Lịch sử là một con đường thẳng. Biến cố lịch sử là một đoạn đường cong. Đường cong đó là một bước ngoặc, một khúc quanh làm cho lịch sử chuyển mình và đổi hướng. Bước ngoặc có thể chỉ là ánh chớp như ánh chớp của hai trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, năm 1945. Hay có thể chỉ là mấy tiềng đồng hồ sương mù dày đặc quyết định số phận của Napoléon trên chiến trường Waterloo năm 1815. Khúc quanh có thể là Ngô Quyền chiến thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288 chấm dứt hơn nghìn năm nô lệ Trung Hoa.
Khúc quanh dài của giáo sử Phật Giáo Việt Nam cận đại quặn mình trong bao nhiêu năm, qua nhiều thế hệ, bỗng bùng lên với ngọn lửa bi tráng Thích Quảng Đức. Lúc âm ỉ, lúc dâng trào nhưng dòng tinh huyết của ngọn lửa từ bi đó vẫn còn thắp sáng cho đến hôm nay.
Những khúc quanh lịch sử thường có tính quyết định, năng động và quyền biến rõ ràng vì lịch sử là tập đại thành của một chuỗi mất còn, được thua về quyền lực.
Nhưng những khúc quanh nhân văn mang nội hàm tư tưởng và tâm linh như triết lý, tôn giáo thường khi ẩn, khi hiện; lúc mơ hồ, lúc cụ thể trải dài qua nhiều thế hệ.
Khúc quanh hiện tiền của Phật Giáo Việt Nam là kết quả của một tiến trình sống đời và sống đạo đã kéo dài qua 4 thế hệ: Thế hệ Ôn (Ông, Cố), thế hệ Cha, thế hệ Con và thế hệ Cháu. Cái gốc phát sinh khúc quanh đó luôn luôn là tác động của nguyên lực hay hợp lực của ba thế lực đồng thời: (1)Thế quyền ở vị thế lãnh đạo; (2) thần quyền có ưu thế với thế lực cầm quyền; (3) nhóm phái và cá nhân trong tôn giáo, hoặc mượn tôn giáo như một phương tiện chính trị hay kinh tế. Nếu thế lực xâm lăng chính trị như Pháp đã dùng chiến lược “chia để trị” về mặt chính trị thì thế lực áp bức hay mua chuộc tôn giáo lại thường dùng chiến thuật phân hóa nội bộ bằng chính người nội bộ. Trong kinh Đại Niết Bàn, đức Phật đã từng nhắc đến thảm họa “chỉ có loài sâu bọ đã sống trong cơ thể con sư tử mới ăn thịt con sư tử đó dễ dàng và nhanh chóng nhất. (Sư tử trùng thực sư tử nhục.)
Thế hệ “Ôn” trong hàng giáo phẩm cao cấp của Phật Giáo Việt Nam hiện nay còn được mấy vị và đâu là vai trò của quý ngài đối với đất nước, dân tộc và đạo pháp? Câu trả lời tưởng chừng như rất dễ dàng và đơn giản bởi vì thế hệ Ôn (cố) thì đã và đang lên hàng đại lão hoà thượng, nổi lên chót vót trong rừng thiền đại thụ Việt Nam nên có thể mọi người đều thấy. Nhưng đấy chỉ mới là nhận diện; còn nhận chân được tầm ảnh hưởng, tác động trực tiếp và gián tiếp vào khúc quanh lịch sử, sự nghiệp để lại cho thế hệ kế thừa… như thế nào thì trong rất nhiều trường hợp vẫn còn là ẩn số.
Có thể nói, trong ba ngày cuối cùng 19, 20 và 21 tháng 10 năm 2006 trong dịp tang lễ của hòa thượng Thích Mãn Giác tại Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ là một cơ hội hội ngộ hiếm có. Hàng Phật tử xuất gia và tại gia thế hệ lên lão, trưởng lão và đại lão được gặp lại nhau, thăm hỏi, lắng nghe và suy tư sau một khoảng cách dài hơn 40 năm vắng bóng. Sự hiện diện đông đảo hiếm thấy của hơn 300 tăng ni và hằng nghìn Phật tử, cư sĩ cùng thân hữu từ khắp các tiểu bang trong nước Mỹ và từ nhiều nước trên thế giới, kể cả quý thầy từ Việt Nam sang dự tang lễ, nhắc nhở một hình ảnh lý tưởng của sinh hoạt Phật Đà “Tứ Chúng đồng tu, Tăng Già hòa hợp” thật cảm động.
