Thuở nhỏ tôi thường hay lui tới nhà ông Mục Công ở trong làng để đọc nhờ những cuốn sách cũ đủ các loại trên giá sách của ông và nghe ông kể chuyện. Ông Mục Công biết chữ Nho, giỏi sử Tàu, kể chuyện rất có duyên, song chuyện của ông trẻ con trong làng ít đứa thích nghe. Ông còn hay vẽ tranh Tết trên những cuộn giấy cạp điều mua ở chợ Huyện rồi cho những nhà bà con trong làng đem về treo cho vui. Tôi nhớ năm ấy là tết năm Mão, ông vẽ toàn mèo là mèo, những con mèo mướp, mèo đen, mèo tam thể… đủ các loại râu thẳng tắp như những que tăm cắm xung quanh mép, mắt long lanh như hai hòn bi ve. Chỉ duy nhất một bức ông vẽ một con mèo có bộ lông đỏ rực như lửa. Con mèo có đôi mắt dữ dội, chiếu ra những ta sáng xanh lè đang cuộn mình lấy đà như muốn lao vọt ra khỏi bức tranh. Tôi thắc mắc chưa bao giờ trông thấy một con mèo có bộ lông đỏ thì ông bảo: “Giống mèo này gọi là “xích miêu”, vốn chỉ có ở Trung Quốc cách đây hơn hai nghìn năm trở về trước, song đã bị tuyệt chủng kể từ đó đến nay.” Tôi còn chưa hết kinh ngạc thì ông đã nói tiếp: “Có lẽ trên đời chưa giống vật nào lại có một ảnh hưởng kì lạ đến lịch sử như giống xích miêu này. Có thể nói nếu không có nó, thì sử của Trung Quốc, thậm chí của nhiều nước xung quanh sẽ không giống như người ta đã thấy…”Câu nói của ông hàm chứa một câu chuyện ly kì. Tất nhiên lúc đó tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Sau đây là câu chuyện ông kể có liên quan đến giống “xích miêu” ấy mà mãi hàng chục năm sau, tôi mới có thể tạm hiểu và chép lại được:
Cách đây hơn hai nghìn năm, nước Tàu có Tần Doanh Chính vốn là một gã con hoang, nhờ tham vọng phú quý của người đời mà leo lên ngôi vua nước Tần. Nhân lúc thiện hạ đại loạn, Tần Vương Chính huy động binh mã dẹp tan sáu nước, thống nhất toàn cõi Trung Hoa rộng lớn, lập nên triều đại Tần. Ngay sau đó, Tần Vương Chính đặt ra phép gọi mình là Thuỷ Hoàng Đế, là “Nhất Thế”. Đời sau cứ theo số mà tính, là “Nhị Thế”; “Tam Thế”; cho đến “bách thiên”; “Vạn Thế”… truyền mãi không cùng. Với cái “phép” ấy, Tần Thuỷ Hoàng Đế trở thành kẻ mở đầu cho tham vọng vĩnh cửu, muôn năm của lũ vua chúa hậu sinh muốn đời đời, kiếp kiếp ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ. Tham vọng ấy truyền suốt mấy nghìn năm, cho đến tận bây giờ vẫn còn thấy hiện ra ở đâu đó dưới dạng này, dạng khác… Thế nhưng vị Hoàng Đế đó cũng chỉ lưu lại được mỗi cái “truyền thống” ấy cho những kẻ hậu thế tham tàn mà thôi. Còn khí số của nhà Tần thì không ngờ lại rất ngắn ngủi, chỉ qua nổi đời thứ hai (“Nhị Thế”) thì nhà Tần đã bị Hán Cao Tổ (Lưu Bang) cùng các anh hùng hào kiệt khắp thiên hạ nổi lên tiêu diệt. Việc đó vốn có nguồn cơn từ trước khi Tần Vương Chính thống nhất được thiên hạ. Không hiểu sao Sử Kí lại “lờ” đi không chép. Hoặc giả có chép, song đã bị ai đó xóa đi chăng? Chắc thời xưa cũng có những lý do “tế nhị”, chẳng khác nào sử của thời hiện đại ngày nay. Nguồn cơn ấy như sau:
Năm Giáp Dần (247 trước Công nguyên), Tần Doanh Chính lên ngôi vua nước Tần. Việc đầu tiên, Tần Vương tập hợp các nhà chiêm tinh, lịch pháp, các vị sử quan lại, ra lệnh tìm một con vật khác để thay thế cho con rồng (thìn) trong số 12 con giáp của hệ thống thiên can, địa chi đang lưu hành rộng rãi khắp thiên hạ. Vua phán:
“Các ngươi nếu là những kẻ đầu tiên chọn 12 giống vật ấy nạp vào 12 địa chi (tý, sửu, dần, mão…), thì ta thề sẽ lập tức chôn sống cho bằng hết. Những kẻ sĩ thời xưa phải chăng là những hạng đại nghịch vô đạo, chúng bày vẽ ra việc đó chẳng qua muốn làm loạn lòng tôn kính của thiên hạ đối với các bậc Đế Vương! Rồng chính là tượng trưng cho chân mạng của những Đế Vương như ta. Thiên hạ không ai được phép nhắc đến trừ ta ra. Cũng như ta là vĩ đại, thì từ nay không còn ai được coi là vĩ đại nữa. Huống chi trong số cái gọi là 12 “chi” chết tiệt ấy, con “rồng” linh thiêng còn bị đứng sau cả chuột bọ là cớ làm sao?”
Trong số các nhà chiêm tinh, lịch pháp, và các vị sử quan có một người liều mạng bước ra tâu:
“Muôn tâu! Can Chi vốn không phải hạng kẻ sĩ tầm thường có thể lập ra được. Đó là bậc Thánh nhân xưa căn cứ vào sự vận hành của Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao mà lập nên. Mười hai con giáp đó chẳng qua chỉ là “tượng”. Song bên trong mỗi “tượng” đó đều tồn tại những lý (tính) có quan hệ vô cùng huyền diệu. “Tượng” và “lý” của can chi chính là dấu vết của thời gian được “ghi chép” trong toàn bộ những diễn biến từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, từ những cái nhỏ nhất cho đến toàn bộ vũ trụ này. Từ khi Trời mở ở hội Tí, Đất mở ở hội Sửu, thì thời gian không còn có đầu, có cuối nữa. Vì thế không thể xem con vật nào là đứng đầu, con vật nào đứng sau được… Sự vận hành của các thiên thể từ thuở khai thiên lập địa đến nay đã hằn sâu trong cấu tạo, thấu đến từng hơi thở của vạn vật, kể cả trong tạng phủ, thậm chí trong cả linh hồn… của mỗi con người. Nay nếu ta thay đổi phép tắc, có khác nào phạm vào sự vận hành đó của Trời, Đất. E rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới khí số của cả thiên hạ nhà Tần sau này chưa biết chừng. Kẻ hạ thần xin liều mạng cúi mong Đại Vương anh minh xem xét lại.”
