Lời tác giả: “Vụ án văn chương” quanh cuốn Quân Sư Đào Duy Từ đã kết thúc nhẹ nhàng, ấm tình người. Tôi không hề muốn làm căng thẳng, nhưng vì Nxb Phụ Nữ luôn tỏ ra thiếu thiện chí và lảng tránh trách nhiệm nên mới thành to chuyện. Tại cuộc đối chất (26/12/2006) người sao chép đã chính thức nhận lỗi, còn tôi (VNT- người bị hại) cũng trân trọng tuổi tác, nghề nghiệp và nỗ lực sáng tạo thêm của người đã vô tình sao chép nên không tiếp tục khiếu kiện ra tòa dân sự Hà Nội, chỉ yêu cầu Nxb ngừng ngay việc phát hành. Song tôi thiết nghĩ, đây là bài học chung cho cơ quan cấp phép, các nhà xuất bản, cả những ai muốn viết truyện lịch sử. Và vì thế, tôi công bố bài viết này như một lời tâm tình cởi mở với bạn viết, bạn đọc.
1. Quá trình chuẩn bị
Năm 1995, vào dịp kỷ niệm 50 năm nước Việt Nam Mới và 30 năm thống nhất đất nước, cũng là gần 10 năm đổi mới, tôi nảy ra ý tưởng viết bộ ba tiểu thuyết lịch sử về ba nhà cải cách (Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ). Cuốn sách hoàn thành đầu tiên là về Trần Thủ Độ (Khói mây Yên Tử) gặp thuận lợi vì rất nhiều tư liệu tới mức tôi còn “ăn theo” nó, được giải thưởng “Bài hay của tháng” tháng 9/2002 và giải nhì cuộc thi viết ký- phóng sự trên tuần báo Văn nghệ 2002-2003 cho loạt bài ký vãng lịch sử thời Lý – Trần. Với Khúc Hạo và Đào Duy Từ, tôi mới chỉ viết xong về cơ bản bộ khung xương sự kiện lịch sử đan xen vào hư cấu cho hai cuốn “Cúc Bồ tụ nghĩa” (hay “Giao Châu tụ nghĩa”) và “Quân Sư Đào Duy Từ” vào cuối năm 2000, nhưng chưa thật ưng ý vì ít tư liệu, phải hư cấu nhiều. Tình cờ được biết GS Văn Tạo có công trình nghiên cứu về các cuộc cải cách trong lịch sử Việt Nam, tôi đến tìm ông tại K10, Tập thể ĐHBK Hà Nội trao đổi, xin ý kiến và ông đã giới thiệu tôi đến cơ quan mua cuốn sách của ông (7/2001). Đây là cơ sở chính để tôi phát triển thành những tư tưởng lớn trong quá trình cải cách của Khúc Hạo và Đào Duy Từ. Song những dấu hỏi lớn về thân thế, sự nghiệp của Đào Duy Từ, đặc biệt là thời thơ ấu và quãng thời gian trước khi ông vào Nam chưa tìm được hướng khai thông thật nhuyễn cho mạch hư cấu cốt truyện. Vì thế, tôi tìm đến GS lịch sử Đinh Xuân Lâm (10/2001) trao đổi và xin ý kiến. Ông đã tận tình chỉ bảo tôi rất nhiều điều bổ ích, lại cho tôi mượn 2 tài liệu là cuốn sách mỏng về Đào Duy Từ của Trần Thị Liên (học trò của GS Lâm) và tập kỷ yếu Hội thảo về Đào Duy Từ (1993). Ngoài ra, khi viết bài về hai NGƯT của ĐHQG Hà Nội (12/2000) là PGS khảo cổ học Hoàng Văn Khoán và GS chuyên về phương ngữ Hoàng Thị Châu, được biết thêm về quê hương với ngã ba sông Ngàn Sâu – Ngàn Phố rất đặc sắc của thầy Khoán và kiến thức phong phú về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết Tây Nguyên của cô Châu, tôi như được tiếp thêm cảm hứng và chất liệu để hư cấu lấp đầy quãng thời gian bỏ trống đã nói ở trên cho cuộc đời Đào Duy Từ… Đó là những cơ hội tiếp xúc tuyệt vời trong quá trình chuẩn bị viết “Quân sư Đào Duy Từ” mà nếu không có nó, tôi sẽ còn phải loay hoay vật lộn với hàng chồng tư liệu tham khảo: Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên- quyển 3 và Đại Nam Nhất Thống Chí- quyển 9 (Quốc sử quán triều Nguyễn), Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí (Nguyễn Khoa Chiêm- qua bản dịch của Ngô Đức Thọ hồi đầu thế kỷ XX), Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), các tộc phả hai họ Đào- Nguyễn từ Thanh Hóa đến Bình Định, các thần phả, sắc phong ở nhiều đền miếu… Mới hay tư liệu tham khảo càng nhiều có khi lại càng rối trí bởi ở xứ An Nam mình tài liệu lịch sử thường không nhất quán, lẫn lộn giữa chính sử và dã sử, huyền tích. Chọn gì trong đó để hình thành khung xương cốt truyện liền mạch, hợp với logic sự kiện, lại bật lên được tư tưởng của người viết? Bài toán nan giải ấy đã được tôi tháo gỡ qua các cuộc tiếp xúc với các sử gia, các nhà khoa học ...
