PAN style="FONT-SIZE: 10pt; FONT-FAMILY: Arial">
MÁY BAY TUỔI THƠ
Những năm trước gia đình mình cơ cực
Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay
Bốn đứa con quây quần bắt ba kể chuyện
Kể chuyện chán rồi chơi lái máy bay
Ba nằm ngửa đưa hai chân làm ghế
Và hai tay làm cần lái máy bay
Con ngồi lên chân ba, tay cầm cần lái
Máy bay cất lên, nhào lộn đại tài.
Máy bay hết xăng chân ba ngay đơ cán cuốc
Đứa nào muốn bay thì phải đổ xăng
Bằng cách đấm vào lưng ba năm phút
Máy bay cất lên còn bắn súng pằng pằng.
Thoáng một cái các con đã lớn
Có đứa ra trường có đứa ngược xuôi
Giống như ba hồi thời niên thiếu
Vất vã bon chen để các con có nụ cười
Viết tặng các con tặng luôn mộng mị
Ngày mai lớn lên hãy sống rất người
Đừng giống như ba tập làm thi sĩ
Ao vợ, ơn thầy. Khổ lắm con ơi !?
Hồ Chí Bửu
( trích trong tập thơ XUỐNG NÚI – NXB Văn Nghệ 2005)
Có vẻ như không phải là thơ mà là một chuyện kể với bạn bè trong cuộc vui bên ly rượu đế, hoặc là khi các con đã lớn, người bố nhắc lại kỷ niệm hồi chúng còn nhỏ bằng lời nói thường.
Ai cũng biết trước đây hồi chưa đổi mới, mở cửa, nhất là trong và sau chiến tranh vệ quốc, hoà bình vừa mới lập lại, nền kinh tế đang ở vào thời kỳ bao cấp, cuộc sống khắp nơi chẳng riêng ai còn vô vàn khó khăn và bề bộn. Hầu hết nhà nào, cơ quan nào, đơn vị nào bữa ăn thường là cơm độn ngô non, bột mì, khoai lát, phương tiện giao thông của người dân là đi bộ hoặc chiếc xe đạp cũ tróc sơn, vỏ rách phải cột. Hồ Chí Bửu làm thơ “ có sao nói vậy “
Những năm trước gia đình mình cơ cực
Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay
Bốn đứa con quây quần bắt ba kể chuyện
Kể chuyện chán rồi chơi lái máy bay
Tất nhiên là không phải loại máy bay của hãng hàng không, chỉ nói tới máy bay của xí nghiệp sản xuất đồ chơi cho trẻ con làm ra thì ở đây cũng không thể có được. Nhưng mà máy bay có thật, máy bay bằng xương bằng thịt, bằng cơ thể sống của một ông bố thương con, chiều con, gồng mình lên để làm thoả mãn trí tưởng tượng bay bổng của tuổi thơ và cũng để cả bố và con tạm thời quên đi cái đói không cần tưởng tượng mà rất thật đang đòi hỏi, đang kêu réo. Thứ máy bay nầy túc trực có mặt nhanh hơn là máy bay phản lực. Nói là có ngay :
Ba nằm ngửa đưa hai chân làm ghế
Và hai tay làm cần lái máy bay
Con ngồi lên chân ba tay cầm cần lái
Máy bay cất lên nhào lộn đại tài
Nhưng hành khách đông quá, những bốn đứa lần lượt lên ngồi lái trên thân xác chiếc máy bay bố đã cạn nhiên liệu :
Máy bay hết xăng, chân ba ngay đơ cán cuốc.
Đọc sáu chữ “ chân ba ngay đơ cán cuốc” vừa bật cười vừa thương cho máy bay vì rất thật, thật của hoàn cảnh và thật của ngôn ngữ biểu hiện. Đây là một cụm từ đặc biệt nông thôn, đặc biệt dân dã. Người nông dân lội sình lầy cả buổi, mỏi quá, mệt quá, lên bờ ngồi nghỉ thì hai chân xuôi lơ, ngay đơ cán cuốc.
Nhiên liệu của máy bay là xăng. Nhưng loại máy bay nầy đặc biệt hơn. Nhiên liệu phải là cháo gà, hủ tíu, phở..hoặc quá lắm thì tô cơm chan tương cũng được. Nhưng mẹ các con chạy chợ chưa về, chiếc máy bay bố nầy tinh khôn, lẳng sang loại nhiên liệu khác, loại nhiên liệu rất dễ thực hiện, vui mà hiệu quả nữa :
Đứa nào muốn bay thì phải đổ xăng
Bằng cách đấm vào lưng ba năm phút
Máy bay cất lên còn bắn súng pằng pằng.
Đọc xong bài thơ tôi không nhớ câu, nhớ chữ và cũng không nghĩ tới việc nên thêm chữ nào bớt chữ nào mà chỉ thấy được ở đây sự giản dị, chân thực, dễ cảm, dễ mến.
Tôi nhớ lời một nhà phê bình thơ của nước Trung hoa trước đây là Viên Mai có viết “Thơ nên mộc mạc, không nên khéo léo, nhưng tất phải là cái mộc mạc từ trong khéo léo mà ra”.