Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
982
123.197.360
 
Đặng Huy Giang với “Đời sống”
Phạm Lưu Vũ

(Đọc tập “Đời sống” – Thơ Đặng Huy Giang – NXB Hội Nhà văn năm 2002)

 

 

Nếu không tính bốn câu thơ đề từ: “Bao người ngậm ngải tìm trầm / Riêng ta, ta ngậm trầm luân kiếp người / Đi tìm vài ánh sao rời / Dăm mẩu thiên thạch ông trời ném đi.” Thì tập thơ bắt đầu bằng việc thi sĩ “khoe” mình ở phố Ngọc Hà:

 

“Nhà tôi ở tận ngõ một lẻ tám

Sau lưng nhà mờ lắm giấc mơ hoa

Kẻ ra chợ, người lên chùa tìm kiếm

Biết còn ai xa xót nỗi Ngọc Hà.” – Bài “Làng hoa”

 

“Làng hoa” xưa dường như chỉ còn trong tâm tưởng. Người “làng hoa” giờ chỉ quan tâm nhõn hai việc: “Kẻ ra chợ, người lên chùa tìm kiếm”. Đều là… đi buôn cả - hình như thi sĩ muốn nói thế. Trước đó, ông kể lể: “Sau lưng nhà mờ lắm giấc mơ hoa, và cuối cùng, ông than thở: “Biết còn ai xa xót nỗi Ngọc Hà.” Nếu không thông cảm với những kể lể và than thở nhường ấy, thì đây là một bài thơ dở, dở ngay từ câu đầu tiên: “Nhà tôi ở tận ngõ một lẻ tám”. Xin thưa: cái “ngõ” ấy nếu ở “Lũng Cú”, hay ở “Côn Lôn” thì còn dùng chữ “tận” được. Chứ nó ở “làng” Ngọc Hà, một cái “làng” nằm giữa Thủ đô “văn-vật” của cả nước, thì ông phải dùng chữ “ngay” mới đúng. Thử xem nhé: “Nhà tôi ở ngay ngõ một lẻ tám…”. Ở “ngay” đó, mà (còn) như thế… thì sự kể lể và than thở của ông mới đáng được thông cảm thêm gấp nhiều lần.

 

Phải nói rằng Đặng Huy Giang là một thi sĩ về cây, hoa và lá. Thơ ông xanh rì cây lá. Song cũng bởi ông sống giữa Thủ đô (có phải thế không nhỉ?), nên đôi khi tiếp xúc với cái thực, với thiên nhiên thực thì ít, mà va chạm đôm đốp với những thứ… kiểng, như cây kiểng, hoa lá kiểng hay “cái gì” kiểng nữa… thì nhiều. Ngay bài thứ hai, ông đã dựng “chân dung” một loại… kiểng như thế. Bài “Bonsai”:

 

“Nhỏ rễ và bé lá

bớt cành và thu cây

đến chỉ còn cốt cách

 

Thở ví dụ

ăn ví dụ

tinh thần cũng ví dụ

 

Dồn, ép

nén sống

một ít gam TNT

 

Chỉ thế thôi là đủ

nổ mùa xuân

quẫy đạp

                  chồi.”

 

Toàn những tính từ: “nhỏ”; “bé”, “bớt”; “thu”… làm tôi ngờ rằng cái “cốt cách” ấy của bonsai nếu còn, thì chẳng qua cũng chỉ là một “cốt cách” giả do uốn éo mà nên đấy thôi. Quả vậy ở những câu sau: “thở ví dụ / ăn ví dụ / tinh thần cũng ví dụ // Dồn, ép / và / nén sống…”. Phải công nhận rằng: “tinh thần cũng ví dụ” là một câu thơ tâm thế tuyệt hay. Tiếp đến hai chữ “nén sống” thì bonsai ơi là bonsai, thật khốn nạn cho cái thân mi quá. Mi đích thực là một giống tiểu nhân hèn hạ đang cố thu mình để mong được hiện hữu giữa cuộc đời này rồi. Còn “nổ mùa xuân” với “quẫy đạp”… làm gì nữa cho ra vẻ… Bài thơ này ngồi trước ai đó mà bảo: “tôi đọc cho anh nghe nhé…” thì không sao. Chứ nếu bảo: “tôi đọc vào mặt anh nhé…” thì chắc sẽ choảng nhau liền. Đến đây sao bỗng nhớ tới câu thơ của Nguyễn Trãi viết khi ông đang sống ở kinh đô, giữa triều đình vua quan nhà Lê: “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”.

