Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.151.491
 
Tục cưa răng : Từ quan niệm đến lễ thức
Trần Đức Sáng

1. Dẫn luận

1.1. Mỗi tộc người trên thế giới đều gắn liền với nhân sinh/thẩm mỹ quan cụ thể, hay đơn giản hơn là kiểu thức làm đẹp cho cá nhân và cộng đồng theo cách của mình. Những kiểu thức này được nâng lên thành nguyên tắc bất di bất dịch, một khi cá nhân vẫn đã và đang là thành viên của cộng đồng. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh, đa dạng phong phú trong biểu hiện làm đẹp của con người như chiếc vòng chiếc vòng quấn quanh cổ cho ngày một dài ra, dái tai căng rộng thành những lỗ tròn đeo đồ trang sức, khuôn mặt vẽ vằn vện theo những motif hoa văn, chiếc dùi nhọn bằng ngà xuyên qua mũi v.v... Và gần gũi, ấn tượng nhất có lễ là “những chiếc răng mài mòn đến tận lợi” của các tộc người cư trú ở khắp dải đất miền trung Việt Nam.

1.2. Tục lệ cưa răng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, góp phần định danh nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam. Từ những tư liệu đầu thế kỷ, chúng ta thấy rằng cụm từ “mọi cà răng, căng tai”, tuy rằng mang tính chất miệt thị, nhưng lại thường dùng để chỉ cộng đồng Katu, Bana, Tà Ôi, Xơ đăng...; hay “mọi Cà lơ” để chỉ người Vân Kiều với phong tục kết nghĩa, đậm tính nhân văn của họ. Cà răng tuy là điểm chung của nhiều cộng đồng thiểu số, nhưng từ quan điểm thẩm mỹ, tín ngưỡng cộng đồng khiến mỗi tộc người có những biểu hiện, cách thức và tín niêm khác nhau.     

1.3. Bằng những phỏng vấn hồi cố, cùng một số tư liệu liên quan, chúng tôi thử tìm hiểu tục lệ cưa răng của người Katu trong xã hội cổ truyền. Qua đó, có thể làm sáng tỏ quan niệm thẩm mỹ/nhân sinh quan, cũng như luật tục v.v... của cộng đồng tộc người; đồng thời cũng là ý thức của cá nhân đối với gia đình, dòng họ, và cả cộng đồng của người Katu.

2. Tục lệ cưa răng

2.1. Những giả thiết liên quan đến nguồn gốc

Với nhiều cộng đồng tộc người, có thể, tục cưa răng ban đầu là một dạng tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, mang tính chất cầu mùa v.v... Bởi, người thiểu số thường dùng trâu làm vật hiến sinh dâng tặng thần linh (Yang). Từ đó, việc cưa răng để giống răng trâu hình thành như một dạng thức tôn thờ linh vật. Từ thời xa xưa, trâu được xem là vật thiêng, được người Ba Na tôn thờ làm vật tổ (Nguyễn Quang Lê, 2004: 28). Trong quan niệm của tộc người này, những đối tượng không cưa răng, sau khi chết linh hồn không thể về với thế giới tổ tiên. Một số tộc người khu vực Trung Á cho rằng bộ răng phải lấp lánh vàng mới là bộ răng đẹp và quyền quý, chính vì thế, nam nữ thanh niên trong cộng đồng đều ghè bớt răng để nạm vàng. Trai, gái người Ngật Lão (ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) đến tuổi trưởng thành đều phải nhổ 2 răng ở hai bên của hàm trên để làm đẹp (Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Huyên, 2001: 18). Hay người Naga ở Mianmar có tục lệ vừa cà răng và nhuộm răng. Hình thức này cũng rất phổ biến ở tộc người Samrê (Campuchia). Ở người Kh’mer, lễ cà răng chính là một trong những nghi thức cổ xưa từng tồn tại (Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện, 1996:136). Hoặc như người Kinh cũng có tục lệ nhuộm răng đen, để khi cười không để lộ rõ hàm răng “trắng nhỡn như răng chó”, và quan niệm: “cái răng, cái tóc là góc con người”.

