn tháng. Con gái mệ khi lớn biết chuyện, nó đã cố đi tìm anh em họ hàng đằng bố nó để nối lại tình máu mủ, nhưng không đạt kết quả như ý muốn, đành quay lại oán trách mệ. Mặt khác, nó cũng không nhìn ngó, chăm nom gì đứa em trai tội nghiệp của nó - Mẹ nghẹn lời - Khi mệ đang lang thang ở thành phố Huế với cái Thắm trên tay thì không may mệ bị bắt, bị sung nạp vào một tiểu đoàn ngụy quân, bị ép phải làm lính cấp dưỡng cho chúng. Mệ uất ức muốn chết quách, nhưng nghĩ thương con bơ vơ nên gắng sống. Trước đó, mệ đã kịp gửi cái Thắm ở nhà một người họ hàng xa. Cái Thắm lớn lên ở đó hơn mười năm thì hai mệ con mới được gặp nhau. Trong thời gian phục dịch bọn ngụy, mệ đã gặp đại họa vào một đêm tối trời. Bọn lính chen nhau, giẫm đạp, hãm hiếp chán chê đám phụ nữ trong doanh trại. Mệ chỉ bị có một người, phúc thay, mệ nhớ rõ lắm, mệ chỉ bị có một người làm nhục! Thoát được anh ta, mệ nhanh trí vùi mình vào tấm vải bạt, nằm im như chết. Khi bọn lính đã no xôi chán chè, chúng bóp cò vào chỗ ấy của người đàn bà mà giết chết họ, rồi chúng lăn ra ngủ, ngáy khò khò như những con lợn. Đợi đến nửa đêm, mệ nín thở bò xuống một dòng mương cách xa doanh trại hai trăm mét. Đến tảng sáng, khi bọn lính hành quân đến địa điểm mới, mệ bò về doanh trại xem sao thì các bà các chị đã bị hành hạ đến chết khô. Mệ liền tìm đường về khu trung tâm thành Huế, làm thuê ở đậu sống qua ngày và âm thầm đợi ngày sinh nở. Mệ đã linh cảm điều tốt lành nảy nở trong bụng từ những ngày đầu; đến khi biết chắc có thêm một đứa con, đột nhiên mệ cảm thấy rất vui mừng mà quên đi cả trăm vạn điều cực nhọc.
Liên như chìm đi trong hồi ức của mẹ. Thấy mẹ ngừng lời, cô ôm lấy cánh tay mẹ, giục:
Thế còn anh Hiếu, mẹ kể về anh Hiếu đi!
Mẹ ngước lên trời rồi lại nhìn xa xăm; hồi lâu mẹ kể:
- Thằng Hiếu là trời nuôi đấy con ạ! Trời gìn giữ và phù trì cho nó nên người. Mệ làm lụng hơn mười năm ở Huế nuôi nó đến năm mười hai tuổi và cho nó học hết lớp năm, ngoài ra mệ cũng tích cóp được trong suốt cuộc đời làm thuê cuốc mướn của mệ một số vốn nho nhỏ cho hai chị em nó sau này, lỡ mệ có mệnh hệ gì thì ai lo cho chúng nó. Mệ không giắt tiền theo người, vì thân gái lang bạt giắt tiền theo người thì rất nguy hiểm, mệ đành gửi cho một người bà con rất đáng tin cậy, nhưng sau này chiến tranh dữ quá, người này bị mất tích. Mệ đành tay trắng, ôm hai con trở về làng cũ. Ngọc Hồ ngày đó vắng vẻ, nghèo nàn, dân cư thưa thớt, nắng mưa thất thường, nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Cái đói khát, cơ cực đeo đẳng tới tận bây giờ. Thằng Hiếu phải bỏ học suốt mười lăm năm, cuốc đá trồng sắn, bắt cá sông Hương nuôi mệ qua ngày. Chị gái cũng không có tiền mà đi học, bèn lấy chồng sớm, may mà lấy được anh chồng phong lưu trên Huế. Từ khi chị gái đi lấy chồng, thằng Hiếu buồn lắm, nó xin mệ cho nó đi học như ngày xưa. Tiền đâu mà đi học? Thằng Hiếu năn nỉ mệ để nó lên Huế học cấp hai. Nó quả quyết rằng sẽ tự làm việc để nuôi thân và theo đòi học hành cho đến khi vào được đại học. Mơ ước của nó cũng là mơ ước của mệ, nên cuối cùng mệ đã để nó đi. Mệ đã suốt đời làm thuê cuốc mướn, khổ lắm, mệ không muốn thằng Hiếu khổ, mệ muốn nó phải được học hành, phải có tri thức và nghề nghiệp. Con biết không, hai mươi bảy tuổi nó mới đi học lớp sáu. Mỗi ngày nó lóc cóc đạp xe mười bốn cây số từ nhà đến trường; ngoài giờ học thì đi gia sư, đi xe lai kiếm tiền, tối về bên mẹ để năm giờ sáng hôm sau lại ra đi. Thi thố trầy trật mãi, đến lần thứ ba mới đỗ vào Đại học Khoa học Huế. Kể từ khi trở thành sinh viên, nó thường xuyên đi hiến máu nhân đạo và đem các thai nhi về chôn ở Ngọc Hồ. Hai năm nay, từ khi tốt nghiệp đại học, nó lại tình nguyện về dạy cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa…
Liên nhìn ra khúc sông, khẽ hỏi:
Mệ ơi, Ngọc Hồ ta có được xếp vào vùng sâu vùng xa không ạ?