Người vừa tâu vốn là một nhà chiêm tinh nổi tiếng đời bấy giờ tên là Tào Thiên, hiệu là Xích Miêu cư sĩ. Sở dĩ có cái hiệu đó bởi họ Tào rất yêu quý một giống mèo có bộ lông đỏ như lửa mà ông cho là linh miêu. Đến nỗi đi đâu ông cũng mang theo một con xích miêu bỏ vào trong ống tay áo. Lúc ấy, Tần Vương Chính nghe họ Tào tâu thì đùng đùng nổi giận. Vua phẩy mạnh tay một cái rồi phán:
“Đó là luận điệu của lũ học trò bạch diện thư sinh mà ta muốn chôn sống cho bằng hết. Cứ cho rằng thời gian là không có đầu, không có cuối, thời gian chạy theo vòng tròn như ngươi nói, thì Rồng cũng không thể đứng lẫn lộn trong đám những con vật tầm thường, hèn hạ như chó, mèo, gà, lợn… ấy được. Cái thứ kiến thức nhảm nhí của bọn xưng là thánh nhân thời thượng cổ ấy, làm sao có thể ảnh hưởng tới khí số đế vương của ta nổi. Nhà ngươi nói như thế là có ý khinh ta không dám xoay chuyển cả trời đất, vũ trụ này hay sao?”
Nói xong, Tần Vương Chính quát tả hữu lập tức đem Tào Thiên ra chém. Khi các tả hữu vừa xông tới túm lấy hai vai Tào Thiên thì một con xích miêu từ trong ống tay áo của ông lao vọt ra. Trong nháy mắt, con mèo xẹt qua đám người đang đứng khúm núm như một đốm lửa đỏ rực. Ra tới cửa cung, nó chợt dừng lại, ngoái đầu chiếu thẳng ánh mắt xanh lè vào Tần Vương Chính, miệng “ngoao” một tiếng thảm thiết, đoạn phóng vút lên mái điện, biến mất dạng. Mọi người còn đang rợn người, run như cầy sấy trước cái lệnh chém vừa ban ra nên không mấy ai chú ý đến nó. Ngay cả Tần Vương Chính cũng chỉ hơi thoáng rùng mình một cái trước ánh mắt của con mèo. Ngài còn đang bận tâm việc khác. Tả hữu lôi Tào Thiên đi. Một lát sau, đao phủ bưng cái đầu ròng ròng máu tươi trình lên. Các nhà chiêm tinh, lịch pháp và sử quan chứng kiến cảnh ấy thì ai nấy mặt cắt không còn hột máu. Không kẻ nào còn dám trái mệnh nữa. Bèn bàn nhau lấy con rết thay vào. Từ đó, hệ thống địa chi lưu hành trong thiên hạ nhà Tần sau “Mão” (mèo) thì đến “Công” (rết) rồi đến “Tị” (rắn), “Ngọ” (ngựa), “Mùi” (dê)…
Xích Miêu cư sĩ Tào Thiên bị chém. Con cháu ông ta bèn trốn khỏi nước Tần, đem nhau về mai danh ẩn tích ở đất Ngụy, thành ra một chi họ Tào ở đấy. Truyền đến đời thứ mười (khoảng hơn ba trăm năm sau), một hôm bỗng mắc chứng tâm thần hoảng hốt, mắt lúc nào cũng trông thấy máu tươi chảy ròng ròng, tai suốt ngày nghe tiếng mèo kêu gào thảm thiết. Cầu cúng mãi không khỏi. Một đêm nằm mơ thấy một người chỉ có đến cổ, còn cái đầu nhễ nhại máu thì bê ở hai tay. Cái đầu ấy mở miệng bảo: “Phía đông có thằng bé đỏ như đồ đồng hun. Nuôi nó làm con nuôi thì sẽ hết bệnh”. Nói xong biến mất. Sáng hôm sau, họ Tào đem giấc mơ kể với một ông thầy. Ông thầy bảo: “Phía đông là cung “Mão”, tiếng mèo kêu có lẽ tới từ đó chăng?”. Họ Tào bèn sai người sang phía đông dò hỏi. Quả có một nhà họ Hạ Hầu có thằng con út lên ba tuổi, da đỏ như đồ đồng hun. Mấy năm trước, một người thiếp lên núi hái thuốc bỗng gặp một con mèo rất đẹp, lông đỏ rực như lửa. Tự dưng nảy ý định bắt nó về nuôi. Song đuổi theo vào đến hang núi thì không thấy đâu nữa, lại cảm giác trong bụng như có cái gì đang chuyển động. Trở về nhà từ đó có thai. Đúng chín tháng mười ngày sinh ra thằng bé. Hỏi đến ngày, giờ nó sinh ra thì đúng trùng với ngày, giờ họ Tào phát bệnh. Cho là chuyện lạ, họ Tào bèn khấn lễ xin thằng bé làm con nuôi. Họ Hạ Hầu vui vẻ ưng thuận. Họ Tào đem thằng bé về, từ đấy quả nhiên hết bệnh. Thằng bé được đổi sang họ Tào, đặt tên là Tung, yêu quí lạ thường. Tào Tung chính là bố đẻ ra Tào Tháo sau này.
