Phượng làm cỏ bắp mướn cho cô Hảo. Giờ nghỉ trưa chị tranh thủ giặt đồ. Khi lộn cái quần tây của Tấn ra phơi chị thấy trong túi có gì cồm cộm bèn móc ra xem. Một xấp vé số. Mấy vé bên ngoài nhàu nát, những vé bên trong mềm èo, dính khắn nhau gỡ ra là rách. Phượng vào nhà lấy cái ghế đẩu ra sân để nguyên xấp vé số lên phơi. Chờ cho nó rao ráo chị mới gỡ ra từng tờ. Mười tám vé. Chín mươi ngàn . Hổng có tiền mà mua cho cố! Phượng bực bội cằn nhằn. Nhưng, khi nhớ lại chiều nay có thể trúng đặc biệt, trong lòng chị lại bừng lên một tia hy vọng. Vé số khô, Phượng xấp lại gọn gàng , cất vào túi.
Một giờ chiều. Phượng tới nhà cô Hảo ngồi chưa nóng đít thì chị Đẹp chị Thoa tới. Trưa hè trời nắng chang chang, gió im phăng phắc, trong nhà ngoài ngõ đều vắng vẻ tĩnh mịch, chỉ có cái nóng nung người và sao nắng lớp lớp hàng hàng chấp choá trong không gian trong suốt. Bốn chị kéo nhau ra rẫy như bốn nữ tu trầm mặc đang trên đường đi tìm chân lý. Phải làm trong vườn có bóng cây còn đỡ khổ, ngoài rẫy chỉ có nắng chan chát. Đám bắp lại mới cao ngang đầu gối, chẳng nhờ cậy được gì còn bị lá cọ quẹt vào mặt vào cổ rất khó chịu. Hảo mang găng tay, khăn đội đầu trùm kín cả cổ, đeo khẩu trang. Ba chị kia mặc đồ bộ bên ngoài khoát áo dài tay, đội nón lá. Họ vừa làm vừa nghe nhạc cát xét của Hảo mang theo. Đến bài "liên khúc nghèo" do ba nam ca sĩ hải ngoại trình bày, chị Đẹp nói với Phượng và Thoa :
- Ê! Ba thằng cà chớn ngạo tụi mình đó mấy bà?
Thoa cười :
-Tại bài ca nó vậy chớ bộ mấy chả biết tụi mình nghèo sao mà ngạo. Hén bà Phượng?
Phượng thở dài :
-Mấy chả ngạo tui chứ đâu ngạo hai bà. Dù sao hai bà cũng khá hơn tui, có đất có nhà đàng hoàng, còn tui… chỉ ở đậu với hai bàn tay trắng!
Thấy Phượng tủi thân, Đẹp và Thoa không nói nữa.
Nội dung bài "liên khúc nghèo" nghe ra thật giống cuộc đời của Phượng. Chị là con gái lớn trong một gia đình nghèo có năm con, một trai bốn gái. Theo kimh nghiệm dân gian, một gia đình như vậy đều nghèo hoặc đủ ăn chứ không thể khá giàu. Ngoài gia đình Phượng ra, ở ấp dưới còn có gia đình ông hai Be và bà út Di cũng giống y chang . Điều nầy có thể đúng cũng có thể không vì cả ba đều ít đất sản xuất mà phải nuôi đến bảy miệng ăn. Đây là thằng bạn nối khố của kiếp nghèo, nếu gia đình nào muốn khá giàu thì đừng bao giờ kết thân với nó.
Học chưa hết cấp hai Phượng đã phải nghỉ ở nhà làm mướn phụ tiếp cha mẹ nuôi bầy em. Cuộc sống cơ cực đã cướp mất cái tuổi thơ hồn nhiên hoa mộng của Phượng, cướp mất cái duyên dáng mặn mà của người con gái dậy thì rồi để lại trên thân thể chị một mái tóc cháy nắng, một làn da hãm phèn và đôi tay đôi chân chai sần thô kệch. Tủi cho thân phận nên khi bước vào lứa tuổi yêu đương, Phượng chỉ ước mơ và hy vọng có một tấm chồng kha khá, một mái ấm gia đình hạnh phúc và một tương lai sáng sủa hơn thế mà nó cũng mong manh như vạt nắng chiều tàn, héo úa như những bụi cỏ mà Phượng đã dẫy tận gốc rễ! Những gia đình giàu không ai hỏi cưới Phượng làm vợ cho con họ đã đành, những gia đình kha khá cũng không luôn. Khi Tấn đến coi mắt, ba chị thấy anh hiền lành, giỏi giang bèn khuyên chị ưng anh :
-Theo ba thấy thì thằng Tấn là thằng chồng tốt. Ông bà mình nói Đại phú do thiên, tiểu phú do cần, nếu tụi bây siêng năng cần kiệm, đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn.
Má chị thì tỏ ra an phận :
-Giày dép còn có số con ơi, duyên phận do trời định, con vua thì được làm vua; con sãi ở chùa phải quét lá đa thôi.
Chính câu nói nầy khiến cho Phượng căm thù định mệnh, oán trách tình đời đã quá bất công và tàn nhẫn đối với chị.