2.2. Và những biểu hiện ở tộc người Katu

Ðối với người Katu, tục lệ cưa răng có từ lâu đời, đó là hình thức bắt buộc đối với mỗi một thành viên trong làng (vêêl). Cưa răng, ngoài chức năng làm đẹp, còn là nghi lễ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành: lễ thành đinh. Sau nghi lễ này, cá nhân thực sự trở thành thành viên chính thức, cùng chia sẻ những quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với gia đình, dòng họ, bản làng, và tất nhiên, sẽ được cộng đồng kính trọng khi về già. Luật tục Katu quy định: điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên, được cộng đồng thừa nhận, được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân v.v... là cá nhân đó phải trải qua nghi lễ cà răng. Những chiếc răng mài mòn đến tận lợi là dấu hiệu rất quan trọng trong cuộc đời mỗi cá nhân về mặt tuổi tác cũng như tư chất, nếu không trải qua nghi thức này, dù tuổi lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn bị xem là người chưa trưởng thành - nghĩa là chưa đủ điều kiện để xây dựng gia đình, và quan trọng nhất, họ chưa đủ tư cách để tham gia vào các hoạt động lớn của vêêl - chưa phải là thành viên của cộng đồng. Với một ý nghĩa rất quan trọng, tục cà răng không những liên quan đến quan niệm thẩm mỹ của người Katu, còn là sự kiện đánh dấu việc xác lập vai trò và quyền lợi của cá nhân trong xã hội. Mặt khác, đây cũng là hình thức thử thách lòng dũng cảm, sức chịu đựng của cá nhân như một dạng hành xác, huấn luyện sức chịu đựng tinh thần v.v..., đặc biệt là đối với nam thanh niên - những trụ cột chính trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Qua khỏi “ngưỡng cửa” này, cá nhân đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức trong gia đình, dòng họ (cabu) và trong vêêl, “những chiếc răng bị cưa” cũng rất có giá trị đối với những cộng đồng khác làng và khác tộc. Riêng với cộng đồng làng cư trú, nếu là con trai, tối đến anh ta sẽ được ngủ ở nhà làng (Gươl), nghe già làng truyền đạt các kinh nghiệm trong đời sống thường nhật, cũng như trong sản xuất; có quyền tham gia vào những “cuộc săn máu” (trong quá khứ - nếu cần thiết cho làng vêêl); đi sim - hẹn hò với bạn tình trên rẫy, hát với bất cứ cô gái mình thích ở trong hoặc ngoài vêêl và khi có lễ hội. Nếu là con gái, cô ta cũng được tự do làm những việc tương tự: hẹn hò cùng người con trai của lòng mình, hay cất lên những giai điệu Baboách 1 mời gọi bạn tình. Ngược lại, những đối tượng không cưa răng sẽ bị xem là hèn nhát, không có lòng dũng cảm, không làm tròn nhiệm vụ của một thành viên đối với luật tục làng vêêl, người con trai sẽ không được ngủ ở Gươl mỗi khi đêm về, thậm chí không được phép lấy vợ 2, và điều quan trọng nhất, anh ta sẽ không có được sự bảo vệ của cộng đồng trước những biến cố mang tính cá nhân.

Trước đây, tục cưa răng của người Katu thường diễn ra vào “thời gian nông nhàn”. Lúc này, lúa trên nương đã vào kho và công việc săn bắt, hái lượm v.v... chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành. Ðịa điểm cưa răng thường là những nơi có thác nước đổ mạnh. Ở đó, tiếng ầm ào của dòng nước, không gian thoáng đãng của thiên nhiên sẽ là liệu pháp tâm lý giúp đối tượng quên đi đau đớn, sẽ làm dịu bớt sự căng thẳng trong lòng mọi người. Bên cạnh đó, tiếng gầm thét của thác nước cũng là âm thanh dùng để lấn át tiếng kêu la, cách thức để ma xấu (Abhui mốôp) không nghe thấy, nhằm né tránh và hạn chế tối đa sự quấy rối, làm hại của các ác thần đối với đối tượng cưa răng.