Lần đầu tiên, kể từ thời kỳ tranh đấu Phật giáo 1963 tôi mới gặp lại được một khung cảnh đầy Đạo tình ấm cúng – gần như sum họp – của chư Tăng, Ni và Cư sĩ Phật giáo như thế. Đặc biệt là sự hiện diện của chư tăng và cư sĩ “vang bóng một thời” như quý thầy Thích Tâm Châu, thầy Thích Hộ Giác, thầy Thích Giác Nhiên, thầy Thích Giác Đức… và những cư sĩ như Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, Hồng Quang… cùng với sự chứng minh của quý thầy Thích Huyền Quang, Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh… được niêm yết lớn trên tiền đình Chùa Việt Nam và trên nhiều thông báo, thông tri.
Tôi theo đoàn Phật tử chùa Kim Quang, Sacramento về chùa Việt Nam tại Los Angeles dự tang lễ thầy Thích Mãn Giác trong 3 ngày cuối. Ban ngày quanh quẩn ở chùa Việt Nam, tham dự các khóa lễ được tổ chức rất quang ánh và nghiêm cẩn bên cạnh kim quan của Thầy tân viên tịch. Ban đêm, chúng tôi phải cuốc bộ về khách sạn East-West Hotel trên đường số 8th trong khu phố Đại Hàn. Đây là một khách sạn “ngàn sao” lạ lùng và độc đáo nhất mà lần đầu tiên tôi được biết trên đất Mỹ (và có lẽ trên toàn thế giới) nhưng phải mướn “hắn” vì có thể đi bộ qua chùa, tránh được nạn kẹt xe do số lượng xe đến chùa quá đông không có chỗ đậu. Mặc dầu trời đêm mùa Thu miền Nam California đủ lạnh, nhưng chúng tôi phải mở máy lạnh tối đa để xua tan mùi ẩm mốc nghẹt thở trong phòng. Đặc biệt là có dán bò lổm ngổm trên tường… miễn phí. Mỗi phòng có giường ngủ cho 4 người. Càng về khuya ba đạo hữu cùng phòng với tôi càng hăng hái thi đua nâng cao cường độ ngáy. Rủi ro là tai tôi còn hơi thính, lại sợ dán bò vào tai nên không tài nào ngủ được. Nhờ vậy mà tôi mới có dịp ngồi dậy, khoác áo đi bộ trở lại chùa Việt Nam trên đường Berendo, thức trắng đêm, nghe được tiếng kinh khuya và nghe kỹ lại những cuốn băng thâu lời phát biểu của quý Thầy và quan khách trong những ngày qua. Tôi nhẩn nha đọc kỹ hơn danh tánh và lai lịch khách đến viếng trong sổ lưu niệm và trên các liễn, đối, tràng hoa phúng điếu treo la liệt khắp nơi trong tiền đường của chùa. Tưởng như bất đắc dĩ lấy rủi làm may, lấy buồn làm vui nhưng không ngờ may thật và… vui thật(!)
Những tâm hồn đến với thầy Mãn Giác đa dạng và phong phú quá. Rõ ràng là người ta đến bái biệt một nhà thơ, một nhà văn hóa, một nhà giáo dục, một nhà tu chứ tuyệt nhiên chẳng có ai đến với ý nghĩ phảng phất là đến đất nầy để cung tiễn một nhà chính trị hay là một nhà đấu tranh nào đó… dẫu cho chính trị và đấu tranh được hiểu đơn thuần như một thái độ hơn thua quyền lực ở cõi đời tục lụy nầy. Vì thơ không có biên cương; văn hóa không có mầu sắc; giáo dục không có đòn phép; tu hành không có câu chấp… nên thầy Mãn Giác đã đi vào lòng người bằng những mảnh đất chung – “diện phục và tâm phục; lý trọng và tình thương.” Nhân loại có nhiều mảnh đất chung mà con người thường bỏ hoang quên khai thác. Trong khi những mảnh đất riêng là mầm mống của tương tranh đầy oan khiên và nghi ngại nhưng người ta lại hăm hở bám vào. Phải chăng Pháp nạn thường xảy ra khi mảnh đất chung đã cạn kiệt tình thương, tình người và tình đạo?!
