Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.162.642
 
Tử cung vĩ đại
Henry Miller

Nguyễn Phan Thịnh dịch

 

                                           

LND. The Enormous Womb là một luận văn trong tuyển tập The Wisdom of the Heart (Trí Khôn Của Trái Tim) nhà New Directions xuất bản năm 1941.

                                            

Henry Miller sinh năm 1891 ở New York City, mất 1980 ở California, nhà văn, dân Bô-hê-miên đúng nghĩa, với những tiểu thuyết tự thuật trung thực cực độ – đặc biệt về tình dục, gây ảnh hưởng giải phóng trong văn chương giữa thế kỷ 20. Ông cũng nổi tiếng vì văn phong Mỹ phóng dật và tài năng hài hước, tung hê ứơc muốn công nhận những cảm xúc mà người khác dấu kín và nhiệt tình chấp nhận cái xấu song hành với cái tốt. Vì tính chất miêu tả thẳng thắn về tình dục của những tác phẩm, chúng bị cấm ở Anh và Mỹ mãi đến thập niên 1960, nhưng đã được biết đến rộng rãi trước đó do những bản chuyển lậu vào từ nước Pháp.

 

Miller sinh trưởng ở khu phố Brooklyn và ông đã viết về thời thơ ấu tại đó trong Black Spring  (1936, Mùa Xuân Đen Tối). Năm 1924, ông bỏ việc làm với Western Union ở New York để dành hết cho việc viết văn. Năm 1930, ông sang Pháp. Tropic of Cancer ( Hạ Chí Tuyến, in ở Pháp 1934, Mỹ 1961) dựa trên cảnh sống túng thiếu ở Paris điêu đứng vì Cuộc Đại Suy Thoái. Tropic of Capricorn ( Đông Chí Tuyến, Pháp 1939, Mỹ 1961) phác họa thời kỳ trước đó ở New York.

 

Chuyến đi Hy Lạp năm 1939 của Miller gợi cảm hứng cho The Colossus of Maroussi (1941, Ngừơi Khổng Lồ Ở Maroussi), một quán tưởng về quốc gia này. Năm 1940-41, ông đi khắp nơi trên nước Mỹ và viết một tài liệu phê phán sắc bén đất nứơc này, The Air-Conditioned Nightmare (1945, Ác Mộng Trong Phòng Máy Lạnh), vạch trần cái giá phải trả cho cơ khí hóa và thương mại hóa.

 

Ở Big Sur trên bờ biển California, Miller viết bộ ba tập Rosy Crucifixion ( Đóng Đinh Màu Hồng ) gồm Sexus, Plexus và Nexus ( xuất bản thành một tập đầy đủ ở Mỹ năm 1965 ). Tác phẩm này cũng viết về cùng một đoạn đời của Miller như Tropic of Capricorn và cùng với quyển đó, vẽ lại những chặng đường  người kể-nhân vật chính trở thành một nhà văn. Lần xuất bản hai tác phẩm “ Tropics “ ở Mỹ châm ngòi cho một loạt vụ xét xử khiêu dâm và kết thúc mãi năm 1964  với quyết định của Tòa Án Tối Cao phản bác buộc tội của tòa án bang rằng tác phẩm này là khiêu dâm.

 

Những tác phẩm quan trọng khác của Miller là tuyển tập luận văn The Cosmological Eye  ( 1939, Con Mắt Vũ Trụ )  và The Wisdom of the Heart ( 1941 ). Ông cũng là họa sĩ chuyên vẽ màu nước, đã triển lãm quốc tế và viết về hội họa trong To Paint Is to Love Again (1960, Vẽ Là Lại Yêu). Nhiều tập thư từ của ông đã được xuất bản : với Lawrence Durrell (1963), với Anais Nin (1965) và với Wallace Fowlie (1975).

 

Văn tiểu luận của Henry Miller có vẻ đơn sơ, trong sáng, tự nhiên nhưng hàm súc, nhiều ẩn dụ. Nhiều khi ông thích xen vào đôi ba chữ La tinh và dùng từ đa nghĩa; chúng tô điểm cho giọng điệu lúc hóm hỉnh, lúc nồng nhiệt của một nhà tiểu thuyết-triết gia.