Trước khi tiến hành cưa răng, để phòng tránh những rủi ro bất thường, đồng thời an ủi tất cả linh hồn (rơ vai) sống trong vêêl, người Katu thường tổ chức các nghi lễ cúng tế (bhuôi) cho các vị thần hộ mệnh. Chủ làng (Tacovêêl) sẽ làm một con gà, lấy máu (A hăm/A hơm) chấm lên trên trán những đối tượng bị cưa răng, với ngụ ý chúc phúc, cầu xin sự giúp sức của thần linh, giúp họ không chảy nhiều máu v.v..., và quan trọng nhất là không gây chết người.

Tục cưa răng của người Katu ngày xưa dành cho cả nam và nữ, là thành viên của vêêl có độ tuổi từ 15 - 17 3, những đối tượng này được bàn bè và người thân giúp đỡ trong khi tiến hành cưa răng. Trước khi diễn ra lễ cưa răng, Tacovêêl chọn ba người đàn ông uy tín, đến địa điểm cưa răng của vêêl 4. Hai trong số ba người đàn ông này sẽ dùng một “lưỡi cưa” 5 (cái rựa đã được làm hình lưỡi cưa) để cưa răng. Ðối tượng cưa răng sẽ nằm bên thác nước, một người ngồi trên bụng, hai đầu gối khép chặt vào thân, những người khác trong vêêl giữ lấy tay, chân và đầu của người bị cưa, rồi họ thay nhau cưa. Các tộc người ở Tây Nguyên thường cưa 6 răng ở hàm trên, nhưng đối với người Katu, để tạo sự cân đối giữa hàm trên và dưới, nên số lượng răng cưa bao giờ cũng là 12 cái (hàm trên 6 cái, hàm dưới 6 cái). Khi 12 chiếc răng được cưa đã mòn hết. Công việc tiếp theo của người đàn ông thứ ba là dùng những viên đá lấy ở dưới suối, mài những chiếc răng mòn đến sát lợi.

Theo kinh nghiệm của người Katu, để bảo vệ vết thương và chống nhiễm trùng, họ thường dùng nhựa một loại cây có tên là Axớp/Axáp bôi vào chỗ vết răng vừa bị cưa, lá và vỏ của nó được nấu lên để uống. Trong giai đoạn cưa răng, khi máu chảy nhiều, các đối tượng này dùng nước muối để súc miệng, nhổ máu vào ống tre (cơ ram). Xong việc, ba người tiến hành việc cưa răng dùng lá đót (a teeng) 6 nhét đầy vào ống tre đó, đặt lên một tảng đá gần địa điểm cưa rất cẩn thận. Nếu những ống tre đó bị ngã trong khi đặt, người Katu cho rằng người bị cưa răng sẽ gặp điều chẳng lành, đó là dấu hiệu cho biết các thế lực hung ác đang đe dọa họ, khi ấy, một cuộc cúng tế sẽ được tiến hành 7 nhằm làm nguôi lòng thần linh.

Khi các đối tượng được đưa về Gươl thì công việc cưa răng xem như đã kết thúc, lúc này, người bị cưa răng phải ở lại đó 3 đêm mới được về nhà. Trước khi vết thương lành hẳn, những cá nhân này được người thân cùng các thành viên trong vêêl chăm sóc cẩn thận, họ ăn loại cơm được nấu bằng ống tre có lót lá chuối bên trong (Avixrlung) và buộc phải thực hiện một số kiêng cữ (điêng) mà luật tục của vêêl đã quy định..

Ðể chứng tỏ sự trưởng thành của mình, sau thời gian ba đêm, các đối tượng bị cưa răng phải ra suối, dùng tay bắt một loại cá có tên là Ha liêng 8 dành riêng cho họ. Ngoài ra, một số thức ăn sẽ bị cấm sử dụng trong vòng một năm như: gạo nếp, thịt trâu, bò cùng một số động vật săn bắn khác; không được tắm rửa, uống rượu trong vòng một tháng; uống nước phải dùng một ống tre bỏ hai phần đầu mắt và dùng tay bịt kín phần đáy lại, sao cho nước không chảy ra. Họ chỉ uống khoảng 1/2 số lượng nước trong ống tre rồi đổ đi, khi ăn phải dùng tay v.v... Nhờ vào những kiêng cữ trong cách ăn uống và sinh họat, khoảng ba tháng sau, vết thương bình phục. Các đối tượng bắt đầu tham gia vào công việc dành cho người lớn cùng với các thành viên khác trong bản làng.

