Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
681
123.237.734
 
Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ !
Triệu Xuân

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt- tiếng Mẹ đẻ- là vấn đề được nêu lên rốt ráo từ đầu những năm Bẩy mươi của thế kỷ trước. Vậy mà, đến nay, hầu như người ta đã quên hẳn! Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tiếng Việt bị làm sai lệch, bị bóp méo, thậm chí, bị phỉ báng. Thí dụ, khi người ta đọc một bản tin trên đài Truyền hình: “Công ty X… mở chiến dịch khuyến mại từ ngày… tới ngày… Nếu ai mua một sản phẩm… thì được tặng một bàn là (bàn ủi) hoặc một lò nướng…”, thì người thông tin, quảng cáo hoặc vô tình hay cố ý đã không hiểu chữ mại. Khuyến mại tức là khuyến khích việc bán hàng! Mại, theo từ Hán Việt là bán, mãi mới  có nghĩa là mua. Người ta chỉ khuyến khích người mua, gọi là khuyến mãi hay hậu mãi, nhằm bán được nhiều hàng trong kho, chứ không ai lại bỏ tiền, bỏ hàng ra khuyến khích người bán! Những câu viết và nói như: Đồng chí A phát biểu, đế cập đến vấn đề…; Về tình hình nội bộ trong Tổng công ty… hầu như gặp thường ngày! Cập là đến, nội là trong, cớ sao cứ phải lặp lại?  Lạ lùng thay, nhiều người viết cũng như nói trên các diễn đàn, lẫn lộn giữa hai từ cứu cánhphương tiện. Nếu không rành Hán tự thì chỉ nên hiểu cho rằng Cứu cánh tức là mục đích, mục tiêu cuối cùng; còn phương tiện là cái cách để đạt được mục tiêu ấy. Có những nguời tìm mọi cách để đạt mục tiêu, bất chấp pháp luật, sẵn sàng phạm pháp. Từ đó mới có câu: Cứu cánh biện hộ cho phương tiện!

 

Bảng hiệu của các doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… hiện nay nhan nhản lỗi sai về văn phạm, về tiếng Việt. Khi chúng ta đã là thành viên thứ 150 của WTO, tức là thật sự bước vào cuộc chơi với thị trường Quốc tế, thì những sai phạm về chính tả, về từ vựng và kiểu chữ trên các phương tiện quảng bá thương hiệu, bảng hiệu… là nỗi buồn, sự xấu hổ của những ai quan tâm đế tiếng Việt, tiếng Mẹ đẻ, tức là những ai tôn trọng Quốc thể! Việc viết tiếng Việt theo kiểu Thư pháp của Trung Quốc đã có rất nhiều người phản đối. Thư pháp kiểu Trung Quốc là sự tiếp nối của chữ tượng hình: người ta vẽ chữ chứ không chỉ đơn thuần là viết. Thiếp Lam Đình là một trong những bức thư pháp lưu truyền muôn đời. Còn chữ Việt Nam hiện nay là nguồn gốc từ ký tự Latin. Người ta quá hâm mộ thư pháp theo kiểu chữ Trung Quốc cho nên mới có trường hợp người đọc phải chổng mông lộn ngược lên cũng chưa đọc nổi câu thơ nổi tiếng của cụ Nguyễn Du:  Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa… Người viết bài này đã hơn một lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và rất nhiều lần tốn tiền điện thoại để ân cần, chân tình góp ý trực tiếp với những địa chỉ có sai phạm. Nhưng, kết quả chỉ là nước đổ lá khoai, thậm chí còn bị ghét bỏ!

 

