Đọc Mạc Ngôn, thấy khoái cái địa danh “sông Thuồng Luồng”. Nay đọc Sơn Nam, mới biết ông đã có địa danh “xóm Thuồng Luồng” từ lâu. Nội cái địa danh, đủ nói lên cả một vùng sông nước. Câu chuyện vừa viết ra, thì lập tức trở thành cổ tích. “Cây huê xà” nếu được phổ vào thơ, chắc cũng cùng với “lá diêu bông” để biến thành những bản tình ca bất tận. Truyện ngắn này phải xếp vào hàng “kì bút” của nhà văn Sơn Nam.
VPL
Cây huê xà là thứ cây gì? Hình dáng ra sao? Có thiệt hay là bịa đặt? Nó có lợi hay là có hại cho loài người? Bao nhiêu câu hỏi ấy dồn dập, lẩn quẩn trong trí thằng Lợi hằng năm nay mà nó không tài nào trả lời nổi.
Cây huê xà vốn là vị thuốc chánh trong toa thuốc ngừa rắn của ba nó. Nhờ đó mà đi đến đâu người ta dều khâm phục; ba nó nổi danh là thầy Hai Rắn. Ðược nổi danh là một chuyện khó vì lẽ ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, thầy rắn xưa nay cũng nhiều người tài. Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ. Họ dùng toàn thuốc Nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu, nhựa ống điếu, trứng rệp... Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột. Lúc họ uống nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu. Ðêm nào có trăng thì rắn đi ngao du, lên tận trên đọt lá dừa để bắt chim trong ổ hoặc rình mổ mấy con dơi rượt muỗi bay qua chớp nhoáng.
Ba thằng Lợi nổi danh hơn các thầy rắn vừa nói trên. Thuốc của ba nó vò viên sẵn, khỏi tốn thời giờ tìm kiếm. Thuốc ấy mạnh lắm, trừ tuyệt nọc, nghĩa là một hai năm sau đi nựa bịnh nhơn không cảm thấy nhức xương sống mỗi khi lập đông trở về. Phi thường nhứt là có toa thuốc khi thoa vào tay, rắn không bao giờ dám mổ.
Hồi mới xuống rạch Thuồng Luồng này, ba nó đã có lần thí nghiệm cho các thầy rắn trong xóm coi thử.
Ba nó - thầy Hai Rắn – loan tin:
- Tôi có bùa bắt rắn. Bùa này của Phật Thầy Tây An ở núi Sam truyền lại.
Ai nấy phản đối:
- Nói dóc! Chân ướt chân ráo mới tới xứ này mà không để cho người ta thương! Phật Thầy Tây An xưa kia bao giờ làm bùa bắt rắn. Ngài lo giữ mối giềng đạo lý, sao cho ai nấy ăn ngay ở phải, đừng vì tiền tài mà nói dóc với chúng sinh.
Mỉm cười, thầy Hai Rắn mời bà con đúng giờ Thìn sáng mai đến cây thị, trước miễu ông Tà. Cây thị này hồi năm ngoái bị trời đánh tét làm hai. Thiên hạ đồn rằng: Có điềm trời! không vậy sao trong ruột cây có cái bộng đen ngòm. Dưới đáy bộng, một đống đất khô... Ngạc nhiên làm sao! Ðất nhút nhích từng cục, một con rắn hổ ốm nhom vùng ngóc đầu lên cao, phùng mang chồm tới, giống hình cái bàn nạo. Rắn nhìn người chung quanh, hút gió rồi rúc xuống đất vụn để ẩn mình.
Sáng hôm đó, đúng giờ Thìn, thầy Hai Rắn lại gốc cây thị với mọi người. Lấy tay vỗ mạnh vào gốc cây, thầy nói:
- Ông xà ơi! Ra đây nói chuyện chơi.
Ai nấy trố mắt, ngạc nhiên. Có tiếng hút gió như đáp lại rồi từ miệng bộng cây, cái bàn nạo lần lần nhô lên.
Thầy Hai lấy tay vạch vòng tròn dưới đất, vỗ xuống mạnh:
- Tôi muốn mời ông xà lại đây, ngồi trong vòng này với tôi.