3. Thay lời kết

3.1. Cưa răng ở người Katu là một phong tục mang đậm nét văn hoá đặc trưng, phản ánh nhân sinh, thẩm mỹ quan tộc người. Ðây chính là mốc son chuyển tiếp cuộc đời của một cá nhân, làm tăng thêm nguồn nhân lực cho bản làng, làm đẹp thêm xã hội Katu truyền thống.

3.2. Có thể nói rằng, ý nghĩa và cách thức tiến hành nghi lễ cưa răng của người Katu là một diễn trình hoà quyện những luật tục, tôn giáo tín ngưỡng của bản làng cùng quan niệm thẩm mỹ/nhân sinh quan của cộng đồng tộc người, đồng thời cũng là bước ngoặc thể hiện lòng dũng cảm mỗi cá nhân Katu - nhân tố tạo nên bộ mặt và cũng là sức mạnh của cộng đồng. Nghi lễ này biểu hiện rất rõ ý thức của mỗi cá nhân đối với gia đình, dòng họ và làng (vêêl), bởi với người Katu, làng là tổ ấm, là đại gia đình, nơi kết tinh các giá trị nhân văn của cả cộng đồng, nơi họ cùng gánh chịu những thịnh suy, niềm vui cũng như nỗi buồn từ lúc sinh ra cho đến khi “về với thế giới tổ tiên”.

3.3. Trong quá khứ, người Katu từng là chủ nhân của một khu vực núi rừng rộng lớn, từng nổi tiếng với cổ tục “săn máu - trả đầu”. Từ những hồi ức về nghi lễ cưa răng, chúng tôi bâng khuâng tự hỏi, ngoài những ý nghĩa như đã từng đề cập, phải chăng tực lệ này chính là phương sách nhằm đào luyện cho cộng đồng làng những cá nhân đầy lòng dũng cảm, đủ sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách đến từ tự nhiên và cả những bản làng lân cận. Sau khi trải qua nghi lễ này, phải chăng mỗi thanh niên Katu đã có được sức mạnh vô hình, họ trở thành những “dũng sĩ săn máu” tài tình mà Le Pichon đã từng miêu tả.

3.4. Hoà chung nhịp đập của dân tộc sau khi đất nước thống nhất, phong tục cưa răng của người Katu đã dần được bãi bỏ sau những thập niên 50. Ðây là sự kiện được rất nhiều người tán thành khi chúng tôi tiến hành hồi cố. Bởi đã hơn 60 năm trôi qua, già làng A lăng Tụa (thôn A réc, xã A Vương, Tây Giang, Quảng Nam), cùng những già làng Katu khác đã từng trải qua nghi lễ này đều không khỏi rùng mình khi nhớ lại sự đau đớn đến chết của mình lúc tiến hành cưa răng. Và có một điều mà chúng tôi không thể ngờ rằng, trong vô vàn những đối tượng bị cưa răng ngày xưa, ở tận vùng biên giới Việt - Lào hiện nay đã đi bộ gần trăm cây số xuống thành phố để làm lại 12 chiếc răng, mà hơn 60 mươi năm trước đây ông ta đã cưa theo luật tục của làng (vêêl).

                                                                                                           

Tài liệu tham khảo

2.        Anne De Hautecloque - Howe (2004), Người Êđê một xã hội mẫu quyền, Hà Nội: Nxb. Văn hoá Dân tộc.

3.        BS. Gaide (2004), “Thuật nhuộm răng và các thứ thuốc nhuộm của người An Nam”, trong Những người bạn cố đô Huế, tập XV, năm 1928. Huế: Nxb. Thuận Hoá.

4.        Le Pichon (1938), “Les chasseurs de sang”, in B.A.V.H, No. 4.

5.        Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện (1996),  Những phong tục lạ ở Ðông Nam Á, Hà Nội: Nxb. Văn hoá Thông tin.

6.        Nguyễn Hữu Thông (cb), Nguyễn Phước Bảo Ðàn, Lê Anh Tuấn, Trần Ðức Sáng (2004), Katu - kẻ sống đầu ngọn nước, Huế: Nxb. Thuận Hoá.

7.        Nguyễn Minh Hoàng (1995), “Tục cà răng căng tai - Nguồn gốc - lễ thức - tồn tại”, trong Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 3: 15 - 16.

