Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.198.845
 
Chuyện chị Tư Mót ở xóm Mồng Tơi
Đặng Hoàng Thái

Chị bảo: “Đời tao ngộ lắm! Thời còn con gái, nhan sắc cũng thuộc loại nhất, nhì trong cái xóm Mồng Tơi nghèo chát, nghèo chúa này. Nhiều thằng đàn ông cao lớn đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi theo tao mòn mấy đôi dép Lào. Vậy mà hổng ưng, lại đi lấy ngay thằng cha vừa lùn, vừa hô, tối ngày lầm lầm lì lì, mở miệng ra là cộc lốc, cộc lơ. Hổng biết hồi đó chả có xài bùa, xài ngãi gì không mà tao lại bỏ nhà đi theo thằng chả…!”.

Cứ thế, mỗi lần gặp tui, không trước thì sau, vừa hết chuyện trong xóm, ngoài đồng là chị Tư Mót lại giỡ bài than thân, trách phận. Nói xong, chị đứng dậy phủi đít phành phạnh, đưa tay vuôn vuốt mái tóc loăn quăn uốn cao, ngoe nguẩy lê guốc ra quán hũ tiếu bà Ba “dao lam” kiếm ai đó để tiếp tục trút bầu tâm sự.

Má tui kể, ngày xưa người ta gọi xóm tui là xóm nghèo rớt mồng tơi. Lâu ngày dài tháng, thấy tên dài dặng quá, nên gọi vắn tắt là xóm Mồng Tơi cho tiện. Trăm năm có hơn, từ thời ông cha đến đất này khai phá lập nghiệp đến cả những đời sau này, làm lụng cật lực cách mấy cũng chẳng có cái nhà nào cho ra cái nhà. Mấy chục gia đình toàn một kiểu nhà thiếc vách ván dừa xẻ, duy chỉ có nhà vợ chồng Tư Mót là khang trang nhất, đẹp nhất xóm. Đúc mái bằng, sân lát gạch Tàu, lại có cả dàn kà rá ô kè (karaoke) gì đó với cái ti vi bự tổ chảng, đặt chình ình giữa nhà. Còn “thằng cha vừa lùn, vừa hô” ấy là chồng chị, tên cúng cơm là Cản, thứ hai, nhưng bà con trong xóm hay gọi theo thứ của chị Tư Mót, miết thành Tư Cản. Người đâu mà cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi. Cày cuốc cấy bừa, làm hồ, làm mộc, sửa máy sửa móc… đủ thứ nghề. Cánh phụ nữ trong xóm Mồng Tơi bình chọn anh Tư Cản là “mẫu đàn ông số dzách”, “người chồng năm-bờ-oan”. Một tay anh Tư lo toan mọi việc, chị Tư Mót chỉ có nhiệm vụ ở nhà cơm nước, giặt giũ. Vui thì xách chổi quét quơ, quét quào khoảnh sân, buồn thì mở máy, gắn mi (micro) hét ong óng “đời tui cô đơn… đời tui cô đờn”. Mấy năm sau nay, Thuỷ, đứa con gái duy nhất của vợ chồng chị cũng đã lớn, bắt đầu biết lo chuyện trong nhà, trong cửa, chị lại càng rỗi rãnh nhiều hơn. Nghe chồng tui nói, chị định hùn hạp gì với đám bà Ba “dao lam” mở quán kà rá ô kè ở đầu xóm. Nhiều lần chị tạt sang nhà, tui định hỏi, nhưng cứ quên tới, quên lui.