Quay trở lại câu chuyện của nước Tần. Đầu năm sau, Ất Mão, mùa xuân, tháng giêng. Hôm đó, Tần Vương Chính thức suốt đêm để đọc sách, phê duyệt tấu, sớ… Sáng sớm hôm sau, Tần Vương cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu, nghĩ đến thiên hạ còn nằm trong tay những kẻ khác đến quá nửa thì nỗi hận bốc lên ngùn ngụt. Các bậc tiên vương nước Tần khi xưa đã diệt hẳn nhà Chu, thì đáng lẽ cả thiên hạ này phải về tay nước Tần mới phải. Ngôi Chí tôn! Đó là điều mà Tần Vương này phải đạt cho bằng được. Bèn truyền bãi cuộc triều kiến buổi sáng. Tần Vương Chính muốn tắm rửa thân thể cho thật sạch sẽ, thư thái trước khi cùng trăm quan bàn định mưu kế chinh phục chư hầu. Các viên quan nội hầu, thị vệ, cung nữ… rối rít chuẩn bị. Một viên thái giám cầm thẻ đi gặp quan bốc phệ để định giờ…
Đúng giờ công (rết), cuộc ngự sái bắt đầu. Tần Vương Chính ngâm mình trong một bồn tắm lớn hình tròn, đóng bằng gỗ. Bồn chứa đầy một thứ nước thơm ấm áp có rắc hoa, vẫn còn bốc lên những làn hơi nhè nhẹ. Xung quanh có tám cung nữ trần truồng, vú vê trắng nõn, thỗn thện chia đúng theo phương vị Bát quái hậu thiên đứng kì cọ, mơn trớn. Bất ngờ “Tõm!” một cái, một con mèo lông đỏ như máu từ trên trần nhà lao xuống trúng giữa bồn tắm, ngay trước mặt vua làm nước thơm văng tung toé. Các cung nữ hoảng hốt rú lên, cô nào cô nấy hai tay bưng chặt lấy khuôn mặt. Ngay cả Tần Vương Chính cũng giật nảy người rồi đờ ra, không biết phải xử trí thế nào. Chỉ thấy một đốm lửa đỏ rực cứ chao qua, chao lại làm Tần Vương hoa cả mắt. Con mèo đỏ lập tức bám lên cổ, lên vai ngài. Bốn chân nó vừa điên cuồng cào cấu, vừa gào lên những tiếng nghe rất man rợ (về sau quan ngự y đếm được tổng cộng 13 vết cào). Rồi nó leo lên đầu ngài, rún người lấy đà phóng vút ra ngoài, chạy biến khỏi điện, để lại trên sàn nhà một vệt nước tua tủa, cong vút hình con rết. Khi Tần Vương Chính và các cung nữ khoả thân hoàn hồn thì nước trong bồn đã đỏ ngầu máu của ngài.
Có tổng cộng ba mươi sáu người nằm trong danh sách bị chém sau sự kiện đó. Đầu tiên là hai viên tả, hữu thị vệ cai quản an ninh trong nội cung, cùng các thị vệ canh giữ ngoài cửa cung lúc đó. Tiếp theo là các viên quan ngự thuỷ (coi nước tắm cho vua); quan ngự hương (coi mùi thơm); quan trạch điệp (chọn cung nữ hầu tắm)... và cả tám cung nữ chứng kiến cái thời khắc kinh hoàng đó. Riêng quan bốc phệ tên Quách Giải lúc đó đã trở về phủ, cách chỗ vua tắm non nửa dặm tự dưng thấy rùng mình một cái. Giở tay bấm độn, Quách tiên sinh biết mình sắp có họa lớn, bèn lẻn ra tàu ngựa, chọn một con khoẻ nhất đóng yên cương vào rồi leo lên, mở cửa sau tế ngựa chạy một mạch ra khỏi cổng thành. Một lúc sau, quả nhiên thị vệ trong cung kéo đến vây chặt phủ Quách. Quan bốc phệ bị khép tội đại nghịch, cố tình bấm sai giờ tắm cho Tần Vương.
Tần Vương Chính bị cái sự kiện ấy nó ám ảnh. Nhớ đến ánh mắt xanh lè của con xích miêu vào đúng cái ngày chém Tào Thiên năm trước. Tần Vương cho rằng hai sự kiện đó có liên quan đến nhau. Bèn ra lệnh huỷ diệt toàn bộ giống mèo lông đỏ trong toàn cõi nước Tần. Thế là một chiến dịch đại qui mô nhằm tiệt chủng giống động vật đáng thương đó được phát động. Khắp nơi người ta lùng bắt, chặt đầu những con xích miêu để nộp cho quan sở tại dâng về triều đình lấy thưởng. Kẻ nào cố tình nuôi giấu giống mèo ấy thì bị chém cả nhà. Thực ra ngay từ những thời trước đó, xích miêu vốn đã là một giống mèo rất quý hiếm. Chỉ những nhà quý tộc hoặc có duyên lắm mới nuôi được mà thôi. Người ta nuôi nó không chỉ để làm cảnh, mà còn coi việc xuất hiện của nó như một điềm đại cát trong nhà. Nay bỗng dưng đạt cát biến, thành ra đại họa. Lệnh ban đến một vùng thuộc phía đông nam nước Tần. Ở đó có nhà họ Trần, vốn dòng danh gia vọng tộc, đã ngoài năm mươi tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Họ Trần cho rằng tại kiếp trước mình ăn ở có điều gì phạm vào đạo lý nên bị trời giáng tội chăng? Bèn dốc chí làm việc thiện, thường viết hộ đơn kêu oan cho dân chúng quanh vùng. Không ngờ việc đó làm cho quan huyện sở tại lấy làm khó chịu, từ đó nảy sinh hiềm khích. Quan huyện vẫn muốn trừ đi mà chưa có dịp. Một hôm, có gã nông dân ở thôn tây trước đã từng nhờ vả họ Trần mang đến biếu ông một cái tráp sơn son rất đẹp, nói là bên trong có bài thuốc gia truyền, có thể giúp sinh quý tử, xin đến cuối giờ mão hôm sau hãy mở ra thì sẽ linh nghiệm. Họ Trần không nghi ngờ gì, nhận lấy cái tráp rồi để cẩn thận trên án thư. Đêm hôm ấy chong đèn đọc sách, quá nửa đêm, bỗng thấy cái tráp đặt trước mặt chợt loé lên một thứ ánh sáng xanh lè, vụt một cái rồi biến mất. Ngay lập tức, trong lòng họ Trần bỗng cảm thấy xuân tình rạo rực, không thể dừng được, bèn gấp sách, đứng dậy đi vội vào buồng một người thiếp yêu…
