Mười bảy tuổi tôi yêu. Hai mốt tuổi thì mất. Từ bấy đến nay đã sáu năm mà chưa có người con gái nào làm tôi rung động. Mới hay tình đầu (!). Nó hằn sâu vào trong người ta như một cái dấu nung đỏ. Nhức nhối mãi. Cả khi đáng lẽ phải quên đi để xây dựng một hạnh phúc mới.
Tôi chưa bao giờ nhỏ nước mắt vì nó. Nhưng thà cứ khóc đi còn hơn. Đằng này những giọt nước cứ vón lại, bóp nghẹt tôi. Nhiều lúc cô đơn tưởng nhớ lại, tôi nghĩ mình sắp chết. Rồi vật vã mê sảng suốt đêm nọ sang đêm kia. Ước gì em hãy bất hạnh để tôi có cơ hội đỡ đần và chia sẻ... Ước gì được siết chặt em, trộn lẫn rồi tan tinh...
Nhà tôi độc đinh. Các chị gái đều lấy chồng xa. Cha mẹ thì già yếu. Tôi cứ khất lần khất lượt mãi chuyện lấy vợ khiến cha mẹ không sao vui lên được. Họ không chửi, không mắng, nhưng những tiếng thở dài của họ cứ làm tôi rối ruột. Thế rồi cha tôi ra đi ở cái tuổi sáu hai, trong lòng vẫn canh cánh một nỗi buồn chưa được nhìn thấy mặt cháu đích tôn. Tôi lạy cha và tự nhận tội nhưng đã muộn, vĩnh viễn mang theo niềm ân hận không tròn hiếu nghĩa. Mẹ không nỡ trách tôi, chỉ lặng lẽ khóc và cố gắng để không ốm. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bà đã chính thức trở thành một tàu lá vàng.
Các chị xúm lại bắt tôi phải lấy vợ. Tôi đáp thế còn tang cha? Các chị bảo bây giờ không ai còn câu nệ nữa rồi, cậu lấy một cô nào đó giúp cậu chăm sóc mẹ chẳng phải là có hiếu ư? Đang lúc bí thì mẹ can thiệp nói các chị không được ép tôi, để khi nào một người con gái mới đủ khả năng thay thế cô gái cũ thì đứa cháu đích tôn sẽ có nhiều hạnh phúc. Tôi đã ngấn nước mắt vì tấm lòng của mẹ. Nhưng bỗng nhiên lại lo sợ tự đặt câu hỏi: "Thế nhỡ không bao giờ tìm được người con gái thứ hai ấy thì sao?" Và cứ thế nỗi buồn đè nặng trái tim. Ngày cứ thế trôi đi. Niềm đơn chiếc như tơ để gió thổi lên cao mãi chả biết đậu vào đâu.
Từ ngày cha mất tôi có thói quen hay đạp xe đi dạo vào buổi chiều cuối tuần. Mẹ ủng hộ, bảo, như thế sẽ thông thoáng đầu óc, sang tuần mới giảng dạy tốt hơn. Không ngờ cái tàu lá vàng lại còn đủ sức cho tàu lá xanh nương tựa. Nghĩ đến lúc lá vàng rụng xuống cho lá xanh tồn tại mà rùng mình. "Sự sống khắc nghiệt quá. Nhưng biết làm thế nào để khác đi được?". Thời gian thì giống như sự bội bạc, khía vào lòng con người những vết lớn. Một hôm tôi chợt nhận ra trong tôi chẳng có gì khác ngoài sự chán ngán. Chua xót với ý nghĩa người xưa chắc đang hạnh phúc, nào có cần đến tôi và sự chung thuỷ dai dẳng này có khi chỉ để giết hại một cuộc đời trai trẻ.
Tôi vốn không phải là con người uỷ mị, nhưng lại rất giỏi cái việc tự hành hạ, mổ xẻ để hưởng nỗi đau. Mẹ tôi nói ý rằng trên đời chưa chắc tình yêu đã là duy nhất. Tôi đâm ngượng. Giả đò huýt những điệu sáo vui. Sau đó thì sự trống rỗng ập xuống khiến tôi giống một kẻ điên...
