Thời gian qua, trên trang văn hóa văn nghệ của các báo điện tử trong nước như Tuổi trẻ, Người lao động, Sông Cửu long… đồng loạt đưa một tin khá “giật gân”, nhà thơ Hoài Anh trình làng liền một lúc 16 cuốn truyện và tiểu thuyết lịch sử ( NXB Văn học, Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn). Không chỉ thế, trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết bộ sách lịch sử đó của ông tất cả gồm 20 cuốn, tái hiện toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng cho đến bây giờ; những cuốn sau cùng đang được ông hoàn thiện. Theo lẽ thường thì đây đúng là chuyện lạ, nhưng với những người hiểu biết về Hoài Anh thì không, bởi biết ông là một người có trí nhớ đặc biệt, vốn tri thức sâu rộng, đặc biệt về lịch sử, và là một nông phu rất cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa. Với ông, lao động là viết, ông viết để sống, và ngược lại, mục đích của cuộc đời ông sống là để viết.
Nhớ lại hồi đầu viết lách, tôi được nhà thơ Anh Thơ giới thiệu tới gặp để đưa thơ cho một cán bộ biên tập của báo Văn Nghệ TPHCM mà bà viết là “gởi nhà phê bình trẻ Hoài Anh”. Tôi vốn có chí theo khoa học, lúc đầu gởi đăng thơ chỉ với mục đích là được thấy tên làng mình (tôi lấy làm bút danh) in trên báo. Không ngờ khi bài thơ đầu tiên được đăng, tôi cảm thấy như có một cái tôi khác vừa được sinh ra. Rồi qua khuyến khích của nhiều người kể cả những bậc trưởng lão của làng văn, mà Hoài Anh là một trong những người gần gũi nhất, văn chương đã trở thành cái nghiệp của đời tôi. Trong vô vàn ngõ ngách dẫn đến cái vườn văn rộng mênh mông đó, Hoài Anh luôn nhiệt tình chỉ lối đưa đường cho tất cả những ai mon men tới. Thoắt cái đã mấy chục năm trôi qua rồi, tôi đã vào tuổi trung niên còn ông đã bắt đầu bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Vào thời kỳ đó, tôi cũng được quen nhà thơ Chế Lan Viên, ông vốn hay quan tâm đến người khác nên đã hỏi tôi là chơi với những ai, tôi trả lời: “Cháu chơi với ông Hoài Anh”; Chế Lan Viên bảo: “Nó bách khoa toàn thư đấy!”, ông nói rất tự nhiên, tôi lính mới nên chỉ thấy bình thường, mãi sau này khi đã “có sạn trong đầu” mới hiểu hết ý nghĩa những lời đánh giá của những bậc trưởng thượng. Lần khác cùng Hoài Anh đến nhà nhà văn Nguyễn Khải, Hoài Anh nghĩ chỉ nên tặng thơ cho Nguyễn Khải, chứ với ông tổ văn này tặng văn khác gì chở củi đến rừng, mang muối bỏ biển, không ngờ Nguyễn Khải nói: “Hoài Anh viết truyện lịch sử tôi thích lắm!”.
Một người được những người sành sỏi nhất trong nghề đánh giá cao, bạn bè đều nể phục, nhưng trên diễn đàn văn chương Hoài Anh thực sự vẫn không phải là một tác giả nổi bật; trái lại có một số người, chỉ viết được vài bài thơ đèm đẹp, mọi người biết đến do phổ nhạc là chính, có người viết được mấy truyện nhỏ xinh… lại rất nổi tiếng, có khi còn trở thành cột mốc của thế hệ, thành biểu tượng văn chương của một thành phố, một vùng đất. Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật quả thật thường có cái nghịch lý: người nổi tiếng chưa chắc có tài và người có tài chưa chắc nổi tiếng; những tác phẩm được giải thưởng chưa chắc hay và những tác phẩm hay chưa chắc được giải thưởng! Có thế mới có chuyện suốt cuộc đời mình Van Gog chỉ bán được một bức tranh có 50 đô!
Viết tiểu thuyết lịch sử là một việc khó. Người ta không thể tự do sử dụng những ngón nghề để tăng sức lôi cuốn bởi phải khuôn theo, phải tôn trọng những nhân vật, sự kiện có thực, nếu không không còn là lịch sử nữa; cái khó nữa là phải tái hiện cuộc sống ở những thời mà ta không chứng kiến, vì vậy buộc phải có trí tưởng tượng tốt, có điều anh chỉ được phép tưởng tượng về những cái có thực, tức phải tưởng tượng đúng, còn không sẽ trở thành viết bậy, nói láo.
