Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.074
123.138.349
 
Trò diễn dân gian “ Hát mộc “ –Một vốn quý trong di sản văn hoá Khánh Hoà
Nguyễn Man Nhiên

Hát Mộc - gọi tắt từ “hát xà hát mộc” -  là cách gọi nôm na trò diễn “Đàn xà trảm mộc” vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian trước đây từng rất phổ biến ở nông thôn vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ở Phú Yên và Khánh Hòa xưa, loại hình nghệ thuật này gắn liền với lễ cúng đất hay còn gọi là lễ Tá thổ.

 

1. Theo các cụ bô lão ở đình Phú Cang (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) - nơi vẫn còn bảo lưu lễ hội kỳ an tá thổ tổ chức vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày xưa khi dân chúng di cư tới lập nghiệp ở đây thường bị “ma Hời quấy nhiễu không làm ăn được. Người ta cầu các vị “thần linh” lên hỏi, mới biết là muốn được yên ổn làm ăn thì gia chủ phải làm giấy “vay mượn đất” và “nạp lễ vật” cho chủ đất cũ (là người Chăm). Thủ tục này được thực hiện bằng một lễ cúng gọi là lễ Tá thổ. Xưa, lễ Tá thổ được tổ chức ở đủ các cấp độ từ gia đình đến làng xã, tất cả đặt dưới sự hành lễ của một thầy pháp với ý nghĩa làm trung gian thực hiện các thủ tục liên hệ giữa cõi âmcõi dương.

 

Từ trước ngày hành lễ, bầu không khí của xóm làng đã náo nhiệt, khẩn trương. Nhà nhà tự lo dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, quang đãng, lo sửa sang bàn thờ và chuẩn bị các phẩm vật thờ cúng. Theo sự phân công của làng, ai vào việc nấy. Người lo tham gia dọn dẹp khu vực hành lễ, sửa sang các miếu thờ. Kẻ bận chuẩn bị sắm sanh lễ vật. Ban tổ chức lễ lo việc đón rước thầy pháp cùng gánh hát Mộc về làng, cắt đặt cho nhau phận sự v.v... Đến ngày hành lễ, đông đảo nhân dân trong làng tụ họp ở địa điểm đã quy định để xem thầy pháp thực hiện những nghi lễ cúng Tá thổ.

Bàn thờ các vị thánh thần khói nhang trầm mặc bay. Trên đó là những phẩm vật cúng tế như: heo, gà, xôi, chuối, gạo, muối, nước, ngoài ra còn có 5 lá cờ ngũ sắc, 5 dải khăn trắng. Bàn thờ gồm có ba bàn: bàn giữa, bàn tả, bàn hữu.

- Bàn giữa thờ các vị thánh thần sau: Hoàng thiên thánh đế, Diệu tú phu nhân thần. Đào nương ban, Phổ thị phu nhân, Kim Liên thổ tự, Ngũ quân thần thạch, Ngũ phương thần phù, Đông phương thánh đế, Nam phương xích đế, Tây phương bạch đế, Bắc phương hắc đế, Trung ương huỳnh đế, Ngũ phương tác quái.

- Bàn tả thờ: Chủ ngung Man nương thần, Lục súc thần, Hà bá thủy quan, Long thần quản cuộc, Ngũ phương âm hồn cô hồn, Hà sa đảng chúng.

- Bàn hữu thờ: Thái giám bạch mã, Nguyễn kim quang đại vương tông thần, Bổn xứ tam vị Thành Hoàng, Thiên y chúa ngục, Nhị vị thái tử châu báu tôn thần, Đại càn Hoàng triều quốc gia Nam hải thần Chiêu linh vương, Tứ vị thánh vương tôn thần, Sơn lâm chúa xứ, Lý Nhĩ tiên sinh, Đông Nam thác hải, Lang Lại nhị đại tướng quân.