Rắn nọ bò xuống, men vào vòng đã vẽ. Thầy xòe tay ra, để cách miệng rắn chừng một tấc mà thét:
- Cắn thử coi!
Rắn không nhúc nhích.
Thầy thét lớn hơn:
- Áp khẩu tay tôi nè! Cắn ngay đó thì tôi chết liền. Tôi đố ông dám cắn!
Ai nấy phập phồng chờ đợi. Rắn cục cựa, thối lui, ngóng mỏ lên cao, day qua day lại. Thầy Hai trợn mắt, đưa tay xít lại gần hơn nữa. Bỗng nhiên, rắn hút gió một tiếng rồi quay mình phóng vào bộng cây, mất dạng.
Thầy đứng dậy, vấn điếu thuốc. Vừa hút phì phà, thầy giảng rằng:
- Chém ruồi ai dụng gươm vàng làm chi! Nói thiệt cho bà con thương, tôi đây cực chẳng đã mới ra nghề. Tôi biết trong số bà con đây có người tài giỏi hơn tôi nhưng giỏi về môn khác. Thứ bùa này ít ai biết... Lúc ban sơ, tôi dùng nhân lực để kêu rắn ra khỏi bộng cây. Kế đó vẽ vòng tròn tức là tôi dùng thần lực. Ðến khi chuyển qua thiên lực, rắn nọ phải chạy trối chết... Nhân lực, thần lực, thiên lực, đó là ba chặng đường mà tôi đã trải qua. Phần đông, bà con mình xưng là thầy nhưng chỉ mới bước tới nhơn lực.
Tài của thầy Hai Rắn, ai lại chẳng phục. Ngặt thầy kiêu hãnh quá nên hôm đó không ai muốn thụ giáo, họ bực tức ra về. Trong số đó có Năm Ðiền là thầy rắn bấy lâu lừng danh ở xóm Thuồng Luồng này. Năm Ðiền cảm thấy bị sỉ nhục. Về nhà chú nằm suốt đêm không ngủ được, tâm trí bận rộn, cố nhớ lại mấy toa thuốc. Chú biết đây là một mưu mô của thầy Hai Rắn. Nhứt định thầy Hai có thoa vào tay một thứ thuốc đặc biệt. Ngửi nhằm mùi đó, rắn chịu không nổi, phải mờ mắt hoặc ê răng mà chạy trốn. Ăn cắp cái toa đó là diệu kế nhứt. Nghĩ vậy, chú sực nhớ tới con Lài, đứa con gái khá nhan sắc của chú.
Bấy lâu nay, chú thường để ý: Thằng Lợi, con thầy Hai Rắn, thường bén mảng lại đây để trò chuyện với con Lài.
Năm Ðiền bèn kêu đứa con gái vào:
- Lài à!
- Dạ.
Nhìn trước cửa thấy không có ai, chú nói nhỏ với con:
- Bấy lâu cha sống ở rạch rày cũng là nhờ nghề trị rắn. Bây giờ, thầy Hai Rắn tính đập bể nồi cơm của cha con mình!
Con Lài hỏi, ngây thơ:
- Sao vậy ba, người ta lạ, mới tới...
- Bởi vì nếu trời đã sanh Châu Do thì không có Gia Cát Lượng.
- Gia Cát Lượng là ai vậy ba?
Năm Ðiền đổ quạu:
- Không biết gì hết. Ngu quá! Mày biết thầy Hai Rắn là cha của ai không?
- Dạ... của anh Lợi.
- Thằng Lợi tới lui đây hoài. Ðiều đó ba biết hết. Ba nào cấm cản. Nó nói gì với con...
Con Lài bẽn lẽn:
- Ảnh nói muốn làm quen.
- Ừ! Ba nói thiệt với con, làm thân con gái phải giữ gìn thân thể. Không khéo, lỡ bề gì nhơ nhuốc danh giá giòng họ. Con thương nó thì phải cho ba hay để bắt buộc nó thương con...
Con Lài buột miệng:
- Ðừng... Tội nghiệp người ta.
