Khánh Hòa nằm ở vùng duyên hải cực Nam Trung bộ, là nơi đất liền vươn ra biển Đông xa nhất của Tổ quốc, rất gần với vùng nước đại dương và các dòng hải lưu nóng lạnh thích hợp cho sự phát triển của các loài thực vật, sinh vật phù du, trở thành nguồn thức ăn dồi dào quyến rũ các loài cá khơi tới sát vùng bờ. Khánh Hoà có đường bờ biển dài (khoảng 385 km, chưa kể các đảo và quần đảo Trường Sa), do núi ăn lấn ra biển và tác động xâm thực của sóng biển, đoạn bờ biển này rất khúc khuỷu, lồi lõm với nhiều bán đảo, hòn đảo lớn nhỏ, nhiều mũi đá, bãi triều, bãi cát đến những đầm, vũng, vịnh… phân bố dọc ven bờ. Đây chính là địa điểm lý tưởng cho các đàn cá tập trung vì có bóng núi và giàu thức ăn. Hàng năm, từ khoảng tháng Giêng âm lịch, các loài cá nổi di cư theo mùa từ vùng biển phía Nam theo dòng nước bắt đầu di chuyển ra Bắc, ngư dân gọi là mùa cá lên. Đến cuối tháng Tư, cá từ miền Bắc trở vô Nam, ngư dân gọi là mùa cá lại. Trong lúc di chuyển, đàn cá gặp vách núi của đảo hay bán đảo nhô ra biển thì chạy dọc theo gành. Chính từ đặc điểm này mà hàng trăm năm trước ngư dân thuộc hải phận Khánh Hoà đã phát kiến ra một phương pháp đánh bắt vô cùng độc đáo: nghề lưới đăng. Nghề này có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao - lại chủ yếu là các loài cá ngon như cá thu, cá ngừ, cá bò, cá cờ… nhưng không phải di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến.
TÌM VỀ NGUỒN CỘI
Theo những tài liệu ghi chép lại thì chính những ngư dân gốc Bình Định di cư vào Khánh Hòa lập nghiệp cách đây trên 250 năm là những tiền bối sáng lập nghề lưới đăng. Thôn đảo Khải Lương (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) là một trong những làng nghề lưới đăng đầu tiên của Khánh Hoà. Theo truyền khẩu của các lão ngư và qua văn tế cúng đình ở Khải Lương thì cách đây trên hai thế kỷ, những bậc tiền hiền của họ là các ông Hà Văn Thi, Nguyễn Văn Phú, Phạm Văn Chánh, Huỳnh Văn Túc… vốn là những ngư phủ ở Phường Mới (Tam Quan, Bình Định) trên đường từ Bình Định di cư vào Nam đến vùng Đầm Môn, Khải Lương, Ninh Đảo, Điệp Sơn là các đảo và bán đảo nằm trong vịnh Vân Phong thì dừng lại lập làng, lập bến. Sở đăng đầu tiên mà những cụ tổ đã tìm ra là đầm Tiểu Cảng - Suối Châu (tục gọi Bãi Giếng), sau đó anh em ông Văn Bá Tàng, Văn Bá Điểm khai phá các đầm Nghi Phong - Diêu Chữ (tức Bãi Dầm), Vĩnh Trích - Đá Dựng (tức Bãi Ván).
Cách đất liền chừng 15 hải lý về phía đông, Bích Đầm là làng đảo nằm xa bờ nhất trong số gần chục làng đảo của thành phố Nha Trang. Làng nằm trên một doi đất phía tây núi Hồng thuộc đảo Hòn Tre. Doi đất này bọc lấy một đầm nước quanh năm trong xanh như ngọc bích. Khóm Bích Đầm (thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang) là một trong những làng biển chuyên nghề lưới đăng lâu đời nhất ở Khánh Hoà. Gia phả dòng họ Trương là tiền hiền làng Bích Đầm ghi rằng, vào năm Gia Long thứ 7 (1809), cụ tổ Trương Cỏi (quê quán ở Bình Định) đã đến khai phá vùng đảo này - lúc bấy giờ còn tên tục là xứ Đầm Môn Bãi Tre - và sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng. Đến đời Tự Đức, làng được đặt tên trong sổ bộ là Bích Đàm (thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh), nhưng dân vẫn quen gọi là Bích Đầm. Từ đó những đầm đăng quanh các đảo Hòn Lớn, Hòn Tre được đem ra khoán lãnh, mỗi sở đầm lớn nhỏ đóng thuế từ hai, ba chục đến trên cả trăm quan. Cụ Cỏi không có tiền nộp mới tìm ra đầm mới là Hòn Xưởng. Luật lệ thời đó cho phép người có công khai phá đầm được quyền khai thác và hưởng trọn lợi tức trong ba năm đầu, sau đó đầm được sung công. Con cháu cụ Cỏi có công khai phá đầm Hòn Mun, ba năm sau lại tìm thêm được đầm Thạch Dự - Bút Chữ. Sau đó cũng chính dòng họ Trương đã khai phá các sở đầm Mai Thọ, Lỗ Trại, Chính Đầm và Phụ Đầm.