Trong rừng chữ nghĩa và ngôn ngữ từ bốn phương tám hướng tụ về, sự diễn đạt và bộc bạch của mỗi nơi, mỗi tông phái, mỗi người một khác. Sau lớp áo ngôn từ phù vân trang điểm có chỗ hoa hòe sáo ngữ; có khi tô điểm vu vơ; có lời tán tụng quá tầm suy niệm… thì cái lõi tinh anh còn lại vẫn là một thực tại chân tâm và chân tình đầy xúc động. Nhất là ngôn ngữ và phong thái của chư Tăng Ni cao niên đều chan chứa đạo tình và trầm lắng vô cùng. Hầu hết những lời phát biểu của các bậc cao niên tôn túc đều có tiếng thổn thức đầy nước mắt thấm đượm tình đạo, tình đời và trên hết là tình người. Tôi theo dõi bằng cả trực giác và suy tư để cảm nhận được rằng, sau hơn 40 năm liên tục thăng trầm, tâm thức của con người trên đường đạo hay giữa đường đời cũng đủ phong trần, cũng thừa già dặn và cũng quá thấm thía để nhận ra mình và nhận ra người trong bề sâu lắng đọng dưới những cơn sóng gió phiêu linh trên bề mặt.
Ngày thứ bảy 21-10-2006, suốt đêm chùa Việt Nam dường như không ngủ. Lúc nào cũng có người rộn rịp ra vào chuẩn bị hoa, đèn, quả phẩm và đủ thứ phẩm vật cần thiết để sáng sớm, đưa Thầy ra An Dưỡng Địa. Cả bốn thế hệ đều có mặt để bái biệt Thầy lần cuối. Tại khu nghĩa trang Live Oak cách chùa Việt Nam ở Los Angeles hơn một giờ rưỡi lái xe trên xa lộ, hàng nghìn người tham dự lễ truy niệm chính thức và lễ trà tỳ nhục thân của Thầy. Nơi đây, tôi gặp được rất nhiều người bạn cũ cùng những người chỉ biết qua tên hay mới quen. Người phương xa về dự tang lễ còn đông hơn là người địa phương.
Trong tiếng kinh cầu tiễn biệt lần cuối: “Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”, đồng niệm vang lên nhiều lần trong suốt thời kỳ tang lễ của thầy Thích Mãn Giác, theo ý kiến của nhiều người, mang một ý nghĩa hơi khác hơn lời kinh thường nhật. Lời kinh tiếp dẫn tiễn biệt lần cuối cùng truyền thống hôm nay không mang khái niệm bình thường của sự khép lại một đời sinh diệt, xả bỏ báo thân về miền an lạc. Cách nhìn tích cực cho thấy rằng, sự tiếp độ hương linh phát ra từ hùng lực “tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu” mang ý nghĩa của sự vươn tới và mở ra một thời điểm đầy hy vọng cho Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đó là tâm trạng và khuynh hướng mong cầu “hóa giải” lan tỏa chan hòa như một niềm tin yêu thiết tha trong đại chúng.
Giới Phật tử cao niên biểu thị niềm tin qua ánh mắt, qua cung cách chân thành chiêm bái quý tăng ni. Trong mắt nhìn của thế hệ cao niên, chư tăng ni đều là Trưởng Tử của Như Lai không phân chia ranh giới đạo tràng, giáo hội hay bộ phái nào cả. Tâm lý cao niên thường được văn hóa phương Đông xem như là một sự già dặn, bao dung và thỏa hiệp dễ dàng. Trong khi tâm lý phương Tây lại xem như một khuynh hướng “nursing home” buông xuôi và cam nhẫn. Dẫu Đông hay Tây thì tâm lý cao niên dù có lịch lãm đến mức nào, vẫn thường mang tính triết lý sống cao hơn là hành động sống.