2. Tư tưởng chủ đạo của tác giả
Tôi thường tâm đắc với một nhà chuyên viết kịch bản phim truyện lịch sử rất nổi tiếng của phương Tây. Ông nói: “Lịch sử bản thân nó đã là cuốn tiểu thuyết trong quá khứ, còn tiểu thuyết lịch sử lại là lịch sử được viết lại theo minh triết và óc tưởng tượng của nhà văn. Nếu viết truyện để minh họa lịch sử thì thà đọc ngay lịch sử nguyên bản còn hơn.” Minh triết là những thông điệp tư tưởng mà tác giả muốn chuyển tải tới bạn đọc đương thời, thông qua nhân vật và sự kiện lịch sử có thật, nhưng đã được tác giả trộn ngấu vào trong hư cấu theo mạch tư duy của riêng mình. Cái thông điệp bao trùm trong cuốn “Quân Sư Đào Duy Từ” mà người viết muốn chuyển tải bắt nguồn từ ý tưởng sau: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có rất nhiều vĩ nhân vượt biển ra đi tìm đường cứu nước (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh). Tác giả tưởng tượng ra, 400 năm trước, Đào Duy Từ đã đi khắp bán đảo Đông Dương, sang cả Trung Hoa để quan sát dân tình, thời cuộc, am tường địa lý… tìm đường mở cõi. Muốn mở cõi thành công thì bản thân nước mình phải mạnh và muốn nước mạnh thì phải cải cách toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa. “Cải cách nửa vời chỉ làm rối lên một mớ bòng bong, làm loạn xã hội.” (lời Đào Duy Từ trong tác phẩm). Chìa khóa để mở thông cánh cửa tư tưởng ấy là sự kết hợp giữa chính sử trong quá trình chọn lọc từ các nguồn tư liệu rất khác nhau và những hư cấu lấp đầy khoảng trống thời gian trong tư liệu lịch sử về tuổi thiếu thời (1572- 1592) và tuổi tráng niên (1613 - 1625) của Đào Duy Từ. Hai khoảng trống thời gian này vừa là mảnh đất lý tưởng cho hư cấu tung hoành, lại vừa là cái bẫy với người viết nếu không luôn cảnh giác đối chiếu với chính sử sao cho phù hợp logic của các sự kiện lịch sử nối tiếp xuyên suốt cốt truyện.
3. Lý do lịch sử của những hư cấu trong cốt truyện
Duy Từ sinh năm 1572 tại Thanh Hóa, mất năm 1634 tại Thuận Hóa, thọ 62 tuổi. Nét lạ trong cuộc đời 62 năm đầy sóng gió của ông là sự nghiệp chói sáng vào 8 năm cuối đời, nhưng hành tung của ông lại vô cùng bí hiểm. Nhiều lỗ hổng của lịch sử xung quanh cuộc đời ông vẫn còn là dấu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu và đó cũng là nỗi đau xuyên nhiều thế kỷ trong đại gia tộc họ Đào ở Thanh Hóa và Bình Định. Tại Hội thảo năm 1993, các sử gia nghiên cứu Đào Duy Từ chỉ quan tâm đến chuỗi câu hỏi mang tính học thuật:
- Cha mẹ, thân thích ruột thịt của ông là những ai, ở đâu, nghề nghiệp, học vấn, vị thế xã hội của họ?
- Ông thi Hương năm nào, tại đâu, có đúng là bị loại ra khỏi trường thi?
- Ông bắt đầu vào Nam năm nào, hoàn cảnh sống ra sao?
- Trước khi vào Nam, mẹ ông còn sống hay qua đời, ông có vợ con chưa và nếu có là những ai, dòng trực hệ chính thống ở Thanh Hóa sau này?
- Phú ông họ Cao gả con cho Duy Từ rồi liệu Trần Đức Hòa có gả con gái nữa cho ông?
- Mối quan hệ huyết thống giữa họ Đào ở Hoài Nhơn- Bình Định với họ Đào ở Tĩnh Gia- Thanh Hóa?...
Ở góc độ người viết tiểu thuyết, tôi đặc biệt quan tâm đến mấy điều bí ẩn khác:
- Một nhân vật kiệt xuất như Duy Từ ắt phải có thầy dạy kiệt xuất trong giới thức giả dân gian. Không những thế, vị này còn bao chứa tài năng ở nhiều lĩnh vực Nho- Phật- Lão, binh pháp, văn thơ, nghệ thuật…
- Tình bạn tuổi thơ và tình yêu tuổi trẻ của ông gồm những ai, diễn biến thế nào? Nó ảnh hưởng đến số phận và sự nghiệp của ông ra sao trong khoảng thời gian 1572- 1592?
- Hành trình của ông từ sau buổi gặp gỡ Nguyễn Hoàng (1592) với bài thơ xướng họa nổi tiếng giữa hai người (nếu có cuộc gặp ấy) đến tận khi vào Nam, xuất hiện ở nhà phú ông với thân phận kẻ chăn trâu (1625). Đây là bức tranh xã hội lý thú, nhưng cũng khó nhất về thân phận của Đào Duy Từ vì nó sẽ hun đúc khát vọng mở cõi hay ngược lại, sẽ xói mòn tài năng, nghị lực của một vĩ nhân. Mọi hư cấu ở giai đoạn này phải đảm bảo khớp nối được với thời cuộc trong các giai đoạn trước năm 1592 ở Bắc và sau năm 1625 ở Nam.
