Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.147.507
 
Chàng gàn
Vũ Ngọc Tiến

(Thay lời bạt cho tập truyện ngắn 12 con giáp, Nxb Hà Nội 1998)

 

Hữu Đàm là nhà văn tỉnh lẻ. Thi thoảng mới thấy tên hắn xuất hiện trên mặt báo lớn ở Hà Nội. Thường thì hắn khiêm tốn, cặm cụi ở tờ báo tỉnh, an phận với công viêc sửa bài, chạy lăng xăng liên hệ với nhà in. Suốt mấy chục năm trong nghề chưa thấy Đàm ra nổi cuốn sách. Nói cho công bằng hắn viết nhiều mà chưa biết lách, chẳng nhà xuất bản nào chịu in bởi văn hắn viết nó ngang phè như mấy ông đồ gàn. Thành Nam là đất văn hiến. Bạn bè cùng lứa của Đàm nhiều người thành danh trên văn đàn hay làm giáo sư, tiến sĩ giảng dạy ở các trường đại học. Mỗi lần về quê dự hội trường, ai cũng vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng. Nhìn thấy Đàm thất tha thất thểu trong bộ đồ quân ngũ bạc thếch, sống cô đơn trong căn hộ tập thể mười hai mét vuông, cơm niêu nước lọ, ai cũng ái ngại. Nhưng nhiều người lại tặc lưỡi, chép miệng chung quy lại chỉ tại Đàm gàn, ngang phè như cua. Cái tính gàn ấy từ bé đi học nó đã làm khổ hắn rồi. Ai đời thầy dạy chính trị giảng bài về Công đoàn vàng ở Mỹ ăn lương của giới chủ nên ngăn cản đình công của thợ, hắn dám giơ tay thắc mắc: “Cán bộ công đoàn của ta cũng ăn lương Nhà nước thì là công đoàn gì?” Thày dạy văn ra đề bình giảng truyện cái sân gạch của Đào Vũ, hắn lại gây một vụ động trời là liên hệ sang chuyện một ông Chủ nhiệm hợp tác xã ở quê tham ô, hiếp đáp xã viên, sai với lý tưởng mà nhà văn họ Đào viết trong tác phẩm…Cái máu đồ gàn, hâm hâm dở hơi xui khiến Đàm không chịu dừng ở đó. Học hết lớp 10, nhiều anh viết đơn tình nguyện đi bộ đội bằng máu hẳn hoi, hắn cười khẩy bóc mẽ, có đến già nửa là học dốt, nếu thi chắc mười mươi sẽ không đỗ vào đại học nên chơi trội. May có ông chú hắn làm Hiệu phó, kiêm Bí thư chi bộ ở trường lo lót các kiểu, chứ nếu không thì hắn tong đời, học giỏi nhất khóa lớp 10 năm ấy cũng về nhà đuổi gà, làm sao vào được đại học Tổng hợp khoa văn Hà Nội, oai như nắng thời đó…    

 

Ra đời, vẫn cái tính gàn, máu hâm làm cản bước tiến của hắn. Tốt nghiệp loại xuất sắc khóa năm đại học Tổng hợp văn, người đời ai cũng khôn ngoan tròn như hòn bi, khúc gỗ lăn đâu cũng được. Riêng Đàm việc gì cũng phải bánh trưng ra góc. Phàm có chuyện chướng tai gai mắt, sai với lẽ công bằng là hắn nổi đóa. Thiên hạ coi các cuộc họp phê và tự phê cuối năm ở cơ quan là màn kịch vui. Họ rào đón trước sau, trông trên ngó dưới, nói ít nghe nhiều, còn Đàm vào họp là nói văng mạng. Người ta tế nhị đưa hắn đi thực tế ở chiến trường mười năm. Hết chiến tranh, người ta lại bố chí hắn về địa phương gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh. Về đến tỉnh chưa nóng chỗ đã sảy ra mấy cuộc tranh luận, người ta nể hắn thương binh loại nặng, có công lao kháng chiến nên lại tế nhị điều động hắn sang làm biên tập báo tỉnh. Đựơc ít lâu, bài vở hắn biên tập toàn giọng gàn, ngang phè nên người ta tế nhị điều sang phòng trị sự để hắn sửa bông và liên hệ với nhà in, cơ quan phát hành. Cứ thế, đời Đàm qua vài lần tế nhị sắp xếp công tác mới, nó cứ tàn tạ dần. Bạn bè, đồng nghiệp thương quý hắn, góp ý phải thay đổi cách sống thì hắn lại nổi đóa nên họ cứ xa dần, nhạt dần. Đàn bà con gái nhà quê nghe danh nhà văn Hữu Đàm, lúc đầu nhiều người hâm mộ, muốn làn thân. Nhưng họ hàng ngày đối mặt với bếp núc, cơm áo gạo tiền. Ngồi gần hắn chỉ thầy hồn thơ bay bổng lên tận chín tầng mây nên chuyện cứ lạt như nước ốc. Họ bảo nhau, ngữ ấy vừa gàn, vừa hâm lấy vào có mà nuôi báo cô suốt đời!

