Tôi bỗng nhận ra sự cố tình dễ thương khi đọc bài thơ: BUÔN MÊ ĐỂ BÁN NỖI BUỒN của Ngô Thị Hạnh. Bài thơ gợi cho tôi một liên tưởng tự nhiên. Buôn Mê là xứ của cà phê, cái thứ nước đen đen, chắt từ những trái nho nhỏ, xinh xinh vừa đắng, vừa ngọt, vừa toả hương dịu dàng say đắm làm say đắm bao nhiêu người trong cả lúc vui, cả lúc buồn, trong cả sớm, cả chiều, cả mưa, cả nắng. Nó còn gợi liên tưởng đến một vùng đất lúc nào cũng có thể trẩy hội. Hội đám cưới, hội đám tang, hội lúa mới, hội mùa. Lúc nào cũng có thể dóng lên những hồi chiêng ngân nga. Hình như xứ cao nguyên xa lắc nằm ngay giữa vùng núi rừng trùng điệp kia lúc nào cũng vang lên những âm thanh rộn rã của thác ghềnh, sông suối. Ô hay, thế mà có người lại mang nỗi buồn của mình lên xứ này, để càng đi, càng thấy thì lại càng cô đơn, càng buồn: “ nắng và vùng thạch thảo/ có rửa tan ẩn ức trong em”. Hy vọng mong manh như thế mà đến với Buôn Mê ư? Đất trời Buôn Mê đâu có thể thoả mãn được hy vọng của người thơ, mà chính người thơ phải tìm đến sự hoà hợp với đất trời, sông suối, núi rừng Buôn Mê: “không thể chôn cất nỗi niềm, em học người Ê- đê ăn mừng sự chết, để tin vào thế giới mới trường sinh/ tượng nhà mồ có mỉm cười chào đón/ khi em đến Buôn Mê chỉ để bán nỗi buồn?”. Đất Buôn Mê càng say đắm sự rộn ràng, thì người thơ càng lạc lõng cô đơn. Hai thái cực một ẩn, một hiện đã làm bài thơ chất nặng nỗi niềm. Nào, ai hãy thử khi buồn mà lạc vào nơi mở hội coi, sẽ được thưởng thức cảnh người càng vui thì ta càng buồn, người thì tung tăng nhảy múa còn ta thì thả những bước chân trĩu nặng tìm đường trốn tránh cô đơn. Người thì hân hoan, hớn hở còn ta thì lặng lẽ bâng khuâng.
Chính từ bài này mà tôi đã tìm đường đến mạch nguồn cảm xúc của cả tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh. Phần đầu CƠN KHÁT MÀU XANH. Phần hai: RƠI NGƯỢC. Phần ba: VẾT XƯỚC. Còn hai phần nữa trong tập thơ này, tôi không nhắc đến vì nó không phải của Hạnh mà từ Hạnh để những người đồng cảm lên tiếng bằng âm nhạc, bằng những bài viết giới thiệu thơ Hạnh. Có chăng chỉ cần nói rằng: Hạnh rất trân trọng tình cảm của những người đồng cảm mà giúp thơ Hạnh cất cánh bay xa hơn đến với người đọc nên mới có thêm hai phần sau cho tập thơ mình thêm dày dặn.
