Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
983
123.368.239
 
Ký ức làng Hà
Nguyễn Khắc Luân

Quê hương nếu ai không hiểu…”

( Thơ Đỗ Trung Quân)

 

Xa quê đã mấy chục năm. Phiêu bạt khắp chốn, nay có dịp về thăm quê, thăm nơi chôn nhún rau cắt từ rốn khi vừa lọt lòng mẹ, tôi không thể giữ vẻ bình thản. Ao Châu, một khu đầm thiên tạo có tới chín mươi chín ngách, cảnh sơn thuỷ hữu tình hiếm có trên hành tinh, Vua Hùng đã có ý định lấy nơi đây làm kinh đô. Thấp thoáng dưới bóng cây đa bên đền Mẫu, một người đàn ông lưng còng, da nhăn nheo teo tóp đang quyét lá. Tôi bước tới. Xin hỏi.. ông..ông là…

 

  Làng Hà có từ lâu đời, có người nói vì làng ở gần dòng sông lớn nên các cụ đặt tên vậy để con cháu sau này phải mang ơn dòng sông. Người khác thì rù rì, chả phải, xưa nơi đây còn rừng thâm nước độc, ông cụ tên Hà dẫn đoàn người chạy loạn giặc cờ đen, chạy nạn đói đến đây khai rừng lập làng. Khi cụ qua đời, để nhớ ơn cụ nên Hội đồng làng bỏ phiếu đặt tên cho làng là tên cụ. Người khác thì, không phải ông cụ tên Hà là thầy đồ dạy chữ, cụ có công lớn, được triều đình phong “ Khai quốc Công thần”, cụ người làng này.

 

Ay là khi đất nước bình thanh, nhu cầu học chữ cho con cháu thật cấp thiết, ai ai cũng thấy cái chữ nó mới ý nghĩa làm sao. Mù chữ là đói là nghèo, dốt là cái chắc, đến thăm nhau gặp trẻ con ai cũng câu hỏi “ cháu học lớp mấy”. Đói mấy, khổ mấy cũng phải cho con đi học. Thầy có nhà nước điều đến, trường lớp làng lo, lo là lo cái chủ trương, còn làm thì ai có con phải bỏ công bỏ sức ra mà làm. Để con em học hành nhếch nhác, nắng phải đội nón, mưa chùm áo tơi thấy mà tội, làng bên họ có nhà xây lợp ngói cho con cháu học. Ông Xướng, trưởng làng đưa ra ý kiến: “Dỡ ngôi đình làng xuống, đốn hai cây ngọc lan trên chuà, phá bỏ luôn ngôi chùa lấy đất xây cho các cháu ngôi trường khang trang”. Ý kiến ông Xướng đưa ra có tiếng xì xào, các cụ già làng phản đối, ông cụ dâu tóc bạc phơ nói hóm hém: Hai cây ngọc lan ấy là lộc của Quang Trung Hoàng đế đem từ xứ dừa Bình Định ra, Hoàng Đế ban cho quan Ngự sử, quan Ngự sử xin đem về quê, được dân làng chăm sóc đến nay đấy”. Ông Xướng vung tay chém phập vào không khí, ông lớn tiếng, hùng hồn: “Bên Trung Hoa, cách mạng văn hoá người ta phá bỏ tất cả đền chùa miếu mạo, cả Vạn Lý Trường Thành cũng trong danh mục phá bỏ, những thứ ấy là tàn dư của chế độ phong kiến thối nát, lạc hậu”. Ong Xướng nói thế đố ai dám cãi, ông không chỉ là trưởng làng, ông còn có chân trong hội đồng xã, hội đồng quận nữa. Ngày dỡ đình, phá chùa, đốn hai cây ngọc lan mấy bà già lén làm mâm xôi oản, trái cây xì xụp khấn vái, nhang khói nghi ngút, các bà nước mắt lưng chòng.