                                                             *

Lương thấp, việc nhàn, không vướng nợ vợ con nên Đàm trở thành con mọt sách. Thôi thì thượng vàng hạ cám đủ các loại sách văn, triết, lịch sử… Đông - Tây, Kim - Cổ, gặp sách gì là hắn đọc ngấu nghiến. Đồng lương hạng bét của hắn một nửa để dành mua sách, còn một nửa chỉ đủ chè thuốc và ngày hai bữa cơm rau. Nhiều hôm mê mải đọc sách, Đàm nấu mì ăn liền với ít rau xanh, khi mớ cải cúc hay cải thìa, lúc chỉ có nhúm hành tươi là xong bữa. Các cụ ta xưa có câu: “Một ngày không đọc sách soi gương thấy xấu hổ mặt”. Đàm còn hơn thế nữa. Sách với hắn là niềm vui, là người bạn để quên đi mọi nỗi cô đơn, thổi vào lòng hắn những khát khao, đam mê. Thói đời đọc nhiều, biết lắm mà không nói ra lời khác nào anh chàng thợ cắt tóc trong truyện cổ tích Arập biết ông vua Đặc La Vương có tai lừa. Không nói thì ấm ức mà nói ra ai cũng bảo Đàm hâm, Đàm gàn. Đã có lúc Đàm giật mình tự hỏi chẳng lẽ hết thảy những điều hắn đọc đều nhăng nhít. Thị xã tỉnh lẻ cũng chẳng đào đâu ra lắm sách. Hễ có dịp lên Hà Nội, Đàm hăm hở đến các hiệu sách lớn, các quầy sách báo cũ lục tìm những cuốn sách mình yêu thích. Mỗi lần như vậy, hắn đều tá túc ở nhà tôi, không chịu đến nhà Hùng. Bộ ba chúng tôi thân nhau từ thủa mặc quần lủng đít hay tồng ngồng giữa trưa ở ao đình mò cua, bắt ốc. Hùng đang làm Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu, có biệt thự riêng ở Tây Hồ, nhưng Đàm bảo: ‘Nó tốt thật, nhưng còn vợ con nó chưa chắc được như tao với mày”. Hùng biết tính Đàm gàn dở, không chấp, nhưng có lúc cũng phải than phiền với tôi: “Tao về quê ghé thăm, thấy nó sống khổ quá, chạnh lòng đưa cho bạn ít tiền. mày biết nó làm gì không?! Nó cầm tiền mân mê từng tờ như tra sổ số độc đắc rồi trả lại, giọng tỉnh queo, hỏi lại tao lương tháng bao nhiêu, tiêu xài xa hoa vậy lấy đâu còn tiền cho bạn. Thật điên hết chỗ nói. Đời bây giờ mà chỉ biết trông vào lương có mà ăn cám… Giời ơi là giời!.. Bạn ơi là bạn!...” Nói vậy thôi chứ Hùng quý Đàm thật lòng. Tình bạn giữa ba đứa dù đời có ném mỗi đứa một nơi, đặt từng đứa vào các nấc thang, vẫn nguyên vẹn những kỷ niệm thời chăn trâu, cắt cỏ. Quê hương là sợi dây vô hình níu buộc chúng tôi với nhau, cho dù năm tháng và những biến động của đời vốn đầy rủi ro, bộn bề lo toan sinh kế…