Sáng sớm hôm sau, chưa kịp dậy, họ Trần bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng huyên náo. Thì ra quan huyện đem lính đến vây chặt nhà ông, nói là có xích miêu nuôi giấu ở trong nhà. Họ Trần chưa kịp thanh minh thì quan huyện đã xông tới chỉ vào cái tráp đặt ngay giữa án thư, truyền mở ra. Bên trong quả có một con xích miêu mềm nhũn đang nằm thoi thóp, mình nó vẫn còn nóng, song xem ra chỉ còn là cái xác không hồn. Ngay tức khắc, họ Trần hiểu ra tất cả. Cái mưu kế hèn hạ và hiểm độc ấy xưa nay dân gian vẫn gọi là “gắp lửa bỏ tay người”. Ông đưa mắt tìm trong đám người kéo đến xem có gã nông dân phản trắc ngày hôm qua không, song gã đã ẵm món tiền thưởng của quan huyện rồi, đâu dám thò mặt tới. Quan huyện đắc chí sai lính áp giải cả nhà họ Trần cùng tang vật về huyện đường xét xử. Bấy giờ trong đám quân lính có một người lính lệ cũng từng chịu ơn họ Trần. Biết ân nhân của mình khó lòng thoát khỏi bị chém đầu. Trên đường đi, anh ta bèn tìm cách đến gần, ghé tai họ Trần hỏi xem có cần anh ta giúp gì không. Họ Trần ngẫm nghĩ nếu trời thương mà đêm qua, người thiếp yêu có cơ khai hoa nở nhụy, thì may ra ông vẫn có người nối dõi. Bèn nhờ anh ta hãy tìm cách cứu lấy người thiếp. Nếu quả được như vậy thì ông dẫu chết cũng không ân hận.
Người thiếp của họ Trần được cứu thoát, tức khắc cải trang ra khỏi cửa Hàm Cốc, rồi thẳng đường trốn sang đất Dương Thành (thuộc nước Sở). Quả đúng ý nguyện của họ Trần, lần ấy người thiếp có thai, chín tháng mười ngày sau sinh một đứa bé trai, đặt tên là Thắng, sau lớn lên lấy tên chữ là Thiệp. Trần Thiệp nhà nghèo chẳng được học hành gì, thường phải đi cày thuê, song lại có chí lớn. Về sau, Trần Thiệp chính là người đầu tiên khởi xướng anh hùng khắp thiên hạ đứng lên diệt nhà Tần. Chuyện ấy đợi đến năm thứ nhất đời Tần Nhị Thế (209 trước Công nguyên) thì xảy ra.
Cái lệnh tiêu diệt xích miêu còn theo chân những đoàn quân chinh phạt của Tần Vương Chính đi khắp thiên hạ. Những đội binh hùng tướng mạnh ấy, ngoài việc phải tiêu diệt các chư hầu, thì một nhiệm vụ cũng không kém quan trọng là lùng bắt và chặt đầu những con xích miêu cùng những người chủ của chúng. Năm ấy, tướng Tần là Lý Tín vâng mệnh chỉ huy 20 vạn quân cùng phó tướng Mông Vũ đi bình định nước Sở. Hạng Yên là đại tướng Sở được cử đem quân chống giữ. Thanh thế quân Tần mạnh lắm. Hạng Yên bèn mời một vị trí sĩ nước Sở là Sở Nam Công tới hỏi kế. Sở Nam Công bảo: “Người nước Tần có tiếng là tham lam. Tôi nghe nói vua Tần treo giải một cái đầu xích miêu bằng ba mươi đầu giặc. Nay hãy vét toàn bộ giống xích miêu trong nước, đem thả vào giữa quân Tần. Nhân lúc chúng mải tranh nhau tung quân ra mà đánh, chắc sẽ chiếm được tiên cơ.” Hạng Yên nghe lời huy động cả nước Sở được vài trăm con xích miêu. Đợi đúng lúc hai bên đối trận, Hạng Yên bèn lệnh cho quân sĩ tung lũ xích miêu ra. Hơn ba trăm con xích miêu như những đốm lửa đỏ rực lao vào giữa trận địa quân Tần. Quân Tần trông thấy xích miêu, quả nhiên tranh nhau đuổi bắt, hàng ngũ rối loạn. Hạng Yên thừa thế tung quân đánh vào. Quân Tần thua to, bị quân Sở đuổi giết ba ngày ba đêm liền, hai mươi vạn quân chết mất quá nửa. Lý Tín đành phải rút quân về nước chịu tội. Hạng Yên sai người đến tạ ơn Sở Nam Công. Điều quái lạ là Sở Nam Công không lấy thế làm vui mừng, trái lại còn thở dài bảo: “Lần này tuy phá được quân Tần, song lần sau Tần lại cử tướng khác tới thì không lừa được nữa đâu. Cái kế xích miêu ấy chẳng qua chỉ có tác dụng tạo thêm một mầm họa cho Tần sau này mà thôi.” Sứ giả về thuật lại cho Hạng Yên nghe. Hạng Yên nghĩ mãi vẫn không hiểu Sở Nam Công nói thế là có ý ra sao. Bèn cứ ra lệnh thu nhặt những con xích miêu còn sống sót đem về nuôi ở đất Hạng (quê Hạng Yên).