- Không sao đâu. Chiều mai, con rủ nó lại ăn cơm... Sẵn dịp ba mời nó uống rượu, thứ rượu “rắn giao đầu”.
Nghe đến rượu “rắn giao đầu”, con Lài liếc nhìn chai rượu thuốc để trên bàn thờ. Trong chai, ngâm hai con rắn mà ba nó lượm được hồi năm ngoái! Con rắn nước nuốt con rắn trun, có lẽ nuốt không vô nên hai con đều chết. Ba nó lượm đem về ngâm rượu.
Nó hỏi:
- Uống chết không ba? Con sợ quá.
- Gì mà sợ. Rượu đó làm cho trai với gái thương nhau như rắn. Uống vô, thằng Lợi không bao giờ bỏ con được. Trăm sự, nó đều thiệt tình. Con nhớ gạn hỏi nó một điều này mà thôi...
- Ðiều gì ba?
- Cái toa thuốc thoa vô tay mà rắn không cắn của ba nó xài hôm trước, đằng cây thị trước miễu ông Tà: Nhớ hỏi cho kỳ được. Bằng không, ba giết chết cả hai đứa như giết rắn. Từ nay hai đứa bây là hai con rắn... Vì chất rượu này...
o0o
Lá rụng ơi lá rụng!
Từng chiếc lá tràm bay lả tả như bươm bướm mỏi cánh, đáp nhẹ xuống mặt nước từ trong ngọn rạch trôi dài ra.
Con Lài nhìn dòng nước uốn khúc qua voi, qua vịnh như con rắn bò, thứ rắn có khoang màu vàng, con rắn hổ sơn. Nó vụm mặt lại để che cái hình ảnh đó. Nhưng nào được! Kìa chiếc xuồng của thằng Lợi bơi lướt tới, vạch ra hai làn bọt nước lốm đốm trắng như con bạch hoa xà... Lập tức nó xuống bến, bơi theo, mãi đến khi xuồng thằng Lợi ghé bên bờ đìa, kế gốc cây bình bát.
Thằng Lợi day lại cười:
- Ði đâu vậy cô Hai... Rắn bông súng?
Con Lài sực nhìn chiếc áo có bông đang mặc.
Nó e thẹn, liếc thằng Lợi:
- Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như con rắn hổ đất. Cười em làm chi.
- Rắn đâu dám cười rắn. Nó vừa nói vừa nắm tay con Lài.
Con Lài rút tay ra cho có lệ. Nó bước qua xuồng, nhã vào lòng thằng Lợi.
- Anh à!
- Cái gì đó, hở rắn!
- Thiên hạ thấy, họ cười chết.
- Ai thấy mà cười? Chung quanh đây cái gì cũng là rắn như hai đứa mình. Thí dụ như mấy sợi dây choại, dây bòng bong kia...
Con Lài gật đầu:
- Phải, dây choại, dây bòng bong giống như rắn lục, nó xanh tươi. Còn đám cỏ bồn bồn đằng kia, nó dẹp lép quả thật là rắn lá... Nhánh củi khô, kế đó, anh thấy không anh Lợi?
- Nó là con rắn nẹp nía, da nó xù xì...
- Em suy nghĩ thấy sao kỳ quá, anh à. Rắn có thù oán gì với loài người, cớ sao loài người thù oán rắn. Như dây choại, cỏ bồn bồn, nhánh củi khô rất ích lợi cho con người.
Thằng Lợi vuốt mái tòc con Lài:
- Vậy nên rắn mới buồn bực trong lòng, tụ họp lại. Con rắn này tìm con rắn kia làm bạn với mình cho vui. Rắn với rắn thương nhau lắm.
- Nó có cắn nhau không anh?
- Ðâu có. Mà nó cũng không muốn cắn loài người. Người nào biết điều thì rắn không cắn.
- Biết điều là sao?
- Là biết nói chuyện với rắn. Nói chuyện bằng hơi tay, thí dụ như ba của anh...
Con Lài cố giữ trầm tĩnh, biết rằng nãy giờ nó đã nói chuyện mhảm vì uống rượu rắn giao đầu, nhưng nó nhớ lời ba nó căn dặn...