 

                                                                      *

Sớm hôm ấy vào tiết lập đông, trời lất phất mưa bụi, xao các gió heo may, gieo vào lòng người cảm giác buồn tê tái. Tôi dắt xe ra tới cổng, toan khóa cửa chợt nghe chuông thiện thoại réo liên hồi.

-          A lô! Mày đã nghe tin gì về Đàm chưa? – Hùng hỏi.

-          Không, có chuyện gì thế? – Tôi hỏi lại.

-          Đàm quỵ rồi. Nó nằm ở phòng cấp cứu viện lao Trung ương từ đêm qua.

-          Nặng không? – tôi hỏi  Hùng mà nước mắt cứ ứa ra.

-   Tao đến viện thầy nó nằm co quắp như nắm xương khô, nom tiều tụy thê thảm lắm! Mày đến ngay với nó một lúc. Tao đã đưa ít tiền bồi dưỡng cho bác sĩ, y tá nhờ họ hết lòng quan tâm. Giờ tao có việc phải đi công tác nước ngoài gấp. Bạn bè thân thích ở  Hà Nội chỉ có mày và tao thôi.

- Liệu có còn hy vọng gì không?

            - Mười phần chết chín rồi! Bác sĩ nói nó cùng một lúc trong người chứa đủ ba thứ bệnh: Ho lao, sốt rét và suy dinh dưỡng trầm trọng kéo dài.

 

Tôi buông máy điện thoại chạy ra ngoài, phóng xe như điên đến bệnh viện. Tiếng thở gấp, giọng nghẹn ngào của Hùng mách bảo tôi, Đàm đang rất nguy kịch. Thế giới đang xôn xao về một căn bệnh AIDS khủng khiếp. Thứ bệnh nào đe dọa mạng sống của con người đều đáng phải tiêu diệt. Nhưng xét cho cùng, cái bệnh AIDS khủng khiếp kia xuất phát ở những nước giầu, trong đám người thừa tiền đú đởn ở các hộp đêm rồi từ đó mới lan sang các nước nghèo. Vì nó trực tiếp đe dọa mạng sống trước hết ở các nước giàu nên sớm được quan tâm sôi động khắp thế giới, với những khoản tiền kếch xù. Từ nhiều thế kỷ nay, già nửa nhân loại ở các nnước nghèo đang chết dần chết mòn mỗi năm hàng chục triệu sinh mạng vì các bệnh của người nghèo là ho lao, sốt rét, suy dinh dưỡng, sao chỉ như chuyện thường ngày phố huyện, hở giời?... Thì ra mạng sống của người nghèo muôn thủa vẫn là rẻ  rúng! Đàm ơi, sao số phận lại dành cho Đàm hội đủ ba thứ bệnh nan y của người nghèo?...

 

                                                         *

Sau ba ngày thở ôxy, được bác sĩ hết lòng cứu chữa và nhờ loại thuốc đặc hiệu do Hùng bỏ tiền gửi cô y tá mua hộ nên Đàm đã tỉnh lại. Tôi thầm nể phục sự chu đáo và cái tình Hùng dành cho bạn trước lúc đi công tác xa. Phần tôi chỉ còn mỗi việc xin nghỉ phép, túc trực ở bênh viện nghe ngóng, chăm sóc cho Đàm. Hắn vừa tỉnh lại đã nằng nặc đòi hút thuốc và đọc sách, nhưng tôi không thể làm sai lời dặn của bác sĩ. Đàm nắm tay tôi buồn rầu tâm sự:

-Có lẽ mình chẳng sống được bao lâu nữa đâu. Có câu: “con chim sắp chết tiếng kêu buồn bã, con người sắp chết lời nói thật thà.” Mình rất biết ơn cậu và Hùng. Nhờ cậu giúp mình nói lại với nó rằng, hãy tha thứ cho cái thói trái tính, trái nết của thằng bạn nghèo hèn, yếm thế. Đến lúc này mình mới hiểu không phải ai trên đời trở nên giầu sang đều do lừa lọc, giả trá. Nó còn do tài, đức họ và hồng phúc tổ tiên nữa. Cái quý là Hùng nó giàu mà nó vẫn có tâm. Ở đời cái tâm, cái đức, đi đôi với sự giầu hiếm lắm!

