4. Những hí hoạ và biếm hoạ về tình dục tô điểm cho tất cả hai mươi hai chương sách của Tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 (Thuận, Nxb Đà Nẵng, 2005), tô điểm cho câu chuyện bi thảm của bộ đôi nhân vật nữ Mai Lan và Liên - hai cô gái Hà Nội đơn độc tha hương ở Paris - và cuối cùng là tô điểm một cách tăm tối nhất cho cái chết của nữ nhân vật chính Liên.
Tình dục và Cái chết giống như một cách phát biểu khác về sống và chết, trong đó sự chết thì an bài còn tình dục thì an ủi.
Nhưng mọi sự chỉ là thế khi chúng gắn với nhau - nói theo các cụ thì chúng phải (tương ứng) hài hoà. Trong tiểu thuyết này, tình dục tách rời sự sống qua câu chuyện về cuộc đời nhân vật Liên.
Sự tách rời đó là tình huống căn bản của cuốn tiểu thuyết và tất nhiên, là một câu chuyện cường điệu - phù hợp với nó là giọng hoạt kê trong toàn bộ các trình thuật nội dung. Cái giọng điệu hoạt kê đó vang lên âm hưởng vừa kể vừa nhại vừa cợt đùa của những lớp hề gậy hề mồi sân khấu chèo truyền thống, giúp cho việc tách rời cái mà trong thực tế không thấy được chúng tách rời. Mặt khác, đó là sự phát giác tính chất phiến diện của đời sống chính bằng cách trình bày một chuỗi hình ảnh phiến diện về đời sống.
Toàn bộ câu chuyện như vậy gợi lên một suy luận nghịch lý: cái bản năng sinh dục mà Phân tâm học cổ điển đã xác lập vị trí là bản năng sống, thì ở đây lại tỏ ra tàn phá và chết chóc. Nếu coi cái chết nói chung là một dạng hư không thì ở đây sự tách rời-một cách hình tượng-tình dục và sự sống làm lộ ra những khoảng trống hư không ấy ngay trong cái đang sống. Đó là một thực tại của ý niệm và tác giả xây dựng cái thực tại ấy trên những bộ đôi tương phản.
5. Thậm chí có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết này bị “bổ đôi” từ nhiều phương diện và bình diện khác nhau. Cặp nhân vật Liên và Mai Lan được dựng lên từ hai đối cực về dáng vẻ nữ giới: Liên trong mô tả thì xấu đến gớm ghiếc, trên mặt cô lúc nào cũng đầy mụn trứng cá sưng xỉa, cô lại được cho thêm cái tính “gườm gườm”, vụng về, vô duyên, và kém cỏi về học thức; trong khi nhân vật Mai Lan được tả là một cựu người mẫu thời trang, khéo léo bặt thiệp, nấu ăn ngon. Mai Lan kiếm được khá tiền để sống sung túc ở Paris, còn Liên thì sống tùng tiệm qua ngày bằng việc chăm sóc người già cô đơn tại nhà - một dịch vụ “ôsin” nặng nhọc - hoặc bằng trợ cấp thất nghiệp…
Theo dòng câu chuyện, Liên còn được “đối chứng” với hai cô gái nước ngoài nữa là Pát (CuBa) và Nát (Libăng)- những cái tên gọi tắt thân mật. Hai nhân vật nữ này, Pát thì to lớn linh hoạt, có phẩm chất nghệ sĩ và đặc biệt có một năng lực tình dục phi thường - câu chuyện cứ dính đến cô là hừng hực hùng hục…; nhân vật Nát được mô tả xinh xắn hấp dẫn mặn nồng, thành thạo về công việc chuyên môn; tất cả những thứ ấy nhân vật Liên đều không có.