8.        Nguyễn Quang Lê (2004), “Bàn về phong tục và nghi lễ gắn với đời người của đồng bào Bana ở Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai”, trong Tạp chí Văn hoá Dân gian, số 3(39): 25 - 36.

9.        Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Huyên (2001), Trang sức của người Việt cổ, Hà Nội: Nxb. Văn hoá dân tộc.

 



1 Baboách là một điệu hát tỏ tình của nam nữ Katu.

2 Rất nhiều người đàn ông ở thôn Tà ry (xã Lăng, huyện Tây Giang) hiện nay đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn không có vợ, vì trước đây họ không cưa răng.

3 Trong xã hội người Ê đê, việc cà răng do những người chuyên môn trong làng thể hiện đối với những cậu thiếu niên từ  14 đến 16 tuổi, con gái được xem là dậy thì khi vú đã nở. Răng được dũa đến tận lợi bằng một lưỡi liềm nhỏ có răng cưa, sau đó súc miệng bằng nước nóng và người ta nén chịu đau mà không hề than vãn. Rồi người ta nghiền một mẫu củi cháy dở của cây sơn Kraih trên một lưỡi xới hay lưỡi rìu, trộn với một ít nước thành một thứ bột nhão màu đen, đem bôi lên răng hay chỗ răng còn lại (Anne De Hautecloque - Howe, 2004: 291).

4 Nằm ở đầu nguồn con suối Ma Coong, nơi có thác Ke đổ xuống, nơi đây có một vị trí bằng phẳng, ngày trước người Katu ở thôn A réc (xã A Vương,Tây Giang, Quảng Nam) thường ra đây cưa răng. Vị trí đó hiện nay vẫn còn, và có tên gọi là Klong Ke.

5 Rất nhiều tộc người dùng lưỡi cưa để thực hiện, nhưng tộc người này lại tự tạo lưỡi cưa bằng cái rựa.

6 Cây A teeng được người Katu sử dụng vào nhiều trường hợp. Ví dụ như: trước khi đưa lúa vào kho họ dùng lá A teeng để trước cửa nhà kho để báo hiệu cho thần lúa và các thế lực thần linh khác, được làm bánh Quốt trong các dịp hội hè của làng, ruột của nó được sử dụng vào các nghi lễ thử đất làm nhà mồ, giắt vào các công cụ đựng và tuốt lúa, làm dấu hiệu cấm người lạ vào rẫy lúa trong những ngày thu hoạch, sử dụng vào một số trường hợp ma thuật như: nghi ngờ các đối tượng làm hại đến mình...

7 Xuất phát từ những quan điểm chét môp (chết xấu), nên trong quá trình điền dã, chúng tôi không thấy người Katu nhắc tới những trường hợp bị ngã ống tre, có lẽ họ quá cẩn thận trong công việc này. Vì đây là sự sống của một con người cũng như sự tồn tại một của vêêl.

8 Ha liêng là một loại cá có thân hình gần giống cá trôi, thân dài khoảng 10 - 20 cm, sống ở suối, chúng thường bơi ngược dòng nước. Người Katu cho rằng chúng là loại cá mạnh mẽ và ăn những thứ trong sạch, nên những đối tượng cưa răng ăn chúng sẽ nhanh chóng bình phục vết thương.

Trần Đức Sáng
Số lần đọc: 3530
Ngày đăng: 21.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ hội đâm trâu – Một hình thức sinh hoại cộng đồng nhiều ý nghĩa của đồng bào người Katu - Lê Anh Tuấn *
Truyền thống của người Chơ Ro. - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Vấn đề đáp ứng nhu cầu cho con người – Cư dân vùng đồng bằng Sông cửu long - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Hành trình Katê - Inrasara
Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt - Hà văn Thùy
Kinh Lá trong các Chùa dân tộc Kmer Nam Bộ - Trần Bắt Gặp
Khám phá mới di truyền học về lịch sử con người ở Đông Á - Nguyễn Đức Hiệp
Lễ hội Nghinh Cô Long Hải - Hạnh Phước
Cây đa rụng lá đầy đình… - Phan Hoàng
Dược thảo huyền diệu: Thanh thảo và bệnh sốt rét - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả