Dana Gioia là một thi sĩ, nhà phê bình, và thầy giáo. Sinh năm 1950 ở Los Angeles ( Mỹ ), ông học đại học Standford và Harvard trước khi quay sang ngành kinh doanh . Sau nhiều năm viết và đọc vào tối khuya khi kết thúc công việc hàng ngày, ông bỏ chức phó chủ tịch công ty để tòan tâm viết sách và dạy học. Ông đã xuất bản ba tập thơ, Daily Horoscope ( Tử Vi Mỗi Ngày, 1986 ), The Gods in Winter ( Những Vị Thần Mùa Đông, 1991 ) và Interrogations at Noon ( Những Câu Hỏi Giữa Trưa, 2001 ) ; một số tuyển tập; và một biên khảo về thơ Mỹ hiện đại, Can Poetry Matter ? ( Thơ Có Thể Quan Trọng?, 1992 ). Ông cũng viết lời cho vở nhạc kịch opera Nosferatu. Dana Gioia đã dạy học ở Hopkins, Sarah Lawrence, Wesleyance ( Connecticut ), Mercer, và Đại học Colorado. Ông cũng là người đồng sáng lập hội nghị thi ca mùa hè ở Đại học West Chester, Pennsylvania và Hội Giảng Dạy Thi Ca ở Sonoma , California. Ông hiện là nhà bình luận văn học thường trực của Đài BBC, sinh sống ở Rosa, California, với vợ là Mary, hai con trai và một đàn mèo.
Can Poetry Matter ? là bài viết của Dana Gioia đăng trên tạp chí The Atlantic Monthly tháng 5-1991,trở thành tựa đề tập tiểu luận gây nhiều tranh luận do Graywelf Press xuất bản năm 1992. Ông cho rằng thơ Mỹ ngày nay cách ly với công chúng bình thường , biến thành nghệ thuật thơ cô lập trong thế giới riêng của một nhóm văn hóa hàn lâm; báo chí hàng ngày bỏ hẳn mục điểm thơ ; ngay cả Giải Thưởng Sách Quốc Gia( The National Book Award ) cũng không còn thể loại thơ từ năm 1984 cho đến năm tác giả viết Can Poetry Matter ? (1991)...Dana Gioia nhắc đến bài Is Verse a Dying Technique ? ( Thơ Là Một Kỹ Thuật Đang Chết ? ) của Edmund Wilson ( 1984 ) và đặc biệt bài Who Killed Poetry ? ( Ai Đã Giết Thơ ? )
của Joseph Epstein ( 1988 ) đã gây nên những cuộc tranh luận gay gắt trên văn đàn Mỹ lúc ấy.
Với câu hỏi : Thơ có thể là vấn đề quan trọng cho cuộc sống ?, Dana Gioia than rằng có vẻ như phần lớn xã hội đã quên mất giá trị của thơ. Ông kêu gọi nhà thơ phải làm thế nào để được công chúng , tức là đông đảo độc giả bình thường, biết đến . Theo ông, thơ cần phải được đọc rộng rãi trước quần chúng trong chương trình xen kẽ với những nghệ thuật khác, đọc thơ của nhiều nhà thơ chứ không xưng tụng một thi sĩ, giờ học văn ở nhà trường cần có trình diễn đọc thơ, những nhàphê bình đánh giá thơ phải khen chê chân thật và nghiêm túc ...
Can Poetry Matter ? còn gây xao động văn chương Mỹ đương đại ở chỗ tác giả Dana Gioia, cùng với Frederick Turner, Kevin Walzer..., từ năm 1991 được xem là thi sĩ tiền phong của phái Tân Hình Thức. Thơ Tân Hình Thức Hoa Kỳ ( New Formalism ) hay Thơ Mở Rộng (Expansive Poetry) chủ trương thơ gần với ngôn ngữ nói thông thường, vận dụng nhịp điệu và vần luật thơ Anh ngữ truyền thống ( metered poetry ) đặc biệt là Iambic : không nhấn-nhấn , nội dung tính truyện và hình thức vắt dòng hay bẻ dòng ( line break ) – tức là sang dòng đột ngột bất kỳ chữ nào của câu.
