Tập thơ Những tháng năm ở rừng được nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2005 này, có thể xem là một tập hợp tương đối đầy đủ của Nguyễn Anh Nông cho quá trình sáng tác mấy mươi năm qua. Tác giả, quê Xứ Thanh, có thơ in báo từ khi còn là học viên trường sỹ quan Lục quân I, tốt nghiệp lên đóng quân ở Cao Bằng thơ Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra chững chạc, nhiều hứa hẹn.
Và chính ở miền Cao Bằng đã cho thơ Nguyễn Anh Nông những bài hay, thấm đẫm chất hào khí, cái trập trùng núi non biên ải. Những sáng tác thời gian này góp mặt làm nền tảng cho những thành công của tập. Như các bài: Hoa cỏ tía, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Những tháng năm ở rừng, Với quê…
Là nhà thơ chiến sỹ, tất nhiên đề tài, mối quan tâm chủ đạo và tâm huyết nhất Nguyễn Anh Nông dành viết về người lính. Các vấn đề chiến tranh, sự hy sinh, cũng như trong hoà bình trước cuộc sống đời thường đều đi vào thơ anh với nhiều cảm xúc sâu đậm, những ưu tư trăn trở, bức xúc, song tất cả đều được thể hiện qua các câu chữ chân thành yêu thương và tài hoa. Những tháng năm ở rừng bài thơ được lấy làm tiêu đề cho tập là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp mang lại nhiều thành công cho thơ Nguyễn Anh Nông.
Câu chữ giản dị mà tinh tế, khái quát. Hình ảnh thơ như những nhát cắt cho hiện ra từng mảng sống chân thực của người lính ở rừng:
Những tháng năm ở rừngCùng đồng đội làm thanh gươm sắc Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.
Những tháng năm ở rừng Ăn trong nắng, ngủ trong sương Ngày mấy bận ngóng thưĐêm bầu bạn với trăng trời mây gió.Những tháng ở rừngĐồng đội mấy người gục ngãHồn thiêng gửi lại lá cây rừng.
Những tháng năm ở rừngCon kiến lửa đốt lòng nhoi nhóiTin quê bão bùng lụt lội…
Trong bài thơ Những tháng năm ở rừng, có câu bật ra như một tiếng thở dài, không vì tiếc nuối, mà có lẽ đơn thuần chỉ là tiếng thở dài hồn nhiên bật ra trước thực tế không ngờ tới: “Người thân hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ ngơ ngác…” Người lính, nhất là người lính đồn trú nơi núi rừng, hải đảo, xa cách với phần sống hiện đại đang diễn ra nơi đô thị phồn hoa với bao vẻ mới mẻ, bao quan niệm về giá trị cũng đã có sự đổi thay, khiến mình thành lạc lỏng xa lạ. Và vì thế đã cho cảm nhận, không chỉ hoá người dưng trước người thân mà ngay với chính mình. Trước tình yêu cũng thành: “Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau…”(Thơ tình lính biển). Đây cũng là một cách trình bày về hiện thực có tính hệ thống, tính giải pháp của lựa chọn nghệ thuật thơ Nguyễn Anh Nông. Và chất lính trong thơ anh, qua những nhát cắt hình ảnh đó, trước sau ở bất cứ cung bậc tình cảm nào cũng được thắp lên từ chất thép của một ý chí, một nghị lực yêu, dâng hiến.
Do vậy sự thanh thản, tin yêu vẫn là cảm xúc chủ đạo của tập thơ, ở ngay cả những bài viết về mất mát, hy sinh: “ Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân/ Đâu Tổ quốc cần bạn tôi có mặt/ Dẫu đồng đội có người quay quắt/ Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành…” (Khúc tưởng niệm bên dòng suối). Niềm thanh thản, tin yêu của con người dành cho nhau, trong thơ Nguyễn Anh Nông có khi còn được đẩy sâu, tương hợp và hoá giải tới tận vùng tâm linh, siêu nghiệm: “Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau…” ( Cảm tác).
Chiều sâu tinh thần, đạo lý được khắc hoạ đã cho thơ Nguyễn Anh Nông nói được niềm trăn trở, âu lo, tiếng thở dài u uẩn nhưng không bao giờ sa vào bi luỵ, bế tắc, sầu đau tuyệt vọng.
Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ với cách tạo nhịp điệu trình diễn nó qua lăng kính các ý niệm tinh thần, thơ Nguyễn Anh Nông có một hình ảnh đáng chú ý, đó là hình ảnh Đá và Hoa cỏ. Bài Hoa cỏ tía với bốn câu tứ tuyệt chặt chẽ, hàm xúc:Cỏ tía như là hoa tím phaBâng khuâng hoa đợi bướm ong quaBướm ong mê mải phương trời lạHoa tím mơn man mặt đá già.Còn ở bài, Loanh quanh một khúc sông Bằng, hình ảnh hoa bên đá núi được hoạ với sắc màu, âm thanh rất gợi: “Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo/ Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo/ …” Câu thơ sau đây đột ngột trở nên một thi ảnh rất lạ, thú vị: “ Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa” Âm thanh của Lịch kịch của đá phát ra khi sinh nở, quả là thứ âm thanh rất lạ. Đá nở, ngỡ như thứ tiếng trời rung đất chuyển mà ở trường hợp thơ này lại đòi hỏi một lỗ tai thẩm âm tinh vi lắm mới lắng nghe được. Khi đá và hoa phối cảnh, hoà âm bên nhau trong thơ Nguyễn Anh Nông luôn có cơ đem lại cho thơ anh những bài, câu thơ hay, rất ấn tượng.
Bài Khúc ca bên cỏ viết riêng về cỏ, ý niệm thơ thể hiện với suy ngẫm cảnh người, lẽ đời thấm thía. Đặc điểm sử dụng Đá và Hoa cỏ làm vật liệu, thi liệu thơ qua một số bài cho thấy một hướng khai thác vật liệu ngôn ngữ và cấu tứ của thơ Nguyễn Anh Nông là một điểm riêng, nhiều hứa hẹn thành công. Bản thân tác giả cần suy ngẫm, đúc kết thêm. Thơ Nguyễn Anh Nông qua tập Những tháng năm ở rừng thành công rõ ràng hơn cả là ở một loạt bài viết với cách viết giản dị, chân thành, tạo cảm xúc ở vấn đề, hình ảnh diễn quanh mình cùng những gì gắn bó thân thuộc với đời sống chiến sỹ.Trong tập Những tháng năm ở rừng cũng nổi lên một cụm bài với lối viết có những tìm tòi, cách điệu, như: Miền tuyết bỏng, Chân dung, Phân thân, Linh cảm……Rồi một lần anh vượt qua anhAnh thành anh với khuôn mặt khácMột lần em vượt qua em Em không chỉ thành sông mà thành thácAnh thành con thuyền vượt thác ghềnh emThác ghềnh chót vót, chon von Có thể thuyền anh tan tành phút chốc…( Phân thân)
Bài thơ được thể hiện tính đa chiều, đa ảnh của sự phân thân. Một cuộc truy tìm vào chính mình và đã gặp chính mình ở nhiều dạng gương mặt khác nhau trong ước mong tối hậu và nhận chân ra gương mặt chân thật nhất của mình. Con đường này các hành giả xưa từng đi và rất nhiều người đã chìm khuất mình trong vô tăm tích. Qua các lớp lang ngôn ngữ, vỉa tầng ý tưởng thơ bộc lộ một Nguyễn Anh Nông khát khao dấn thân trên đường, nhưng song hành trong anh lại còn mang một cảm nhận khá ý vị, sâu sắc: “ Anh túm được em rồi/ Bỗng sững sờ ngơ ngác/ Khi bắt được niềm vui/ Dáng hình em đã khác…” ( Nàng còng gió). Cách tổ chức ngôn ngữ và khả năng tạo sự dung chứa nội dung, mang sức lực truy sâu vào bản thể con người, bản chất sự vật, sự việc là một nỗ lực đổi mới đáng ghi nhận của thơ Nguyễn Anh Nông.Tuy vậy, ở hướng thơ thể nghiệm này công tâm mà đánh giá, còn nhiều bài, câu sa vào cầu kỳ xắp đặt.
Bài thơ, con chữ đứng bấp bênh vì nó bị xây trên nền tảng ý tưởng, tư tưởng nghệ thuật chưa được đầy dặn.Qua những thành quả đã đạt được, với những vỉa tầng đang được khơi lộ cho hy vọng nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Anh Nông sẽ còn vững bước trên đường dài nghệ thuật. Những tháng năm ở rừng với giá trị của nó, giá trị của một bông thơ tạo nên từ Đá và Hoa cỏ, từ tình yêu người lính là một dâng tặng thơ ca./.
2/9/2005