Khi về nhẹ cánh chuồn chuồn
Vô tình chạm phải mùi hương năm nào
Tôi bay theo cánh chuồn chuồn của câu thơ này từ lâu, chú ý cảm nhận mùi hương đồng nội năm nào vẫn tỏa đầy trong thơ Trần Hữu Dũng. Hãy nghe anh bộc bạch: “Tôi sinh ở nhà thương Từ Dũ được một tuần, má đưa lên xe lửa về huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho, sống một thời gian dài nơi quê nhà, lên thành phố học trung học Pétrus Ký (Trường THPT Lê Hồng Phong ngày nay), sau trúng tuyển vào Đại học Cần Thơ, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, đi qua hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ, vì vậy thơ có hương vị nông thôn miền Nam chăng?”.
Tôi đọc tập “Lá thông non và em - Trăng - Sương mù” (*) lúc còn là bản thảo sau khi anh kết thúc Trại sáng tác Đà Lạt. Thơ khởi đi ở chỗ sương mù, thấm đẫm hơi thở đồi núi, trăng, hồ nước; từ trên cao nguyên anh nhìn xuống thung lũng nhớ đồng bằng.
Nhâm nhi rượu tằm, nhâm nhi niềm vui vỡ vụn như mẩu bánh
Hình như em vừa hát khúc sonate bên hồ
Con thiên nga cất cánh bay về phương Nam
Mang nỗi ám ảnh quê nhà không nguôi, rừng cây hoa lá dày đặc không che khuất khung cảnh miệt vườn, anh quay quắt với bông điên điển, dề lục bình trôi, câu hò huê tình, cầu tre, thương hồ, bông lau trắng, hương cau xa, đom đóm lập lòe...
Có phải vì thế nên tác giả cảm thấy mình giữa đám đông đô thị như:
Con thú lạc bầy là tôi gầm gừ giữa phố
Trần Hữu Dũng nhận mình gã nhà quê/thơ lên phố lại hờ hững với phố:
Ở thành phố con đường trồng toàn hoa sữa
Anh trai Nam lặng lẽ phớt tỉnh đi qua
Mang câu hò đồng ruộng, mang không gian bến nước Cửu Long - miền Đồng Tháp Mười, anh đã “phớt tỉnh đi qua” phố, tuy dùng vật liệu ngôn ngữ đồng nội, nhưng được xây dựng sáng tạo trên cái nền hiện đại.
Trong từ nỗi xao động tâm hồn:
Chạy mãi trên đồng vắng, đường trắng
Có ai cắn nát trái cam mặt trời
Có ai chọc khẽ vào tim nhói buốt
Thương là thương người ấy
Đầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều
Đến chiêm nghiệm dữ dội:
Ở nơi thôn nữ băng trinh
Phát ra tần số cực mạnh
Vô số người run rẩy nhận ra
Ở nơi thiếu phụ cô đơn
Truyền đi tín hiệu yếu ớt
Chỉ có người từng qua giông bão đời mới biết
Đều thể hiện một phong cách mới.
Tập thơ không phải là một trường ca, nhưng được bố cục liên tục có chủ đề (một điều rất hiếm thấy trong những tập thơ hiện nay, thường là các tác giả tập hợp những bài thơ riêng lẻ rời rạc cho đầy một tuyển tập), “Lá thông non và em”... gồm 45 bài ngắn, dài - nhịp điệu và thơ xuôi xuyên suốt lãng mạn dễ đọc, trái với ý kiến một số người nhận định thơ Trần Hữu Dũng đứt đoạn rắc rối khó hiểu.
• Tập thơ vừa được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn TPHCM năm 2006
http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/170412.asp