Viết văn xuôi thường có hai thủ pháp: tái hiện trực tiếp, cuộc sống được tác giả dựng lên trực tiếp trước độc giả; cách thứ hai là tái hiện gián tiếp, cuộc sống được tái hiện qua lời kể, qua hồi ức của các nhân vật. Như vậy, theo cách thứ nhất, tác phẩm sẽ sống động hơn, nhưng để viết được lại khó khăn hơn, buộc người viết phải có vốn sống, từng trải, hay phải có tri thức sâu rộng về những điều mình tái hiện; còn viết theo cách thứ hai, người ta có thể nói tắt, kể sơ lược, và như thế không thể sống động được.
Hoài Anh là tác giả đa tài, ông viết văn, làm thơ, viết kịch, viết phê bình, nhưng với trí nhớ thiên phú, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là Hán Nôm, lại say mê khảo cứu, có tri thức về triết học cổ, về võ thuật và về văn hóa cổ nói chung, nên ông có những phẩm chất rất phù hợp với việc tái hiện lịch sử bằng văn chương. Ông đã viết theo cách tái hiện trực tiếp nói trên. Những giai đoạn lịch sử, những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử đều được ông thể hiện rõ ràng, chi tiết, phong phú nên rất sống động, khiến cho người đọc như được tham dự, như được sống cùng với những sự kiện ấy: từ không gian đến thời gian, từ cảnh vật đến phong tục tập quán, từ hình thức ăn mặc, những lời đối thoại đến tình cảm, tư tưởng, đặc biệt là những suy nghĩ thể hiện được cái chí cao cả, tài năng kiệt xuất của những nhân vật bất tử, những người đã viết nên lịch sử oai hùng của dân tộc.
Là một người sáng tác coi trọng lý luận, trong một bài viết, Hoài Anh phân tích mối liên hệ “một dây một buộc ai giằng cho ra” giữa bản năng văn chương và tri thức, ông trích một đoạn dài của Marcel Proust trong lời tựa cuốn Chống Sainte-Beuve bàn về mối liên hệ giữa trí tuệ và tình cảm: “… Trong thế giới không hoàn thiện của chúng ta, nơi kiệt tác nghệ thuật chỉ là những mảnh tài năng thưa thớt của những bậc đại trí trong cái tầm thường mênh mông, ngay cả các nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ này cũng lấy lý trí làm nền để gắn lên những hạt ngọc của tình cảm…”. Jean-Paul Sartre cũng viết: “Chúng ta ở trong ngôn ngữ như ở trong thân thể chúng ta”; Còn Octavio Paz: “Một bài thơ là một cơ thể bằng ngôn từ”.
Từ những cơ sở đó, Hoài Anh phân tích mối liên hệ giữa kết cấu, bộ khung chữ nghĩa với tình cảm của người viết mà ông gọi là mối liên hệ giữa “xác và hồn” của tiểu thuyết. Để viết một cuốn sách, người ta cần phải có kỹ thuật dựng nên kết cấu rồi thêu dệt chữ nghĩa lên đó, nhưng để trở thành một tác phẩm hay, cuốn sách phải chứa đựng tình cảm người viết, nghĩa là nó phải có hồn.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Hoài Anh, nhưng tôi cũng nghĩ, cái cao nhất của xác và hồn của tiểu thuyết là khi người ta viết ra đầy đủ cảnh vật và tâm trạng; cảnh vật thì vốn có, người trải nhiều có thể viết được, còn tâm trạng thì cũng không có gì ngoài trạng thái vui buồn sướng khổ quen thuộc của con người, vậy cái cao hơn cả xác và hồn của tiểu thuyết là cái gì? Theo tôi, đó chính là tầm cao và chiều sâu của tác phẩm, cái phẩm chất văn chương đòi hỏi nhà văn phải có tài năng và trình độ mới làm ra được, chính nó làm cho văn chương cao sâu hơn hiện thực, cao sâu hơn lịch sử, cái mà Kundera nói: “Nhà tiểu thuyết không phải là thằng hầu của nhà sử học”. Truyện và tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh ngoài những điều tác phẩm nào cũng phải có, còn có những trang đặc biệt khiến tôi thú vị.