Khi biết tự mình khó kiếm được một cơ hội đổi đời, Phượng chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của chánh quyền địa phương và các tổ chừc từ thiện xã hội. Nhưng, hai cơ hội quí như vàng đã lần lượt trôi qua số phận vợ chồng chị như giề lục bình lặng lẽ trôi qua bến nước trước nhà. Số là. Cặp mé sông trên đầu ấp có một bãi bồi rộng khoảng trăm công. Lúc đầu bãi bồi nầy do xã và phòng công an huyện thay phiên quản lý, khai thác. Tuy nhiên, hai đơn vị nầy khai thác không hiệu quả, bãi bồi bị bỏ hoang một thời gian dài. Dân địa phương bèn đào ao chất chà nhử tôm, chỗ cao thì khoét lõm trồng trọt. Sau đó, một cán bộ huyện đứng ra hợp đồng bao ngạn ăn chia. Dân địa phương đấu tranh quyết liệt. Huyện thu hồi cấp cho những người đấu tranh, cho hộ nghèo và gia đình chính sách không đất sản xuất. Vợ chồng Phượng làm đơn xin nhưng không được cấp vì gia đình chị không thuộc diện nghèo. Trời đất! Không có tài sản, không có cục đất chọi chim mà không phải nghèo thì là gì? Trong khi đó những người được cấp đất đa số trước kia đều có đất nhưng đã sang bán ăn hết mới nghèo. Cá biệt, gần hai mươi hộ dân đấu tranh, hộ nào cũng có từ năm bảy công đến mười chín hai chục công! Gia đình cô Hảo là một trong số đó, đã giàu còn giàu thêm! Phượng khiếu nại. Té ra là do vợ chồng chị. Sau khi lấy Tấn, chị đã không cắt hộ khẩu về nhà chồng và sau khi vợ chồng ra riêng cũng không đăng ký hộ khẩu thường trú nên không đủ cơ sở pháp lý để ấp xét công nhận hộ nghèo!
Cơ hội thứ hai khi cái cồn non ở cuối xã đã nổi cao sắp bao ngạn được, Tấn bèn làm đơn xin tách hộ khẩu ra khỏi hộ khẩu của cha me, đăng ký hộ khẩu riêng để đón chờ được cấp đất nhưng xã không chấp thuận với lý do sẽ tạo gánh nặng cho xã! Mà dù Tấn có được làm hộ khẩu mới, được công nhận hộ nghèo cũng không bao giờ có cơ hội vì cái cồn non kia huyện đã không cấp cho người nghèo mà cho một số cán bộ cao cấp của huyện thuê đào ao nuôi cá tra mất rồi! Họ đều là… triệu phú, tỉ phú!
Đất bãi bồi trồng thứ gì cũng trúng. Bắp mập bằng nửa cườm tay. Đậu xanh tỉa ở đầu bờ lá bằng miệng chén, xanh đen. Vậy mà tụi thằng Quyến , thằng Xứng, thằng Ray… cùng bà Châu bà Thêm… chỉ làm lẹt quẹt vài tháng rồi cầm cố sang bán hết trơn dù khi nhận đất có làm cam kết không cầm cố sang bán, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi nhưng chẳng có ai nói gì đến họ. Thấy vậy cả chục hộ khác bắt chước làm theo. Những người khá giả trong xóm như chín Ất, hai Phèn và các đại gia như chủ tiệm cưa và sản xuất kinh doanh đồ gỗ năm Mai, chủ cơ sở bán vật liệu xây dựng bảy Lành, chủ cơ sở bán vật tư nông nghiệp sáu Chủ… cũng tranh nhau mua khiến giá đất được đẩy lên vùn vụt. Lúc đầu chỉ ba bốn chục triệu đồng một công, sau lên năm sáu chục, bảy tám chục rồi trên trăm triệu đồng. Với cái đà này, chẳng bao lâu, toàn bộ đất cấp cho người nghèo sẽ về tay các nhà giàu có và các đại gia hết trọi, trong khi vợ chồng mình chỉ ước mơ được một công thôi nhưng ước mơ đó sẽ không bao giờ biến thành hiện thực! Phượng cay đắng. Đây còn là một thiệt thòi nếu không muốn nói bất công đối với vợ chồng mình. Tại sao khi Tấn xin làm hộ khẩu riêng xã không cho với lý do sẽ tạo gánh nặng cho xã, còn những hộ nghèo bán đất trên chẳng những vi phạm cam kết còn có nguy cơ tái đói nghèo cao sao xã huyện không ngăn chận?
Băng nhạc đã hết nhưng dư âm đó đọng lại trong tiếng rào rào của lưỡi dao dẫy cỏ, trong tiếng lào xào của những chiếc lá bắp cứa vào mặt chị rất khó chịu. Giữa trời nắng có sao trông chị như một cái nấm rơm sắp tàn!
*
Năm giờ chiều. Nước lớn đầy sông. Gió nồm phơn phớt. Trời mát dịu. Nghe tiếng đài truyền thanh bên huyện phát vang, Đẹp nhắc Hảo :
-Năm giờ rồi chị Hảo ơi!