 

Gốc cây ngọc lan, mười người ôm không xuể, mùa cây trổ bông hương thơm bát ngát khắp làng, theo ngọn gió hương thơm còn lan tỏa đến mấy làng bên. Người làng đi xa về đến Ao Châu, phóng tấm mắt về hướng làng là thấy hai cây ngọc lan sừng xững bề thế. Tụi trẻ lấy hai cây ngọc lan làm biểu tượng, mỗi khi chúng khoe với bạn cùng lứa ở làng bên, hay ai hỏi về quê có gì đặc biệt, chúng đều lấy hai cây ngọc lan làm niềm kiêu hãnh. Tám anh thợ cưa khoẻ như vâm, anh nào anh nấy mình trần nước da bóng lưỡng, cánh tay lục lâm thảo khấu, lữa cưa to bè dài mười tám trượng. Hơn mười ngày đánh vật trầy chuạ, hai cây ngọc lan mới bị đốn hạ. Lúc cây bị những lưỡi cưa, nhát búa ác hiểm xả vào thân, nhựa nó ứa ra đỏ như máu, cành lá ủ xù rên rỉ đau đớn, nhức nhối vô độ. Những ngày ấy làng bị dịch cúm (cũng may không phải dịch cúm gia cầm chủng H5N1) các cụ già thì mất ngủ, đau đầu, mờ mắt ù tai, trẻ con thì sốt li bì, chúng bỏ ăn, bỏ chơi, làng chìm trong lo âu, sầu muộn. Ngày hai cây ngọc lan bị đốn dời khỏi gốc, nó từ từ đổ sụp, trong khi nghiêng đổ nó réo rắt, ai oán, tiếng thân cây đập xuống đất thình thịch làm rung chuyển cả làng, trời bỗng tối sầm ( nhật thực toàn phần). Mọi người từ trong nhà tuá ra sân, họ kháo nhau: Động đất.

 

Đang trưa hè trời nắng chang chang, từ đâu mây đen vần vũ, ùn ùn kéo đến, sấm sét nổ đùng đùng, những tia chớp loàng ngoằng như những mũi tên lửa, cứ nhằm gốc cây mới bị đốn hạ trên gò chuà mà đánh tới tấp. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, cánh thợ kéo lên tính chuyện cưa tiếp, thì hỡi ôi một cảnh tượng hãi hùng, toàn bộ cưa, buá, dao, đục của cánh thợ chảy thành một chất mủ nhầy nhầy, chúng dính vào nhau tạo thành hình thù con thú kì quái, trông rất quái dị, hung hãn vô độ. Xung quanh gốc cây mới đốn, chi chan những lưỡi búa đen ngòm của thần sấm thiên lôi bỏ lại. Mấy cụ già làng rù rì “ trời nổi giận vì ta đốn hạ hai cây ngọc lan”, tụi trẻ lớp ba trường làng thì chỉ trỏ, chúng cãi qua, cãi lại, đưá lớn nhất, khoẻ nhất nói như giảng giải: Tại vì có sắt nên trời đánh đó mà, cô giáo chả dạy, trời mưa không nên trú dưới gốc cây to, không nên mang theo sắt bên mình. Ong Xướng, trưởng làng cười ha hả, ông khen: “ các cháu giỏi lắm, giỏi lắm, đúng là hậu sinh khả uý, có học có khác, đâu có như các già làng…”.

Năm 1964, giặc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ, vu cáo “ Cộng sản Bắc Việt” để lấy cớ dùng không lực đánh phá miền Bắc. Lệnh sơ tán để bảo đảm an toàn. “Thằng giặc này ắc lắm, nó có cả bom nguyên tử, hẩy một cái chết luôn cả thành phố; đấy như ở bên Nhật Bản ấy ghê lắm, ác lắm. Thôi trường mới xây cũng phải đóng cửa để đó, làm lán trong rừng cho con em học”. Hội nghị làng đang hồi xôm tụ, thì bất thần tiếng gầm rú ràn rạt trên đầu, mọi người túa ra sân ngó lom lom lên bầu trời. Từng bầy quạ sắt bay về hướng Hà Nội, hướng Yên Bái, những tràng tiếng nổ ình oàng rền rĩ, bất thần một chiếc máy bay lao thẳng về làng Hà, bốn cục dài dài từ bụng nó vọt ra. Uc, ục ình ình, trời đất rung chuyển, khói lửa mù mịt, tiếng la tiếng gọi í ới não nề, hồn viá lên mây; bốn trái bom tấn bay vèo ra bìa làng, hai trái nổ, hai trái lép chui tút xuống đất. Hai cái ao sâu hoắm, nước đen ngòm làm mất tiêu hai thửa ruộng hơn hai mẫu; banh xác hai trâu mộng, mất tích hai khúc cây ngọc lan đang cưa dở trên gò chùa…

 