Mùa đông năm nay-mùa đông đầu tiên mất cha và là mùa đông thứ sáu mất tình, cái rét có vẻ đến sớm một cách khác thường. Đêm sương muối rải dày gây buốt. Héo lá non, chết lá già, thui những nụ hoa. Chân tay phát cước. Cá chết. Trâu ho. Gà rù. Nhà nông không làm ăn gì được-chỉ thích ngồi cạnh bếp lửa hoặc xì xụp bên ấm trà nóng tán gẫu... Tôi phải đến trường vào buổi sáng. Mặc dù đã găng tay, giày tất, áo da, khăn quàng cổ, mũ len mà vẫn bị ho thúng thắng. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ những buổi lang thang. Có người bảo tôi dở hơi. Tôi chỉ mỉm cười. Thực ra thì có thể người ta đúng, nhưng tôi dở hơi không có hại cho ai, lại còn lợi cho bản thân. Vì thế chẳng việc gì mà phải bỏ. Sự tự tin của tôi-tôi rất tự hào-nó giống như của một nghệ sỹ.
Tôi đạp xe thong dong về phía đầu làng, cố gắng nhìn và nghe xem có gì khác mọi khi không. Chỉ thấy cái xào xạc buồn tẻ của gió, cái quạnh hiu cô lẻ của mình và vũ trụ lạnh lẽo như mất lửa...
Ô kìa. Ở nơi kia có chuyện gì mà xúm đông xúm đỏ như vậy?
Chân tôi nhấn mạnh bàn đạp để xe chạy nhanh hơn. Chỉ năm phút đã đến. Tôi không rõ mình ngỡ ngàng hay sửng sốt trước điều được chứng kiến? Ở giữa một vòng tròn người áo quần ấm áp có một cô gái mình mẩy trần truồng, tóc tai bù xù đang run rẩy với hai chân quặp, hai tay ghì chặt cái cột điện. Một bên má của cô áp vào bê tông lạnh. Hai mắt nhắm lại và miệng rên nho nhỏ. Vòng người cũng không yên lặng mà chuyển động mạnh. Tiếng hò reo và sự xô đẩy nhau.
Toàn là đàn ông, con trai. Ai cũng muốn nhìn cho rõ các bộ phận nữ tính của cô. Ai cũng muốn sờ, nắn, cấu, véo cho khoái cái dục vọng bản năng.
Tôi...Lúc đầu cũng có chút cường lên của nhục cảm. Nhưng nhìn thấy da dẻ của cô tím tái thì nhục cảm ấy tan ngay. Cái vòng tròn dương tính này muốn nhìn thấy cô ấy chết hay sao mà cứ hô hố, ha hả, tuôn ra toàn những lời tục. Sự thoả mãn bằng mồm, bằng mắt... Thi thoảng có một người đàn bà con gái đi qua thì chỉ khẽ lắc đầu chép miệng vẻ thương hại rồi bỏ đi. Lại có kẻ còn tỏ sự xấu hổ, khinh bỉ, khạc nhổ.
Tôi dựng xe rồi xé toạc cái vòng tròn ấy ra. Mọi âm thanh tắt lịm.
Tới bên cô gái, tôi cởi chiếc áo da trùm lên người cô. Cũng là lúc vang lên một giọng nói xỏ xiên:
- Đúng là đồ điên lại gặp đồ điên.
Tôi quắc mắt nhìn thẳng vào kẻ đó làm hắn phải cúi mặt bỏ ra ngoài. Tôi hỏi:
- Có ai giúp tôi không?
Lập tức có anh hàng mổ tự nguyện. Rồi hai ba người nữa. Kẻ gỡ chân, người gỡ tay. Cô gái vùng vẫy, la hét. Nhưng chúng tôi vẫn mặc được cho cô chiếc áo. Anh hàng mổ chạy về nhà gần đó lấy thêm chiếc quần...
Xong xuôi tôi bảo:
- Cần một chiếc xe ôm.
Anh hàng mổ lại chạy đi gọi. Lát sau chúng tôi bế cô lên ngồi giữa. Tôi ngồi đằng sau để giữ cô. Anh lái xe hỏi:
- Đi đâu?