Hảo ngước nhìn mặt trời. Mùa này ngày dài đêm vắn. Dù đã hết giờ lao động nhưng Hảo vẫn tiếc của trời, mượn ba chị làm tiếp thêm vài lối cỏ nữa. Một lối cỏ rộng năm tấc, dài gần bảy thước kể luôn hai đầu lề. Ai làm giỏi lắm cũng mất mười lăm phút. Đẹp cằn nhằn :"Mần thêm vài lối nữa tối mẹ nó rồi còn gì?". Thoa và Phượng nín thinh, xách dao làm tiếp. Họ biết bị Hảo lường công nhưng không muốn mình là người nhỏ mọn, không muốn mích lòng hàng xóm vì gặt nhiều chứ mót bao nhiêu. Đẹp thì mặt mày bùng thụng không đáng nửa đồng xu.
Trong bốn người, Phượng làm giỏi nhất. Cùng bắt lối một lượt nhưng chừng năm phút sau chị đã bỏ ba người kia cả một thân người. Cái dao trong tay chị thoăn thoắt, dẫy cỏ ngọt sớt như lưõi gươm máy chém đầu tội nhân. Chị chẳng những làm nhanh còn làm thật chín nên bà con trong xóm ấp kêu làm không kịp. Tuy nhiên, làm hết đợt nầy phải đợi môt hai tháng sau mới quay trở lại. Vài chủ vườn còn bày đặt xịt thuốc cỏ thành thử thu nhập của chị cũng khá thất thường. Những lúc thất nghiệp, mọi chi phí trong gia đình đều trông cậy vào tiền đưa đò của Tấn.
Làm hết lối cỏ thêm, chị chưa vội bắt lối khác mà ngồi chờ, mắt ngó xa xăm. Đẹp làm xong đứng dậy cương quyết đi về buộc lòng Hảo phải cho hai chị kia cùng về. Ba chị bước đến mé mương khoát nước rửa dao, rửa tay, rửa mặt rồi kéo nhau đi một hàng dọc về nhà. Bóng của họ ốm nhách, dài thoòng kéo lê sau lưng, uốn lượn theo từng bờ dưa liếp cải. Họ vừa đi vừa nói về Hảo.
-Chị Hảo coi được quá mà ở giá thiệt uổng hén mấy bà? Thoa nói. Hổng biết chỉ tuổi gì mạng gì lại lận đận đường tình duyên đến thế?
Vốn có ác cảm với Hảo, Đẹp trề môi đanh đá :
- Xí! Nó một tuổi với chị Hai tui đây chớ đâu. Cung mạng gì sao chị Hai tui có chồng có con ? Nó ế độ là tại tham lam, điệu hạnh còn khụ nụ như bà cụ non. Cưới nó về đặng làm mẹ Trần Minh thì được chớ cưới làm vợ thì không ai dám.
-Bà sao ác mồm ác miệng quá! Thoa nói. Kể ra cũng tội nghiệp chỉ. Ông bà mình từng nói năng may hơn dày giẻ, bán rẻ hơn ngồi không, có chồng hơn ở giá. Cái khổ của người ở giá là khi trở về già không biết trông cậy vào ai, ốm đau không ai hoạn dưỡng.
Đẹp vẫn không chịu buông tha :
- Nè, chưa chắc đâu nghen. Nó ở giá vậy chớ ngon hơn tụi mình đó. Tụi mình như trâu có dàm, có thằng chăn còn nó thuộc loại rút mũi thả lan, nay cho thằng nầy cỡi mai cho thằng khác cỡi hổng sướng lắm sao?
- É! Đàn bà con gái ai làm kỳ cục vậy nà? Thoa giẩy nẩy.
- Biết đâu chừng? Đẹp chọc hai bà bạn. Tui còn nghe người ta xầm xì ông Răng ông Tấn cũng có cỡi nữa đó nghen. Nhất là ông Tấn, ba bốn giờ khuya chèo đò cho nó đi bán đồ. Cô nam quả nữ trên chiếc tam bản giữa đêm thanh vắng mà không lủi vô đám bần mần ăn tui mới sợ!
Nãy giờ Phượng nín thinh nghe hai bà bạn nói chuyện. Giờ bị Đẹp chọc chị mới lên tiếng :
-Lo cho ông xã bà kìa. Ông xã tui đã nghèo rớt mồng tơi còn đen như ông táo tàu
lại già háp nữa ai thèm mà sợ.
- Hổng dám đâu! Tắt đèn trắng cũng như đen; gừng càng già càng cay, người càng già càng dai chớ bộ?
Đẹp cười ré lên thích thú. Thoa nhăn mặt trước lời nói trây trúa của Đẹp :
- Cái bà quỉ nầy bữa nay ăn trúng giống gì mà nói bậy nói bạ ghê ta ơi. Tui nhớ hồi trưa chị Hảo cho tụi mình ăn đậu hoe xào chớ có phải môn nước đâu mà bả ngứa miệng, hén bà Phượng?