Đoàn xiếc thú ở mãi thủ đô cũng phải sơ tán lên miệt rừng Tây Bắc, trên đường sơ tán bằng tàu hỏa.  Đến giữa cầu Việt Trì sơ xuất thế nào chú gấu MiKe sổ lồng nhảy ùm xuống sông, trời tối đen, chú gấu cũng có bộ lông đen, không ai biết. MiKe lội vào bờ cứ nhằm hướng rừng bươn tới, sáng chưa tỏ mặt người thì MiKe đến làng Hà. Làng báo động, súng ống, gậy gộc, gươm giáo lỉnh kỉnh, trống thúc liên hồi, người nọ truyền người kia “ có biệt kích, thám báo Mỹ – ngụy đột nhập”. MiKe vào cổng làng gặp chị phụ nữ gánh nước, chị hoảng hồn MiKe ăn cây đòn gánh vào đầu, nó đẩy nhẹ chị nọ tõm xuống ao làng. Bản năng tự vệ của loài gấu, nó chủ động ra đòn với bất kì ai nó gặp, người cuối cùng nó bẻ gãy xương quai hàm là ông Xướng trưởng làng. Sáng bạch, cả làng hàng trăm người gậy gộc, dân quân thì súng ống bắn chỉ thiên đì đọp, cuối cùng con thú hung giữ phải đền tội, nó gây hoảng loạn cho cái làng bé nhỏ, có tiếng bình yên nề nếp, hơn chục trai làng cùng ông đầu tộc trưởng làng phải đưa đi cấp cứu.

 

Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá khốc liệt, trai làng Hà bất kể gia cảnh, ai còn sức phải tòng quân, duy nhất cả làng có tay Kiếp, qua bao lần xét duyệt đều lọt sổ. Ong trưởng làng cho làng hay: “ Văn Như Kiếp người quá khổ, quân đội không có quần áo, dày dép nào vừa, hắn ăn một bữa hơn cân gạo, tiêu chuẩn bộ đội cả ngày chỉ có bảy lạng. Hắn còn cái tội cố hữu là hay ăn cắp vặt, thứ nữa là lí lịch không rõ ràng, không biết cha hắn là ai, hắn lại đông con, cho hắn đi làm xú ếu quân đội”. Văn Như Kiếp quả là người quá khổ, hắn cao thước chín, mũi lõ,  chân tay lông lá như lại tổ. Giá mà hắn lùn tịt như mẹ hắn thì người làng Hà phải nể trọng, bởi hắn chỉ khác ông trưởng làng có cái vóc quá khổ và mũi lõ, hắn có tài ăn cắp vặt và tán gái, mà hắn chỉ tán bà giá và những chị chồng đi xa lâu ngày không về. Hắn lân la đến nhà ai, nhà nấy không mất của cũng mất tình, mà hắn chỉ lấy những thứ ăn ngay được, ổ trứng gà đang ấp hắn húp tại chỗ, dư hắn bỏ túi. Đã mấy lần làng đưa hắn ra công khai hoá, lần nào hắn cũng nhăn nhở, xin lỗi, xin chưà, nể ông trưởng làng mọi người tha. Sáng ra, nhà hàng xóm mất nửa buồng chuối, có mảnh giấy cài ở nửa buồng còn lại, nét chữ nắn nót trịnh trọng “ Chính sách tôi học đã thông. Nhưng vì quá đói  xin ông nửa buồng”. Chủ nhà biết tỏng là Kiếp nhưng làm sao nói được, đành ngậm tăm.

 

Đã đói kém, lại thêm mất mùa liên tiếp, trận lũ năm Mậu Thân 1968 như một trận đại hồng thuỷ, mưa liên tiếp cả tuần, nước sông Hồng Hà dâng cao hung dữ. Từ mạn Lào Cai nước gầm rú kinh hoàng, nhà cửa, trâu bò, rường tủ trôi nghẹt sông, thấy người thân ngồi trên nóc nhà dập dềnh giữa sông, kêu cứu thất thanh nhưng đành bó tay,  nuốt nước mắt đứng nhìn. Sau cơn đại hồng thuỷ, làng Hà sơ xác tiêu điều, gần trăm nóc nhà trôi biến, gần chục người mất tích, nhà ông Xướng trưởng làng cũng bị bà thuỷ cuốn hết, chỉ còn trơ lại hai bộ phản  bằng gỗ ngọc lan bóng loáng. Đủ thứ xà bần đọng lại, nào rác ruởi, thân cây, xác động vật, xác người rạt vào gò chùa. Mẹ con bà Khưởng đi tìm lượm của rơi vãi, con Khơi la thất thanh bỏ chạy thục mạng từ trong đống xà bần ra, chân chạy miệng lắp bắp, tay chỉ chỉ vẻ sợ sệt tột độ. Bà Khưởng, tay cầm cây cù móc thận trọng dò dẫm từng bước về phiá con Khơi chỉ tay, bỗng bà khựng lại, đưa một tay lên bịt mũi. Mùi hôi thối nồng nặc, một xác người chương trình ình, hai mắt trợn thao láo. Bà Khưởng tính bỏ đi, xác người còn ôm khư  khư một bọc bùng nhùng, mắt bà Khưởng lóe sáng, bà lâm râm trong miệng: “ thác..rồi..bỏ..uổng..cho..tôi..xin..cái..bị..này..nhé..”. Tiền, toàn tiền giấy, ướt sũng mềm èo. Đem ra sân kho hợp tác phơi – con Khơi nói với bà Khưởng khi hai mẹ con lôi từng cuộn tiền trong bọc ra, hai mẹ con cười rúc rích, bà Khưởng nói:  Giàu to rồi con ơi, đúng là trời cho, đứa con giành – con thấy trước con phải phần nhiều. Hai mẹ con ôm từng cuộn tiền vào lòng vào ngực, con Khơi còn dùng miệng ngoặm cả cọc tiền ướt sũng chạy ra sân phơi,  quên hết mùi hôi thối nồng nặc từ xác chết, nhầy nhụa thấm vào từng tờ giấy bạc.