 

Bài tiếp theo: “Cây và lá” ngược lại với bài trên. Cái cây nay đã ở ngoài đường, không phải “kiểng” nên dù có “nhân cách hoá” đến mấy, thì vẫn cứ là “cây”. Hơn thế nữa, đó là một loại “cổ thụ”, dù là thứ “cổ thụ” hằng chết đứng giữa phố phường vốn bị hạn chế gió trời. Bài thơ dùng một giọng cổ điển (có phải vì viết về “cổ thụ”, nên phải dùng “cổ thi” chăng?):

 

“Cây già. Còn lá trẻ

Mỗi năm thay một lần

 

Cây buồn như đông cũ

Lá vui chán vạn xuân

 

Lá rơi xa rơi gần

Cây một mình níu gốc

 

Trăng gió như trêu chọc

Nắng mưa như cợt đùa

 

Cây trầm ngâm giữ tứ

Lá giãi bày ý thơ”

 

Cái giống “cổ thụ” ấy, nom cũng đầy “tâm trạng” đấy chứ? Chỉ ghét câu kết: “Lá giãi bày ý thơ” đọc lên nghe hơi… “sến”. Bài thứ ba, bài “Mây” có những giọng lục bát xuất thần:

 

“…

 Ngỡ như trọn kiếp rong chơi

mà che lấp cả mặt trời như không

 

Tan vào bão

biến vào giông

mà mưa xô

lệch mấy dòng trường giang”

 

Viết về mây như thế, tưởng khó ai viết hay hơn được. Hơi tiếc hai chữ “mà” trùng nhau ở đầu hai câu “bát” làm cho nhạc thơ kém sức thuyết phục đi.

 

Ở đời giá như không làm thi sĩ, chắc Đặng Huy Giang sẽ làm… võ sĩ bởi cái tính cách mạnh mẽ của ông. Những câu thơ như “cãi nhau” mà vẫn hay:

 

“Đón tôi bằng tiếng sủa

con chó nhà Thi Hoàng

 

Đón tôi bằng hoa đỏ

dâm bụt nhà Thi Hoàng

 

Đón tôi bằng sóng vỗ

đại dương nhà Thi Hoàng…” - Bài “Thăm nhà Thi Hoàng”

 

Bởi không làm võ sĩ, nên ông không “tư duy quả đấm” (chữ dùng trong bài “Độc thoại Mai Taisơn”). Song tư duy tư tưởng của thi sĩ cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt. Những câu thơ rất kiệm từ, mà ngay cả “khổ” thơ, thì mỗi “khổ” cũng chỉ dùng đến hai câu. Trong tập có rất nhiều bài như thế. Sau đây là bài: “Gọi tên”:

 

“Một con đường rất quen

gọi tên là đau khổ

 

Một con đường rất nhớ

gọi tên là tình yêu

 

Một con đường phiêu diêu

gọi tên là phía trước

 

Một con đường đã mất

gọi tên là ngày xưa

 

Một con đường mơ hồ

gọi tên là sương khói

 

Ngày sấp bóng mà chạy

Đêm ngửa mặt mà đi

 

Rượu đắng như chia ly

Hoa thơm như hò hẹn

 

Thương nhau thì tới bến

Ghét nhau, chẳng chung bờ

 

Lá vẫn rụng như đùa

Thu vẫn vàng như thật

 

Suốt đời sống nhờ đập

Quả tim, gọi thế nào?”

 

Chỉ cần gọi ra một cái tên, cuộc đời dường như đã đổi khác. Đây là cách mà các bậc “nhân giả” thường làm. Cách ấy gọi là biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Tất nhiên những kẻ “ngụy nhân giả” thường làm ngược lại. Thế nhưng “Thu vẫn vàng như thật” thì lại là một câu thơ cẩu thả, một câu thơ được viết theo… đà. Bởi “như thật” nghĩa là giả. Nếu là tôi, tôi sẽ viết: “Thu vẫn vàng như không. Trên đời không gì “thật” hơn “không”. Vả lại tôi nghĩ đến một câu thơ Thiền cũng tả về mùa thu như sau: “Vàng sa xuống đất, không còn trên cây”. Không phải là không còn cái gì trên cây, mà là cái “không” (cũng có nghĩa là cái “thật”) vẫn hiện hữu trên cây. Và kết thúc ở đây thì có thể nói đã là một bài thơ tuyệt hay, tuyệt đúng với tính cách của Đặng tiên sinh thi sĩ rồi. Chẳng hiểu sao ông lại còn viết thêm hai câu “kết” (theo tôi) là rất “lẩm cẩm” vào cuối bài nữa: “Suốt đời sống nhờ đập / Quả tim, gọi thế nào?”