Ở phường Phương Sài (thành phố Nha Trang) nay vẫn còn bảo lưu địa danh Bến Trường Cá, xưa kia từng là một ngư cảng nhộn nhịp và phồn thịnh. Theo gia phả Mai tộc là một trong những bậc tiền hiền của địa phương, dưới thời Tự Đức có ông Mai Thiên Tải về định cư ở thôn Phường Củi (tên gốc của Phương Sài). Nhận thấy địa thế vùng này thuận lợi cho việc khuếch trương ngư nghiệp, ông mua sắm ghe thuyền, ngư cụ, chiêu mộ lưu dân có nghề biển gốc ở Phường Mới (Tam Quan, Bình Định), tổ chức đánh bắt xa bờ, phát triển nghề đầm đăng khiến đời sống nhân dân địa phương ngày càng ấm no, thịnh vượng.
Trước khi có nghề lưới đăng, xưa kia người dân sống ở vùng sông nước đã biết sử dụng một công cụ đánh bắt cổ truyền gọi là đăng, được đan bằng những nẹp tre thành từng tấm như tấm sáo chắn ngang dòng nước để ngăn, đón cá. Có lẽ từ loại ngư cụ thô sơ này mà ngư dân Khánh Hòa đã phát kiến ra giàn lưới đăng với tính năng, quy mô và hiệu quả đánh bắt cao hơn rất nhiều. Bước đầu nghề đăng còn phôi thai, ngư cụ hết sức thô sơ. Lưới đăng đan bằng xơ dừa hoặc bằng vỏ cây mấu lấy trên rừng đem về ngâm nước, đập tơi ra, tước thành sợi nhỏ rồi đánh thành nhợ. Neo bằng đá hoặc gỗ. Từ lưới đến dây, phao ganh, neo chằng đều làm bằng vật liệu tự tạo như thế nên không được bền chắc, mỗi mùa chỉ dùng được đôi ba tháng. Kỹ thuật đánh bắt cũng rất đơn giản. Người ta buộc dây từ gành ra khơi một quãng dài, trên dây buộc lòng thòng xuống nước các thứ lá cây, rong biển hay các cành khô (chà) để chắn cá. Bầy cá di chuyển tới đó, gặp chướng ngại vật phải vòng ra xa, mấy chiếc ghe câu đã thả lưới chờ sẵn, gặp bầy cá tới là họ cứ việc đứng ở mũi ghe kéo hai đầu lưới lên như kéo rớ.
Dần dần, lưới đăng phát triển thành một đại hải nghệ, có năng suất và lợi tức cao nhất trong ngành ngư nghiệp của tỉnh Khánh Hoà. Việc cải tiến các phương tiện và ngư lưới cụ hành nghề như: ghe thuyền được đóng bằng gỗ tốt, có gắn thủy động cơ; giàn lưới đan bằng sợi cước, sợi ni-lông; ống phao bằng nhựa; dây neo cố định lưới bằng dây cáp… đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho ngư dân.
Tuy vậy, lưới đăng vẫn là một nghề vất vả và mang tính may rủi rất lớn. Lưới đăng là công cụ khai thác cố định (chờ cá đến với lưới chứ không thể dùng lưới đi tìm cá). Năm nào cá di cư vào sát bờ do điều kiện môi trường hoặc do cá theo mồi, lưới đăng sẽ thu hoạch được nhiều, ngư dân gọi là được mùa, còn ngược lại là mất mùa. Vì mỗi năm chỉ làm một mùa 5 hoặc 6 tháng, khả năng thu hoạch cao thường là trong hai tháng 3 và 4 âm lịch (tháng 4 và 5 dương lịch); hơn nữa do giăng lưới cố định, không thể đang giữa mùa di chuyển đến nơi khác (vì đầm nào cũng có chủ), ngư dân đặt hết hy vọng vào sự phù hộ độ trì của các vị thần linh biển cả, nên việc thờ phụng cúng kiếng từ khi dọn nghề đến ngày mãn mùa là vấn đề sinh tử. Đó là các lễ: cúng Ráp Xương Quẹo, cúng Tổ Nghề, cúng Tết Thuyền, cúng Lịnh Bà Tiên Chúa, cúng Khai Sơn Khai Lạch, cúng Thủy trình, cúng Kết Gang, cúng Ra Mắt, cúng Lịch Y, cúng Dàng, cúng Cầu Ngư, cúng Mừng Rau, cúng Hạ Đăng, cúng Tạ. Đến 1975, nghề lưới đăng được Nhà nước tổ chức thành tập đoàn rồi hợp tác xã với các thế hệ ngư phủ mới, việc cúng kiếng theo cổ lệ tại các sở đầm chỉ còn thực hiện đơn giản.