 

Người dịch cố gắng theo sát nguyên văn và trung thành với giọng điệu của tác giả đến mức có thể, với e ngại có chỗ chưa hiểu đúng ý của ông.

 

Theo từ điển, tử cung là nơi bất cứ cái gì được tạo sinh hoặc được đưa ra sự sống. Theo như tôi hiểu, không hề có bất cứ gì ngoại trừ tử cung. Đầu tiên và cuối cùng, có tử cung của Tự Nhiên; rồi có tử cung của người mẹ; và sau hết có tử cung trong đó chúng ta có cuộc sống và vật thể mà chúng ta gọi là thế giới. Không nhận biết thế giới này là tử cung là nguyên nhân phần lớn khốn khổ của chúng ta.

 

Chúng ta nghĩ đứa bé không được chào đời là em được sống trong ân sủng; chúng ta cho rằng cái chết là cách thoát khỏi những bất hạnh của cuộc sống; nhưng chính đời sống thì chúng ta vẫn từ chối xem là ân sủng và bình an. Tuy thế, có gì trên thế giới này mà không được tạo sinh và cho ra đời? Có lẽ cũng lại chỉ là một trong những ảo tưởng khác của chúng ta rằng nấm mồ được xem như nơi trú ẩn và chín tháng trước ngày sinh là ân phúc. Ai biết được gì về cuộc sống trong dạ con hay cuộc sống ở đời sau? Thế mà ý tưởng này dẫu sao vẫn cứ được bám chặt và có lẽ sẽ không bao giờ hết đi, rằng hai tình trạng bất tri thức ấy có nghĩa là thoát khỏi đau đớn và đấu tranh, vì vậy là ân phúc. Mặt khác, chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng có những người đang sống và đi đứng, những người sống trong cái gọi là một trạng thái ân phúc. Có phải họ  vô thức nhiều hơn những người khác, hay là ít hơn? Tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ đồng ý rằng họ vô thức ít hơn. Vậy cuộc sống của họ khác với cuộc sống của nhân loại bình thường sao? Theo cách suy nghĩ của tôi, sự khác biệt nằm ở thái độ của họ đối với thế giới, nằm trong sự thật tiên quyết rằng họ đã chấp nhận thế giới như là một tử cung, chứ không phải một nấm mồ. Vì hình như họ chẳng tiếc hận những gì đã qua và cũng không sợ hãi những gì sẽ đến. Họ sống trong một trạng thái tỉnh thức mãnh liệt nhưng rõ ràng là không sợ hãi.

 

Người ta vẫn hay nói rằng sợ hãi đóng một vai trò chế ngự ghê gớm trong cuộc sống của chúng ta, đã từng là một sự thể mơ hồ, không tên, một vọng âm, người ta gần như có thể nói thế, của bản năng sinh tồn. Người ta vẫn cho rằng với sự phát triển của văn minh nỗi sợ vô danh này dần dần kết tinh thành một nỗi sợ chết. Và rằng trên đỉnh đạt tới cao nhất của văn minh nỗi sợ chết này trở thành nỗi sợ sống, như được biểu hiện ở hành vi của những người loạn thần kinh. Thế là chẳng có gì lạ lùng về nỗi sợ, bất kể nó xuất hiện  dưới lốt vỏ nào, nó cũng là cái chúng ta đã quá quen thuộc, đến nỗi khi có một người tỏ ra không biết sợ, tức thì chúng ta bị kẻ đó biến thành nô lệ.Đã từng có một ít người như thế trong lịch sử nhân loại. Không quan trọng mấy việc họ là sức mạnh của thiện hay ác: nỗi sợ mà họ khêu dậy là nỗi sợ quỉ thần . Sự thật tất cả những người ấy đều là quỉ thần, dù họ được gọi là Thiết Mộc Chân, Phật Đà, Giê- su , hay Nã Phá Luân. Họ là những nhân vật anh hùng, và người anh hùng, theo truyền thuyết, luôn luôn được sinh ra một cách siêu nhiên. Anh hùng, tóm lại, là người được miễn trừ cơn đau đẻ.