Chúng tôi giới thiệu ba bài thơ của Dana Gioia. Chúng ta có thể nhận thấy nhịp Iambic meter hay feet ( rhythms) , vần điệu ( rhymes ) và bố cục câu/khổ thơ ( lines/stanzas ) theo thơ truyền thống Anh rõ rệt, kết hợp với hình thức bẻ dòng của thơ tự do từ trứơc thập niên 1950. Tính truyện cũng không hẳn là mới, chỉ ít nhiều đặc biệt là ở ngôn ngữ nói, rất ít mỹ từ pháp chứ không hẳn hoàn toàn né tránh. Thiết nghĩ hình thức bẻ chữ ( word break ) như thơ E.E.Cummings ( Mỹ, 1894-1962 ) đã xuất hiện từ rất sớm , thí dụ mấy câu trong bài among crumbling people ( Cummings không dùng chữ hoa ) :
a
mong crum
bling people ( a
long ruined streets
hither and ) softly
thither between ( tumb
ling )
houses ( as
the kno
wing spirits prowls, its
nose winces
before a dissonance of
Rish and Foses)
.........
Thậm chí tác giả phá bỏ chữ nghĩa đến độ, để diễn tả hai thứ mùi tanh tưởi của cá và hương thơm của hoa hồng hoà trộn với nhau một cách trái cựa và dĩ nhiên cực kỳ khó chịu, ông đã hoán đổi hai chữ cái R và F để cho Fish and Roses thành ra Rish and Foses !
Tạm dịch :
trong
đám người
vụn nát (dọc
theo những đường phố tàn phá
chỗ này và ) thầm lặng
chỗ kia giữa ( đang sụp
đổ )
những ngôi nhà ( khi
hồn
ma tri thức lượn là, mũi
nó nhăn nhíu
trước pha trộn mùi trái cựa
của Cồng và Há )
..........
Chi tiết trên đây rất quan trọng giúp chúng ta chắc chắn rằng hình thức bẻ dòng và xáo trộn ngôn ngữ đã có từ lâu , không phải là độc đáo mới lạ của Thơ Tân Hình Thức. Xin trở lại với ba bài thơ của Dana Gioia :
Accomplice
In dusty fields I harvested the vine
And sweated at the lever as the grapes were pressed.
My aching hands still clutched their vagrant wages,
Sleeping in the cold barracks of the dispossessed.
But now at dawn, beyond the reach of reason.
I wake in the chateau between your tangled sheets.
My sunburnt arms across your naked shoulder,
The mute accomplice of our mutual defeat.
Đồng Loã
Trên những cánh đồng bụi bặm tôi đã thu hoạch nho
Và tháo mồ hôi ở cần đẩy trong lúc nho được ép.
Hai bàn tay tôi đau nhức vẫn nắm chặt đồng lương lêu bêu,
Ngủ trong nhà trại lạnh lẽo dành cho những kẻ bị tước đoạt.
Nhưng giờ là bình minh, ngoài mọi lý lẽ.
Tôi thức giấc trong lâu đài giữa đống mền gối rối tung của em.
Cánh tay tôi rám nắng vắt ngang vai trần em,
Kẻ tòng phạm câm lặng của thất bại chung đôi ta.
Corner Table
You tell me you are going to marry him.
You knew almost at once he was the one.
Your hands rest on the quilted tablecloth.
“Such clever hands,”I used to say.
I gave them names I never spoke aloud.
You tell me how you met and where youll live.
Its easier to watch your lips than listen.
Your eyes flash in the candlelight like knives.
The waiters drift by with their phantom meals.
Tonight the dead are dining with the dead.
You twist the wineglass slowly in your hand.
And I speak of other things. What matter most
Most often cant be said. Better to trust
The forms that hold our grief. We understand
This last mute touch that lingers for farewell.
