Kính tặng chị Ba
Bãi cát Hoà Khánh, nắng chan chát, nóng lột da người, những căn nhà tạm, lợp bằng tôn, che vách bằng tôn, hầm hập như lò thiêu. Hàng chục dãy nhà như thế, vội vã mọc lên trên vùng cát cháy nắng. Đó là nơi ở cho đoàn người chạy nạn chiến tranh. Vùng thượng nguồn sông Thu, ngày càng ác liệt. Trước ngày chúng tôi rời quê hương, nơi đây đã diễn ra vụ truy sát đẫm máu. Những người dân vô tội ngã xuống ngay trên mảnh ruộng của mình. Đám lính Châu Á tàn nhẫn và lạnh lùng. Dân sợ bọn lính đánh thuê này, mỗi lần chúng hành quân là dân xin mấy anh du kích đừng nổ súng. Hễ cứ một tên lính Đại Hàn chết, là chúng giết mười người dân. Hôm ấy, buổi sáng, sau mùa tế xuân, cánh đồng trơ gốc rạ, vào tầm mặt trời lên khỏi đỉnh núi Chúa, những con trâu hững hờ gặm cỏ trên bờ, những chú mục đồng chơi trò đánh trận giả, lâu lâu có tiếng súng nổ phía Trung Phước. Mùa nông nhàn, phần lớn dân làng vào Mỹ Sơn, kiếm củi. Trong bầy trẻ chăn trâu, có mấy anh du kích nhỏ tuổi, vừa tham gia cách mạng, được giao nhiệm vụ làm liên lạc và theo dõi tình hình của địch. Đang chơi trò đánh trận giả, họ thấy bọn lính Đại Hàn lơn tơn vác máy đi rà mìn, một anh hứng chí rủ:
- Đánh trận giả sao bằng đánh trận thiệt.
- Là sao?
- Mình tiêu diệt mấy thằng lính kia đi!
Nói xong đám du kích trẻ con, chạy vào bụi tre lôi quả mìn plâymo lấy được của lính Mỹ, cài bên đường, rồi núp bờ dứa dại để chờ. Cả bọn hồi hộp và hứng thú. Khi đám lính vào tầm sát thương của quả mìn, họ kích nổ, năm thằng lính tung lên trời, xương thịt bay lả tả. Nhận được tin, cả sư đoàn Mãnh Hổ đóng dưới Cấm tràn lên trả thù. Chúng lùa mấy trăm người dân trong làng ra bờ ruộng, rồi xả đại liên trên đầu, bất kể già trẻ trai gái. Buổi chiều đẫm máu, bầu trời đỏ sẫm, cánh đồng tanh tưởi, xác chết ngổn ngang như rạ. Chúng tôi ở bên A Đông, nên sống sót. Ông ngoại tôi, vác cuốc đi giúp dân làng chôn người chết, rồi về ngồi trầm ngâm đốt thuốc cả đêm. Thuốc Cẩm Lệ xé lá quấn lại, mỗi điếu to như ngón chân cái, mà ông tôi hút hết cả xâu. Trời mờ sáng, ông bà lôi ba đứa cháu dậy và dẫn đi. Những con người lặng lẽ, rời rạc, mắt nhắm, mắt mở, lội trên cánh đồng ngập mùi tử khí, băng qua bom đạn, chạy khỏi vùng chiến sự Đức Dục. Chúng tôi vất vưởng bên hè phố Đà Nẵng, mấy ngày sau, cảnh sát đi thu gom, đưa vào khu tạm cư Chánh Phú.
