Ai đó đang đi bên kia đồi. Mấy tiếng tự dưng thốt lên từ trong đáy lòng lúc đang ngồi không trước máy tính. Ngồi không, theo một quán tính nghỉ ngơi sau thời gian căng mắt đọc đọc gõ gõ một mình trong đêm thinh lặng. Lại là giờ của ma đây.Hễ không làm gì thì một mình lại cảm thấy rỗng không, nhẹ tênh, hiu hắt, cứ như là ma ấy. Ma làm gì mình đâu có thấy. Ma trống vắng trong cỗi trống vắng, như xưa kia từng tường tượng vô hình trong cõi vô dạng và vô thanh trong cõi im lìm vậy. Hình như ma là lạnh lẽo và cô đơn lắm. Không nói ma ác.Ai đó đang đi bên kia đồi. Trong bảy chữ có tới bốn âm “đ”. Tại sao lại đi mà không phải là bay, hay ngồi…, đi đâu, đi làm gì? Hành động đi ám ảnh thôi thúc nỗi vất vả cuộc lữ dăm dài mãi mãi không nguôi ngoai sao? Cơn khát đi là mộng cuồng trong cuộc sống một hồn hoang bô-hê-miên giam thân trong cái nhà tù vĩ đại khủng khiếp của nhân sinh sao? Và vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Khổ đế. Hẳn nhiên rồi. Vừa đi vừa không ngẫm nghĩ không được sao? Khổ thế. Thánh thần có ngẫm nghĩ không? Kinh Phật hàng vạn quyển, Phật không ngẫm nghĩ ư? Hỡi ơi, âm “đ” đánh lưỡi nghe có tiếng bùng vang gợi cảm lẫn báo động, tiếng dội của vô thức, hình như tiếng nổ kềm nén của nỗi niềm tâm sự âm thầm, lại nghe ra tiếng chửi rủa phẫn hận thô tục nơi góc đường xó chợ. Chửi đổng.
Nếu đây là một dòng thơ 7 chữ, âm trắc độc nhất “đó“ nghe hồ nghi khắc khoải trong cõi “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” trơ trọi nổi bật hẳn lên. Không rõ mặt người đã đành, ở đây không rõ cả dáng người, chỉ biết bóng người. Ai đó, nghe ra như hỏi han, không phải miêu tả. Mà hình như mình tự hỏi mình vơ vẩn vậy thôi. Từ đó đẩy ra xa cách. Sáu âm còn lại đều bình, âm “ai” lơ lửng rồi liên tiếp ba âm phù bình thanh “đang đi bên” như lên cao cao, bóng người in lên nền trời, rồi một âm trầm bình “đồi” gieo cảm giác la đà chập chùng sẽ liên tiếp ở ba chân đồi của một khổ thơ tứ tuyệt. Thi pháp cổ điển nghe có âm điệu tiếng chân lãng đãng chập chờn trong cảnh bao la hư hư thực thưc.
Tại sao lại đồi? Có lẽ đồi nghe ra như đời. Thì bên kia đời , như đời không nắm trong tay, hay đời này không của mình, hay mình sống kiếp đời ai. Đời xa xa, hay xa xa đời. Đời mình ư, sao mình không quyết? Vì sao đời vô lý thế, phũ phàng thế, chẳng cứ đời ti tiểu mình, đời mọi người bao la đấy, sao hoạn nạn tội tình lắm vậy? Đời nào có thể thảm hơn đời một bà mẹ nghèo quê mình, hình ảnh của cả một tổ quốc cam phận, nhẫn nhịn, yêu thương và bội bạc, vinh quang xen ô nhục, anh hùng lẫn gian ác, biết mấy ngàn năm, đã mấy trăm năm và mấy chục năm rồi? Đời gì mà lạ, đời chi mà đau, nón rách chân trần lơ ngơ với nhau trên hè phố lát đá hoa cương, dưới bóng cờ rợp mặt tiền nhà chọc trời ngất ngưởng. Đời đi về đâu, hỡi Mẹ? Mẹ lên đồi, mẹ xuống đồi, mẹ đi suốt đời nhọc nhằn này. Ai đó đang đi bên kia đồi. Ai đó? Tiếng hỏi, tiếng gọi, tiếng kêu dội lên từ đáy lòng. Có thể chẳng phải ai hết, chính mình đó thôi, trong đám những đứa con có mẹ mà mồ côi lang thang tìm mẹ suốt đời. Mẹ quê mình.
Ai đó đang đi bên kia đồi. Ai nữa? Là mẹ, là chị, là em, là tất cả những người đàn bà trong cuộc sống vất vả nhọc nhằn, gánh lúa, kéo cày, ôm bom, khênh đạn, bắt ốc, mò cua. Có thể chỉ ø những người đàn bà đang lùi lũi đi bên kia đồi là có thể nối liền những chân trời xa cách. Họ là những người hiền lương vô tội nhất của lịch sử hôm nay. Những người tử tế âm thầm trên đất mẹ gầy …
Bên kia đồi. Thiếu chi người được dịp hay phải đi lên đồi xuống đồi. Đồi gần người hơn núi. Đồi in dấu chân người, ấm hơi người hơn núi. Đồi chập chùng như chập chùng đời, đẹp bát ngát với niềm trống vắng mênh mang, mời gọi những giấc mơ và ønhững cuộc phiêu lưu khám phá. Một dẫy đồi xanh cỏ mượt in lên nền trời mây như dáng thiếu nữ nằm ơ hờ lụa mỏng. Và trong mơ ấy, em mời anh lên đồi. Không thể giết chếát cái đẹp của tự nhiên và của tự do, ngoại trừ bởi một tập thể người duy ý chí và di lụy bất ngờ của nó, dục tính và tình dục trở thành quyền lực của cả ông chủ lẫn nô lệ. Bên kia đồi, vẫn đồi vắt ngang chân trời, người vẫn đi.
Và thế là cứ vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Nếu còn được đi, đi tại chỗ cũng được, là cứ tha hồ ngẫm nghĩ. Đồi chập chùng ngay trong lòng mình.
Ngẫm nghĩ thì có làm được gì ? Biết không chừng, đi mãi chưa hết bàn tay mình!
Ta đi, nhưng biết về đâu chứ,
Đã thấy phong yên dậy bốn trời.
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say rồi gọi thế nhân ơi . . . *
10/9/06
* Trích Hành phương nam, Nguyễn Bính
(damau.org.) .Bản SCL do tác giả gửi.