***

Bà Ba “dao lam” hùn đất, mua mấy dàn máy. Chị Tư Mót hùn tiền dựng quán, xây mấy gian nhà, ngăn vách, gắn máy lạnh. Ba “dao lam” cộng với Tư Mót thành “Ba Tư quán”. Tự dưng, xóm Mồng Tơi nhộn nhịp hẳn lên. Chẳng biết ở đâu lại xuất hiện thêm mấy đứa con gái da thịt nồng nổng. Trời xứ này khét đồng, khét ruộng mà ngày cũng như đêm, quần “rin” dày như vải bố vá chằng, vá đụp, trên người vận mỗi chiếc áo lon con, vú móm cứ tè he ra ngoài. Mấy người trong xóm xì xào, bà Ba “dao lam” với chị Tư Mót ra tận ngoài thị trấn mời mấy đứa bán bia ôm về phụ bán. Họ còn đồn ầm lên rằng, bước vô Ba Tư quán là bước vô thế giới của Ngàn lẻ một đêm. “Tiếng lành đồn xa”, khách trên thị xã cũng lặn lội xuống tìm. Tối đến, mấy thằng đực rựa mới lớn trong xóm cứ í ới rũ nhau ra Ba Tư quán. Dân quê làm gì có tiền chui vô mấy chỗ đó. Đi là đi khoét vách mấy gian phòng, rình “ếch” bắt cặp xà nèo, xà nẹo. Anh Tư Cản can ngăn không được, tức mình xách cuốc đập nát dàn máy kà rá ô kè ở nhà rồi quảy túi xách bỏ sang Bình Dương làm phụ hồ.

Gặp tui, chị Tư Mót chống nạnh: “Mày biết không? Chả hù tao: Tui đi để cái nhà đó cho bà muốn làm gì thì làm. Thằng chả còn chửi tao là cái đồ vô pháp, vô luật, không lo làm ăn lương thiện bày đặt mang cái giống bá dơ, mất văn hoá về làm ô uế xóm Mồng Tơi. Mà tao có tội tình gì chứ! Thấy ổng cực khổ, tao mở quán kiếm tiền. Tiền đẻ ra tiền, vậy mà còn chê! Kệ chả, muốn đi đâu thì đi!”.

Nghe chị nói, tui chỉ biết cười. Thật ra tui cũng muốn khuyên chị coi chừng anh Hai Cản sống xa nhà, nhớ con, giận vợ, đâm ra chán đời rồi sinh ra vợ bé, vợ mọn. Nhưng định mở miệng thì chồng tui từ nhà sau bước lên tằng hắng, kéo ghế cái rột, vấn điếu thuốc rê bằng cùm tay, lậm bậm rít. Mấy bữa trước, đi đâu trên văn phòng ấp về, chồng tui kêu tui ra đe nẹt: “Bà mà còn thày lay nhiều chuyện với con mẹ Tư Mót, tui cũng bỏ nhà đi như anh Tư, coi bà làm sao”. Hổng phải tui sợ. Nhưng lỡ như ổng bỏ đi, ruộng không ai cày, trâu không ai dắt, tối đến hổng có người đấm lưng… buồn chết! Nghĩ vậy, nên tui nín khe. Thấy tui hổng nói, hổng rằng chỉ cười cười, chị Tư Mót háy tui đứng tròng mắt rồi xì một tiếng dài thượt, quay lưng bỏ đi. Chưa ra khỏi ngõ, chồng tui đã nói: “Bà Tư Mót này làm riết sao tui thấy giống mấy mẹ tú bà trong cải lương quá!”.