Phượng chỉ cười trừ. Tấn chèo đò đưa khách , chở hàng từ chợ nổi vô chợ bộ và ngược lại. Anh đi từ ba bốn giờ sáng, trưa về ăn cơm nghỉ ngơi giây lát lại đi tới năm sáu giờ chiều. Do dang nắng dầm mưa tối ngày nên thân thể anh có hai màu. Cái mặt, cần cổ và đôi tay từ cùi chỏ trở xuống có màu đồng hun, phần còn lại trắng tươi. Vì vậy mà trông anh cằn cỗi, già trước tuổi dù mới ngoài ba mươi. Khi bán chút đỉnh đồ vườn, Hảo thường kêu Tấn đưa đi cho anh có thêm thu nhập chứ nhà cô đầy đủ cả vỏ tàu lẫn tam bản. Đẹp mượn cớ chọc ghẹo Phượng chứ Tấn là người chồng tốt, siêng năng cần mẫn, biết lo cho gia đình, ngặt vì không có đất, không có vốn nên như con gà què tối ngày xẩn bẩn bên chiếc cối xay, lượm từng hột lúa hột gạo đổ chứ không thể ra vừơn bươi quào kiếm trùn dế. Thấy gia đình nghèo túng, vợ con cơ cực anh rất khổ tâm. Không tạo được một mái ấm gia đình hạnh phúc, vợ con không được ăn sung mặc sướng là thất bại lớn nhất của một thằng đàn ông. Tấn thường trách mình như vậy.
Ba người vô tới trước cổng nhà Hảo thì gặp thằng Tí bán vé số đi ngược lại. Đẹp hỏi Tí :
- Số đầu mấy mậy ?
- Ba mươi hai. Tí đáp.
Đẹp mừng rỡ hỏi tới :
-Thiệt hả ? Đâu đưa sổ dò tao coi ?
Tí đưa sổ dò cho Đẹp. Chị lướt mắt qua một lượt rồi nói như reo :
- Đã quá! Đã quá ! Trúng được hai lô mấy bà ơi!
Thoa suýt xoa :
- Bà nầy lẩm rẩm trúng số đề hoài ta ơi? Được bao nhiêu?
- Một trăm bốn chục ngàn. Tui nằm chiêm bao linh thiệt, thấy tôm ra tôm, thấy rắn ra rắn. Phải hồi sáng còn tiền tui trúng ít gì cũng bốn ngàn tiền xác.
Trực nhớ lại xấp vé số hồi trưa, Phượng móc ra mượn thằng Tí dò dùm. Nó coi rồi nói cho chị biết vé số cũ mấy ngày qua. Chị hơi ngượng cho cái tính sớn xa sớn xác của mình. Xấp vé số đó không phải Tấn mua mà anh lượm của người ta dò rồi để dành… đi cầu. Phượng rất ít mua vé số. Hồi còn hai ngàn một vé thỉnh thoảng mua một hai vé chứ từ khi lên năm ngàn đến giờ không hề mua vé nào. Đánh đề thì mù tịt. Nghe Thoa nói Đẹp trúng số đề hoài, chị tò mò hỏi Đẹp :
- Đánh đề dễ hông bà?
- Dễ ợt. Đẹp vừa đi vừa giải thích cho Phượng nghe cách thức đánh đề, bàn đề. Phượng hỏi Đẹp mua ở đâu. Đẹp nói :
- Con Út, con Thanh, con Lựa bán vé số dạo đều có ghi cho thầu ăn huê hồng nhưng tụi nầy hổng chắc ăn, đã chung chậm còn hay xin xỏ ngắt véo. Nếu bà muốn
chơi tui chỉ cho mấy chỗ đã lắm, trúng đem lai tới chung liền, hổng thiếu một xu.
- Chỗ nào?
- Ở ấp mình có năm Thà, ấp dưới có bà Điệp và thằng út Mười.
- Út Mười nào? Có phải em bảy Tuôi không?
- Nó chớ ai.
- Bà nói sao chớ anh ruột làm trưởng ấp mà em dám bán số đề à?
Đẹp cười khẩy :
- Mắc mớ gì hổng dám? Ai làm gì nó mà hổng dám? Nó còn giở mười mấy hai chục ngàn một con nữa đó bà.
Khi lâm vào bước đường cùng người ta thường hay tìm vận may trong các cuộc đỏ đen, nhất là đánh đề, mà không biết đó là con đường dẫn họ vào tử lộ. Như vợ chồng ba Cang thua đề bán hết đất vườn dọn về ở đậu nhà thằng rể, chết cũng chôn nhờ đất nó. Gặp nhằm thằng rể lựu đạn sét, lúc tỉnh táo chẳng nói gì, khi say xỉn chửi nát ông già vợ báo cô và cái mả ăn hại nằm choáng đất, phải để chỗ đó trồng cây ớt cây cà cũng có tiền mua rượu uống. Chửi đã rồi xách búa ra đập cái mả! Cũng có nhiều người không chịu làm ăn lương thiện, lười lao động như hai Nhàn sáu Kỷ…Hồi nào áo lượt quần là, chân giày chân dép mà bây giờ lặn móc từng thùng đất mướn, vợ con dang nắng dầm mưa mua đầu chợ bán cuối chợ. Đau nhất là sáu Mẫn. Vợ giáo viên, chồng săn sóc vườn cam và chạy xe ôm, cuộc sống rất ổn định, vì mê ba mươi sáu con đề mà bán xe cầm đất, bị vợ li dị phải đi làm cu li thợ hồ đổi chén mồ hôi lấy chén cơm. Phượng cũng vậy. Chị bước vào con đường cờ bạc như đứa trẻ sơ sinh biết trườn, biết bò, biết đi, biết chạy. Lúc đầu chỉ chơi cho vui, khi nào có nằm chiêm bao thấy cái gì đó mới đánh bậy vài con số đầu đuôi thôi. Thỉnh thoảng cũng có trúng. Người ta nói số đề là số ma. Ai bước vào con đường nầy sẽ bị cái ma lực của nó dẫn đi thổi lỗ tai cũng không rứt ra được dù thua nhiều hơn thắng, lỗ nhiều hơn lời. Từ ngày biết đánh đề, đêm nào Phượng cũng nằm chiêm bao. Trong chiêm bao, thấy bất cứ điều gì cũng có thể bàn ra thành số.