Tôi đáp:
- Về nhà tôi.
Mọi người hơi ngạc nhiên. Chiếc xe lao đi, để lại những tiếng xì xào...
Mẹ tôi không phản đối.
Chúng tôi khiêng cô vào giường của mẹ. Anh xe ôm đi gọi bác sỹ. Tôi và mẹ phải rất vất vả mới giữ được cô. Mười lăm phút sau, anh trạm trưởng y tế tới liền tiêm luôn một ống thuốc. Cô dần dần thiếp đi...
Trước khi về anh dặn:
- Bác và anh nhớ giữ ấm cho cô ấy. Mũi tiêm này sẽ có hiệu lực hết đêm nay. Mai cháu sẽ lại sớm để xem thế nào...
Mẹ tôi cảm ơn, anh mỉm cười bảo mẹ con bác còn dám cưu mang thế này huống gì cháu là thầy thuốc, chả đáng kể.
Khuya đó mẹ con tôi bàn với nhau và nhất trí sẽ chạy chữa cho cô.
Kể cũng lạ. Mẹ có vẻ rất thương. Còn tôi thì hoàn toàn đồng cảm. Nghĩ khi xưa nếu tôi là con gái có lẽ cũng không tránh khỏi điên loạn. Lúc đi ngủ, nỗi buồn của tôi đã khác hôm qua. Giống như đang được san sẻ. Rồi tôi tự huyễn hoặc, nâng cao vai trò của mình. Rằng, thế là đã có kẻ bất hạnh đang cần tôi nâng đỡ, chăm sóc, thể hiện cái tố chất mạnh mẽ bản thể...
Trưa hôm sau, mẹ con tôi và bác sỹ trạm trưởng ngồi quanh bàn trà bàn tiếp về cô.
Mẹ hỏi:
- Không biết có phải đây là cái cô trong câu chuyện đồn đại vừa qua không nhỉ?
Anh bác sỹ góp lời:
- À... Cô gái điên tình bị hãm hiếp phải không ạ?
Mẹ tôi gật đầu.
Anh bác sỹ định nói thêm một câu gì đó thì cô tỉnh dậy, ngơ ngác như một đứa trẻ lạc vào nhà lạ. Bộ quần áo của mẹ cô mặc hơi chật, nhưng vì thế lại càng tôn lên những đường nét con gái. Đầu tóc thì vẫn còn rối nhưng khuôn mặt đã sáng sủa dịu dàng hơn.
Cả ba chúng tôi cùng đứng lên, nhưng chỉ có mẹ là người bước đến bên cô. Mẹ vừa dắt cô trở lại buồng, vừa nói:
- Con vào trong này mặc thêm cái áo ấm của mẹ cho khỏi lạnh. Lát nữa bác sỹ sẽ khám cho con, rồi chúng ta ăn cơm... Khổ! Chắc là con đói lắm rồi phải không?...
Tự nhiên tôi thấy một sự cảm động. Cử chỉ ân cần của mẹ, nét đẹp hoang dại của cô và một ý niệm mơ hồ nào đó vuốt qua khiến tôi bất giác cứ phải khịt mũi. Anh bác sỹ buông một câu như vu vơ:
- Rõ là hồng nhan bạc mệnh...
Bỗng nhiên hình ảnh người yêu cũ hiển hiện trong đầu tôi và đem đến một cảm giác như vừa có một giấc mơ. Chưa biết chế ngự như thế nào thì mẹ và cô đã bước ra. Tôi ngạc nhiên. Ôi! Chỉ thêm có một cái áo len, một đôi dép và vài nhát lược cào vội mà trông cô đã khác. Đằm thắm hơn một chút. Cái hoang dại đã bớt đi và tăng thêm một chút duyên do tô điểm.
Tôi đã nhìn sững vào cô làm đôi má ửng lên, đôi mắt bối rối nhìn đi nơi khác. Tôi chợt mừng, vì như thế, hẳn cô bị điên nhẹ thôi, hoàn toàn chữa được cho cô tại nhà.