Bấy giờ ở đất Hạng, con trai Hạng Yên tên là Hạng Lương mới lên chín tuổi. Chú bé Hạng Lương trông thấy giống xích miêu thì thích lắm, đi đâu cũng ôm theo một con. Một hôm sang ăn giỗ ở nhà người anh họ tên là Hạng Túc, tiểu công tử nhà họ Hạng vẫn ôm theo một con xích miêu như thế. Chẳng hiểu mải chơi thế nào mà đến khi tan đám giỗ, bỗng không thấy con xích miêu đâu nữa. Tiểu công tử Hạng Lương gào khóc bắt đền ầm ĩ. Mọi người đổ xô đi tìm khắp các xó xỉnh, trong nhà, ngoài vườn… song tuyệt nhiên không biết nó trốn ở đâu. Đêm hôm đó, bà vợ cả của Hạng Túc đang một mình thiu thiu ngủ, bỗng nghe có tiếng động rồi cảm thấy có một vệt đỏ như lửa lao vút vào trong màn. Bà vợ sợ quá kêu ầm lên. Hạng Túc ở ngoài thấy vậy đẩy cửa bước vào thì lại không thấy gì nữa. Cho là vợ mình ngủ mê, Hạng Túc nhìn đến người vợ thấy đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch nửa kín nửa hở thì bỗng động lòng, bèn ôm lấy vợ cùng ngủ…
Nguyên người vợ Hạng Túc trước đó đã sinh mấy người con gái mà chưa có trưởng nam. Sau đêm ấy bỗng có thai rồi đẻ được đứa con trai. Hạng Túc mừng lắm, đặt tên đứa con trai ấy là Tịch, ngụ ý rằng nó ra đời nhờ vào một cái đêm có điềm lạ. Hạng Tịch lớn lên, có sức khoẻ, võ nghệ và ý chí trùm đời. Chính là bậc anh hùng cái thế Hạng Võ, lúc đắc chí lên ngôi xưng là Tây Sở Bá Vương, một trong những nhân vật có vai trò quyết định đến sự diệt vong của triều đại Tần sau này.
Tần Vương Chính cho rằng giống xích miêu ấy thuộc về “hoả”, Chính tự cho mình là “thuỷ”, cái lẽ tương sinh, tương khắc là chuyện không thể tránh khỏi, thậm chí điều đó có liên quan trực tiếp đến ngôi Chí tôn của Chính. Song muốn “khắc” được “hoả” thì việc quan trọng là phải không để cho nó “vượng”. “Hoả” mà “vượng”, thì thậm chí nó “khắc” ngược lại “thủy”. Đó là mối lo lớn nhất của Tần Vương Chính. Thế là lệnh huỷ diệt giống xích miêu từ triều đình vua Tần ban ra càng lúc càng gắt. Có điều Tần Vương không bao giờ ngờ nổi, rằng cái lệnh đó truyền đi đến đâu, thì anh hùng lại sinh ra đến đấy. Mà toàn những anh hùng sau này sẽ làm mất chính nhà Tần. Nước Sở ngoài Trần Thiệp, Hạng Tịch như vừa kể ở trên, còn sinh ra những Hàn Tín, Quý Bố, Loan Bố… Nước Ngụy (Đại Lương) nghiêng ngả trong những cuộc chinh phạt của tướng Tần là Mông Ngao, lại sinh ra những Trương Nhĩ, Trần Dư… Rồi thì những bậc hào kiệt khác như Anh Bố, Bành Việt… hết người nọ, đến người kia được sinh ra trong cùng một khoảng thời gian, hầu như đều có liên quan đến cái lệnh huỷ diệt giống xích miêu ấy của vua Tần. Câu chuyện của ông Mục Công còn kể ra nhiều lắm, không tào nào nhớ nổi. Song, sẽ là cực kì thiếu sót nếu không chép ra đây chuyện về vị quan bốc phệ có tên là Quách Giải kia.
Quách tiên sinh chạy một mạch ra khỏi thành Hàm Dương, suốt ngày ngồi trên lưng ngựa, không dám dừng lại. Ông biết ngay sau lưng ông, lệnh tróc nã của vua Tần sẽ lập tức ban ra khắp cõi. Ông không hiểu mình có sơ xuất gì trong việc chọn giờ ngự sái (tắm rửa) cho vua Tần. Khi viên thái giám mang thẻ đến thúc ông cho giờ, ông gieo được quẻ “độn” (Thiên Sơn độn) trong đó quẻ thể (ứng vào vua Tần) là “càn” thuộc “kim”; quẻ dụng (ứng vào việc tắm của vua) là “cấn” thuộc “thổ”. “Thổ” sinh “kim” thì là cát (tốt lành) mới phải. Tại sao lại xảy ra cái điềm hung như thế. Có một điều Quách tiên sinh không tính đến, cũng bởi do “thìn” đã bị chính vua Tần loại ra khỏi hệ can chi từ trước đó. Giờ ông chọn lại đúng giờ “thìn”, trong khi mạng của vua Tần thuộc “thuỷ”. Mà “thuỷ” thì vượng ở “tí”, chứ không vượng ở “thìn”. “Thìn” chính là “mộ” (chỗ kết thúc) của “thuỷ”. Thế là vua Tần vô hình chung đã tự chuẩn bị sẵn cái điềm gở ấy cho mình từ việc sửa đổi một trong số 12 “địa chi” ngày trước.
Giải thích việc này hơi có phần rắc rối. Song đã chép ra thì cũng xin cố chép thêm được chừng nào hay chừng đó. Các nhà bốc Dịch đời sau còn phân tích kĩ hơn về quẻ bói có một không hai ấy của Quách tiên sinh. Rằng lúc đó, họ Quách có biết đâu rằng trước khi viên thái giám cầm thẻ đi lấy quẻ, thì Tần Vương Chính đang nghĩ đến việc chinh phạt thiên hạ. Chứ đâu chỉ đơn giản là cái việc tắm rửa. Vì vậy Quách tiên sinh chỉ chú ý đến quẻ “chủ” là “Thiên Sơn độn”, mà không xét kĩ đến quẻ “biến” là “Thiên Hoả đồng nhân”. Ngay cả trong “hào từ” (lời đoán sẵn của hào “động” của quẻ “chủ” - là hào “sơ lục”), rõ ràng có chữ “trốn”, chữ “nguy!”. Vậy mà không hiểu trời xui đất khiến thế nào, cũng bị Quách tiên sinh bỏ qua. Cái điềm xích miêu xảy ra đúng vào thời khắc đó là sự báo hiệu cho trạng thái “biến” của quẻ. Các anh hùng, hào kiệt gần như đồng thời xuất hiện về sau chính là đã ứng vào quẻ “biến” (“đồng nhân” = cùng người) ấy. Vả lại, lúc đó đang là mùa xuân, thì quẻ “thể” ứng với vua Tần dẫu có thuộc “kim”, và vua Tần dẫu có mạng “thuỷ” đi nữa, thì mùa xuân chính là mùa mà sách đã dạy: “kim tù, thuỷ hưu”. Vậy thì còn nói vào đâu được nữa? Tóm lại, quẻ bói của Quách tiên sinh đối với vua Tần lúc đó chính là tiên “cát” (trước gặp được tốt lành), hậu “hung” (sau gặp phải hiểm họa). Tất cả những việc xảy ra về sau, kể từ khi Tần Vương Chính đánh đâu được đấy, đắc thắng cả sáu nước rồi lên ngôi Hoàng Đế, cho đến khi nhà Tần mất đã diễn ra theo đúng quẻ bói ấy, không sai lệch mảy may.