- Có chứ con! - Mẹ bảo - Đây là thượng nguồn sông Hương. Đất đai cằn cỗi, chỉ toàn đá thôi. Gạo không đủ ăn, trường lớp không đủ mà học. Mỗi mùa mưa, nước sông Hương dâng ngập mái nhà. Trận lụt năm ngoái là sợ nhất. Thằng Hiếu đi dạy trên thành phố chưa về được vì nước lụt, mệ ở nhà trèo lên xà nhà áp mái nhịn đói hai ngày chờ nước rút. Dạo đó, mệ mà chết thì ai nấu cơm cho thằng Hiếu ăn, ai giặt giũ, chăm sóc nó! Nó không biết làm nội trợ đâu, vụng về lắm, nấu cơm cơm khê, nấu cháo cháo mặn, quần áo thì giặt qua loa vẫn còn đen sì, lần nào mệ cũng phải giặt lại. Mệ mà chết thì ai lo cho nó đây… Nó có tài con ạ! Nó nói tiếng Tây như gió ấy. Được cái, nó lớn lên trong cảnh nghèo khổ nên nó biết thương người nghèo. Nó dạy Anh Văn và Pháp Văn cho mấy trăm học trò mà không lấy tiền học phí. Nó lại hay cứu người. Có lần nó cứu được mấy người suýt chết đuối dưới sông Hương đưa vào bờ an toàn. Vào những trận lụt lớn, nó lặn ngụp mò tìm được bao nhiêu ti ti, đài điện, bàn ghế, lợn gà… dưới đáy sông trả lại cho mọi người. Cho nên nó được người thương, trời thương, đủ cả. Dạo lụt to, trong nhà quần áo, đồ đạc trôi hết, phụ huynh liền giúp đỡ mỗi nhà một chút mà cũng đỡ nhiều đấy con ạ!… Vào ngày lễ Hiến chương các nhà giáo, trong nhà tràn ngập hoa tươi và các học trò nhỏ con ạ! Lúc mệ hay thằng Hiếu ốm, lũ trẻ rủ nhau đến thăm nom, cứ xúm xít quanh giường. ở trên Huế người ta về mời nó lên dạy, lương mấy triệu một tháng, nhưng nó không thể xa các học trò của nó được. Vả lại, việc chôn cất các thai nhi, chả ai thay thế nó được! Thôi đành vậy con ạ. Hy sinh đời mình vì một lẽ gì đó cũng đã là hạnh phúc phải không con?…
Liên ngồi lặng đi nghe mẹ kể. Liệu mẹ có biết là anh Hiếu đã cứu sống cô vào một chiều mưa trên sông Hương? Liệu mẹ có biết được tình cảm của cô đối với Hiếu?… Bất giác, cô hỏi:
Anh Hiếu có người yêu chưa mẹ?
- ấy, nó già rồi, trên bốn mươi tuổi rồi, ai còn yêu nó nữa… Hồi nó còn thanh niên cũng có đôi ba cô thương nó, nhưng nó tìm cách tránh họ vì cho rằng cái nghiệp của bản thân mình còn nặng nề. Nó thường suy nghĩ rất lạ con ạ! Mẹ cũng không khuyên giải được. Nó lại nói với mẹ rằng, sau này nó muốn đi tu…
Sao? – Liên thốt lên.
Tiếng thốt của Liên làm mẹ già cũng ngạc nhiên, bà nhìn lên. Liên rơm rớm nước mắt, quay đi để tránh cái nhìn của mẹ. Một hồi lâu, cô hỏi:
Thanh niên trong làng có đông không mẹ? Họ nghĩ gì về anh Hiếu?