- Diễn biến thế cuộc và đời tư của ông trong 8 năm phò giúp chúa Nguyễn Phước Nguyên chắc phải có những gì đặc biệt khác nữa ngoài việc đắp mấy lũy trên các tuyến phòng thủ mạn Bắc và cải cách chính sự trong Nam, bởi không phải ngẫu nhiên các triều đại ban tặng cho ông danh xưng có công đầu mở cõi? Để làm sáng tỏ điều này có nên chăng thay đổi một ít dữ kiện lịch sử không quan trọng để thuận cho việc hư cấu cốt truyện?...
4. Các nhóm sự kiện, nhân vật, mạch truyện hư cấu chính
Đại sư Duy Giác và tiểu Tuệ Năng là hai nhân vật hư cấu nhằm lấp chỗ trống thời gian 8 năm tuổi thiếu thời (1584- 1592) của Duy Từ, ảnh hưởng lớn nhất đến tài năng, đức hạnh của ông sau này. Việc tôi hư cấu cho đại sư Duy Giác làm hậu duệ của Trần Hưng Đạo, nhánh Hưng Ninh Vương Quốc Tảng là để ngài vừa dạy Duy Từ kiến thức Nho- Phật- Lão vừa dạy võ thuật, binh thư nữa. (GS Đinh Xuân Lâm còn lưu ý tôi rằng, cuốn “Binh thư yếu lược” hiện nay do cụ Đào Duy Anh dịch có nhiều đọan cụ Anh cho là có sự lẫn lộn với cuốn “Hổ trướng khu cơ”). Điều này càng củng cố ý tưởng hư cấu của tôi về sự kế thừa binh pháp thông qua đại sư Duy Giác. Chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường cũng là hai điểm địa danh do tôi tự đặt ra. Tiểu Tuệ Năng là nhân vật hư cấu như một sợi dây liên hệ giữa các tuyến nhân vật hư cấu khác. Ngoài ra, Tuệ Năng chính là biểu tượng về cải cách tôn giáo dưới thời các chúa Nguyễn ở phương Nam mà trong đó công lao của Duy Từ góp vào không nhỏ.
Nhóm nhân vật ông Danh, thầy đồ Mậu, Hữu Dư, Thục Nga, xã trưởng Đặng Phấn được hư cấu nhằm lấp khoảng trống thời gian 1572- 1592 là chính, nhưng khi đã tạo ra họ thì mỗi nhân vật đều phải có đời sống riêng. Khai thác họ thế nào, đến đâu thì “khai tử” là cả một sự tính toán, cân nhắc với chính sử: Thầy đồ Mậu, Hữu Danh, Đặng Phấn chết ở hồi thứ tư; Thục Nga chết ở hồi thứ bảy, trên đường lưu lạc cùng với Hữu Dư ở thung lũng sông Ngàn Phố (Tây Hà Tĩnh); Hữu Dư và cả Tuệ Năng tác giả để cho sống đến hết truyện, gắn với tình tiết Hữu Tiến là nhân vật có thật được hư cấu thành con của Hữu Dư vì trong chính sử chỉ nói Hữu Tiến quê ở làng Vân Trai (gần Hoa Trai), thuộc huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa, không có dòng nào nói về cha mẹ ông.
Mạch truyện hư cấu quan trọng để tạo nên số phận gian truân, cay đắng của Duy Từ ở tuổi còn thơ cho đến năm ông 20 tuổi là có sự điều chỉnh một chi tiết nhỏ trong tài liệu chính sử: Theo một tài liệu, bà Nguyễn Thị Mạch còn sống ở quê đến khi Duy Từ lấy vợ và còn kịp nhìn thấy mặt cháu nội Đào Thị Hưng ra đời. Bản thân chi tiết này vốn đã không chắc chắn, bị nhiều sử gia đặt dấu hỏi nghi vấn. Do đó tôi đã hư cấu hai nhân vật quan phủ Bá Sinh và xã trưởng Đặng Phấn cùng ve vãn, o ép bà Mạch góa bụa, cuối cùng, sau khi bị Đặng Phấn cưỡng hiếp, bà tự tử ở ngòi La. Hữu Dư căm uất, lại nóng nẩy từ bé nên đã giết Đặng Phấn và bị tù ở nhà lao phủ An Trường. Tiếp đến Thục Nga đóng giả trai đi tìm Duy Từ, giữa đường họ tình cờ gặp nhau và tổ chức một cuộc cướp ngục ngọan mục mang hơi hướng truyện chưởng của Kim Dung. Toàn bộ mạch hư cấu này không chỉ nhằm hấp dẫn bạn đọc mà còn có chủ ý chuẩn bị lý do hư cấu hành trình lang bạt, giang hồ gần 20 năm tiếp theo của bộ ba này (sau cuộc gặp gỡ - cũng là do tôi hư cấu thêm - của Đào Duy Từ với Nguyễn Hoàng ở chùa Tiêu Sơn- Bắc Ninh). Liên quan đến vụ cướp ngục là mạch truyện hư cấu khác về mối tình tay ba giữa