 

Anh hùng vì vậy là một loại quỉ thần không cảm ứng với đau đớn và khốn khổ : người ấy ở phía cuộc sống. Thế giới đối với ông ta là một nơi các vật thể được tạo sinh , được cho ra đời. Cuộc sống phơi lộ ra với ông ta như là nghệ thuật, chứ không phải là cảnh nghiệt ngã. Ông ta thưởng thức cuộc sống bằng cách xếp đặt lại nó theo những nhu cầu riêng của mình. Ông ta có thể nói rằng ông ta đang làm việc ấy vì người khác, vì nhân quần, nhưng chúng ta biết rằng ông ta cũng là một kẻ dối trá.Anh hùng là người tự nói với mình-đây là nơi các sự việc diễn ra, không phải nơi nào khác. Ông ta hành động cứ như thế giới này là nhà mình. Hành vi như thế dĩ nhiên đem lại một tình trạng mập mờ tuyệt diệu, vì như các bạn có thể nhận thấy, con người ít khi ở nhà mình, mà luôn luôn ở một nơi nào khác, luôn luôn “đi vắng”. Cuộc sống, như nó được gọi,  đối với phần lớn chúng ta là một chặng trì hoãn dài. Và lý do đơn giản củasự trì hoãn này: SỢ HÃI.

 

Như chúng ta thấy, mỗi khi một cuộc chiến tranh bùng nổ, nỗi sợ hãi chiến tranh bị lấn át ngay khi con người thật sự bị ném vào. Nếu chiến tranh thật sự khủng khiếp như người ta tưởng tượng thì nó đã bị quét sạch từ lâu rồi. Gây chiến cũng tự nhiên đối với nhân loại như làm tình. Tình yêu cũng  khiến cho con người thành hèn nhát nhiều như nỗi sợ chiến tranh. Nhưng một khi tuyệt vọng trong tình yêu, một người sẽ phạm vào bất cứ tội ác nào, không những chỉ cảm thấy công chính mà còn xem tội ác ấy thiện hảo. Tội ác ấy nằm trong trật tự của các sự việc.

 

Những người khôn ngoan nhất là những người nói về ảo tưởng: MAYA1. Ảo tưởng là món thuốc giải nỗi sợ. Đeo yên cương họ thể hiện đời sống hợp lý một cách vô lý. Nhưng chính tính chất tương phản này của sự sống giúp cho chúng ta đi tiếp con đường, ném chúng ta qua lại từ tử cung này đến tử cung kia. Thế giới này, không chỉ là thế giới nhân loại, mà là thế giới của tất cả, của sự sinh ra, của sự sống, và của sự chết.

 

Chính là cái tử cung thứ ba và hàm chứa tất cả này, THẾ GIỚI, mà con người mãi mãi cố gắng khiến mình thành một phần tử. Nó là sự hỗn mang nguyên thủy, là chính cái nôi của tạo tác. Không hề có một người nào hoàn toàn nắm được nó. Nó là một điều kiện không được biết của bào thai lẫn tử thi. Nhưng nó được tâm trí biết, và nếu nó là bất khả thức thì nó cũng không hề giảm thật hơn chút nào.

 

Cũng khá kì lạ là động từ diễn tả hiện hữu trong chúng ta là một tự động từ 2.  Hầu hết mọi người hoàn toàn cho là tự nhiên rằng động từ to be  phải là một tự động từ. Tuy thế, có những ngôn ngữ, như chúng ta biết, không phân biệt tha động từ hay tự động từ. Tinh thần của những ngôn ngữ này bắt rễ sâu xa ở kí hiệu. Chỉ thông qua lý thuyết tượng trưng chúng ta mới thông hiểu sự việc sâu sắc, nên một ngôn ngữ càng chính xác và càng mang tính khái niệm thì càng nhất định trở nên khô cằn. Những ngôn ngữ hiện đại, tất cả, đều phản ánh ngày càng nhiều hơn cái chết trong chúng ta. Chúng phản ánh không chỉ quá rõ ràng cái sự thật rằng chúng ta xem chính sự sống như là một hành lang , dẫn đến thiên đàng hay địa ngục thì cũng chẳng khác nhau mấy. Chính là để chống lại tập quán trì trệ này mà Lawrence3 đã đấu tranh suốt đời; chính là sự đầu hàng trước những bản năng tử vong này khiến cho một người như Céline4 nổi giận.