Bàn Trong Góc
Em bảo tôi em sắp lấy anh ta.
Em đã biết gần như ngay lập tức anh ta chính là người ấy.
Hai tay em để yên trên khăn trải bàn may những đường chỉ chéo.
“ Hai bàn tay khéo léo làm sao,” tôi vẫn thường hay nói.
Tôi đã cho chúng những cái tên không bao giờ gọi ra.
Em bảo tôi em đã gặp anh ta ra sao và em sẽ sống ở đâu.
Nhìn môi em dễ hơn nghe em nói.
Mắt em sáng loé trong ánh nến như hai lưỡi dao.
Những người hầu bàn lướt qua với các bữa ăn yêu ma.
Đêm nay những người chết đang ăn với những người chết.
Em xoay xoay ly rượu chậm chạp trong tay.
Và tôi nói về những điều khác. Điều quan trọng nhất
Rất thường không nói được. Tốt hơn hãy tin vào
Những hình thức chất chứa nỗi đau buồn của chúng ta. Đôi ta hiểu
Lần chạm nhau câm lặng cuối cùng này kéo dài thêm giờ tạm biệt.
Unsaid
So much of what we live goes on inside-
The diaries of grief,the tongue-tied aches
Of unacknowledged love are no less real
For having passed unsaid. What we conceal
Is always more than what we dare confide.
Think of the letters that we write our dead.
Không Nói
Biết bao điều chúng ta sống đều diễn ra sâu kín -
Nhật ký buồn thương, đớn đau câm nín
Của tình yêu không được thừa nhận chẳng hề ít thật hơn
Vì đã trải qua không lên tiếng. Những gì chúng ta dấu diếm
Luôn luôn nhiều hơn những gì chúng ta dám giãi bày.
Hãy nghĩ đến những lá thư chúng ta viết gửi những người thân đã qua đời.
Để dễ hiểu hơn nhịp điệu và âm luật thơ Anh ngữ truyền thống thể hiện trong ba bài thơ trích dẫn trên đây của Dana Gioia , chúng tôi xin phép giới thiệu một ít về metered poetry (thơ nhịp điệu) :
Chúng ta đều biết ba đặc tính chủ yếu của thơ là nhạc điệu, hình ảnh và cảm xúc. Nhạc điệu không chỉ dựa vào âm mang tính nhạc của từ ngữ mà còn quan trọng ở nhịp (rhythms/ meters) . Từ Anh có hai vần (syllables) trở lên đều có một vần được nhấn giọng . Câu thơ Anh truyền thống phải xếp đặt thế nào để các vần/âm nhấn cách nhau đều đặn theo từng nhóm âm hay âm tiết (feet/bars) . Mỗi âm tiết gồm một vần/âm nhấn với một hoặc hai vần/âm không nhấn; nghĩa là một câu thơ phân tích thành nhiều nhóm âm , mỗi nhóm có hai hoặc ba âm với chỉ một âm được nhấn giọng – tương tự luật âm bằng trắc trong thơ Việt. Phân tích âm luật thơ Anh (scansion) theo bốn loại như sau :
- Iambic meter : không nhấn + nhấn => chậm rãi, trang trọng :
Succéeding spórts the mírthful bánd inspíred
- Trochaic meter : nhấn + không nhấn => nhẹ nhàng, thanh thoát :
Áll delíghts of súmmer wéather
- Anapaestic meter : không nhấn + không nhấn + nhấn => dồn dập, nồng nhiệt :
There are máidens in Scótland more lóvely by fár
- Dactylic meter : nhấn + không nhấn + không nhấn => khoan thai, từ tốn :
Tóuch her not scórnfully
Thínk of her moúrnfully
Bốn âm luật này được xếp đặt để có hai hình thức nhịp điệu : Iambs + Anapaests = nhịp điệu bổng, Trochees + Dactyls = nhịp điệu trầm. Nhà thơ không được trộn lẫn hai nhịp điệu trong cùng một câu thơ , thường biến điệu từ câu thơ này sang câu thơ khác mà thôi.