Thế hệ Phật tử mầm non như Gia Đình Phật Tử bày tỏ ước vọng hồn nhiên nhưng rất thực tế về một sự hòa hợp và thống nhất Phật Giáo đúng nghĩa, đúng danh xưng và đúng tâm nguyện. Ước mơ của tuổi trẻ Phật Tử Việt Nam trong phút nầy quả là một khát vọng hiện thực. Thực tế sáng nay là các em cùng đi bên nhau trong mầu áo lam yêu thương. Các em cùng trao cho nhau những miếng giấy lau nước mắt khóc Thầy. Nhưng ngay trong phút sum họp sau quan tài của Thầy các em đành nói chuyện chia tay. Tôi nghe rất rõ các em thiếu niên và thiếu nữ GĐPT Long Hoa được tham dự Đại Hội Kỷ Niệm 30 năm của GĐPTVN Hải Ngoại đang cắm trại ở trung tâm Quảng Đức ở Nam California nói lời chia tay với các em GĐPT Kim Quang sẽ từ giã về lại Bắc Cali ngay sau khi tang lễ chấm dứt. Nguyên nhân sự chia tay của các em hôm nay là bởi vì các em tuy chung mấu áo nhưng ở về hai phía. Một bên theo Ban Hướng Dẫn của phái Bạch Hoa Mai và bên khia là Ban Hướng Dẫn phái Trần Tư Tín. Nguyên động lực cho một quá trình hòa hợp và thống nhất hay xung đột và phân hóa đó có nguồn gốc sâu xa từ “quý cấp trên”. Bởi thế sự hoà hợp sau “Cuối Khúc Quanh Dài” chỉ có thể bắt đầu từ phía chư tôn đức trong hàng giáo phẩm cao tăng. Tôi đã gặp các anh chị huynh trưởng và đoàn sinh các Gia Đình Phật Tử Long Hoa, Kim Quang, Vạn Hạnh, Chánh Tâm… để được nghe lời trung thực ước mong của thế hệ đàn em về một Đạo Phật Việt Nam không phân chia ranh giới. Nếu có chăng sự khác biệt thì cũng như những Nhánh Sông phát xuất khác hướng, khác nguồn nhưng cùng chảy về Biển Mẹ. Mà những dòng sông chưa chảy chung về một hướng, nên biển Mẹ đang chờ.
Giới trung niên, đóng vai thế hệ bắt cầu giữa hai thế hệ già và trẻ cũng đang thấm thía nói về tính vô thường của nhân gian và những gì mà Đạo Pháp cần làm thì nên làm trước khi quá muộn. Sau những hoa đèn, trướng, liễn, đối… nói lên những lời tiếc thương đầy đạo tình, thâm ân và chắt lọc nhất, mỗi người dự đám tang trở về bỗng đối diện với chính mình. Mình cón quá trẻ, quá già hay vừa đúng độ để nghĩ đến chuyện rồi một ngày nào đó đến lượt mình ra đi – một sự hóa thân giữa cõi vô thường không ai tránh được. Tuổi trung niên đang là lớp tuổi đóng vai chủ lực trong hầu hết những sinh hoạt Phật sự hay những ngày lễ hội. Trong tang lễ của thầy Mãn Giác, giới Phật tử và thân hữu trung niên xuất thân từ các trường đại học Vạn Hạnh, Huế, Cần Thơ, Sài Gòn, Đà Lạt; từ các ngành giáo dục, văn hóa, văn nghệ ngày xưa ở quê nhà và bây giờ ở nước ngoài tham dự đông đảo nhất. Lớp trung niên rất xác tín với khuynh hướng vận động cho một sự hòa hợp nội bộ Phật Giáo Việt Nam trước khi các bậc tôn túc cao niên trong hàng giáo phẩm cao cấp sẽ lần lượt ra đi không còn bao lâu nữa. Khả năng ra đi giữa cõi vô thường của quý Ôn đang diễn ra trước mắt với tang lễ thầy Mãn Giác, với dáng vẻ tuổi hạc của quý Ngài, với giọng nói đã mòn mõi âm vang của một thời vị lão.