Thục Nga với Duy Từ, Hữu Dư. Do hoàn cảnh bị truy nã, Duy Từ đổi tên là Trần Năng ra Thăng Long, sau đó lên Cao Bằng vận động nhân tài của nhà Mạc bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn. Ông còn sang Trung Quốc tìm hiểu nhà Minh bên đó đang suy yếu, sắp mất vào tay nhà Thanh. Đây là hư cấu nhằm khắc đậm tố chất của một chính khách thiên tài, vun đắp thêm công lao to lớn của Duy Từ với chúa Nguyễn. Một nhánh hư cấu khác sau vụ cướp ngục là sự kiện Hữu Dư đưa Thục Nga trốn vào Nam theo chúa Nguyễn trước để đợi Duy Từ ở đó. Họ bị mắc kẹt ở thung lũng ngã ba sông Ngàn Sâu- Ngàn Phố. Địa danh này vốn là quê của PGS Hoàng Văn Khoán, tôi đã viết bài “Người thầy ấy ra đi từ thung lũng chữ Nhân” về ông, trong tôi vẫn còn đọng lại nhiều ấn tượng mạnh với vùng đất đẹp mà nghèo, sản sinh nhiều sử gia nổi tiếng hiện nay. Hình tượng Hữu Dư sau này trở thành người lập trạm đón tiếp các hộ dân từ Bắc di cư vào Nam lập nghiệp là do tác giả liên tưởng đến con đường Nam tiến của các đoàn quân giải phóng “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” và các binh trạm trên đường mòn Hồ Chí Minh.
5. Một vài điều chỉnh cố ý sai lệch nhỏ với chính sử
Đây là thao tác cần thiết để tác giả khắc đậm tư tưởng cải cách và công lao to lớn của Đào Duy Từ trong việc mở cõi vào Nam. Thứ nhất, Lê Thời Hiến là một nhật vật lịch sử khá nổi tiếng thời Lê- Trịnh. Tàì liệu chính sử không ghi rõ năm sinh, chỉ ghi quê ở Tả Thanh Oai- Hà Tây, nhưng lại có chỗ ghi ông là bạn học của Đào Duy Từ (?). Ông xuất hiện trên chiến trường Nam- Bắc nồi da xáo thịt chỉ từ cuộc chiến tranh lần thứ tư (1648) sau khi Duy Từ chết (1634) và đặc biệt nổi danh ở cuộc chiến tranh lần thứ bảy (1661- 1672). Chính GS Lâm đã nhắc nhở tôi phải cẩn trọng khi đề cập đến Lê Thời Hiến do chênh lệch tuổi. Tuy nhiên, lợi dụng sự không rõ ràng về lai lịch, tuổi tác của nhân vật, tôi hư cấu nên mạch truyện cha của Hiến bỏ quê Thanh Oai vào Thanh Hóa sống, nhờ đó ông quen biết Từ qua sư bà Diệu Minh ở chùa Thiên Phúc, nghĩa tình như huynh đệ. Khi Duy Từ thoát khỏi nhà lao ở Ung Ninh- Quảng Tây- TQ về nước, ông đi khảo sát chiến lũy Đa Bang của Hồ Nguyên Trừng khi xưa để sau này giúp chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục… Sau đó, ông bí mật về Thăng Long gặp Lê Thời Hiến, ngầm thỏa thuận sẽ cùng can ngăn hai chúa của mình không gây chiến tranh tàn hại nòi giống người Việt. Mạch hư cấu này ngầm nói lên nỗi đau và khát vọng nghìn đời của trí thức dân tộc ta trong thế kỷ XX đẫm máu vừa qua, đồng thời tạo tiền đề cho cuộc giao chiến giữa Hiến và Từ sau này ở bờ sông Linh Giang (sông Gianh). Đây cũng là sự hư cấu cố tình sai lệch với chính sử vì theo tài liệu thì đó là cuộc chiến tranh thứ hai (1632), không hề có mặt Lê Thời Hiến. Theo Trần Trọng Kim, thời Trịnh- Nguyễn phân tranh có 7 cuộc chiến nồi da xáo thịt (1627- 1672). Thời Hiến cầm quân nổi danh nhất ở cuộc chiến tranh thứ 7 (1672), nếu ông là bạn cùng lứa với Duy Từ (sinh năm 1572) thì chẳng lẽ ông cầm quân đánh nhà Nguyễn cả khi đã 100 tuổi sao?! Giả thuyết ông là bạn học với Duy Từ của sử gia nào đó trong tài liệu chính sử chắc là sai, nhưng tôi lợi dụng cái sai ấy phục vụ cho ý đồ nêu bật tư tưởng trí thức hai miền phản đối mọi cuộc nội chiến, được gài cắm vào cốt truyện hư cấu mà thôi. Khi hư cấu tôi cũng chỉ dám lấp lửng để hai người kết bạn, rất có thể là bạn vong niên, qua sự giới thiệu của sư bà Diệu Minh.