Liên là kiểu “con số không tròn trĩnh” từ đầu đến cuối. ở Hà Nội đã thành “gái già” ế, cô được ông anh trả nợ ơn nghĩa bằng cách lo cho một suất “du học tự túc” sang Paris để- theo lối nghĩ của nhân vật bà chị dâu - biết đâu lại kiếm được thằng chồng Tây nào đó; thế rồi Liên hầu như bị bỏ rơi ở Paris vì có lẽ gia đình cô cũng không muốn cô quay về, coi như đã gả cô sang Tây…
Đợt nắng nóng bất thường mùa hè 2003 làm chết mười mấy ngàn người già độc thân ở Pháp khiến Liên mất việc “tắm rửa” cho những khách hàng này. Và chuỗi biến cố bắt đầu. Cô được mấy tháng trợ cấp thất nghiệp để đi học nghề gõ máy tính (mà rốt cục vẫn không có nghề, không có việc). Cô gặp Mai Lan, đi làm “ô sin” và làm bạn cho cô này. Liên cũng gặp Pát để rồi một lần tình cờ theo Pát đến một quán rượu của cộng đồng Cu Ba và ở đây, trong lúc bị say, cô bỗng được cái trải nghiệm “ngủ nghê” đầu tiên và duy nhất, mà đáng tiếc là chẳng nhớ được gì - tức là vẫn không có gì.
Cô cũng gặp được vài thằng Tây trẻ quan tâm đến, nhưng xem ra đó là vài gã không bình thường và cô hình như không thể có chút rung động nào. rồi cô gặp một ông Tây già có “tấm lòng với Việt Nam”. Ông săn đón cô. Cô cũng cảm. Nhưng đến lúc đỉnh điêm,r cái bị ái tình mở ra, thì “thị thơm bà ngửi chứ bà không ăn” - ông đã quá lứa “chuyện ấy”...
Cảnh cuối thật sự kinh khủng khi cô thủ dâm trước mặt ông già này rồi cả hai lên xe lao đi tự sát.
Số phận những cặp đối chứng của nhân vật Liên cũng không hơn gì, cũng bi thảm. Mai Lan - phiên dịch kiêm “gái gọi” hạng sang rồi cũng “thất nghiệp” và vỡ nợ... Pát tràn trề sức lực một dâm thần vô tư thì bỗng một hôm thấy mình ở AIDS giai đoạn cuối...
Thế là, sống giữa một cái thế giới đầy nhục cảm, nhân vật Liên xấu xí và tốt bụng hầu như bị tách rời khỏi cái khả năng thụ hưởng nhục cảm ấy - nói theo ngôn ngữ thị trường là “không có khả năng tiếp cận” - trong khi vẫn có chút nào đó tiềm năng và có đủ nhu cầu; vậy thì, vẫn theo ngôn ngữ thị trường là “không có khả năng tiếp cận” - trong khi vẫn có chút nào đó tiềm năng và có đủ nhu cầu; vậy thì, vẫn theo ngôn ngữ kinh tế, một điều như thế có rất ít khả năng xảy ra trong thời buổi “toàn cầu hóa” này. Sự chia cắt giữa nhân vật Liên với một đời sống tình dục bình thường là một mâu thuẫn được tạo dựng lên và tất cả trở thành một dấu hiệu về một sự chia cắt khác sâu hơn hoặc rộng hơn: sự chia cắt giữa con người cá nhân với con người xã hội, giữa cá nhân và xã hội nói chung. Chúng tôi không thể không tránh việc suy luận thuần túy xa rời nội dung thực tế của câu chuyện này, song cũng không thể không thấy rằng trong những cấu tạo bộ đôi nhân vật hết sức tương phản ở đây - tương phản về nhan sắc và nhân thân, tương phản về ứng xử hay năng lực - đã gợi ý một ẩn dụ về sự tha hóa của các cá thể trong xã hội hiện đại. Những sự tương phản đó là không ngăn cản các nhân vật của Paris 11 tháng 8 cùng đi tới một “nỗi đoạn trường” về nhân cách, dù họ là đàn ông hay đàn bà. Sự tẻ nhạt và dung tục của đời sống - đời sống thị dân - tràn ngập trong câu chuyện, đến nỗi buộc phải nhìn nhận những hành vi tình dục từ thờ ơ đến cuồng loạn đến đồi trụy (- nhân vạt Tong, gã mê tình dục trẻ em; những chuyện “ăn ngủ” xà ngầu trong các chương 14, 18, v.v...) như là những hành vi có tính sáng tạo!!