Quách tiên sinh ngày chọn đường vắng mà đi, đêm tìm miếu hoang để ngủ, không dám công nhiên chường mặt ra những nơi chợ búa hoặc phố xá đông người. Những nơi đó đều có dán sẵn cáo thị cùng với truyền thần của ông. Thỉnh thoảng ông vẫn phải cải trang, che mặt để tới những chỗ có hàng quán kiếm thức ăn và nghe ngóng tin tức. Vua Tần treo thưởng đầu ông tới cả nghìn lạng vàng, phong tước vạn hộ… Các quan thú, quan quận, phủ… ngày đêm sai lính ra sức truy tìm tung tích của ông cùng với việc lùng giết giống xích miêu. Cả nước Tần như một nồi cháo sôi sùng sục được quấy đảo liên hồi. Ông giận mình không thể biến thành thú hoang để có thể lẩn trốn mãi ở những nơi rừng sâu núi thẳm được. Thân phận một kẻ sĩ được học hành tử tế như ông đâu có ngờ lại mong manh đến thế…
Hôm ấy vừa đi qua một khu rừng nhỏ, người ngựa đã mệt lả. Quách tiên sinh bổng nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ dựng bên kia con suối. Xung quanh nhà là một hàng dậu bằng trúc có dây leo quấn quýt, trên đó mọc những bông hoa đỏ rất đẹp. Xung quanh nhà rộn tiếng vượn kêu, chim hót. Nghĩ nơi đây vắng vẻ, cách xa những phủ quận, người ở đây chưa chắc đã biết đến những cáo thị ấy. Bèn nảy ý định ghé vào xin chút cơm ăn. Khi con ngựa vừa đưa Quách tiên sinh tới cổng ngôi nhà thì bỗng cánh cổng bằng trúc cũng từ từ mở ra. Một chú tiểu đồng đứng bên trong kính cẩn cúi chào và mời ông vào bên trong. Quách tiên sinh chưa kịp kinh ngạc thì con ngựa đã đưa ông vào tới giữa sân. Ngay lập tức, Quách tiên sinh phát hiện một lão ông râu tóc trắng như cước đang từ trên bậc thềm tươi cười bước xuống đón. Quách tiên sinh vội vàng xuống ngựa lập cập thi lễ. Ông cụ già gật gật đầu rồi hỏi ngay:
“Xin hỏi, có phải ngài là tiên sinh họ Quách đấy không?”
Quách tiên sinh giật nảy mình, bủn rủn chân tay. Vội vàng quỳ sụp xuống, vừa lạy cụ già, vừa trả lời:
“Thì ra cụ đã biết đến cáo thị. Thực không dám giấu, kẻ tội đồ này đúng là Quách mỗ. Nay chạy đến đây cũng là lúc sức cùng lực kiệt. Chỉ xin cụ chút cơm ăn cho đỡ đói rồi cụ có giải đi trình quan cũng không dám ân hận điều gì.”
Cụ già nghe nói thế thì cười khà khà, ung dung bước tới đỡ Quách dậy rồi bảo:
“Lão biết hôm nay thế nào tệ xá cũng có duyên được tiên sinh quang lâm tới. Tiên sinh nghĩ oan cho lão rồi. Lão phu nào có quan tâm đến cáo thị cáo thiếc gì đâu. Chẳng là ngày xưa lão phu cũng có hân hạnh được biết đến tiên phụ…”
Quách tiên sinh vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Không ngờ cụ già lại biết trước thế nào hôm nay ông cũng tới đây, lại còn nói biết cả thân phụ của ông nữa. Vậy đây có lẽ là một bậc kì nhân ẩn dật chưa biết chừng. Nguyên thân phụ Quách tiên sinh tên Quách Phủ, hiệu là Thiên Lang Quân, đời trước từng được tôn là một bậc đại sư về bốc Dịch, dòng dõi quan thái bốc Quách Yển của nước Tấn khi xưa. Nghĩ đến đây, Quách tiên sinh bỗng cảm thấy xấu hổ. Mang danh một chức quan của triều đình, chuyên về bốc phệ, lại là dòng dõi của những bậc danh sư như thế, mà nay bói phải một quẻ sai lầm không thể tha thứ được, phải trốn chui trốn lủi, tấm thân trượng phu không bằng một con mèo hoang. Giờ đứng trước mặt vị lão tiền bối này, ông những muốn chui ngay xuống đất cho khỏi hổ thẹn, nhục nhã đến cả tổ tiên. Càng nghĩ, Quách tiên sinh càng cảm thấy đau đớn, bất giác hai hàng nước mắt trào ra. Cụ già dường như đã thấu hiểu hết nỗi lòng của Quách. Cụ già nói:
“Đó là việc của trời đất xui khiến nên như thế. Con người ta dẫu không muốn sai lầm cũng không thể được. Tiên sinh không phải bận lòng gì cho lắm. Nơi này cách xa phủ huyện, dân chúng quanh vùng hiền lành, không thích gây họa cho ai. Tiên sinh có thể yên tâm lánh tạm, đợi sau này hẵng hay…”
Quách tiên sinh nghe cụ già nói thì vô cùng cảm động. Bỗng nhiên trong lòng có cảm giác ấm áp như vừa may mắn gặp lại bậc phụ huynh của mình. Bèn lau nước mắt rồi quỳ sụp xuống, lạy cụ già hai lạy lần nữa, đoạn cùng cụ bước vào trong nhà. Từ đó Quách tiên sinh sống trong ngôi nhà trúc với cụ già và chú tiểu đồng. Cùng với cụ đàm đạo về đạo Dịch suốt ngay không biết chán. Quách tiên sinh nhờ đó được sáng thêm ra nhiều điều. Đặc biệt, cách vài hôm lại thấy có mấy cụ già từ trên núi xuống. Một điều lạ là chẳng ai mảy may quan tâm đến thân phận cũng như sự xuất hiện của Quách trong ngôi nhà này, cứ thản nhiên chỉ trời vạch đất, bàn đến những đạo lý cao xa mà một kẻ học thức như Quách cũng không tài nào hiểu nổi. Có lúc Quách tiên sinh nghĩ hay là mình đã lạc vào một nơi chốn thần tiên…