 

Ngoài bàn thờ chính kể trên, còn có hai hương án khác. Một hương án để ngoài trời, trước điện thờ. Một hương án đặt trên bè chuối thả ngoài sông lạch. Trên hương án, ngoài nhang khói, chén gạo, chén muối, chén nước là 5 lá cờ ngũ sắc, 5 dải khăn trắng, 5 con gà.

Tín chủ, bồi bái và thầy pháp đã sẵn sàng làm lễ cúng. Tín chủ là người thay mặt cho cả làng đóng vai chánh bái. Các vị bồi bái là mấy hương chức được làng chọn, có nhiệm vụ bái lạy theo tín chủ. Thầy pháp quần áo chỉnh tề, lại có dải khăn ấn trắng tinh quấn cổ và quàng vai. Hai tay thầy trịnh trọng nâng hai cánh khăn.

 

Bắt đầu làm lễ, theo hiệu lệnh cả làng im phăng phắc. Trước bàn thờ, tín chủ, các vị bồi bái và thầy pháp tuần tự thực hiện các nghi lễ trong bầu không khí trang nghiêm.

- Niệm hương khởi: thắp hương

- Thỉnh tổ: Tín chủ khấn, thầy pháp đọc chú mời các vị thánh tổ giáng hạ chứng giám lễ và hưởng lễ vật.

- Thỉnh binh: Tín chủ khấn, thầy pháp đọc chú mời các vị thiên binh thiên tướng giáng hạ chứng giám lễ, hưởng lễ vật.

- Thỉnh Thành Hoàng hậu thổ: Tín chủ khấn, thầy pháp đọc chú mời các vị Thành Hoàng hậu thổ linh hiển chứng giám lễ và hưởng lễ vật.

- Khải phù sứ: Tín chủ khấn, thầy pháp đọc chú xin phép khai đường tá thổ.

Tiếp theo, bằng các động tác vũ đạo và đọc thần chú, thầy pháp thực hiện các nghi thức sau:

- Phát hịch: Phát hịch chuẩn bị đi đánh yêu quái ngũ phương, cụ thể là yêu mộc ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương).

- Phát lương: Phát lương cho binh tướng đi đánh yêu quái.

- Phát diêm mễ: Phát muối, gạo cho đi đánh yêu quái.

- Phát binh ngoại: Kêu gọi đẳng chúng thần về nhận lương, gạo, muối để tham gia đi tiểu trừ yêu quái.

- Phù cờ: Giương cao ngọn cờ diệt yêu quái, đem lại sự bình an cho xóm làng.

- Phù cân: Giương cao binh khí (khăn ấn) diệt yêu quái.

- Sai tướng: Điều binh, khiển tướng đi các phương đánh yêu quái.

- Xạ quỷ: Thầy pháp chân dẫm lên chữ “Sát quỷ”, tay cầm cung tên bắn ngũ phương yêu quỷ. Bắn xong thì bẻ cung tên (ý là yêu quỷ đã bị trừ diệt hết, thiên hạ thái bình nên không cần dùng đến cung tên nữa).

 

Sau lễ xạ quỷ là màn diễn Xuất Tam Thánh diệt Hỏa Linh. Màn này không còn mang nặng tính chất lễ mà đã mang đậm tính chất hội, đã được nghệ thuật hóa. Có thể tóm tắt màn “Xuất Tam Thánh ” như sau:

- Diễn viên đóng vai Ông Địa (hóa trang như ta thường thấy trong trò múa sư tử ngày nay) ra sân diễn, hát xưng danh, nói dăm ba câu về việc cần mời Tam Thánh (Tề, Huyền, Đô) giáng trần diệt trừ yêu quái. Xong thì vào.

- Diễn viên đóng vai Tề Thiên Đại Thánh (Tôn Ngộ Không) ra sân diễn múa hát xưng danh v.v...

- Diễn viên đóng vai Huyền Thiên Chân Vũ ra sân diễn múa hát xưng danh.

- Diễn viên đóng vai Đô Thiên Đại Tướng ra sân diễn múa hát xưng danh.

- Tam Thánh múa may đi tìm đánh yêu quái.

- Hỏa Linh (hiện thân của yêu mộc) ra sân diễn múa hát xưng danh.