 

… Hôm nay Hội đồng làng mời đương sự giải quyết hai vụ. Vụ thứ nhất thu hồi số tiền hơn triệu bạc của chùa Quảng Yên bị mất cắp, vụ thứ hai đơn tố cáo của bà Dền, tố cáo ông Kiếp can tội hiếp dâm. Ong cán bộ xã vừa dứt lời, bà Khưởng quỳ xụp xuống, miệng lắp bắp: Dạ.. thưa.. thưa quý ông, quý bà quả là cái bọc tiền ấy nằm trong tay cái xác chết, con lấy cái sào móc con lôi ra, con xin thề trên có giời, dưới có đất, giữa có… Ông cán bộ xã cắt ngang – Thôi được rồi, thưởng cho bà năm mươi xu còn lại sung  quỹ làng, đưa bị tiền đây. Bà Khưởng ôm bị tiền khư khư, hai hàng nước mắt lã chã, ông cán bộ xã đứng phắt dậy, hai mắt ông trợn ngược, tay ông giật phắt bị tiền làm bà Khưởng lảo đảo, chới với ngã dúi xuống đất. “ Đưa đây, còn đủ không, đã tiêu đồng nào chưa, khai thật thà kẻo ở tù dục xương”. Ông mở miệng bị ra xem, miệng ông hỏi nhưng mắt ông dán vào những cọc tiền, rồi bỏ vội bị tiền vào hòm đựng luá khoá lại, bà Khưởng nói như van nài, cầu khẩn: Còn phần con, ông đã hưá… ông cán bộ xã móc túi áo đại cán ra nắm tiền xu, ông lật qua lật lại từng đồng, được đồng nào ông thả xuống đất, bà Khưởng bò lồm cồm dưới chân ông lượm từng cắc bỏ vào túi. Vớ cái điếu cày, vê điếu thuốc lào bằng đầu ngón tay cái ấn vào nõ, lấy bao diêm quẹt lửa, đưa ống điếu lên miệng kéo sòng sọc, ngửa cổ lên trời phả khói mù mịt. Ho xù sụ một hồi, vớ chén nước chè uống ừng ực; lấy lại vẻ nghiêm nghị, ông cán bộ xã hắng giọng: Còn bà Dền, bà thuật lại sự việc xem sao?.

- Dạ thưa.. thưa..thưa.. tối hôm…con đi.. đến gốc cây thị gặp hắn, thằng khốn nạn ấy, nó ôm ghì lấy con, con chống cự, con tính kêu thì miệng nó ngoạm cứng miệng con, một tay nó túm gáy con, tay kia nó sờ xoạng lumg tung  rồi nó thục ngay vào..vào cạp quần. Nó nói đứng im ngày mai nó cho chục trứng gà. Hôm sau cũng tại chỗ ấy, nó cũng ép con đứng sát vào gốc cây thị cho nó làm, làm xong nó xìa ra có hai trứng, nó đập vào gốc thị cho bể rồi húp luôn…

 

Ông cán bộ xã cười khùng khục, ông đưa mắt liếc ngang, liếc xéo, vưà cười cười ông vừa hỏi như diễu cợt – Tay Kiếp to cao thế, còn bà thì lùn tịt làm sao mà làm đứng được?.