Mẹ ngỡ ngàng nhìn Liên:
- Mỗi người sinh ra, lớn lên đều có phúc phần riêng của họ. Trai lấy vợ, gái lấy chồng, âu cũng là lẽ thường tình. Bây giờ, hình như chỉ còn con trai của mệ là đứng lại một mình. Nó đi học, đi dạy, đi chôn cất các hài nhi, thậm chí sau này nó có đi tu… cũng là những việc làm rất lạ lùng, tế nhị, nên anh chị em cũng tránh căn vặn một cách trực tiếp. Có một số người còn không hiểu, thậm chí quay lưng…
Câu chuyện của mẹ và Liên tưởng không bao giờ dứt được. Liên không cầm được nước mắt. Liên nâng niu bàn tay gầy guộc của mẹ mà nghẹn lời. Liên thầm nghĩ, giữa chợ đời, “kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít”. Nỗi đau khổ của Liên là do cô tự gây ra, nó đâu đáng kể gì so với cái nghiệp vô cùng của thầy Hiếu. Liên thấy lòng bâng khuâng khó tả. Cô nhìn ra dòng sông Hương, bóng chiều buông xuống mặt sông một màu sương khói. Liên nghĩ mãi về tình yêu đơn phương của cô dành cho người đàn ông kì lạ ấy. Lòng cô nặng trĩu, nét mặt ưu tư, lo lắng, thấp thỏm mong đợi anh. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, Hiếu mới trở về, đằng sau xe đạp đèo một thùng gỗ nặng như mọi ngày. Từ xa, Liên đã thấy anh gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng, đạp xe mải miết về phía trước. Liên lại thổn thức trong lòng. Gần mười năm qua, cuộc đời Liên đã có nhiều thay đổi, còn anh… Ngót mười năm qua vẫn chẳng có gì thay đổi, ngót mười năm vẫn một người đàn ông, với chiếc xe và chiếc thùng. Người đàn ông này đã hiện ra trước mắt Liên trong một ngày đau đớn nhất, đầy những tuyệt vọng, đỗ vỡ của đời Liên. Người đã cứu sống cô mà chưa một lần được nghe lời cảm ơn. Cô đã mắc nợ anh và đã yêu anh, cô cầu khẩn cho anh hiểu được tình yêu ấy! Liên run run chạy đến đỡ chiếc xe cho anh. Chiếc thùng gỗ được chuyển xuống mặt đất. Từ trong thùng bay ra một luồng khí lạ khiến Liên lạnh cả người. Liên cúi xuống. Cô choáng váng khi trông thấy lại cảnh tượng ngày xưa. Trước mắt cô là những chiếc bình đá trắng tinh khiết, tròn trịa, nhỏ xíu, chỉ bé bằng trái sầu riêng, có những hoa văn lóng lánh, sáng ngời, chắc chắn đã được đẽo gọt, khắc chạm bởi một bàn tay tài hoa, nhân ái, đã dồn hết tâm sức vào việc chế tác những chiếc bình. Cô quỳ xuống, từ từ nâng một chiếc bình ngang ngực mà lòng chưa hết nỗi ngạc nhiên, sững sờ. Cô mở to đôi mắt hướng về phía Hiếu, khẽ hỏi:
- Ai đã chế tạo ra những chiếc bình này?
- Đó là một nghệ nhân ở Núi Nhồi, Thanh Hóa đấy. Cụ lấy đá trên ngọn núi có hòn Vọng Phu đứng chờ chồng, đôi tay bồng con hướng ra biển Đông. Cụ bảo rằng, lấy đá ở đó dùng vào việc nhân nghĩa này là hợp nhất!
Chắc anh đã gặp cụ nhiều lần rồi chứ?
- Không, - Hiếu buồn bã lắc đầu - Cụ xuất hiện trong đời tôi đã nhiều năm, nhưng cụ yêu cầu tôi không nên gặp gỡ cụ làm gì. Cụ nói, chúng ta đều vì việc nghĩa mà làm, còn cá nhân mình thì đáng kể gì! Hàng năm, cứ vào mùa thu, những chiếc bình đá quý báu này lại được xếp lên xe đi mấy trăm cây số chuyển đến cho tôi. Tôi chỉ biết đón nhận chúng mà nhiều đêm xúc động khôn cùng. Nhiều lần tôi cảm kích muốn quyết tâm đi tìm cụ, nhưng rồi lại thôi. Tôi nghĩ cụ là một nghệ nhân có tài, có tâm, tuổi cũng đã cao và đặc biệt là cuộc đời từng có ẩn ức gì quá lớn. Một lần, cụ nghe người ta kể về nghĩa trang Anh Hài này, mà cụ đã quyết định góp phần với tôi để hoàn thành tốt công việc khó nhọc này. Tôi đã đôi lần nhận được thư của cụ. Tôi vui lắm như vừa tìm được người tri kỉ. Quả thực, lòng tôi kính mến cụ như cha. Nếu trời cho tôi một lần gặp cụ, tôi sẽ xin nhận cụ là cha… Cụ sẽ là cha tôi! Cụ còn hơn cha tôi nữa…
Hiếu chìm đắm trong suy nghĩ. Anh rơm rớm nước mắt nhìn xuống dòng sông mênh mang nước, đột nhiên anh ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Liên:
- Liên có hiểu không?…
Liên hấp tấp gật đầu mà mắt dàn dụa nước. Lúc này, trong lòng cô nghĩ ra một việc mà cô nguyện sẽ làm cho anh. Vì lương tâm thôi thúc, cô sẽ làm việc này. Cô sẽ về vùng Núi Nhồi, về miền quê xa xôi đó, để đi tìm cho Hiếu người thầy vô danh, cao quý ấy, người mà bao năm anh đã quý mến, biết ơn như cha. Chẳng lẽ việc đó lại không mang lại niềm an ủi gì cho Hiếu sao? Cô sẽ làm, cô nóng lòng lắm, và khi đó cô sẽ gặp lại anh với một tình yêu đằm thắm mà cô sẽ bộc lộ cho anh thấy. Cô sợ anh nhận ra ý nghĩ thầm kín của mình nên vội vã đứng lên…