Bác sỹ ở lại ăn cơm với chúng tôi, chỉ dẫn tỉ mỉ cách uống thuốc, cách giữ gìn sức khoẻ và cách tránh cho cô những cú sốc tinh thần. Anh an ủi mẹ và tôi cố gắng giúp đỡ cô. Anh hứa sẽ thường xuyên thăm lại bệnh cho cô.
Chiều hôm đó, mẹ gội đầu cho cô bằng nước bồ kết, tắm cho cô bằng nước sả. Cô ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Quần áo cô vẫn thường mặc của mẹ nhưng áo rét cô mặc của tôi...
Ngồi trong bếp với mẹ, da cô hồng lên và nụ cười đã he hé trên môi. Thỉnh thoảng cô nhìn trộm tôi, nhưng đã gọi mẹ là mẹ và gọi tôi là anh. Ngây ngây thơ thơ hỏi mẹ những câu ngô nghê. Mẹ mềm mỏng giải đáp bằng hết. Tôi lắng tai nghe và giõi mắt để ý, bỗng thấy lòng rưng rưng như bông hoa hàm tiếu ngóng gió đông. Ô! Hình như thời tiết đang nóng dần lên và thời gian thì đi qua một cách êm nhẹ? Và hình như tôi còn muốn hát nữa (?)... muốn reo lên một tiếng cho vơi đi những gì xưa cũ. Khoảng trắng-lặng đang thay cho nỗi buồn...
Đêm. Cô lại uống thuốc và ngủ sâu bên mẹ. Tôi dỏng tai lên và muốn nghe từng cả từng nhịp thở của cô. Lòng hồi hộp bao nhiêu và sinh ra khó ngủ. Ao ước vu vơ... Đợi một ngày mới với chút hi vọng mơ hồ...
*
Đông qua thì xuân tới. Đó là lẽ trời.
Cô gái ở nhà tôi đã gần được ba tháng với biết bao là thay đổi. Mẹ bận rộn nhưng có vẻ rất vui.
Tôi thì mỗi ngày một thêm cảm mến cô. Còn cô thì cứ ít dần số cơn điên loạn, tăng sự dịu dàng và sự nhầm lẫn giữa tôi với người làm cô phát điên cũng giảm. Chẳng còn mấy nữa là chúng tôi sẽ có những cư xử khác đi. Sức căng sinh lý và sức lực nơi tôi bắt đầu lớn. Nó thể hiện ra ánh mắt, cử chỉ, lời nói làm cho cô nhiều khi lúng túng. Nhưng, rõ ràng cũng là những niềm vui rạo rực, những xúc cảm hạnh phúc bâng khuâng; đồng thời lại không tránh khỏi cho cô một chút buồn...
Mẹ theo dõi tôi và cô rất chặt. Mẹ mừng, mẹ lo lẫn lộn. Nhưng dù thế nào thì mẹ cũng khuyến khích tôi và cô, bởi mẹ đã quý như thể sự sống vươn tới mùa xuân từ chính cái giá rét của mùa đông năm trước. Không hiếm lần mẹ bảo tôi, cô ấy là một người con gái đẹp, nết na và sẽ là một người mẹ tốt. Mẹ tả cơ thể cô cho tôi hay. Mẹ nói rằng cô ấy rất dễ đẻ, khéo nuôi con. Rồi cũng không hiếm lần mẹ kết luận: "Nó sẽ trở thành một cô dâu mẫu mực". Tôi thường thấy một nỗi nghèn nghẹn trong lòng, một rung động cứ lớn dần đến thành quả quyết, một hình dung về tương lai vừa ru rẩy lại vừa hoang hoảng. Những ý thức đàn ông quẫy đạp. Ý muốn sở hữu... ánh mắt chứa thêm những dục tố trần trụi, nhiều khi muốn bóc hết những mảnh vải che đậy một cơ thể đẹp.
Một hôm, khi cô hái rau ngoài vườn, mẹ ngồi nói chuyện với tôi, chẳng biết vô tình hay cố ý lại nhắc đến việc không hiểu sao cô không có kinh. Tôi là anh con trai không có kinh nghiệm nên chỉ cười bảo chuyện đó làm sao con biết được. Mẹ suy nghĩ nghiêm túc rồi cho biết điều ấy chỉ giải thích bằng hai việc hoặc là nó bị vô sinh, hoặc là nó đang có chửa.