Đoạn đối thoại giữa Trần Hưng Đạo và Trần Tung (Tuệ Trung thượng sĩ) bàn về Phật và Tâm, về Tam giáo và Đạo, khiến tác phẩm có phong vị triết lý, ngẫm suy là một thí dụ, nó mở ra cái chiều kích cao sâu nói trên của chữ nghĩa. Trần Hưng Đạo hỏi Trần Tung về mối liên quan giữa Phật và Tâm, Trần Tung trả lời bằng cái suy nghĩ “ngược đời” nhưng ngẫm ra không phải không có lý : “Tâm và Phật tác động đến con người đó là cái lý vạn pháp trong tâm, mà vạn pháp là thế giới bên ngoài, hiện tượng chung quanh ta, là sự nối tiếp tự nhiên như hằng năm hoa lại nở vào tháng ba, mỗi sớm gà gáy lúc canh năm. Sống theo quy luật tự nhiên thì không cần phải ăn chay. Ăn cỏ hay ăn thịt các loại khác nhau của sinh vật, điều đó cũng là tự nhiên như mùa xuân đến thì cây cỏ mọc. Như vậy sao gọi là tội hay phúc trong việc ăn cỏ hay ăn thịt được”(Quyển 4, Hưng Đạo Vương…, tr.53).
Đoạn đối thoại giữa vua Minh Mạng và Phạm Quý Thích về thuyết Chính Danh, về Danh và Thực. Theo Phạm Quý Thích: “Thánh hiền đời trước có nói, cái thực thắng thì đáng khen, mà cái danh thắng thì đáng thẹn, người quân tử chỉ cần cái thực thắng mà thôi. Người ngày nay ít có liêm sỉ thậm chí cái danh cũng không đoái đến nữa, như vậy có thể ngang nhiên làm điều thô bỉ xấu xa mà không biết hổ thẹn. Bởi vậy bậc trí giả mới có lời khuyên: “Thân có ắt danh âu phải có/Khuyên người nên trọng cái thân danh”, vì cái danh còn là danh dự của con người, phân biệt loài người với loài cầm thú. Chỉ cần danh phù hợp với thực là được” (Quyển 10, Vua Minh Mạng, tr.89).
Phẩm chất cao quý nhất của văn chương là tính hướng thiện, riêng tiểu thuyết lịch sử thì luôn nói chuyện xưa để ngẫm chuyện nay, dựng lại lịch sử không chỉ là lịch sử mà là tấm gương soi. Văn chương tái hiện lịch sử của Hoài Anh cũng vậy, trong cuốn “Lời thề lửa”, quyển thứ 8, viết về cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật, con vua Dụ Tông, chống Trịnh Giang, vì bị phản bội nên đã thất bại, Hoài Anh đã vẽ lên hình ảnh của Lê Duy Mật thật cao đẹp:
“Lê Duy Mật thầm nghĩ trong ngũ hành, Kim còn có thể bị han gỉ hay pha lẫn tạp chất, Mộc còn có thể bị thối rữa hay tàn hủy, Thủy còn có thể nhơ đục, biến chất, Thổ còn có thể vấy bẩn, tan rữa, chỉ có Hỏa là trong sạch nhất. Hỏa có thể thiêu sạch nhớp nhơ chốn cung vàng điện ngọc, có thể xoá hết thối tha trong linh hồn loài người. Ta phải thắp mình thành lời thề trước bàn thờ của Chân lý và Tình thương, lời thề lửa trung thành với Nghĩa cả và Dân nước. Ông khẳng khái nói với Vũ Thiết:
-Giờ đây đằng nào thành cũng đã vỡ rồi, dù có than thở cũng không có ích gì. Nếu anh em cùng tán đồng thì chúng ta cùng tự thiêu để dùng ngọn lửa cảnh báo quân địch để cho chúng biết rằng ta không bao giờ chịu đầu hàng. Ngọn lửa sẽ chứng minh cho tinh thần bất khuất của chúng ta và soi sáng cho người sau tiếp bước con đường của chúng ta…”
Trí Quang nói:
-Nam mô A di đà Phật! Bần tăng nguyện siêu sinh trong Tam muội chân hỏa để thiêu sạch ngũ uẩn mở đường Giác ngộ cho chúng sinh”.
Phải chăng Hoài Anh đã kỳ công, vượt qua bao khó nhọc, dựng lên toàn cảnh lịch sử Việt Nam, với ước muốn cũng dùng ngọn lửa trong tim mình, cái ngọn lửa được gởi gấm trong văn chương, góp phần thiêu cháy những xấu xa, xua tan những tăm tối chưa bao giờ hết của cuộc sống.
Tp.HCM 26-10-2006