Những người lính của Sư Đoàn 3 bộ binh chế độ Sài Gòn thất trận ngoài Quảng Trị, ủ rũ, lếch thếch dắt vợ con vào tá túc, trong khu gia binh. Khu gia binh nằm sát khu tạm cư. Mỗi ngày lại có tin người chết, người bị thương, không gian tù đọng đặc quánh, tang tóc. Sống trong tình cảnh tạm bợ như vậy chúng tôi tự do hơn. Ông bà tôi ít quan tâm đến bọn trẻ. Từ sáng sớm đến tối mịt, hai cụ chạy quanh đám vợ lính trong khu gia binh để mua gạo, mang ra ngoài chợ Cồn bán lại. Còn chúng tôi sau giờ đi học, lang thang xuống cánh đồng Phú Lộc vừa bắt cá lia thia, vừa tránh cái nắng chói chang của bãi cát Hoà Khánh. Chơi chán chúng tôi leo lên ngồi trên vành tai của ông Phật Hoà Mỹ. Người ta làm một tượng Phật, ở vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng, to như ngọn đồi. Ông Phật to đến nỗi cái vành tai của ngài đủ chỗ cho mấy thằng nhóc chúng tôi ngồi hóng gió. Ngoài ra tôi lên đó còn để ngóng chị tôi. Chị Ba của tôi, mẹ chị và mẹ tôi là chị em bạn dì, nhưng chị thương chúng tôi lắm, chị thương những đứa em mồ côi mồ cút, những đưa em đã bị bom đạn cướp mất ba mẹ. Mẹ tôi mất khi tôi còn quá nhỏ, bà ngoại nuôi chúng tôi, nhưng bà ngoại tôi lại không đẹp. Lúc ấy trong đầu tôi, mẹ phải rất đẹp, nên bà ngoại không thể gợi lên trong tôi hình ảnh của mẹ. Chỉ có chị thôi, chị đẹp lắm! Cổ chị cao, vóc dáng mảnh mai, đôi mắt hiền dịu và thăm thẳm buồn, nên mỗi lần gặp chị, tôi liên tưởng đến hình bóng của mẹ tôi. Khi chúng tôi ra đi, chị vẫn còn ở lại Đức Dục, chị phải nuôi mẹ già và em nhỏ. Dạo ấy, Đức Dục là vùng xôi đậu, hai bên cài răng lược đánh nhau liên miên. Vùng đất nghèo ấy gánh mỗi ngày hàng tấn bom đạn. Từ Đức Dục xuống Đà Nẵng chừng năm chục cây số, nhưng mỗi lần đi vất vả trăm bề. Đường sá bị tàn phá, lại cách trở đò giang, nên muốn ra thành phố phải đi bộ xuống kiểm lâm, rồi tăng bo qua Ái Nghĩa, đi xe một đọan, lại đi bộ, nhọc nhằn lắm! Vậy mà chị vẫn tìm đến với chúng tôi. Cứ dăm bữa, nửa tháng là chị xuống, dáng gầy xiêu xiêu trên bãi cát, thúng quà quê nặng trĩu trên đầu, mái tóc dài bới khéo lộ cổ cao thanh mảnh. Chúng tôi reo lên: “Chị Ba Sét, chị Ba Sét!”. Đúng ra tên chị là Sắt, tức Sắt son, chung thuỷ, nhưng dân Quảng Nam gọi thành Sét. Để vội thúng quà xuống, chị dang tay ôm cả ba đứa vào lòng và chị khóc, nước mắt chảy dài trên gương mặt đẹp như tượng Đức Mẹ đồng trinh trong nhà thờ Hoà Khánh. Tôi ngả đầu vào lòng chị cảm nhận sự mềm mại, dịu dàng và lòng yêu thương bao la của người phụ nữ. Tôi ước gì chị là mẹ tôi, nhiều đêm tôi đã khóc nức nở, nước mắt mồ côi trôi tuột tuổi thơ dại khờ của tôi. Sao chị không là mẹ tôi? Sao chị không là mẹ tôi? Câu hỏi ấy dấy lên trong tôi, khao khát cháy bỏng.
Ở Hòa Khánh được một năm, ông tôi ngã bệnh. Tôi ngồi bên giường ông suốt đêm. Ông tôi hiền như bụt, chưa bao giờ ông la rầy chúng tôi. Ông nghiện rượu và thuốc lá, cuộc sống khó khăn bà tôi cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết. Thèm quá ông rủ tôi đi bới rác lượm ve chai, hồi đó mấy đống rác gần khu quân sự Mỹ, có nhiều thứ còn xài được. Có hôm chúng tôi còn nhặt được cả đồng hồ và đồ hộp. Bán được ông chỉ giữ ít tiền làm mấy ly rượu và vài điều thuốc, còn cho tôi ăn quà. Ông đạp phải đinh và bị nhiễm phong đòn gánh, người co giật đau đớn. Tôi ghì ông trong vòng tay yếu ớt của mình, nhưng chẳng giữ được ông. Trước khi chết ông còn thều thào hỏi tôi: “Chị Ba con mấy rày có xuống không?”. Rồi ông dặn: “Sau này bà con có bề gì con tìm về với chị nhé, chị con là người nhân hậu, chị sẽ nuôi các con” .Trăng trối xong ông nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi vào một ngày trời u ám, mưa dầm, suốt cả tuần và những ngày như thế này tôi biết chị Ba của tôi khó xuống, vì trên quê tôi nước ngập trắng đồng. Ông tôi mất độ nửa năm, cậu tôi đi tù về, cuộc sống của chúng tôi đỡ cơ cực hơn nhờ tài tháo vát của cậu.