Thứ hai, hành trình vào Nam của Duy Từ, theo cứ liệu lịch sử thì ông đi theo đường biển, cập bến sinh sống ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tác giả điều chỉnh lại cho ông đi đường bộ qua thung lũng sông Ngàn Phố để phù hợp với lời giao ước khi chia tay Thục Nga và Hữu Dư, tạo không khí truyện đượm chút khói sương mờ ảo như trong Thủy Hử và chưởng Kim Dung vậy. Một mặt khác, qua tiếp xúc với GS Hoàng Thị Châu, đọc công trình về phương ngữ, chữ viết của các tộc người trên Tây Nguyên của bà, tôi biết xưa nơi đó đã từng tồn tại hai quốc gia Xá Lợi và Lâm Ấp. Từ đây, tôi nảy sinh ý tưởng hư cấu cho Duy Từ chu du qua 4 nước phương Nam (Xá Lợi, Lâm Ấp, Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp) để ông có đủ cơ sở thực tiễn hoạch định chiến lược mở cõi. Khi ông mới về nước, tôi lại hư cấu ông sống ở Quảng Nam chăn trâu cho phú hộ họ Cao; chỉ khi ông hấp hối mới xin chúa Nguyễn cấp ruộng cho vợ con về sống đạm bạc ở Tùng Châu là muốn đề cao nhân cách của ông, nhắc nhở các quan tham nhũng nhà đất hiện nay. Một điều thú vị là trong quá trình viết tiểu thuyết, tôi phát hiện ra trên Buôn Mê Thuột có đền Lạc Giao của người Kinh thờ Đào Duy Từ làm Thành Hoàng làng. Năm 1932 vua Bảo Đại đã có sắc phong công nhận việc thờ cúng ấy. Các nhà nghiên cứu hiện tại chỉ muốn khai thác ý nghĩa chính trị của sự kiện này nên giải thích đó là hành động chứng tỏ vua Bảo Đại khẳng định chủ quyền của Nam triều trong cuộc tranh chấp quản lý vùng Tây Nguyên. Dưới góc nhìn của người viết văn tôi tự hỏi: Bảo Đại là ông vua Tây học, sống ở Pháp từ bé, sợ toàn quyền Pháp như sợ cọp mà có được quyết định ấy, phải chăng do sức ép và tâm nguyện của người Việt ở làng Lạc Giao muốn suy tôn Đào Duy Từ đã từng là người Việt đầu tiên đặt chân lên vùng đấy ấy? Và vì thế, ý tưởng hư cấu Duy Từ chu du qua 4 nước phương Nam trong tôi càng mạnh mẽ. Mạch hư cấu này lẽ ra có thể viết hàng trăm trang, nhưng tôi cố ý dè xẻn nó làm “của để dành” cho một cuốn sách khác.
Thứ ba, một điều chỉnh lịch sử khác nhằm khắc đậm công lao mở cõi của Duy Từ là ranh giới quốc gia thời chúa Phước Nguyên. Các tài liệu không nói thật rõ, nhưng có khả năng biên giới phía Nam với Chiêm Thành thời ấy đã tới tận đèo Cù Mông hoặc đèo Cả. Tác giả điều chỉnh biên giới về đoạn tuyến cắt ngang miền Trung ở Phú Tài-Tuy Phước- Vân Canh để cố tình hư cấu nên chiến dịch mở cõi trước khi Duy Từ chết. Theo đó, những lần mở cõi sau này tuy do Hữu Dật, Hữu Tiến và các danh tướng khác thực hiện, nhưng đều nằm trong chiến lược, chiến thuật mở cõi của Duy Từ hoạch định sẵn ở thời điểm hư cấu này. Có như thế mới khắc đậm được tài năng quân sự và công lao mở cõi của ông.
6. Lời kết
Cuốn Quân Sư Đào Duy Từ tôi viết với tất cả tâm huyết nhằm khai thác những khía cạnh độc đáo về cuộc cải cách toàn diện ở phương Nam thời chúa Phước Nguyên cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, tôn giáo… do ông khởi xướng. Tôi rất biết ơn GS Văn Tạo đã đề cập đến cuộc cải cách này trong công trình nghiên cứu của ông, nhất là việc thay đổi chính sách “Nhà đồ”, thực chất là bãi bỏ độc quyền về ngoại thương. Song nếu không có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc với các GS Đinh Xuân Lâm, Hoàng Văn Khoán, Hoàng Thị Châu…, có lẽ tôi sẽ còn loay hoay nhiều chỗ cần hư cấu làm nền cho tư tưởng cải cách của Đào Duy Từ. Tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn đến các GS khả kính, cũng là lời nhắn gửi đến các bạn viết trẻ về kinh nghiệm và hướng đi, nếu các bạn muốn dấn thân vào lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử đầy khó khăn, vất vả, nhưng rất giàu cảm hứng khơi nguồn sáng tạo. Mặt khác, nó cũng là lời cảnh báo cho ai muốn nghiên cứu về Đào Duy Từ qua cuốn sách của tôi tránh được sự ngộ nhận đáng tiếc như có người đã ngộ nhận!...