- Dạ được chứ ạ, lúc ấy thấy thích thích, con kiễng chân con lên. Làm xong nó còn xốc nách nhấc con lên, nó xốc xốc hai ba lần, nó nói làm thế cho trôi ra hết là không có thai, nó biểu nó làm thế với ối các cô, các chị trong làng; ai cũng khen nó, còn cho nó húp trứng bồi dưỡng. Đấy nó lật lọng thế, con phải tố cáo nó…

Mấy bà sồn sồn đứng coi, nghe bà Dền trần thuật bấm nhau cười rúc rích, bà nào mặt cũng đỏ lựng, bẽn lẽn, có bà lẳng lặng úp nón cúi đầu bỏ đi. Bà  Dền tính tố cáo thêm,   ong cán bộ xã đang cười khùng khục vẻ giễu cợt, bỗng ông đập bàn cái sình, làm cho bà Dền nhảy cậng, mặt thất sắc. Ong cán bộ xã quát:

 - Đồ..đồ..đồ..đ..đê tiện..như vậy là thông dâm, truỵ lạc, đốn mạt. Phạt, phạt tất cả, tất cả làm ô ế làng này, xã này.

- Ông nói sao ạ, phạt tất ạ, phạt cả ông trưởng làng…

Từ bữa được ông cán bộ xã thưởng năm mươi xu, bà Khưởng bỗng trở thành người khác hẳn, tính tình như  trẻ con. Ngày nào cũng vậy, từ mơ sáng đã thấy bà chạy tung tăng từ đầu làng tới cuối làng, lúc nói, lúc cuời, đang cười rũ rượi bỗng bà khóc tồ tồ, năm mươi xu bà lấy cọng dây sâu thành chỗi, lúc thì đeo ở cổ, lúc thì nắm ở tay quay quay như đồ chơi. Càng ngày thân thể bà càng tiều tuỵ, những lúc thấy người khác ăn quà bà đứng nhìn, nước miếng chảy dài xuống cằm thấy mà não lòng.

 

… Ông Xướng, bỏ cây chổi quyét lá đa vào góc chùa, mắt hấp háy, ông ngồi xuống tảng đá kê làm bậc tam cấp lên thềm chuà, ông chậm rãi: Chắc cậu bỏ làng đi đã lâu, cậu không biết đâu, liên tục từ khi hai cây ngọc lan bị đốn hạ, làng Hà này phải gánh chịu không biết bao nhiêu tai ương, thiên tai có, nhân tai có, thù địch hiềm khích, oán hận, thôi thì đủ cả. Sau trận đại hồng thuỷ năm 1968, đến năm 1972 làng Hà này lại bị một trận kinh hoàng nữa. Nghe đâu tụi giặc Mỹ đã lén làm mưa nhân tạo ở thượng nguồn, chứ từ xưa đến nay đâu có những trận lũ lụt kinh hoàng đến thế. Đấy con suối chia cắt làng làm hai mảnh là hậu quả của trận lũ kinh hoàng năm ấy đấy, nó cuốn đi tất cả. Ông Xướng dừng lại hồi lâu, mắt lơ đễnh nhìn vào khoảng không vô tận, đôi mắt như không có hồn, ông nói như cho chính mình nghe:  “Tôi, tôi bị.. trời phạt, trời.. không cho chết, mà bắt tôi phải… tôi chỉ còn là kẻ độc thân, cả thằng Kiếp đứa con rơi của tôi cũng bị nước cuốn mất tích.. đấy cậu kìa, dòng suối…”. Nhìn theo cánh tay khẳng khiu như nhánh cây khô của ông Xướng, tôi mới nhận ra dòng suối, nước đỏ như máu, dòng suối giận giữ sẻ đôi làng Hà, tuổi thơ  tôi chưa hề biết đến dòng suối này.

 

Tây Ninh, tháng 5/ 2006

Nguyễn Khắc Luân
Số lần đọc: 2023
Ngày đăng: 25.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Im lăng - Đào Bá Đoàn
Tâm sự của một người đàn bà bỏ chồng - Hương Hà
Cõi hư - Nguyễn Thanh Đức
Tần Doanh Chính - Phạm Lưu Vũ
Mộng du - Đào Bá Đoàn
Kịch bản một chuyện tình - Đặng Hoàng Thái
Đất mặn - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Đoạn kết một bộ phim - Phan Thị Thu Loan
Con nước đi rong - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Bão quét - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Cùng một tác giả
Ký ức làng Hà (truyện ngắn)