 

Sự chết đích thực không phải là nguồn gốc của kinh hãi đối với sinh thể bình thường, có trí tuệ, nhạy cảm. Chính sự chết đang sống mới là ác mộng kinh man. Sự chết đang sống có nghĩa là sự gián đoạn dòng sinh mệnh, sự đón chặn trước tiến trình chết tự nhiên . Đó là phương cách chối bỏ nhận biết rằng thế giới thật ra chẳng là gì cả, chỉ là một tử cung vĩ đại, nơi mọi vật được đem ra sự sống.

 

Mọi vật sống đều có ứơc muốn, nghĩa là có sáng tạo. Ứơc muốn thuộc về động từ, cũng là định ngữ quan trọng nhất trong ngôn ngữ của chúng ta: một động từ ipso facto5 là tha động từ. Một động từ, tuy vậy có thể biến thành tự động từ,  vì ứơc muốn có thể bị làm cho thành mất hết năng lực, bởi tâm trí. Nhưng vì tính chất tự nhiên của nó, một động từ là kí hiệu của hành động thực hiện, chiếm hữu, hít thở, hay tồn tại.

 

Thật ra không có gì ngoại trừ một dòng hoạt động bền vững, một chuyển dịch hướng đến hoặc thoát khỏi cuộc sống. Hoạt động này tiếp tục ngay cả sau khi chết, mà tại đó hoạt động chứng tỏ nhiều thành quả hơn hết. Chúng ta không có ngôn ngữ thật sự để nói về cõi chết, vì chúng ta không biết gì về nó, chưa bao giờ có kinh nghiệm về nó cả; chúng ta chỉ có những ý niệm nghĩ sẵn, những phản kí hiệu, biểu hiện cuộc sống theo một kiểu cách âm tính. Tất cả những gì chúng ta thật biết đều là đang trở thành, là sự biến đổi và chuyển hóa vô cùng tận. Sự vật được liên tục tái tạo. Nỗi sợ thật sư, niềm kinh hãi thật sự, thường trú trong ý tưởng về sự  giam hãm. Đó là ý tưởng sống về cái chết.

 

 Một số người sinh ra đã chết. Một số người gây ấn tượng cho chúng ta như chỉ sống một nửa. Những người khác lại hình như chói ngời năng lượng. Một người dù ở phía sống hay ở phía chết thì cũng chẳng có gì khác biệt. Cuộc sống tuyệt vời bên âm cũng như bên dương. Điều kì diệu thật sự là đứng lặng yên. Như thế sẽ có nghĩa là trở thành Thượng đế, hoặc vượt qua sống chết. Đó là lối thoát khả dĩ duy nhất thoát ra khỏi tử cung, và đó dĩ nhiên là lý do tại sao quan niệm về Thượng đế ăn sâu đến thế trong ý thức nhân loại. Thượng đế là chung cục, hay nói là ngừng lại cũng thế.Thượng đế không tượng trưng cho sự sống, mà cho sự viên mãn, đó là hình thức chính thống duy nhất của sự chết.

 

Trong hình thức chính thống duy nhất của sự chết này, mà tôi nói là nằm đằng sau ý niệm viên mãn, có tính quy phục hoàn toàn nhất cho bản năng sự sống. Đây là quan điểm đã từng ám ảnh tất cả những người cuồng tín đạo giáo, cái quan niệm rất nhạy cảm cho rằng chỉ trong sự sống một điều gì đó đến tận cùng thì mới có thể có kết thúc. Đó là một quan niệm hoàn toàn trái luân lý, một quan niệm hoàn toàn thuộc về nghệ thuật. Những nghệ sĩ vĩ đại nhất đã từng là những người phi đạo đức, nghĩa là, những người chủ trương sống tận cùng. Dĩ nhiên họ bị các môn đồ của mình hiểu sai lạc ngay lập tức, những người đi khắp nơi thuyết giảng dưới tên họ, gieo rắc niềm tin thế này thế kia. Quan niệm mà những nhân vật đạo giáo vĩ đại này thâm nhiễm là quan niệm đẩy sự việc đến cùng tận. Tất cả họ đều bị đè nặng dưới ám ảnh về khổ đau.