- Cậu hiểu được Hùng như vậy là tốt rồi.

- Đất nước mình sau đổi mới sẽ giàu lên, nhưng mình vẫn lo tình đời sẽ lạt, đạo Nhân sẽ suy vi.

- Cậu lo làm gì cho nó mệt xác.

- Từ lâu tớ cứ tự hỏi: Vì sao gần đây ở các nước phương Tây Nho giáo lại được giới thức giả quan tâm? Phải chăng sau khi xóa bỏ các giá trị cổ truyền, họ đã đi vào cuộc sống mà hạnh phúc chân chính không chỉ đạt được bằng khoa học kỹ thuật và những tiện nghi vật chất hoàn hảo? Phải chăng con người trong xã hội văn minh không không thể vừa lòng  với những quan hệ cứ ngày một xấu đi giữa người với người trong đời sống đô thị hóa? Ở nước Trung Hoa mới ngày nào còn phê Lâm, phê Khổng mà nay họ lại khôi phục vị trí của Khổng tử, coi ông như một người thầy không chỉ của Trung Quốc mà của cả nhân loại là vì sao? Phải chăng việc tiếp thu những tinh hoa  trong đạo đức truyền thống Nho giáo đã giúp nước Nhật mau chóng trở  nên hùng cường sau thế chiến hai? Gần đây những con rồng mới đang cát cánh ở châu Á, phải chăng ở Hàn Quốc có phong trào tân dân, Đài Loan có phong trào phục hưng văn hóa Trung Hoa, Singapo có phong trào tái sinh Nho giáo?...

 

Giời ơi là giời! Sao mà lắm thứ “phải chăng” cứ phịt ra từ cái lỗ mồm gàn dở? Đàm nói say xưa như chưa bao giờ được nói. Mắt hăn ngời sáng, đầu lắc lư, trán lấm tấm mồ hôi. Những lời hắn nói khúc triết, mạch lạc, đầy hình ảnh và nhiều dẫn dụ có sức thuyết phục người nghe. Tôi có cảm giác hắn say sưa diễn thuyết, hùng biện trong cuộc hội thảo của các nhà xã hội học danh tiếng. Vì sợ hắn mất sức sẽ quỵ trở lại, tôi cố ép hắn uống một cốc sữa và lái câu chuyện sang đề tài về quê hương, về các bạn bè thủa còn đi học. Đàm khoan khoái uống liền hơi xong cốc sữa, ăn vài lát trái cây và nhìn tôi bằng ánh mắt biết ơn. Hắn van nài tôi cho hút một vài hơi thuốc lá và tôi đã nềm lòng vi phạm lời khuyên của bác sĩ. Thức ăn làm hắn ấm lòng, khỏe lại. Chất nicotin của thuốc lá làm thần kinh hắn hưng phấn. Đàm lại nói tiếp:

- Mấy năm gần đây mình bỗng nhiên mê đọc sách cổ. Đọc các cuốn Kinh Dịch, Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung của cổ nhân mới vỡ ra nhiều điều.

- Mình nghe nói có lắm cái trong sách thánh hiền người đời sau chưa lý giải hết, đến giờ vẫn còn mu mơ.

- Theo cậu, một trong bí quyết của công nghệ thông tin ngày nay là nhờ sự biến đổi nào của toán học?- Đàm cười hỏi tôi.

- Có lẽ nhờ vào sự biến đổi toán học từ phép thập phân sang nhị phân.