*
Tết năm 1975, mọi người ăn tết trong không khí lo lắng. Tin tức chiến sự tới tấp lan về nơi chúng tôi ở. Đám vợ lính nhốn nháo, vì nghe tin quân đội Miền Bắc đang thắng trận dồn dập, quân đội Sài Gòn thất trận liên tiếp. Có khả năng Đà Nẵng sẽ thất thủ trong nay mai. Khu tạm cư, không chỉ là tá túc của những lưu lạc từ vùng chiến sự, về mà còn là chỗ ở của những người theo cách mạng chịu không nổi gian khổ, nên bỏ rừng về đầu hàng. Những người này được vào khu nhà khang trang hơn gọi là “khu chiêu hồi”. Tin đồn Cộng sản sẽ làm cỏ tất cả bọn chiêu hồi và những người dân trong khu này, nên mọi người tao tác tìm cách đi nơi khác. Cậu tôi bồn chồn, bà tôi thở dài. Chúng tôi chẳng bận tâm chuyện ấy. Xúng xính trong bộ quần áo mới chạy chơi khắp xóm và chờ chị tôi xuống. Tôi hỏi thằng em:
- Mi đoán xem chị ba sẽ mang cái gì xuống cho tụi mình.
Thằng em trả lời:
- Bánh tét nè, bánh ú nè, bánh tổ nè, bánh nổ nè…
Nó kể một hồi, làm tôi thèm quá. Tôi rủ nó :
- Mình ra chỗ ông Phật Hòa Mỹ để đón chị Ba nhé.
- Ừ thì đi.
Chúng tôi vừa dợm bước thì nghe tiếng bà tôi réo:
- Xít bơi, bớ Xít, mi dẫn em về đây!
Tiếng réo thất thanh của bà làm chúng tôi khiếp lắm! Tôi vội dẫn thằng em chạy về, bà tôi rất nóng tính, bà kêu mà không về kịp là ăn đòn. Chúng tôi thấy cậu gom quần áo cho vào túi xách. Còn bà đang rang gạo đổ vào ruột tượng, tôi biết lần này sẽ đi xa. Tôi buồn bã nhìn ra cửa, vẫn chẳng thấy bóng của chị Ba đâu cả. Mọi người chuẩn bị đã xong, tôi mang bao gạo rang và mấy cuốn sách đi theo đoàn người, xuống cảng Tiên Sa. Tôi vừa đi vừa ngóng về phía núi Chúa. Tôi trông cái bóng mảnh mai của chị xuất hiện với thúng quà nặng trĩu trên đầu. Chi Ba ơi! Chị đang ở đâu? Tôi thầm gọi chị và nghe cổ mình nghèn nghẹn. Tôi sẽ không gặp chị nữa rồi. Cậu tôi bảo lần này đi xa lắm, có thể sẽ xa quê hương vĩnh viễn.
Cảng Tiên Sa tấp nập người tỵ nạn, cậu tôi thuê chiếc ca nô lên tàu di tản. Những ngày lang thang trên biển, những tiếng khóc, tiếng thở dài, tiếng chửi rủa, không khí hỗn độn và buồn. Cậu tôi chăm chăm việc chờ lấy nước uống, mỗi ngày các thủy thủ người Mỹ trên tàu, sẽ bơm nước ngọt vài lần xuống mấy cái thùng tô nô nhỏ. Hàng ngàn con người chen lấn tranh giành, ai nhanh chân, khỏe mạnh mới có nước uống. Bà tôi hết than khóc, lại chửi rủa số phận, chửi rủa chiến tranh. Đêm, nằm co ro trên manh chiếu rách, gió cứ hun hút thổi, biển đen ngòm ầm ào, ra vẻ chẳng thiện cảm gì với đám người ô hợp, đang lênh đênh trên bề mặt của nó. Tôi nhớ chị Ba và khóc thầm, nước mắt chảy xuống miệng mặn đắng. Đói và khát làm chúng tôi mụ cả người. Bệnh đỏ mắt lây nhanh trên con tàu bẩn thỉu, mắt ai cũng sưng tấy. Tôi ngắm biển bằng cặp mắt nhập nhèm, lúc ấy tôi đã ý thức được sự mỏng manh của kiếp người. Biển lấp lánh lân tinh, bầy cá chuồn bay vun vút trên mặt nước, tôi ước muốn nhảy xuống biển và bay la là trên mặt biển như bầy cá, bay mãi mãi... Tại sao lại phải có chiến tranh? Chiến tranh để làm gì? Ai chiến thắng được cái gì, trước bao nhiêu người dân vô tội bị chết, trước bao nhiêu đứa trẻ phải mồ côi, đói khát như tôi? Tôi xoay mãi câu hỏi vớ vẩn trong đầu, một điều mà sau này tôi mới biết đó là câu hỏi thiếu “ lập trường, quan điểm”. Tất nhiên ngày ấy không ai nói cho tôi biết “Đó là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại” Những ước muốn vu vơ, những câu hỏi điên khùng không làm cho bao tử lép kẹp ngưng đau bởi cái đói. Tôi lại nhớ chị và những chiếc bánh trong cái thúng nặng trĩu của chị Ba.