***

23 tết. Vừa từ nhà nội mấy đứa nhỏ ăn chè xôi cúng đưa ông Táo về, đã thấy con Thuỷ tóc tai rối bù, áo quần xốc xếch ngồi mẹp xuống nền đất, nép người sát vô góc nhà tui khóc rin rít. Thấy vợ chồng tui, nó nhào ra, oà khóc. Hỏi mãi nó mới chịu kể: “… Con mới đi học về, định ghé quán hỏi má có về nhà ăn cơm không! Tự dưng ở đâu mấy cha già xỉn quắc cần câu, ào tới lôi con vô phòng bắt hát. Con hổng hát, mấy ổng đè con xuống… may nhờ anh phục vụ gõ cửa, bưng bia vô nên con thoát ra được… chạy một mạch về đây…”. Nghe tới đó, chồng tui giận đỏ mặt, đỏ mày. Ổng quờ tay chụp cây rựa vót lạt gói bánh, định nhào ra Ba Tư quán hỏi tội mấy cha già dịch vật. Hoảng hồn, tui với con Thuỷ níu áo lôi lại. Ổng giận là phải. Anh Tư Cản với chồng tui vốn là sư huynh – sư đệ chung một thầy dạy võ. Trước khi đi, anh Tư có sang nhà dặn đi, dặn lại chồng tui nhớ ngó chừng dùm con Thuỷ. Giờ nó bị người ta làm hổn, ổng không ra mặt thì còn gì tình nghĩa anh em. Mà chồng tui giận thiệt. Ổng lên ấp báo cáo sự tình rồi về bắt con Thuỷ gom quần áo, dẫn ra bến xe đi luôn qua Bình Dương, giao cho anh Tư Cản. Báo hại, chị Tư Mót sang nhà tui làm mình, làm mẩy cả ngày.

Chồng tui dẫn con Thuỷ đi được mấy bữa thì Ba Tư quán bị đội tám mười mấy gì đó ở trên huyện kéo xuống đánh úp. Dân xóm Mồng Tơi kéo nhau đi coi rần rần như coi nghệ sĩ Kim Thoại, Ngọc Mai của Đoàn văn công tỉnh về xã hát tuồng hồi tết năm ngoái. Bà Ba “dao lam”, chị Tư Mót ngồi xuôi xị, nước mắt chảy dầm dề làm son phấn trôi tuột, vằn vện phát ớn. Đám con gái trong quán thì rúm ró người lại, đứa thì mặc “quần một ống” mỏng tang, đứa thì quấn tấm khăn trải bàn lủng lổ chổ vì tàn thuốc. Mấy thằng đực rựa trong xóm cười hi hí kháo nhau, có mấy cặp “mèo mả gà đồng” bị bắt tại trận. Vui thì có vui vì từ nay dân xóm Mồng Tơi hết tức ứa gan, giận nổ con mắt trước cái quán mất văn hoá. Nhưng cũng tội nghiệp chị Tư ham tiền đẻ ra tiền nhanh chóng nên mới ra nông nổi này.

Nghe tin, anh Tư Cản với con Thuỷ hộc tốc chạy về. Nhìn chị Tư mặt mày hốc hác, mắt khóc sưng chùm bụp, anh Tư thở dài rồi bước tới trước bàn thờ ông bà, đốt nhang van vái. Tui nói mấy bữa rày chị Tư buồn không ăn, không uống gì. Anh Tư lôi từ trong túi xách ra một ổ bánh mì thịt mềm oặt đưa cho chị: “Bà ăn đi! Tui mua từ hồi sáng sớm, nhưng lo chuyện nhà quá không kịp ăn. Bà ăn đi rồi lo cơn nước cho tui với con Thuỷ! Chuyện qua rồi, mình làm sai thì Nhà nước phạt, mất bạc triệu tui hổng sợ, tui chỉ sợ mất bà!”.

Chị Tư Mót đưa tay cầm ổ bánh, nước mắt, nước mũi ràn rụa. Con Thuỷ ngồi kế bên, ôm vai mẹ, mắt cũng đỏ hoe.

Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2902
Ngày đăng: 01.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm chờ đợi - Quân Tấn
Sáo ơi, về đâu - Đoàn Phương Huyền
Đêm bảo Tuyết - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tình rừng - Bùi Thanh Minh
Chàng gàn - Vũ Ngọc Tiến
Gặp lại Huyền Trân - Bùi Anh Tấn
Bôn ba không qua thời vận ! - Vũ Trà My
Tình mộng - Trần Huyền Trang
Chuyện Báo và Cọp - Văn Chấn Ngọc
Bến bờ xa lạ - Nguyễn Bính Hồng Cầu
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)