- Vậy mà ở phương Đông, cách đây mấy nghìn năm, toán học nhị phân đã từng có mặt trong sách Chu Dịch. Nét chấm gạch và nét liền trong mỗi hào chẳng là nhị phân thì là gì. Thánh thật! Chỉ một nét liền, một nét chấm gạch các cụ chồng lên nhau rồi thành ra nội quái, ngoại quái. Xoay vần dịch đổi  nó ra thành 64 quẻ dịch 384 hào. Chỉ ngần ấy thôi mà các vị thánh phương Đông luận giải ra hết mọi lẽ sinh linh, hóa hóa của vũ trụ, đạo lý ở đời và vận số con người.

- Cậu nghiên cứu những thứ ấy để làm gì? – Tôi hỏi.

- Để chiêm nghiệm vào mình, thế thôi. Tiếc rằng số kiếp mình đã hết chẳng kịp nữa rồi.

- Đừng bi quan thế, cậu còn sống thêm mươi mười  lăm năm nữa.

- Đừng giấu nhau làm gì. Người tĩnh tâm như tớ, không hao tán trí lực và trực giác ra ngoài, biết cái chết đang đến.

 

Tôi im lặng nhìn Đàm đau xót, không biết nói thêm gì. Hắn cũng im lặng nhìn ra bầu trời lã chã mưa rơi, ầm ào gió mùa Đông Bắc thổi trên các ngọn cây, mài nhà. Bỗng hắn quay sang tôi hỏi:

- Nhân loại hiện nay có bao nhiêu người?

- Khoảng năm, sáu tỷ gì đó – Tôi đáp.

- Theo cậu nên chia mấy tỷ người ấy ra thành mấy loại?

- Cũng tùy theo cách chia: Có người chia theo tài đức, có người chia theo sang hèn, lại có người chia theo số mệnh.

- Mấy trăm năm trước, Ngô Thừa Ân trong truyện Tây du ký chia nhân loại thành năm hạng người: có người sinh ra chẳng cần biết có tài cán, công tích, nhưng do âm đức từ tiền kiếp nên phúc lộc dồi dào, được làm thầy, làm cha kẻ khác. Ai trái ý chỉ cần niệm một câu thần chú là lăn đùng ngã ngửa. Đó chính là Đương Tămg – Loại người thứ hai, tài năng mưu trí hơn người, nhưng ngang ngạnh ngỗ ngược suốt đời làm trò cười cho thiên hạ, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Đó là Tôn Ngộ Không – Loại người thứ ba luôn bẻm mép, lém lỉnh, ăn cỗ đi trước lội nước theo sau lại được bề trên tin dùng yêu mến. Đó là Trư Bát Giới – Loại người thứ tư suốt đời ba phải, ậm ừ và siêng năng cần mẫn. Đó là Sa Tăng – Loại người cuối cùng là con ngựa trắng sinh ra để cho người ta đè đầu , cưỡi cổ. Năm loại người này số phận đã định từ kiếp trước nên kiếp này phải đoàn kết, nương tựa vào nhau, đừng tranh đoạt đòi đổi hạng, quyết chí tu hành thì mọi yêu ma quỷ quái trên đời sẽ tiêu diệt hết và họ cùng nhau lên cõi niết bàn.

- Cách chia này có vẻ thụ động, huyền bí, không thích hợp với thế giới hiện đại – Tôi nhận xét.

- Đúng. Đạo Phật là thứ tôn giáo thụ động, khuyên con người ta thoát tục, lánh xa trần thế vốn là bể khổ. Đạo Nho khác đạo Phật ở chỗ chủ động. Nó khuyên con người ta tu thân rồi phải dấn thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng xưa nay nhiều thế hệ đã quên mất phải lấy chữ Nhân điều hòa mọi quan hệ xã hội. Đó chính là thứ bi kịch của muôn đời. Vậy nên mình mới có một cách chia khác.

- Cậu định chia như thế nào?