Ở phần thứ nhất: CƠN KHÁT MÀU XANH với 18 bài là 18 bài tìm lại, cố gắng tìm lại cái thuở ban đầu của một thời thiếu nữ, cái thời còn phới phới trinh nguyên, cái thời chưa vướng bụi trần. Em soi mình trong chiếc lá/ cũ kĩ màu vàng/gân guốc trái tim/ Đứa trẻ kiễng chân/níu màu xanhlại/ vỡ oà không gian/ dạo khúc giao mùa (SOI GƯƠNG) . Ngô Thị Hạnh bắt đầu phần thứ nhất bằng một bài thơ như thế. Rồi sau đó, là những ngày đi tìm mình trong cái tuổi trắng trong: những con chữ đến hồi vàng vọt/ em níu giữ bằng gì màu xanh phía tuổi thơ… Khi giọt nước mắt nảy mầm/ khi nỗi buồn bung cánh/ em yêu thương đến khao khát quên mình (NẢY MẦM). Có thể tìm được rất nhiều những câu thơ như thế trong phần thứ nhất của tập thơ RƠI NGƯỢC. Sự tìm về tuổi thiếu nữ ban sơ như là một sự khát khao, nhưng khát khao chỉ để mà khát khao thôi. Vì cái đã mất đi rồi, không làm sao lấy lại được. Căng thân ra mà níu giữ, bán hồn bán xác đi mà chuộc lại, bốc trái tim để mà đánh đổi, cũng không thể thấy được cái đã qua, cái đã mất, nhưng nó lại trĩu nặng trong ký ức đến nỗi phải bật ra, như tiếng nấc của một kẻ tủi thân: đêm mùa đông không anh sao mờ đục/ em khoác áo choàng ngồi khát dòng sông/ ngỡ như ai đang thả thuyền tình/ đợi em về xé cát ( MÙA ĐÔNG TRONG LÒNG PHỐ). Thành phố đêm-phập phồng khuôn ngực em mười sáu/ khao khát mưa về, khao khát nắng vàng lên/ đêm huyền bí/ đâu rồi cánh cửa màu xanh (LÃNH ĐÃNG ĐÊM HÈ). Có một cái gì đó thật xót xa. Cả một phần đầu tập thơ không biết bao nhiêu là câu hỏi. Anh là thế mà sao anh lại thế? Anh bảo em say tình sao lại bảo em tỉnh với đời? Xuân đẹp thế kia làm sao em giữ được mình? Để : em thả mình theo anh/ gió chẳng nói điều gì/ ngu ngơ rạn vỡ/chẳng biết làm gì cho đỡ nhớ/ bởi gặp anh rồi nhớ lại gấp ngàn xưa/ em giũ áo bao lần sao cơn khát chẳng ngủ yên? ( VU VƠ). Vì thế mà nhà thơ muốn mang nỗi buồn của mình lên Buôn Mê bán bớt đi cho vơi vợi, nhưng ai dại gì mua nỗi buồn, nhà thơ đang phải học vui ở chốn đông người. Chỗ ấy đến tượng nhà mồ còn cười kia mà.
Phần thứ hai của tập thơ không còn sự níu kéo thời gian nữa, không còn sự nuối tiếc tuổi thắm biếc thanh xuân nữa. Nó là những lời nghiệt ngã: anh giờ thành tàn dư trong nỗi nhớ/ không thể khát chính mình/ em về với dòng sông/ Em/ thấy vầng trăng/ dưới chân cầu đã gãy/ thấy bóng mình/ dưới mảnh vụn tình yêu. (TỰ TÌNH). Giống như lời cáo chung cho một cuộc tình. Nghe ra có vẻ mạnh bạo, mãnh liệt cáo chung. Thế nhưng đó là những lời đắng. Nó làm cho thơ Hạnh có một nỗi buồn không uỷ mị mà căng lên, mạnh lên để chống chọi với chính con tim mình: hạt mưa dĩ nhiên là rơi xuống/ em rơi ngược/ cô đơn như rừng chỉ còn một chiếc lá. Chưa ai nói về sự cô đơn như Hạnh. Trong dòng chảy tất yếu của cuộc đời, tất cả xô về một hướng, một phía, còn người cô đơn thì: mưa và gió cuốn trôi tất cả/ hun hút cuộc đời về phía không anh (MƯA II) . Nếu tôi không lầm thì phần thứ hai RƠI NGƯỢC này chính là phần mà Ngô Thị Hạnh lấy làm tâm đắc nhất. Những cái gì níu kéo, nuối tiếc ở phần trước gần như không còn, chỉ còn lại sự dồn đuổi con người đến cô đơn: nắng cứ vui cùng mành, luân vũ/ em bỏ cuộc, đợi nắng phía hoàng hôn (VŨ ĐIỆU NẮNG). Giọt nước đã rơi qua bàn tay mỏng manh bé dại/ đến bao giờ tôi mới lại khôn ra (CHẾ NGỰ). Và còn gì đau hơn, xót xa hơn : em nhớ những câu thơ do mình gạch bỏ/ như nhớ những đứa con em đã huỷ đi rồi (GAI NHỌN).
