Khi tôi đến nhà ông thì đại tá Khưu Ngọc Bảy đang xem truyền hình. Bộ phim thần thoại về anh hùng Hercules hấp dẫn không chỉ với các em thiếu nhi mà còn lôi cuốn cả những người lớn tuổi. Ông niềm nở đứng dậy, lịch sự tắt Tivi và thân mật bắt tay tôi. Câu chuyện của hai chú cháu–hai cựu chiến binh yêu văn chương, một già một trẻ được bắt đầu như thế.
Sinh năm 1937 tại Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang, một miền quê trù phú của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, chàng thiếu niên Khưu Ngọc Bảy đã sớm thoát ly theo cách mạng, khoác áo “anh bộ đội Cụ Hồ” từ năm 15 tuổi. Hai năm sau, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Thể theo nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân ngũ của anh, cấp trên cử anh theo lớp đào tạo chính quy. Tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân năm 1962, anh tham gia chiến đấu ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh. Từ năm 1964, con đường binh nghiệp của anh bắt đầu gắn bó với “Con đường Hồ Chí Minh trên biển”. Nghiệp vụ về tàu thuyền, ghe máy, đều đào tạo cấp tốc theo điều kiện thời chiến và kể từ thuyền trưởng, máy trưởng tới thủy thủ bình thường đều chưa từng qua thực tế nghề sông nước, luồng lạch. Có thể nói mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia “Đoàn tàu không số” ngày ấy đều xứng đáng được tôn vinh như người anh hùng. Nhiệm vụ chuyển vũ khí vào Nam được các anh đảm nhận và vượt lên muôn vàn khó khăn nguy hiểm để hoàn thành.
Trường ca “Bến cảng giữa rừng” viết về những người lính trên “Đoàn tàu không số”, về những người lính của trung đoàn 962, về tấm lòng quân dân đất mũi đã bảo mật, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Trường ca 642 câu, dài 46 trang của ông được chia thành 4 chương, lần lượt là: Mũi Cà Mau tự sự, Mở đường, Bến cảng giữa rừng và Nắng Tam Giang. Đã lâu rồi ở đồng bằng sông Cửu Long mới lại có một trường ca, đặc biệt hơn là tác giả của trường ca này lại mặc áo lính. Điều đó chính là động lực thôi thúc tôi đọc và viết về trường ca “Bến cảng giữa rừng” ngay từ lúc được ông tặng tập thơ “Thơ và người lính” do nhà xuất bản Phương Đông cấp giấy phép ấn hành và cho ra mắt bạn đọc tháng 11 năm 2005.
Ở nơi địa đầu Tổ quốc, đối diện với đại dương trùng trùng sóng cả, hàng ngày chứng kiến bình minh đánh thức và hoàng hôn tiễn biệt mặt trời. Mũi Cà Mau đã tiên phong gánh lấy trọng trách của mình như vậy đấy:
“Biển với rừng sống chung cùng đất mũi
Mũi con tàu lướt sóng biển Đông”
Biển với đất, đất với rừng, rừng với cây hoà quyện vào nhau không thể tách rời như hình tượng của quân dân miền Nam sắt son bám trụ, thủy chung với Đảng, với cách mạng:
“Nên nơi này cả tiền tuyến, hậu phương
Đều đối mặt với trùng trùng sóng cả
Vạt đất bờ Đông cựa mình rơi lở
Theo sóng triều lại bồi đắp bờ Tây
Cây mắm dầm chân quăng quật trước bãi lầy
Rễ hóa ngàn tay xòe lên hứng sóng
Và khi đất địa hình trụ vững
Mắm lại ra khơi nhường cho đước xây thành”
Hãy lắng nghe lời đất tự tình:
“Trong vô tình hay một phút dửng dưng
Người ta gọi chúng tôi là đất mới
Ai tính được chúng tôi bao nhiêu tuổi
Tâm tư nào trong mỗi hột phù sa”
Người dân đất mũi đùm bọc, tiếp tế, chở che để những đội quân lặng thầm tỏa đi mọi hướng làm lung lay chế độ Sài Gòn ngay từ hậu phương của chúng được tác giả khéo léo ẩn dụ:
“Những xâu chuỗi thêu hoa trên ngực đất
Kết nối nhau trong thủy chung chân chất
Thẳng ngay như cây đước, cây dà…”
Và:
“Bao cá tôm trong triều biển trào ra
Bao trái đước đêm đêm lao vào đất”