Mẹ chỉ phải tắm gội cho cô ba lần hồi cô mới về nhà rồi cô cương quyết tự làm. Bây giờ mẹ muốn tìm hiểu một việc quan trọng thì lại phải đun nước bồ kết và lá sả. Mẹ bảo: "Mẹ muốn chăm sóc con cho khỏi buồn. Lâu rồi chả có con cháu nào cho mẹ làm việc này cả". Cô chiều theo ý mẹ, mặc dù có vẻ xấu hổ. Khẽ liếc trộm tôi, cô lại ửng má và vội thở dài. Tôi nao lòng khi nhìn rõ bầu ngực cô căng phồng, nhấp nhô. Ô hay! Tự nhiên tôi thích làm đàn ông?!...
Cô cắp chậu quần áo đi giặt, mẹ trở vào thì thầm với tôi:
"Nó có chửa thật rồi con ạ!"
Thấy mặt tôi hơi tái đi, mẹ liền trấn an:
" Con đừng lo. Chúng ta đều rõ nó bị phụ tình rồi hoá điên. Lại bị lũ khốn nạn cưỡng đoạt... Đừng khinh ghét nó..."
Tôi vẫn im lặng nhưng trong lòng tôi rất biết ơn mẹ đã an ủi tôi đúng lúc, giúp tôi bình tĩnh được ngay sau khi vừa mới chao đao. Tôi cố gắng mỉm cười rồi bảo mẹ:
"Con cũng không cho điều đó là quan trọng... Vâng. Thực ra chả nên khắt khe... Cái đáng quý là ở chỗ khác kia..."
"Nó lạ lắm. Có chửa mà chẳng nổi gân cổ, chẳng kim cơm hay buồn nôn. Phải ngắm kỹ cơ thể nó mới biết. Con ạ. Nó xinh thật đấy..."
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, ngồi uống nước bên bàn, bỗng nhiên cô nói những lời cảm ơn với tôi và mẹ. Tôi và mẹ rất mừng, cho đó là biểu hiện của sự khỏi bệnh dứt điểm. Đôi mắt rớm lệ của cô nhìn mẹ như nai con. Đến khi nhìn tôi thì hoá trưởng thành.Tôi mỉm cười và rủ em đi chơi cho em vui lên...
Cánh đồng mùa xuân có trăng xuân mờ mờ ảo ảo. Gió đông nam thấm nhẹ vào da thịt. Tiếng ếch nhái côn trùng rỉ rả khiến cho thinh không hoang sơ một chút. Khoảng cách giữa trời và đất như ngắn lại. Và hai chúng tôi là hai kẻ u buồn đang đi tìm kiếm một tương lai.
Rất muốn mà tôi chưa dám nắm tay em. Đột ngột quá, e em sợ. Tôi muốn trước khi tiếp nhận những rung động sinh tồn, em đã có một sự tin tưởng về tình cảm. Điều ấy, theo tôi sẽ tạo sự bền vững tốt đẹp cho cả hai.
Tôi kể em nghe những câu chuyện trường lớp, chuyện học đường. Tôi cũng cho em biết kỹ về gia đình, về quan niệm tình yêu-vợ chồng của riêng tôi. Xa xôi tôi ám chỉ rằng tôi có thể lấy một người nào đó có con rồi cũng được, miễn là yêu thương nhau và chung thủy... Em cười nhỏ, khen tôi tốt và bảo sẽ hạnh phúc cho ai có tôi làm chồng...