- Tam ThánhHỏa Linh gặp nhau, cự chiến. Hỏa Linh thua, bỏ chạy lòng vòng. Tề Thiên Đại Thánh hóa phép ra ngọn đuốc cầm tay, soi đường cùng hai vị thánh kia truy đuổi Hỏa Linh. Tìm được Hỏa Linh, Tề Thiên Đại Thánh tay giương cao binh khí và ngọn đuốc hát. Hát xong thì giáng binh khí xuống Hỏa Linh. Hỏa Linh bị trọng thương, lê lết, thán oán. Thán oán xong thì lết ra khỏi sân diễn.

Trong lễ Tá thổ, sau màn “Xuất Tam Thánh” là đến phần hát thứ lễ. Đây là phần biểu diễn nghệ thuật phục vụ thần linh - xem như phần hội của lễ hội. Hát thứ lễ trong lễ kỳ an tá thổ được nối kết bởi hai phần. Phần thứ nhất là các trò múa bóng, múa siêuhò bá trạo. Phần thứ hai là hát Mộc, diễn tích vua Tống Chân Tông cầu an, mượn đất, đuổi yêu quái (nguyên tác là bổn tuồng Diễn tích Chân Tông kỳ an tá thổ khu mộc cổ truyền ca).

 

Múa bóng, còn gọi là múa dâng bông, là một loại hình nghệ thuật múa của người Chăm phục vụ cho nghi thức tế lễ, đã được người Việt tiếp thu và Việt hóa dần theo thời gian. Người múa đều là con gái, áo xiêm rực rỡ. Trên đầu mỗi vũ công đội chiếc mâm, trên mâm đặt đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp.

 

Múa siêu là một điệu múa dùng siêu (một loại binh khí thường dùng cho các vị tướng khi cầm quân ra trận) làm đạo cụ để múa, bởi vậy vũ công thường chỉ do nam thanh niên đảm trách. Múa siêu cũng là điệu múa tôn thần, tôn vinh công đức của Thái Thượng Lão Quân - vị đại tiên của chốn Thiên Đình.

Hò bá trạo cũng là một trò diễn trong lễ kỳ an tá thổ. Đây là trò diễn tôn vinh công đức của “Ông Nam Hải” tức cá voi, vốn hiền lành, thường cứu người gặp nạn trên biển, đã được vua Gia Long sắc phong tước Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần.

 

Hát Mộc là trò diễn dân gian được ghi thành bài bản hẳn hoi, với các chỉ dẫn về nghi thức tế lễ, về nội dung đối tượng cầu đảo, một kịch bản trò diễn với những nhân vật cụ thể, với những pha phù phép điều binh khiển tướng, cùng với nhiều trò vui chơi hội hè múa hát được tập hợp thành một tuồng tích hoàn chỉnh. Chẳng những thế, nó còn được các nghệ nhân gia công tập luyện, làm thành những ngón nghề biểu diễn điêu luyện, có tính chiến đấu, tính hấp dẫn cao.

 

Có thể coi lễ kỳ an tá thổ là một lễ hội văn hóa vì nó được tổ chức định kỳ hàng năm hoặc đôi, ba năm tùy theo điều kiện của từng vùng. Tính chất lễ của nó thể hiện qua hệ thống nghi thức cúng bái nghiêm ngặt, còn tính chất hội thể hiện ở các tiết mục vui chơi, sinh hoạt của cộng đồng, sự đông vui của nó đặc biệt đậm đà trong phần biểu diễn hát Mộc.

