Chỗ sân ấy hồi hè tụi con nít còn cò cò, u hơi, vậy mà mới vài ba trận mưa mùa đã mênh mông nước. Rồi bèo lấm tấm xanh, rau ngổ, rau muống mọc đầy, vươn những cái ngọn non nhuốt, trắng phau phau. Từ ngoài đường vào khu nhà thuê chỉ còn một lối nhỏ lát gạch Tàu rêu trơn tuột. Dặn hoài, nhưng đêm qua, ông già Sáu Đèo lại trợt chân.
Ông còn ngồi loay quay ngoi ngóp dưới sân bèo thì vừa lúc Phi về, anh hỏi, trời đất, làm gì ngồi đây. Ông Sáu cười, hàm răng rống trơ, móm mém, "Qua chờ chú em về". Phi nắm tay đỡ ông dậy, xốc ông lên vai như xốc một đứa bé lên mười. Ông già dụi cái mặt già nua vào tóc anh, biểu:
- Chú em, tóc dài rồi, sao không chịu đi cắt đi, thanh niên để vậy coi bầy hầy lắm.
Phi không nói gì hết, lòng anh lặng đi, nghe nhói ran cả ngực mà không biết niềm nhớ nó đang cựa quậy chỗ nào. Lâu lắm rồi mới có người nhắc anh chuyện tóc tai.
Hồi ngoại Phi còn sống, thấy tóc anh ra hơi liếm ót bà đã cằn nhằn: "Cái thằng, tóc tai gì mà xấp xãi, hệt du côn". Phi cười, "Con làm nghệ sỹ, tóc phải dài chút đỉnh chớ, ngoại". Ngoại anh nạt, "Người ta nhìn nghệ sỹ là nhìn tài, nhìn tánh chứ nhìn mái tóc sao?". Phi không cãi nữa, cầm mấy ngàn chạy đi, lát sau đem cái đầu tóc mới về.
Nói cho cùng, anh không nghe lời ngoại thì nghe ai bây giờ.
Phi sinh ra đã không có ba, năm tuổi rưỡi, má Phi cũng theo chồng ra chợ sống. Phi ở với bà ngoại, chiu chít quanh quẩn bên chân bà như gà mẹ gà con. Thấy Phi suốt ngày tha thủi một mình, ngoại biểu đi hàng xóm chơi, Phi lắc đầu, "Đi đâu ai người ta cũng bảo giống ông Hiểu nào, trưởng đồn Vàm Mấm nào á. Con với ổng nước lã, người dưng mà, ngoại?" Ngoại không nói gì, lặng lẽ ngồi đương thúng, dường như trong mình có chỗ nào đó đau lắm, nhói lắm.
Phi mười, mười lăm tuổi đã biết rất nhiều chuyện. Thì ra, đã không còn cách nào khác, má mới bỏ Phi lại. Sau giải phóng, ba Phi về, xa nhau biền biệt chín năm trời, về nhà thấy vợ mình có đứa con trai chưa đầy sáu tuổi, ông chết lặng. Cũng như nhiều người ở Rạch Vàm Mấm này, ông ngờ rằng má Phi chắc không phải bị tên đồn trưởng ấy làm nhục, hắn lui tới ve vãn hoài, lâu ngày phải có tình ý gì với nhau, nếu không thì giữ cái thai ấy làm gì, sinh ra thằng Phi làm gì. Ngoại Phi bảo, "Tụi bây còn thương thì mai mốt ra tỉnh nhận công tác, rủ nhau mà đi, để thằng Phi lại cho má".
Sau này ngoại hỏi Phi, ngày xưa ngoại tính vậy con có buồn không, Phi cười, làm gì mà buồn, ngoại. Nếu chuyện con ở lại làm cho hết thảy mọi người đều đề huề vui vẻ thì con cũng vui chớ.
Má cũng hay về thăm Phi, thường là về một mình. Tất bật, vội vã, không làm gì cũng vội vã. Lần nào cũng hối hả kéo Phi vào lòng hỏi còn tiền xài không, lúc rày học hành thế nào, có tiếp ngoại vót nan không, sao mà ốm nhom vậy? Rồi từ từ má chỉ hỏi anh chuyện tiền xài thôi.