Chưa hết. Nếu bất ngờ gặp những hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra giữa ban ngày như nhện sa trước mắt hoặc rắn rít bò ngang đường đều cho là điềm hên. Thậm chí thấy một đứa trẻ con trật quần đái ỉa trước mặt cũng đánh! Con trai đánh số không một, bốn mốt, tám mốt. Con gái đánh số không hai, bốn hai, tám hai. Phượng càng ngày càng lậm. Thấy đánh đầu đuôi chỉ có hai đường trúng còn bao lô đến mười tám đường Phượng bèn quay sang bao lô. Làm mướn mỗi ngày hai chục ngàn đánh đề hết mười bốn ngàn. Phượng cháy túi. Hết ai kêu làm mướn thì lấy tiền chợ của Tấn đưa. Mà Tấn đâu phải cái kho hay cái máy in tiền. Qua mùa thu hoạch trái cây, chợ nổi không còn đông đúc nên đưa đò cũng ế. Gia đình ngày càng túng hụt, Phượng phải đi chọc bắp chuối, cắt rau muống bán kiếm tiền đánh đề. Chuyện nầy làm các chủ vườn bực bội. Có nhiều bắp chuối chưa trổ hết giải đã bị Phượng chọc sạch. Hôm nào không kiếm được bắp chuối thì vay mượn. Trong xóm chỉ có cái miễu thổ thần là Phượng không mắc nợ thôi.
Tấn hoàn toàn không hay biết Phượng đánh đề, thiếu nợ. Mãi đến một hôm anh
bị cảm nghỉ đưa đò, Phượng đi làm cỏ. Chỉ trong buổi sáng mà có ba người đến đòi nợ. Tối. Tấn hỏi Phượng :
- Em làm gì thiếu nợ dữ vậy Phượng?
Biết ở nhà đã có chuyện, Phượng tránh né :
- Thì ăn xài trong nhà không chớ em đâu có làm gì.
Tấn nhìn thẳng vào Phượng :
-Thiệt vậy không? Sao trước kia hổng có?
Phượng hơi chột dạ nhưng vẫn nói cứng :
- Tại trước kia vật giá chưa tăng. Từ ngày xăng dầu lên giá mọi thứ đều lên theo,
mỗi thứ một ít. Anh hổng đi chợ mua sắm nên hổng biết nỗi khổ của đàn bà. Mấy lúc gần đây cũng ít người kêu em mần cỏ.
- Anh đồng ý mọi thứ đều lên giá nhưng so sánh mức sinh hoạt của gia đình và số nợ em thiếu thì không tương xứng chút nào. Còn tiền anh đưa cho em hàng ngày đâu? Em giải thích sao về việc nầy?
Trong những lần cãi vã trước, lúc nào phần thắng cũng thuộc về Phượng khi chị to tiếng. Nay, thấy tình hình căng thẳng và có nguy cơ bại lộ cao chị liền giở chiêu bài cũ, nạt dộng vào mặt Tấn :
-Bộ mấy chục ngàn của anh lớn lắm sao chớ? Bộ anh nói tui lòn tiền về cho cha mẹ tui sao điều tra tui như công an điều tra tội phạm vậy? Ăn xài trong nhà tui nói ăn xài trong nhà, hổng có gì phải giải thích, tin hay không tuỳ anh.
Trước thái độ hung dữ của Phượng, Tấn vẫn dịu dàng :
-Anh không nói em lòn tiền về cho ba má mà nghĩ….
-Nghĩ gì?
-Em đánh đề!
-Ai nói tui đánh đề ?
Tấn móc túi lấy ra hai tờ lai ghi đề, khẳng định :
-Em nói và cái nầy làm chứng.
Phượng liếc mắt nhìn. Sự thật đã rõ mười mươi. Đáng lẽ Phượng nhận lỗi, xin lỗi Tấn đàng này chị đứng phắt dậy, chống nạnh hai quai, lõ mắt nhìn Tấn, nói như hét :
-Ừ! Tui đánh đề đó? Tui thiếu nợ đó? Ai làm gì tui?
Nói xong Phượng hậm hực đi te te ra sân. Tấn đứng lên vừa đi theo vừa nói :
-Không ai làm gì em, anh cũng không làm gì em mà chỉ nhắc em cờ bạc là bác
thằng bần và khuyên em hãy dừng lại, đừng chơi nữa. Nếu em không chơi nữa anh sẽ
bỏ qua tất cả chuyện cũ đó Phượng.