 

2. Năm 1987, Nhà hát Tuồng Phú Khánh (nay là Nhà hát Tuồng Khánh Hòa) sưu tầm được ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) một bổn tuồng cổ Hán - Nôm có tên là Diễn tích Chân Tông kỳ an tá thổ khu mộc cổ truyền ca. Tuy có thể ước đoán rằng thời xa xưa đã từng có nhiều vở hát Mộc nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được một kịch bản có thể nói là hoàn chỉnh của nghệ thuật hát Mộc. Kịch bản này do cụ Lê Huấn (đã mất năm 1995), quê ở làng Cát Ném, nay là thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cung cấp. Cụ Lê Huấn là người có trình độ Nho học, đọc thông, viết thạo. Nghề nghiệp chính của cụ là thầy pháp. Cụ Huấn không chỉ là một thầy cúng mà còn là một nghệ nhân giỏi, có thể thể hiện tất cả các vai trong trò diễn hát mộc. Qua bản dịch (của dịch giả Bùi Hữu Hồng), có thể tóm tắt nội dung kịch bản hát mộc do cụ Lê Huấn cung cấp như sau:

 

Dưới thời vua Tống Chân Tông, ở quận Giải Châu, không hiểu vì sao đã ba năm liền các ruộng lúa và ruộng muối đều bị khô kiệt nước, khiến nông vụ thất thu, nhân dân lầm than, ca thán. Vua Tống sai quan Gián nghị là Vương Khâm lên đường đến miếu Thần Nông để cầu mưa. Trong khi đó, thần Thổ Địa đi tuần tra, bị yêu mộc là Mang Vưu Lang chặn đường. Biết được Mang Vưu Lang cùng bè đảng của nó tận thu nước ruộng, Thổ Địa đánh nó chạy dài, rồi về miếu Thần Nông kể sự tình. Mang Vưu Lang thua chạy về báo tin cùng Mang Vưu Hổ. Nguyên xưa, Mang Vưu Hổ bị Tống Tổ là Hiên Hoài đánh giết rồi lấy đất Giải Châu mà khai phá, lập diêm trì điền địa; cho nên nay Mang Vưu Hổ mới cùng bè đảng đến Giải Châu tận thu nước ruộng để trả thù và chiếm cứ lại đất đai. Được Mang Vưu Lang báo tin dữ, Mang Vưu Hổ lập tức kéo binh tướng đến miếu Thần Nông, đánh Thần Nông và Thổ Địa thua chạy, rồi chiếm cứ miếu. Trên đường đến miếu Thần Nông, Vương Khâm gặp Thổ Địa đón đường cho biết sự tình, nhưng vẫn quyết đến miếu. Tới nơi thì bị Mang Vưu Hổ bắt quay về tâu Tống Vương triệt phá điện thờ Tống Tổ Hiên Hoài và thuận cho nó làm Thần Nông cai quản đất Giải Châu. Vương Khâm không nghe, bị giết chết. Thổ Địa cải tử Hoàn sinh cho Vương Khâm, bảo về tâu vua cầu thiên tướng xuống trừ yêu mộc. Vương Khâm về tới triều đình, tâu rõ sự tình và được vua Tống sai lên chùa Ngọc Truyền Sơn, cầu được thánh Quan Công giáng trần cùng các thánh khác là Tề Thiên Đại Thánh, Vĩ Lang đại tướng đô thiên, Huyền thiên Chân Vũ. Thánh Quan Công và các vị thánh kể trên đi đánh, bắt được Mang Vưu Hổ, đày đi nơi xa. Yêu quái Hỏa Linh xuất hiện, phun lửa đốt chết Vĩ Lang để trả thù cho Mang Vưu Hổ. Thổ Địa cải tử hoàn sinh cho Vĩ Lang. Thần Nông về lại miếu cũ rồi cùng Thổ Địa xuống Đông Hải Long cung xin Thánh mẫu Thủy Triều cho nước lên đồng ruộng Giải Châu. Thánh mẫu Thủy Triều mở hội chiếu tinh đăng dẫn nước lên. Đất Giải Châu thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.

 

Nghiên cứu toàn bộ kịch bản, bước đầu có thể nêu ra một số nhận xét sau:

1. Về kết cấu: Kịch bản gồm 23 lớp, kết hợp với nhau chặt chẽ, hợp lý. Nội dung câu chuyện hấp dẫn, thực chất là hình thức nghệ thuật hóa cuộc chiến đấu quyết liệt của lương dân chống lại cái ác thông qua việc diệt trừ yêu mộc.