Sau bảy ngày lênh đênh chúng tôi được đưa lên đảo Phú Quốc. Từ đó chúng tôi bắt đầu những tháng ngày phiêu bạt.
Đất nước thống nhất, cậu tôi quyết định không quay về quê nữa. Lúc này tôi được mười hai tuổi, Cậu tôi thường hay tâm sự với tôi, ông nói :
- Tìm chỗ nào trong miền Nam mà sống, xứ Quảng cực đoan lắm, thằng nào theo cộng sản, theo triệt để, thằng nào chống cộng cũng triệt để. Bên tộc Trần nhà mày có câu: "Trần T. kháng chiến, Trần H. Việt gian”. Hai anh em ruột ở hai chiến tuyến, đánh nhau suốt mấy chục năm trời, mà anh nào cũng dữ dằn cả. Bây giờ về Quảng Nam, đám trẻ chăn trâu ngu dốt ngày xưa, loại cách mạng ba mươi tháng tư lên cầm quyền, tụi nó thực hiện “cách mạng triệt để, hợp tác xã triệt để” thì đến cám cũng không có mà ăn".
Cậu tôi là người hiểu biết về tình hình chính trị và căm ghét chiến tranh. Chế độ Sài Gòn trước đây bỏ tù ông về tội “hủy hoại thân thể, để trốn lính”. Bị bắt đưa vào quân trường ông tự chặt ngón tay của mình để khỏi cầm súng và hậu quả ông bị đi tù mất ba năm. Suy nghĩ của ông thường đúng nhưng cũng rất cực đoan.
Ngay từ nhỏ cậu tôi đã dạy cho tôi, sau này lớn lên có bốn điều nên tránh, ông gọi đó là tứ bất: “Bất thương Bắc kỳ xứ, bất đáo Bình Định kê, bất kết Quảng Ngãi thê, bất giao Thừa Thiên hữu”. Rồi ông giải thích:
- Không buôn bán với xứ Bắc vì dân Bắc kỳ khôn ngoan, lọc lõi, buôn bán với họ dễ bị lừa. Không đá gà với dân Bình Định, vì dân Bình Định giỏi võ, mà dân Quảng Nam hay cãi, đá gà cãi nhau, đánh nhau, mình đánh không lại họ. Không kết bạn với Huế, vì dân Huế là xứ cung đình, từ lâu họ tự cho họ là dân thượng đẳng, coi thường dân xứ khác, nhất là dân Quảng Nam, cái xứ của nền văn hóa khai khẩn, ăn to nói lớn, kết giao với họ dễ bị họ coi thường và chơi gác.
- Thế còn Quảng Ngãi, vì sao không lấy vợ Quảng Ngãi? – Tôi tò mò hỏi.
Câu tôi bảo:
- Lớn lên sẽ biết.
Ông không giải thích chuyện này và đến bây giờ lớn lên tôi cũng không thể biết. Vì bị ám ảnh bởi lời dạy của ông nên tôi không dám quen với mấy cô gái người Quảng Ngãi.
Tôi luôn băn khoăn với lời dạy của cậu, mỗi khi nghĩ về những điều ấy, tôi lại nhớ chị Ba. Chị tôi không chỉ xinh đẹp mà còn bao dung, chị dạy tôi yêu thương tất cả mọi người như yêu chính mình. Ngày còn nhỏ, chị không chỉ mang đến cho tôi những món quà mà còn mang đến cho chúng tôi vòng tay êm ái và đôi mắt hiền từ nhân hậu và những lời bảo ban về tình thương yêu. Giá như có chị ở đây tôi sẽ hỏi chị về những điều cậu tôi nói, nhưng làm sao gặp chị, đường xa diệu vợi, người xa diệu vợi.