NGHỀ BIỂN TRUYỀN THỐNG
Trải qua thời gian, lưới đăng đã trở thành một nghề truyền thống ở Khánh Hoà. Ngày nay, tuy có được cải tiến lên nhiều nhưng phương pháp hành nghề vẫn căn bản theo lối cổ truyền. Dụng cụ lưới đăng gồm có:
a)1 thuyền đăng + 1 thuyền neo lo việc thả lưới, kéo lưới.
b)1 xuồng sai dùng để chỉnh neo, sửa nạp và đi lại liên lạc.
c)1 hoặc 2 ghe phiên lo việc chuyên chở cá về bến.
d)1 giàn lưới đăng gồm nhiều tấm lưới nhỏ gọi là trệt kết vào nhau bố trí thành thế trận lừa cá vô rọ.
Mỗi vị trí khác nhau của giàn lưới được ngư dân đặt thành những cái tên rất hình tượng như trệt gang, trệt lưng, trệt rọ, trệt tráng, trệt hôm, lưới bửng… Ngoài ra còn một giàn lưới rút để sẵn trên thuyền, khi đàn cá đã vào rọ thì thả xuống để bắt. Chi phí cho toàn bộ một giàn nghề lớn có đến vài trăm lượng vàng (thời giá những năm 60 của thế kỷ XX).
Lực lượng lao động thường xuyên trên thuyền gọi là bạn khoảng từ 20 đến 40 người, gồm các bạn lưới (thợ phụ), bạn nằm thuyền (thợ chính) và người chèo dọc (đốc công). Đôi khi có thêm một số lao động không thường xuyên xin đi theo ghe để phụ gọi là qua lồ.
Tùy theo sở đầm lớn hay nhỏ, một giàn lưới đăng cùng các phụ kiện, dây chạc… thường nặng cỡ trên dưới chục tấn, người ta phải kết bè, trải nạp trên mặt, giằng chì dưới đáy và thả nhiều neo để giữ giàn lưới đứng vững. Cứ khoảng 10m lưới thì đặt một mỏ neo và 50m là một đường neo. Ngoài 4 neo chính là neo cái, neo cổ, neo dọc, neo ngang, 6 neo phụ là nhứt rượng, nhì rượng (bên giàn lưới rọ), nhứt tráng tây, nhì tráng tây (bên giàn lưới tráng), nhất hôm, nhì hôm (bên giàn lưới hôm), còn có hàng chục neo lưng (giữ giàn lưới lưng).
Tại địa điểm cố định của sở đầm, giàn lưới lưng được giăng từ chỗ kết gang (hòn đá nơi gành) ra đến thuyền đăng chừng 300m nhằm chặn đường cá đi, kế đó dùng lưới rọ, lưới tráng kéo từ thuyền đăng vòng đến bè cái, bè dọc, lại từ bè dọc kéo lưới hôm đi ngược về phía đảo. Mặt khác, từ neo thứ mười phía lưới lưng đặt một giàn lưới bửng kéo chênh chếch theo một góc hình tam giác thẳng đến đầu lưới hôm, có chừa một khoảng trống cho cá đi vào rọ. Cá chạy dọc chân gành, thấy lưới thì khựng lại, xây quanh giằng rồi từ từ kéo ra, chạy gần như song song với giàn lưới lưng, kế đó cá gặp giàn lưới bửng và lưới hôm bố trí như một cái hom hình chữ Y hoa thắt lại ở đáy. Một người coi nước lội phía ngoài rọ lưới để canh chừng hướng cá di chuyển, khi thấy cá đã vào rọ thì báo hiệu cho trên thuyền đóng cửa bửng nhốt cá lại, thả lưới rút xuống. Cá bị kẹt trong rọ cứ chạy xoay vòng tập trung vào giữa. Đến lúc bắt đầu nhổ lưới thì cả bốn mặt đều được bao kín. Vòng lưới cứ hẹp dần, cá dồn hết xuống đáy. Gặp đàn cá dày, người ta phải gạn lên từ từ, các loại cá dài thì dùng cần khấu móc lên, cá tròn thì dùng vợt xúc lên. Mỗi người một phận sự, tất cả theo sự phân công và chỉ đạo của người chèo dọc.