Phượng quay lại xỉa xói vào mặt Tấn :
-Hứ! Anh là cái thá gì mà nói cầu cao? Tui nói thiệt, tui đánh đề là tại anh đó. Tui rất ân hận và xấu hổ khi lấy anh, một thằng đàn ông bạc nhược không nuôi nổi vợ con. Nhìn chồng người ta thấy phát ham. Vợ con ở nhà tường, đốt đèn điện, nấu bếp ga. Còn vợ con anh bảy tám năm nay hưởng được những gì ngoài cái nhà lá tồi tàn, đốt đèn dầu lù mù, ăn kho khô quẹt, mặc toàn đồ cũ đồ dạt của người ta cho? Anh không lo nổi để tui lo, nợ của tui để tui trả, anh lấy quyền gì trách tui, cấm cản tui?
Sợ làm to chuyện hàng xóm chê cười, Tấn quay vào nằm dài ra giường, gát tay lên trán, mặt buồn dàu dàu. Đối với Phượng bây giờ tiền là trên hết, tiền mới tạo được một mái ấm gia đình hạnh phúc còn mình chỉ là một thằng đàn ông bạc nhược. Tại sao Phượng không thông cảm cho mình? Lỗi đâu phải tại mình? Nếu nói xa thì do thiên mệnh nhưng mình đã tận nhân lực rồi Phượng chẳng thấy sao! Nếu nói gần thì do giòng họ. Cái nghèo đã đóng băng giòng họ từ đời ông, đời cha đến đời mình mà mình không có tàu phá băng làm sao thoát ra? Xã hội không quan tâm giúp đỡ làm sao thoát nghèo? Còn nếu nói theo luật nhân quả thì do kiếp trước ông cha mình và mình đều là những tên nhà giàu tham lam, keo kiệt làm rất nhiều điều ác đức sát nhân cho nên kiếp nầy bị trả báo là lẽ tất nhiên. Tấn thở dài thườn thượt.
Lát sau Phượng cũng vô buồng. Căn nhà chìm trong im lặng nặng nề dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn chong. May là thằng Tới ở nhà nội đi học. Nếu không, tâm hồn trong trắng của nó sẽ dính một vết nhơ do chính mẹ nó gây ra.
*
Một buổi xế chiều. Phượng xách câu liêm, giỏ ni lông đi rảo hết vườn người nầy đến vườn người khác kiếm chọc bắp chuối. Đến vườn của sáu Gọn, chủ doanh nghiệp tư nhân có ba cây xăng, Phượng thấy bốn năm mụt măng tre tàu mập ù non nhuốt liền nổi máu tham. Măng tre đầu mùa mười mấy ngàn một ký, Phượng liền dùng câu liêm cắt bốn mụt lớn. Bốn mụt nầy tệ lắm cũng năm ký. Cắt xong mụt cuối cùng thì bị sáu Gọn ra thăm vườn bắt gặp. Sáu Gọn nổi tiếng hảo ngọt và lăng nhăng với đàn bà giá. Tuy nhiên, ông ta cũng là người rộng lượng, hào phóng.
Bị bắt tại trận, mặt mày Phượng sượng trân. Sáu Gọn hất hàm hỏi :
-Nghèo lắm sao đi chọc bắp chuối và ăn trộm măng của người ta vậy cô Phượng?
Phượng lí nhí xin lỗi :
-Con xin lỗi chú, con mới lỡ lần đầu xin chú thông cảm tha lỗi cho con.
Sáu Gọn bước tới nhìn vào bụi tre, nói :
-Tui hổng biết à? Một lần bắt được chín mười lần không. Dấu cắt lềnh khênh nè? Phượng năn nỉ :
-Con nói thiệt mà chú Sáu. Mấy dấu cũ ai cắt chớ hổng phải con. Nếu chú hổng tin con xin thề.
Sáu Gọn đưa tay ngăn lại :
-Khỏi thề. Kẻ giả dối thường hay thề thốt, bộ cô thuộc hạng người đó sao, cô Phượng?
Phượng cúi đầu nín thinh. Đàn bà con gái thường hay làm dáng để tăng cái duyên cái đẹp của mình. Cũng có nhiều bà nhiều cô không hề làm dáng nhưng vẫn có những nét tự nhiên khiến người ta chết mê chết mệt. Chẳng hạn như Phượng. Cái vẻ sợ hãi lẫn sượng sùng của kẻ trộm bị bắt quả tang đã làm cho con tim lão già háo sắc rung động. Lão ta đứng nhìn Phượng trân trân, miệng cười tủm tỉm.
-Lúc nầy làm mướn, đưa đò ế ẩm lắm hả Phượng? Giọng sáu Gọn dịu hơn.
-Dạ. Phượng nhỏ nhẹ.
-Sao không kiếm cái gì mua bán mà đi chọc bắp chuối, cắt rau muống có bao nhiêu tiền?
-Dạ, con hổng có vốn. Phượng than.
-Vài trăm ngàn cũng hổng có nữa sao?