 

Quan niệm cho rằng tử cung có lẽ là một nơi hành hạ hay trừng phạt là một quan niệm tương đối mới. Ý tôi muốn nói là chỉ mới một ít ngàn năm nay. Nó đang cặp kè song hành với sự biến mất  ngây thơ. Tất cả những ý niệm về Thiên đàng đều có liên quan đến sự khống chế của sợ hãi. Thiên đàng luôn luôn là một tình trạng đạt được hoặc chiếm được qua đấu tranh. Loại bỏ đấu tranh là sự đấu tranh vĩ đại hơn hết cả- đấu tranh không đấu tranh. Vì đấu tranh, sai lầm hay không, đều phải có mang nặng đẻ đau. Nhưng đã có thời sự sinh đẻ là dễ dàng. Bây giờ cũng thế.

 

Để vượt qua đau đớn và khổ sở, vượt qua đấu tranh, con người phải học nghệ thuật của người làm xiếc trên đây. ( “Thượng đế không muốn con người tự bắt mình phải làm việc quá nhiều,” Nijinsky6 nói. “Ngài muốn con người được hạnh phúc.” ) Trong lúc bước đi trên sợi dây chùng căng giữa hai đối điểm, con người trở nên tỉnh thức hoàn toàn và mãnh liệt – tỉnh thức một cách liều lĩnh. Ý thức này trải rộng để bao trùm hai đối điểm nghịch nhau rõ ràng. Tỉnh thức tuyệt đối, có nghĩa chấp nhận sự sống vì nó là thế, thì sẽ loại trừ những kinh hãi về sự sống và tiêu diệt những ảo vọng . Tôi nên nói cách khác, tiêu diệt hy vọng, vì nhìn từ xa hy vọng có vẻ như một họa hại hơn là một thiện phúc.

 

Tôi không nói gì về cảm thụ hạnh phúc. Khi một người thật sự hiểu hạnh phúc là gì thì

anh ta loé lộ ra như một tia sáng.(Vide Kirillov!)7. Tất cả những xếp đặt cho một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đây trên mặt đất này đều làm tăng thêm khổ sở và khốn cùng. Mọi thứ đang được hoạch định cho ngày mai đều có nghĩa tiêu hủy cái tồn tại giờ này. Thế giới tốt đẹp nhất là thế giới chính lúc này. Nó là tốt đẹp nhất bởi vì nó công chính  tuyệt đối - điều này không có nghĩa là nó có quan hệ gì với công lý. Nếu chúng ta uớc muốn một cái gì đó tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn, chúng ta chỉ cần muốn điều đó thôi và quá rõ là chúng ta sẽ có. Thế giới này là một giấc mộng được nhận thức từng phút một, chỉ con người là ngủ say giữa cơn sinh nở của mình. Sinh và tái sinh, và quỷ thần cũng là một phần của quá trình này như các thiên thần vậy. Thế giới trở nên hấp dẫn và sống động chỉ khi chúng ta chấp nhận in toto8  nó với đôi mắt mở to, chỉ khi chúng ta sống tận cùng như bào thai sống hết mình cuộc sống trong tử cung của nó. Nhân tiện, đã có ai nghe nói về một bào thai “phi đạo đức” không? Hay một tử thi “hèn nhát”? Có thể một người nào đó nói rằng thổ dân sống trong rừng rậm Châu Úc đang sống đời sống đúng nghĩa, đời sống tốt đẹp không? Và những đóa hoa, có phải chúng góp phần cho tiến bộ và phát minh chăng? Đây là những câu hỏi nho nhỏ thường làm điên đầu các triết gia. Trò phá hoại trí óc. Nhưng cũng tốt nếu thỉnh thoảng đặt những câu hỏi không thể trả lời được - nó khiến cho cuộc sống thêm sống động hơn. Tôi nhớ mấy lời đã ám ảnh tôi khi còn trẻ: “người trên đường của mình đi đến thụ phong.” Tôi không biết ý nghĩa chính xác là gì, nhưng mấy lời ấy đã quyến rũ tôi. Tôi đã tin. Hôm nay, dù tôi thẳng thắn nói rằng tôi vẫn không biết mấy lời ấy có nghĩa gì, tôi vẫn tin hơn bao giờ hết. Tôi tin mọi điều, tốt và xấu. Tôi tin nhiều hơn và ít hơn cái gì là thật. Tôi tin xa hơn tất cả những suy nghĩ của con người ghi chép lại. Tôi tin mọi điều. Tôi tin ở cuộc sống tập thể và cả cuộc sống cá nhân  nữa. Tôi tin vào cuộc sống của thế giới này, mà nó chính là tử cung. Tôi tin ở những điều chối cãi về sự sống tử cung của thế giới này. Tôi tin vào việc có tiền và việc không có tiền. Và dù tôi tin hay không tin, tôi vẫn luôn luôn hành động. Tôi hành động trước tra vấn sau. Vì không có gì dường như chắc chắc với tôi hơn rằng tất cả những gì hiện hữu đều hiện hữu bởi sự thừa nhận. Nếu thế giới này là gì thì nó chính là một hành động. Suy nghĩ cũng là một hành động. Thế giới không phải là một ý tưởng, nhưng rất có thể nó là một hành động suy tưởng. Những người hành động sẽ sinh ra các phản ứng, như chúng ta thường nói. Trong cơn đau đẻ người mẹ chỉ đang phản ứng: chính bào thai mới hành động. Và dù người mẹ sống hay chết thì cũng không có gì khác biệt đối với bào thai, điều quan trọng là ra đời.