Thế mà, khi mẹ cho em biết về cái thai thì em rất ngỡ ngàng và đau khổ. Em khóc. Mẹ và tôi ra sức dỗ dành em, bảo không chê mà vẫn thương. Em cố gắng mãi rồi cũng nín. Nhưng không vui được nữa. Tôi muốn tâm sự, chia sẻ với em lắm nhưng em lảng tránh. Mắt không còn nhìn tôi lấy một lần. Bước đi cứ luống cuống. Dường như em đang âm thầm đấu tranh với một điều gì đó mà em đã từng ấp ủ và hi vọng. Tôi liền có một quyết định dứt khoát muốn có em làm vợ. Không hiểu sao em chỉ lặng lẽ chảy nước mắt và lắc lắc đầu. Ở thêm ba hôm rồi một hôm tối trời em bỏ đi. Mẹ rất buồn. Còn tôi thì cứ vò đầu bứt tai, hết ra lại vào. Xót ruột quá, mẹ bảo tôi hãy đi mà tìm em về. Như sắp chết đuối vớ được cái phao, tôi dắt xe ra luôn. Nhưng lại lo ngại: "Chim trời cá nước biết tìm ở đâu?".
Mẹ bảo: "Nếu có duyên, ắt hẳn tìm thấy".
Tôi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của làng trên xóm dưới mà vẫn không thấy em. Mẹ tôi động viên tôi rất nhiều. Một tuần rồi hai tuần trôi qua không một dấu tích. Tôi gầy rộc đi nhưng hi vọng thì không mất. Tôi bắt đầu đi sang các huyện khác để tìm. Làng bảo tôi điên. Tôi mặc kệ. Chỉ cần mẹ hiểu tôi là đủ. Nghĩ cũng tội nghiệp cho mẹ. Hàng ngày mẹ lụi cụi làm hết việc nhà để dành thời gian cho tôi. Không tìm ra em, tôi đã bắt đầu lo sợ. Bụng mang dạ chửa như thế, lại chưa khỏi hẳn, em có an toàn không? Biết đâu chúng hành hạ em đến chết rồi vứt xuống hồ phi tang?...Trời ơi! Tôi cứ như có lửa đốt. Cho nên vòng bánh xe quay nhanh hơn. Những tiếng phanh gấp rít lên cùng với lời rủa "rõ là đồ điên". Dẫu thắt ruột lại, tôi vẫn phải cố rặn ra được câu nói rất quen thuộc và đơn giản: "Xin lỗi nhé! Tôi đang vội lắm đấy!"
Rồi những vòng quay lại tít mù. Mọi thứ đều tít mù. Nhưng hi vọng thì vẫn còn (may thế đấy).
Chuyện của tôi không ngờ lại trở thành một sự kiện ở làng khiến mẹ hơi hoảng. Mẹ bảo: "Con ơi...Mẹ thấy làng nói rát quá...Hay là..."
Thấy tôi thất thần, mẹ vội: "ấy là mẹ nghĩ thế... Nhưng con cứ làm theo ý của con... Mẹ ủng hộ..."
Các chị tôi xúm vào la mắng tôi, bảo cứu người ta khỏi bệnh thì được còn lấy thì không, dứt khoát không. Tôi lại vò đầu bứt tai, không biết thuyết phục các chị thế nào. Chỉ đưa ra một lý do nhỡ cô ấy bị điên lại thì sao? Chị cả trách sao khi khỏi bệnh không đưa ngay cô ta về nhà? Tôi đáp cô ấy bị ruồng bỏ, bị xua đuổi... đã cùng đường rồi... Các chị vẫn giữ nguyên quan điểm. Đứng giữa tôi và các chị, mẹ có lúc dao động, nhưng thương tôi, mẹ chưa bao giờ quyết liệt. Thời gian trôi đi trong cuống cuồng lo sợ. Ngày mất ăn, đêm mất ngủ. Mẹ liên tục thở dài. Rồi một chiều tôi đi dạy, mẹ đã họp các chị lại... Còn làng- mẹ bảo-mẹ tin làng sẽ thông cảm. Thời buổi bây giờ người ta cũng chẳng quá khắt khe...
Gần hai tháng sau, vào một buổi trưa, tôi ngập ngừng đứng trước cổng một bệnh viện tâm thần. Anh bảo vệ hơi gắt: "Anh kia, vào thì vào, ra thì ra dứt khoát, cứ ngây ngây thơ thơ... Hay cũng bị điên hả?". Tôi giật mình, cố mỉm cười rồi xin phép được vào bệnh viện. Hi vọng cuối cùng của tôi đấy...