Trở lại Thơ Tân Hình Thức hay Thơ Mở Rộng, các nhà thơ Mỹ theo phong trào này chủ trương vận dụng phần lớn luật Iambs : không nhấn + nhấn. Họ không sáng tạo gì mới, mà kêu gọi trở lại thơ nhịp điệu truyền thống trước khi xuất hiện thơ tự do và thơ xuôi.
Trong bài Crossing the Boundary : The Expansive Movement in American Poetry ( Vượt Biên Giới : Phong Trào Mở Rộng Trong Thi Ca Mỹ , 1989) , Wade Newman viết :
“ Thơ đương đại đã tạo nên một biên giới chia cách công chúng đọc thơ Mỹ với các nhà thơ. Một bên là công chúng , thấy ít có gì trong thơ đương thời đặc biệt hấp dẫn hay gần gũi, đã tảng lờ các nhà thơ, các tạp chí văn học và các nhóm văn bút đã từng nở rộ suốt hơn ba chục năm qua. Bên kia là các thi sĩ, hầu hết đã rút lui khỏi công chúng bằng cách viết những câu thơ qui chiếu tự thân ( self-referential} hoặc bám vào nguyên tắc nghệ thuật vị nghệ thuật, đồng thời lại liên tục la lối những độc giả tiềm năng của mình là không mua sách họ hoặc thậm chí không biết đến sự có mặt của họ nữa ...”
Chính là vào năm 1979, khi Frederick Turner và Ronald Sharp hồi sinh tạp chí Kenyon Review , mà nhiều nhà thơ ngày nay thiết lập nên cái gọi là Phong Trào Mở Rộng ( The Expansive Movement} đã tìm thấy điểm hội tụ. Trong 5 năm liền tạp chí này đã trở thành vườn hoa văn học cho thi ca của Frederick Feirtein, Dick Allen, Judith Moffett, Emily Grasholz, và nhiều người khác nữa. Nhưng cuộc trình làng quan trọng lần đầu tiên của phong trào này diễn ra vào mùa thu năm 1981 khi Manhattan Carnival (Lễ Hội Manhattan) của Feirtein, The Return (Lần Trở Lại) của Turner và Empires (Các Đế Quốc) của Richard Moore được xuất bản. Tất cả đều là những bài thơ dài cả quyển sách , hai trong số đó là thơ truyện , và tất cả đều viết theo thơ âm luật truyền thống.
Trong tiểu luận đăng trên Kenyon Review số mùa xuân 1983- số báo đặc biệt dành cho thơ trường thiên và đánh dấu bước phát triển của Phong Trào Thơ Mở Rộng – Dick Allen giải thích :
“ Chúng ta có thể trông đợi việc đọc bài thơ trường thiên khác việc đọc bài thơ trữ tình ngắn. Với một bài thơ dài từ ba đến hai mươi trang, việc đọc của chúng ta giống như đọc một truyện ngắn phức tạp; với một bài thơ dài hơn nữa, chúng ta có thể trông đợi dấn mình vào một kinh nghiệm đọc không khác với việc đọc một truyện vừa hoặc một tiểu thuyết , một kinh nghiệm chúng ta có thể kéo dài qua nhiều ngày, xử lý mỗi phần mới của bài thơ như một chương mới trong một tiểu thuyết. Khi chúng ta kết thúc, chúng ta trông đợi việc có thể trở lại những khúc đoạn đặc biệt quan trọng và đáng tán thưởng. Nhưng ý nghĩa của tổng thể sẽ bao trùm mọi phần tử, đưa những phần yếu hơn vào phối cảnh thích hợp.”