 

Tương tự như vậy với con người, điều quan trọng là được sinh ra, sinh ra thế giới-như-là, không phải thế giới tưởng tượng, thế giới ao uớc, không phải một thế giới nào đó tốt đẹp hơn, sáng lạn hơn, mà chỉ thế giới này, thế giới của BÂY GIỜ. Ngày nay có nhiều người tưởng tượng rằng phương cách để làm điều này là trả tiền cho người khác để cho phép họ nằm uờn trên ghế dài và bắt người ấy phải nghe câu chuyện thống khổ của họ. Những người khác lại nghĩ rằng các bà mụ thực hiện nhiệm vụ này nên đích thân trả tiền để được sinh ra lần nữa.

 

Luôn luôn có những Đấng Cứu Thế và vì lý do này khác những Đấng Cứu Thế này lại

luôn luôn bị giáng những vố đau.  Chưa  vị  nào  đã  tìm  được  cách  cứu  những  người

không tự cứu mình. Và nữa, một câu hỏi nhỏ thuộc thế giới tử cung - chúng ta thật sự muốn được cứu vớt không? Nếu có, thì vì cái gì, tại sao, cái gì ở đó để mà cứu vớt?

 

Chúng ta thấy các ngân hàng tiêu xài như thế nào tiền mà chúng ta để dành cho họ; chúng ta thấy các chính quyền tiêu xài như thế nào những khoản thuế mà họ bắt chúng ta phải giao nộp để, theo lời họ, “bảo vệ” chúng ta. Chúng ta thấy như thế nào các triết gia phân phát trí khôn của họ, và hoang đàng chừng nào người nghệ sĩ phung phí sức khỏe của mình. Chúng ta không biết rằng Thượng đế liên tiếp ban cho chúng ta tình yêu vô biên của ngài sao? Trên những tầng trời cao kia có cả kho vô tận để ban phát và sử dụng. Vậy thì tại sao chúng ta lại không tự cho mình - vô tư, ê hề, trọn vẹn? Nếu trước kia chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta là phần tử của một tiến trình vô tận, rằng chúng ta chẳng có gì để mất hay được, mà chỉ để sống hết mình, liệu chúng ta có hành xử như chúng ta đang hành xử không? Tôi có thể tưởng tượng con người ở năm 5.000 sẽ mở cửa nhà mình bước ra một thế giới đẹp hơn thế giới này vô hạn ; tôi cũng lại có thể tưởng tượng anh ta bước ra một thế giới tồi tệ vô hạn hơn thế giới của chúng ta. Nhưng đối với anh ta, cá nhân ông Nguyễn Văn Mỗ, thâm tâm tôi vẫn tin rằng thế giới ấy sẽ giống y hệt thế giới này chúng ta đang cư ngụ. Động vật và thực vật có thể khác, khí hậu có thể khác, các ý thức  hệ có thể khác, Thượng đế có thể khác - nhưng chính Nguyễn Văn Mỗ cũng sẽ khác và như vậy thế giới vẫn y nguyên. Tôi cảm thấy gần gũi với Nguyễn Văn Mỗ của năm 5.000 sau T.C. như tôi cảm thấy gần gũi Nguyễn Văn Mỗ của năm 5.000 trước T.C. Tôi không thể chọn lựa giữa họ. Mỗi người thuộc về một thế giới riêng của mình. Ai không nhận biết một thế giới tuyệt diệu là gì thì thật tant pis 9 cho kẻ đó. Thế giới là thế giới,và thế giới quan tâm nhiều đến sự sống và sự chết của mình hơn cái quan điểm mà ông Nguyễn Văn Mỗ có thể có về thế giới.