Như có hẹn, trong chốc lát lũ trẻ đã chạy loăng quăng đầy sân. Hiếu một tay ôm thùng gỗ, một tay vác cuốc chim cùng Liên và lũ trẻ leo lên nghĩa trang Anh Hài. Cái tên của nghĩa trang là do Hiếu tự nghĩ ra, mọi người trong làng dần quen gọi thế. Hoàng hôn đã giăng màn trên những đỉnh núi xa xa. Hiếu đặt cái thùng có những di hài tí hon lên một tảng đá bằng phẳng, rồi anh hối hả chặt cây, phát cỏ và đào huyệt. Lưỡi cuốc chim vừa dày vừa ngắn, cuốc vào đá núi tóe ra lửa, làm bừng lên thứ ánh sáng trong xanh hiếm hoi, chớp nhoáng, như sự sống của những linh hồn vừa lóe sáng một giây rồi vụt tắt! Chỉ thấy toàn đất sét và đá răm. Hiếu bảo phải chọn nơi như vậy, phải trồng sim mua lên khoảng trống để giữ ẩm cho đất, để gìn giữ cho các em một mảnh đất nho nhỏ, tránh sự giành giật của người đời. Liên đứng sững nhìn Hiếu cặm cụi đào đất. Hoàng hôn đã loang dần nửa trái đồi. Trước mặt Liên in đậm hình bóng một người đàn ông cao lớn, cương nghị, mình mặc chiếc áo may-ô và chiếc quần ca-ki cũ đã sờn, đã bạc, đang cúi rạp mình cuốc đất. Anh làm vậy để làm gì?… Mãi mãi Liên còn ngơ ngác trước việc làm nhân từ và vô cùng khó hiểu của anh. Cô chỉ muốn ôm chầm lấy người đàn ông ấy vào lòng, ru cho anh ngủ sau những tháng năm mệt mỏi, nhọc nhằn, bù đắp cho anh những gì đã mất. Liên bỗng nhớ lời mẹ già đã kể, anh hay làm những việc này vào ban đêm, giữa trưa hoặc sáng sớm, hoặc vào những ngày nghỉ hiếm hoi, bởi ban ngày anh bận đi dạy học. Trong đầu Liên tưởng tượng ra đủ chuyện xung quanh việc làm của anh, mà tự dưng cô bất giác rùng mình. Một con người yếu đuối, mong manh như Liên, nếu bị bỏ lại một mình giữa khung cảnh này, trong đêm tối, chắc là cô sẽ chết ngất mất thôi. Vậy mà một mình anh cặm cụi làm đã mười năm. Cô làm sao đủ sức để hiểu nổi điều đó? Cô chưa từng thấy có ai làm điều đó trên sứ sở này, trên mảnh đất này. Cô lại òa lên khóc, khiến Hiếu phải dừng tay, các em nhỏ thì xúm quanh an ủi. Bóng tối đã trùm lên quả đồi. Các học trò soi đèn pin cho thầy đào sâu vào lòng đất. Lòng đất tối đen thăm thẳm. Liên cúi nhìn vào địa huyệt sâu hun hút mà cảm thấy thương Hiếu như đứt từng khúc ruột. Hiếu thản nhiên cúi xuống giơ cánh tay đo. Cảm thấy yên tâm, thầy khẽ khàng lấy các bình đá ra nhẹ nhàng đặt xuống huyệt. Hiếu và mọi người lặng im một phút để vĩnh biệt những linh hồn thơ bé. Thầy Hiếu khẽ khàng cúi xuống lấp đất, phủ cỏ lên những nấm đất, còn các học trò đưa hương để Liên thắp sáng lên và cắm đều vào các ngôi mộ. Những ngôi mộ sáng lên, nén hương cháy sáng bừng trong gió, đỏ tươi, tỏa hương thơm ngào ngạt. Hương thơm thiêng liêng sẽ lên đến tận trời, nhập vào sứ sở của các thiên thần và những nàng tiên. Chiều nay, họ an táng được tất cả là sáu ngôi mộ nhỏ. Liên không ngờ mình được chứng kiến một đêm kì lạ và thiêng liêng như thế.
Đêm đó, Liên ở lại cùng Hiếu và mẹ. Đất trời âm u như trong huyền thoại. Thỉnh thoảng, có những loài chim ăn sương chợt tỉnh, kêu thảm thiết. Đêm Ngọc Hồ tối đen như mực. Liên sực nhớ đến các anh hài. Hơn một nghìn hòn máu nhỏ nhoi tội nghiệp đang nằm dưới mảnh đất này. Chắc các con đợi đêm xuống để trở về nhảy múa và hát ca trên các sườn đồi. Và chắc các con còn biết bơi nữa! Thầy Hiếu kể, ngày đưa các con về Ngọc Hồ vào những mùa lũ lớn, thầy đã ôm các con vào lòng mà bơi qua dòng Hương ăm ắp nước. Có khi, các con được đặt lên một chiếc bè chuối, rồi ròng vào một chiếc ghe kéo qua sông, bởi dân chài rất kị việc chuyên chở các hài nhi trong con thuyền của họ. Liên thao thức mãi không ngủ được. Ngoài kia tiếng gió hú, mèo gào thảm thiết, xoáy vào lòng Liên một nỗi bơ vơ. Trong góc phòng, đèn của Hiếu vẫn sáng. Bao nhiêu năm đổ mồ hôi sôi nước mắt thành tài. Cô nhớ lại năm nào cô nghe những lời anh nói cùng cô trên hành lang của bệnh viện Huế. Bao nhiêu năm mà giọng nói của anh vẫn không thay đổi, luôn vang lên trong cô. Thứ giọng Huế ngọt ngào, chân thật, vừa nói vừa nghĩ, mỗi lời nặng như một đọi máu. ánh mắt anh hiền hậu và vui vẻ biết bao, nụ cười anh gần gũi và thân thiện biết bao! Nếu lần này Liên không về Huế được thì thật đáng tiếc. Thế giới của Hiếu đúng là một thế giới khác lạ ngay giữa cuộc đời trần tục, vất vả và cực nhọc biết bao, cũng bình an và thanh sạch biết bao. Liên ao ước dùng cả cuộc đời để bù đắp và hy sinh cho Hiếu, nhưng cô cũng linh cảm mình sẽ mãi mãi đứng ngoài cánh cửa của đời anh.