Hết cấp hai, Phi lên thị xã mướn nhà trọ học, một năm mấy lần lại nhờ má đi họp phụ huynh. Gặp bữa mưa thì trèo lên mái nhà thông máng xối, khi thì tiếp má khiêng mấy tấm dal lót sân sau, thấy gì làm nấy như ở nhà mình. Ba Phi thì hội họp, công tác liên miên, Phi ít gặp. Ông thay đổi nhiều, tướng tá, diện mạo, tác phong nhưng gặp Phi, cái nhìn vẫn như xưa, lạnh lẽo, chua chát, lại như giễu cợt, đắng cay. Mà, ba thì dứt khoát không nhìn con như vậy. Ông hay chê Phi với má, "Cái thằng, lừ đừ lừ đừ không biết giống ai" (còn có thể giống ai?). Hết lớp mười, Phi vừa học vừa tìm việc làm thêm. Má anh rầy, "Bộ má nuôi không nổi sao?" Phi cười, "Má còn cho mấy đứa em, phải lo cho tụi nó học cao hơn nữa. Tự mình con sống cũng được, má à. Hồi con mới vài ba tháng tuổi, lúc biết lật, có khi quăng cái đít không qua, không phải ngoại đã biểu má đừng đỡ tiếp để sau này làm việc gì con cũng tự làm được đó sao". Rồi Phi thôi học đi theo đoàn hát, má anh giận tím ruột bầm gan, "Ai đời ba mầy làm tới chức phó chủ tịch, không lẽ không lo cho mầy một chỗ làm tử tế, sao lại vác cây đờn đi hò hát lông bông. Làm vậy khác nào làm ổng mất mặt". Chỉ ngoại Phi là không rầy, ngoại anh hỏi, "Bộ làm nghề đó vui lắm hả con? Thoải mái chớ gì? Phải rồi, hồi xưa má con đẻ rớt con trên bờ mẫu, mở mắt ra đã thấy mênh mông trời đất rồi, bây giờ bị bó buộc con đâu có chịu". Phi chỉ cười cười mà không nói. Hồi còn ở đoàn cải lương Bông Tràm thì vui, đóng vai quân sỹ cũng vui, rồi đoàn giải thể, phía bên ca múa nhạc nhận Phi về, mùa nắng thì đi nông thôn, mưa ở lại thị xã, bạn đồng nghiệp rủ Phi đi hát rong ở mấy quán nhậu, nhà hàng, chạy show đám tang, đám cưới... Chỉ thiếu điều ôm cái thùng kẹo kéo ra ngoài đầu chợ vừa hát vừa rao thôi. Mà, ban đầu thấy ê chề, tủi cực lắm. Bây giờ thì không bỏ được, vì được sống tự do tự tại, được hát để vợi nỗi lòng chứ không hẳn vì đôi ba chục ngàn bồi dưỡng mỗi đêm. Nếu không có hợp đồng đi hát xa thì ba giờ chiều Phi vác cây đờn ra quán đến tận hai ba giờ khuya mới về, lúc về đã say. Thì khách người ta mời mỗi bàn mấy ly nào bia, nào rượu trộn lẫn lại làm gì mà không say. Say rồi hát nghêu ngao trên đường về. Nhờ vậy, mà người ở xóm lao động nghèo nầy biết thằng Phi "nghệ sỹ" vẫn còn ở đây, trong căn nhà cửa trước lúc nào cũng khép im ỉm. ở trong cái tổ bê bối của mình, Phi ngủ vùi đến trưa hôm sau. Ngoại biểu anh cưới vợ hoài, nhưng Phi nghĩ mãi, có ai chịu đựng được anh chồng lang thang say xỉn như mình, hồi còn là một hòn máu thoi thót anh đã làm khổ bao nhiêu người rồi, bây giờ lấy vợ không phải lại làm khổ thêm một người nữa sao?
Rồi ngoại Phi nằm xuống dưới ba tấc đất, đôi bông tai bằng cẩm thạch ngoại để dành cho cháu dâu vẫn còn nằm im trong hộc tủ thờ. Còn một mình, anh đâm ra lôi thôi, ba mươi ba tuổi rồi mà sống lôi thôi, ba mươi ba tuổi rồi mà còn nghèo hoài. Nhiều bữa trời mưa thức dậy thì không thấy đôi dép đâu, cái thau nhựa bể vành dành để giặt đồ đủng đỉnh trôi lại. Bèo theo nước mơn man mấy cái chân giường. Ngó cảnh nhà, Phi tự hỏi, mình sống bê bối từ hồi nào vậy cà. Từ hồi nào thì phong trần, bụi bặm, khắc khổ, ăn bận lôi thôi, quần Jean bạc lổ chổ, lai rách te tua, áo phông dài quá mông, râu ria rậm rạp, móng tay dài, tóc dài. Từ hồi nào muốn soi kiếng phải lấy tay vẹt mớ râu tóc ra như người ta vẹt bụi ô rô.
Không biết, có ai la rầy, có ai để ý đâu mà biết. Má anh lâu lâu lại, hỏi anh đủ tiền xài không, bà có nhìn anh nhưng không quan tâm lắm chuyện ăn mặc, tóc tai. Ngoài ngoại ra, chỉ có ông già Sáu Đèo nhắc anh chuyện đó.
Ông già Sáu mới dọn lại thuê một căn chung vách với nhà Phi. Ông cũng nghèo, lúc chuyển đến đồ đạc chỉ gói gọn bốn cái thùng cáctông, dọc đường rớt đâu mất một thùng đựng mùng mền quần áo nên chỉ còn bộ đồ duy nhất dính da. Ai cũng ái ngại, ông Sáu phủi tay cười, "Thôi, của đi thay người, ba thứ đó mà nhằm gì, mất con quỷ này mới tiếc". Ông chỉ tay vô cái lồng trùm vải xanh. Giở ra nhìn thấy một con bìm bịp chỗ nào cũng đen trủi, trừ đôi cánh màu xám. Đám trẻ xúm lại, bảo nhau "Ngộ quá ha. Nó hót làm sao?". "Bậy, bìm bịp đâu có hót, nó kêu, tiếng của nó phát ra từ trong cổ họng nầy nè. Giọng nó ấm lắm, tiếng kêu phát ra từ tấm lòng mà. Mấy con chim há mỏ ra hót lách chách thấy vậy chớ không chân tình đâu, rồi ông già dừng lại, nuốt nước miếng, hạ giọng, con người ta cũng vậy thôi hà". Đám trẻ nấn ná chờ hoài, mãi con bìm bịp mới cất tiếng kêu, tụi nó tiu nghỉu, "Kêu gì buồn thấu trời". Ông già cười hỉ hả, "Buồn hả, buồn chớ sao không. Trời sanh ra cho nó con mắt đỏ như khóc vầy không buồn sao được".
Lúc đó, Phi vừa ngủ dậy, đứng lặng, lắng nghe tiếng bìm bịp buồn buồn xa vời vợi trong ánh nắng chiều, Phi nhớ triền dừa nước xanh miết ở trước nhà ngoại mình, nhớ đứt ruột. Lúc đó, ông già đang mặc độc cái quần tà lỏn đã xoăn cón ngồi giặt bộ đồ kaki màu cứt ngựa, thân hình nhỏ quắt quằn quặt, chép miệng, "Con trời vật nầy lại kêu bậy, giờ nầy con nước đang chuẩn bị ròng sát đáy. Qua rành con nước tháng ba nầy quá mà. Nó bỏ sông lâu quá rồi. Chú em mầy nhớ quê hả ?". Phi gật đầu. Ông già rủ, "Vậy chút nữa qua nhà qua nhâm nhi mấy ly chơi". Phi không ngần ngại, nhận lời. Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu.
Nhà ông Sáu có sẵn rượu, nhưng ông bảo không phải ông ghiền, sẵn rượu để gặp tri âm nhâm nhi chút chơi, "Qua thích chú em qua mới mời". Đi lại vài ly, ông già hỏi:
- Chú em đang đau ở trong tâm phải hôn? Chỉ có người đau mới uống từng chút như vầy.
Phi cười, anh vốn ít lời, lại không thích kể lể chuyện mình. Ông già lại không ép, ông nói nỗi buồn như cái ao, càng đào càng sâu, ai ác làm gì. Mà, cái ông già nầy chắc cũng đang đau, cũng uống từng chút một đó chớ. Và uống tới chừng nào đó, ông già còn gõ chén ca "Chớ bìm bịp kêu nước lớn chớ em ơi. Buôn bán không lời... chớ buôn bán không lời... chèo chống mỏi mê...". Giọng ông già nghẹt mũi tựa như khóc. Rồi ngoảnh ra sân vắng, ông già chắc lưỡi, cha, tới sáng mai không biết đồ có khô kịp không đây. Phi về lục lọi cho ông vài ba cái quần tây với áo lẻ, lúc trở qua đã thấy ông già, treo bộ đồ trước mặt, vừa uống vừa quạt, dáng điệu vừa trịnh trọng vừa nhẹ nhàng, nâng niu như đang quạt cho người yêu mình.
Sáng sau, lúc Phi còn đang ngủ thì ông già Sáu vỗ vách, "Qua đi đây, chú em nhớ dòm chừng con quỷ sứ dùm qua nghen". Phi chợt tỉnh, bàng hoàng, đó là lúc anh đang mơ màng nghe tiếng mưa long tong trên mái nhà, Phi đang thèm ai đó gọi mình thức dậy. Đợi qua cơn xúc động thì ông già đã đi xa rồi.
Ông Sáu Đèo làm nghề bán vé số, có tối ông gặp Phi ở ngoài quán. Lúc thì cho hay, sao phơi giày mà để mưa ướt mem vậy. Sao đồ ăn không chịu đậy kỹ, để mèo vô ăn hết cá chiên rồi, nó còn tha cái đầu qua nhà qua. Nhưng lần nào ông cũng đứng nghe anh hát, hết bản, vỗ tay xong, ông cũng "boa", không phải cái kiểu kẹp tờ giấy bạc giữa hai ngón tay rồi phe phẩy trước mặt anh, ông từ tốn rút trong túi ra tờ giấy bạc hai ngàn, nhét vào túi Phi rồi cài nắp túi cẩn thận. Trân trọng như trân trọng người nghệ sỹ.
Trời trở chướng, ông Sáu than đau nhức mình. Phi qua nhà cạo gió cho ông. Lần theo những chiếc xương gồ ra trên thân mình nhỏ thó, ốm teo, Phi buột miệng "Bác Sáu ốm quá". Ông già Sáu cười, "Tính chết mấy lần rồi, nhưng còn mắc nợ đời. Nợ thì phải trả chớ bỏ đi đâu. Thứ nhất là nợ con quỷ sứ nầy nè, tội nghiệp". Ông kể, có lần định đem con bìm bịp cho người ta. Cậu đó cũng tử tế lắm, bữa đó nhậu cườm cườm, qua với nó mới bàn về rượu. Qua nói chuối hột mà ngâm rượu uống say lúc nào không biết, nó cãi, bìm bịp ngâm rượu mới thiệt là ngon. Qua thôi. Sau nầy có ông cán bộ giàu lắm, mua vé số của qua hoài, nghe kể có con bìm bịp, ổng xin, qua đem lại, nhưng cả tuần nó không kêu tiếng nào, thấy qua lại thăm, nó nhìn đứt ruột lắm. Qua xin lại, đem về, những thứ quê mùa như nó, ở nhà lầu thì không cất tiếng được". Ông biểu, "Sống một mình thì buồn lắm, chú em nên nuôi con gì đó, con... vợ thì tốt nhất, nếu chưa tính chuyện đó được thì nuôi chó, mèo, chim chóc. Đừng nuôi sáo, nuôi sáo kết cục rồi cũng chia ly hà, nó hay sổ lồng, chết yểu. Kiếm thứ dân dã mà nuôi, để nhớ quê, nhớ gốc rễ mình, để đi đâu cũng muốn về nhà. Như qua, nhiều lúc phò con bìm bịp nầy như phò bà già vợ vậy mà vui". Đi bán ở đâu, lâu lâu ông cũng tạt về nhà, quăng mấy con cá ươn cho "con quỷ sứ", xong rồi từ giã, "Tía đi nghen".
Trời mưa dầm, ông già đội áo đi kiếm cóc, rắn mối cho nó ăn. Vui buồn gì cũng tía tía con con. Có đêm con bìm bịp kêu suốt, những tiếng bịp bịp ngắn ngủn buồn thiu thỉu, ông bảo với Phi, nó nhớ sông đó. Lúc nào qua thấy nhớ sông nó đều kêu như vậy. Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ nầy xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau, nước ngược cắm sào đậu lại thổi cơm, bìm bịp kêu, nước bò lên bãi, ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm.