2. Về nhân vật: Có 4 loại nhân vật bao gồm:

- Các đấng thần linh: Cao Công, Thái Thượng Lão Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tề - Huyền - Đô tam thánh, Linh Quang Thổ Địa, Thanh Đồng, Vĩ Lang, Quan Bình, Châu Xương, Ngũ vị tiên nương .

- Những thế lực hung ác: Hỏa Linh (hay còn gọi là Xích xà), Thanh xà, Bạch xà, Hắc xà, Huỳnh xà, Mang Vưu Lang, Mang Vưu Hổ.

- Những người có quyền lực nơi hạ giới: Tống Vương, Vương Khâm, các quan quân triều đình .

- Đại diện chúng dân: những người nghinh rước Thuỷ Triều, múa hò Bá Trạo gồm Tổng Thương, Tồng Lái, Tổng Mũi, các trạo phu…

 

3. Về âm nhạc: Trong trò diễn hát Mộc có 13  điệu hát, gồm: Nói lối, Bạch,  Xướng, Phú, Khách, Thán, Tẩu, Nam (Nam ai, Nam xuân, Nam lụy), Loạn (Loạn đả, Loạn chạy), Chiếu tinh đăng, Hát đò đưa, Hò bá trạo, Thần chú. Như vậy hầu hết các làn điệu của nghệ thuật Tuồng đều xuất hiện trong hát Mộc, nhưng ở đây - như nhận xét chung của các nhà nghiên cứu - chất bác học, cổ điển của làn điệu mờ nhạt đi, còn chất dân gian hiện lên rõ nét, đậm đặc hơn. Động tác múa trong nghệ thuật hát Mộc tuy vẫn là tương, , xoan, cầu, khán, lỉa, , xiến nhưng đơn giản hơn, thô hơn, mộc mạc hơn.

 

Các nhân vật chính trong trò diễn hát Mộc đều là những người có quyền phép cao siêu, khi xuất hiện đều có niệm thần chú. Nội dung các câu thần chú thực chất là giới thiệu thân thế, nguồn gốc, tính cách của nhân vật ấy. Thần chú là một trong những vũ khí đối đầu giữa hai thế lực chính, do đó có tiết tấu dồn dập, giai điệu mang tính chiến đấu khá rõ nét.

 

Xưa kia, hát Mộc chỉ diễn trong lễ kỳ an Tá thổ ở các làng xã mà thời gian và chu kỳ của lễ hội do mỗi địa phương quy định. Nó từng được đông đảo quần chúng nhân dân lao động hưởng ứng và tán thưởng vì đã phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp xã hội thời phong kiến: được sống trong cảnh thái bình, quyết tâm muốn diệt trừ cái ác. Do những đặc điểm riêng, nghề hát Mộc hầu như chỉ được lưu truyền trong nội bộ gia đình. Thành phần diễn viên của các gánh hát Mộc hầu hết là con em, thân thích trong nhà, trong họ của các thầy pháp, vì vậy khi các thầy không còn hành nghề, lễ Tá thổ không còn được tổ chức thì hát Mộc cũng mai một. Gìn giữ, nghiên cứu và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật hát Mộc - một vốn quý trong di sản văn hóa phi vật thể của Khánh Hòa - vào cuộc sống đương đại với ý thức “gạn đục khơi trong” chính là việc làm chính đáng và cấp thiết.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 4398
Ngày đăng: 29.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lưới đăng – Nghề biển truyền thống ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Nhà mái lá – Nét văn hoá độc đáo của làng quê Bình Định - Mai Thìn
Hát lễ- hát bội Bình Định - Mai Thìn
Hò giã gạo Bình Định – sản phẩm độc đáo của nhà nông - Mai Thìn
Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao - Tăng Tấn Lộc
Rối nước - Khánh Phương
Mượn kiếp đào nương... - Khánh Phương
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...” - Khánh Phương
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Nghi lễ Bàu Đá “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” - Nguyễn Thanh Mừng
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)