Hà Nội 26/12/2006
Phụ lục 1:
Thử so sánh các nhân vật hư cấu trong“Quân sư Đào Duy Từ” của Vũ Ngọc Tiến (NXB Kim Đồng, 5/2002) với “Quân sư Đào Duy Từ” của Trần Hiệp (NXB Phụ Nữ- 12/2006) - Điểm khác biệt được gạch dưới!
TT |
Vũ Ngọc Tiến |
Trần Hiệp |
Quan hệ, danh phận |
Tên nhân vật |
Quan hệ, danh phận |
Tên nhân vật |
|
Tướng từ quan, bạn của cha ĐDT |
Nguyễn Hữu Danh |
Tướng từ quan, bạn của cha ĐDT |
Nguyễn Hữu Danh |
|
Bạn từ thiếu thời của ĐDT |
Nguyễn Hữu Dư |
Bạn từ thiếu thời của ĐDT |
Nguyễn Hữu Dư |
|
Bạn từ thiếu thời của ĐDT |
Thục Nga |
Bạn từ thiếu thời của ĐDT |
Thục Anh |
|
Thầy đồ, thầy giáo đầu tiên của ĐDT |
Mậu |
Thầy đồ, thầy giáo đầu tiên của ĐDT |
Mậu |
|
Đại sư, thầy dạy giáo lý, võ thuật của ĐDT, trụ trì chùa Đàn Xuyên |
Duy Giác |
Đại sư, thầy dạy giáo lý, võ thuật của ĐDT, trụ trì chùa Ngân Xuyên |
Thích Thanh Bảo |
|
Xã trưởng xã Hoa Trai |
Đặng Phấn |
Xã trưởng xã Hoa Trai |
Đặng Phương |
|
Chú tiểu (sau thành sư) đấu võ với ĐDT |
Tuệ Năng
|
Chú tiểu thử tài đấu võ với ĐDT |
Tâm Minh
|
|
Vợ ĐDT, con gái phú hộ họ Cao |
Cao Thị Vân, mẹ của Hưng và Huệ (lưu ý: đây là nhân vật có thật, tác giả chỉ hư cấu việc để tránh phạm húy Chúa bà đổi tên từ Cao Thị Nguyên thành Cao Thị Vân) |
Vợ ĐDT, con gái phú hộ họ Cao |
Cao Thị Vân, nhưng chết trẻ (trong truyện của ông Hiệp, vợ đầu của ĐDT là bà Cao Thị Nguyên ở Hoa Trai, sau ông lấy bà Cao Thị Vân ở Tùng Lâm…) |
|
Người đưa thư của Nguyễn Hoàng |
Khách buôn dưới thuyền |
Người đưa thư của Nguyễn Hoàng |
Khách buôn dưới thuyền |
|
… |
|
|
|
Lưu ý: Các nhân vật đã hư cấu trên có đời sống riêng của họ. Chính vì vậy, “đâm lao đành phải theo lao”, rất nhiều tình tiết, sự kiện liên quan đến nhân vật hư cấu của Vũ Ngọc Tiến “đành” xuất hiện tiếp trong truyện của ông Hiệp (rải rác trong nhiều phần khác, ngoài phần I – Xuống núi - của ông như đã nói). Đôi chỗ cả lời thoại cũng bị bê nguyên xi.
Phụ lục 2:
PHÂN TÍCH CÁC SỰ KIỆN HƯ CẤU GIỐNG NHAU
riêng tại Phần I: Xuống núi, trang 8- 66,
trong “Quân sư Đào Duy Từ” của Trần Hiệp (NXB Phụ Nữ, 12/2006)
với “Quân sư Đào Duy Từ” của Vũ Ngọc Tiến (NXB Kim Đồng, 05/2002)
Cũng như tên sách “Quân sư Đào Duy Từ”, bản thân khái niệm “xuống núi” đã là một sự sao chép ý tưởng rồi. Tuy nhiên, nó vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng nên tôi sẽ lần lượt đi vào từng chi tiết, nhân vật, sự kiện, lời thoại để chứng minh hành động đạo văn này. (Các phần sau cũng vậy, song tôi sẽ chỉ thống kê tiếp, theo yêu cầu của cơ quan hữu trách. Điều thú vị là do không hiểu ý đồ hư cấu của tôi về một số nhân vật nên ông Hiệp sau khi viết phần I như vậy đã bị sa vào nhiều lỗi ngớ ngẩn về lịch sử và logic sự kiện ở các phần sau. Tôi cũng sẽ chứng minh điều này khi cần.)
- Khi tôi hư cấu nhân vật đại sư Duy Giác trụ trì chùa Đàn Xuyên, hậu duệ của hoàng tộc nhà Trần, là có ẩn ý để ông trở thành thày dạy của Đào Duy Từ cả Nho- Phật- Lão, võ nghệ và binh pháp, còn trong lịch sử không thấy có đại sư nào là thầy dạy Đào Duy Từ. Ông Trần Hiệp cũng lặp lại, thay tên là đại sư Thích Thanh Bảo, cũng hậu duệ nhà Trần (trang 8), còn chùa Đàn Xuyên thay bằng chùa Ngân Xuyên.