.

Phần lớn những người hoạt động tích cực của thế giới hôm nay xem cuộc sống của chúng ta trên mặt đất như một Nơi Chuộc Tội hoặc một Địa Ngục. Họ đang đổ mồ hôi đấu tranh để biến sự sống này thành một Địa Đàng cho con người sẽ đến. Hoặc nếu họ không chịu nói thẳng như thế với chính họ, thì họ nói rằng để tạo dựng Địa Đàng cho chính họ - sau này một chút. Thời gian trôi qua. Những Kế Hoạch Năm Năm, Những Kế Hoạch Mười Năm (Những con khủng long, những triều vua, những máy phát điện). Trong khi đó răng mục, chứng thấp khớp đến, rồi cái chết. ( Cái chết không bao giờ thất bại ). Mà không bao giờ là Địa Đàng. Vì lý do này nọ Địa Đàng luôn luôn sắp đến, luôn luôn chỉ ở sau chỗ quanh. Ngày mai, ngày mai, ngày mai...

 

MỌI VIỆC CỨ TIẾP DIỄN NHƯ THẾ CHỪNG MỘT TRIỆU NĂM QUA RỒI. Ở giữa cái lò cừ nung nấu điên rồ này tôi từ chối nhúc nhích dù chỉ một phân. Tôi đứng yên. Yên như phỗng. Bây giờ hoặc không bao giờ ! Tôi nói : Hoà bình huynh đệ ơi,thật tuyệt vời ! Trong lúc những họng súng lớn đang nổ ùng oàng, ở Abyssinia10,  ở Trung Quốc, ở Tây Ban Nha11 và ngoài thói quen tàn sát những thú vật vô hại, chim chóc, cá, côn trùng, ốc sên, trai sò..., con người còn đang sát hại con người để lót đường đến thiên niên kỷ mới. Ngày mai súng đạn có thể gầm gào ở Paris, hay New York, hay Timbuctoo12. Chúng có thể đì đùng ở Scandinavia, ở Hà Lan, ở Thụy Sĩ , nơi tất cả đang hài lòng yên ngủ trong lúc những con bò lặng lẽ nhai lại. Nhưng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ nổ đùng đùng và khạc ra lửa, điều đó là chắc chắn. Thế nhưng tôi vẫn không nhúc nhích. Tôi sẽ đứng yên như phỗng đá và hét lên :Hoà bình ! Thật tuyệt diệu ! Tôi không có gì để mất cũng chẳng có gì để được. Ngay cả cho dù tôi đã không tự tay làm ra cỗ đại bác thì dẫu sao tôi cũng đã góp phần giúp chúng sinh ra. Những cỗ đại bác là của chúng ta, giống như mọi thứ khác. Mọi thứ đều được sinh ra. Đó là thế giới, các đồng chí ạ – thế giới của sự sinh và sự tái sinh, và cầu cho nó cứ mãi mãi sinh và tái sinh !