Thấy sáu Gọn vừa nói vừa cười Phượng bớt lo, kể hết hoàn cảnh của mình cho ông ta nghe. Chị cũng biết ông ta rất hảo ngọt và rộng lượng hào phóng nên cố tình tả oán và giả bộ màu mè để đánh động tính háo sắc và lòng hảo tâm của ông ta. Nhưng, nếu Phượng là vỏ quít dày thì sáu Gọn là móng tay nhọn. Ông ta đã để ý và biết quá rõ về người đàn bà nghèo khổ đam mê cờ bạc nầy. Hiện tại, cái thứ cần thiết nhất đối với chị ta là tiền thì tại sao mình không thể lợi dụng điểm yếu của chị ta? Tuy chị ta không còn như ngày xưa nhưng cái thân hình thon thả đầy đặn của người đàn bà một con hãy còn hấp dẫn, hãy còn kích thích lắm. Hơn nữa, thưởng thức đệ tam khoái theo kiểu vợ chồng bình thường hoặc theo kiểu ăn bánh trả tiền không sướng bằng lén lút vụng trộm. Nghĩ thế nên sáu Gọn quyết định thực hiện kế hoạch chiếm đoạt Phượng bằng tiền. Ông ta ngon ngọt bỏ mòi :
-Hoàn cảnh của cô rất đáng thương. Làm mướn ở vườn đâu có chừng đỗi gì, giá nhân công lại rẻ mạt.
Chèo đò cũng bấp bênh, mái chèo ướt mới có tiền ăn, mái chèo khô thì… treo mỏ. Thật tiếc cho cô, phải hồi đó lựa người chồng… kha khá như tui chẳng hạn, thì đâu đến đỗi đoá hoa cúc biến thành đoáhoa lục bình nổi trôi trên sóng nước?.
Nói xong ông ta đưa mắt nhìn Phượng chờ xem phản ứng. Phượng nhìn lại ông. Trong ánh mắt của chị ông không thấy có sự bực bội hay khó chịu nào mà chỉ thấy một nỗi u buồn da diết. Ông ta mạnh dạn tấn công :
-Tui rất thương người và từng giúp đỡ những người khốn khó như cô, vậy mà thiên hạ cho tui là người lợi dụng. Cô thấy có oan cho tui không? Đành rằng thi ân bất cầu báo nhưng đời mà, có qua có lại mới toại lòng nhau phải không Phượng? Người ta không có tiền bạc của cải thì người ta dùng tình cảm đáp lại lòng tốt của tui, nếu tui không nhận làphụ lòng họ, như vậy cô nghĩ coi tui có phải là người lợi dụng không?.
Phượng lắc đầu :
-Thần thánh hưởng lộc của bá tánh, thầy tu hưởng của cúng dường của tín đồ còn phải ban phước lành và tụng kinh cầu an cho họ thì huống gì người phàm chú Sáu?
Sáu Gọn mừng như mở cờ trong bụng. Bước đầu như vậy là đã thành công. Ông ta kết thúc :
-Nếu cô thông cảm được nỗi lòng của tui thì tui sẳn sàng giúp đỡ cô hết nghèo hết khổ. Cô nghĩ sao?
Phượng nhìn sáu Gọn dè dặt :
-Nếu chú có lòng tốt vợ chồng con cám ơn chú.
Sáu Gọn cười tươi rói, nói một câu đầy ẩn ý :
-Ơn nghĩa gì, miễn Phượng hiểu tui được rồi.
Trước khi về, Phượng ngồi xuống ôm bốn mụt măng, ngước lên nói :
-Để con đem mấy mụt măng vô chòi, hồi nữa chú Sáu đem về dùm con.
-Thôi, đem về đi. Mai mốt có ăn cứ ra mà xắn. Sáu Gọn thả miếng mồi đầu tiên.
Sau đó thì bắt đầu lột quít. Ông không lột từng mảng lớn mà lột từng miếng nhỏ xíu. Nói cách khác, Phượng là bệnh nhân còn ông ta là bác sĩ đang truyền nước biển cho chị. Nhỏ giọt. Nhỏ giọt. Tội nghiệp người đàn bà mới hăm tám, ru rú như gián làm sao đấu lại lão già năm mươi từng trải và nếm đủ mọi thứ mùi đời. Chẳng bao lâu Phượng bị ông ta khống chế hoàn toàn.
Chòi giữ vườn của sáu Gọn khá kín đáo. Tại đó, Phượng đã đem cái vốn tự có của mình vừa trả nợ tình cảm vừa móc túi sáu Gọn lấy tiền đánh đề, ăn xài chưng diện. Để che mắt thế gian và tạo điều kiện ái ân , Phượng vẫn đi cắt rau muống, chọc bắp chuối và làm cỏ mướn như thường ngày. Người đẹp vì lụa, Phượng càng ngày càng trẻ đẹp ra. Chị cũng vô tình đánh trúng tâm lý ăn vụng của ông ta, tạo ra cảm giác nửa sung sướng nửa hồi hộp khiến ông ta mê Phượng như Trụ vương mê Đắc Kỷ. Lần đầu tiên ông già từng trải trên con đường tình ái bị người đàn bà đáng tuổi con mình mê hoặc hoàn toàn. So với hai người vợ bé đàn bà giá sồn sồn trước kia Phượng được ông ta sủng ái hơn, hào phóng hơn rất nhiều. Phượng còn trúng thêm số đề, lại trúng lớn nữa chứ. Có tiền rủng rỉnh Phượng trang trải hết nợ nần, mua sắm ăn xài phủ phê và… vải vào mặt Tấn một cách thách thức, tự hào. Từ đó, Phượng coi thường Tấn ra mặt. Muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi không cần báo cho Tấn biết. Tấn nhịn nhục. Sẽ có ngày Phượng phải hối hận. Đồng tiền do cờ bạc mà có không bao giờ bền vững vì khi thua lại ngoại trừ mồ mả của cha mẹ mới không thể bán được mà thôi.