Công trình nghiên cứu khoa học của Turner (cùng với Ernst Poppel) nhan đề The Neural Lyre (Cây Đàn Lia Dây Thần Kinh) về âm luật thơ, bộ não và thời gian được thế giới thi ca chào đón và tặng thưởng giải Levinson Prize – một giải thưởng thường chỉ dành cho thi ca – như là tác phẩm hay nhất in báo năm 1983. Công trình nghiên cứu này giải thích âm luật trong thi ca kích thích như thế nào não phải “nghệ thuật” quen bị chia cắt với não trái “lý trí” của người đọc để thống nhất những năng lượng nhằm làm cho toàn thể bộ não , như xưa kia Aristote đã quan niệm về cảm thụ nghệ thuật, vừa được vui thích vừa được hiểu biết . Turner viết :
“Nhờ phép biến đổi âm luật, những năng lực về âm nhạc và hình tượng của não phải được âm luật trưng dụng để hợp tác với những năng lực về ngôn ngữ của não trái; và bằng các hiệu ứng tác động thính giác, những tầng thấp hơn của hệ thống thần kinh được kích thích theo một cách thức làm cho mạnh mẽ thêm những vận hành nhận thức của bài thơ , tăng cừơng trí nhớ và đẩy mạnh khả năng hòa hài tâm lý và hòa hợp xã hội. Thơ âm luật có thể đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nhận thức tinh tế của chúng ta về thời gian, vì vậy có thể trở thành một kỹ thuật giúp tập trung và tăng cường xu hướng nhân bản độc đáo của chúng ta, là làm cho thế giới này có ý nghĩa bằng các từ ngữ cao quý như chân, thiện và mỹ.”
Wade Newman cho rằng những hiểu biết của Turner về khoa học thế kỷ 20 , đặc biệt là những khám phá mới đây về di truyền học, vật lý học và điều khiển học, là tượng trưng cho tất cả Phong Trào Thơ Mở Rộng. Bằng cách trộn lẫn các khoa học với thi ca , các thi sĩ Mở Rộng không chỉ cứu chữa vết thương văn hóa từ thời Lãng Mạn, mà còn cất tiếng nói cho những khám phá và các ý tưởng vốn tự thân là những ngợi ca tính người.
Thí dụ trong bài thơ Empires của Richard Moore, qua nhân vật lịch sử nữ hoàng Cleopatra, nhà thơ chỉ ra cho thấy La Mã trong lúc theo đuổi những chính sách điên cuồng và tàn bạo đã tự đào mồ chôn mình như thế nào , trong đoạn Thơ Mở Rộng dưới đây :
Their plain incompetence amazes me.
Caesars in need of my astronomers
to give Romans a proper calendar,
requires my coiners to improve his mints,
my clerks and financiers to organize
his treasury. These conquerors are helpless.
And now whatever strength they might have had
is crushed under the burdens of their conquests.
Tạm dịch :
Sự yếu kém rõ ràng của họ làm ta sửng sốt.
Caesar cần những nhà thiên văn của ta
cho người La Mã có lịch thích hợp,
yêu cầu những chuyên gia của ta cải thiện các sở đúc tiền của ông,
những viên chức và nhà tài chính của ta tổ chức
ngân khố cho ông. Những kẻ chinh phục này là bất lực.
Và dù cho chúng đã từng hùng cường đến mấy
thì giờ đây cũng tan nát dưới những gánh nặng xâm lăng.
Tóm lại, ý nghĩa Mở Rộng của phong trào thơ Mỹ này là thơ có cốt truyện dài, bài thơ là những truyện kể phát triển có thể dài cả một quyển sách, vượt qua biên giới hạn hẹp ngăn cách nhà thơ trong thế giới tháp ngà của mình nhằm tới với công chúng văn học. Xem vậy, thơ Mở Rộng không có tham vọng đặc biệt nào về kỹ thuật tân kỳ hay cách mạng. Họ phục hưng âm luật của thơ truyền thống và chủ trương sử dụng ngôn ngữ quần chúng : ngôn ngữ nói. Thậm chí có người như Caleb Murdock trong bài Is It Poetry or Prose ? bài bác thể loại thơ xuôi và những đặc tính của thi ca lãng mạn.