 

Chú thích:

MAYA : (Ấn giáo) ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, sức mạnh siêu nhiên của qủi thần. Trong triết học Ấn giáo và Phật giáo, sức mạnh bởi đó vũ trụ trở nên biểu hiện, ảo hoá của thế giới hiện tượng.

tự động từ ( intransitive verb) và tha động từ (transitive verb) trong Anh ngữ phân biệt ở chỗ : tha động từ phải có tân ngữ (object) mới đủ nghĩa; tự động từ thì không, nó đứng một mình hoặc có bổ ngữ (complement).

Lawrence : Thomas Edward Lawrence (1888-1935), chiến sĩ và văn sĩ Anh, được biết dưới tên Lawrence of Arabia, người đã giúp tổ chức và lãnh đạo cuộc nổi dậy của dân Ả rập chống lại quân Thổ ở Trung Đông cuối Chiến Tranh Thế Giới I. Ông được gọi là người của hành động, thi sĩ, nhà khổ tu, nhà lãnh đạo.

Céline : bút danh của Louis-Ferdinand Destouches, (1894-1961) nhà văn và bác sĩ Pháp, nổi tiếng với Voyage an bout de la nuit (Chuyến du hành về cuối đêm), Mea Culpa (Lỗi tại tôi), Bagatelles pour un massacre (Những chuyện vặt cho một trận tàn sát), D’un château l’autre ( Từ lâu đài đến lâu đài), Entretiens avec le Professeur Y (Trò chuyện với Giáo sư Y) ... Các tác phẩm của Céline chất chứa nỗi tuyệt vọng khốc liệt, tính phi luân lý, niềm thịnh nộ và tính khiêu dâm làm khó chịu những nhà phê bình đương thời. Một số người khác cố giải thích sự nổi loạn của ông nhằm chống lại những xấu xa ác độc quá mức của con người.

ipso facto : (La tinh) vì chính điều ấy

Nijinsky : Vaslav Fomich Nijinsky (1890-1950), vũ công và biên đạo múa người Nga, nổi tiếng khắp Châu Âu, cuối đời bị bệnh hoang tưởng.

Vide Kirillov ! : Kirillov rỗng tuếch ! Có thể Henry Miller nhắc đến Kirillov trong tiểu thuyết Besy (1872, Những người quỉ ám) của văn hào Nga Dostoyevsky. Kirillov là nhân vật chủ trương tự sát không nguyên cớ nhằm chứng tỏ sự tự do tuyệt đối, để trở thành “Thượng đế – người” trong một thế giới đã chối Chúa (người-Thượng đế).Cũng có thể nhắc đến Kirillov khác, Kirillov trong tác phẩm Comrade Kirillov (1976, Đồng chí Kirillov)  của nhà văn Ấn Raja Rao (sinh 1909), từ 1965 là giáo sư đại học Austin, Texas, chuyên sáng tác bằng Anh ngữ. Tác phẩm nổi tiếng, được xem là tuyệt phẩm của ông, là the Serpent and the Rope (1960, Con rắn và sợi dây).

in toto : (Lt.) hoàn toàn.

tant pis : (Lt.) đáng tiếc.

Abyssinia : tên gọi trước kia của Ethiopia.

H.Miller xuất bản tác phẩm này năm 1941.

Timbuctoo : cũng Tombuktu, Tombouctou - một thành phố ở Mali, Tây Phi, khoảng 10 ngàn dân ; thường ám chỉ một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó trên trái đất.

 

 

 

Henry Miller
Số lần đọc: 3288
Ngày đăng: 21.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi là Vũ Ngọc Tiến xin trân trọng thông báo một sự việc khẩn - Vũ Ngọc Tiến
KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xử - Đặng Thân
Xác và hồn của tiểu thuyết - Hoài Anh
Vĩnh biệt Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương - Hồ Tĩnh Tâm
Bàn tròn văn chương qua ba kỳ phiêu lãng…. - Inrasara
Vô và Hữu…Sai hay Đúng? - Đông La
Viết ngắn 01. Nhà thơ và vấn đề lí luận - Inrasara
Nhà thơ học biết …sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Triết lý ly cà phê Starbucks: Rót cả tâm hồn vào đáy cốc... - Trần Kiêm Ðoàn
Xuồng ba lá – Nét đặc trưng trên sông nước Nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Cùng một tác giả