*
Chung quanh khu vườn của sáu Gọn được rào bằng kẽm gai để phòng ngừa bọn trộm cắp và những người rà điện, bắt ốc hái rau vào phá phách. (Đây cũng là người bảo vệ khá an toàn cho những lần hò hẹn của ông ta và Phượng).Trên thực tế, hàng rào chỉ có tác dụng đối với người ngay chứ không ngăn chận nổi kẻ gian. Chúng đã vạch một lỗ ở cuối vườn.
Một buổi trưa, Đẹp theo lỗ rào bị vạch vào vườn sáu Gọn mò ốc lén. Do ít người mò nên ốc khá nhiều và lớn cỡ cườm tay. Mò hơn nửa thau Đẹp thấy Phượng tay xách câu liêm, tay xách giỏ ni lông từ cửa chính đi từ từ vào hướng chòi giữ vườn. Đến chòi, Phượng dựng câu liêm, để giỏ cạnh đầu song. Đẹp định kêu Phượng nhưng thấy chị ngó dáo dác, có ý chờ đợi ai đó nên thôi. Lát sau, sáu Gọn mặc áo thun ba lỗ, quần sọt, xăng xái vào vườn. Ông ta cười toe toét khi thấy Phượng từ xa. Đẹp không mò ốc nữa, núp vào bụi cỏ dựa mé mương quan sát. Từ chỗ chị đến cái chòi khá xa nên chị không nghe họ nói với nhau những gì. Nói chuyện một hồi, sáu Gọn nắm tay Phượng kéo vào chòi. Phượng ghì lại, lắc đầu, khoát tay và nói gì đó có ý từ chối. Sáu Gọn tỏ vẻ thất vọng, đưa mắt nhìn toàn thân Phượng với ánh mắt thèm thuồng pha lẫn tiếc rẻ. Dù không nghe được nhưng qua cử chỉ của họ, Đẹp biết sáu Gọn muốn gì và Phượng nói gì. Không được thoả mãn, sáu Gọn bèn ôm Phượng hôn tới tấp, tay sờ mó lung tung. Phượng xô ông ta ra, ngó dáo dác, vẻ lo sợ. Khi ánh mắt của Phượng hướng về phía Đẹp, chị hoảng hồn thụp xuống thật nhanh, nếu không Phượng sẽ thấy chị ngay. Hai người đứng nói chuyện một hồi lâu Phượng mới xách câu liêm, xách giỏ đi kiếm chọc bắp chuối vòng vòng trong vườn báo hại Đẹp núp muốn chết.
Đẹp là cái mõ làng. Chuyện gì chị ta biết sớm muộn gì cả xóm cũng biết. Ngay chiều đó chị ta đến nói hết cho Thoa nghe rồi khẳng định :
-Tui chắc chắn con Phượng lấy thằng cha sáu Gọn.
Thoa dè dặt :
-Tam bôn khỏi lỗ vỗ vế, bà đừng nói bậy bạ coi chừng lạy người ta đó nghen. Sáu Gọn nổi tiếng "sư phụ" bà hổng nhớ à? Biết đâu chừng ổng gặp con Phượng bất ngờ ở
chỗ vắng vẻ rồi nổi máu dê làm bậy thì sao?
Đẹp lắc đầu :
-Bà nói vậy còn tui nghĩ khác. Con Phượng hiện giờ thắt ngặt dữ lắm. Nợ nần tứ tung lại lậm số đề hết thuốc chữa. Cũng có thể nó lấy sáu Gọn để moi tiền ông ta lắm chớ?
-Tui nghĩ không đâu! Nếu nó ngoại tình sao không chịu vô chòi với sáu Gọn?
-Có tui ở đó làm sao nó dám vô?
-Hồi nãy bà nói họ không thấy bà sao bây giờ bà nói thấy? Thoa chưng hửng.
Đẹp cười hì hì :
-Tui quên.
Thoa khẽ thở dài :
-Kể ra cũng tội nghiệp con Phượng vì mê cờ bạc mà ra nông nổi. Thoa quay qua Đẹp. Nếu con Phượng thật sự hư thân là tại bà làm cho nó hư.
Đẹp trố mắt nhìn Thoa :
-Mắc mớ gì tới tui?
-Tại bà chỉ vẽ cho nó đánh đề.
Đẹp cự nự :
-Bà nói cái đó mới bậy. Tui chỉ cho nó biết chớ đâu có xúi nó đánh. Như tui với bà đều biết mà có ai lậm thầy chạy như nó đâu. Tại nó ngu nó chịu sao lại đổ thừa tui?
Chuyện Phượng và sáu Gọn nói chuyện ngoài vườn nhanh chóng lan truyền khắp xóm. Đây là vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị nên người ta xầm xì nhau thôi. Chỉ có Đẹp lúc nào cũng âm thầm theo dõi để bắt tại trận mới nghe dù chị ta không có gì với sáu Gọn, nói nôm na thì Đẹp thuộc loại … ghen hàng xáo. Cảm nhận được mối nguy hiểm rình rập sau lưng, Phượng hạn chế và dè dặt khi muốn quan hệ với sáu Gọn.