Một điều thú vị ở bài thơ dưới đây của May Swension (1913-1989) là những dòng thơ bốn chữ mang đầy đủ những đặc tính của Thơ Tân Hình Thức/Mở Rộng nhưng lại được viết vào năm 1967 ! Sư kiện này chứng tỏ thêm rằng ý nghĩa của trường phái thơ mới mẻ này không nên được hiểu đơn giản như là một hình thức mới hay một hình thức mở rộng câu cú khổ đọan .
Four-word lines
Your eyes are just
like bees, and I
feel like a flower.
Their brown power makes
a breeze go over
my skin. When your
lashes ride down and
rise like brown bees
legs , your pronged gaze
make my eyes gauze.
I wish we were
in some shade and
no swarm of other
eyes to know that
Im a flower breathing
bare, laid open to
your warm bees stare.
I d let you wade
in me and seize
with your eager brown
bees power a sweet
glistering at my core.
Tạm dịch :
Những dòng bốn chữ
Mắt anh hệt như
đôi ong, và em
thấy mình như hoa.
Sức mạnh nâu khiến
gió nhẹ lướt qua
da em. Và khi
mi anh chớp chớp
như cẳng chân ong
ánh nhìn sắc ngạnh
khiến mắt em sương.
Em ước đôi ta
ở trong bóng mát
đừng lũ mắt khác
biết rằng em là
nụ hoa đang thở
trần trụi phô bày
nồng nàn mắt ong.
Em sẽ cho anh
trong em lội bước
sức nâu háo hức
ong chiếm vị ngọt
lấp lánh lòng em.
Còn trong bài Hearing from Poetrys Audience đăng trên Poetry Review (Anh), số mùa xuân 1992, Dana Gioia trần tình như sau về dư luận chung quanh bài Can Poetry Matter ? của mình :
“ Tôi cảm thấy một lý do khiến cho Can Poetry Matter ? đã có tác động mạnh mẽ như vậy là vì tôi đã viết bài báo này không phải như một nhà thơ hay nhà phê bình mà như là một người đọc thơ. Jorge Luis Borges đã có lần thú thật ông nghĩ mình trước tiên như là một độc giả rồi mới là một nhà thơ hay nhà văn. Người viết phải trung thành với văn chương, chứ không phải chỉ với các tham vọng của riêng mình . Tôi xem Can Poetry Matter ? như một phân tích không chuyên về tình trạng bế tắc hiện nay của thi ca. Tôi cố gắng hết sức tránh nói đến đề án thơ của mình và trình bày những thất vọng và khát vọng của tôi như một người đọc thơ và đọc phê bình thơ. Dĩ nhiên , những người gièm pha tôi vẫn lên tiếng, và có thể là họ quả thật chú ý thấy những thiên kiến mà chính tôi không nhận biết, Dana Gioia người đọc cùng chung một hộp sọ với Dana Gioia nhà thơ. Nhưng tôi lại xem là dấu hiệu tốt việc nhiều thi sĩ mà tôi được các nhà phê bình gộp chung vào đã đâm ra tức giận tôi, bởi vì họ cảm thấy bài viết của tôi không đưa ra một chương trình đặc biệt nào . Một người bạn lâu ngày của tôi đã lên án thẳng vào mặt tôi vì tội bài tiểu luận đã không nêu lên chủ thuyết Tân Hình Thức (New Formalism) như là phương thuốc điều trị các chứng bệnh của thi ca Mỹ. Sau đó mấy tuần một kẻ địch không đội trời chung lại viết cho tôi một lá thơ hâm mộ dài. Tôi khám phá phê phán vô tư sinh ra những kẻ đồng sàng dị mộng ...
Điều quan trọng là bước sang một bên và cứ để cho các ý tưởng theo đuổi biện chứng của chúng . Này là lúc văn hóa đang vận hành và tác giả đã trở nên chỉ là một người quan sát .”