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, câu nói của Bác Hồ giống như lời hịch, lời hiệu triệu, thúc giục thanh niên miền Bắc nô nức tòng quân, thúc giục con em miền Nam thoát ly theo kháng chiến. Xuất phát từ cực Nam của Tổ quốc, anh hùng quân đội Bông Văn Dĩa đã cùng sáu chiến sĩ đầu tiên tình nguyện mở đường:
“Bảy con người và một con tàu gỗ
Tấm bản đồ Việt Nam xé ra từ trang sách vỡ lòng
Hướng tàu đi lấp lánh sao Bắc Đẩu
Nơi ánh mắt Bác Hồ đêm đêm hướng về Nam”
Các anh ra đi mang theo cả niềm tin gởi gắm của đồng bào Nam Bộ:
“Chia tay đất mũi Cà Mau
Chênh vênh ngọn sóng con tàu ra khơi”
Biết bao nhiêu thách thức, hiểm nguy ngày đêm rình rập các anh:
“Trước mặt lừng lững sóng to
Bốn bên là tàu chiến giặc”
Chính lòng yêu quê hương, đất nước đã trao cho các anh nguồn sức mạnh vô bờ:
“Khi cuộc đời ta gắn liền cùng đất nước
Ta càng yêu biển đến vạn lần
Biển cho ta nguồn sức mạnh thiên thần
Để một chiếc tàu nhỏ như giọt nước
Vẫn vượt lên – mà kẻ thù không ngăn cản được”
Xa gia đình, xa quê hương, xa đất liền miên man nỗi nhớ, cồn cào niềm thương. Giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ, thèm khát một ánh đèn, một tiếng ầu ơ… Niềm vui bất chợt vỡ ào ra khi tàu vượt qua giới tuyến, ranh giới phân chia trời, phân chia đất giữa địch và ta:
“Vòm trời chợt cao cho hải âu bay liệng
Sáng nay tàu vượt qua vĩ tuyến
Biển xanh hơn dưới sóng bạc đầu
Đồng đội ôm chầm lấy nhau
Sung sướng hả hê, lại trào nước mắt”
Gặp người của ta mà không được tay bắt mặt mừng, thay vào đó là hiểu lầm, nghi kỵ, là xét nét, hỏi han, thẩm vấn. Chẳng thể trách các đồng chí dân quân và công an Quảng Bình hồi ấy được vì sự phức tạp của chiến tranh phải thế và cần thế. Đành phải tạm xa biển, gởi lại con tàu để hẹn ngày trở lại:
“Gởi lại con tàu cùng bóng đêm bí mật
Ta về đây giữa trái tim Tổ quốc
Trong tuần hoàn giọt máu bốn ngàn năm
Ngoảnh lại nhìn con sóng mù tăm
Xin tạm xa! Hẹn sớm về với biển”
Đường đã mở thành công, được gặp Trung ương và được gặp Bác Hồ, sung sướng cao trào không lấp nổi những lo âu. Nào chỉ có Cà Mau, mà còn những địa phương khác của miền Nam ruột thịt, nơi nào cũng sục sôi ý chí quyết tâm:
“Ra Bắc lần này không chỉ có Cà Mau
Còn có Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa
Mỗi con tàu dù có đi trăm ngả
Vẫn tụ về điểm hẹn: Thủ đô”
Đường ra đã được khai thông, đường vô vẫn còn cần mở lối. Trên mỗi con tàu đi vô giờ còn có thêm những đồng đội mới. Lại một chuyến đi đầy rẫy gian nan vào vùng có giặc. Chỉ có niềm tin nâng bước các anh đi:
“Đêm tắm trăng sao
Ngày phơi nắng gió
Mỗi phút tàu đi
Đi trong giông tố”
Nếu nói sự ác liệt và hiểm nguy của chuyến ra có một thì chuyến vô phải nhân lên nhiều lần. Vũ khí là tiền, là mồ hôi máu thịt của quân dân, là nỗi lo của Trung ương, của Bác. Đặc biệt quan trọng là tính tuyệt mật của tuyến đường, tuyệt mật của một chủ trương chiến lược, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân. Ngoài việc bảo đảm an toàn, bí mật cho con tàu, tuyến đường và những chuyến hàng còn phải mở bến thành công. Một lần nữa Cà Mau lại vinh dự được chọn đi đầu. Sự quan tâm của Trung ương và anh Ba (đ/c Lê Duẩn) đã đặt lên vai ông Hai Dĩa và đồng đội một nhiệm vụ thiêng liêng:
“Bộ Tổng Tham mưu vạch kế hoạch hành trình
Và chi tiết những nội dung tìm bến
Lấy mũi Cà Mau làm khâu đột phá
Rồi sẽ nhân ra các bến trong vùng”
Kẻ địch gian ngoan quỷ quyệt với vũ khí và phương tiện Hoa Kỳ đã bịt hết đường ra, lối vào nên phương án thành lập những kho trung chuyển, tập kết vũ khí trên đảo đành phải gác lại.