Trong ngữ cảnh của tiểu thuyết này, đây không phải là cấp độ của các vấn đề đạo đức, bởi các câu chuyện đó không gợi ý về đúng/sai hay về tội lỗi và ăn năn. Mà tất cả gợi lên vấn đề về sống và chết, trong đó chính là cuộc khủng hoảng về bản sắc cá nhân.
6. Tương tự như các tác phẩm nổi bật của văn chương thời Đổi Mới, tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 bộc lộ một cấu trúc khủng hoảng. Trước hết, trong trường hợp đặc thù của nó, câu chuyện này lấy một bối cảnh từ đợt nắng nóng bất thường ở Châu Âu mùa hè 2003 mà những hậu quả bi thảm ở Pháp đã thực sjư bộc lộ một loạt vấn đề tiềm tàng trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống cung cấp năng lượng ở quốc gia này - các đoạn trích báo chí và truyền thông dẫn ở đầu mỗi chương đã nói lên tình trạng đó một cách không thể nhầm lẫn. Sau nữa, một sự kiện không trực tiếp phản ánh ở đây nhưng lại đầy gợi ý: cuộc nổi loạn ở các vùng ngoại ô một loạt đô thị Pháp cuối năm 2004, mà một nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ sự bế tắc, cảnh bất công và bất bình đã dồn nén những cộng đồng dân nhập cư ở đây.
Trong tiểu thuyết này, hầu hết các nhân vật là dân nhập cư. Và tất cả các sự kiện được xây dựng theo mô hình chuỗi biến cố. Nhân vật Liên thất nghiệp, rồi gặp Mai Lan, gặp Pát, v.v...; tất cả đều có vẻ ngẫu nhiên, hết sức tình cờ, nhưng đều nhanh chóng hình thành các tình thế bộc lộ thân phận mỗi cá thể. Đối với nhân vật chính, chuỗi biến cố đã lập tức tạo nên một tình thế khủng hoảng, nói theo ngôn ngữ điều khiển học thì đó là quá trình mà các yếu tố mất trật tự tăng lên rất nhanh, bản thân sự tồn tại của cá nhân trong cuộc trở nên một mâu thuẫn không giải quyết được. Trong thực tế, con người ta luôn luôn tự điều chỉnh để tránh hay thoát khỏi các tình thế như vậy. Nhưng trong mô hình ở đây, tình thế thì quá rộng lớn mà cá nhân thì đã mất điểm tựa hay nội lực để điều chỉnh một cách thích hợp.
Lối hành văn ngắn gọn, đơn giản với rất nhiều motif/ chi tiết lặp đi lặp lại là phong cách đặc thù của Thuận đã tỏ ra rất hiệu quả trong tiểu thuyết Phố Tàu của chị xuất bản năm trước đó. Với một chút thay đổi về bố cục các ngữ đoạn trùng lặp, phong cách đó cũng hiệu quả trong tiểu thuyết này khi bộc lộ những đoạn chuyển rất tinh tế từ biến cố này sang biến cố khác để dẫn dắt đến một đoạn cao trào.
Lối hành văn đó cũng hòa hợp với giọng hoạt kê của người kể chuyện, bộc lộ một tinh thần hoài nghi sâu sắc - điều ta có thể thấy ở những cuốn tiểu thuyết nổi bật gần đây của Hồ Anh Thái và Nguyễn Việt Hà - nhưng, khá bất ngờ, chính cái giọng hoạt kê đượm vẻ dân gian truyền thống đó lại làm nhẹ đi sắc thái khủng hoảng của câu chuyện. Và như vậy, vấn đề lại hé mở một cánh cửa “hình như...” nữa, nhưng lần này thì chính ở phía các tác giả./.