- Hơi tay của ba anh có gì mà nói chuyện được. Anh có cái hơi đó không? Tay anh đâu rồi.
Thằng Lợi xoa bay rồi đưa trước mặt con Lài?
- Phải có “ngải mọi”. Em biết thứ ngải đó không? Múc bột nó làm bánh ăn ngon lắm. Ăn bánh ngải rồi uống nước chanh. xong xuôi, nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng “con dinh”.
Con Lài lắng nghe từng tiếng rồi hỏi tiếp:
- Hút á phiện rồi làm gì nữa?
- Rồi thì vợ chồng dắt tay nhau dạo kiểng, ngắm cái bông huê xà...
- Bông huê xà là thứ gì?
- Huê xà là huê xà. Ba của anh nói lại sau rốt.
Con Lài lẩm bẩm:
- Ngải mọi, nước chanh, á phiện, sừng dinh, huê xà. Toa này năm vị. Mình nhớ đủ hết.
o0o
Năm Ðiền với đứa con gái bỗng nhiên chết ngã lăn tại nhà.
Tin đó truyền ra nhanh chóng. Cả rạch Thuồng Luồng, ai nấy chưng hửng. Mấy ông thầy rắn xúm lại
khám nghiệm rồi quả quyết:
- Chết vì rắn. Dấu răng rắn hổ. Chắc chắn có rắn hổ nuôi trong nhà, nó phản lại chủ.
Chờ cho thưa khách, thầy Hai Rắn tới, cầm bàn tay của hai nạn nhân nọ mà ngửi. Nước mắt của thầy bỗng dưng tuôn xuống. Chợt nhìn chai rượu thuốc “rắn giao đầu” trên bàn thờ, thầy lắc đầu, thở dài.
Ðêm đó, thầy kêu thằng Lợi ra sân mà nói:
- Mai này cha phải đi. Con ở lại một mình. Cha buồn lắm. Họ dụ dỗ con để khám phá bí mật, cha biết vậy. Nhưng trăm sự cũng vì toa thuốc nọ thiếu cây huê xà nên không linh nghiệm. Cây đó khó kiếm lắm. Cha con Năm Ðiền tưởng là cha nói gạt chớ sự thật nó có: dây đó tròn bằng mút đũa, vằn vện như da rắn. Phải tìm ở chót núi ông Cấm, tìm cả tháng mới gặp một cây. Con Lài chết, có lẽ vì Năm Ðiền không tin con gái nên cho rắn cắn nó trước. Chừng thấy con chết, y buồn quá nên tự tử theo, không muốn chuyện đổ bể ra e mất thể diện với bạn đồng nghề. Nghề rắn nó nghiệt như vậy đó!
Ðêm sau, thầy Hai Rắn trốn xóm riềng, trốn đứa con trai mà đi mất.
Còn thằng Lợi ở lại. Tội nghiệp biết chừng nào! Nó nào hiểu tại sao loài người bày đặt ra thuốc rượu “rắn giao đầu” để dụ dỗ lẫn nhau, trong khi cái tình yêu tự nhiên còn keo sơn hơn gấp mấy! Nó không hiểu sở dĩ ngày nay nó cô độc, vắng cha, vắng tình nhân như vậy chỉ vì mối ganh tị giữa hai người đồng nghề là cha nó với cha con Lài.
Nó thơ thẩn như mất hồn, khóc không ra nước mắt mỗi khi ra thăm nấm mộ của người tình xưa, thấy mấy dây rau muống bò lan bên cạnh.
Cây huê xà là gì? Có thiệt hay không? Lắm đêm, nó nằm chiêm bao thấy một thứ dây lốm đốm trắng mọc cheo leo ở chót núi ông Cấm, tiếp với trời xanh. Trên cảnh xa vời không nhơ bợn đó, dây huê xà nhởn nhơ uốn éo với gió núi. Giữa lòng từng chiếc lá, hiển hiện kia trăm ngàn gương mặt của con Lài, tươi tắn, cười riêng với nó, trẻ mãi không già...
Rút trong tập: “Hương rừng Cà Mau”