Bày tỏ niềm hy vọng về tinh thần hóa giải của đạo Phật trong cảnh tranh tối tranh sáng hiện nay – mà ngay cả anh em nội bộ cũng có người và có khi chưa nhìn rõ mặt nhau –đương kim hội trưởng và ban chấp hành hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh hải ngoại, anh Lê Văn Thạnh và anh Trương Chí Cường đều nói lên niềm ước mơ về một trường đại học Phật Giáo hay một hậu thân của Đại Học Vạn Hạnh tại quê nhà sẽ sớm được phục hồi. Sự phục hồi sẽ mang một ý nghĩa sâu xa hơn về các mặt lịch sử, tâm lý, tình cảm và đạo nghĩa nếu cảnh Thầy Xưa Bạn Cũ vẫn còn duyên lành hội ngộ dưới mái nhà giáo dục trước khi thời gian và điều kiện thể lý bắt buộc phải chia tay. Rõ ràng, kinh nghiệm lịch sử của những ngôi trường lừng lẫy thế giới như Sorbonne, Cambridge, Harvard, Stanford… cho thấy rằng, một cơ sở văn hóa hay giáo dục thuần túy và truyền thống thường dễ dàng biến thành mảnh đất chung. Một mảnh đất có mẫu số chung cho những bàn tay nhiệt tình đóng góp. Đồng thời, cũng là phương tiện hóa giải đậm tính nhân văn cho những khuynh hướng tương tranh và phân hóa trong từng nội bộ.
Ngày một vị cao tăng như thầy Mãn Giác ra đi, người ở lại thường có dịp lắng lòng nhìn lai chặng đường đã qua để suy tư về một tương lai đang tới. Bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là hy vọng về một vận hội mới của Phật Giáo Việt Nam vừa được nhen lên khi cảnh sinh diệt vô thường và tre tàn măng mọc đang diễn ra hiện tiền, trong từng chớp mắt của thời gian.
Một “khúc quanh dài” gần 4 thế hệ của Phật Giáo Việt Nam đang đi qua… đi qua. Có qua được bờ bên kia reo vui bằng tinh thần phá chấp như lời minh chú cao tột của đại lực khai phóng Bát Nhã; hay vẫn còn đang dùng dằng giữa bao hệ lụy nhân sinh dài lê thê, được tính bằng thập niên và thế kỷ đang là sự thách đố của Phật Giáo Việt Nam trong thời đại mới nầy?
Trưa thử Bảy đầy nắng vàng, trong khung cảnh rực rỡ y vàng và sáng lên trong Ánh Đạo Vàng giữa khuôn viên Nghĩa Trang Live Oak Crematory, hàng nghìn tiếng cầu kinh của chư Tăng Ni, Phật Tử và Thân Hữu cùng góp lại trong cùng một lời kinh: “Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”.
Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật. Lời tiếp độ cho một cõi đi về đang kéo chúng ta thẳng thắn, dù xót xa, nhìn vào hiện thực. Có những vấn đề cấp thiết đang đối diện với chúng ta. Phật Giáo Việt Nam không thể đứng lại giữa dòng Đạo Pháp thế giới đang chuyển mình không một giây ngừng nghỉ. Ngưới ta có thể vô tình với quá khứ nhưng không có ai muốn làm người có lỗi với thế hệ tương lai.
Nhục thân của cố hòa thượng Thích Mãn Giác trở về với tứ đại. Nhưng thi sĩ Huyền Không thì đang ở lại, bay bay cười mỉm với trăng:
Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng.
Không biết từ đâu, sau tang lễ của thầy Thích Mãn Giác, trên đường về lại nhà, tôi có niềm thâm tín rằng, Phật Giáo Việt Nam đang ở ngày cuối trong Khúc Quanh Dài đầy bóng tối. Thâm tín có thể chỉ là niềm ước mơ trên căn bản hiện thực; nhưng nhất định không thể là hoang tưởng bâng quơ.
Sacramenot, Thu 2006