Hôm sau là ngày nghỉ, Hiếu mượn xe máy tranh thủ đưa Liên xuống dưới Huế chơi. Lại mười bốn cây số ven dòng sông Hương để trở về cố đô. Hai bên bờ sông những ngô khoai thưa thớt, nhà cửa cũ càng, thanh vắng. Dòng sông vẫn dịu dàng đổ xuôi ra biển cả. Hiếu đưa Liên vào thăm Hoàng Thành Huế, thăm chùa Thiên Mụ, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, thăm một số nhà thờ, chùa chiền và các lăng tẩm khác. Những nơi này, một thời sinh viên Liên đã đặt chân qua. Nắng hè đổ xuống những thành quách thâm nghiêm một màu vàng hiu quạnh. Một thời hoàng kim của các triều đại cũ đã lùi sâu vào dĩ vãng, chỉ còn hoa, gạch ngói, mũ áo và những người đang sống. Con đường lên đồi Thiên An xanh rờn hoa cỏ. Đan viện Thiên An hai tầng lung linh với mười lăm màu nhiệm cứu rỗi của các thiên thần. Hiếu thành tâm đứng từ xa chắp tay ngắm nguyện. Người đàn ông nhân từ và lạ lùng nhất mà Liên từng thấy… Chiếc xe băng băng trên con đường ra biển Thuận An, băng qua bao nhiêu làng mạc, thôn xóm, cái nắng và cái gió gay gắt làm rát mặt con người. Đây cầu Tràng Tiền, đây thôn Vĩ Dạ, đây làng Tân Mỹ, những làng quê từng quen thuộc với Liên. Đi thêm chút nữa, gió từ eo biển thổi tới nồng nàn, mằn mặn. Hiếu và Liên ngồi hàng giờ trước biển. Biển rất vắng, sóng vỗ rì rào trong nắng, mỗi đợt sóng kéo theo cơ man nào là cát và rác rưởi ném lên bờ. Xa xa, một vài cánh buồm đỏ tươi di động và chìm vào biển cả, vài người dân chài thả những mẻ lưới ngẫu hứng và một đàn con trẻ đang nô đùa trên sóng. Biển ở đây xâm thực rất nhiều. Vài khách sạn du lịch mới xây ven bờ bị bão cát làm đổ, mặc nhiên trở thành ngôi nhà hoang phế. Có nhiều kẻ đã ra đi từ cửa biển này, và không bao giờ trở về, thầy Hiếu ngậm ngùi bảo, và đó là điều Liên không cắt nghĩa được! Dân Ngọc Hồ cũng lũ lượt ra đi tìm kế sinh nhai, phải rất lâu sau họ mới trở về. Rồi cuộc đời cũng phải khác đi, như con nước sông Hương có ngày trong ngày đục, như mặt biển Thuận An có ngày đầy ngày vơi và bầu trời trên cao có ngày mưa ngày nắng. Liên nhìn lại khuôn mặt người đàn ông: sạm đen, lầm lũi, như đang cất giữ một điều bí mật tôn nghiêm trong lòng. Liên cố gắng lắng nghe, nhưng cô không thể nhớ hết những lời của anh, vì cô đang bận nghĩ tới một điều… Tình yêu trong trái tim cô dành cho anh đang trào dâng theo từng đợt sóng! Cô cúi xuống lau đôi mắt đẫm nước. Hiếu cúi xuống bên cô, khẽ hỏi:
Liên có sao không?…
Liên không kìm giữ nổi chính mình, cô vươn người lên ôm chầm lấy Hiếu! Đôi tay cô choàng lấy cổ anh, vuốt ve mái tóc rối bời của anh và cô bật khóc. Hai khuôn mặt ở rất gần nhau và cô đã hôn anh bằng nụ hôn dài nồng nàn say đắm mà sau này cô không bao giờ quên được. Trong giây lát, cô cả quyết rằng đời cô sẽ không thể sống thiếu anh được, cô sẽ không bao giờ rời xa anh, không bao giờ cả! Cô không trông thấy ánh mắt Hiếu lúc ấy, cô chỉ biết rằng mình đang lọt thỏm trong vòng tay anh, ngả đầu trên ngực anh; từ khuôn mặt ấy, từ lồng ngực ấy chảy xuống những giọt mồ hôi rất dài và mặn; cô đang được anh vỗ về, che chở. Thời gian trôi đi chậm chạp, tưởng không bao giờ dứt. Khi cô buông anh ra, nhìn lên thì thấy anh ngồi im như một bức tượng đá, đôi mắt mở ra nhìn cô, bao nhiêu xúc động, bao nhiêu ưu phiền, nhưng rồi anh không nhìn cô nữa mà nhìn về phía chân trời xa thẳm. Nơi đó có những cánh buồm chơi vơi như đang chìm dần vào lòng biển. Lát sau, anh quay lại, nhìn Liên và nói:
- Cảm ơn Liên! Nhưng Liên có biết trong lòng tôi nghĩ gì… Người tôi mang ơn sâu nặng nhất là mẹ của tôi. Nhưng tôi không thể lập gia đình cho mẹ yên lòng. Trong tôi còn có một hoài bão lớn… Tôi muốn làm một cái gì đó cho cuộc đời chung… Làm một cái gì đó… Tuổi trẻ của tôi đã sắp hết rồi… Liên có hiểu không?
