Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
884
123.366.670
 
Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục
Hà văn Thùy

Chuông reo, tôi nhấc máy. “Chết rồi, ai lại viết như thế. Không biết thì phải hỏi chứ ông viết như thế này có phải giết văn chương không?” Giọng quen thuộc của người bạn thân vọng bên tai. Biết tính hay trửng giỡn của bạn, tôi cũng đùa: “Trời sập rồi sao?” Vẫn vẻ đầy tự tin hơi có mùi kẻ cả, bạn tôi lên tiếng: “Câu thơ Đỗ Mục dẫn tích Triệu Phi Yến người nước Sở eo nhỏ có thể múa trên lòng bàn tay hay thế mà ông lại dịch ‘Lưng eo bụng lép trong tay không tiền’ thì có chết người ta không?” Hiểu chuyện, tôi nhẹ nhàng: “Bác ơi, tôi có dịch đâu! Tôi lấy của ông Trần Trọng Kim đấy! Trước đây tôi đã bàn chuyện này trên Thế giới mới với nhà thơ…  ” “Tôi có trong tay hai bài của Chu Mạnh Trinh và Trần Trọng Kim đây, đều dịch câu Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh Lưng eo gái sở trong tay nhẹ nhàng. Trần Trọng Kim làm sao lại dịch như thế được? Có lẽ ông nhặt từ đâu ấy chứ!” Không thể bàn thêm được nữa, tôi nổi quạu: “Sao lại nhặt? Thôi bác kệ tía nó!” Lòng không vui vì chuyện vừa xảy ra, tôi quay lại giá sách, lấy tập thơ, tìm bài Khiển hoài rồi bấm máy gọi lại cho bạn: “Bác ơi, đúng là Trần trọng Kim dịch như vậy đó, trong cuốn Đường thi, nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn in lần thứ hai, năm 1974…” “Thật vô phúc cho kẻ nào phải biên tập sách của ông. Nếu phải làm việc đó, tôi sẽ ghi thế này này: “Đúng ra phải dịch là Lưng eo gái Sở trong tay nhẹ nhàng. Người biên tập đã trao đổi với tác giả. Tác giả yêu cầu giữ nguyên.” “Như vậy là khoa học chứ gì? Để cho người đọc gõ vỡ cái đầu ngang ngạnh của ông!”.

 

Như vậy, một lần nữa câu thơ Đỗ Mục lại phải đưa lên bàn mổ. Hai cách hiểu khác nhau, đều của các ‘nhà’. Cách hiểu nào gần với sự thật hơn?

         *

Theo thông lệ, xin chép lại bài thơ:                 

 

  KHIỂN HOÀI

Lạc phách giang hồ tái tửu hành

Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,

Dinh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.

 

Cụ Trần Trọng Kim dịch:

 

PHÓNG PHÁT SỰ NGHĨ TRONG LÒNG

 

Giang hồ lạc phách rượu say,

Lưng eo bụng lép, trong tay không tiền,

Dương-Châu giấc mộng mười niên,

Nổi danh bạc-hạnh ở miền lầu xanh.

 

Sau khi khảo sát, tôi thấy bên cạnh bản của Trần Trong Kim thì nhiều nhà khác dịch với ý Lưng thon gái Sở trong tay nhẹ nhàng. Tìm ngẫu nhiên trên mạng gặp bản của Hán Giang Nhạn, một bản dịch yếu nhưng cũng mang ý tương tự (Nguồn: http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=208):

 

GIẢI NỖI NHỚ

 

Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu

Cùng người nhỏ bé ở bên nhau

Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng

Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu

 

Xin được gọi bản dịch của Trần Trọng Kim là phương án 1, các bản dịch ngược với cụ là phương án 2 cho dễ thảo luận.

Để phân tích bài thơ, xin đề cập các khía cạnh sau:

 

1/Nghĩa đen:

 

Chỗ mắc mớ là câu Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh quá hàm súc. Hàm súc tới mức khó hiểu. Nếu dịch thật sát thì nghĩa đen câu thơ là: eo Sở thon nhỏ trong tay nhẹ. Vậy có thể hiểu câu thơ sao đây? Muốn thế phải phân tích ngữ pháp thật tường tận.