- Cuộc đàm đạo giữa Đại sư Thích Thanh Bảo với Đào Duy Từ (trang 9- 18) về cơ bản là giống với tôi đã hư cấu cả về ý tứ, lời nói, tư tưởng, nhưng kém cỏi, mờ nhạt hơn nhiều. Bởi nhân vật đại sư Duy Giác lồng lộng, chói sáng và Đào Duy Từ (theo mô tả của Vũ Ngọc Tiến) đối đáp với Ngài cũng đầy tố chất của một nhà cải cách trong tương lai. Ở đây lộ rõ một vấn đề, khi người đạo văn không hiểu dụng ý của tác giả trong nguyên tác sẽ làm tầm thường hình tượng văn học trong ấn bản ký sinh mà thôi.
- Cuộc đấu võ thử tài Duy Từ (trang 20- 25) sao mà giống với VNT mô tả cuộc đấu võ thử tài Duy Từ của tiểu Tuệ Năng, chỉ khác ông Hiệp đặt lại tên cho tiểu là Tâm Minh.
- Sự kiện Thục Anh giả trai, Duy Từ vào quán (trang 27- 35) và sự kiện Thục Anh gặp Duy Từ (trang 41- 45) cũng là sao chép trong tác phẩm của tôi, chỉ khác Thục Nga đổi tên thành Thục Anh, bọn cướp chuyển thành lũ lính đảo ngũ. Hẳn là ông Hiệp ngộ nhận nó cũng có thật chăng?
- Các nhân vật thầy đồ Mậu, Hữu Danh, Hữu Dư, Thục Nga (Thục Anh) không có trong lịch sử. Tôi hư cấu là có chủ ý (đã từng trao đổi lý do, mục đích hư cấu với GS Đinh Xuân Lâm và nhà nghiên cứu về Đào Duy Từ, học trò của GS Lâm là bà Trần Thị Liên). Song vì ông Hiệp tưởng thật, lại không hiểu ý đồ của Vũ Ngọc Tiến nên đã giữ nguyên tên các nhân vật (trừ Thục Nga), khai thác dài dài ở các phần sau dẫn đến nhiều chỗ sai về lịch sử hoặc logic sự kiện! (thật khổ cho tôi và các nhà sử học!)
- Ở trang 51- 54, có sự kiện nhân vật xã trưởng cưỡng hiếp bà Mạch (mẹ Duy Từ) và ở trang 59- 66 có sự kiện Duy Từ, Thục Anh giải cứu Hữu Dư khỏi nhà giam, mối tình éo le giữa Thục Anh (Thục Nga) với Duy Từ và Hữu Dư cũng là do tôi hư cấu 100% mà sao ông Hiệp lại tin là có thật trong sách sử rồi hồn nhiên sao chép của tôi sự kiện này?...
Sơ lược thống kê phần I của sách ông Hiệp (trang 8- 66) như vậy, còn trích dẫn tỷ mỷ phải thống kê được 15- 20 tình tiết ở riêng phần này. Tôi sẽ tiếp tục thống kê hàng vài chục sự kiện, tình tiết, nhân vật hư cấu ở các phần khác nữa, nếu ông Hiệp và NXB Phụ Nữ yêu cầu. Cái tôi dám chắc là mỗi một thao tác hư cấu của tôi đều có nguyên do từ lịch sử, còn ông Hiệp không biết sẽ lý giải thế nào.
Có thể nói, ông Hiệp sử dụng tác phẩm của tôi để viết lại thành một truyện khác, nhưng do lười nghiên cứu lịch sử nên ông đã ngộ nhận nhiều chỗ tôi hư cấu, coi đó là thật, và vì thế ông đã hồn nhiên sử dụng.
Phụ lục 3:
PHÂN TÍCH CÁC SỰ KIỆN HƯ CẤU GIỐNG NHAU
từ phần II- Ra Bắc đến phần VII- Quân Sư
trong “Quân sư Đào Duy Từ” của Trần Hiệp (NXB Phụ Nữ, 12/2006)
với “Quân sư Đào Duy Từ” của Vũ Ngọc Tiến (NXB Kim Đồng, 05/2002)
Như đã nói ở các phụ lục 1& 2, các nhân vật của tôi đã bị ông Hiệp sao chép trong phần I (Xuống núi- Trần Hiệp) vẫn tiếp tục xuất hiện ở các phần sau. Và vì thế, những sự kiện liên quan đến họ trong sách ông Hiệp không còn giá trị. (Ví dụ như sự xuất hiện của Hữu Danh, Hữu Dư trong các trang 183- 184 hay 311- 312). Tại phụ lục thống kê tiếp theo này, tôi đặc biệt quan tâm đến những tình tiết, sự kiện vốn là tôi hư cấu cho nhân vật lịch sử có thật cũng đã bị ông Hiệp ngộ nhận là thật và sử dụng:
- Sự kiện các quan trong triều, trong đó có Lê Thời Hiến, Phùng Khắc Khoan tiến cử Duy Từ với Trịnh Tráng, bị Nguyễn Hóa dèm pha nên Chúa không dùng và cho lùng bắt để giết (trang 74- 77) vốn không có trong sử. Tôi hư cấu sự kiện này nhằm đẩy hoàn cảnh đến bước khắc nghiệt khiến Duy Từ trốn khỏi Thăng Long. Những lời dèm của Nguyễn Hóa, ông Hiệp sao chép khéo nhưng vẫn lộ ra nội dung của ấn bản của tôi. Thậm chí chức quan “hành khiển” của Nguyễn Hóa là do tôi cố ý đặt cho để tăng sức nặng lời dèm chứ trong sử ông ta chỉ là quan chức hạng tầm thường, ông Hiệp cũng ngộ nhận.