Cậu tôi quyết định đưa gia đình về vùng đất giáp ranh Đồng Nai, Bình Thuận. Chúng tôi nhanh chóng bị hấp dẫn bởi sự hoang sơ và đẹp đẽ của nó. Những cây buông, lá to như cái lọng mọc thành rừng, lá xòa ra cả mặt đường, rợp bóng mát. Đọt lá xanh mơn mởn, dài hơn năm thước tây, nhọn như thanh gươm, kiêu hãnh chỉa thẳng lên bầu trời vàng rực nắng chiều. Ở miền Trung, tôi cũng nhiều lần đi rừng đốn củi, tận trong núi Chúa, nhưng chưa thấy cây nào đẹp như vậy. Chúng tôi hạ cây làm cột, chặt lá buông lợp nhà, cưa củi đốt than, phát rừng làm rẫy. Ngày ấy đói lắm, gạo không có để ăn, nhà nước bán bo bo, củ mì Ấn Độ cho dân, ăn say chí tử, đêm nằm bụng sôi ùng ục. Có những đêm đói rát ruột tôi lại nhớ chị ba và những món quà quê của chị.
Thời gian qua nhanh như cơn gió, cuộc sống dần dà thay đổi, tôi lớn và bước vào hành trình làm người đầy chông gai. Bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu lọc lừa, tôi cố quên nhiều thứ, để vất vả tồn tại. Nhưng tôi không quên được thời thơ ấu gian khổ và khốc liệt, tôi vẫn nhớ quê và nhớ chị. Hai mươi năm sau, tôi về quê vào một ngày hè cháy nắng. Cánh đồng bỏng rộp như bánh tráng nướng. Những người đàn bà khô khốc, với đôi quang gánh nặng trĩu nắng vàng, nhễ nhại mồ hôi, uể oải rảo bước giữa trưa hè. Hàng dứa dại, bụi tre gai, những đồi sim tím ngát, buồn mênh mang, dường như vẫn lặng lẻ trụ lại giữa dòng chảy của thời gian. Chị Ba của tôi cũng vậy, chị vẫn khắc khoải tồn tại trước khốc liệt của đời sống. Nhìn dáng chị mỏng manh, bươn bả trên bờ ruộng để đón tôi, bất giác cổ tôi nghèn nghẹn.
*
Trong những ngày chúng tôi “tha phương cầu thực”, chị vẫn sống ở quê, lấy chồng sinh được hai đứa con gái. Đúng như cậu tôi dự đoán, ngoài đó thực hiện mô hình hợp tác xã triệt để. Nghèo, đói, bệnh tật đã biến chị thành góa phụ ở tuổi hai mươi ba, chồng chị bị sốt rét ác tính và qua đời. Mẹ bệnh, em nhỏ, con dại, năm sáu con người trông vào mấy công điểm hợp tác xã của chị. Mỗi ngày làm quần quật được mười điểm, chia nhau vài ký lúa. Đã vậy làm sai chuyện gì là cán bộ tập đoàn trừ điểm. Có một người nông dân mỗi lần gánh lúa về sân hợp tác xã đi ngang nhà, đứng lại sai con lấy nước uống, trong thời gian uống nước, chị ta nhún vai cho lúa rụng xuống đường. Sau đó đám trẻ hốt những hạt lúa này bỏ vào lon sữa bò, dùng chày đâm tiêu giã để lấy gạo nấu cháo. Bị phát hiện cán bộ tập đoàn trừ điểm, chị bỏ thuốc độc giết hết các con rồi treo cổ tự tử. Nông dân làm quần quật, nhưng đến mùa, đám cán bộ tập đòan, hợp tác xã được chia điểm nhiều hơn, họ xây nhà, xây sân gạch. Lúc ấy, mấy anh cán bộ “ba mươi tháng tư” này, hay đội nói cối nên dân mới có câu: “Cời làm, cối ăn”. Thiếu ăn, con người trở nên khô khốc như cỏ tranh mùa nắng, nhưng chị vẫn đẹp. Nhan sắc trở thành nỗi khổ cho chị. Bao nhiêu người đeo đuổi, có người yêu thương thật lòng, có người thúc ép, dọa nạt. Rồi bao nhiêu đố kỵ đồn thổi xung quanh nhan sắc của chị. Nhiều lúc cũng xiêu lòng, nhưng về nhà nhìn mấy đứa con, chị ứa nước mắt. Để thoát khỏi những cám dỗ, chị đã tàn phá nhan sắc của mình bằng mọi cách. Chị làm quần quật, hết mùa, lại đi chặt củi, đốt than. Rồi mẹ mất, em mất, tuổi xuân cũng đi qua, các con đi lấy chồng, chị vẫn sống trên mảnh vườn xưa, bên cạnh gò làng. Hai cô con gái lấy chồng hiền và rất hiếu thảo với mẹ. Cả hai đều xinh đẹp như chị ngày xưa, nhưng họ không rời quê hương, không chọn những chàng trai ở phố. Họ lấy chồng quê, những nông dân thật thà chất phác, để được gần mẹ. Ngày con lấy chồng, chị tỉnh táo lo toan mọi việc, như một người đàn ông. Con về nhà chồng, chị mới khóc, lặng lẽ, bao nhiêu năm qua đi cũng đã khóc như vậy. Những giọt nước, nhẹ nhàng lăn dài trên gò má và vỡ âm thầm trên gối. Trước ngày lấy chồng cô con gái ôm vai và hát cho chị nghe câu hát ru ngày xưa chị thường hát để ru con ngủ: “Ầu ơ... Têm trầu mà giắt mái rui. Cúi đầu lạy mẹ làm sui cho gần.”