- Em sẽ góp sức giúp anh hoàn thành cái nghiệp của mình mà? Em cũng làm nghề nhà giáo giống anh. Anh Hiếu ơi, - Liên lại bắt đầu khóc - Em chưa lấy chồng đâu? Kể từ cái ngày em được gặp anh ở bệnh viện Huế, biết anh đã cứu sống mình, lại đang âm thầm làm một việc từ thiện khó khăn nhường ấy, lòng em chưa bao giờ nguôi mến thương anh. Anh hãy cho em về với mẹ và anh, để trong suốt phần đời còn lại em sẽ đóng góp được gì…
- Liên không chịu nổi công việc của tôi đâu, - Hiếu ân cần nói - Nhưng đó sẽ là một công việc mà tôi sẽ làm cả đời. Đúng vậy! Càng ngày, tệ nạn nạo phá thai càng lan tràn trong xã hội hiện đại, biết làm sao ngăn được?… Xét cho cùng, tôi chẳng làm việc gì sai cả, tôi chỉ đi dọn sạch môi trường cho các bệnh viện thôi! Hơn nữa, tôi muốn nâng niu, trân trọng sự sống, không muốn vứt bỏ dẫu một giọt máu mà người đời đã nỡ bỏ đi. Tôi không chịu nổi điều đó! Mấy ai hiểu được tôi? Liên đừng nói nữa… Tôi đau lòng lắm… không chịu được…
Thầy Hiếu cười, nụ cười mà Liên không hiểu nổi; ánh mắt anh ưu tư nhìn mông lung tới tận chân trời, nơi ẩn hiện những cánh buồm xa tít. Mọi sự là do định mệnh sắp đặt, Liên làm sao có thể bước đi, khi cô đã tìm được một con người như Hiếu, con người khả kính mà cô thương mến suốt đời? Cô cảm thấy thực sự đau đớn và sợ hãi nếu như cô phải ra đi, đến với ngày mai dài dằng dặc mà không có Hiếu ở bên. Cô phải làm sao, phải làm sao!? Nhưng có điều, dù gì xảy đến, cô vẫn mãi mãi kính trọng anh và gìn giữ một tình yêu sâu sắc đã nảy nở trong trái tim mình từ những ngày xa cách! Khi hai người trở về thì ráng chiều đã tím lựng nơi thành phố. Họ dừng lại ăn cơm ở một quán cóc ven dòng sông Hương. Cầu Trường Tiền chín vài mười hai nhịp lộng lẫy bởi ánh đèn điện tử và quán xá trang hoàng. Cả vòng cung bắc qua sông trông như một áng cầu vồng bảy sắc chói lọi trong đêm. Những chiếc đèn lồng thả đầy mặt nước. Mỗi chiếc đèn lồng tượng trưng cho một niềm vui, cho một điều ước, Hiếu bảo. Chiếc thuyền rồng đi thong dong trong đêm, lặng lẽ trải niềm hy vọng lên đầy ắp cả đôi bờ. Liên cũng thầm gửi một điều ước vào những vầng hào quang ấy. Cô ao ước anh sẽ hạnh phúc vì tình yêu của cô. Cô lại khóc, vì để gìn giữ được tình cảm ấy, còn bao thử thách mà cô phải vượt qua. Những chiếc đèn lồng mang giữ ước vọng thầm kín của cô trôi đi lênh đênh và chìm vào sâu thẳm. Thành Huế trong đêm lung linh ánh đèn màu và vang lên tiếng nhạc buồn thương lãng đãng đến nao lòng. Thầy Hiếu đưa Liên hối hả về với Ngọc Hồ. Lúc này anh đang nghĩ gì Liên không đoán được. Mới có một đôi lần gặp nhau và trò chuyện cùng nhau, làm sao cô đủ sức hiểu rõ lòng anh? Thành Huế đã lùi lại phía sau. Con đường ven sông Hương hun hút gió. Những con người Ngọc Hồ vô danh đang lặng lẽ đón đợi những tấm lòng… Nơi đó có một mẹ già từng đêm ngồi bên mâm cơm chờ đợi đứa con trai và cả những đứa cháu tí hon chưa bao giờ được sống! Chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Xa con một ngày là lòng mẹ thấp thỏm không yên. Sống thêm được một ngày là cả một niềm vui dào dạt.