 

Lúc nãy người viết có nhắc đến giọng lục bát trong tập thơ này. Phải nói Đặng Huy Giang thi sĩ là một người có tài về lục bát. Thơ lục bát của ông rất duyên, rất nhuyễn. Trong tập có nhiều bài lục bát đạt đến tầm tư tưởng: “Ngửa mặt: tam thế trên cao / Cúi đầu: hương khói. Cõi nào… phân vân / Mỗi năm khánh thỉnh một lần / Nắng mưa hoa lá. Thoáng sân cổng chùa” (bài Vào chùa) hay: “Mơ hồ. Nhớ tiếng thở dài / Tưởng hình ai. Tưởng dáng ai tìm về / Tàn đêm. Không hết cơn mê / Còn nghe sương đọng. Giọt kề. Lạnh vai” (bài Nhớ). Có điều tất cả “lục bát” của ông đều được trình bày dưới dạng “tân hình thức”, nghĩa là xuống dòng liên tục, bất kể câu sáu, hoặc câu tám. Hình như nếu trình bày theo kiểu “cổ điển” thì sẽ không được “thời thượng” cho lắm, điều đó làm ông “xấu hổ” chăng? Đọc bằng mắt thơ lục bát của ông cứ làm tôi liên tưởng tới hình ảnh một anh chàng mặc chiếc áo rất đẹp, song vì chiếc áo ấy không được “mốt” cho lắm, nên anh ta cố tình… cài lệch khuy đi… cho nó “lạ”. Xin dẫn ra đây một bài lục bát rất hay nữa, bài “Ngân Hà”:

 

“Ngân Hà

Sông của trời cao

Những suối sao

Những biển sao

Mơ hồ

Ở đâu bến?

Ở đâu bờ?

Ở đâu sóng đánh

Con đò quay ngang?

 

Cuối đêm

Mộng đến thiên đàng

Đầu ngày mất bóng

Còn màng dáng khuya…”

 

Đặng Huy Giang thi sĩ hẳn phải là một người cha mẫu mực. Ông dạy con bằng cái nhìn rất thời đại của thế hệ mình. Điều không phải bậc làm cha nào cũng nghĩ tới. Xin hãy đọc bài thơ ông viết cho con trai là Đặng Chân Nhân:

 

“Thế giới nơi con một tấm bản đồ

Mái nhà Trung Hoa

Bộ óc nước Mỹ

Li cà phê Brazin đam mê

Điếu xì gà Lahavan mất ngủ

Saclo cười

Bill Gate làm thay nói

Zweig chán làm người

Pele xếp hàng trong một trò chơi…” – Bài “Thế giới nơi con”

 

Và xuyên suốt tập thơ là một quá trình ngẫm ngợi, đậm đặc tư duy. Ở đây, rung cảm thơ hình như đã nhường chỗ cho sức mạnh của tư duy, lý trí, kể cả khi ông viết về tình yêu: “Trong nỗi tìm kiếm lửa / Đá và đá, gặp nhau…” (bài Tình yêu). Nhiều bài đọc lên nghe như triết gia đang trình bày tư tưởng của mình: “Một bước nữa: Ngọn nến / Một bước nữa: Chân đèn…” (bài Bước người); hay là: “Bóng kỉ lục trùm lên mọi đường chạy / Bóng người trùm lên mọi lẽ tử sinh…?” (chưa chắc) - (Bài Kề giới hạn). Hoặc: “Sự thật vốn nhọn đầu / như kim dấu trong bọc” (bài Sự thật)… Cũng may là ngôn của ông khéo, chữ của ông giàu, và tình của ông thật (ít nhất cũng không dưới 90%) nên đọc không cảm thấy mệt, trái lại còn có gì đó thích thú nữa. Quả là “Đời sống” thì phải thế thôi. Bài thơ mang tên của cả tập thơ (hay cả tập thơ mang tên bài thơ này):

 

“Trên mái chùa ngàn năm

có cây gạo trăm tuổi

 

Dưới mái chùa ngàn năm

Có tượng phật vạn tuổi

 

Trên tượng phật vạn tuổi

Có bầu trời muôn năm

 

Mái chùa mải rêu phong

Quên lặng im gạch ngói

 

Tượng phật mải hương khói

Quên mịt mùi thời gian

 

Bầu trời mải thêng thang

Quên nắng mưa trôi nổi

 

Riêng hoa gạo đỏ chói

Chưa nguôi đỏ một mùa

 

Cùng đứa trẻ tập nói

Đang - đánh - vần - tháng - ba.”

 

 

Cuối thu 2006
Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3241
Ngày đăng: 18.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc lại HƯƠNG CÂY - BẾP LỬA - Nguyễn Trọng Tạo
"Gia đình bé mọn" - Trần Thiện Đạo
Trần Hữu Dũng : Phớt tỉnh đi qua phố - Vũ Trọng Quang
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một - Nguyễn Chí Hoan
Mỏng manh thơ tìm yêu : Nhân đọc tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh ,NXB Thanh Niên 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Tự truyện – Loại hình tự thán hay tự tô ? - Ngọc Thiên Hoa
Lê Vân –Yêu và sống - Một hiện tượng văn học ? - Lê Xuân Quang
Bế tắc trong sáng tạo - Inrasara
Trần Hoài Dương và tuyển tập vừa xuất bản - Triệu Xuân
Tự truyện ‘Lê Vân - Yêu và sống’ - sám hối hay… - Nguyễn Tý
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)