Trong hệ thống lễ hội nông nghiệp rải khắp và khép kín chu kỳ sản xuất của đồng bào Katu, đâm trâu luôn được xem là một lễ hội lớn, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống, phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa con trâu - cây lúa - sự no đủ - sự an bình. Từ ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, gắn liền với sự no ấm, lễ đâm trâu trở thành nghi lễ cầu an, yếu tố góp nên sự yên vui, cũng như làm tan đi sự nguy biến trong cuộc sống của bản làng. Bởi thế, hàng năm dù được mùa hay mất mùa, bình an hay dịch bệnh, chiến tranh hay hòa bình... đồng bào đều tổ chức đâm trâu. Có thể nói, lễ hội đâm trâu ngày càng được mở rộng về cả mục đích lẫn ý nghĩa, và trở thành một sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng mang nhiều ước vọng.
Lễ hội đâm trâu là sự tổng hợp bởi nhiều yếu tố, và gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Nếu đỉnh cao lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, thì những âm thanh, những điệu vũ, lời ca, sự hiện diện cao vút lên không trung của cột đâm trâu chính là linh hồn của lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ mừng được mùa, công việc cầu kỳ chiếm nhiều công sức nhất là tuyển lựa và trang trí cột đâm trâu, biểu trưng cho sức mạnh, sự sống và niềm ước vọng của bản làng trong vụ mùa tới. Cắt nghĩa cho vấn đề này, trong điều kiện địa hình canh tác khó khăn là kỹ thuật sản xuất lạc hậu, sự đe dọa của thiên nhiên, sự bấp bênh trong từng mùa vụ v.v. đã làm cho ước vọng duy nhất, cao nhất của con người trở nên gắn chặt với sự no đủ, xa hơn nữa là sự an lành qua hình ảnh cột đâm trâu - cây lúa trĩu hạt. điều này cũng được phản ánh qua hệ môtif hoa văn trang trí trên cột đâm trâu được tuyển lựa trong cuộc sống hàng ngày, khái quát hóa lên thành các hình tượng mang giá trị chuyển tải những khát vọng, ước mơ của đồng bào. Vì những lẽ đó, cột đâm trâu được xem là một trong những biểu hiện văn hóa cao nhất của bản làng trong những ngày lễ hội: lời mời chào khách vào dự hội, lời cầu chúc tới mỗi nóc nhà, là niềm tự hào, sự vấn an trong tâm thức của mỗi con người.
Ý nghĩa của lễ hội đâm trâu còn được phản ánh qua không khí linh thiêng, đậm chất núi rừng linh ứng, khi vị chủ lễ/chủ làng thông báo tình hình bản làng trong năm, cung thỉnh sự phù hộ của các vị thần linh, ma quỷ về dự lễ, chứng giám cho tấm lòng của dân làng. Hòa cùng với tiếng trống, tiếng chiêng là sự cổ vũ của dân làng, những chàng trai tay lao, tay giáo nhảy múa xung quanh con trâu tạo một không khí nhiệt huyết, đầy sức sống. Trong những ngày lễ, tiết mục đâm trâu chính là phần động, thể hiện rõ tính chất hội: tiếng trống, tiếng chiêng như thấu gọi hồn thiêng sông núi, dẫn đường cho con người tiếp xúc với thần linh, như dũng khí xua đuổi tà ma, càng làm cho buổi lễ thêm linh thiêng, tạo chất men nối kết cộng đồng. Tất cả hòa vào nhau tạo thành một bản nhạc rộn ràng, đầy lạc quan, báo hiệu những điều tốt đẹp bắt đầu.
Không khí của buổi lễ vẫn không hề lắng xuống sau khi lễ đâm trâu, lúc này chính là khoảng thời gian cả bản làng quây quần bên ché rượu cần, bên những mâm thịt, cùng nhau nhảy múa ăn uống quanh đống lửa... tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh. Vì thế, lễ hội toát lên một cách đầy đủ nhất những sắc thái đặc trưng văn hóa tộc người, thể hiện tính cộng đồng trong sự cộng hưởng: cầu mùa, cầu an, cầu phúc. Qua lễ hội những vốn văn hóa truyền thống của tộc người như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, văn học dân gian, những thuần phong mỹ tục được trân trọng, bộc lộ và thăng hoa.
Trong một giải pháp vừa đáp ứng về mặt kinh tế, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa là phải làm sao vừa xóa bỏ được những tập quán lạc hậu, lễ nghi tốn kém, vừa bảo vệ được các giá trị văn hóa, đồng thời nâng cao đời sống và nhận thức cho đồng bào Katu.
Việc cấm bỏ lễ hội đâm trâu sẽ đánh mất cả một kho tàng lời thoại, bài hát, những điệu múa đâm trâu, trò chơi dân gian, hệ motif trang trí, nghi lễ cầu cúng mang đặc trưng văn hóa tộc người v.v., tất cả đã trở thành thuộc tính của lễ hội. Hơn nữa, trên góc độ tín ngưỡng, lễ hội mang ý nghĩa tích cực trong việc giải quyết nhu cầu tâm linh, tạo dựng niềm tin về vụ mùa mới bội thu, sự hăng say lao động trong mỗi dân bản. Bởi, trong cuộc sống đối diện với những bất trắc mang tính thường trực, để có thể sinh tồn, vượt lên trên thách thức, họ phải hướng tới sức mạnh siêu nhiên qua hình ảnh các vị thần linh qua nghi lễ này. Ðây là điều mà khó có thể thay thế một sớm một chiều.
Tuy nhiên, khi duy trì lễ hội, tất yếu, những mặt tiêu cực sẽ có cơ hội tồn tại. Thực tế trong thời gian qua cũng đã cho thấy, một số nơi tổ chức lễ hội đâm trâu chỉ chú trọng thuần túy đến cảnh đâm giết, xem nhẹ các hoạt động khác, làm biến tướng dẫn đến hiểu sai về mục đích, tính chất của lễ hội. Trên góc độ kinh tế - xã hội, vấn đề duy trì và phát huy lễ hội cần phải được xem xét một cách thấu đáo. Thứ nhất, mặc dù chi phí cho lễ hội quá cao so với mức sống, thu nhập, nhưng đồng bào sẵn sàng vay mượn hay đi làm thuê tích góp, nghĩa là bằng mọi giá để tổ chức được. Ðây là một trong những nguyên nhân của sự đói nghèo. Thứ hai, đó là sự giết hại gia súc, tàn phá sức kéo, nhất là trong khi chúng ta đang nỗ lực đưa cây lúa nước cùng với những kỹ thụât canh tác mới lên vùng cao.
Như vậy, ngoài công tác tổ chức, quản lý, việc khôi phục lễ hội đâm trâu truyền thống một cách ý nghĩa, cho người xem thấy được những nét đẹp truyền thống, ý nghĩa nhân sinh qua lễ hội đâm trâu với những sắc màu và âm thanh vui tươi, đầy sức sống chứ không phải là cảnh đâm giết là vấn đề quan trọng, góp phần vào bảo tồn và phát huy lễ hội một cách sinh động và hiệu quả. Ðồng thời, phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức đưa khách du lịch tham dự, trong hướng công ty lữ hành hỗ trợ một phần kinh phí cho lễ hội. Thực hiện được điều này, không những giải quyết tốt chính sách xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn vùng cao, theo nghị quyết TW 5 về văn hóa, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Katu nói riêng.