- Mười hai người là cả thế gian. Nói chính xác hơn nhân loại năm, sáu tỷ người có thể chia thành mười hai bản mệnh: Tý - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi. Mỗi

giáp có mười hai chi vừa nêu lại đi kèm với mười can: Giáp - Ất - Bính - Đinh - Mậu - Kỷ - Canh -Tân - Nhâm – Quý. Như vậy mỗi năm một bản mệnh có can, có chi đi kèm. Mỗi năm mười hai tháng, một tháng 30 ngày và một ngày theo cách tính thời gian của Phương Đông thời cổ có mười hai giờ. Mỗi đơn vị tháng, ngày, giờ lại đều có can, có chi nữa. Như vậy, bản mệnh con người chỉ có mười hai con giáp, nhưng biến hóa vô cùng theo năm, tháng, ngày, giờ sinh của họ. Con người muốn chủ động dấn thân vào xã hội phải nắm chắc bản mệnh của mình. Mười hai bản mệnh kết thành nhân loại, cùng hòa đồng, giải quyết mọi mối quan hệ, đừng tranh đọat thì cái ác sẽ hết, quả đất này chung một cơn ấm lạnh.

 

Tôi thật sự ngỡ ngàng, lúng túng trước sự phân chia nhân loại có phần cổ lỗ, rối rắm, gàn dở của Đàm giữa thời buổi văn minh hiện đại. Đàm vẫn say sưa không để ý thái độ băn khoăn của tôi. Hắn nói:

-Mình có ước mơ nếu ông trời cho sống thêm một giáp nữa thì mỗi năm sẽ viết mười hai truyện về mười hai con giáp. Như vậy thông tin về mỗi bản mệnh chí ít cũng được lặp lại mười hai lần. Tiếc rằng vừa mới vết xong tập truyện mười hai con giáp đầu tiên đã quỵ rồi.

- Để làm gì cơ chứ? – Tôi hỏi.

- Ở tuổi năm mươi như mình, người nhà quê thường hay đẵn xoan, chặt tre đóng bè ngâm xuống ao bùn đợi ngày làm nhà. Họ làm nhà để cho con cháu hưởng chứ bản thân họ còn được mấy nỗi. Mười hai truyện về mười hai con giáp này mình viết với tâm trạng ông lão nhà quê nọ. Nếu nó gieo được vào lòng người đọc một chút gì hữu ích là mình mãn nguyện…

 

                                    *

Tôi không ngờ buổi nói chuyện tầm phào, điên điên dở dở ấy là lần tâm sự cuối cùng với Hữu Đàm. Theo di chúc, tôi lượm lặt mười hai câu chuyện hắn viết và miễn cưỡng phải đứng tên tác giả vì theo lời hắn nói, muốn tránh cái tên Đàm gàn, Đàm hâm mà thiên hạ vẫn gán cho mình. Hùng đã về, nhưng không kịp đưa tiễn bạn ra nghĩa trang. Hắn khóc thương Đàm thống thiết như em mất anh. Sau 49 ngày của Đàm, Hùng bảo tôi lo các thủ tục xuất bản, còn mọi chi phí in ấn hắn sẽ ủng hộ. Tôi cầm tập bản thảo đi đến nhà xuất bản cứ bị ám ảnh bởi câu trong sách Luận Ngữ: “Con chim sắp chết tiếng kêu buồn bã, con người sắp chết lời nói thật thà”. Đàm ơi! Mười hai truyện này là lời nói thật cuối cùng của Đàm. Nếu có chút gì trong đó người đời cho là gàn dở cũng chẳng sao. Suốt đời Đàm đã mang danh chàng gàn rồi cơ mà, Đàm ơi!...

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 4677
Ngày đăng: 18.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gặp lại Huyền Trân - Bùi Anh Tấn
Bôn ba không qua thời vận ! - Vũ Trà My
Tình mộng - Trần Huyền Trang
Chuyện Báo và Cọp - Văn Chấn Ngọc
Bến bờ xa lạ - Nguyễn Bính Hồng Cầu
Thúng quà quê - Nguyễn Một *
Những nốt nhạc xa xanh - Đổ Tiến Thụy
Nhân Cách Thơ - Nguyễn Nguyên An
Người xa lạ - Lương Minh Vũ
Giọt mưa lòng trong đêm của mẹ - Ngọc Thiên Hoa
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)