Thấm thoắt trời đã sang chuyển sang hạ. Quách tiên sinh đã ở ngôi nhà nhỏ đó được hơn một tháng. Quách bắt đầu cảm thấy áy náy, sợ náu mãi ở đây có thể sẽ liên lụy đến cụ già. Hơn ai hết, Quách biết rõ pháp luật của Tần Vương Chính rất nghiêm. Kẻ chứa chấp tội nhân cũng bị chém cả ba họ. Nấn ná mãi, rồi cũng đến lúc Quách quyết định phải dứt áo ra đi, dù ông chưa biết mình sẽ đi đâu. Một lần nữa, cụ già dường như lại thấu hiểu tâm sự của ông. Cụ lấy ra hai tấm thẻ tre cột úp chặt vào nhau bằng dây rừng đưa cho ông rồi bảo:
“Tiên sinh đã muốn đi thì lão phu cũng không dám giữ. Từ đây theo hướng đông bắc, đến quận Bái cũng không xa lắm. Tiên sinh đi theo phương đó sẽ gặp cát tường. Lão có một học trò cũ ở đấy, họ Lưu, thường xưng là Thái công. Ông ta là một bậc trưởng giả trong thiên hạ. Lão đã viết sẵn cho y mấy chữ trong hai tấm thẻ này. Cứ như quẻ bói của lão phu, thì tiên sinh chính là người mà thiên cơ đã chọn. Trước sau tiên sinh cũng sẽ thoát khỏi kiếp nạn. Có điều không thể nói trước được mà thôi…”
Quách tiên sinh tuy chưa hiểu hết những ẩn ý trong câu nói của cụ già, song vẫn vô cùng mừng rỡ. Bèn tạ ơn cụ già, đưa hai tay đỡ lấy bó thẻ rồi bịn rịn làm lễ chia tay. Một người một ngựa lại tiếp tục ra đi, nhằm hướng tây bắc thẳng tiến. Quá trưa hôm sau thì thấy xa xa phía trước có một châu quận. Đó chính là phủ lị quận Bái. Gần tới nơi, bỗng con ngựa khuỵu hai chân trước xuống không chịu đi nữa. Quách tiên sinh làm mọi cách nó vẫn không đứng lên. Đành phải kiếm một gốc cây ven đường, buộc nó vào rồi che mặt đi vào quận dò hỏi nhà Lưu Thái công. Đó là một phủ lị nhỏ, nhà cửa tồi tàn ở cách rất xa kinh đô. Cáo thị truy nã Quách vẫn dán la liệt trên các bức tường song vì Quách đã che mặt nên người qua kẻ lại cũng không ai chú ý. Đang thơ thẩn trước một ngôi quán nhỏ, Quách tiên sinh bỗng giật mình nghe có tiếng huyên náo, đuổi bắt ầm ĩ phía một con phố bên kia dãy nhà. Chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì một con mèo đỏ như lửa ở đâu lao vọt tới, quấn lấy chân Quách. Quách tiên sinh hiểu ngay ra sự việc. Bọn lính kia chắc là đang đuổi bắt con xích miêu này. Sợ chúng đuổi đến đây thì chính mình cũng bại lộ chân tướng. Quách tiên sinh vội vàng rảo bước, cố ý tránh cho xa khỏi con xích miêu. Điều kì lạ là Quách càng đi nhanh, thì con xích miêu càng quẩn theo chân, cố ý không rời. Quách hoảng sợ không biết làm thế nào, chỉ còn cách hướng ra phía ngoài thành, đi nhanh như chạy. Bọn lính quả nhiên đã phát hiện ra con xích miêu. Chúng chỉ trỏ về phía Quách, hò hét nhau đuổi gấp. Giờ thì Quách tiên sinh cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Điều kì lạ là con xích miêu quái quỉ ấy cũng co cẳng phóng theo. Quách thử ngoặt sang hướng khác để mong tách ra khỏi nó, thì nó cũng ngay lập tức ngoặt theo như hình với bóng. Thật đúng là tai vạ. Quách tiên sinh vừa chạy vừa âm thầm kêu khổ…
Cuộc đuổi bắt đã bỏ xa phủ lị lúc nào không biết. Quách tiên sinh và con vật chạy cuống cuồng giữa một cánh đồng rộng mênh mông. Phía sau vẫn là những tiếng hò hét của lũ quan binh. “Vận ta đã đến lúc cùng chăng?” Quách tiên sinh tuyệt vọng nghĩ. Ngay lúc đó, bỗng có một cơn lốc ào ào cuộn lên phía sau lưng. Quách tiên sinh ngoái đầu nhìn lại. Cơn lốc cuốn tung bụi mù mịt, che lấp hẳn Quách với lũ quan binh kia. Quách mừng rỡ thấy có cơ hội trốn thoát, bèn lấy lại tinh thần, đưa mắt nhìn xung quanh để tìm một bụi rậm hay một ruộng nước nào đó để ẩn mình. Cơn lốc qua đi, Quách tiên sinh kinh ngạc nhìn về phía phủ lị. Tuyệt không thấy một mống quan binh nào nữa. Cứ như thể chuyện vừa xảy ra chỉ là cơn ác mộng. Chẳng lẽ thần nhân vì muốn cứu Quách và con xích miêu, đã làm ra cơn lốc ấy để cuốn lũ quan binh vào thành? Chợt Quách phát hiện trong lúc chạy đã đánh rơi mất bó thẻ tre của cụ già lúc nào không biết. Quách sững sờ cả người, trong lòng vừa ân hận vừa tuyệt vọng. Thế là không hy vọng tìm gặp vị trưởng giả Lưu Thái công ấy nữa rồi.