Gần đây nhất, sau nhiều ngày đứng ngẩn tò te để cố đọc tên bảng hiệu của một phòng “Vẽ chân dung, Tranh sáng tác, sao chép tranh nghệ thuật” ở số 27 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, Tp Hồ Chí Minh,  tôi vẫn không thể đọc ra tên của phòng tranh này! Cứ theo cách viết thì phải đọc là Tâu Uynh! Mà tâu uynh thì chả có nghĩa gì! (Cho đến ngày 18-12-2006, nếu ai đến đây mà đọc được bảng hiệu này, không là Tâu Uynh thì tôi xin gọi là Thầy!). Tất nhiên, tôi biết cái bảng hiệu đó không nhằm diễn đạt hai chữ Tâu Uynh. Nhưng, cứ như mục sở thị thì không thể đọc hai chữ đó là Tân Minh! Đây không phải theo cái lý của người Mèo, mà là theo cái lý thông thường của chữ Việt! Tôi đành đến tận nơi để xin gặp người chủ phòng tranh. Tiếp tôi là một cô gái khoảng 20 tuổi, khá lịch sự. Cháu khéo léo từ chối không cho tôi gặp ông chủ. Tôi nói rõ mục đích là không làm phiền gì ông chủ, chỉ là thiện chí góp ý với bổn hiệu mà thôi. Thế rồi cháu gái nể tôi lắm, đã cho tôi cái nem cạc. Tôi gọi điện thoại chân thành góp ý cho ông chủ: 08 612 0…; Mobile (đề nghị mãi mới xưng tên là Láng, Lãng  hay Lén, vì tôi nghe không rõ) là 0908 337 …. E-Mail: gallerrytanminh06@ . Câu đầu của ông Láng, (hay Lãng hay Lén) hỏi tôi là: Anh có quyền chức gì không? Tôi đáp: Không! Tôi chỉ là dân thường! Nhưng tôi rất thích vị trí, cửa hàng và các tranh bày bán của ông!  Anh ta cười! Sau khi nghe tôi góp ý chân thành về hai chữ Tâu Uynh, anh ta trả lời sẵng giọng: “Đây là do bên Quảng cáo họ vẽ!”. Tôi nói: Anh là chủ, không lẽ anh không biết phía Quảng cáo họ vẽ gì cho tấm bảng, thương hiệu, tức là gương mặt của phòng tranh sao?! Người chủ trả lời giọng đầy hậm hực: “Anh không có chức quyền gì, thì tôi không rảnh, tôi hơi đâu có thì giờ trò chuyện vớ vẩn với anh”! Và anh ta cúp máy. Tôi gọi lại bằng máy bàn. Sau ba lần gọi không ai bốc máy, lần thứ tư, người chủ cầm máy và trả lời tôi: “ Anh không chức quyền gì thì đừng làm phiền tôi! Tôi thích viết bảng hiệu thế đấy! Anh muốn gì? Anh muốn viết báo hay làm trò gì thì cứ làm. Tôi thích vậy”.

 

Đúng là anh ta có quyền viết bảng hiệu theo ý mình thích! Thế nhưng vai trò của cơ quan chức năng cho đăng ký kinh doanh và thương hiệu ở đâu? Hay là có tự do rồi, muốn vẽ trâu vẽ bò gì trên bảng hiệu tùy thích? Câu chuyện thế là chuyển sang hướng khác! Từ đầu chí cuối, tôi luôn giữ sự chân tình khi góp ý. Nhưng đáp lại, tôi nhận được thái độ không thiện chí và hạch hỏi tôi phải có chức quyền gì thì người chủ phòng tranh 27 Nguyyễn Văn Trỗi mới thèm lắng nghe!

 

Tại sao ta không lắng nghe những lời góp ý chân tình của đồng loại mà chỉ biết co ro khúm núm trước người có chức quyền! Bi kịch lắm thay! Té ra, để tiếp nhận được nếp sống Dân chủ, để học được thói quen lắng nghe người khác, lắng nghe những lời góp ý chân tình, lịch sự, nhân văn, đúng pháp luật, người ta còn phải mất rất nhiều thời gian để làm quen! Chạnh lòng, tôi lại nhớ đến những doanh nghiệp, doanh nhân Hoa Kỳ, Australia, Nga… mà tôi đã từng đến thăm. Họ coi bảng hiệu, thương hiệu là danh dự, là gương mặt, là lẽ sống còn của họ. Và quan trọng hơn, họ coi đó là tầm văn hóa mà họ suốt đời coi là triết lý để phấn đấu, để theo đuổi.

 

Trở lại với thái độ coi thường lời góp ý của đồng loại của người chủ phòng tranh Tâu Uynh, (Tân Minh), tôi nghĩ: những ông chủ như thế không nhiều!  Trong thời gian một thiểu số người chủ chưa chịu thích nghi với tập quán văn minh ấy, hòa bình thế giới vẫn không hề ảnh hưởng gì! Tôi chỉ buồn, đau vì chữ Việt, tiếng Việt đã và đang bị làm sai lệch, bị phỉ báng! Cứ đà này, vài mươi năm nữa, tiếng Việt, tiếng Mẹ đẻ, chữ Việt rồi sẽ ra sao?!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 18-12-2006

Triệu Xuân
Số lần đọc: 5443
Ngày đăng: 22.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tử cung vĩ đại - Henry Miller
Tôi là Vũ Ngọc Tiến xin trân trọng thông báo một sự việc khẩn - Vũ Ngọc Tiến
KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xử - Đặng Thân
Xác và hồn của tiểu thuyết - Hoài Anh
Vĩnh biệt Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương - Hồ Tĩnh Tâm
Bàn tròn văn chương qua ba kỳ phiêu lãng…. - Inrasara
Vô và Hữu…Sai hay Đúng? - Đông La
Viết ngắn 01. Nhà thơ và vấn đề lí luận - Inrasara
Nhà thơ học biết …sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Triết lý ly cà phê Starbucks: Rót cả tâm hồn vào đáy cốc... - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)