“Gầm gừ tàu địch một bên
Chúng phong tỏa khắp đảo gần bờ xa”
Bến cảng giữa rừng đã hình thành trước bao suy tư, trăn trở, hai phương án được đưa ra phân tích, thăm dò rồi quyết định chọn lựa:
“Bến của ta – một vùng ven biển kéo dài
Từ Giá Cao, xuống Bồ Đề, Rạch Gốc
Đến Khai Long điểm mốc cuối cùng
Tất cả có mười một cửa sông
Ta sẽ chọn Kiến Vàng, Vàm Lũng”
Chọn điểm thôi chưa đủ, cần phải tổ chức thành nơi tiếp nhận, bảo vệ, gìn giữ và vận chuyển đi khắp chiến trường. Vừa bí mật, bất ngờ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho bến vừa không làm xáo trộn, ảnh huởng tới cuộc sống của nhân dân. Như cá tôm không thể rời xa nước, như rễ cây bám vào lòng đất, cụm từ “Bến đặt giữa lòng dân” đã hình thành nên từ ấy:
“Bến tổ chức thành vòng cung khép kín
Vận tải, hoa tiêu, bến đậu, kho tàng…
Xây dựng lực lượng vũ trang
Bảo vệ vòng trong vòng ngoài của bến
Giúp nhân dân định cư ổn định
Tạo thành thế bến đặt giữa lòng dân”
Lựa chọn phương án đã không hề dễ, nhưng thực hiện phương án mới thấy khó khăn biết nhường nào. Thế là họ là quên ăn, quên ngủ để tiếp tục công trình:
“Cơm ăn không có bữa
Ngày không có sớm trưa
Một con mắt trên bờ
Một con nằm trên biển
Đước già thành bến cảng
Dừa nước thành nhà kho
Biết bao niềm âu lo
Đêm nằm không có giấc
Bây giờ biển và đất
Đã hóa con đường rồi”
Kể từ chuyến tàu Phương Đông cập bến ngày 16/10/1962, sau này còn có thêm 75 chuyến tàu nữa lần lượt cập bến Cà Mau. Đây Kiến Vàng, Vàm Lũng; đây Rạch Gốc, Tam Giang… Nơi cuối đất cùng trời đã có những địa danh được ghi vào trang sử cách mạng, ghi vào lòng người dân, người chiến sĩ Đoàn 962 như một dấu ấn không bao giờ phai:
“Vàm Lũng ghi tên mình vào lịch sử
Có con sóng thủy triều hãnh diện dâng cao”
Ôi! Vinh dự biết bao! Tự hào biết bao! Những chuyến hàng là tấm lòng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, những chuyến hàng mang nghĩa Đảng lòng dân:
“Một con tàu không số
Vào bến cảng không tên
Bến nhân dân là vậy
Như lòng biển mông mênh
… … …
Những tấn hàng đầu tiên
Mang tấm lòng miền Bắc
Mang hy vọng niềm tin
Cho miền Nam đánh giặc”
Mở bến đã lắm gian lao, giữ bến và bảo mật tuyến đường lại còn muôn phần nguy hiểm. Kẻ thù không từ mọi dã tâm thủ đoạn nhằm chặn mọi đường tiếp viện của ta từ hậu phương. Chúng càn quét, huy động cả B52 để ném bom, rải chất độc màu da cam, thả biệt kích, dùng hạm đội phong tỏa:
“Những cánh rừng mang đầy vết đạn
Cả ngọn gió cũng tanh mùi thuốc súng
Chiến tranh đã đến gõ cửa từng nhà
Ta chiến đấu cho rừng và những chuyến tàu xa”
Ba mươi năm sau, người chiến sĩ Đoàn 962 lại trở về vừa là thực hiện lời hứa năm xưa với đất, với rừng vừa để được đắm mình trong kỷ niệm, thăm từng nẻo đất, mỗi con người, để được ngậm ngùi, tiếc thương những người đã khuất:
“Biển lại đầy và biển lại vơi
Đất trôi lở rồi đất bồi thêm bãi
Đồng đội ơi Rạch Gốc còn đợi đấy
Dù đi đâu xin một chuyến quay về”
Trường ca “Bến cảng giữa rừng” là lời kể bằng thơ mà tác giả là một nhân chứng sống. Thơ của ông là những xúc cảm thực xuất phát từ một cuộc đời từng trải và trái tim nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước. Cám ơn nhà thơ, đại tá Khưu Ngọc Bảy và cầu chúc ông có sức khỏe dồi dào để làm thơ và để kể lại cho lớp lớp cháu con về những năm tháng hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc nói chung và “Con đường Hồ Chí Minh trên biển” nói riêng.
Cần Thơ, ngày 13 tháng 8 năm 2006