- Chùm sự kiện liên quan đến nhân vật Lê Thời Hiến, trong sách ông Hiệp có 3 sự kiện thì 2 sự kiện là sao chép, chỉ có sự kiện Hiến về Hoa Trai thăm vợ chồng Duy Từ (trang 127- 142) là của ông Hiệp mà thôi. Sự kiện Duy Từ gặp Thời Hiến ở Thăng Long tại dinh thự của mình (trang 80- 90) thì toàn bộ nội dung đối thoại tuy dài hơn tôi, nhưng bả chất sự việc là hoàn toàn giống ấn bản của tôi, kể cả tình tiết Hiến giúp Từ những lạng bạc làm lộ phí. Sự kiện thứ ba, Thời Hiến và Duy Từ đối kháng trong cuộc chiến ở sông Linh Giang (trang 379- 283) cũng không hề có, thậm chí lệch với tài liệu sử nhưng ông Hiệp sao chép một cách lộ liễu, gần như bê nguyên vào sách của mình (như chức nguyên súy hư cấu cho Thời Hiến, hình ảnh quân lính bắc loa gọi Duy Từ, tình tiết Duy Từ bày trận Chu Thiên…) Trong chính sử, Thời Hiến chỉ xuất hiện trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn bắt đầu từ cuộc chiến thứ tư (1648) và nổi danh ở cuộc chiến thứ bảy (1672). Trận đánh Nam Bố Chính bên bờ Linh Giang là cuộc chiến thứ hai (1632) không hề có mặt Thời Hiến. Tôi cố tình tạo ra sự có mặt sai với cứ liệu trong sử là có lý do riêng (điều này tôi có thể giải thích rõ khi cần.) Ngay trong phần II (Về quê- trang 91- 155, bao gồm cả sự kiện Thời Hiến về Hoa Trai), phần này do ông Hiệp sáng tác nhưng nhiều sự kiện bị mắc vào tình trạng phi logic do ông Hiệp đã bị lệ thuộc vào các sự kiện mà ông lỡ sao chép trước đó.
- Sự kiện Duy Từ lấy con gái phú ông họ Cao vốn có thật, được ghi trong nhiều tài liệu của các sử gia. Căn cứ tài liệu hiện có, tôi thấy có hai luồng giả thiết của giới sử gia: một là Duy Từ cưới bà Cao Thị Nguyên khi còn ở quê Hoa Trai- Thanh Hóa, hai là lấy vợ ở Tùng Châu, con gái phú ông có tên Cao Thị Nguyên. Việc Trần Đức Hòa gả con gái Trần Thị Chế (theo sử, còn theo ông Hiệp là Trần Thị Hiền) vẫn là ẩn số. Tôi theo giả thuyết ông lấy bà Nguyên ở Tùng Châu, nhưng tôi hư cấu Duy Từ khuyên phú ông đổi tên bà thành Vân vì sợ kỵ húy do trùng tên với chúa Phước Nguyên để tránh đắc tội khi quân. Ông Hiệp ở phần III (Về quê) đã ngả theo giả thuyết Duy Từ lấy bà Nguyên ở Hoa Trai, sau đó đến phần VI (Thầy Đồ), không hiểu vì sao ông Hiệp vẫn cố sao chép thêm nhân vật Vân của tôi! Và thế là ông lại cho bà Nguyên (do tôi đổi tên thành Vân) lấy Duy Từ một lần nữa (trang 259- 268). Vậy nên mới có chuyện hai đứa con Hưng và Huệ vốn của một bà bị xé ra cho “hai bà vợ”! Tóm lại, tên Cao Thị Vân không có trong sử, do tôi hư cấu việc đổi tên Nguyên mà thành; còn ông Hiệp đã lỡ sao chép tên Vân mà sinh lúng túng, vô tình đắc tội với lịch sử vì Đào Thị Hưng và Đào Duy Huệ cùng một mẹ (bà Nguyên) sinh ra lại biến họ thành cùng cha khác mẹ!? Thậm chí vì “gỡ bí” cho vụ Duy Từ lấy con gái Trần Đức Hòa, ông Hiệp nỡ hư cấu thêm, đẩy bà Vân (Nguyên) phải chết trẻ, để lại đứa con mồ côi mẹ ở Tùng Châu là điều xúc phạm đến gia tộc họ Đào ở Bình Định cũng rất không nên.
- Đoạn kết câu chuyện về cuộc đời vĩ nhân Đào Duy Từ, ông Hiệp có thể hư cấu giống tôi về sự kiện Phước Nguyên đến thăm, trò chuyện với Duy Từ đang hấp hối… Đó là lẽ thường tình ai cũng có thể nghĩ ra sự kiện này. Tuy nhiên cái tình tiết rất đắt: Duy Từ tặng chúa Phước Nguyên cuốn binh thư - tình tiết hư cấu cuối cùng của tôi, thật lạ lùng, lại cũng gặp trong sách ông Hiệp!...