  

Không ít người cho lạc phách giang hồ là chủ ngữ chung của hai câu, tái tửu hành là vị ngữ của mệnh đề trên, Sở yêu tiêm tế là bổ ngữ, thủ trung khinh là vị ngữ của mệnh đề dưới. Do hiểu như vậy nên đã dịch thành: kẻ giang hồ rượu say ôm gái Sở nhẹ nhàng trong tay. Nhưng đó là lầm lẫn đáng tiếc. Với ba từ thủ trung khinh thì khinh không phải động từ tức không phải từ chỉ hành động, mà là trạng từ, bổ nghĩa cho trạng ngữ thủ trung đứng trước nó, vì vậy thủ trung khinh không thể giữ vai trò vị ngữ. Ta nhớ trường hợp bài Hoạ Luyện tú tài Dương liễu của Dương Cự Nguyên: Ân cần cánh thướng thủ trung xuy. Ở đây, nhờ có động từ xuy nên thủ trung xuy mới giữ được vai trò vị ngữ trong câu. Chưởng trung khinh không phải là vị ngữ thì cách hiểu trên đây về cấu trúc ngữ pháp câu thơ không đúng. Từ đó lời dịch Lưng eo gái Sở trong tay nhẹ nhàng cũng sai nốt. Cách hiểu này cũng không đúng với nghĩa đen: bàn tay không thể nắm được một người-chưởng trung là ở trong tay, tức nắm trong tay- dù nhỏ đến đâu, hơn nữa lại nắm một cách nhẹ nhàng! Như vậy cách hiểu này không đúng với thực tế câu thơ.

  

Theo thiển ý, hai câu đầu có chủ ngữ duy nhất lạc phách giang hồ. Tái tửu hành là vị ngữ thể hiện hành động của chủ ngữ duy nhất đó. Sở yêu tiêm tế là tính ngữ (adjective) bổ nghĩa cho chủ ngữ để nói rằng: cái kẻ giang hồ ấy ốm đói lưng eo bụng lép. Thủ trung khinh là tính ngữ thứ hai bổ nghĩa cho chủ ngữ: cái gã giang hồ ấy trắng tay, trong tay không tiền.

 

So sánh hai cách hiểu, ta thấy cách hiểu thứ nhất vừa sai về ngữ pháp lại không phù hợp với nghĩa đen: không thể nắm người trong lòng bàn tay. Tuy có thể chấp nhận chừng mực nào đó theo nghĩa bóng nhưng cũng khiên cưỡng.

 

Cách hiểu thứ hai đúng về ngữ pháp, sát theo nghĩa đen lại phù hợp với thực tế: cả hai câu thơ cùng mô tả một con người giang hồ say xỉn, thân gầy ốm, tay không tiền!

 

2/ Tâm lý sáng tác:

 

Để hiểu một tác giả, điều không thể thiếu là hiểu tiểu sử ông ta. Trong trích ngang lý lịch nhà thơ, Trần Trọng Kim viết: “Đỗ Mục tự Mục Chỉ, hiệu Phân Xuyên, đổ tiến sĩ năm Thái Hoà, làm quan đến chức Trung thư xá nhân, tính cương trực, có kỳ tiết. Có tài thi văn ngang với Lý Thương Ẩn.” Ở phần chú thích bài thơ, người dịch còn ghi: “Tác giả làm bài thơ này nhắc lại mấy năm chơi bời lêu lổng ở Dương Châu.” Như vậy có nghĩa là thời trẻ Đỗ Mục  từng ăn chơi phóng đãng. Sau đó tỉnh ngộ lại, tu chí học hành rồi đỗ đạt cao, làm quan to.

 

Có thể đoán, bài Khiển hoài được viết khi nhà thơ cao tuổi, đã đỗ đạt, ở đỉnh của danh vọng phú quý, nhìn lại thời trẻ của mình. Ta như nhìn thấy ông, bên chén trà, nhìn ánh trăng xuôi chảy trên sông, nghĩ về ngày cũ, mắt ánh lên tia cười tự diễu. Lạc phách giang hồ nhà thơ tự coi mình là kẻ giang hồ, du đãng. Tái tửu hành: chữ tái ở đây chính là chữ tải với nghĩa chuyên chở: cái thân xác giang hồ say xỉn như cái thùng chở rượu, như cái hũ chìm. Cái kẻ giang hồ say xỉn ấy lại là kẻ trác táng tới mức nổi danh bạc hạnh. Bạc Hạnh là kẻ bạc tình có tiếng đến mức cái tên riêng của y đã biến thành tính từ chỉ sự bạc tình, kiểu Sở Khanh. Khi phóng phát sự nghĩ trong lòng thành thơ, nhà thơ tự chê mình, tự trách mình, tự cho rằng mình đã có một tuổi trẻ hư hỏng. Trong âm hưởng chung của sự hối lỗi ấy, câu Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh mang ý nghĩa gì? Theo tôi, về tâm lý sáng tác, không thể là sự khoe khoang, tự hào (đã từng ôm trong tay nhiều gái đẹp). Ở tuổi ấy, với cuộc sống và cương vị ấy, tác giả hẳn không tầm thường đến thế. Ý này trái với âm hưởng chung của bài thơ mà cũng trái với nhân cách một con người có kỳ tiết như họ Đỗ. Ý tự trào, tự diễu mình: lưng eo bụng lép trong tay không tiền tỏ ra phù hợp tâm trạng nhà thơ hơn.