Phi hỏi, "Vậy bác Sáu gái đâu rồi ?" Ông già rên khẽ, "Chú mầy cạo mạnh tay làm qua đau quá". Ông quay lại, gương mặt ràn rụa nước mắt, Phi giật mình, hỏi quýnh quáng, "Con làm bác đau thật à, chỗ nào vậy bác?". ừ, cái chỗ nầy, chú mầy không làm qua hết đau được đâu. Ông già Sáu mếu máo chỉ về phía tim. "Cổ đi rồi. Sống khổ quá nên cổ bỏ qua. Cổ lên bờ, không từ giã gì hết, bữa đó đúng là qua bậy, qua nhậu xỉn quá trời, rồi cũng có cự cãi mấy câu, cảnh nhà không con nên sanh buồn bực trong lòng, qua có hơi nặng lời, cổ khóc.
Lúc thức dậy thì cổ đã đi rồi. Qua đã tìm gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò rồi mà chưa thấy. Kiếm để làm gì hả ? Để xin lỗi chớ làm gì bây giờ. Mà, kiếm hoài không gặp, qua sợ mình mắt dở rồi nên nhìn không ra cổ, tới chết không biết có gặp được không". Ông Sáu ngừng lại, lấy tay quệt nước mắt, "Cái con bìm bịp quỷ nầy nó cũng bỏ qua mấy lần nhưng ngủ một đêm trên đọt dừa nó lại quay về. Sao cổ không quay lại?". Phi không biết. Không biết.
Vì không biết nên ông già phải đi tìm để hỏi cho ra. Rồi một bữa, ông bày ra bữa rượu để từ giã Phi, ông bảo đã ở đây một năm hai tháng mười chín ngày rồi, ngõ nào cũng đi hẻm nào cũng tới mà người thương đâu chưa thấy. Phi hỏi ông sẽ đi đâu mà cảm giác giọng mình đang run rẩy. Ông Sáu cười, "Cha, để coi, chỗ nào chưa đi thì đi, còn sống thì còn tìm. Qua nhờ chú em một chuyện, chú em nuôi dùm qua con quỷ sứ nầy. Qua yếu rồi, sợ có lúc giữa đường lăn ra chết, để con "trời vật" nầy lại không ai lo. Qua tin tưởng chú em nhiều, đừng phụ lòng qua nghen". Phi dạ. Ông dặn đi dặn lại, con bìm bịp nầy ăn tạp lắm, nó khoái ăn cá ươn, cá chết, chú em mầy đừng có sợ nó hư bụng, nó sành ăn tổ cha. Cũng đừng chấp nê mấy thứ hư thúi đó, cho dù ăn gì thì nó cũng kêu hay, như con người ta vậy, nhìn nhau phải nhìn mặt tốt của nhau. Mai mốt nó đẻ trứng, chú em lấy giấu đi, để nó thấy mấy cái trứng mồ côi nó tủi. Hai người ngồi ở sân sau, dưới một đêm trăng sáng, trăng đầy. Có lần ông bảo, sướng nhất là được uống rượu dưới trăng.
- Chú mầy uống đi, buồn gì, hai đứa mình có duyên gặp đây, có phải là vui biết bao nhiêu không? Nhưng qua có lời dặn lại, chú em đừng bao giờ uống say quá, chỉ những người sầu muộn mới uống say thôi.
Ông đi rồi, chỉ còn lại Phi và con bìm bịp, thấy nó cứ thắc thỏm mổ cái mỏ vào mấy nan tre, tưởng nó đói, Phi đi bắt rắn mối cho nó ăn. Nhưng nó không ăn, cả đêm kêu thê thiết, những tiếng bíp bíp nhỏ xuống cái xóm Rạch Chùa từng giọt như giọt máu. Phi giở cửa lồng, con bìm bịp đập cánh xao xác, đứng niễng đầu nhìn anh buồn lắm, sao anh ngồi đây mà tía tôi đâu? Phi cười buồn bã, ước gì tao biết được bây giờ tía đang ở đâu. Tía thấy tao buồn nên để mầy ở lại,nhưng rồi lúc ông già bé nhỏ ấy buồn, ai kêu nước lớn cho ông nghe.
Từ đấy, ông già Sáu Đèo chưa một lần trở lại. Từ đấy, giữa biển người mênh mông, Phi gặp biết bao nhiêu gương mặt, cùng cười đùa với họ, hát cho họ nghe, cùng chạm ly uống đến say... Nhưng không ai nhắc Phi cắt tóc đi, đàn ông đàn ang ai để tóc dài.
Biển người thì mênh mông vậy