Phần thứ ba: VẾT XƯỚC, là phần Ngô Thị Hạnh dành để chiêm nghiệm. Sau những cô đơn mòn mỏi, sau những cơn đau xé của những cuộc tình, con người mới tìm ra được mình. Thơ Hạnh ở phần này không còn thấy sự buồn, sự đau riêng lẻ nữa, người thơ đã nhìn thấy rất rõ đằng sau những yêu thương dịu ngọt mà mình từng nếm trải kia là gì. Vẫn là tình yêu khát cháy trong lòng, nhưng sự khát cháy ấy được chia hai, phần dành mình giữ là phần mình đã tỉnh ra, phần kia dành cho phía đối diện, để tìm đồng cảm và thách thức: con sứa trắng quằn mình thoát chết/ cớ sao tôi nỡ hại chính mình (VẼ CÁ). Em tự cắt một phần cơ thể/ để đổ khuôn cho anh được vừa lòng? (HỔ KHÓC). Đến VẾT XƯỚC, thơ Hạnh muốn bung ra, phá phách. Hay nói cho đúng hơn, Hạnh đã trả cuộc tình si cho cuộc đời để dù còn là cô đơn, nhưng đã muốn vươn tới một cái gì đó cho riêng mình, cho khác mình ngày trước: chiếc ghế ngồi mang dáng hình người đàn bà đợi/ chiếc gương cũng chẳng nói được gì/ trong đêm bật tiếng mèo hoang (NGƯỜI ĐÀN BÀ SOI GƯƠNG TRONG ĐÊM). Trong đêm còn soi gương làm gì? Muốn tìm cái bóng của mình xưa, muốn gọi về những ngày nồng nàn xưa, xinh xắn xưa, vồ vập dâng hiến xưa. Nhưng chẳng thấy gì, ngoài ảo ảnh, ảo giác. Soi gương đêm để đừng thấy gì hết, nhưng lại thấy được chính mình thật nhất: chỉ có thơ là thực- những giọt sương toả sáng rạng ngời.
Khép lại tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh, tôi vẫn cứ có cảm giác ngậm ngùi. Ngậm ngùi cho số phận người đàn bà si tình, ngậm ngùi cho những cuộc tình dang dở. Nhưng cùng với sự ngậm ngùi là tìm ra sức mạnh tiềm ẩn của tình yêu. Tình yêu có thể làm cho người ta tan nát vì khổ đau, nhưng tình yêu cũng có thể đẩy người ta đến đỉnh vinh thăng, rồi trôi trượt, sau đó lại đứng dậy để khẳng định mình. Cả tập thơ giống như sóng biển. Có lúc dịu êm, có lúc cồn cào, có lúc dồn nén, có lúc bung xoà chồm tới để tung bọt trắng vào mênh mông.
Tuy nhiên, muốn nói với Ngô Thị Hạnh một điều: nguyên một tập thơ chỉ có một mạch cảm xúc đã tạo ra sự hạn chế nhất định. Riêng ra từng bài thì có thể gây cho người đọc những đồng cảm và cùng có cảm xúc như Hạnh, nhưng tập hợp lại trong cùng một tập thì quả thực, khi đọc cũng hơi bị “mệt”. Một tập thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh, nó giống như một quãng cuộc đời một con người. Một quãng thôi, nó cũng có đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố… “hỷ” không, không ổn, “nộ” không, không ổn, “ái” không không ổn. “ ố” không càng không ổn. Tất cả phải được hoà trộn với nhau, tập thơ mới có nhiều màu sắc, nhiều giai điệu, nhiều tầng cảm giác… như vậy mới cuốn được người đọc. Một mạch từ đầu đến cuối RƠI NGƯỢC chỉ là dằn vặt khi yêu, không yêu, không được yêu và hờn giận vì yêu, được thôi, nhưng có vẻ gì đó yếm thế.
Nhưng dẫu sao Hạnh đã bộc bạch trong đề từ cho tập thơ: người phụ nữ vào tuổi hai lăm/ chợt thấy mình mỏng manh tựa sóng, tất cả vẫn mỏng manh. Ay là mỏng manh trong thơ mà Hạnh thấy, nhưng cũng chính là còn mỏng manh trong thơ Hạnh làm. Nên đọc thơ Hạnh thấy nhiều câu hay, nhưng tìm ra được một bài thật hay thì vẫn còn hiếm. Đây là tập thơ thứ hai của Ngô Thị Hạnh. Có người bảo: tập thứ hai RƠI NGƯỢC này của Hạnh đã có bước tiến khá xa so với tập trước. Không biết có phải vậy không? Tôi rất muốn đọc từ Hạnh những vần thơ thật hồn nhiên. Thử hồn nhiên xem, Hạnh!