So với một số nghề thủy sản khác, lưới đăng độc đáo ở chỗ nó không có một phương án đánh bắt cứng nhắc mà tuỳ theo hướng nước chảy, người chèo dọc phải đưa ra phương án cụ thể cho từng giác lưới. Nếu người chỉ huy đưa ra phương án sai thì không những không đánh được cá mà còn có khi bứt neo, bứt nạp, lưới rối đóng cục lại. Thoạt nhìn, hoạt động của thuyền đăng, thuyền neo là cứ tới tới, lui lui, thả giàn lưới rút xuống, xôm lên khoá mũi, nhổ hòn đồi, nhổ lưới dồn cá vào đáy… nhưng thật ra các thao tác rất chuẩn xác, rất chi ly. Về mặt kỹ thuật, lưới đăng có 2 phương pháp đánh bắt chính là lót thiệt và lót lui. Kiểu lót thiệt trước đây thường được áp dụng ở những sở đầm nhỏ như Vũng Ngáng, Hòn Tầm, Gành Trăng, Gành Tre... và hiệu quả của nó cũng không được chắc chắn bằng lót lui. Đại thể có 3 phương án chính trong kỹ thuật lót lui: 1) Đi tới (đây là cách thông thường khi nước êm); 2) Đi xây (khi dòng nước ngoài biển chảy vô); 3) Đi tráng đông (khi dòng nước từ trong gành chảy ra). Điều cốt lõi của các phương án là làm sao cho giàn lưới rút nương theo dòng nước mà nở ra bám sát một cách từ từ, êm ái vào giàn lưới rọ, bao vây thành vòng tròn cho đến khi hai chiếc thuyền đăng khoá mũi, quay hai hòn đồi lên và nhổ lưới mà cá vẫn chưa hay biết hoặc không đến nỗi hốt hoảng. Nếu không, lúc vòng lưới chưa kéo tới phần dưới đáy, còn rộng đường bơi, một vài con cá đầu đàn ranh mãnh có thể chạy sát xuống đáy biển đẩy hòn đá chì lên và cứ thế cả đàn ào ra như một cơn lốc!
Lưới đăng là lưới đứng, hành nghề tại những địa điểm cố định gọi là sở đầm hoặc đầm đăng. Những đầm đăng này là kết quả của các thế hệ ngư dân đã nhiều năm theo dõi và đúc rút kinh nghiệm để tìm ra các vị trí đặt lưới đăng đánh bắt cá hiệu quả. Vì thế tuy bờ biển dài nhưng các vị trí có thể đặt lưới đăng rất ít, thời kỳ cao nhất toàn tỉnh có khoảng 36 đầm đăng, phân bố đều khắp từ mũi Đại Lãnh đến vịnh Cam Ranh, với các tên gọi rất văn hoa như Thạch Trụ - Bãi Đế (tức Hòn Nọc), Xưởng Dự - Táo Chỉ (tức Hòn Xưởng), Lam Dự - Châu Dự (tức Hòn Mun)... Nổi tiếng hơn cả có các sở đăng Vĩnh Y - Hồ Na ở Vạn Ninh và Hòn Nọc ở Nha Trang. Hoạt động sản xuất nghề đăng đòi hỏi phải có sự hợp tác về nhiều mặt như lao động, vốn, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, do vậy phải tổ chức thành các tổ đội, tập đoàn. Sau 1975, các phường lưới đăng trong tỉnh được tổ chức thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tư nhân. Ban đầu, quyền khai thác các sở đăng được quy định bằng hình thức khoán lãnh, sau chuyển sang hình thức đấu thầu và hiện nay là khoán thầu luân phiên. Xưa, lưới đăng mỗi năm chỉ làm một mùa cá lên, sau đó cúng tạ và ăn Tết Đoan Ngọ. Dần dần ngư dân bỏ lệ cũ, nhiều sở đầm đánh bắt cả hai vụ cá lên và cá lại. Ngày nay, ngoài tình trạng bị bao vây bởi các loại nghề như lưới cản, lưới vây, lưới giã…, còn phải kể đến những biến đổi bất thường của thời tiết và sự cạn kiệt của nguồn lợi thuỷ sản ven bờ khiến sản lượng cá của nghề đăng thấp dần, hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng chục sở đầm hoạt động.