Cả một đời tần tảo hy sinh, dựng vợ gả chồng cho các em, rồi lo cho hai đứa con gái yên bề gia thất. Quanh quẩn bên mảnh vườn, bầy già, đám ruộng, bờ tre, những tưởng chị an nhàn tuổi già. Nhưng nào ngờ tai nạn lại ập xuống gia đình chị. Chiều hai mươi chín tết, của một năm không có ngày ba mươi, lúc mọi người nhộn nhạo đón xuân thì chị nhận được tin, cô em gái thứ Năm bị tai nạn qua đời. Sự ra đi bất ngờ của cô em để lại gánh nặng trên vai chị. Hai đứa cháu nhỏ không mẹ lại dựa vào chị. “ Mất cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, những đứa cháu lại được chị cưu mang. Mấy đứa con của chị thương đám em mồ côi, nhưng thấy chị khổ, đứa nào cũng khóc, còn chị cười. Có người độc miệng đồn là chị yêu ông em rể, cha của mấy đứa cháu. Đám con chị nghe được lồng lộn đòi xẻo mỏ những kẻ ác khẩu ấy, chị cười khuyên các con: “Kệ họ con ạ, làm sao bắt tất cả mọi người hiểu mình”. Nhà hàng xóm có con heo chết vì bệnh, chị sang chia thịt về đào lỗ chôn. Tôi hỏi: “Sao không ăn mà phải mua?”. Chị bảo: “Mình chia thịt để giúp vốn cho bà con nuôi lại em ạ”. Bốn mươi năm lưu lạc, tôi đi nhiều, sống nhiều nơi chưa có ai làm tôi khâm phục như chị.
Mỗi chiều tắt nắng, chị lại ra gò thắp hương cho những người thân. Mộ cha mẹ tôi cũng được chôn ở gò làng và bao nhiêu năm tôi xa quê, những ngôi mộ của các đấng sinh thành, ấm nhang khói bởi đôi bàn tay gầy guộc của chị.
*
Hết phép tôi về lại miền Nam, chị tiễn tôi ra ga với thúng quà quê, nặng trĩu trên đầu, nào xôi đường, bánh rò, bánh tổ. Vẫn vóc dáng mảnh mai ấy, vẫn bước đi tất tả xiêu vẹo trên bờ ruộng, nhưng chị không cho tôi mang giúp, chị cứ làm như tôi vẫn còn nhỏ bé như ngày xưa. Tôi cố nuốt nước mắt vào lòng, bước nhanh. Chị Ba ơi chị có biết không, em vẫn nhỏ bé lắm trước tấm lòng và nhân cách của chị, em thực sự quỳ gối trước trái tim vĩ đại của chị. Thế giới này có quá nhiều bộ óc lớn và con người đang cần những trái tim như của chị.
Lần đầu tiên trong đời cầm bút của mình tôi viết truyện về một con người có thật tên là Nguyễn Thị Sắt ở thôn A Đông, xã D, huyện D. X, tỉnh Quảng Nam, mà chẳng cần hư cấu thêm chút nào cả. Viết xong, bồi dưỡng cho mình cục xôi đường, món quà quê của chị gởi còn ấm nóng trong tay.