Đêm ấy, Hiếu trằn trọc không sao ngủ được, anh hết trở mình bên này rồi trở lại bên kia. Chốc chốc, anh lại nhỏm dậy nhìn ra cửa sổ. Ngoài trời, những vì sao đêm đã mọc. Những tiếng chim của vùng đồi núi kêu lảnh lót trong đêm khuya vắng. Anh âm thầm nhìn vào cửa buồng của mẹ.Trong đó, có một người con gái tốt. Phải chăng, anh đã có một thời tràn đầy mơ ước, khi anh còn trẻ, còn chạy thoăn thoắt trên mỏm đồi, còn thỏa thích vùng vẫy trên sông Hương… Nhưng rồi, cuộc sống đói nghèo, cơ cực, nhiều mặc cảm đã giúp anh xác định cho mình con đường riêng không giống với mọi người. Dẫu cả đời anh đi trên con đường đó anh cũng không bao giờ ân hận. Anh không còn mơ ước chuyện tình yêu… Nhưng tại sao hôm nay, đúng là hôm nay, một cô gái điên rồ đã đến, đã dành cho riêng anh nụ hôn cháy bỏng bên bờ biển quê hương, đã khiến cho tâm hồn anh đảo lộn, từ nay anh làm sao có thể sống như ngày xưa được nữa! Ước gì, anh mãi mãi được xiết chặt người con gái nhỏ bé, thân yêu ấy trong đôi tay chai sạn của mình, để thấy đời anh bớt cô độc, đắng cay? Để đêm đêm, anh thôi lắng nghe những tiếng côn trùng hoài hủy, nghe tiếng dòng nước sông Hương nặng nề đổ xuống, để anh khỏi một mình đốt lên ngọn lửa trên đồi, ngồi co ro suốt đêm nhìn cảnh vật đang lụi tàn trong bóng tối… Anh sẽ thôi cuốc đất một mình để chôn cất những linh hồn bé nhỏ, anh thôi ăn ngủ một mình, anh thôi chảy dòng nước mắt giá lạnh u buồn trong những đêm đông không ngủ… Từ thuở mẹ sinh ra, anh cũng là người đàn ông mạnh mẽ, khoẻ mạnh, theo đúng nghĩa đàn ông, chứ có thua kém ai đâu?… Càng nghĩ, anh càng nghẹn nghào, anh phải cắn chặt lấy chiếc gối để khỏi bật lên tiếng khóc. Cũng đã lâu rồi anh không được khóc. Tiếng khóc của người đàn ông hơn bốn mươi tuổi trông nó buồn cười lắm! Mẹ anh mà nghe thấy lại buồn, đời mẹ đã khổ quá nhiều rồi, những năm cuối đời mẹ cần được thanh thản. Còn Liên, tại sao em lại đến đây, đến giữa những năm tháng này, khi tôi tưởng tất cả như đã được an bài, chỉ việc thanh thản sống, chịu đựng và hy sinh? Tôi chỉ còn ước mơ sống đẹp lòng mẹ già, sống có ích trong cuộc đời thanh bần, và mai này nếu có điều kiện tôi sẽ đi tìm người nghệ nhân tốt bụng ấy. Tôi không mong ước gì hơn! Đúng vậy, tôi đâu dám mong gì… Tôi chỉ mong có vậy! Tôi đã tự tìm thấy niềm vui trong công việc, nếu không có tình thương và sự hy sinh thì không sống được, không làm được. Này này, xin em chớ đến gần, xin em hãy đi đi, đừng làm tôi đau khổ!… Nước mắt của người đàn ông chảy tràn trong đêm, anh gối đầu lên hai cánh tay, nằm sấp xuống, nghẹn ngào. Cứ như thế, anh thiếp đi lúc nào không biết.
Anh đâu biết rằng, đêm ấy, nằm bên người mẹ già, Liên cũng không sao chợp mắt được. Suốt đêm, cô nghĩ về mẹ và Hiếu, rồi lại nhớ đến cha mẹ mình ở thành Vinh và sau cuối, cô nghĩ về Hùng. Tình cảm yêu thầm nhớ trộm của cô đối với Hiếu vẫn còn nguyên vẹn đó! Nó làm cô đau đớn, trăn trở, như phải một mình lựa chọn quyết định một điều lớn lao lắm, mà không ai giúp sức. Nếu phải xa gia đình, từ giã công việc, bạn bầu ở thành Vinh, cô cũng sẵn sàng chấp nhận để ra đi, nhưng Hiếu có tình cảm gì đối với cô không? Anh đã chịu đựng quá nhiều, một con người như cô có thể làm biến đổi cuộc đời anh không? Anh có chấp nhận không? Cha mẹ, người thân có hiểu cho cô, người đời có ủng hộ cô không?… Những câu hỏi đó móc vào tâm can Liên làm lòng ruột cô đau nhói. Tất cả cần phải có thời gian. Vun đắp cho một tình yêu có khi phải dùng cả cuộc đời, phải nhẫn nại, hy sinh cả đời… Mấy ngày sau đó, trong khi giúp gia đình Hiếu những việc trong nhà, cô không nguôi cật vất lương tâm mình! Cô đã kể cho Hiếu nghe tất cả những chuyện của đời cô mười năm nay, thậm chí những sự kiện còn xa xôi hơn nữa. Đôi lúc, cô thấy tình cảm trong cô bị nhiễu loạn, cô vừa kính trọng Hiếu như một người anh trai, một người thầy, vừa thấy quý trọng anh như một người bạn vong niên, lúc lại thấy yêu anh tha thiết, bồi hồi. Có một cái gì bất ổn nhói lên, day dứt trong sự lựa chọn của cô. Một đêm, chính là đêm cuối cùng khi Hùng đến đón cô về Vinh, cô đã mơ một giấc mơ khủng khiếp.