 

3/ Xét theo nghệ thuật thơ

 

Trong một bài thơ, điều bắt buộc là phải nhất quán về tư tưởng. Bài thơ có 3 vần mà vần đầu thì tự chê là kẻ say xỉn bê tha, vần cuối tự trách là kẻ bạc tình thì vần thứ hai không được phép nói trái với hai vần kia: không thể là cảm giác thich thú, đề cao sự hưởng lạc! Vì vậy, câu thứ hai không thể khoe rằng trong tay từng ôm nhiều gái đẹp Lưng eo gái Sở trong tay nhẹ nhàng hay hiểu như Hán Giang Nhạn là Cùng người nhỏ bé ở bên nhau. Cố nhiên, trong thời trác táng, tác giả nhiều phen chơi bời thoả chí. Nhưng cũng không phải không có lúc ốm gầy, tay trắng, đó chính là những lúc đáng ghi nhớ nhất, đáng tự diễu nhất. Như vậy tính nhất quán được tôn trọng.

 

Một khía cạnh nữa, ta thấy, đúng sở yêu là điển tích Triệu Phi Yến nước Sở. Nhưng điển tích này không phải từ kinh, truyện do tác giả phát hiện một cách độc đáo mà là câu chuyện rất quen thuộc nơi dân gian, tới sáo mòn… Vì vậy, trong bài thơ có 4 câu mà phải để 1 câu nhắc lại một điển tích mòn sáo thì quá lãng phí, nếu không muốn nói là quá dễ dãi, tầm thường, quá sến. Một tác gia lớn như Đỗ Mục sẽ không làm thế. Tài năng của họ Đỗ là vận dụng điển tích với ý nghĩa trái ngược: không phải ôm gái Sở trong tay, mà chính ta là rắng tay, thân gầy bụng lép. Đó là sáng tạo của nhà thơ trong vận dụng điển tích: tạo một pha phản-điển-tích, gây hiệu quả lớn về nghệ thuật, làm nổi bật được ý của mình và khiến cho người đọc phải nhớ.

 

Một sự thực ủng hộ Đỗ Mục là cái hiếu tế yêu – thích người eo nhỏ- của ông vua nước Sở đã gây hậu quả trong đời thực: “Vua Linh vương nước Sở thích người lưng eo, mà trong nước có nhiều người nhịn đói. Nhịn đói vì muốn bụng nhỏ lưng eo.” Đấy chính là cái nền để Đỗ Mục viết Lưng eo bụng lép: Ta lưng eo bụng lép không phải để cho Linh vương yêu mà vì chưởng trung khinh- trong tay không tiền.

 

4/ Ý nghĩa mỹ học.

 

Theo quan niệm phương Đông thì văn dĩ tải đạo. Đạo ở đây là nhân, nghĩa… Bài thơ Đỗ Mục tuy nhẹ nhàng nhưng cũng là lời tự kiểm, lời sám hối cho một quá khứ buông tuồng. Tác giả tự chê trách mình nhưng cũng giống như người cha người ông từng trải với tấm lòng bao dung nhân ái nhìn cháu con lỗi lầm. Trong cảm thông có ý răn dạy, răn dạy bằng chính cuộc đời mình. Đó là ý nghĩa thẩm mỹ, ý nghĩa nhân bản của bài thơ. Trong bài thơ như vậy không thể có chỗ cho sự ngợi ca trò trác táng Lưng eo gái Sở trong tay nhẹ nhàng.

Phải vậy chăng, cúi xin quý vị cao minh chỉ giáo!

 

Ngày Trọng Đông năm Bính Tuất

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5979
Ngày đăng: 26.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ ! - Triệu Xuân
Tử cung vĩ đại - Henry Miller
Tôi là Vũ Ngọc Tiến xin trân trọng thông báo một sự việc khẩn - Vũ Ngọc Tiến
KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xử - Đặng Thân
Xác và hồn của tiểu thuyết - Hoài Anh
Vĩnh biệt Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương - Hồ Tĩnh Tâm
Bàn tròn văn chương qua ba kỳ phiêu lãng…. - Inrasara
Vô và Hữu…Sai hay Đúng? - Đông La
Viết ngắn 01. Nhà thơ và vấn đề lí luận - Inrasara
Nhà thơ học biết …sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)