Quách tiên sinh mệt mỏi và chán nản lê bước đến bên bờ đầm ngồi nghỉ một lát cho hoàn hồn. Con xích miêu vẫn luẩn quẩn bên chân. Trong lòng Quách bỗng cảm thấy giữa mình và con vật đỏ như lửa này hình như có một mối duyên nợ. Quách không nỡ đuổi nó đi nữa. Con vật đưa cặp mắt xanh lè, long lanh nhìn thẳng vào mắt ông. Bỗng Quách tiên sinh cảm thấy có tiếng người thở nhẹ ngay bên cạnh. Quách giật bắn người vội quay đầu nhìn sang. Ngay gần mé tay trái, lẫn trong đám cỏ lúp xúp, có một người đàn bà nằm ngửa, đang say sưa giấc nồng. Một làn gió thổi nhẹ làm lật vạt áo lên, lộ ra mảng bụng trắng nõn. Quách tiên sinh vội vàng nhắm mắt lại không dám nhìn nữa. Vừa lúc đó, con xích miêu bỗng “ngoao” lên một tiếng rồi nhảy vào lòng ông. Ngay lập tức, Quách tiên sinh bỗng cảm thấy có một luồng điện chạy giần giật khắp cơ thể khiến ông mờ mịt hết đầu óc. Trước mặt ông, trời đất dường như đang đảo lộn, quay cuồng, toàn thân ông bừng bừng như có một ngọn lửa đang thiêu đốt từ bên trong. Vừa há miệng thở gấp gáp, Quách tiên sinh vừa cảm thấy đầu óc mình cứ mụ dần, mụ dần rồi không nhận ra nổi những gì xảy đến tiếp theo nữa…
Quách tiên sinh tỉnh dậy. Ông hết sức kinh hoảng khi thấy mình đang nằm úp trên bụng người đàn bà, thân thể của cả hai không một mảnh quần áo. Con xích miêu thì đã biến mất tăm tích. Cảm giác về một cuộc hoan lạc vẫn còn vương vất nơi hạ bộ. Quách vội vàng lăn người xuống, vớ lấy trang phục vứt lăn lóc bên cạnh mặc vào. Ông ngoảnh nhìn lại người đàn bà. Hình như nàng vẫn chưa ra khỏi giấc nồng, trên nét mặt đầy đặn vẫn còn đọng lại một vẻ mãn nguyện như vừa trải qua một cơn khoái cảm cực độ. Quách tiên sinh cảm thấy tấm thân mình thật ô uế. Ông đã không tìm được người mà cụ già gửi gắm, lại còn gây ra cái việc bất chính này. Bất giác, ông nảy ra ý định nhảy phắt xuống đầm, chết quách đi cho rồi. Song vừa xuất hiện ý nghĩ đó, thì toàn bộ y phục của ông bỗng đổi sang một màu trắng toát, đồng thời, ông cảm thấy người mình nhẹ tâng, đến nỗi có thể nương theo làn gió đang thổi tới mà bay đi được… Và ông đã phơi phới ra đi, chỉ thấy tà áo trắng phất phơ xa dần, xa dần rồi chìm hẳn vào bóng chiều đang từ từ buông xuống…
Quách tiên sinh đã đi đâu? Câu chuyện về ông đến đây xin chấm dứt. Chỉ biết rằng ông không cần phải đi tìm Lưu Thái công nữa. Bởi vì chỉ sau đó chưa đầy một canh giờ, Lưu Thái công đã tới đúng cái chỗ mà ông vừa đi khỏi. Bên bờ đầm, người đàn bà vẫn còn say sưa trong giấc mộng. Người đó chính là vợ của Thái công. Bên cạnh có bó thẻ tre, chính là bó thẻ mà Quách tiên sinh đã đánh rơi khi nãy. Không hiểu sao giờ lại xuất hiện ở đây. Lưu Thái công cúi xuống, nhặt lấy bó thẻ và mở ra. Đọc xong những chữ ghi trên tấm thẻ, Lưu Thái công mừng rỡ giắt mấy tấm thẻ ấy vào trong người. Đoạn Thái công quỳ xuống, nhẹ nhàng đánh thức người vợ dậy…
Đúng chín tháng mười ngày sau, bà Lưu lâm bồn. Đêm ấy, trong nhà Thái công bỗng hồng lên một thứ ánh sáng đỏ rực. Một đại quý nhân ra đời. Quý nhân ấy được đặt tên là Lưu Bang (tất nhiên phải lấy họ Lưu mà không thể lấy họ Quách, cũng như Tần Vương Chính phải lấy họ Doanh, không thể lấy họ Lã. Lịch sử cứ hay thích chơi trò lặp lại như vậy). Lưu Bang chính là Hán Cao Tổ, người sau này sẽ xoá sổ nhà Tần cường bạo của Thuỷ Hoàng Đế, lập nên triều đại Hán để thay thế. Việc này thì ai nấy đều đã biết. Nhà Hán của Hán Cao Tổ lại đưa con rồng (thìn) trở lại vào hệ thống 12 địa chi như cũ, đồng thời lấy màu đỏ của lửa (hoả) thay cho màu đen (thuỷ) của Thuỷ Hoàng. Tuy nhiên, câu chuyện về giống xích miêu dường như chưa chịu kết thúc ở đó. Bởi vì như đã chép ở phần đầu câu chuyện, hơn ba trăm năm sau, tính từ vị Xích Miêu cư sĩ Tào Thiên trở đi đúng 12 đời, đất Ngụy lại sinh ra Tào Tháo, người sẽ tạo tiền đề cho việc chấm dứt triều đại nhà Hán của Hán Cao Tổ sau 400 năm tồn tại. Nhà Ngụy (Tào) thay thế nhà Hán, bấy giờ mèo mới trở thành một con vật thiêng. Tuy nhiên, Tào Phi sau đó lại một lần nữa dẫm vào vết của Thuỷ Hoàng khi lại ra lệnh đưa con mèo (Mão) ra khỏi 12 con vật của hệ thống địa chi, thay vào đó là con thỏ (song vẫn đọc là “Mão”). Hình như điều đó cũng không có gì nghiêm trọng lắm thì phải. Bởi vì con thỏ trong số 12 con giáp ấy ở Trung Quốc vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Mùa Đông, tháng 10 năm Bính Tuất (2006)