Cô mơ cô bị lạc giữa khu rừng hoang vắng đã lâu rồi mà không tìm được lối ra. Buổi trưa nắng gắt, cô khát nước, cô bất chợt tìm được một dòng suối nhỏ trong xanh, chỉ có điều cô càng đi tới gần thì dòng suối lại càng lùi xa. Cô mệt quá, gục xuống ngủ thiếp đi trong nỗi lo âu mơ hồ. Cô tỉnh lại khi màn đêm đã bao phủ cánh rừng. Bầu trời tự dưng rất rộng và lấp lánh vạn vì sao, những ngôi sao ấy bỗng sà xuống thấp, tạo thành những hòn máu long lanh, tròn trịa, bóng bẩy, không thể vấy bẩn, không hề vấy bẩn, đột nhiên cô nhìn thấy đứa con của cô chập chững đi trên mặt đất, giữa những hòn máu xinh đẹp ấy. Cô dang tay ra ôm chầm lấy con, định thần nhìn lại thì cô đã ôm chầm được đúng một người, người đàn ông khổng lồ trong chuyện cổ tích mà cô đã đọc từ thuở xưa! Chớp mắt, trong hai bàn tay cô chỉ còn là dòng nước trong xanh mà cô đã thấy từ giây phút ban đầu. Cô bị ngập trong dòng nước ấy, cô chìm dần, cô tức thở, cô giẫy giụa, hét lên hoảng hốt và choàng tỉnh. Hiếu đang đứng bên giường cô, lặng câm, lầm lũi, như một bức tượng tạc bằng đá, chỉ có đôi mắt là sáng lấp lánh. Cô òa khóc, vùng dậy và bỏ chạy ra ngoài…
Rút cục, Liên nghĩ, cô đâu phải là một người có bổn phận phải đến để chung lưng đấu cật cùng anh! Cô nhạy cảm, mỏng manh như thế này thì làm sao cô thoát được sự sợ hãi đó? Không, cô sẽ không chôn vùi tuổi thanh xuân với những bào thai đã chết! Cô sẽ không ngủ nữa ở vùng núi đồi hoang vu lạnh giá chỉ có những linh hồn! Cô sẽ không hôn người đàn ông chỉ biết có mỗi việc nhại tiếng nước ngoài và quen đụng chạm đến máu huyết người đã chết!… ở thành Vinh, tất cả những điều tốt đẹp đang đợi cô, cha mẹ, người thân đang đợi cô, sự nghiệp công danh sáng sủa đang chờ cô, Hùng đang chờ cô với một tình yêu tha thiết và tương lai rạng rỡ… Cô không nên phụ lại niềm tin và hy vọng của mọi người. Nhưng mà… Chính Hiếu đã cứu sống cô! Giữa dòng đời đông đúc, tìm được một người bao dung độ lượng như anh thì khó tựa mò kim đáy bể. Cô sẽ không bao giờ tìm thấy, và cô sẽ ăn năn sám hối suốt đời… Cô biết vậy! Cô đã khóc những giọt nước mắt mà chính Hiếu cũng không hiểu rõ nguồn cơn! Khi Liên xin phép được nhấc mộ con lên để đem về Vinh an táng trong khu mộ gia đình mình thì Hiếu tỏ ra rất vui! Anh vừa mải miết đào ngôi mộ vừa đưa ống tay áo lau nước mắt. Nước mắt của người đàn ông kì lạ rỏ vào từng gốc sim mua đang mùa hoa tím. Tảng đá toát mồ hôi dưới ánh mặt trời. Người mẹ già đưa bàn tay gầy run run nhặt đất. Liên không nói nổi lời chia tay… Khi chiếc xe con của Hùng đón Liên về Vinh từ từ lăn bánh trên con đường thôn nhỏ xíu, Liên quay lại thấy thầy Hiếu đứng lặng như hóa đá nhìn theo. Trong chốc lát, lớp bụi đường xa đã che khuất bóng thầy. Liên gục vào thành xe nức nở. Đời Liên lại thêm một lần đánh mất. Cái gì đã mất là không tìm lại được!
Hùng đột ngột dừng xe. Đột nhiên, anh nhìn thẳng vào Liên, nói:
- Anh tôn trọng mọi quyết định của em, nhưng anh không bao giờ xứng đáng như thầy Hiếu được!
Liên sững người nhìn Hùng. Đôi mắt cô chợt nhòe đi; trong tâm thức cô lại hiện về những bình đá trắng muốt nối đuôi nhau, tinh khiết, thanh sạch, tròn trịa, sáng ngời và mái đầu người nghệ nhân tài hoa đã bạc. Liên có biết đâu, trong khoảnh khắc ấy, Hiếu cũng vừa nhận được tin tại một vùng quê xa xôi Thanh Hóa, người nghệ nhân tài đức ấy đã qua đời… Tiếng còi tàu đâu đó chợt vang lên, khiến Liên nghĩ tới một chuyến đi khác của mình, chuyến đi tiếp theo mà cô ý thức được rằng cô và người ấy chỉ có một cuộc đời để sống!…
Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2004.